Dangerous (album của Michael Jackson)

Dangerous
Bìa album được thực hiện bởi Mark Ryden
Album phòng thu của Michael Jackson
Phát hành26 tháng 11 năm 1991
Thu âmTháng 6 năm 1989 – Tháng 10 năm 1991[1]
Phòng thu
Thể loại
Thời lượng77:03
Hãng đĩaEpic
Sản xuất
Thứ tự album của Michael Jackson
The Original Soul of Michael Jackson
(1987)
Dangerous
(1991)
HIStory: Past, Present and Future, Book I
(1995)
Đĩa đơn từ Dangerous
  1. "Black or White"
    Phát hành: 11 tháng 11 năm 1991
  2. "Remember the Time"
    Phát hành: 14 tháng 1 năm 1992
  3. "In the Closet"
    Phát hành: 9 tháng 4 năm 1992
  4. "Jam"
    Phát hành: 13 tháng 7 năm 1992
  5. "Who Is It"
    Phát hành: 13 tháng 7 năm 1992
  6. "Heal the World"
    Phát hành: 23 tháng 11 năm 1992
  7. "Give In to Me"
    Phát hành: 15 tháng 2 năm 1993
  8. "Will You Be There"
    Phát hành: 28 tháng 6 năm 1993
  9. "Gone Too Soon"
    Phát hành: 1 tháng 12 năm 1993

Dangerous là album phòng thu thứ tám của nam ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác bài hát người Mỹ Michael Jackson. Tác phẩm được Epic Records phát hành vào ngày 26 tháng 11 năm 1991, hơn bốn năm sau khi Jackson trình làng album trước đó là Bad (1987). Được đồng sản xuất bởi Jackson, Bill Bottrell, Teddy RileyBruce Swedien, đây là album đầu tiên của Jackson mà không có sự hợp tác với cộng sự lâu năm Quincy Jones kể từ Forever, Michael (1975). Dangerous có sự xuất hiện của một số nghệ sĩ khách mời như Heavy D, Stéphanie xứ Monaco, Slash cùng Wreckx-n-Effect. Album này kết hợp các thể loại R&B, popnew jack swing (một thể loại đang thịnh hành vào thời điểm đó). Ngoài ra, album còn xuất hiện những yếu tố âm nhạc khác như industrial, funk, hip hop, điện tử, phúc âm, cổ điểnrock. Mười hai trong số 14 bài hát đều do Jackson sáng tác hoặc đồng sáng tác, đề cập đến các chủ đề như phân biệt chủng tộc, đói nghèo, tình yêu lãng mạn, phát triển bản thân và phúc lợi của trẻ em cũng như thế giới.

Dangerous được xem như một sự thay đổi về mặt nghệ thuật của Jackson, trong đó âm nhạc của ông tập trung nhiều hơn vào những chủ đề mang tính xã hội, đồng thời kết hợp một loạt các âm thanh và phong cách đa dạng. Tác phẩm có những đoạn điệp khúc và hook pop bắt tai, cũng như giới thiệu âm hưởng underground đến với khán giả đại chúng. Âm điệu của album được nhiều nhà phê bình đánh giá là gai góc và đậm chất urban [en] với các yếu tố âm thanh bao gồm bassline được chơi trên synthesizer, tiếng chà đĩa (scratching) và bộ gõ máy đánh trống [en], cũng như những âm thanh phi truyền thống khác như tiếng còi xe, tiếng lê xích, tiếng kéo cổng, tiếng thủy tinh vỡ hay kim loại va chạm. Jackson còn kết hợp thêm kỹ thuật beatbox, hát scatbúng tay trong xuyên suốt album.

Dangerous ra mắt ở vị trí số một trên bảng xếp hạng Billboard Top Pop Albums của Mỹ và tại 13 quốc gia khác, bán được 5 triệu bản trên toàn cầu trong tuần đầu tiên phát hành và tiếp tục trở thành album bán chạy nhất thế giới trong năm 1992. Chín đĩa đơn được phát hành từ tháng 11 năm 1991 tới tháng 12 năm 1993, trong đó có một đĩa đơn được phát hành độc quyền bên ngoài Bắc Mỹ ("Give In to Me"). Thông qua album, Jackson đã cho ra mắt 4 đĩa đơn lọt vào top 10 Billboard Hot 100 của Mỹ: "Remember the Time", "In the Closet", "Will You Be There" và đĩa đơn quán quân "Black or White". Chuyến lưu diễn Dangerous World Tour đã thu về 100 triệu USD (tương đương 203 triệu USD vào năm 2022).

Dangerous là một trong những album bán chạy nhất mọi thời đại, với doanh số vượt hơn 32 triệu bản trên toàn cầu và được Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) chứng nhận 8 lần Bạch kim vào tháng 8 năm 2018. Dangerous đã nhận về nhiều lời tán dương trên toàn thế giới và có sức ảnh hưởng đến các nghệ sĩ nhạc pop và R&B đương đại. Bên cạnh đó, tác phẩm còn xuất hiện trong danh sách album hay nhất mọi thời đại của một số ấn phẩm uy tín. Tại giải Grammy năm 1993, album này nhận 4 đề cử Grammy, trong đó chiến thắng hạng mục Album xây dựng xuất sắc nhất, Phi cổ điển, đồng thời Jackson được trao tặng giải Grammy Huyền thoại. Tại giải thưởng Âm nhạc Mỹ năm 1993, Jackson đã giành được 3 giải, trong đó có giải Nghệ sĩ quốc tế đầu tiên trong lịch sử. Bên cạnh đó, Jackson còn nhận được 2 giải thưởng Âm nhạc Billboard bao gồm Album toàn cầu hay nhấtĐĩa đơn toàn cầu hay nhất cho ca khúc "Black or White".

Tổng quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếp nối thành công vang dội của album thứ bảy Bad (1987), Jackson muốn có nhiều sự tự chủ và kiểm soát hơn trong quá trình sáng tạo âm nhạc. Nam ca sĩ đã tách khỏi nhà sản xuất lâu năm Quincy Jones nhằm tránh định kiến cho rằng thành công của bản thân phụ thuộc vào Jones. Jackson bắt đầu thực hiện các ca khúc mới vào năm 1989 cùng một số thành viên từ nhóm phụ trợ của Bad, bao gồm Matt Forger và Bill Bottrell.[2] Album này ban đầu được lên kế hoạch như là một tuyển tập các bản hit lớn mang tên Decade, với một vài ca khúc mới, tương tự như The Immaculate Collection của Madonna. Ông chấp thuận ý tưởng này vào đầu năm 1989 và Epic Records đã tiến hành làm các bản thử nghiệm. Jackson nhận được 18 triệu USD tiền tạm ứng.[3][4]

Decade dự kiến sẽ phát hành vào cuối năm 1989 nhưng bị hoãn lại nhiều lần. Thời điểm phát hành mới được ấn định là vào tháng 11 năm 1990, nhưng rốt cuộc tác phẩm cũng không bao giờ được ra mắt. Jackson đang bận rộn với những thay đổi liên tục trong đội ngũ quản lý của mình đồng thời cố gắng thực hiện tham vọng làm phim của bản thân.[5] Tháng 6 năm 1990, ông bị ngất xỉu khi đang nhảy trong phòng thu tại gia, có khả năng là do một cơn hoảng loạn, với các triệu chứng như đau ngực, mất nước và viêm xương sườn.[6] Ngay sau đó, dự án Decade đã bị hủy bỏ hoàn toàn. Jackson quyết định các sáng tác mới của ông đã đủ để tạo thành một album phòng thu mà nam ca sĩ gọi là Dangerous.[7]

Quá trình thu âm

[sửa | sửa mã nguồn]
Jackson đã mời Teddy Riley (ảnh chụp năm 2014), nhà tiên phong của thể loại nhạc new jack swing, làm một trong những người đồng sản xuất của mình

Trong gần hai năm kể từ cuối 1989, việc thu âm chủ yếu diễn ra tại Ocean Way Record OneSherman Oaks, tại đây Jackson đã chi 4.000 USD mỗi ngày nhằm nắm quyền điều hành và kiểm soát mọi khâu sản xuất.[8][9] Hầu hết những công đoạn thu âm đều có sự tham gia của 3 nhà sản xuất là Bill Bottrell, Bruce SwedienBryan Loren, cùng với Jackson tại 3 phòng thu khác nhau.[10] Bottrell đồng sáng tác và sản xuất 2 ca khúc "Give In to Me" và "Black or White", đồng thời cũng được ghi danh sáng tác cho "Dangerous" và ghi danh sản xuất cho "Who Is It".[11] Ông từng bị Jones loại khỏi đội ngũ sản xuất album Bad, nhưng sau đó được Jackson mời trở lại cho album Dangerous với vai trò là "người đàn ông của dòng nhạc rock".[12] Bottrell đã giới thiệu Jackson với nghệ sĩ đàn phím được đào tạo bài bản về cổ điển Brad Buxer, ban đầu vốn được thuê làm kỹ thuật viên nhờ sở trường trong lĩnh vực thiết bị điện tử. Buxer chia sẻ: "Về phương diện âm nhạc, chúng tôi có cùng tần số; chúng tôi sử dụng chung một ngôn ngữ như nhau."[13] Mối quan hệ hợp tác giữa Jackson và Buxer đã kéo dài đến tận 20 năm trời.[14]

Đối với phần lớn các bản track nhịp điệu (rhythm tracks) trong album, Jackson đã hợp tác với Loren tại Westlake Studios. Hai người bắt đầu làm việc cùng nhau từ cuối chuyến lưu diễn Bad của Jackson và họ đã thu âm các ca khúc "Work That Body", "She Got It", "Serious Effect", "Do Not Believe It", "Seven Digits" và "Man in Black".[5] Loren mong muốn khơi dậy lại phong cách R&B đặc trưng như trong các album Off the WallThriller của Jackson.[15] LL Cool J được mời rap trong 2 ca khúc "Serious Effect" và "Truth About Youth" bởi vì Jackson muốn thêm yếu tố hip-hop vào album. LL Cool J từng chỉ trích Jackson nhưng đã ca ngợi ông sau lần hợp tác này của hai người.[16] Không có bản thu nào của Loren có mặt trong album.[17] Mặc dù những sản phẩm của Loren rất ấn tượng, nhưng chúng không đáp ứng được những tiêu chuẩn của Jackson và ông đang tìm kiếm một thứ âm thanh hấp dẫn và thành công tương tự như Rhythm Nation (1989) của cô em gái Janet Jackson.

