Thực thể địa lý tranh chấp Bãi Kiêu Ngựa | |
---|---|
Ảnh vệ tinh chụp bãi Kiêu Ngựa (tháng 11, 2021) | |
Địa lý | |
Vị trí | Biển Đông |
Tọa độ | 7°42′B 114°10′Đ / 7,7°B 114,167°Đ |
Diện tích | 0.5 ha (đảo nhân tạo) |
Quốc gia quản lý | Malaysia |
Tranh chấp giữa | |
Quốc gia | Đài Loan |
Quốc gia | Malaysia |
Quốc gia | Philippines |
Quốc gia | Trung Quốc |
Quốc gia | Việt Nam |
Kiêu Ngựa[Ghi chú 1] là tên gọi chung cho một hệ thống san hô ngầm ("bãi") và một rạn san hô vòng ("đá") thuộc hệ thống san hô ngầm đó. Cả hai thực thể đều thuộc cụm An Bang (cụm Thám Hiểm) của quần đảo Trường Sa. Bãi Kiêu Ngựa nằm cách bãi Thám Hiểm 10 hải lý (18,5 km) về phía tây nam[1] còn đá Kiêu Ngựa nằm ở cực tây nam của bãi Kiêu Ngựa.
Tên gọi:
Bãi Kiêu Ngựa là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Trung Quốc. Malaysia kiểm soát đá Kiêu Ngựa từ năm 1986 đến nay và hải quân nước này đồn trú trên một tiền đồn gọi là Trạm Uniform.
Bãi Kiêu Ngựa được hợp thành từ 30 rạn san hô khác nhau, nằm theo trục đông bắc-tây nam với chiều dài là 38 hải lý (70,4 km) và chiều rộng tối đa là 10 hải lý (18,5 km). Tổng diện tích của bãi lên đến 850 km².[1]
Đá Kiêu Ngựa (7°37′7″B 113°56′33″Đ / 7,61861°B 113,9425°Đ): là một trong số 30 rạn san hô ("đá") thuộc bãi Kiêu Ngựa và là thực thể duy nhất nổi lên khi thủy triều xuống. Đá này là một rạn san hô vòng có dạng một tam giác cân với diện tích đạt 8 km².[1]
Tháng 9 năm 1983, Malaysia chính thức tuyên bố quyết định chiếm bãi ngầm James, đá Hoa Lau, bãi Kiêu Ngựa, đá Kỳ Vân và xem chúng là một phần của "vùng kinh tế biển" theo cách gọi của nước này.[2]
Tháng 11[3] (hay tháng 12[2]) năm 1986, hai mươi binh sĩ Malaysia đổ bộ chiếm đá Kiêu Ngựa.[4] Hải quân nước này xây dựng một tiền đồn có tên là Trạm Uniform trên đá Kiêu Ngựa[5].