Bài viết này có nhiều vấn đề. Xin vui lòng giúp đỡ cải thiện nó hoặc thảo luận về những vấn đề này trên trang thảo luận.
|
Bạn có thể mở rộng bài này bằng cách dịch bài viết tương ứng từ Tiếng Pháp. (tháng 11/2023) Nhấn [hiện] để xem các hướng dẫn dịch thuật.
|
Các thành phố Sumer cổ đại với đường bờ biển cũ | |
Phạm vi địa lý | Lưỡng Hà, Cận Đông, Trung Đông |
---|---|
Thời kỳ | Đồ đá mới sau, Đồ đồng giữa |
Thời gian | k. 4500—1900 TCN |
Văn hóa trước | Thời kỳ Ubaid |
Văn hóa tiếp | Đế chế Akkad |
Một phần của loạt bài về |
Lịch sử Iraq |
---|
Iraq cổ đại |
Iraq cổ |
Iraq Trung cổ |
Iraq hiện đại |
Cộng hòa Iraq |
Sumer (tiếng Akkad Šumeru; tiếng Sumer 𒆠𒂗𒂠 ki-en-ĝir15[a])[1] là một nền văn minh cổ đại và cũng để chỉ khu vực lịch sử ở phía nam Lưỡng Hà (Iraq ngày nay), bao gồm vùng đồng bằng rộng lớn nằm giữa sông Tigris và Euphrates, phía đông nam giáp Vịnh Ba Tư. Nền văn minh Sumer phát triển từ cuối thiên niên kỷ 4 cho đến hết thiên niên kỷ 3 TCN, và là một trong những nền văn minh đầu tiên được biết đến trên thế giới, cùng với Ai Cập cổ đại, Norte Chico và văn minh lưu vực sông Ấn.
Ngôn ngữ chính ở Sumer là tiếng Sumer, một ngôn ngữ biệt lập chưa rõ nguồn gốc, tồn tại song song với các ngôn ngữ khác, chủ yếu là tiếng Akkad, một ngôn ngữ Semit đến từ phía bắc của Hạ Lưỡng Hà. Trong các nghiên cứu gần đây về Sumer, thuật ngữ Sumer bao gồm toàn bộ lịch sử của Hạ Lưỡng Hà trong giai đoạn này chứ không để chỉ riêng minh các quốc gia Sumer.
Nền văn minh Sumer trải qua một số giai đoạn chính. Thời kỳ Uruk cuối cùng (k. 3400–3100 TCN) đánh dấu sự ra đời của chữ viết, cùng với thể chế nhà nước và thành thị, lan tỏa ảnh hưởng văn hóa từ miền nam Lưỡng Hà đến các khu vực lân cận. Các triều đại đầu tiên (k. 2900–2340 TCN) bao gồm nhiều tiểu vương quốc độc lập cùng tồn tại và đối nghịch với nhau, thường được gọi là các "thành bang" (Uruk, Ur, Lagash, Umma-Gisha, Kish,...). Cuối cùng chúng được thống nhất bởi Đế chế Akkad (k. 2340–2190 TCN), cai trị bởi người Semit từ phía Bắc và bao gồm toàn bộ Lưỡng Hà cùng một số khu vực lân cận. Sau sự sụp đổ của đế chế Akkad, triều đại thứ ba của Ur (k. 2112–2004 TCN) của người bản địa Sumer nổi dậy và thống trị hầu hết Lưỡng Hà, là sự "phục hưng Sumer" cuối cùng trong lịch sử khu vực. Trong giai đoạn này, tiếng Sumer đã không còn là ngôn ngữ chính nhưng vẫn là ngôn ngữ của giới thượng lưu.
Sau khi nền văn minh Sumer được tái phát hiện vào thế kỉ 19, các tư liệu khảo cổ cho thấy người Sumer có ảnh hưởng rất lớn đến các nền văn minh cổ đại sau này, đặc biệt là ở Lưỡng Hà. Tuy họ không phải nhân tố duy nhất, song người Sumer đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nền văn minh Lưỡng Hà. Đặc biệt, họ đã góp phần xây dựng những nhà nước đầu tiên với thể chế và chính quyền phức tạp, phát triển những xã hội thành thị đầu tiên cũng như các kỹ thuật khác nhau trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, luyện kim và thương mại. Hệ thống số đếm của người Sumer có ảnh hưởng đến những nền văn hóa sau này và vẫn được áp dụng cho đến tận ngày nay.
Thuật ngữ Sumer được lấy từ các văn bản cổ,[2][3] xuất phát từ thuật ngữ tiếng Akkad Šumeru, chỉ vùng đất cực nam Lưỡng Hà, phân biệt với vùng đất Akkad ở phía bắc (Akkadum trong tiếng Akkad và ki-uri trong tiếng Sumer) của tộc người Semit nói tiếng Akkad. Các nhà sử học sau này đã tạo ra thuật ngữ "Sumer" để chỉ những người sống ở trong khu vực và nói ngôn ngữ này.
