Quân hàm là hệ thống cấp bậc trong một quân đội. Ở một số quốc gia, hệ thống cấp bậc này còn được áp dụng trong ngành cảnh sát hoặc một số tổ chức dân sự nhưng được hệ thống theo mô hình quân sự. Thông thường, hệ thống quân hàm được biểu thị bằng các phù hiệu đặc biệt gắn liền với đồng phục. Hệ thống quân hàm được sử dụng nhằm tạo thuận lợi trong các hoạt động chỉ huy, tham mưu, hậu cần... Ban đầu hệ thống này chỉ gồm những cấp bậc đơn giản, trong suốt quá trình phát triển của lịch sử chiến tranh, nó cũng được phát triển về số lượng cấp bậc và trở nên phức tạp hơn.
Trong lịch sử quân sự hiện đại, hầu hết các quân đội chính quy đều có hệ thống quân hàm. Một số trường hợp ngoại lệ như Hồng quân Liên Xô ở giai đoạn 1918–1935[1], Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc giai đoạn 1965–1988[2] và Quân đội Albania giai đoạn 1966–1991[3], đã không áp dụng chính thức hệ thống quân hàm. Tuy nhiên, sau đó thì hệ thống quân hàm vẫn được áp dụng trở lại chính thức sau khi những khó khăn trong việc chỉ huy và kiểm soát do việc bãi bỏ chế độ quân hàm gây ra.
Thông qua các thư tịch cổ, nhiều sử gia đã ghi nhận được sự tồn tại của các cấp bậc quân sự trong quân đội Ba Tư cổ đại. Tổ chức quân sự nhỏ nhất là dathabam gồm 10 người, do một cá nhân là dathapatish chỉ huy. Một hazarabam gồm 100 dathabam, do một hazarapatish chỉ huy. Mười hazarabam hợp thành một baivarabam và do một baivarapatish chỉ huy. CÁc đơn vị kỵ binh cũng được tổ chức thành các asabam do các asapatish chỉ huy.
Các tài liệu lịch sử cũng ghi nhận danh xưng một số cấp bậc trong quân đội các Đế quốc Parthia và Sassanid thời cổ đại:
Tại Trung Quốc cổ đại, thông qua các cuộc chiến tranh chiếm hữu nô lệ, hình thái tổ chức quân đội sơ khai cũng được phát triển dần. Các tài liệu cổ cũng ghi nhận những hình thái tổ chức quân đội đầu tiên trong Vũ kinh thất thư như Quân (軍), Sư (師), Lữ (旅), Tốt (倅), Ngũ (伍). Người đứng đầu đơn vị gọi là Trưởng quan (長官). Đơn vị nhỏ nhất là một Ngũ, gồm 5 người, do Ngũ trưởng (伍長) đứng đầu. Cao hơn Ngũ là Tốt, có khoảng 100 người, do Tốt trưởng chỉ huy. Tiếp theo là Lữ, có 500 quân; Sư có 2.500 quân. Cao nhất là Quân, đứng đầu là một Tướng Quân. Người thống lĩnh quân đội trong một chiến dịch thì được gọi là Soái, Tướng soái hoặc Nguyên soái. Cách gọi tên chức vụ chỉ huy này ảnh hưởng sâu đậm tại các nước Đông Á cho đến tận ngày nay.
Đến thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, quân đội của thành bang Athena được chỉ huy bởi các "strategos", nghĩa là chỉ huy quân đội, tương đương như cấp tướng lĩnh ngày nay. Mỗi năm, người Athen bầu ra 10 người vào chức vụ strategos. Mỗi Strategos sẽ cầm đầu một tribes, tương đương một cánh quân. Các strategos được xem là có thứ bậc ngang nhau, không phân cấp. Mỗi khi có chiến dịch lớn xảy ra, cần có sự huy động tác chiến phối hợp của nhiều cánh quân, kế hoạch tác chiến được thông qua theo nguyên tắc đa số gữa các strategos, mà điển hình như trong trận Marathon năm 490 TrCN.
Ban đầu, các strategos làm việc dưới sự chỉ đạo của nguyên lão phụ trách về chiến tranh, được gọi là "polemarchos", tương đương Bộ trưởng chiến tranh ngày nay. Tuy nhiên, về sau, chức vụ này dần chỉ còn danh nghĩa, không còn vai trò chỉ huy quân đội.