Sau khi tiếp cận các nhà sản xuất âm nhạc Antonio "L.A." ReidKenny "Babyface" Edmonds, Jackson đã khám phá ra dòng nhạc new jack swing, với âm thanh mạnh mẽ và mang chất đường phố hơn.[18] Tháng 6 năm 1990, Jackson đã thuê Teddy Riley, nhà tiên phong của thể loại nhạc new jack swing. Đến lúc đó, Jackson đã thu hơn 50 bài hát.[19] Ban đầu Riley ghi âm tại Record One, nhưng sau vài tuần thì ông đã chuyển sang Larrabee Studios gần đó, bởi vì các nhà sản xuất khác đang làm việc tại Sherman Oaks.[20] Khác với Loren, Riley mong muốn Dangerous có âm hưởng khác biệt so với các tác phẩm trước đây của Jackson, đồng thời Jackson rất ngưỡng mộ Riley vì đã mang đến những phong cách đương đại. Jackson đã thách thức Riley tạo ra nhạc cụ mới mà không dựa vào âm thanh synthmáy đánh trống [en] thông thường.[21] Riley sau đó bèn chỉnh sửa lại một số tác phẩm của Loren, bao gồm "She Got It" và "Serious Effect", đồng thời phát triển thêm các ca khúc "Jam" và "Dangerous". "Dangerous" lúc đầu được thu âm cùng Bottrell, nhưng Jackson vẫn chưa cảm thấy hài lòng cho đến khi tác phẩm được cải thiện thêm ở một vài chỗ.[22] Riley cho biết ông đã đưa âm nhạc của Jackson quay trở lại "những hình thức cơ bản nhất" của R&B và funk.[23]

Đầu năm 1991, Jackson đã hoàn tất danh sách bài hát, bao gồm một số ca khúc ông đã thu âm cùng Riley: "Remember the Time", "Dangerous" và "In the Closet". Ban đầu ông dự định "In the Closet" sẽ là một bản song ca với ca sĩ nhạc pop Madonna, nhưng phần thể hiện của bà đã được thay thế bởi Stéphanie xứ Monaco.[24] Việc tổ chức một cuộc gặp gỡ với nghệ sĩ guitar Slash đã mất hơn 1 năm để thực hiện, cuối cùng họ đã hợp tác cùng nhau trong ca khúc "Give In to Me".[25] Swedien kể lại rằng đã có những buổi ghi âm kéo dài tới 18 tiếng đồng hồ. Vào một buổi nọ, ông đã yêu cầu Jackson không được rời khỏi phòng thu cho đến khi thu âm xong toàn bộ phần hát cho "Keep the Faith": "Điều này thật đáng sợ nhưng anh ấy đã làm được. Anh ấy đã không rời khỏi phòng thu đến tận khi bình minh ló dạng."[26]

Jackson đã chi 10 triệu USD để thu âm Dangerous.[27] Ban giám đốc điều hành của Epic đã đặt ra thời hạn hoàn thành album, muốn tác phẩm được phát hành trước ngày Lễ Tạ ơn 28 tháng 11 năm 1991. Trong 2 tháng cuối cùng thu âm, Jackson và Swedien đã thuê phòng ở một khách sạn chỉ cách Record One 4 phút di chuyển để có thể quay lại làm việc càng sớm càng tốt. Riley nói: "Khi hạn chót đến, [Jackson] muốn làm thêm nhiều bài hát hơn nữa. [...] Và sau đó khi Michael xem video quảng cáo Dangerous của David Lynch, chúng tôi bắt đầu làm việc cật lực để kịp hoàn thiện album."[9] Dangerous đã được hoàn thành và master bởi Bernie Grundman vào ngày Halloween năm 1991.[28]

Jackson đã thu khoảng 60 đến 70 bài hát cho Dangerous, một vài trong số đó được phát hành sau này,[9][29] gồm ca khúc mang thông điệp bảo vệ môi trường "Earth Song" nằm trong album kế tiếp của ông, HIStory. "Superfly Sister," "Ghosts" và "Blood on the Dance Floor" đã được phát hành trong album tổng hợp remix Blood on the Dance Floor: HIStory in the Mix. Loren đã đóng góp vào việc phát triển "Superfly Sister", còn Riley thì tham gia vào quá trình sản xuất "Ghosts" và "Blood on the Dance Floor".[30] "For All Time", một bản pop ballad lãng mạn mà Jackson yêu thích nhưng lại cảm thấy nó không phù hợp với Dangerous, đã được phát hành trong album kỷ niệm 25 năm ra mắt Thriller.[31] "Slave to the Rhythm" đã được làm lại và cho ra mắt trong album tuyển tập năm 2014 Xscape. Một bản outtake khác của Riley là "Joy", xuất hiện trong album đầu tay năm 1994 của Blackstreet do chính Riley sản xuất.[32][33]

Sáng tác và ca từ

[sửa | sửa mã nguồn]

Dangerous là một album new jack swing, R&Bpop, kết hợp với các yếu tố của nhiều dòng nhạc khác như industrial, funk, hip hop, điện tử,[34] phúc âm, cổ điểnrock.[35] Trong một cuộc phỏng vấn năm 1992 với tạp chí Ebony, Jackson chia sẻ: "Tôi muốn thực hiện một album giống như Kẹp Hạt Dẻ của Tchaikovsky. Để ngàn năm sau, mọi người vẫn còn nghe nó."[36][37] Phần lớn album chứa các sample từ những đĩa CD mà Riley đã tự tạo ra bằng nhiều loại nhạc cụ khác nhau.[38]

Album có những đoạn hook và điệp khúc pop bắt tai, đồng thời giới thiệu âm hưởng underground tới với khán giả đại chúng. Âm điệu của album được giới phê bình đánh giá là gai góc và đậm chất urban [en], với những yếu tố âm thanh bao gồm bassline được chơi trên synthesizer, tiếng chà đĩa (scratching) và bộ gõ máy đánh trống [en],[34] cũng như các âm thanh độc đáo khác như tiếng còi xe, tiếng lê xích, tiếng kéo cổng, tiếng thủy tinh vỡ và kim loại va chạm. Xuyên suốt album, Jackson còn kết hợp thêm kỹ thuật beatbox, hát scatbúng tay. Album được Joe Vogel của PopMatters đánh giá là một sự thay đổi về mặt nghệ thuật của Jackson, bởi vì nó chú trọng đến những vấn đề mang tính xã hội và sử dụng đa dạng các âm thanh cũng như phong cách âm nhạc.[39] Hiệu ứng âm thanh ô tô trong "She Drives Me Wild" được lấy từ CD sample và đây là lần đầu tiên Riley sử dụng những âm thanh đặc biệt thay thế cho trống trong một bài hát.[38]

Album này đánh dấu lần đầu tiên Jackson thử sức với rap.[11] Việc kết hợp cùng Wreckx-n-Effect và những nhịp điệu hip-hop là nhằm mục đích giới thiệu Jackson tới với thế hệ thính giả urban [en] trẻ tuổi hơn.[40] Riley là người tiên phong của dòng nhạc new jack swing và ông đã được Jackson mời vì những đóng góp của mình trong thể loại này.[41][42] Riley đồng sản xuất một nửa số bài hát trong album. Swedien chia sẻ về Riley: "Anh ấy sẽ đem đến một groove [en] trước khi rời khỏi phòng thu, trong khi đó Bottrell phát triển các ý tưởng này với máy đánh trống và máy sampler, bao gồm cả Akai S1000.[11] Bottrell vận hành một bảng điều khiển Neve và hai máy băng analog Studer 24-track để lên ý tưởng và demo. Sau đó, ông sử dụng một máy Mitsubishi 32-track nhằm lắp ráp album.[11]

"[Thu âm cùng Jackson] vừa là quá trình khô khan nhất vừa là quá trình sáng tạo nhất mà tôi từng tham gia. Mọi thứ đều được ghép nối từ các sample: bạn sử dụng cùng một beat trống và hợp âm, sau đó thêm vào những thứ khác để tạo nên sự khác biệt [...]. Michael thuê phòng thu trong khoảng 10 năm và chỉ xuất hiện một lần mỗi tháng."[43]

Slash, phỏng vấn với tạp chí Musician, 1991.

Ca từ trong Dangerous thì đa dạng hơn so với các album trước đây của Jackson. Ca khúc mở đầu "Jam" nổi bật với phần nhạc sôi động, cuốn hút của Riley, được tạo nên từ các sample kènhiệu ứng chà đĩa tinh tế.[44] Jackson đã thu âm lại ý tưởng cơ bản cho bài hát này trên một băng DAT và yêu cầu Riley phát triển nó thêm. Riley biết rằng Heavy D là rapper yêu thích của Jackson vào thời điểm đó và đã đề nghị mời ông tham gia đóng góp phần rap.[38] Các bản ballad như "Keep the Faith" (do Jackson, Siedah GarrettGlen Ballard sáng tác) và "Will You Be There" do chính ông sáng tác mang âm hưởng của dòng nhạc phúc âm, trong khi "Heal the World" và "Gone Too Soon" là những bản pop ballad nhẹ nhàng hơn. "Gone Too Soon", được Larry GrossmanBuz Kohan sáng tác, là bài hát tri ân Ryan White sau cái chết của cậu do AIDS vào năm 1990.[45] Album còn bao gồm các bài hát phản ánh góc nhìn khác, đặc biệt là qua những ca khúc như "She Drives Me Wild", "Remember the Time", "Can't Let Her Get Away", "Who Is It" và "Give In to Me". Bài hát chủ đề "Dangerous" có nội dung tương tự như "Dirty Diana", tập trung vào hình ảnh một người phụ nữ quyến rũ.[46] Mặc dù Jackson đã hát về sự hòa hợp chủng tộc trong một số ca khúc với the Jacksons, "Black or White" là bài hát đầu tiên mà lời bài hát được diễn giải trong bối cảnh màu da của chính ông đang thay đổi.[47] Trong "Why You Wanna Trip on Me", Jackson đối chiếu giữa các vấn nạn xã hội với những điều quái dị được cho là của mình mà báo chí đương thời đưa tin, đặt câu hỏi cho các nhà phê bình và truyền thông lá cải tại sao họ lại tập trung vào việc sùng bái người nổi tiếng hơn là vô số những vấn đề nghiêm trọng trên thế giới.[48] Riley đã thể hiện phần guitar trên một cây đàn acoustic Ovation và mong đợi Jackson sẽ mời ai đó đến để thu lại chúng, nhưng ông đã bất ngờ khi Jackson thích những gì mình đã thu.[38]

Bìa đĩa

[sửa | sửa mã nguồn]

Bìa trước của album được họa sĩ siêu thực đại chúng người Mỹ Mark Ryden thực hiện. Bìa album miêu tả Jackson đang đeo chiếc mặt nạ hoá trang bằng vàng, phía trên cùng chiếc mặt nạ là khuôn mặt của một chú tinh tinh (có lẽ là thú cưng Bubbles của ông), phía bên trái và phải lần lượt là một chú chó và một chú chim đều mặc trang phục hoàng gia. Phía trước là hình ảnh P. T. Barnum, nhà sáng lập rạp xiếc Barnum and Bailey.[49] Ryden chỉ có 5 ngày để phát triển ý tưởng và đã "làm việc miệt mài trong suốt tuần đó" nhằm sản xuất ra mỗi ngày một thiết kế. Ông được giao nhiệm vụ tập trung vào đôi mắt của Jackson, kết hợp cả hình ảnh động vật và trẻ em, cũng như "phản ánh Trái Đất đang trong tình trạng nguy hiểm". Ryden cũng được cho biết các thiết kế của mình "có thể đáng sợ, nhưng vẫn cần tươi vui". Ryden chia sẻ rằng bìa đĩa này là dự án thú vị nhất của ông cho đến thời điểm đó. Tháng 11 năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày phát hành Dangerous, Ryden lần đầu chia sẻ những bản phác thảo khái niệm cho bìa album lên Instagram.[50] Theo Fraser McAlpine của BBC Music, Ryden đã mô tả Jackson giống như "một nghệ sĩ xiếc cẩn trọng, người từng trải qua vinh quang nhưng cũng từng chứng kiến cả bộ máy khổng lồ đứng sau tạo nên vinh quang đó".