Người Sumer tự gọi mình là ùĝ saĝ gíg-ga (chữ hình nêm: 𒌦 𒊕 𒈪 𒂵, phiên âm: /uŋ saŋ giga/, nghĩa đen: "người đầu đen"),[4] và gọi vùng đất của họ là ki-en-gi(-r) (chữ hình nêm: 𒆠𒂗𒄀, nghĩa đen 'đất' + 'vua chúa' + 'cao quý'), nghĩa là "vùng đất của Vua". Người Akkad cũng gọi người Sumer là "người đầu đen", hay tsalmat-qaqqadi trong tiếng Akkad.[5]
Từ Šumeru trong tiếng Akkad có thể là tên gọi địa lý trong phương ngữ, nhưng chưa thể xác định chắc chắn về sự phát triển âm vị dẫn đến thuật ngữ šumerû trong tiếng Akkad.[1][6] Từ Shinar trong tiếng Hebrew, từ Sngr trong tiếng Ai Cập, và Šanhar(a) trong tiếng Hitti, đều để chỉ vùng nam Lưỡng Hà, có thể là những biến thể phương tây của Šumeru.[6] Thuật ngữ "tiếng Sumer" cũng được đề cập trong các văn bản cổ (eme-gi trong tiếng Sumer và šumeru trong tiếng Akkad) ở thời Babylon sau này.[7]
Vùng đất Sumer trong thiên niên kỷ 3 có diện tích khoảng 30.000 km vuông, nằm ở phía nam của vùng đồng bằng châu thổ sông Tigris và Euphrates. Phía Bắc tới Nippur, biên giới Sumer và Akkad, phía nam tới Vịnh Ba Tư, khi đó vẫn ở sâu trên phía bắc xa hơn nhiều so với ngày nay[8], bao gồm từ Eridu đến phía nam Lagash. Phía tây giáp sa mạc Syro-Arab rộng lớn ở Thượng Lưỡng Hà, phía đông kéo dài đến vùng đồi ở chân dãy Zagros, sau này là Elam. Sumer bị thống trị bởi một số thành bang chính: Ur, Uruk, Eridu, Girsu, Lagash, Shuruppak, Adab, Umma, Zabalam, Nippur. Vùng đất Sumer có khí hậu khô cằn như ngày nay, với địa hình bằng phẳng và các con sông là ranh giới tự nhiên chính. Bên cạnh các khu vực cận sa mạc, Sumer cũng bao gồm một số vùng đầm lầy ẩm ướt, bao gồm nhiều khu vực ven biển.[9]
Ngôn ngữ Sumer là một ngôn ngữ biệt lập, cho đến nay vẫn chưa xác định được mối quan hệ với một ngôn ngữ nào khác. Do đó, việc tái cấu trúc âm vị học tiếng Sumer vẫn còn hạn chế, trong khi ngữ pháp và từ vựng của nó được tìm hiểu rõ hơn hơn nhờ các văn bản cổ và các bộ từ vựng song ngữ Sumer-Akkad được soạn bởi các kinh sư. Hơn nữa, hai ngôn ngữ này có sự tương tác sâu sắc, tạo thành một vùng cộng sinh ngôn ngữ Sumer-Akkad. Tiếng Sumer có lẽ đã không còn được nói vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên (thời kỳ chính xác đang được tranh luận), nhưng vẫn được sử dụng trong thờ phụng và văn học, như trường hợp của tiếng Latin ở châu Âu thời trung cổ và hiện đại.[10]
Có nhiều tranh cãi về dân tộc Sumer. Các nhà sử học cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 bị ảnh hưởng bởi vấn đề chủng tộc đang thịnh hành vào thời điểm bấy giờ, đã tìm cách xác định các đặc trưng của một "chủng tộc Sumer", dựa trên hình ảnh người Sumer được thể hiện trong nghệ thuật. Từ đó, họ cho rằng người Sumer có thói quen cạo tóc và râu, không giống như người Semit lông lá và để râu rậm. Các phương pháp nhân chủng học ngoại hình đã được áp dụng để tìm cách phân biệt các dạng hộp sọ của người Sumer và người Semit lân cận. Nhìn chung, các nhà sử học thường cho rằng đã một cuộc xung đột chủng tộc giữa người Sumer và người Semit, và coi đây là một chủ đề lớn trong nghiên cứu lịch sử chính trị thời bấy giờ. Tuy nhiên, theo Thorkild Jacobsen năm 1939, cư dân miền nam Lưỡng Hà không có sự phân biệt chủng tộc rõ nét và cũng không xung đột vì lý do này.[11]