Một cấp bậc dưới của strategos là "taxiarchos" hay "taxiarhos", tương đương chức vụ Lữ đoàn trưởng ngày nay. Tại Sparta, chức vụ này lại được gọi là "polemarchos". Thấp hơn là "syntagmatarches", chỉ huy một "syntagma", tương đương một trung đoàn ngày nay. Các cấp tiếp theo là "tagmatarches", chỉ huy một "tagma", tương đương tiểu đoàn ngày nay; và "lokhagos", chỉ huy một "lokhos" gồm 100 người, tương đương cấp đại đội ngày nay.
Trong lực lượng kỵ binh Hy Lạp, được gọi là "hippikon", một trung đoàn kỵ binh được gọi là "hipparchia" và được chỉ huy bởi một "hipparchos" hay "hipparch". Người Sparta gọi chức vụ này là "hipparmostes". Nếu là đơn vị kỵ binh cung thủ, thì sẽ được gọi là "hippotoxotès". Một đại đội kỵ binh Hy Lạp sẽ được chỉ huy bởi "tetrarchès" hay "tetrarch".
Hệ thống cấp bậc này được áp dụng ở toàn bộ các thành bang Hy Lạp, ban đầu là các lực lượng trên bộ. Khi Athen trở thành một cường quốc hải quân, các strategos ban đầu cũng nắm quyền chỉ huy hải quân. Phụ tá cho strategos là các chỉ huy chiến hạm được gọi là "trièrarchos" hay "trierarch", có nghĩa là sĩ quan chỉ huy chiến hạm 3 tầng chèo. Dưới họ là các sĩ quan chuyên môn có tên gọi là "kybernètès" (sĩ quan lái tàu), "keleusthès" (sĩ quan điều khiển tốc độ), "trièraulès" (đội trưởng trạo thủ). Về sau, danh xưng strategos trong hải quân được thay thế bằng "nauarchos", tương đương cấp bậc đô đốc ngày nay.
Khi Macedonia bành trướng dưới thời vua Philippos II và con trai ông là vua Alexandros Đại đế, quân đội Hy Lạp trở thành đội quân chuyên nghiệp, chiến thuật cũng trở nên tinh vi hơn và được bổ sung thêm một số cấp bậc quân sự. Trong đội hình bộ binh nặng phalanx, một "tetrarchès" hay "tetrarch" chỉ huy một đội hình bộ binh nặng phalanx gồm 4 hàng có tên gọi là tetrarchia. Nếu đội hình gồm 2 hàng thì được gọi là dilochia, do một "dilochitè" chỉ huy. Một đội hình gồm một hàng 8 người, được gọi là lochos, do một "lochagos". Thấp nhất là một tiểu tổ 4 người, được gọi là dimoiria hoặc hèmilochion, do một "dimoirites" hay "hèmilochitès" chỉ huy.
Tuy nhiên, cũng có thể tùy theo đơn vị mà có những danh xưng khác nhau. Ví dụ một tổ 10 người được gọi là dekas hoặc dekania thì lại do một "dekarchos" chỉ huy; một đội 100 người hekatontarchia do "hekatontarchès" chỉ huy; và một chiliostys hay chiliarchia gồm 1000 người, do một "chiliarchès" chỉ huy. Trong một đơn vị kỵ binh thời Alexander, còn có tổ chức một toán ilè, được chỉ huy bởi một toán trưởng "ilarchès".
Quân đội La Mã cũng kế thừa những giá trị này từ quân đội Hy Lạp.
Sự kiện Mông Cổ trỗi dậy và tung hoành khắp thế giới, lần đầu tiên đã phá tung sự cách biệt Đông - Tây. Người Mông Cổ ngoài việc học hỏi và truyền bá văn hóa và giao lưu kinh tế, còn trao đổi và các kỹ thuật, chiến thuật quân sự cũng như tổ chức quân đội của họ. Giống như tổ chức quân đội Ba Tư cổ đại, người Mông Cổ cũng tổ chức quân đội theo thập phân. Cấp cơ sở của họ là aravt gồm 10 người (thập phu), trên nữa là zuut (100 người, bách phu), myangat (1.000 người, thiên phu). Đứng đầu mỗi cấp đơn vị có mỗi trưởng quan. Tổ chức cao nhất của họ là Tümen, gồm 1 vạn quân, tương đương như cấp tướng ngày nay. Dù người Mông Cổ được xem như rất ít có ảnh hưởng đến hệ thống danh xưng cấp bậc hiện đại, tuy vậy, trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay có sử dụng cấp bậc Tümgeneral trong Lục quân và Không quân, cũng như Tümamiral trong Hải quân, chính là chịu ảnh hưởng từ người Mông Cổ mà ra.
