Quốc tang tại Việt Nam là nghi thức tang lễ cao nhất ở Việt Nam, được hiểu là cả nước để tang. Nghi lễ Quốc tang là đặc biệt được quy định trong văn bản pháp lý của nhà nước. Hiện nay, Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tổ chức lễ tang cán bộ công viên chức và một số văn bản nhà nước khác có quy định về quốc tang.[1] Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng có chủ trương "đồng ý tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân. Chính phủ ban hành văn bản quy định cụ thể về các trường hợp này".[2] Tuy nhiên chưa có văn bản nào của Chính phủ thể chế hóa chủ trương này của Đảng. Ngày 05 tháng 11 năm 2020, phát biểu trong phiên họp Quốc hội, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) đề xuất xem xét bổ sung thực hiện nghi thức Quốc tang đối với trường hợp có nhiều đồng bào thiệt mạng trong các thảm họa thiên tai, như thiệt hại trong đợt mưa lũ, sạt lở ở miền Trung.[3][4]
Ngoài ra, Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế.[5]
Trong quá khứ, các văn bản quy định về quốc tang ở Việt Nam có khác nhau. Trong Nghị định 62/2001/NĐ-CP ban hành năm 2001, Quốc tang chỉ áp dụng cho những người đã và đang giữ các chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội.
Nghi thức không thống nhất trong các thời kỳ khác nhau. Thông thường, Ban Chấp hành Trung ương và các cơ quan nhà nước cấp cao sẽ có thông báo chính thức, thành lập Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang, quy định thời gian quốc tang, đưa tin trên các phương tiện truyền thông, tổ chức lễ viếng, truy điệu, an táng, treo cờ rủ, hoãn hoặc hủy tổ chức các hoạt động văn nghệ,... Ngoài ra, quy định hiện hành có truyền hình và phát thanh trực tiếp trên các đài truyền hình, đài phát thanh khi viếng, truy điệu, an táng. Quy định hiện hành của Việt Nam theo Nghị định 105/2012/NĐ-CP ban hành năm 2012 là không bắn đại bác trong quốc tang.[1]
Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang. Ban Lễ tang Nhà nước bao gồm từ 25 đến 30 thành viên đại diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, cơ quan nơi người từ trần đã hoặc đang công tác, đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần. Ban Lễ tang Nhà nước có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức Lễ Quốc tang theo quy định tại Nghị định này; Trưởng Ban Lễ tang Nhà nước là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[6]
Còn Ban Tổ chức Lễ tang bao gồm từ 15 đến 20 thành viên đại diện cho các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần và đại diện gia đình người từ trần. Ban Tổ chức Lễ tang có nhiệm vụ giúp cho Ban Lễ tang Nhà nước trong việc điều hành các cơ quan là thành viên Ban Tổ chức Lễ tang, các cơ quan tham gia tổ chức Lễ Quốc tang theo quy định tại Nghị định này; Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là một Phó Thủ tướng Chính phủ (Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang cũng đồng thời là một thành viên của Ban Lễ tang Nhà nước).[6]
Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang thường là 2 ngày (trừ một số trường hợp đặc biệt, là 1 ngày và từ 3 ngày trở lên). Trong thời gian này các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang màu đen và không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng. Dải băng tang treo trên cờ rủ có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài tối đa theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay.[6]
Nếu ở Hà Nội, lễ Quốc tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Còn nếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, lễ Quốc tang sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam. Công tác an táng được thực hiện tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh hoặc hỏa táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình.[6] Tuy nhiên lễ quốc tang tại Thành phố Hồ Chí Minh thường được tổ chức ở Dinh Độc Lập.
Ngày 04 tháng 04 năm 1926, lễ quốc tang cho Phan Châu Trinh đã được tổ chức bất chấp sự ngăn cản của chính quyền thực dân, phong trào làm lễ truy điệu Phan Châu Trinh được tổ chức rộng rãi ở khắp ba kỳ, trở thành một sự kiện chính trị nổi bật lúc bấy giờ.
Ngày 19 tháng 11 năm 2021, toàn quốc bước vào lễ tưởng niệm cho các nạn nhân tử vong sau thời gian điều trị COVID-19 với quy mô gần giống với một lễ quốc tang (tổ chức trên phạm vi cả nước). Buổi lễ chỉ được xếp vào lễ tưởng niệm vì không treo cờ rủ.
^Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức Quốc tang trong 6 ngày từ ngày 5 đến ngày 10/9/1969. Ở miền Nam Việt Nam, Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn Chính phủ tổ chức tang lễ trong 8 ngày từ ngày 4 đến ngày 11/9/1969.
Tokito Muichiro「時透 無一郎 Tokitō Muichirō」là Hà Trụ của Sát Quỷ Đội. Cậu là hậu duệ của Thượng Huyền Nhất Kokushibou và vị kiếm sĩ huyền thoại Tsugikuni Yoriichi.