Sau khi các cuộc tranh luận về vấn đề "chủng tộc" bị bác bỏ, thuật ngữ "Sumer" được dùng để chỉ những người nói tiếng Sumer trong cuộc sống hàng ngày hoặc những người sống ở các quốc gia Sumer dùng tiếng Sumer làm ngôn ngữ viết thông dụng nhất.[12] Tuy nhiên, chưa thể chắc chắn rằng một thành phố ở một thời kỳ nhất định dùng tiếng Sumer làm ngôn ngữ viết chính sẽ đi kèm với việc người dân sử dụng nó làm tiếng phổ thông. Một cách khác để xác định người nói tiếng Sumer là thông qua tên của họ, bởi vì người dân Nam Lưỡng Hà ở thiên niên kỷ thứ 3 chủ yếu có tên tiếng Sumer hoặc tiếng Akkad. Các nghiên cứu cho thấy một quốc gia Sumer là nơi mà các văn bản viết bằng tiếng Sumer chiếm đa số, cũng như con người có tên tiếng Sumer, có thể bao gồm các yếu tố tiếng Akkad nếu ở những khu vực gần phía bắc có đông người nói tiếng Semit. Còn một số ý kiến trái ngược, nhưng đa số các nhà sử học bác bỏ các ý kiến cho rằng hai nhóm người đối lập nhau và có xung đột trong những thời kỳ nhất định, cho rằng họ là những quần thể sống cộng sinh.[12][13][14]
Những người Sumer nổi tiếng | |
---|---|
Các vị vua Tiền Triều đại: | Alulim • Dumuzid, người chăn cừu • En-men-dur-ana |
Triều đại thứ nhất của Kish: | Etana • En-me-barage-si • Aga của Kish |
Triều đại thứ nhất của Uruk: | Enmerkar • Lugalbanda • Gilgamesh |
Triều đại thứ nhất của Ur: | Meskalamdug • Mesh-Ane-pada • Puabi • Mesilim của Kish |
Triều đại thứ hai của Uruk: | En-shag-kush-ana |
Triều đại thứ nhất của Lagash: | Ur-Nanshe • Eannatum • Entemena • Urukagina |
Triều đại của Adab: | Lugal-Ane-mundu |
Triều đại thứ ba của Kish: | Kug-Bau |
Triều đại thứ ba của Uruk: | Lugal-zage-si |
Triều đại của Akkad: | Sargon • Tashlultum • En-hedu-ana • Man-ishtishu • Naram-Sin của Akkad • Shar-kali-sharri • Dudu của Akkad • Shu-Durul |
Triều đại thứ hai của Lagash: | Puzer-Mama • Gudea |
Triều đại thứ năm của Uruk: | Utu-hengal |
Triều đại thứ ba của Ur: | Ur-Namma • Shulgi • Amar-Suena • Shu-Suen • Ibbi-Suen |
Tới cuối thiên niên kỷ 4 TCN, Sumer bao gồm nhiều thành bang độc lập, được ngăn cách bởi các con kênh đào và tường thành. Mỗi thành bang có trung tâm là một ngôi đền thờ một vị thần bảo trợ riêng và được cai trị bởi một tu sĩ (ensi) hay một vị vua (lugal) có mối liên hệ đặc biệt với đền thờ.
Năm thành bang "đầu tiên" được cho là có tồn tại vương quyền ở thời Sơ kỳ triều đại, trước trận lụt, theo Danh sách vua Sumer:
Các thành bang lớn khác:
(1địa điểm không chắc chắn)
(2một thành bang phía ngoài ở phía bắc Lưỡng Hà)
Các thành bang nhỏ (từ nam ra bắc):
(2một thành bang phía ngoài ở phía bắc Lưỡng Hà)
Ngoài Mari, nằm cách 330 km (205 mi) phía tây bắc Agade nhưng được xếp vào danh sách vua vì có vương quyền ở Sơ kỳ Triều đại II, và tiền đồn Nagar, những thành phố này đều nằm trong đồng bằng phù sa Euphrates-Tigris, phía nam Baghdad, hiện nay là các vùng ủy trị Bābil, Diyala, Wāsit, Dhi Qar, Basra, Al-Muthannā và Al-Qādisiyyah của Iraq.
Các thành bang Sumer xuất hiện từ giai đoạn tiền sử Ubaid và Uruk. Lịch sử được ghi chép của người Sumer có từ trước thế kỷ 27 TCN, nhưng tư liệu khảo cổ vẫn còn mơ hồ cho tới đầu giai đoạn Sơ kỳ triều đại III (khoảng thế kỷ 23 TCN) khi một hệ thống chữ viết âm tiết cổ ra đời cho phép các nhà khảo cổ đọc được những tư liệu và văn bản lịch sử thời kỳ này. Sumer cổ đại kết thúc với sự trỗi dậy của Đế chế Akkad ở thế kỷ 23 TCN. Tiếp theo giai đoạn Guti, có một thời kỳ Phục hưng Sumer ngắn ở thế kỷ 21 TCN trước khi bị tộc người Semit Amorite xâm lược. "Triều đại Isin" của người Amorite tồn tại tới khoảng năm 1700 TCN khi cuối cùng Lưỡng Hà được thống nhất dưới sự cai trị của Babylonia. Người Sumer dần dần bị đồng hóa với người Akkad.