Khi Đế quốc Mông Cổ tan rã, ở các nước phương Đông, hệ thống cấp bậc không có gì tiến triển. Họ đã có hệ thống cấp bậc võ quan Cửu phẩm với 18 bậc, vốn chịu ảnh hưởng lâu đời của Trung Hoa. Ngược lại, ở các nước phương Tây, họ học hỏi nhiều từ cách thức tổ chức của Mông Cổ, đã dần hình thành hệ thống cấp bậc quân sự riêng, tách rời với hệ thống tước vị, hoặc chức vụ phong kiến.
Là hình thức quân đội khởi đầu và là lực lượng có quân số hùng hậu, Lục quân có hệ thống cấp bậc hình thành sớm nhất.
Thời Trung Cổ, quân đội của các vị vua được giao cho các Constable (tiếng Pháp: Connétable) chỉ huy. Đến lượt mình, các constable thường được phụ tá bởi các field marshal (tiếng Pháp: maréchal de camp). Do nguồn gốc của từ constable có từ comes stabuli trong tiếng Latin, dùng để chỉ những người phụ trách chăm sóc ngựa cho các lãnh chúa[4][5] (quản mã), sau dần phát triển lên thành một cấp bậc dành cho các nhân viên cao cấp trong quân sự thời Trung Cổ, cấp bậc Marshal cũng rũ bỏ được quá khứ "phò mã" của mình để trở thành một trong những cấp bậc cao cấp nhất trong quân đội.
Danh xưng này phát xuất từ việc các lãnh chúa gửi những đội quân, thường được gọi là các company để nhập vào với đội quân của hoàng đế. Người chỉ huy một company được gọi là 'Captain, có nguồn gốc từ capitaneus trong tiếng Latin, có nghĩa là "trưởng quan".
Danh xưng này có nguồn gốc từ tiếng Pháp là "lieu tenant", có nghĩa là "người phụ trách một phần", phụ tá cho chỉ huy, nhưng ở một phần việc nào đó chuyên biệt, hoặc chỉ phụ trách một đơn vị nhỏ trong một company, gọi là platoon.
Nguyên thủy danh xưng xuất phát từ trong tiếng Latin serviens, có nghĩa là "những người phục vụ". Họ là những binh sĩ do các trưởng quan tuyển dụng và trả lương để làm những công việc chuyên biệt cho vị trưởng quan đó, như phụ trách tuyển dụng, cần vụ, thư ký, tham mưu... Chính truyền thống này mà nảy sinh rất nhiều cấp bậc Sergeant trong quân đội các nước phương Tây.
Bước vào hậu kỳ thời Trung Cổ, lực lượng quân đội bắt đầu được mở rộng hơn, đông hơn, và từ đó hình thành các cấp bậc chỉ huy đại đơn vị. Bắt đầu từ nước Pháp, các hoàng đế thường phái một nhân viên cao cấp được gọi là "lieutenant du roi", đến thay mặt hoàng đế chỉ huy việc quân sự ở địa phương. Vị này thường được gọi là lieutenant general để phân biệt với các lieutenant khác, vốn quyền hạn thấp hơn nhiều. Từ đó phát sinh thêm chức danh captain general để chỉ vị trưởng quan của một đại đơn vị. Nhân viên Sergeant phụ trách tham mưu cho Captain General theo đó có tên gọi là sergeant-major general. Theo thời gian, cấp bậc Captain General chỉ còn là full General hoặc đơn giản là General và Sergeant-major General trở thành Major General. Điều này cũng lý giải vì sao cấp bậc Major về sau này được xếp cao hơn cấp bậc Lieutenant nhưng cấp bậc Major General lại xếp thấp hơn Lieutenant General.
Khoảng cuối thế kỷ 16, theo nhu cầu chiến thuật tác chiến lớn, tổ chức đơn vị nhỏ company không còn phù hợp, vì vậy, một hình thái tổ chức đơn vị lớn hơn, tập hợp nhiều company, gọi là regiment ra đời. Người chỉ huy một regiment được gọi là colonel, có thể xuất phát từ danh xưng coronellos, "những chỉ huy của Hoàng đế" trong tiếng Tây Ban Nha, hoặc biến âm từ column (cột) trong tiếng Anh bởi đội hình vuông vức của regiment.