Những sự kiện dẫn đến việc phát hành

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 11 năm 1991, chỉ vài ngày trước khi ra mắt video âm nhạc "Black or White", David Browne của Entertainment Weekly đã bình luận về những kỳ vọng cao dành cho Dangerous, do thời gian dài bỏ ra để phát triển album cũng như bản hợp đồng trị giá 65 triệu USD của Jackson với hãng đĩa Sony Music. Cây viết này cho rằng: "Có nhiều thứ đặt cược vào thành công của Dangerous hơn bất kỳ album nào khác trong lịch sử nhạc pop."[29] Chính bản thân Jackson cũng hy vọng rằng album này sẽ bán được 100 triệu bản, gấp đôi doanh số so với Thriller.[9] Sáu ngày trước khi Dangerous được phát hành, ba người đàn ông đã dùng súng cướp 30.000 băng đĩa album từ một kho hàng ở Los Angeles.[51]

Phát hành và đón nhận thương mại

[sửa | sửa mã nguồn]

Dangerous được phát hành vào ngày 26 tháng 11 năm 1991.[52] Nó ra mắt ở vị trí số một trên bảng xếp hạng Billboard 200 Top Albums vào ngày 14 tháng 12 năm 1991 và tiếp tục duy trì thứ hạng này trong 3 tuần tiếp theo. Trong tuần đầu tiên phát hành, album bán được 326.500 bản, ra mắt ở vị trí số 1.[9][53][54] Trong tuần thứ hai, album vẫn giữ vững vị trí số 1, bán được 378.000 bản, tăng 16% so với doanh số tuần trước.[55][56] Trong tuần thứ ba, Dangerous đã bán được 370.000 bản và vẫn giữ vững vị trí quán quân.[57][58] Cuối năm 1991, tổng doanh số tại Hoa Kỳ đã lên tới 1.074.500 bản và album được chứng nhận Bạch kim.[59] Dangerous khởi đầu năm 1992, theo số liệu ngày 4 tháng 1, vẫn bám trụ vị trí thứ nhất với 370.000 bản bán ra.[60][61] Đến tháng 1 năm 1992, nó đã được Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) chứng nhận Bạch kim 4 lần với doanh số vượt 4 triệu bản tại Hoa Kỳ, gần bằng con số ban đầu của Off the Wall.[62][63]

Dangerous tiếp tục thống lĩnh thị trường Mỹ trong năm 1992 và 1993. Năm 1993, sau một vài lần xuất hiện trước công chúng và các hoạt động quảng bá, doanh số album Dangerous đã tăng đáng kể. Sau màn biểu diễn của Jackson tại lễ nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, doanh số tăng 36% và album bứt phá từ vị trí thứ 131 lên vị trí thứ 88 trên bảng xếp hạng tuần ngày 6 tháng 2 năm 1993. Trong tuần tiếp theo, doanh số tăng 83% và album leo lên đứng thứ 41 sau khi ông tham dự giải thưởng Âm nhạc Mỹ năm 1993 và giành được 3 giải. Doanh số tăng thêm 40% trong tuần kế tiếp nhờ rating cao kỷ lục của của màn trình diễn nghỉ giữa giờ tại Super Bowl và album một lần nữa vươn lên từ vị trí thứ 41 lên vị trí thứ 26 trên Billboard 200 với hơn 29.000 bản được bán ra.[64] Trong tuần ngày 27 tháng 2 năm 1993, doanh số album tiếp tục tăng mạnh do rating cao của chương trình truyền hình đặc biệt "Michael Jackson Talks ... to Oprah" với gần 60.000 bản được bán ra và leo lên từ vị trí thứ 26 lên vị trí thứ 12 trên bảng xếp hạng. Trong tuần tiếp theo, Dangerous cuối cùng đã quay trở lại top 10 tại Hoa Kỳ. Đến tháng 12 năm 1993, doanh số tại Mỹ của album đạt khoảng 4,8 triệu bản. Tháng 8 năm 2018, nó được RIAA chứng nhận Bạch kim 8 lần với hơn 8 triệu bản được bán ra.[62][65][66][67]

Tại châu Âu, có thông tin cho biết album này đã bán được 4 triệu bản trước khi phát hành, trở thành một kỷ lục mọi thời đại khi đó.[68] Nó đã thống trị các bảng xếp hạng toàn cầu, ra mắt ở vị trí thứ nhất tại Vương Quốc Anh cũng như đứng đầu tại 12 vùng lãnh thổ khác bao gồm Úc, Pháp, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha.[69]

Nhờ sự thành công vang dội của Dangerous World Tour, doanh số album Dangerous đã tăng mạnh. Trong bốn tuần đầu tiên của tour diễn vào năm 1992, doanh số album tại châu Âu đã tăng từ 6,8 triệu đơn vị lên 7,2 triệu đơn vị.[70]

Trên phạm vi toàn cầu, Dangerous đã đạt thành công rực rỡ ở 14 quốc gia. Album này đã bán được 5 triệu bản trong tuần đầu phát hành bên ngoài Hoa Kỳ. Nó chạm mốc 10 triệu bản chỉ sau 2 tháng phát hành; hai album trước đó của Jackson là BadThriller phải mất hơn 4 tháng mới có thể đạt được cột mốc ấy.[71][72]

Đến tháng 11 năm 1992, theo các nguồn tin, album này đã bán được khoảng 15 triệu bản trên toàn thế giới.[73] Theo những ước tính gần đây, Dangerous đã bán được hơn 32 triệu bản trên toàn cầu, qua đó trở thành một trong những album bán chạy nhất mọi thời đại.[74][75]

Quảng bá

[sửa | sửa mã nguồn]
Jackson trong màn trình diễn "Will You Be There" tại chuyến lưu diễn Dangerous World Tour vào năm 1992

Tương tự như cách các giám đốc hãng đĩa đã tiếp cận album Bad, những kỳ vọng được đặt ra cho Dangerous cũng ở mức rất cao.[76] Tháng 9 năm 1991, Jackson đã đạt được thỏa thuận để cho phép các video âm nhạc của mình được phát sóng trên Fox cùng với các kênh âm nhạc thông thường khác như MTV, BETVH1.[77]

Video dài 11 phút cho ca khúc "Black or White" đã ra mắt vào ngày 14 tháng 11 năm 1991 và được phát sóng trên 27 quốc gia. Theo ước tính, 500 triệu khán giả truyền hình đã xem video này—con số kỷ lục về lượng người xem cho một MV.[78] Video âm nhạc và những tranh cãi xung quanh nó đã giúp thúc đẩy doanh số của album Dangerous, cũng như việc phát sóng video cho các bài hát "Remember the Time" và "In the Closet".[79]

Jackson đã biểu diễn "Black or White" cùng Slash, cũng như trình diễn "Will You Be There" lần đầu tiên trong chương trình đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập MTV được phát sóng trên ABC 2 ngày sau khi Dangerous chính thức được phát hành.[80][81]

Tuyển tập những video âm nhạc từ Dangerous mang tên Dangerous: The Short Films, bao gồm cả các cảnh quay hậu trường, đã được phát hành năm 1993.[82]

Jackson khởi động chuyến lưu diễn Dangerous World Tour, mang về 100 triệu USD (tương đương 177 triệu USD vào năm 2020)[83] và thu hút gần 4 triệu khán giả tham dự trong 72 đêm diễn.[84] Toàn bộ lợi nhuận từ tour diễn được ông quyên góp cho các tổ chức từ thiện, trong đó có Quỹ Heal the World do chính Jackson sáng lập. Buổi hòa nhạc tại Bucharest vào ngày 1 tháng 10 năm 1992 đã được ghi hình để phát sóng trên HBO vào ngày 10 tháng 10 năm 1992. Jackson đã bán bản quyền phát sóng đêm diễn trực tiếp trên truyền hình với giá 20 triệu USD, mức phí kỷ lục đối với một nghệ sĩ biểu diễn trên sóng truyền hình thời điểm đó.[85] Việc phát sóng chương trình đặc biệt của HBO có tên Michael Jackson: Live in Bucharest, đã giúp vực dậy doanh số album.[86]

Jackson đã xuất hiện tại một số sự kiện lớn vào đầu năm 1993, bao gồm giải thưởng Âm nhạc Mỹgiải Grammy, tại đây ông được em gái Janet trao tặng giải Grammy Huyền thoại. Ông cũng thực hiện một cuộc phỏng vấn gây nhiều tranh cãi với Oprah Winfrey và trình diễn trong chương trình nghỉ giữa giờ của Super Bowl XXVII, mở đầu cho xu hướng của NFL trong việc mời các nghệ sĩ hàng đầu tới biểu diễn trong giờ nghỉ giữa hiệp của Super Bowl nhằm thu hút nhiều khán giả và sự quan tâm hơn đến trận cầu này. Show diễn của Jackson đã giúp Dangerous quay trở lại top 10 trên bảng xếp hạng album Hoa Kỳ sau một thời gian dài vắng bóng.[87][88][89] Tháng 8 năm 1993, khi chặng thứ ba của chuyến lưu diễn Dangerous World Tour bắt đầu, cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em đầu tiên nhằm vào Jackson đã được công khai và thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu. Đến tháng 11, Jackson đã hủy phần còn lại của tour diễn, đề cập đến các vấn đề sức khỏe phát sinh từ vụ việc này.[90]

Đĩa đơn

[sửa | sửa mã nguồn]

Đĩa đơn chủ đạo, "Black or White", được phát hành vào tháng 11 năm 1991, đã đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 chỉ sau ba tuần kể từ khi phát hành và duy trì vị trí đó trong vòng bảy tuần.[91] Đây trở thành bản hit đạt vị trí quán quân nhanh nhất kể từ "Get Back" của the Beatles vào năm 1969 và cũng là đĩa đơn bán chạy nhất trên toàn thế giới trong năm 1992.[92][93] "Black or White" đã đạt vị trí thứ nhất tại 20 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, Mexico, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ, Zimbabwe, Úc, New Zealand, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ireland, Israel, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và bảng xếp hạng Eurochart Hot 100. Nó trở thành đĩa đơn đầu tiên của Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng UK Singles Chart kể từ "It's Now or Never" của Elvis Presley vào năm 1960.[92] Các đĩa đơn trong album đã gặt hái thành công ở nước ngoài nhiều hơn so với tại Hoa Kỳ. Chỉ riêng ở Anh Quốc, có đến bảy đĩa đơn lọt vào top 10. Điều này đã thiết lập kỷ lục cho bất kỳ album phòng thu nào khác tại Anh Quốc cho đến khi Calvin Harris phá vỡ nó vào năm 2013.[94]