Phần lớn các nhà sử học cho rằng Sumer có người định cư đầu tiên từ k. 5500 đến 4000 TCN bởi một nhóm người Tây Á nói tiếng Sumer (thể hiện ở tên của các thành phố, dòng sông, nghề nghiệp cơ bản...).[15][16][17][18][19] Người Sumer là giống người phi Semit, và nói một ngôn ngữ cô lập; một số nhà ngôn ngữ tin rằng có thể tìm thấy dấu vết của một ngôn ngữ nền cổ bên dưới tiếng Sumer, bởi vì tên của một số thành phố lớn của Sumer không phải là tiếng Sumer, cho thấy ảnh hưởng của những dân cư sống từ trước đó.[20] Tuy nhiên, bằng chứng khảo cổ cho thấy sự tiếp nối rõ ràng, không bị ngắt quãng từ thời Tiền giai đoạn Ubaid (5300–4700 TCN) của những khu định cư phía nam Lưỡng Hà. Người Sumer định cư ở đây canh tác trên những mảnh đất trong vùng đã được họ làm màu mỡ bằng trầm tích phù sa hai con sông Tigris và Euphrates.[21]
Những học giả khác đề xuất rằng người Sumer là một nhóm người Bắc Phi, di cư từ Sahara thời chưa hoang hóa đến Trung Đông, và đưa canh tác nông nghiệp tới khu vực này.[22] Lazaridis et al. (2016) mặc dù không nhắc đến người Sumer nhưng cho rằng văn hóa tiền Semit ở Trung Đông có nguồn gốc Bắc Phi.[23] Mặt khác, một số phân tích gần đây về mẫu gen từ hài cốt người Lưỡng Hà cổ đại cho thấy người Sumer có thể có liên quan với người Ấn Độ, hoặc là ít nhất một phần trong số họ có liên quan đến người Dravidia ở Ấn Độ.[24]
Những người tiền sử này hiện được gọi là "người tiền-Euphrates" hay "người Ubaid",[25] và được cho là đã phát triển từ văn hóa Samarra ở phía bắc Lưỡng Hà.[26][27][28][29] Người Ubaid, dù không được nhắc tới trong các văn bản Sumer, được cho là nhóm dân cư văn minh đầu tiên tại Sumer. Họ đã biết thoát nước các đầm lầy để làm nông nghiệp, phát triển thương mại và các ngành công nghiệp bao gồm kéo sợi, thuộc da, gia công kim loại, nghề nề và làm gốm.[25]
Một số học giả bác bỏ ý tưởng về một ngôn ngữ tiền-Euphrates hay một ngôn ngữ nền; họ cho rằng ngôn ngữ Sumer ban đầu là ngôn ngữ của những người săn bắn và đánh cá sống tại vùng đầm lầy và ven biển phía đông Ả Rập và là một phần của nền văn hóa rìu đá mài hai mặt Ả Rập.[30] Các sử liệu đáng tin cậy có niên đại muộn hơn nhiều và không có dấu tích nào có từ trước thời Enmebaragesi (k. thế kỉ 26 TCN). Juris Zarins tin rằng người Sumer sống ở dọc bờ biển Đông Ả Rập, vịnh Ba Tư ngày nay, trước khi khu vực bị ngập vào cuối kỷ Băng hà.[31]
Thành phố Eridu trên bờ biển vịnh Ba Tư được xem là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới, là nơi dung hợp ba nền văn hóa khác nhau: những người nông dân Ubaid sống trong những ngôi nhà xây bằng gạch bùn và biết làm nông nghiệp thủy lợi; người chăn thả du mục Semit sống trong lều trại màu đen và đi theo các đàn cừu hay dê; và những người đánh cá sống trong lều bằng sậy tại các đầm lầy, tất cả họ đều có thể là tổ tiên của người Sumer.
Giai đoạn Ubaid được đánh dấu bằng một phong cách riêng biệt với sự xuất hiện của đồ gốm có màu chất lượng cao lan rộng khắp Lưỡng Hà và vịnh Ba Tư. Trong thời gian này, khu định cư đầu tiên ở nam Lưỡng Hà được thành lập tại Eridu khoảng năm 5300 TCN bởi những người đến từ văn hóa Hadji Muhammed. Nền văn hóa này có vẻ như xuất phát từ văn hóa Samarra từ phía bắc Lưỡng Hà. Chưa rõ liệu đây có phải là những người Sumer gắn với văn hóa Uruk sau này hay không. Eridu vẫn tiếp tục là một trung tâm tôn giáo quan ngay cả sau khi nó dần bị vượt qua về kích cỡ bởi thành phố Uruk lân cận. Truyền thuyết về các me (những nền tảng của văn minh) được vị thần trí tuệ Enki của Eridu trao cho nữ thần Inanna của Uruk có thể phản ánh sự dịch chuyển quyền lực nói trên.[33]
Sự chuyển tiếp khảo cổ từ giai đoạn Ubaid tới giai đoạn Uruk được đánh dấu bởi sự chuyển đổi từ đồ gốm vẽ màu làm tại nhà bằng bàn xoay chậm sang đồ gốm không màu được sản xuất hàng loạt bởi thợ thủ công chuyên nghiệp bằng bàn xoay tốc độ cao hơn.