Sự biến đổi này cũng dẫn đến sự hình thành của cấp bậc Lieutenant Colonel. Sergeant phụ trách tham mưu cho Colonel theo đó có tên gọi là sergeant-major. Tuy nhiên, theo thời gian thì cấp bậc này lại đơn giản thành Major, trở thành cấp bậc xếp thứ 3 sau Colonel và Lieutenant Colonel trong đội hình regiment.
Danh xưng này ra đời cùng với sự hình thành của tổ chức đơn vị hợp thành brigada, do chính Quốc vương Gustav II Adolf của Thụy Điển sáng tạo ra vào đầu thế kỷ 17. Đây là một đơn vị hợp thành từ nhiều đơn vị regiment hỗn hợp, gồm cả bộ binh, pháo binh và kỵ binh. Người chỉ huy một brigada được gọi là Brigadier General hoặc ngắn gọn là Brigadier.
Trong lực lượng hải quân, các cấp bậc Captain, Lieutenant được áp dụng đầu tiên với nguyên nghĩa của nó (Thuyền trưởng, Thuyền phó). Theo dần với thời gian, các cấp bậc này được chia nhỏ thành nhiều cấp bậc khác có tên gọi khác nhau. Bên cạnh đó, một số cấp bậc riêng của Hải quân cũng được hình thành.
Cấp bậc này có nguồn gốc từ binh sĩ cầm cờ hiệu (signum) trong quân đội La Mã. Đây là một binh sĩ đặc biệt có mức lương gấp hai lần lương cơ bản. Về sau hình thành nên một trong những cấp bậc sĩ quan sơ cấp trong lực lượng Hải quân, ban đầu là sĩ quan chịu trách nhiệm truyền lệnh của Thuyền trưởng cho các thủy thủ trên tàu hoặc liên lạc giữa các tàu với nhau bằng tín hiệu cờ (Semaphore).
Từ nguyên của cấp bậc này từ "admirallus" trong tiếng Latin, dùng để chỉ người chỉ huy các hải đoàn đại dương. Mỗi một Hải đoàn sẽ được giao phó cho một Admiral chỉ huy. Về sau phát triển thêm, một phụ tá giúp đỡ vị Admiral chỉ huy các chiến thuyền đi đầu, vốn là những chiến thuyền sẽ chịu đựng mũi dùi của một cuộc tấn công trên biển, gọi là Vice Admiral; và một phụ tá khác sẽ chỉ huy các chiến thuyền còn lại ở phía sau, được xem là ít nguy hiểm nhất, gọi là Rear Admiral.
Nguyên thủy cấp bậc này xuất phát từ commandeur trong tiếng Pháp, là một cấp bậc cao nhất của tầng lớp hiệp sĩ thời Trung cổ, thường là hiệp sĩ thủ lĩnh của một commenda (một nhóm hiệp sĩ thuộc vùng lãnh thổ giàu mạnh). Cuối thế kỷ 16, lần đầu tiên cấp bậc này được áp dụng trong Hải quân Hà Lan, có vị trí cao hơn các Captain nhưng chưa đạt bậc Admiral.
Là lực lượng quân đội xuất hiện sau cùng trong lịch sử quân sự, Không quân hầu như sử dụng các cấp bậc vay mượn từ Lục quân hoặc Hải quân. Hầu hết các nước trên thế giới, cấp bậc Không quân đều giống như cấp bậc Lục quân. Riêng tại các quốc gia chịu ảnh hưởng của Liên hiệp Anh thì các cấp bậc Không quân thường gần giống với cấp bậc Hải quân.
Tuy có được hệ thống cấp bậc "Cửu phẩm" từ rất lâu, nhưng tại phương Đông, rất ít cải tiến về chiến thuật quân sự, cũng như hệ thống nhận diện cấp bậc quân sự không rõ ràng và ổn định. Mãi cho đến cuối thế kỷ 19, khi Nhật Bản bắt đầu tiếp thu cải cách theo phương Tây, mới cải tiến hệ thống cấp bậc võ quan thực sự khoa học, với danh xưng và nhận diện rõ ràng.
Năm 1867, quân đội Nhật Bản được tổ chức thành Lục quân Đế quốc Nhật Bản. Một hệ thống cấp bậc quân đội được thiết lập. Hai năm sau, Hải quân Đế quốc Nhật Bản cũng được tổ chức và áp dụng luôn hệ thống quân hàm Lục quân vào hệ thống cấp bậc của mình.