"Remember the Time" đạt vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng đĩa đơn Billboard và vị trí số một trên R&B Singles Chart. Nó cũng đứng đầu bảng xếp hạng New Zealand trong hai tuần liên tiếp.[95] Tại Anh Quốc, bài hát leo lên vị trí thứ ba.[96] Nó đạt thứ hạng cao nhất ở vị trí thứ tư tại Hà Lan và Thụy Sĩ.[97] Bài hát cũng lọt vào top 10 trên các bảng xếp hạng của Pháp, Úc, Thụy Điển, Ý và Na Uy; lần lượt đạt thứ hạng 5, 6, 8 và 10.[97] "Remember the Time" xếp thứ 16 trong top 20 tại Áo.[97] Nhìn chung, nó được các nhà phê bình âm nhạc đương đại đánh giá cao và được xem là một trong những ca khúc nổi bật trong album Dangerous.[98]

Đĩa đơn thứ ba "In the Closet" đạt vị trí thứ sáu trên bảng xếp hạng đĩa đơn Billboard Hot 100, đồng thời cũng đạt vị trí quán quân trên R&B Singles Chart, trở thành bản hit top 10 thứ 3 liên tiếp của album.[99] Tại Anh Quốc, bài hát đạt thứ hạng cao nhất ở vị trí thứ 8. Giọng nữ trong ca khúc ban đầu được gắn mác "Cô gái bí ẩn" (Mystery Girl) nhưng sau đó được tiết lộ là Stéphanie xứ Monaco.[100]

Mặc dù được quảng bá rầm rộ, "Jam" chỉ đạt vị trí 26 trên Billboard Hot 100.[101] MV của bài hát có sự xuất hiện của huyền thoại NBA Michael Jordan. Nó được sử dụng trong video ăn mừng chức vô địch NBA 1992 mang tên Untouchabulls của Chicago Bulls và xuất hiện trong nhiều video quảng cáo của NBA mùa giải đó.[102] Ở Anh Quốc, đĩa đơn này đã lọt vào top 20 và đạt thứ hạng cao nhất ở vị trí thứ 13.[103]

"Who Is It" đạt vị trí thứ 14 trên Billboard Hot 100 của Mỹ, đồng thời vươn lên vị trí thứ 6 trên Billboard Hot R&B/Hip-Hop Songs cũng như đứng đầu Hot Dance Club Play.[104] Ca khúc đứng thứ 10 trên bảng xếp hạng âm nhạc Anh Quốc. Nó liên tục nằm trong top 100 suốt 7 tuần liên tiếp từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1992.[105] Ở Pháp, bài hát đạt vị trí thứ 8 vào ngày 29 tháng 8.[104] "Who Is It" chỉ đạt vị trí thứ 34 tại Úc.[106]

"Heal the World" đứng thứ 27 trên Billboard Hot 100.[107] Bài hát đạt vị trí á quân trên UK Singles Chart vào tháng 12 năm 1992, chỉ đứng sau ca khúc "I Will Always Love You" của Whitney Houston.[108] Trong một cuộc trò chuyện trực tuyến với người hâm mộ vào năm 2001, Jackson cho biết "Heal the World" là bài hát mà ông tự hào nhất vì đã sáng tác.[107]

Đĩa đơn chỉ phát hành ở nước ngoài "Give In to Me" lọt vào top 5 tại Anh,[109] Hà Lan và Úc, đồng thời đứng đầu bảng xếp hạng ở New Zealand.

"Will You Be There" là đĩa đơn cuối cùng thuộc album lọt vào top 10 trên Billboard Hot 100, đạt vị trí thứ 7.[107] Bài hát đạt vị trí thứ 2 tại New Zealand và lọt vào top 10 tại Bỉ, Canada, Ireland, Hà Lan, Thụy Sĩ và Anh Quốc.[110][111] Đây còn là ca khúc chủ đề của bộ phim Free Willy. Sự góp mặt của nó trong phim cũng đã góp phần thúc đẩy doanh số của album Dangerous.[112]

"Gone Too Soon", một đĩa đơn khác phát hành ở nước ngoài, đã nhận được phản ứng tương đối khả quan, lọt vào top 40 ở Anh Quốc.[113] Jackson đã biểu diễn ca khúc này tại lễ kỷ niệm nhậm chức của tổng thống đắc cử Bill Clinton trong sự kiện mang tên An American Reunion: The 52nd Presidential Inaugural Gala.[114]

Đánh giá chuyên môn

[sửa | sửa mã nguồn]
Đánh giá chuyên môn
Nguồn đánh giá
NguồnĐánh giá
AllMusic[115]
Blender[116]
Chicago Tribune[117]
Encyclopedia of Popular Music[118]
Entertainment WeeklyB−[40]
Los Angeles Times[119]
Pitchfork8.6/10[120]
Q[121]
Rolling Stone[44]
The Village VoiceA−[122]

Dangerous đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình khi phát hành. Trong bài đánh giá cho Rolling Stone, Alan Light nhận định rằng Jackson giờ đây là "một người đàn ông trưởng thành, không còn là một đứa trẻ nữa, đang đối mặt với những ám ảnh về tiếng tăm của bản thân mình và vươn tới sự siêu việt thông qua các màn trình diễn", trong một album đã vượt qua "những thách thức không tưởng từ Thriller với những đoạn giai điệu nhạc dance do Riley sản xuất 'phù hợp một cách hoàn hảo với giọng hát nhanh, thì thầm đặc trưng của Jackson'".[44]

Robert Christgau của The Village Voice đã đánh giá đây là "album nhất quán nhất của Jackson kể từ Off the Wall, một bước tiến so với Bad mặc dù các đoạn hook không phải lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu và giọng hát đôi lúc gây khó chịu." Dù ông cảm thấy Jackson hơi đề cao quá mức các bài hát với thông điệp về "niềm tin, hy vọng và lòng nhân ái", Christgau vẫn tán dương những giai điệu "phá cách và không thể đoán trước" cũng như các ca khúc về "tình dục và tình yêu", mà ông mô tả là những bài hát thuyết phục nhất trong sự nghiệp của Jackson.[122]

Jon Pareles thể hiện thái độ không mấy tích cực trên The New York Times, gọi đây là album solo "kém tự tin nhất" của Jackson. Ông cho rằng Jackson nghe có vẻ lo lắng và lệch nhịp với những beat điện tử của Riley đồng thời chỉ trích ca từ "tầm thường một cách giáo điều" trong các bản tình ca, đánh giá "chúng dường như được viết dựa trên nghiên cứu thị trường hơn là từ trải nghiệm hay trí tưởng tượng".[123] Chris Willman, khi viết cho Los Angeles Times, đã nhận xét về album của Jackson rằng ông muốn vượt qua mọi rào cản về nhân khẩu học—chủng tộc, tuổi tác và quốc tịch—để trở thành hình mẫu cho trẻ em cũng như là một gã tồi tệ. Album được đánh giá "chủ yếu là những niềm vui tốt đẹp và được làm ra một cách chuyên nghiệp" nhưng không phải là tác phẩm hay nhất của Jackson. Willman cũng chỉ trích ca khúc "Heal the World" là "ngớ ngẩn đến mức xấu hổ" và "đi vào vùng tự giễu nhại chính bản thân mình".[119]

Dangerous đã nhận được bốn đề cử giải Grammy, trong đó có ba đề cử dành cho Jackson: Trình diễn giọng pop xuất sắc nhất cho "Black or White", Trình diễn giọng R&B nam xuất sắc nhấtBài hát R&B xuất sắc nhất cho "Jam". Teddy Riley và Bruce Swedien giành giải Album xây dựng xuất sắc nhất, Phi cổ điển, trong khi Jackson được trao giải Grammy Huyền thoại tại cùng một buổi lễ trao giải.[124][125] Jackson đã giành được hai giải và nhận về tổng cộng năm đề cử tại giải thưởng Âm nhạc Mỹ năm 1993. Dangerous thắng giải Album Pop/Rock được yêu thích nhất và "Remember the Time" thắng giải Bài hát Soul/R&B được yêu thích nhất. Giải thưởng Nghệ sĩ Quốc tế đầu tiên cũng được trao cho Jackson.[126]

Jackson đã giành giải Album R&B/Soul xuất sắc nhất – NamĐĩa đơn R&B/Soul xuất sắc nhất – Nam cho "Remember the Time" tại giải thưởng Âm nhạc Soul Train năm 1993. Ông cũng được nhận giải Nhân đạo đặc biệt.[127] Tại giải thưởng Hình ảnh NAACP năm 1993, "Black or White" đoạt giải Video âm nhạc xuất sắc và Jackson giành giải Nghệ sĩ giải trí của năm.[128][129] Tại giải thưởng Điện ảnh của MTV năm 1994, "Will You Be There" giành giải Ca khúc hay nhất trong phim.[130] Giải thưởng Âm nhạc Billboard năm 1992 đã vinh danh Jackson với giải Album toàn cầu xuất sắc nhất cho DangerousĐĩa đơn toàn cầu xuất sắc nhất với cho "Black or White". Cả hai đều là giải thưởng đặc biệt.[93]

Di sản và ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]

Tái đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]

Là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ nhạc pop và R&B đương đại, Dangerous tiếp tục nhận được nhiều lời tán dương nhiệt liệt từ giới chuyên môn và được các nhà phê bình cũng như các ấn phẩm uy tín xếp hạng là một trong những album vĩ đại nhất mọi thời đại. Mặc dù âm nhạc trong album đã gây ra phản ứng trái chiều từ những nhà phê bình,[34] một số người vẫn coi Dangerous là album đỉnh cao về mặt nghệ thuật của Jackson. Jeff Weiss đã mô tả đây là "album kinh điển cuối cùng của Jackson và là album phòng thu hay nhất trong kỷ nguyên New Jack Swing."[131] Nhà phê bình Joseph Vogel mô tả album này là tác phẩm thể hiện ý thức xã hội sâu sắc nhất, tiết lộ nhiều điều về bản thân ông nhất—tương tự như Songs in the Key of Life của Stevie Wonder—và là album cách tân nhất trong thời đại đó. Ông nói thêm "Dangerous đang được nhiều người đánh giá cao hơn khi họ bắt đầu bỏ qua những chi tiết vô nghĩa thường thấy trong các bài phê bình đương thời và tập trung vào nội dung của nó: các chủ đề tiên tri, kho âm thanh đa dạng và sự khám phá toàn diện nhiều phong cách âm nhạc khác nhau... Sự kết hợp giữa R&B và rap của Jackson đã đặt nền móng cho những năm tiếp theo, trong khi âm hưởng industrial và các đoạn beat metal của ông sau này được nhiều nghệ sĩ khác nhau như Nine Inch NailsLady Gaga phổ biến rộng rãi".[132][35] Viết cho The Guardian vào năm 2018, nhà phê bình này nói rằng: "Quay trở lại với [Dangerous] bây giờ, không còn sự ồn ào hay thiên vị đi kèm như lúc nó phát hành vào đầu những năm 90, người ta có cái nhìn rõ ràng hơn về tầm quan trọng của nó [...] album đã khảo sát bức tranh văn hóa đương thời cũng như tâm trạng day dứt của người tạo ra nó theo một cách hấp dẫn [...]. Chắc chắn rằng, nền âm nhạc đương đại mang ơn Dangerous nhiều hơn". Vogel cũng ghi nhận album này như là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình của dòng nhạc da đen.[47] Ben Beaumont-Thomas coi Dangerous là album đỉnh cao trong sự nghiệp của Jackson, "đánh dấu đỉnh cao tài năng sáng tạo của ông, với phạm vi cảm xúc rộng nhất từ ​​trước đến nay được thể hiện qua phần sản xuất âm nhạc đã khiến cho new jack swing không chỉ đơn thuần là những động tác nhảy kỳ cục và trang phục sáng màu."[133] Stephen Thomas Erlewine cũng ca ngợi cách tiếp cận táo bạo của Jackson trong album, cho rằng đây là "một album sắc sảo và liều lĩnh hơn nhiều" so với Bad.[115]

