Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Theo chiều kim đồng hồ từ ảnh trên cùng bên trái: Tấm bia của Kền kền có niên đại khoảng năm 2500 TCN; Trận Hastings năm 1066; Trận sông Somme năm 1916; Một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân năm 1954; Trận Normandie năm 1944; Quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của Napoleon rút quân khỏi nước Nga năm 1812. |
Bài viết này thuộc loạt bài về |
Chiến tranh |
---|
Chiến tranh (Tiếng Anh: war) là một mức độ xung đột vũ trang giữa các quốc gia, chính phủ, xã hội hoặc các nhóm bán quân sự như lính đánh thuê, quân nổi dậy và dân quân do sự mâu thuẫn về ý thức hệ, sắc tộc và tôn giáo nhằm tranh giành lợi ích về kinh tế và chính trị. Nó thường được đặc trưng bởi bạo lực cực đoan, xâm lược, phá hủy và tử vong, sử dụng lực lượng quân sự thường xuyên hoặc không thường xuyên. Chiến tranh đề cập đến các hoạt động và đặc điểm chung của các loại chiến tranh, hoặc của các cuộc chiến nói chung.[1] Chiến tranh toàn diện là chiến tranh không bị giới hạn trong các mục tiêu quân sự hợp pháp, và có thể dẫn đến những đau khổ và thương vong dân sự không chiến đấu khác.
Các nghiên cứu học thuật về chiến tranh đôi khi được gọi polemology trong tiếng Anh (/ˌpɒləˈmɒlədʒi/ POL-ə-MOL-ə-jee), từ tiếng Hy Lạp polemos, có nghĩa là "chiến tranh", và -logy, ý nghĩa "việc nghiên cứu".
Trong khi một số học giả coi chiến tranh là một khía cạnh phổ quát và tổ tiên của bản chất con người,[2] những người khác cho rằng đó là kết quả của hoàn cảnh văn hóa xã hội, kinh tế hoặc sinh thái cụ thể.[3]
Nguyên nhân của chiến tranh thường do mâu thuẫn giữa các giai cấp, dân tộc, tôn giáo phát triển đến mức gay gắt nhất hoặc do mâu thuẫn trong nội bộ một dân tộc, tôn giáo.
Nói tóm lại, chiến tranh là sự xung đột do từ mâu thuẫn ý thức giữa các tư tưởng khác nhau. Nguyên nhân của những mâu thuẫn này xuất phát từ tham vọng riêng của từng thực thể con người. Khi những tham vọng này đối chọi nhau đến mức độ căng thẳng cao độ thì chiến tranh xảy ra. Chỉ khi nào tồn tại 2 bên đối nghịch nhau thì chiến tranh mới bùng nổ. Những hình thức chiến tranh đi từ hình thức thô thiển như chiến tranh vũ trang đến thể loại chiến tranh vi tế như sử dụng văn hóa để công kích.
Tính chất đặc trưng của các ý thức hệ là tìm cách đồng hóa các ý thức hệ còn lại để còn lại một thể duy nhất. Chiến tranh có thể xem như quá trình đồng hóa các hệ ý tưởng của các bên đối lập nhau. Chiến tranh leo thang là do sự đồng hóa này chưa dừng lại.
Hậu quả của chiến tranh không chỉ có sự hoang tàn mà còn có cả sự tiến bộ. Chiến tranh là thành phần không thể thiếu trong quá trình tiến hóa của tất cả các sinh vật, đoàn thể, tổ chức hầu đạt được mục tiêu sống còn và phát triển.
Những người theo thuyết lịch sử chú ý đến khía cạnh bất khả kháng của chiến tranh, họ cho rằng nó ngẫu nhiên như là một tai nạn giao thông. Có thể có các điều kiện, tình huống giống như là sắp xảy ra chiến tranh nhưng người ta không thể tiên đoán được thời gian và địa điểm xảy ra chiến tranh. Các nhà xã hội học phê phán cách tiếp cận này, họ cho rằng sự bắt đầu của các cuộc chiến tranh là do một số nhà lãnh đạo đưa ra, đó không phải là tai nạn thuần túy. Vẫn còn có những bất đồng nhưng thực sự rất khó khăn trong việc xây dựng một hệ thống tiên đoán về chiến tranh.