Tới thời điểm giai đoạn Uruk (khoảng 4100–2900 TCN), hàng hóa trao đổi được vận chuyển dọc theo những con kênh đào và sông phía nam Lưỡng Hà với khối lượng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy của nhiều thành bang lớn có giai cấp với trung tâm là đền thờ và dân số hơn 10,000 người. Đồ thủ công và các thuộc địa của văn hóa Uruk đã được tìm thấy trên một khu vực rộng lớn — từ dãy núi Taurus ở Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Địa Trung Hải ở phía tây, và xa về phía đông tới tận Trung Iran.[34]
Văn hóa Uruk được lan tỏa bởi các thương nhân và thực dân Sumer, có ảnh hưởng lớn đến những dân tộc xung quanh, hình thành nên các nền văn hóa và kinh tế cạnh tranh tương tự. Dần dần các thành bang Sumer để mất sự kiểm soát bằng vũ lực với các thuộc địa ở xa.[34]
Các thành bang Sumer thời Uruk có thể theo chế độ thần quyền và được cai trị bởi một vị vua tu sĩ (ensi), giúp việc bởi một hội đồng nguyên lão gồm cả nam giới và nữ giới.[35] Nhiều khả năng là hệ thống thần linh sau này của Sumer dựa theo mô hình chính trị này. Có ít bằng chứng về chiến tranh có tổ chức hay những binh sĩ chuyên nghiệp trong giai đoạn Uruk, và các thành thị nhìn chung đều có tường bao. Trong giai đoạn này Uruk trở thành thành phố có mức độ đô thị hóa cao nhất trên thế giới, là nơi đầu tiên có dân số vượt quá 50.000 người.
Danh sách những vị vua Sumer gồm cả những Triều đại đầu tiên của nhiều thành bang nổi tiếng từ giai đoạn này. Những cái tên đầu tiên trên danh sách là những vị vua được cho là đã cai trị trước trận đại hồng thủy, có thể là nhân vật hư cấu hoặc huyền thoại như Alulim và Dumuzid.[36]
Giai đoạn Sơ kỳ triều đại bắt đầu khoảng năm 2900 TCN, gắn liền với việc chuyển đổi quyền lực từ đền thờ sang các lãnh tụ thế tục hơn là Lugal (Lu = ông, Gal = lớn), bao gồm những nhân vật huyền thoại như Enmerkar, Lugalbanda và Gilgamesh. Những ghi chép lịch sử bắt đầu khoảng năm 2700 TCN, khi mà hệ thống âm tiết mã hóa bắt đầu phát triển từ chữ tượng hình sơ khai. Trung tâm văn hóa của Sumer vẫn ở phía nam Lưỡng Hà, dù những nhà cai trị đã sớm bắt đầu bành trướng tới những vùng xung quanh, và các dân tộc Semit đã tiếp thu phần lớn văn hóa Sumer.
Vị vua đầu tiên trong danh sách vua Sumer có tên cũng được nhắc đến trong các nguồn huyền thoại khác là Etana, vị vua thứ 13 của Triều đại thứ nhất của Kish. Vị vua đầu tiên khảo chứng được là Enmebaragesi của Kish (khoảng thế kỷ 26 TCN), tên của ông cũng được đề cập đến trong Sử thi Gilgamesh, dẫn tới suy đoán rằng chính Gilgamesh là một vị vua có thật của Uruk. Như Sử thi Gilgamesh cho thấy, giai đoạn này gắn liền với chiến tranh leo thang. Các thành bang được xây tường bao và gia tăng về kích cỡ trong khi những làng mạc không được bảo vệ ở phía nam Lưỡng Hà dần biến mất. (Cả Enmerkar và Gilgamesh đều được gắn với việc xây dựng tường thành Uruk[37]).
Khoảng 2500–2270 TCN.
Triều đại của Lagash, mặc dù không có trong danh sách vua Sumer, đã được chứng thực qua một số đền đài quan trọng và nhiều phát hiện khảo cổ.