Phát biểu tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll, Janet Macoska đã ca ngợi sự hiện đại của Dangerous: "một bản cập nhật tinh tế, phù hợp với thời đại cho âm nhạc của Jackson" với những "bài hát mang thông điệp nhân văn sâu sắc như "Heal The World" và "Will You Be There"".[134] Tương tự, nhà phê bình James Wesser của Odyssey nói rằng: "Theo tôi, [Dangerous] vượt thời gian và nếu được tái phát hành vào năm 2016, nó vẫn nghe rất mới mẻ."[135] Michael Roffman của Consequence of Sound mô tả album là "kiệt tác những năm 90 của Jackson."[136] Học giả Susan Fast coi Dangerous như là album trưởng thành của Jackson: "[Album này] truyền tải một câu chuyện hấp dẫn về nỗi lo âu hậu hiện đại, tình yêu, dục vọng, sự quyến rũ, sự phản bội, trừng phạt và quan trọng nhất là về chính trị chủng tộc, theo những cách trước đây chưa từng thấy trong âm nhạc của ông."[137] Trong khi đó, Tari Ngangura của Vice mô tả đây là một trong những "album tự sự vĩ đại nhất mọi thời đại."[138] Todd "Stereo" Williams của The Boombox nhận định rằng đây là album "đen nhất" của Jackson kể từ Off the Wall—một sự trở lại với cội nguồn của mình. Ông nhấn mạnh các yếu tố văn hóa trong video âm nhạc "Black or White", dàn diễn viên toàn người da đen và đạo diễn cho "Remember the Time" cũng là người da đen, sự xuất hiện của siêu mẫu da đen Naomi Campbell trong vai người tình của ông ở "In the Closet" và sự hợp tác với Teddy Riley, người được coi là "hit-maker R&B hàng đầu" vào thời điểm đó.[139] Williams còn xem Dangerous là một tác phẩm quan trọng của thập niên 90; nó khẳng định vị thế vững chắc của Jackson trên bản đồ âm nhạc đại chúng giữa sự lên ngôi của dòng nhạc grungegangsta rap.[139]

Thứ hạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2007, Hiệp hội Tiếp thị Bản thu âm Quốc gia (NARM), phối hợp với Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll, đã liệt Dangerous vào vị trí thứ 115 trong danh sách 200 album kinh điển nhất mọi thời đại.[140] Trong danh sách 300 album hay nhất 30 năm qua (1985–2014) của Spin, album này được xếp ở vị trí thứ 132.[141] Nhà phê bình Chuck Eddy của Spin đã gọi đây là một trong những album tiêu biểu của dòng nhạc new jack swing trong một danh sách do tạp chí này xuất bản.[142] Trong lần tái bản thứ ba của cuốn 1000 album hay nhất mọi thời đại (2000) do Colin Larkin chấp bút, Dangerous được xếp thứ 325. Ngoài ra, nó còn đứng thứ 13 trong danh sách album Soul/R&B hay nhất mọi thời đại.[143] Billboard đã xếp Dangerous ở vị trí thứ 43 trong danh sách 100 album R&B/Hip-Hop vĩ đại nhất mọi thời đại.[144] Năm 2019, 24/7 Wall St. đã xếp album ở vị trí thứ 89 trong danh sách 100 album nhạc pop hay nhất mọi thời đại.[145]

Giải thưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
Giải thưởng Ngày tổ chức trao giải Hạng mục Đối tượng nhận giải Kết quả Nguồn
Giải thưởng Âm nhạc Mỹ 25 tháng 1 năm 1993 Nam nghệ sĩ Pop/Rock được yêu thích nhất Michael Jackson Đề cử [126]
Album Pop/Rock được yêu thích nhất Dangerous Đoạt giải
Nam nghệ sĩ Soul/R&B được yêu thích nhất Michael Jackson Đề cử
Album Soul/R&B được yêu thích nhất Dangerous Đề cử
Bài hát Soul/R&B được yêu thích nhất "Remember the Time" Đoạt giải
Giải Grammy 24 tháng 2 năm 1993 Trình diễn giọng pop xuất sắc nhất, Nam "Black or White" — Michael Jackson Đề cử [146]
Trình diễn giọng R&B xuất sắc nhất, Nam "Jam" — Michael Jackson Đề cử
Bài hát R&B xuất sắc nhất "Jam" — Michael Jackson, René Moore, Teddy Riley, Bruce Swedien Đề cử
Album xây dựng xuất sắc nhất, Phi cổ điển Teddy Riley, Bruce Swedien Đoạt giải
Giải thưởng Âm nhạc Soul Train 9 tháng 3 năm 1993 Album R&B/Soul xuất sắc nhất – Nam Dangerous Đoạt giải [127]
Đĩa đơn R&B/Soul xuất sắc nhất – Nam "Remember the Time" Đoạt giải
Video âm nhạc R&B xuất sắc nhất Đề cử

Danh sách bài hát

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phần thực hiện được lấy từ cuốn sách nhỏ đi kèm theo CD album[147]

Danh sách bài hát trong Dangerous
STTNhan đềSáng tácSản xuấtThời lượng
1."Jam" (với phần rap của Heavy D)
  • Jackson
  • Riley
  • Swedien
5:39
2."Why You Wanna Trip on Me"
  • Jackson
  • Riley
5:24
3."In the Closet" (song ca với Stéphanie xứ Monaco)
  • Jackson
  • Riley
  • Jackson
  • Riley
6:32
4."She Drives Me Wild" (với phần rap của Wreckx-n-Effect)
  • Jackson
  • Riley
3:42
5."Remember the Time"
  • Jackson
  • Riley
  • Belle
  • Jackson
  • Riley
4:01
6."Can't Let Her Get Away"
  • Jackson
  • Riley
  • Jackson
  • Riley
4:59
7."Heal the World"
  • Jackson
  • Jackson
  • Swedien[a]
6:25
8."Black or White" (với phần rap của L.T.B.)
  • Jackson
  • Bottrell
4:16
9."Who Is It"Jackson
  • Jackson
  • Bottrell
6:35
10."Give In to Me" (với phần solo guitar của Slash)
  • Jackson
  • Bottrell
  • Jackson
  • Bottrell
5:30
11."Will You Be There" (phần giới thiệu từ Dàn nhạc Cleveland)
  • Jackson
  • Jackson
  • Swedien[a]
7:40 (5:53, 3:38)
12."Keep the Faith" (hợp tác với The Andraé Crouch Singers)
  • Jackson
  • Swedien[a]
5:57
13."Gone Too Soon"
  • Jackson
  • Swedien[a]
3:22
14."Dangerous"
  • Jackson
  • Bottrell
  • Riley
  • Jackson
  • Riley
7:00
Tổng thời lượng:77:03

Ghi chú

  • ^[a] hỗ trợ sản xuất

Đội ngũ thực hiện

[sửa | sửa mã nguồn]

Danh sách đội ngũ thực hiện được lấy từ phần ghi chú của album.[148]

  • John Bahler – biên khúc thanh nhạc và hợp xướng (track số 7)
  • The John Bahler Singers – hợp xướng (track số 7)
  • Glen Ballard – biên khúc (track số 12)
  • John Barnes – đánh phím đàn (track số 8)
  • Michael Boddicker – synthesizer (track số 1, 7, 11–13), trình tự âm thanh (8), đánh phím đàn và lập trình âm thanh (9)
  • Bill Bottrell – sản xuất, kỹ thuật âm thanh, và phối nhạc (track số 8–10); guitar (8, 10); đánh trống (9, 10); đánh bộ gõ, rap, và lồng tiếng đoạn giới thiệu (8); synthesizer (9); guitar bass và mellotron (10)
  • Craig Brock – hỗ trợ kỹ thuật âm thanh guitar (track số 10)
  • Brad Buxer – đánh phím đàn (track số 1, 7–9, 11), synthesizer (1, 14), đánh bộ gõ (8), lập trình âm thanh (9)
  • Larry Corbett – hồ cầm (track số 9)
  • Andraé Crouch – biên khúc hợp xướng (track số 11, 12)
  • Sandra Crouch – biên khúc hợp xướng (track số 11, 12)
  • The Andraé Crouch Singers – hợp xướng (track số 11, 12)
  • Heavy D – rap (track số 1)
  • George Del Barrio – biên khúc đàn dây (track số 9)
  • Matt Forger – kỹ thuật âm thanh và phối nhạc (track số 7), kỹ thuật và thiết kế âm thanh (mở đầu track số 8)
  • Kevin Gilbert – tốc độ trình tự âm thanh (track số 8)
  • Endre Granat – chỉ huy buổi hòa nhạc (track số 9)
  • Linda Harmon – giọng hát soprano (track số 9)
  • Jerry Hey – biên khúc (track số 12)
  • Jean-Marie Horvat – kỹ thuật âm thanh (track số 14)
  • Michael Jackson – sản xuất và giọng hát chính (toàn bộ track), giọng hát nền (1–12, 14), biên khúc (1, 9), biên khúc thanh nhạc (1, 3–7, 11, 14), biên khúc nhịp nhạc (7, 11), dẫn nhạc (mở đầu track số 8), giọng hát soprano (9)
  • Paul Jackson Jr. – guitar (track số 2)
  • Terry Jackson – guitar bass (track số 8)
  • Louis Johnson – guitar bass (track số 9)
  • Abraham Laboriel – guitar bass (track số 13)
  • Christa Larson – giọng hát đơn đoạn kết (track số 7)
  • Rhett Lawrence – synthesizer (track số 1, 11, 12, 14); đánh trống, bộ gõ, và biên khúc (12); lập trình synthesizer (11)
  • Bryan Loren – đánh trống (track số 8, 9), synthesizer (8)
  • Johnny Mandel – biên khúc dàn hợp xướng và chỉ huy nhạc (track số 11)
  • Jasun Martz – đánh phím đàn (track số 8)
  • Andres McKenzie – lồng tiếng đoạn giới thiệu (track số 8)
  • Jim Mitchell – kỹ thuật âm thanh guitar (track số 10)
  • René Moore – biên khúc và đánh phím đàn (track số 1)
  • David Paich – đánh phím đàn (track số 7, 9, 13), synthesizer (7, 13), biên khúc đàn phím và lập trình âm thanh (9), biên khúc nhịp nhạc (13)
  • Marty Paich – biên khúc dàn hợp xướng và chỉ huy nhạc (track số 7, 13)
  • Greg Phillinganes – đánh phím đàn (track số 11)
  • Tim Pierce – guitar heavy metal (track số 8)
  • Jeff Porcaro – đánh trống (track số 7)
  • Steve Porcaro – synthesizer (track số 7, 13), đánh phím đàn và lập trình âm thanh (9)
  • Teddy Riley – sản xuất, kỹ thuật âm thanh, phối nhạc, và đánh synthesizer (track số 1–6, 14); đánh phím đàn (1–6); guitar (1, 2); biên khúc nhịp nhạc (2–6, 14); biên khúc synthesizer (3–6, 14); đánh trống và biên khúc (1)
  • Thom Russo – kỹ thuật âm thanh (track số 14)
  • Slash – biểu diễn guitar đặc biệt (track số 10)
  • Bruce Swedien – sản xuất (track số 1), đồng sản xuất (track số 7, 11–13), kỹ thuật âm thanh và phối nhạc (1–7, 11–14), biên khúc và đánh phím đàn (1), đánh trống (1, 11, 12), đánh bộ gõ (11, 12)
  • Jai Winding – đánh phím đàn và lập trình âm thanh (track số 9), biểu diễn piano và guitar bass (12)
  • Cô gái bí ẩn (Stéphanie xứ Monaco) – giọng hát (track số 3)