Năm 1872, cấp bậc Nguyên soái (Gensui) và Đại Nguyên soái (Dai-Gensui) cũng được thành lập. Cấp bậc Đại Nguyên soái chỉ phong cho các Thiên hoàng. Saigō Takamori là người đầu tiên và duy nhất thụ phong hàm Nguyên soái Lục quân vì chỉ sau đó 1 năm thì cấp bậc Nguyên soái bị bãi bỏ và Saigō Takamori trở lại hàm Đại tướng Lục quân. Mãi đến năm 1898, cấp bậc Nguyên soái đại tướng (元帥大将, gensui taisho) được thiết lập trở lại và được sử dụng cho đến năm 1945.
Bên cạnh sức bành trướng của Đế quốc Nhật Bản, sự tiến bộ của hệ thống cấp bậc quân hàm này đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hầu hết hệ thống quân hàm các nước vùng Đông Á.
Tại Trung Quốc, mãi đến năm 1901, khi Viên Thế Khải cải tổ lực lượng Tân quân dưới quyền ông ta, thì một hệ thống quân hàm sĩ quan cũng được đặt ra với 3 cấp và 9 bậc:
Quân hàm của quân đội các nước nói chung không hoàn toàn tương đương với nhau. Một số quân đội có quân hàm cấp Nguyên soái (Thống chế hoặc Thống tướng) mà một số quân đội khác không có. Các cấp Thượng tướng, Thượng tá, Thượng úy của quân đội Việt Nam hiện nay lại không tồn tại trong quân đội nhiều nước. Cấp Chuẩn tướng lại không tồn tại trong quân đội Việt Nam. Có nước nhỏ không có quân hàm cấp tướng.
Thông thường, cấp bậc được phong theo chức vụ mà quân nhân nắm giữ. Vì vậy, khi so sánh quân hàm tương đương của quân đội các nước thường căn cứ theo chức vụ trong quân đội của quân nhân đó. Như hàm Major General (Quân đội Mỹ, Quân đội Hoàng gia Anh), Général de Division (Quân đội Pháp), Генерал-майор (Quân đội Nga) và Thiếu tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đều giữ chức vụ tương đương cấp Sư đoàn trưởng hoặc cao hơn.
Xem thêm: Quân hàm Quân đội Hoàng gia Anh
Quân hàm sĩ quan Quân đội Anh có các cấp bậc sau:
Cấp bậc danh dự:
Cấp tướng:
Cấp tá và cấp úy:
Xem thêm: Quân hàm Quân đội Cộng hòa Pháp
Quân hàm sĩ quan Quân đội Pháp có các cấp bậc sau:
Cấp hàm danh dự:
Cấp tướng (officiers généraux):
Cấp tá (officiers supérieurs):
Cấp úy (officiers subalternes):
Xem thêm: Quân hàm quân đội Hoa Kỳ
Quân hàm sĩ quan Quân đội Mỹ có các cấp bậc sau:
Cấp bậc danh dự:
Cấp tướng:
Cấp tá và cấp úy:
Danh xưng Đại Thống tướng Liên quân Mỹ (General of the Armies of the United States) duy nhất được phong cho tướng John Joseph Pershing vào tháng 9 năm 1919. Ngoài ra, chỉ có George Washington và Ulysses S. Grant từng được trao danh xưng này.
Hệ thống cấp bậc quân hàm của Quân đội Nhân dân Triều Tiên được thành lập ngày 8 tháng 2 năm 1948, tham chiếu hầu như hoàn toàn hệ thống quân hàm của Hồng quân Liên Xô, có bổ sung thêm, gồm 5 nhóm với 18 bậc quân hàm nhưng không đặt quân hàm cấp soái. Đến tháng 2 năm 1953, đặt thêm 2 cấp quân hàm là Phó nguyên soái và Nguyên soái. Cấp bậc Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Chosŏn Minjujuŭi Inmin Konghwaguk Wonsu) phong cho Kim Nhật Thành với vị thế thống soái các lực lượng vũ trang giống như Đại Nguyên soái Stalin của Liên Xô. Cấp bậc Thứ soái (Chasu) phong cho Bộ trưởng Quốc phòng Choi Yong Kun, tương đương với cấp bậc Nguyên soái Liên Xô. Đặc thù hệ thống quân hàm của Quân đội Nhân dân Triều Tiên không có sự khác biệt về tên gọi giữa các nhánh Hải Lục Không quân.