Dù có thời gian tồn tại ngắn, một trong những đế chế đầu tiên được biết đến trong lịch sử là đế chế Eannatum của Lagash, người trên thực tế đã thống nhất toàn bộ Sumer, gồm cả Kish, Uruk, Ur, và Larsa, và bắt thành bang Umma, một đối thủ lớn của Lagash, phải thần phục. Thêm vào đó, vương quốc của ông mở rộng tới một số vùng của Elam và dọc theo vịnh Ba Tư. Ông nổi tiếng với chính sách khủng bố kẻ thù một cách tàn bạo. Tấm bia chim kền kền còn tồn tại khắc họa cảnh thi thể quân địch của Eannatum bị đàn kền kền rỉa xác.[38] Đế chế của ông sụp đổ một thời gian ngắn sau khi ông qua đời.
Sau này, Lugal-Zage-Si, vị vua tu sĩ của Umma, đã lật đổ sự thống trị của Triều đại Lagash rồi chinh phục Uruk và định đô ở đó, xác lập một đế chế trải dài từ vịnh Ba Tư tới Địa Trung Hải. Ông là vị vua cuối cùng người Sumer trước Sargon của Akkad.[21]
Khoảng 2270 đến 2083 TCN.
Ngôn ngữ Đông Semit, tiếng Akkad, lần đầu được xác thực qua tên của các vị vua Kish k. 2800 TCN[39] trong những danh sách vua sau này. Có những văn bản được viết hoàn toàn bằng tiếng Akkad có niên đại từ khoảng năm 2500 TCN. Việc sử dụng tiếng Akkad cổ phổ biến nhất ở thời Sargon Đại đế (k. 2270–2215 TCN), nhưng hầu hết các văn bản hành chính tiếp tục được viết bằng tiếng Sumer, ngôn ngữ được sử dụng bới các kinh sư. Gelb và Westenholz phân biệt ba giai đoạn của tiếng Akkad cổ: giai đoạn thời kỳ tiền Sargon, giao đoạn đế chế Akkad, và giai đoạn "Phục hưng Sumer" tiếp theo nó. Tiếng Akkad và tiếng Sumer cùng tồn tại như các ngôn ngữ bản địa trong khoảng một nghìn năm, nhưng vào khoảng năm 1800 TCN, tiếng Sumer dần chỉ còn là thứ ngôn ngữ văn chương chủ yếu được sử dụng bởi các học giả và kinh sư. Thorkild Jacobsen cho rằng có ít sự gián đoạn trong tính tiếp nối lịch sử giữa các giai đoạn tiền và hậu Sargon, và các nghiên cứu nhấn mạnh quá mức vào quan niệm Semit xung đột với Sumer".[40] Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng tiếng Akkad đã được áp đặt một thời gian ngắn tại các vùng lân cận của Elam bị chinh phục trước đó bởi Sargon.
Khoảng 2083–2050 TCN
Khoảng 2093–2046 TCN
Sau khi Đế chế Akkad suy tàn và bị cai trị bởi người Guti, một người Sumer khác là Gudea của Lagash nổi dậy và tiếp tục tự xưng thần thánh như các vị vua triều Sargon. Giống Triều đại Lagash trước đó, Gudea và những hậu duệ của ông cũng khuyến khích phát triển nghệ thuật và để lại một số lượng mẫu vật khảo cổ lớn.
Khoảng 2047–1940 TCN
Sau này, Triều đại thứ ba của Ur dưới sự cai trị của Ur-Nammu và Shulgi, mà sức mạnh mở rộng tới tận miền bắc Lưỡng Hà, là sự "Phục hưng Sumer" cuối cùng, nhưng khi ấy khu vực này đã bị Semit hóa nhiều hơn là Sumer, với sự nổi lên nắm quyền của những người Akkad nói tiếng Semit, và làn sóng người Semit Martu (Amorite) tràn vào, trong bối cảnh nhiều trung tâm quyền lực địa phương cạnh tranh lẫn nhau bao gồm Isin, Larsa, và Babylon. Sau này Babylon chinh phục phía nam Lưỡng Hà, lập nên Đế chế Babylon thứ nhất, giống như Đế chế Assyria đã từng thực hiện ở phía bắc. Ngôn ngữ Sumer tiếp tục được coi là ngôn ngữ của giới tăng lữ được dạy trong các trường học ở Babylon và Assyria, và chữ hình nêm vẫn được sử dụng.