Xếp hạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Chứng nhận và doanh số

[sửa | sửa mã nguồn]
Quốc gia Chứng nhận Số đơn vị/doanh số chứng nhận
Argentina 60.000[199]
Úc (ARIA)[201] 10× Bạch kim 740.000[200]
Áo (IFPI Áo)[202] 4× Bạch kim 200.000*
Brasil (Pro-Música Brasil)[204] Vàng 350.000[203]
Canada (Music Canada)[205] 6× Bạch kim 600.000^
Chile[206] 5× Bạch kim 100,000[207]
Cộng hòa Séc[208] Vàng 50.000[209]
Đan Mạch (IFPI Đan Mạch)[210] 3× Bạch kim 60.000double-dagger
Phần Lan (Musiikkituottajat)[211] Bạch kim 61.896[211]
Pháp (SNEP)[213] Bạch kim 2.100.000[212]
Đức (BVMI)[214] 4× Bạch kim 2.000.000^
Indonesia 500.000[215]
Ireland 75.000[216]
Israel[217] Bạch kim 40.000[217]
Ý
doanh số tính đến năm 1995
650.000[218]
Ý (FIMI)[219]
doanh số kể từ năm 2009
Bạch kim 60.000*
Nhật Bản (RIAJ)[220] 2× Bạch kim 400.000^
México (AMPROFON)[221] 2× Bạch kim+Vàng 600.000^
Hà Lan (NVPI)[222] 3× Bạch kim 300.000^
New Zealand (RMNZ)[223] 6× Bạch kim 90.000^
Bồ Đào Nha[224] 2× Bạch kim 0 
Singapore 100.000[225]
Tây Ban Nha[226] 6× Bạch kim 0 
Thụy Điển (GLF)[227] 3× Bạch kim 300.000^
Thụy Sĩ (IFPI)[228] 5× Bạch kim 250.000^
Đài Loan
doanh số tính đến năm 1993
300.000[229]
Thái Lan
doanh số tính đến năm 1994
300.000[230]
Anh Quốc (BPI)[232] 6× Bạch kim 2.010.069[231]
Hoa Kỳ (RIAA)[233] 8× Bạch kim 8.000.000double-dagger
Tổng hợp
Châu Âu (Music & Media) 5.000.000[234]
Toàn cầu 32.000.000[74]