Năm 1992, nhân dịp sinh nhật 80 tuổi của Kim Nhật Thành, một cấp bậc mới được đặt ra có tên gọi là Đại Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Chosŏn Minjujuŭi Inmin Konghwaguk Dae Wonsu) để tôn phong cho ông. Đồng thời con trai ông, Kim Chính Nhật, cũng được tôn phong là Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Chosŏn Minjujuŭi Inmin Konghwaguk Wonsu). Bộ trưởng Quốc phòng bấy giờ là O Chin-u cũng được tôn lên cấp bậc Nguyên soái, nhưng với tên gọi Nguyên soái Quân đội Nhân dân Triều Tiên (Chosŏn Inmin'gun Wonsu).
Hệ thống danh xưng các cấp bậc quân hàm Việt Nam được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra tương đối hoàn chỉnh từ năm 1946, nguyên thủy dựa theo hệ thống quân hàm của quân đội Nhật, được quy định thành 5 cấp 15 bậc, áp dụng cho Quân đội Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, hệ thống này ít được áp dụng trừ một vài trường hợp cá biệt.
Sau khi nắm được quyền kiểm soát miền Bắc Việt Nam, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cải tổ quân đội, lúc này đã mang tên Quân đội Nhân dân Việt Nam, theo hướng chính quy chuyên nghiệp. Một hệ thống quân hàm mới được cải tiến được đặt ra vào năm 1958, phỏng theo hệ thống quân hàm của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đặt ra trước đó 3 năm. Hệ thống quân hàm cũng được áp dụng cho Lực lượng Công an Vũ trang vào năm 1959 và Lực lượng Cảnh sát Nhân dân vào năm 1962.
Tại miền Nam, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam không áp dụng hệ thống quân hàm chính thức như Quân đội Nhân dân Việt Nam tại miền Bắc mà sử dụng hệ thống cấp bậc riêng theo chức vụ nắm giữ. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều đến khả năng chỉ huy trong tổ chức quân đội và các sĩ quan Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam hầu hết đều được phong cấp bậc của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Điều này chỉ chấm dứt vào năm 1975, khi Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam sáp nhập hoàn toàn với Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, theo xu hướng chính trị, hệ thống quân hàm của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đã có vài thay đổi nhỏ theo thời gian. Năm 1982, lần đầu tiên cấp bậc tướng hải quân có tên gọi chính thức là cấp bậc Đô đốc. Cấp bậc Thượng tá bị bãi bỏ[7]. Một hệ thống quân hàm cho các quân nhân chuyên nghiệp cũng được đặt ra.
Năm 1989, hệ thống quân hàm được áp dụng cho cả Lực lượng An ninh Nhân dân.
Năm 1992, danh xưng Thượng tá, Đại tá được khôi phục lại.
Từ năm 1992 trở đi, hệ thống quân hàm Việt Nam được áp dụng ổn định cho đến ngày nay, chỉ có những sửa đổi về mặt hình thức.
Các cấp bậc hiện tại của Việt Nam gồm 5 cấp 18 bậc được xếp từ cao xuống thấp: Đại tướng, Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng, Đại tá, Thượng tá, Trung tá, Thiếu tá, Đại úy, Thượng úy, Trung úy, Thiếu úy, Học viên, Thượng sĩ, Trung sĩ, Hạ sĩ, Binh nhất, Binh nhì. Quân hàm Chuẩn úy đã bãi bỏ năm 2010.
Với lực lượng Công an Nhân dân, hệ thống quân hàm sử dụng tương tự như Quân đội Nhân dân chỉ khác về màu sắc (Công an màu đỏ viền xanh lá cây, cấp tướng viền vàng), không dùng vạch kim loại mà dùng vạch tơ màu vàng chạy dọc cấp hiệu.
Một số tổ chức dân sự khác tại Việt Nam cũng dùng hệ thống cấp bậc mô phỏng hệ thống quân hàm nhưng với danh xưng khác như Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Thanh tra, Tư pháp,...
Xem thêm: Quân hàm Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
Từ tháng 6 năm 1946, Hồng quân Công nông Trung Quốc chính thức mang tên Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, trong suốt gần 10 năm sau đó, hệ thống quân hàm không được áp dụng với lý do cho rằng hệ thống quân hàm là một di sản của sự phân cấp bất bình đẳng trong quân đội và Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc là một quân đội nhân dân và bình đẳng giữa các quân nhân.