Giai đoạn này nói chung diễn ra trùng khớp với một sự dịch chuyển dân số lớn từ phía nam tới phía bắc Lưỡng Hà. Về sinh thái học, sản lượng nông nghiệp của các vùng đất Sumer bị ảnh hưởng vì độ mặn ngày càng tăng của đất. Tình trạng mặn hóa đất trong vùng này đã được ghi nhận từ lâu như một vấn đề nghiêm trọng. Những vùng đất được tưới tiêu kém, trong một khu vực khí hậu khô cằn với tỷ lệ bốc hơi cao, dẫn tới việc tích tụ muối hòa tan trong đất, cuối cùng làm giảm mạnh sản lượng nông nghiệp. Trong các giai đoạn Akkad và Ur III, đã có sự dịch chuyển từ trồng lúa mì sang lúa mạch là loại cây chịu muối tốt hơn, nhưng điều này là không đủ, và trong giai đoạn từ năm 2100 tới 1700 TCN, ước tính dân số trong khu vực này đã giảm tới ba phần năm.[41] Điều này làm suy yếu sự cân bằng quyền lực trong vùng, làm giảm vị thế các khu vực nói tiếng Sumer, khiến những khu vực nói tiếng Akkad trở nên mạnh hơn. Vì vậy, tiếng Sumer chỉ còn lại là một thứ ngôn ngữ dùng trong văn học và tôn giáo, tương tự như vị thế của tiếng Latin ở châu Âu thời Trung Cổ.
Sau một cuộc xâm lược của người Elam và cướp bóc Ur trong thời cai trị của Ibbi-Sin (khoảng 1940 TCN), Sumer nằm dưới sự cai trị của người Amorite (bắt đầu giữa thời kỳ đồ đồng). Nền độc lập của các thành bang Amorite ở các thế kỷ 20 đến 18 TCN được gọi tóm tắt là "Triều đại của Isin" trong danh sách các vị vua Sumer, chấm dứt với sự nổi lên của Babylon ở thời Hammurabi khoảng năm 1700 TCN.
Người Sumer coi các vị thần của họ là người chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề liên quan đến các trật tự tự nhiên và xã hội.[42]:3–4
Trước khi xuất hiện vương quyền ở Sumer, các thành bang được cai trị một cách hiệu quả bởi các tu sĩ và chức sắc tôn giáo. Sau đó, vai trò này dần dần bị thay thế bởi các vị vua, nhưng các tu sĩ vẫn có ảnh hưởng lớn đến xã hội Sumer. Thời kỳ đầu, các ngôi đền Sumer là những công trình có cấu trúc một phòng đơn giản, thường được xây dựng trên nền đất cao. Đến thời kỳ cuối của nền văn minh Sumer, những ngôi đền này đã phát triển thành các ziggurat, cấu trúc cao dạng kim tự tháp với nơi thờ tự ở trên đỉnh.
Người Sumer tin rằng vũ trụ được sinh ra từ các thực thể khởi thủy. Có hai hệ thống thần thoại sáng thế riêng biệt. Ở hệ thống thứ nhất, Nammu, vùng biển nguyên thủy, sinh ra An (trời) và Ki (đất). Hai người giao phối và sinh ra Enlil. Enlil tách trời ra khỏi đất và trị vì mặt đất. Con người được cho là tạo ra bởi Enki, con trai của An và Nammu. Hệ thống thứ hai được nói đến trong sử thi Akkad sau này Enuma Elish, trong đó thế giới được tạo thành từ sự kết hợp giữa nước ngọt và nước mặn, nam thần Abzu và nữ thần Tiamat, tạo ra Lahm và Lahmu, rồi dần dần tạo ra các vị thần khác.
Tôn giáo Sumer có ảnh hưởng lớn đến niềm tin tôn giáo của các dân tộc Lưỡng Hà sau này; nhiều yếu tố của nó được lưu giữ trong các thần thoại và tôn giáo của người Hurri, người Akkad, người Babylon, người Assyria và các nhóm văn hóa Trung Đông khác. Nhiều học giả đã nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa những câu chuyện của người Sumer cổ đại và những ghi chép sau này trong phần đầu của Kinh thánh tiếng Do Thái..
Người Sumer tin vào đa thần. Không có một hệ thống thần linh chung cho toàn thể khu vực; mỗi thành bang có vị thần bảo trợ, đền đài và vị vua thầy tu riêng biệt. Các vị thần chính trong hệ thống thần Sumer bao gồm: An, thần của thiên giới; Enlil, thần gió và bão; Enki, thần nước và văn hóa nhân loại, Ninhursag, nữ thần đất và sinh sản, Utu, thần của mặt trời và công lý, và cha của ông Nanna, thần mặt trăng. Kể từ thời Akkad trở về sau, Inanna, nữ thần tình dục, sắc đẹp và chiến tranh, được tôn sùng rộng rãi trên khắp Sumer và xuất hiện trong nhiều huyền thoại, bao gồm cả truyền thuyết nổi tiếng về việc bà đi xuống Địa ngục.
Các vị thần này tạo nên một hệ thống thần cơ bản; ngoài ra còn có hàng trăm các vị thần nhỏ hơn khác. Các vị thần Sumer được gắn với các thành phố khác nhau và vai trò tôn giáo của họ thường hòa trộn với quyền lực chính trị của các thành phố đó. Các vị thần được cho là đã tạo ra con người từ đất sét để phục vụ họ. Trên thực tế, các đền thờ điều hành các dự án thủy lợi lớn yêu cầu một lượng lớn nhân công và các công dân nghĩa vụ lao động công ích phụng sự đền thờ, mặc dù có thể trả một số bạc để được miễn. Các cộng đồng nông nghiệp xoay quanh một đền thờ trung tâm ở Sumer duy trì một sự ổn định xã hội cho phép họ tồn tại qua bốn nghìn năm.