* Chứng nhận dựa theo doanh số tiêu thụ.
^ Chứng nhận dựa theo doanh số nhập hàng.
double-dagger Chứng nhận dựa theo doanh số tiêu thụ+phát trực tuyến.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Smallcombe, Mike (5 tháng 4 năm 2016). Making Michael: Inside the Career of Michael Jackson. Clink Street Publishing. ISBN 9781910782514. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  2. ^ Vogel 2019, 3847.
  3. ^ Vogel 2019, 3898.
  4. ^ Rothenberg, Randall (21 tháng 3 năm 1991). “Michael Jackson Gets Thriller of Deal To Stay With Sony”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  5. ^ a b Vogel 2019, 3951.
  6. ^ Hall, Carla (7 tháng 6 năm 1990). “MICHAEL JACKSON TO LEAVE HOSPITAL”. The Washington Post. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  7. ^ Vogel 2019, 3923.
  8. ^ Vogel 2019, 3927.
  9. ^ a b c d e “Michael Jackson: The Making of 'The King of Pop'. Rolling Stone. 9 tháng 1 năm 1992. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  10. ^ Vogel 2019, 3929.
  11. ^ a b c d “CLASSIC TRACKS: Michael Jackson 'Black Or White'. Sound on Sound. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  12. ^ Vogel 2019, 3864.
  13. ^ Vogel 2019, 3891.
  14. ^ Vogel 2019, 3892.
  15. ^ Vogel 2019, 3952.
  16. ^ Vogel 2019, 3962.
  17. ^ Vogel 2019, 4152.
  18. ^ Vogel 2019, 3978.
  19. ^ Vogel 2019, 4000.
  20. ^ Vogel 2019, 4023.
  21. ^ Vogel 2019, 4045.
  22. ^ Vogel 2019, 4058.
  23. ^ Guitars, Future Music2009-07-03T12:24:00 183Z. “Michael Jackson: recording Dangerous with Teddy Riley”. MusicRadar. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  24. ^ Vogel 2019, 4098.
  25. ^ Vogel 2019, 4112.
  26. ^ Blowen, Michael (12 tháng 12 năm 1991). 'Dangerous' breakdown”. Boston Globe. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  27. ^ Vogel 2019, 4132.
  28. ^ Vogel 2019, 4174.
  29. ^ a b Browne, David (15 tháng 11 năm 1991). “Michael Jackson Gets Thriller of Deal To Stay With Sony”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  30. ^ Vogel 2019, 3966.
  31. ^ Vogel 2019, 7901.
  32. ^ Allah, Dasun (8 tháng 7 năm 2009). “When Heaven Can Wait: Teddy Riley Remembers Michael Jackson”. hiphopwired.com. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  33. ^ Ivory (3 tháng 1 năm 2015). “SoulBounce's Class Of 1994: Blackstreet 'Blackstreet'. soulbounce.com. Soul Bounce. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  34. ^ a b c Pareles, Jon (24 tháng 11 năm 1991). “RECORDINGS VIEW; Michael Jackson in the Electronic Wilderness”. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  35. ^ a b Vogel, Joe (27 tháng 9 năm 2011). “Michael Jackson, 'Dangerous', and the Reinvention of Pop”. PopMatters. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  36. ^ Johnson, Robert E. (1 tháng 5 năm 1992). “Michael Jackson: Crowned in Africa, Pop Music King Tells Real Story of Controversial Trip”. Ebony. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  37. ^ Vogel 2019, 3618.
  38. ^ a b c d “Teddy Riley on producing Michael Jackson's Dangerous: "It was really difficult for me having to follow in Quincy Jones' footsteps". Music Radar. 20 tháng 12 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  39. ^ “Michael Jackson, 'Dangerous', and the Reinvention of Pop”. PopMatters. 27 tháng 9 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  40. ^ a b Browne, David (29 tháng 11 năm 1991). “Dangerous”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  41. ^ Bernadette McNulty (26 tháng 6 năm 2009). “Michael Jackson's music: the solo albums”. The Daily Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023. Key sound: Anxious new-jack swing
  42. ^ Leight, Elias (6 tháng 5 năm 2017). “Teddy Riley Talks Honing New Jack Swing, Learning From Michael Jackson”. Rolling Stone. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  43. ^ Rowland, Mark (tháng 2 năm 1991). “LA Law and Disorder”. Select, in lại từ Musician: 46.
  44. ^ a b c Light, Alan (1 tháng 1 năm 1992). “Dangerous”. Rolling Stone. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  45. ^ Henderson, Eric. “Out of the Closet: Michael Jackson's Underrated Dangerous Turns 25”. Slant Magazine. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  46. ^ Vogel 2019, 4819.
  47. ^ a b Vogel, Joseph (17 tháng 3 năm 2018). “Black and White: how Dangerous kicked off Michael Jackson's race paradox”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  48. ^ Vogel 2019, 4372.
  49. ^ Ngangura, Tari (28 tháng 11 năm 2016). “Michael Jackson's 'Dangerous' Saw a World That Looks Like Ours Now”. Vice. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  50. ^ “Mark Ryden shares his concepts for Dangerous album cover”. MJ Vibe. 27 tháng 11 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  51. ^ Harris, Scott (21 tháng 11 năm 1991). “Michael Jackson Album a Hit--to Robbers Who Steal 30,000 Copies From Warehouse”. Los Angeles Times. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  52. ^ a b c “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 15 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  53. ^ Philips, Chuck (5 tháng 12 năm 1991). “Michael Jackson's 'Dangerous' Is No 'Thriller' : * Pop music: Sales of 326,500 copies are well below first-week figures for Guns N' Roses and Metallica”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  54. ^ “Michael Jackson – Chart History – Dangerous”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  55. ^ “Billboard 200 Top Albums”. Billboard. 21 tháng 12 năm 1991. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  56. ^ Mayfield, Geoff (21 tháng 12 năm 1991). “Between The Bullets” (PDF). Billboard. tr. 112. ISSN 0006-2510.
  57. ^ “Billboard 200 Top Albums”. Billboard. 28 tháng 12 năm 1991. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  58. ^ Mayfield, Geoff (28 tháng 12 năm 1991). “Between The Bullets” (PDF). Billboard. tr. 112. ISSN 0006-2510. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 10 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  59. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  60. ^ “January 4, 1992”. Billboard 200. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  61. ^ Mayfield, Geoff (4 tháng 1 năm 1992). “Between The Bullets” (PDF). Billboard. tr. 112. ISSN 0006-2510. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  62. ^ a b “Gold & Platinum search – Michael Jackson – Dangerous”. Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  63. ^ De Curtis, Anthony (10 tháng 12 năm 1992). “The Year in Music”. Rolling Stone: 23.
  64. ^ Billboard, Keith Caulfield (31 tháng 1 năm 2014). “How Super Bowl Halftime Shows Sell Music: From Michael Jackson to Beyonce”. The Hollywood Reporter (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  65. ^ “Gold and Platinum”. Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  66. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 27 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  67. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  68. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 3 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  69. ^ “norwegiancharts.com – Michael Jackson – Dangerous”. norwegiancharts.com. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  70. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  71. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 27 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  72. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  73. ^ “Jackson's 'Dangerous Tour' Slated to Play in Japan”. Jet. Johnson Publishing Company: 60. 23 tháng 11 năm 1992. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  74. ^ a b “Michael Jackson's best selling studio albums”. Daily Telegraph. 26 tháng 6 năm 2009. ISSN 0307-1235. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  75. ^ “50 Best Selling Studio Albums”. This Day In Music. 1 tháng 7 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  76. ^ “Michael Jackson's 'Dangerous'. Los Angeles Times. 24 tháng 11 năm 1991. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  77. ^ Banks, Jack (12 tháng 2 năm 2018). Monopoly Television: Mtv's Quest To Control The Music. Routledge. ISBN 9780429978470. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023 – qua Google Books.
  78. ^ Phalen, Tom (16 tháng 11 năm 1991). “Living | Seattle Times Newspaper”. Community.seattletimes.nwsource.com. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  79. ^ Fabrikant, Geraldine (16 tháng 3 năm 1992). “THE MEDIA BUSINESS; Michael Jackson's Latest In Shade of His Greatest”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  80. ^ “MTV 10 {MTV TENTH ANNIVERSARY SPECIAL} (TV)”. The Paley Center. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  81. ^ Chris Williams (29 tháng 11 năm 1991). 'MTV 10': A Star-Studded Self-Tribute”. Los Angeles Times. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  82. ^ “Dangerous: The Short Films”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  83. ^ “$100,000,000 in 1993 → 2019 | Inflation Calculator”. www.in2013dollars.com. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  84. ^ King, Anthony (2018). Anthony King's Guide to Michael Jackson's Dangerous Tour. Faria Publishing Ltd. ISBN 978-1999604929.
  85. ^ Zad, Martin (10 tháng 10 năm 1992). “Michael Jackson on HBO”. Chicago Sun-Times. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  86. ^ Sandler, Adam (12 tháng 10 năm 1992). “Michael Jackson in Concert in Bucharest: The Dangerous Tour”. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  87. ^ “Michael Jackson's Dangerous year”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  88. ^ “The Michael Jackson Interview: Oprah Reflects”. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  89. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  90. ^ Newton, Jim (13 tháng 11 năm 1993). “Jackson ends world tour, cites painkiller addiction”. Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  91. ^ “Michael Jackson Black Or White Chart History”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  92. ^ a b Halstead, tr. 99.
  93. ^ a b “Brooks, U2 lead Billboard popularity nods”. Variety. 10 tháng 12 năm 1992. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  94. ^ “Calvin Harris makes chart history with eight top 10s”. BBC Newsbeat. 23 tháng 4 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  95. ^ “Michael Jackson – Remember the Time (song)”. charts.nz. Hung medien. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  96. ^ “The Official Charts Company – Remember The Time by Michael Jackson Search”. The Official Charts Company. 11 tháng 7 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  97. ^ a b c “lescharts.com – Michael Jackson – Remember The Time”. lescharts.com. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  98. ^ Stephen Thomas Erlewine. “allmusic (( Dangerous > Overview ))”. AllMusic. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  99. ^ “Michael Jackson In The Closet Chart History”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  100. ^ Whitburn, tr. 320.
  101. ^ “allmusic (( Dangerous > Charts & Awards > Billboard Singles ))”. AllMusic. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  102. ^ “Oral history: MJ meets MJ for 'Jam' video”. ESPN. 14 tháng 3 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  103. ^ “Michael Jackson – Jam”. Official Charts Company. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  104. ^ a b “Dangerous – Michael Jackson | Awards”. AllMusic. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  105. ^ “Michael Jackson”. Official Charts Company. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  106. ^ “australian-charts.com – Michael Jackson – Who Is It”. australian-charts.com. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  107. ^ a b c “Michael Jackson Chart History”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  108. ^ “Official Singles Chart Top 75 | Official Charts Company”. officialcharts.com. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  109. ^ “Give In to Me”. officialcharts.com. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  110. ^ “Eurochart Hot 100 Singles” (PDF). Music & Media. 10 (32): 15. 7 tháng 8 năm 1993. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  111. ^ Ryan, Gavin (2011). Australia's Music Charts 1988–2010. Mt. Martha, VIC, Australia: Moonlight Publishing.
  112. ^ Young, Sage. “What The Whale From 'Free Willy' Taught Us About Orcas, Long Before 'Blackfish' Hit Theaters”. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  113. ^ “Gone Too Soon”. officialcharts.com. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.
  114. ^ Michael Jackson – Gone Too Soon (Clinton Inaugural Gala – Jan 93), lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2015, truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023
  115. ^ a b Erlewine, Stephen Thomas. “Dangerous – Michael Jackson”. AllMusic. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  116. ^ “Michael Jackson: Dangerous”. Blender. tháng 4 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  117. ^ Kot, Greg (24 tháng 11 năm 1991). “Playing It Safe”. Chicago Tribune. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  118. ^ Larkin, Colin (2011). The Encyclopedia of Popular Music (ấn bản thứ 5). Omnibus Press. ISBN 978-0-85712-595-8.
  119. ^ a b Willman, Chris (24 tháng 11 năm 1991). “Dangerous? Hardly”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  120. ^ Weiss, Jeff (7 tháng 8 năm 2016). “Michael Jackson: Dangerous”. Pitchfork. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  121. ^ Snow, Mat (tháng 1 năm 1992). “Michael Jackson: Dangerous”. Q (64). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  122. ^ a b Christgau, Robert (28 tháng 1 năm 1992). “Consumer Guide”. The Village Voice. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023 – qua robertchristgau.com.
  123. ^ Pareles, Jon (24 tháng 11 năm 1991). “RECORDINGS VIEW; Michael Jackson in the Electronic Wilderness”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  124. ^ “Grammy for Bruce Swedien & Teddy Riley”. Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  125. ^ “Grammy Awards 1993”. Rock On The Net. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  126. ^ a b “Jackson Wins 3 American Music Awards : Entertainment: Other major winners include Michael Bolton, Billy Ray Cyrus, Mariah Carey, Reba McEntire, Pattie LaBelle, Garth Brooks and Bobby Brown”. Los Angeles Times. 26 tháng 1 năm 1993. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  127. ^ a b “Boyz II Men nab 3 awards at Soul Train”. Variety. Associated Press. 11 tháng 3 năm 1993. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  128. ^ 25th NAACP Image Awards (1993) – IMDb, truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023
  129. ^ “Winners of 25th annual NAACP Image Awards”. United Press International. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  130. ^ Pollack, Marc. 'Menace,' Jackson are MTV favorites”. The Baltimore Sun. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  131. ^ “Michael Jackson: Dangerous”. Pitchfork. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  132. ^ Vogel 2019, 3630.
  133. ^ Beaumont-Thomas, Ben (6 tháng 7 năm 2009). “Dangerous was Michael Jackson's true career high”. The Guardian. ISSN 0261-3077. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  134. ^ “Michael Jackson”. Rock & Roll Hall of Fame. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  135. ^ “25 Years Since Michael Jackson's Dangerous: A Review”. The Odyssey Online. 7 tháng 11 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  136. ^ “Michael Jackson's Dangerous Won the Early '90s Through Sheer Spectacle”. Consequence of Sound. 26 tháng 11 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  137. ^ “Michael Jackson's Dangerous”. Bloomsbury Publishing. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  138. ^ Ngangura, Tari (28 tháng 11 năm 2016). “Michael Jackson's 'Dangerous' Saw a World That Looks Like Ours Now”. Vice. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  139. ^ a b Williams, Todd "Stereo". “Michael Jackson's 'Dangerous' at 25: The King of Pop Opened the 90s With a New Swing”. The Boombox. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  140. ^ “Top 100 of the Definitive 200”. TimePieces. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  141. ^ “The 300 Best Albums of the Past 30 Years (1985–2014)”. Spin. 11 tháng 5 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  142. ^ Eddy, Chuck (tháng 3 năm 2011). “Essentials”. Spin: 84. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  143. ^ “Rocklist.net..Colin Larkin 1000 Albums – 2000”. rocklistmusic.co.uk. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  144. ^ “Greatest of All Time Top R&B/Hip-Hop Albums : Page 1”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  145. ^ “100 Best Pop Albums of All Time – Page 3 – 24/7 Wall St”. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  146. ^ “35th Annual GRAMMY Awards”. National Academy of Recording Arts and Sciences. 28 tháng 11 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
  147. ^ Michael Jackson, Bill Bottrell, Bruce Swedien, Teddy Riley (1991). Dangerous (compact disc). Epic Records, MJJ Productions Inc.
  148. ^ Dangerous (booklet). Epic Records. 1991.
  149. ^ “Pelo” (PDF). Files.revistapelo.com.ar. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  150. ^ "Australiancharts.com – Michael Jackson – Dangerous" (bằng tiếng Anh). Hung Medien. Truy cập 2023-12-16.
  151. ^ "Austriancharts.at – Michael Jackson – Dangerous" (bằng tiếng Đức). Hung Medien. Truy cập 2023-12-16.
  152. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 31 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  153. ^ ds. “Charts July 6 – July 12, 2009”. ABPD. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  154. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  155. ^ ds. “Čns Ifpi”. Ifpicr.cz. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  156. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  157. ^ "Dutchcharts.nl – Michael Jackson – Dangerous" (bằng tiếng Hà Lan). Hung Medien. Truy cập 2023-12-16.
  158. ^ Pennanen, Timo (2021). “Michael Jackson”. Sisältää hitin - 2. laitos Levyt ja esittäjät Suomen musiikkilistoilla 1.1.1960–30.6.2021 (PDF). Helsinki: Kustannusosakeyhtiö Otava. tr. 113. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  159. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  160. ^ "Offiziellecharts.de – Michael Jackson – Dangerous" (bằng tiếng Đức). GfK Entertainment Charts. Truy cập 2023-12-16.
  161. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  162. ^ “Album Top 40 slágerlista – Hivatalos magyar slágerlisták”. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  163. ^ a b “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 19 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  164. ^ Mexican Albums Chart Week 29 – 2009 Lưu trữ 2010-11-26 tại Wayback Machine Retrieved January 14, 2016.
  165. ^ "Charts.nz – Michael Jackson – Dangerous" (bằng tiếng Anh). Hung Medien. Truy cập 2023-12-16.
  166. ^ "Norwegiancharts.com – Michael Jackson – Dangerous" (bằng tiếng Anh). Hung Medien. Truy cập 2023-12-16.
  167. ^ "Oficjalna lista sprzedaży :: OLiS - Official Retail Sales Chart" (bằng tiếng Ba Lan). OLiS. Polish Society of the Phonographic Industry. Truy cập 2023-12-16.
  168. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  169. ^ Salaverri, Fernando (tháng 9 năm 2005). Sólo éxitos: año a año, 1959–2002 (ấn bản thứ 1). Spain: Fundación Autor-SGAE. ISBN 84-8048-639-2.
  170. ^ "Swedishcharts.com – Michael Jackson – Dangerous" (bằng tiếng Anh). Hung Medien. Truy cập 2023-12-16.
  171. ^ "Swisscharts.com – Michael Jackson – Dangerous" (bằng tiếng Đức). Hung Medien. Truy cập 2023-12-16.
  172. ^ “Michael Jackson | Official Charts Company”. officialcharts.com. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  173. ^ "Michael Jackson Chart History (Billboard 200)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập 2023-12-16.
  174. ^ "Michael Jackson Chart History (Top R&B/Hip-Hop Albums)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập 2023-12-16.
  175. ^ “ARIA Top 100 Albums for 1991”. Australian Recording Industry Association. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  176. ^ “RPM 100 Albums (CDs & Cassettes) of 1991”. RPM. 21 tháng 12 năm 1991. Bản gốc lưu trữ 8 Tháng tư năm 2014. Truy cập 16 Tháng mười hai năm 2023.
  177. ^ “Jaaroverzichten – Album 1991”. dutchcharts.nl. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  178. ^ a b “Chart Archive – 1990s Albums”. Every Hit. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  179. ^ “ARIA Top 100 Albums for 1992”. Australian Recording Industry Association. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  180. ^ “Jahreshitparade Alben 1992”. austriancharts.at. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  181. ^ “The RPM Top 100 Albums of 1992” (PDF). RPM. 56 (25): 13. 19 tháng 12 năm 1992.
  182. ^ “Jaaroverzichten – Album 1992”. dutchcharts.nl. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  183. ^ “Top 100 Album-Jahrescharts”. GfK Entertainment (bằng tiếng Đức). offiziellecharts.de. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  184. ^ “Top Selling Albums of 1992”. The Official NZ Music Charts. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  185. ^ “Schweizer Jahreshitparade 1992”. hitparade.ch. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2020.
  186. ^ Billboard [1] Lưu trữ 2017-11-03 tại Wayback Machine | Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2018.
  187. ^ “Top R&B/Hip-Hop Albums – Year-End 1992”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  188. ^ “ARIA Top 100 Albums for 1993”. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Úc. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  189. ^ “Jahreshitparade Alben 1993”. austriancharts.at. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  190. ^ “The RPM Top 100 Albums of 1993”. RPM. 18 tháng 12 năm 1993. Bản gốc lưu trữ 21 tháng Mười năm 2012. Truy cập 16 Tháng mười hai năm 2023.
  191. ^ “Jaaroverzichten – Album 1993”. dutchcharts.nl. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  192. ^ “Top 100 Album-Jahrescharts”. GfK Entertainment (bằng tiếng Đức). offiziellecharts.de. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  193. ^ “Top Selling Albums of 1993”. The Official NZ Music Charts. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  194. ^ Billboard [2] Lưu trữ 2019-01-13 tại Wayback Machine | Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  195. ^ “Year-End 1993 Top R&B/Hip-Hop Albums”. Billboard. 31 tháng 12 năm 1993. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  196. ^ “UK Year-End 2009” (PDF). Charts Plus. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 21 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  197. ^ “Top 20 Albums of the Nineties” (PDF). Music Week: 28. 18 tháng 12 năm 1999. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 31 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  198. ^ Geoff Mayfield (25 tháng 12 năm 1999). 1999 The Year in Music Totally '90s: Diary of a Decade – The listing of Top Pop Albums of the '90s & Hot 100 Singles of the '90s. Billboard. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  199. ^ Mandim, Ana Maria (4 tháng 2 năm 1992). “Xuxa bate os Guns”. Jornal do Brasil (bằng tiếng Bồ Đào Nha). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  200. ^ “The Music Australia Loved”. Sydney Morning Herald. 1 tháng 1 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  201. ^ “ARIA Charts – Accreditations – 2011 Albums” (PDF) (bằng tiếng Anh). Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Úc.
  202. ^ “Chứng nhận album Áo – Michael Jackson – Dangerous” (bằng tiếng Đức). IFPI Áo.
  203. ^ “Na órbita dos astros”. Veja (bằng tiếng Bồ Đào Nha). 6 tháng 10 năm 1993. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  204. ^ “Chứng nhận album Brasil – Michael Jackson – Dangerous” (bằng tiếng Bồ Đào Nha). Pro-Música Brasil.
  205. ^ “Chứng nhận album Canada – Michael Jackson – Dangerous” (bằng tiếng Anh). Music Canada.
  206. ^ “Récord de Ana Gabriel” (bằng tiếng Tây Ban Nha). El Tiempo. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  207. ^ “Chile's Warm-up”. Billboard. Nielsen Business Media, Inc.: 70– 10 tháng 12 năm 1994. ISSN 0006-2510. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  208. ^ “Jackson's Platinum History” (PDF). Music & Media. 28 tháng 9 năm 1996. tr. 28. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  209. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  210. ^ “Chứng nhận album Đan Mạch – Michael Jackson – Dangerous” (bằng tiếng Đan Mạch). IFPI Đan Mạch.
  211. ^ a b “Chứng nhận album Phần Lan – Michael Jackson – Dangerous” (bằng tiếng Phần Lan). Musiikkituottajat – IFPI Finland.
  212. ^ “Quel est le disque le plus vendu en France de tous les temps ?”. Le Telegramme. 25 tháng 9 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  213. ^ “Chứng nhận album Pháp – Michael Jackson – Dangerous” (bằng tiếng Pháp). Syndicat National de l'Édition Phonographique.
  214. ^ “Gold-/Platin-Datenbank (Michael Jackson; 'Dangerous')” (bằng tiếng Đức). Bundesverband Musikindustrie.
  215. ^ Krishna Sen and David T. Hill (2006). Media, Culture and Politics indonesia. ISBN 9789793780429. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  216. ^ “Michael's”. The Herald. Ireland. 31 tháng 8 năm 1993. tr. 41. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023. Dangerous has sold over 75,000 copies in Ireland so far, says Sony MD Eleanor McCarthy. We haven't peaked yet but we've been doing exceptionally well. The Bad album sold over 120,000 in Ireland
  217. ^ a b “Jackson Awarded For Israeli Success” (PDF). Music & Media. 10 (45): 6. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023 – qua American Radio History.
  218. ^ “E' Claudio Baglioni il Jackson italiano”. La Stampa (bằng tiếng Ý). 12 tháng 5 năm 1995. tr. 24. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  219. ^ “Chứng nhận album Ý – Michael Jackson – Dangerous” (bằng tiếng Ý). Federazione Industria Musicale Italiana. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023. Chọn "2010" ở menu thả xuống "Anno". Chọn "Dangerous" ở mục "Filtra". Chọn "Album e Compilation" dưới "Sezione".
  220. ^ “RIAJ > The Record > November 1996 > Highest Certified International Albums/Singles (Mar '89 – Sep '96)” (PDF). Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Nhật Bản (bằng tiếng Nhật). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  221. ^ “Certificaciones” (bằng tiếng Tây Ban Nha). Asociación Mexicana de Productores de Fonogramas y Videogramas. Nhập Michael Jackson ở khúc dưới tiêu đề cột ARTISTA  và Dangerous ở chỗ điền dưới cột tiêu đề TÍTULO'.
  222. ^ “Chứng nhận album Hà Lan – Michael Jackson – Dangerous” (bằng tiếng Hà Lan). Nederlandse Vereniging van Producenten en Importeurs van beeld- en geluidsdragers. Enter Dangerous in the "Artiest of titel" box.
  223. ^ “Chứng nhận album New Zealand – Michael Jackson – Dangerous” (bằng tiếng Anh). Recorded Music NZ. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  224. ^ Caulfield, Keith (12 tháng 12 năm 1992). “Double Platinum in Portugal” (PDF). Music & Media. tr. 4. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 10 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  225. ^ Lim, Sharon. “Abba outsells Madonna”. The Straits Times. tr. 7. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023 – qua National Library Board. Michael Jackson's Dangerous, which logged over 100,000 copies within eight months of its release last December.
  226. ^ Salaverri, Fernando (tháng 9 năm 2005). Sólo éxitos: año a año, 1959–2002 (bằng tiếng Tây Ban Nha) (ấn bản thứ 1). Tây Ban Nha: Fundación Autor-SGAE. ISBN 84-8048-639-2.
  227. ^ “Guld- och Platinacertifikat − År 1987−1998” (PDF) (bằng tiếng Thụy Điển). IFPI Sweden. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 5 năm 2011.
  228. ^ “The Official Swiss Charts and Music Community: Chứng nhận ('Dangerous')” (bằng tiếng Đức). IFPI Thụy Sĩ. Hung Medien.
  229. ^ Adam White (7 tháng 8 năm 1993). “Sony Opens Branch In Taiwan” (PDF). Billboard: 39. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 29 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023 – qua World Radio History.
  230. ^ Business Review. tháng 1 năm 1994. tr. 26. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023 – qua Google Books.
  231. ^ “Michael Jackson sales special”. Music Week. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2012.
  232. ^ “Chứng nhận album Anh Quốc – Michael Jackson – Dangerous” (bằng tiếng Anh). British Phonographic Industry.
  233. ^ “Chứng nhận album Hoa Kỳ – Michael Jackson – Dangerous” (bằng tiếng Anh). Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ.
  234. ^ “European Top 100 Albums” (PDF). Music and Media. BPI Communications: 22. 23 tháng 10 năm 1993. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.