Tuy nhiên, sau khi giành được toàn quyền kiểm soát Trung Hoa đại lục vào năm 1949 và Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc được cơ cấu chuyển đổi thành quân đội chính quy chuyên nghiệp, một hệ thống quân hàm cho Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã được đặt ra vào năm 1955, gồm có 6 cấp 20 bậc, với tên gọi chung cho cả ba quân chủng Lục quân, Hải quân và Không quân. Hệ thống này về cơ bản được phát triển tương tự như hệ thống quân hàm của Hồng quân Liên Xô, nhưng mang tính hệ thống và đồng nhất cao hơn.
Năm 1965, khi cuộc Cách mạng Văn hóa nổ ra, hệ thống quân hàm lại bị hủy bỏ vẫn với lý do cũ: hệ thống quân hàm là một di sản của sự phân cấp bất bình đẳng trong quân đội[8]. Điều này đã làm suy giảm đáng kể khả năng chỉ huy và giảm sút sức chiến đấu của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, thể hiện rõ nét qua cuộc Xung đột biên giới Việt Nam-Trung Quốc 1979, khi mà trình độ chiến đấu kém cộng với tai hại do bãi bỏ chế độ quân hàm làm giảm khả năng chỉ huy và điều động.
Những thất bại về mặt chiến thuật đã buộc Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội[9]. Hệ thống quân hàm cũng được khôi phục lại vào năm 1988 với 4 cấp 13 bậc. Quân hàm Thượng tướng cấp 1 tức Nhất cấp Thượng tướng (一級上將 Yi Ji Shang Jiang của Quân đội Trung Quốc với 4 sao) được sử dụng thay cho quân hàm Đại tướng và trở thành cấp bậc cao nhất về danh nghĩa[10]. Đến năm 1994, cấp bậc này cũng bị bãi bỏ và cấp bậc Thượng tướng trở thành cấp bậc cao nhất. Cấp bậc Hạ sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp được tăng lên. Sau một vài lần sửa đổi, hiện nay hệ thống quân hàm trong Quân đội Trung Quốc gồm 5 cấp 18 bậc, tên gọi cũng dùng chung cho cả ba quân chủng Hải Lục Không quân và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang.
Xem thêm: Quân hàm Lực lượng vũ trang Liên bang Xô Viết
Năm 1922, Hồng quân Công nông Liên Xô ra đời, kế thừa từ Hồng quân Công nông của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga. Hệ thống quân hàm bị bãi bỏ hệ thống vì những người Bolshevik cho rằng hệ thống quân hàm là một di sản của sự phân cấp bất bình đẳng, vì vậy họ không dùng danh từ ngài sĩ quan (офицер) và thay bằng danh từ đồng chí chỉ huy (товарищ Командир). Một hệ thống cấp bậc bán chính thức được sử dụng để tạm thay thế cho hệ thống quân hàm, bằng cách gọi tắt chức vụ mà quân nhân đó nắm giữ. Chẳng hạn, комкор được gọi tắt từ Командир корпуса dùng để chỉ quân nhân giữ chức vụ Quân đoàn trưởng hoặc tương đương.
Năm 1924, một hệ thống phân hạng quân sự được áp dụng, phân thành 14 bậc từ K-1 (thấp nhất) cho đến K-14 (cao nhất). Hệ thống này còn áp dụng cho cả các cán bộ công tác trong Hồng quân và Hải quân tương đương ngạch sĩ quan, bao gồm Cán bộ Chính trị, Kỹ thuật, Hậu cần, Quân y và các lực lượng vũ trang khác (kể cả cảnh sát). Tuy nhiên, không có bất kỳ quy định nào về kiểu dáng phù hiệu phân biệt cho hệ thống phân hạng trên. Trong thời kỳ này, danh xưng Tổng tư lệnh (ГладКом) được dùng cho một số chỉ huy cao cấp, nhưng không được xếp vào bảng phân hạng.