Theo thuyết này, chiến tranh xuất phát từ tâm lý của con người, cho rằng đó là "bản năng xâm lược" của con người, là "hành vi" của con người. Các đại diện của thuyết này như E.F.M. Durban và John Bowlby cho rằng loài người đặc biệt là đàn ông sinh ra đã có thói quen xung đột. Thông thường những loại xung đột này bị kìm nén bởi xã hội, nó cần một cơ hội để giải thoát các xung đột bằng chiến tranh.
Học thuyết nhân khẩu có 2 nhóm: những người theo thuyết Malthus và những người theo thuyết bùng nổ dân số trẻ.
Học giả người Anh Thomas Robert Malthus (1766–1834) cho rằng dân số luôn tăng dù chúng bị hạn chế bởi chiến tranh, bệnh tật và đói kém. Đây là lý thuyết được tính toán với xã hội trước đây khi mà nền sản xuất chưa phát triển và tỷ lệ tăng dân số không điều khiển được. Theo thuyết Malthus thì sự mất cân bằng giữa việc tăng dân số và tăng thức ăn là nguồn gốc của xung đột. Nghĩa là trong khi dân số tăng theo cấp số nhân thì nguồn tài nguyên, của cải lại tăng theo cấp số cộng tạo ra sự mất cân đối dẫn đến chiến tranh. Lý thuyết bùng nổ dân số trẻ lại quan niệm do sự mất cân đối giữa những lực lượng trẻ được đào tạo, đến tuổi trưởng thành, cần có việc làm và số lượng những vị trí có thể cho họ trong xã hội là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự nổi loạn trong xã hội (bao gồm cả chiến tranh). Theo các học thuyết này "con người cần thức ăn, cần vị trí nên họ bắn nhau".
Chiến tranh là hiện tượng chính trị – xã hội mang tính lịch sử, là hoạt động đấu tranh giữa các giai cấp, các nhà nước, các lực lượng chính trị có địa vị, lợi ích đối lập nhau trong một nước hoặc giữa các nước nhằm đạt được mục đích chính trị nhất định.
Chiến tranh có nguồn gốc từ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và đối kháng giai cấp không thể điều hòa. Trong đó, chế độ chiếm hữu tư nhân là nguồn gốc kinh tế – nguồn gốc sâu xa; đối kháng giai cấp là nguồn gốc xã hội – nguồn gốc trực tiếp của chiến tranh.
Trong các nguyên nhân trên, nguyên nhân chung là cơ bản, xuyên suốt của mọi cuộc chiến tranh trong lịch sử loài người.
Bản chất của chiến tranh thể hiện trên hai mặt cơ bản luôn có sự thống nhất với nhau: Mặt chính trị và mặt bạo lực vũ trang. Chính trị là mục đích, bạo lực vũ trang là phương thức, biện pháp để thực hiện mục đích chính trị. Mặt chính trị và mặt phương thức bạo lực vũ trang không tách rời nhau.
Giữa chiến tranh và chính trị có mối quan hệ khắng khít, biện chứng với nhau. Trong đó, chính trị quyết định chiến tranh và chiến tranh tác động to lớn trở lại đối với chính trị. Thực chất, đây là mối quan hệ giữa hai hiện tượng xã hội, mỗi hiện tượng bao gồm lực lượng vật chất và tinh thần, giữa tư tưởng và tổ chức. Đây là mối quan hệ đa chiều.
Giữa chiến tranh và chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau:
+ Chính trị chỉ đạo, chi phối, quyết định toàn bộ tiến trình và kết cục chiến tranh, quy định mục tiêu và điều chỉnh mục tiêu, hình thức tiến hành đấu tranh vũ trang; sử dụng kết quả sau chiến tranh để đề ra những nhiệm vụ,mục tiêu mới cho giai cấp, xã hội trên cơ sở những thắng lợi hay thất bại của chiến tranh.
+ Ngược lại chiến tranh là một bộ phận, một phương tiện của chính trị, là kết quả phản ánh những cố gắng cao nhất của chính trị.
Trong thời đại ngày nay mặc dù chiến tranh có những thay đổi về phương thức tác chiến, vũ khí, trang bị, song bản chất chiến tranh vẫn không có gì thay đổi, chiến tranh vẫn là sự tiếp tục chính trị của nhà nước và giai cấp nhất định.