Tác phẩm được trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
[Homo Scachorum] Giỏi cờ vua hơn không đồng nghĩa với thông minh hơn
[Homo Scachorum] Giỏi cờ vua hơn không đồng nghĩa với thông minh hơn
Trong các bài trước chúng ta đã biết rằng vào thời kì Cờ vua Lãng mạn, cờ vua được coi như một công cụ giáo dục không thể chối cãi
Nhân vật Solution Epsilon - Overlord
Nhân vật Solution Epsilon - Overlord
Solution Epsilon (ソ リ ュ シ ャ ン ・ イ プ シ ロ ン, Solution ・ Ε) là một người hầu chiến đấu chất nhờn và là thành viên của "Pleiades Six Stars," đội chiến hầu của Lăng mộ vĩ đại Nazarick. Cô ấy được tạo ra bởi Herohero
Việt Nam và ván cờ Biển Đông
Việt Nam và ván cờ Biển Đông
Không ai có thể chọn được hàng xóm, và Việt Nam đã mang trên mình số phận của 1 quốc gia nhỏ yếu kề tường sát vách bên cạnh 1 nước lớn và hùng mạnh là Trung Quốc
Đầu tư cơ bản P.12 - Bề nổi và phần chìm
Đầu tư cơ bản P.12 - Bề nổi và phần chìm
Môi trường đầu tư, theo một cách đặc biệt, luôn rất giống với đại dương. Bạn càng lặn sâu bạn sẽ càng thấy đại dương rộng lớn