Mãi đến năm 1935, do yêu cầu chính quy quân đội và tổ chức khoa học, một hệ thống cấp bậc chính thức được đặt ra, đồng thời cũng lần đầu tiên quy định phù hiệu cấp bậc cho các quân nhân và cán bộ chính trị. Về cơ bản, đây là quy định về chi tiết các dấu hiệu cấp bậc trên cơ sở các danh xưng trong hệ thống phân hạng năm 1924. Tuy vậy, hệ thống phân bậc này cũng đánh dấu một bước cải tiến lớn so với hệ thống cấp bậc thời Đế quốc Nga, vốn khá rối rắm và không thống nhất, bằng cách thu gọn và chuẩn hóa hệ thống các cấp bậc giữa các quân binh chủng khác nhau. Tuy vậy, các bậc quân nhân tương đương cấp tướng vẫn duy trì các danh xưng căn cứ vào chức vụ để đặt tên gọi cấp bậc[11], khác với thông lệ của nhiều nước. Bên cạnh đó, hệ thống cấp bậc ở các binh chủng kỹ thuật cũng được quy định rõ hơn thời Đế quốc Nga. Một điều cần lưu ý là hệ thống danh xưng cấp bậc của Hồng quân và Hải quân là khác nhau.
Tháng 9 năm 1935, cấp bậc Nguyên soái Liên Xô (Маршал Советского Союза) được đặt ra để "tôn vinh các Cán bộ quân sự của Dân ủy và các chỉ huy xuất sắc nhất". Hệ thống cũng bổ sung hoặc thay đổi danh xưng của một số cấp bậc sĩ quan khác, dần đi vào hoàn chỉnh vào năm 1940, với 6 cấp 17 bậc.
Sau Chiến thắng Stalingrad ngày 2 tháng 2 năm 1943, Xô Viết tối cao Liên Xô ra sắc lệnh về hệ thống cấp bậc hàm mới có hình thức tương tự như hệ thống cấp bậc hàm của Nga Hoàng, với vài khác biệt nhỏ. Hệ thống cấp hàm của sĩ quan chính trị cũng đồng nhất với quân hàm quân đội. Một loạt các cấp bậc Nguyên soái Tư lệnh và Nguyên soái Quân binh chủng được đặt ra. Năm 1945, cấp bậc Đại Nguyên soái Liên bang Xô Viết được đặt ra để phong cho Stalin. Hệ thống này có 6 cấp 21 bậc.
Năm 1946, Hồng quân Liên Xô được đổi tên thành Quân đội Xô viết và cùng với Hải quân Liên Xô thành Lực lượng Vũ trang Liên Xô. Sau khi Stalin chết vào năm 1953, cấp bậc Đại Nguyên soái cũng không được sử dụng nữa. Năm 1955, cấp hàm Đô đốc Hạm đội Liên bang Xô viết được đặt ra. Hệ thống quân hàm Lực lượng Vũ trang Liên Xô trở nên ổn định trong một thời gian dài với 6 cấp 20 bậc.
Đến năm 1981, Xô viết tối cao một lần nữa sửa đổi hệ thống quân hàm của Lực lượng Vũ trang Liên Xô. Các cấp bậc Nguyên soái được bãi bỏ, trừ hàm Nguyên soái Liên Xô được giữ lại. Một số cấp bậc Hạ sĩ quan được đặt ra. Hệ thống này vẫn có 6 cấp 20 bậc, sử dụng đến năm 1991 thì chấm dứt tồn tại sau khi Liên Xô tan vỡ.
Xem thêm: Quân hàm Lực lượng vũ trang Đức Quốc xã
Xem thêm: Quân hàm Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Hệ thống quân hàm của Quân đội Việt Nam Cộng hòa được đặt ra lần đầu năm 1955, với 5 cấp 17 bậc, căn bản dựa trên hệ thống quân hàm của quân đội Pháp, cũng không có cấp bậc tướng 1 sao, nhưng không đặt ra các cấp bậc tướng 5 sao trở lên. Trong lực lượng cảnh sát, một hệ thống cấp bậc cũng được đặt ra vào năm 1962, tuy nhiên về hình thức và danh xưng khác với hệ thống quân hàm quân đội.
Năm 1964, danh xưng Quân lực Việt Nam Cộng hòa được dùng thay cho danh xưng Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Một hệ thống quân hàm mới được sửa đổi, bổ sung thêm cấp bậc tướng và đô đốc 1 sao và cấp bậc tướng và đô đốc 5 sao, mô phòng theo hệ thống quân hàm quân đội Hoa Kỳ, gồm 5 cấp 19 bậc. Năm 1971, hệ thống quân hàm của được áp dụng thống nhất cho cả lực lượng Cảnh sát.
Hệ thống quân hàm này chỉ tồn tại đến năm 1975, khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc và Quân lực Việt Nam Cộng hòa chấm dứt tồn tại với tư cách là quân đội của một quốc gia.