Đường lối chính trị của đế quốc và các thế lực thù địch vẫn luôn chứa đựng nguy cơ chiến tranh.
Chiến cuộc là hình thức tác chiến chiến lược bao gồm một số chiến dịch, chiến dịch chiến lược và các hình thức tác chiến khác diễn ra trong không gian rộng (một hoặc một số chiến trường trên bộ và có thể cả trên biển), trong một thời gian tương đối dài (mấy tháng, mấy mùa) nhằm đạt những mục đích quân sự – chính trị của chiến tranh. Chiến cuộc thường được gọi tên theo chiến trường (VD: Chiến cuộc Bắc Phi), theo thời gian – năm hay mùa diễn ra chiến cuộc (chẳng hạn Chiến cuộc Đông Xuân 1953–1954). Chiến cuộc là đối tượng nghiên cứu của chiến lược quân sự.
Chiến dịch là toàn bộ nói chung các trận chiến đấu diễn ra trên một chiến trường và trong một thời gian, tiến hành theo kế hoạch và ý định thống nhất, nhằm thực hiện mục đích chiến lược nhất định. Ví dụ: Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến dịch cũng là toàn bộ nói chung những việc làm tập trung và khẩn trương, tiến hành trong một thời gian nhất định, nhằm thực hiện một mục đích nhất định. Ví dụ:
Trận đánh là một cuộc đánh của cả hai phe địch và phe ta trong những khoảng thời gian lâu dài, nhiều người chết chóc.
Các vũ khí sử dụng trong chiến tranh thời xưa có:
Vũ khí là những phương tiện được con người sử dụng phục vụ cho chiến tranh, dùng để gây sát thương hay để tự vệ. Vũ khí cá nhân thường được binh sĩ mang bên người, thay đổi và cải tiến qua các thời kỳ. Từ thời tiền sử đến nay, vũ khí chiến tranh cá nhân đã được thay đổi và cải tiến rất nhiều. Đến nay, vũ khí cá nhân đã đạt đến tiến bộ và có hiệu quả cao và đang được cải tiến hiện đại hơn trong tương lai
Các loại vũ khí có hỏa lực mạnh, như pháo, thuốc nổ,...
Các loại phương tiện như xe thiết giáp, xe tăng,...
Xưa khinh khí cầu được dùng để do thám trận địa. Nay máy bay đã thay thế khí cầu, dùng để oanh tạc, do thám và là phương tiện quan trọng trong mỗi cuộc chiến tranh hiện đại.
Các loại phương tiện trên biển như thiết giáp hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm và đặc biệt là tàu ngầm. Việc sử dụng các phương tiện trên biển đã có từ rất lâu trong lịch sử chiến tranh.
Phương tiện vũ trụ
Các loại phương tiện hoạt động trong không gian vũ trụ như: vệ tinh do thám, vệ tinh mang vũ khí, trạm không gian, tàu chiến không gian, hành tinh hạm, việc sử dụng các phương tiện trong vũ trụ vẫn còn ở giai đoan sơ khai.
Đỉnh cao là Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ ở cuối thế kỷ XX.
Chiến tranh có thể gây nên sự thù địch hoặc hòa giải giữa các nước.
Nhiều cường quốc như Mỹ, Nga,.... dựa vào chiến tranh để làm giàu bằng việc buôn vũ khí. Nhưng hầu hết các cuộc chiến tranh đều gây tổn thất nặng nề về nền kinh tế các nước tham chiến.
Chiến tranh là niềm cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, thi ca và tiểu thuyết nổi tiếng trên thế giới như: Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, sử thi Iliad và Odyssey, Tam quốc diễn nghĩa,...Chiến tranh cũng đi vào nhiều truyền thuyết dân gian không kém phần vĩ đại và thu hút.
Chiến tranh tôn giáo là một phần của lịch sử loài người. Thời điểm từ thế kỷ X–XV xảy ra rất nhiều các cuộc chiến tranh tôn giáo. Nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc chiến tranh này là sự xung khắc, mâu thuẫn giữa các phe phái tôn giáo khác nhau.
Chiến tranh xuất hiện trong nhiều video tuyên truyền cũng như các bộ phim, game hành động về đề tài này trên các mạng xã hội hiện nay.