Người Sumer hình dung vũ trụ là một mái vòm khép kín được bao quanh bởi một vùng biển nước mặn nguyên thủy.[43] Mái vòm úp lên trên mặt đất. Bên dưới mặt đất là địa phủ và vùng biển nước ngọt gọi là Apsû. Vị thần của vòm trời là An; vị thần của mặt đất là Ki. Ban đầu thế giới dưới lòng đất được cho là một phần mở rộng của nữ thần Ki, nhưng sau này đã dần phát triển khái niệm về Địa phủ Kur. Biển nước mặn nguyên thủy được đặt tên là Nammu, đến thời phục hưng hưng Sumer trở đi thì được biết đến như là Tiamat. Thiên giới chỉ dành riêng cho các vị thần còn tất cả linh hồn của người phàm sau khi chết, bất kể hành vi của họ khi còn sống, được cho là đi xuống Kur, một hang động tối tăm, lạnh lẽo nằm sâu dưới lòng đất, được cai trị bởi nữ thần Ereshkigal và loại thức ăn duy nhất ở đó là bụi đất. Sau này, Ereshkigal được cho là cai trị cùng với chồng là thần chết Nergal.[44]
Các ziggurat (đền thờ Sumer) gồm một sân trước, với một cái ao ở giữa làm nơi tẩy rửa.[45] Đền có một gian giữa ở trung tâm với các hành lang dọc theo mỗi cạnh. Phía ngoài các hành lang là những phòng cho các tu sĩ. Ở một đầu cuối sẽ có bục và một bệ bằng gạch bùn để hiến tế động vật và thực vật. Các kho thóc và nhà kho thường được đặt ở gần đền thờ. Dần dần người Sumer bắt đầu đặt nơi thờ phụng trên đỉnh một cấu trúc lập phương nhiều tầng, xây theo dạng bậc thang nâng cao dần, và phong cách Ziggurat trở nên phổ biến.[46]
Người Sumer đã áp dụng đời sống nông nghiệp có lẽ từ khoảng năm 5000 - 4500 TCN. Trong vùng có dấu tích của một số kỹ thuật nông nghiệp cơ bản, bao gồm thủy lợi có tổ chức, trồng cấy tập trung trên quy mô lớn, chuyên canh có sử dụng cày và sử dụng nhân công chuyên nghiệp có quan lại quản lí. Nhu cầu trong công việc quản lý đền cùng với tổ chức hoạt động nông nghiệp đã dẫn tới sự phát triển của chữ viết (khoảng 3500 TCN).
Trong giai đoạn Uruk sớm, những chữ tượng hình nguyên thủy cho thấy cừu, dê, gia súc, và lợn đã được thuần hóa. Họ dùng bò đực làm súc vật thực hiện những công việc nặng và lừa hay súc vật họ ngựa làm phương tiện vận chuyển chính và "áo quần cũng như chăn len được làm từ len hay lông động vật... Bên cạnh nhà là một khu vườn có rào trồng cây và các loại thực vật khác; lúa mì và có lẽ các loại ngũ cốc khác được gieo trên các cánh đồng, và shaduf (cần múc nước) đã được dùng cho mục đích tưới tiêu. Các loại cây cũng được trồng trong chậu hay trong bình."[47]
Người Sumer là một trong những xã hội đầu tiên uống bia. Nguồn ngũ cốc dồi dào là thành phần chính làm nên những loại bia ban đầu. Họ nấu nhiều loại bia từ lúa mì, lúa mạch và các loại ngũ cốc hỗn hợp. Nấu bia là một công việc quan trọng đối với người Sumer. Trong Sử thi Gilgamesh, Enkidu được làm quen với thức ăn và bia từ những người dân của Gilgamesh: "Uống bia, vì đó là phong tục của vùng đất này... Anh ta uống bảy cốc bia! Rồi trở nên sôi nổi và ca hát vui vẻ!"[48]
Người Sumer thực hiện các kỹ thuật tưới tiêu tương tự như kỹ thuật được dùng tại Ai Cập.[49] Nhà nhân chủng học người Mỹ Robert McCormick Adams nói rằng sự phát triển thủy lợi đi liền với sự đô thị hóa,[50] và 89% dân số sống trong các thành phố.[51]
Họ trồng lúa mạch, đậu xanh, đậu lăng, lúa mì, chà là, hành, tỏi, rau diếp, tỏi tây và mù tạc. Người Sumer đánh bắt nhiều loại cá và săn bắt gà và linh dương.[52]
Nông nghiệp Sumer phụ thuộc nhiều vào thủy lợi. Thủy lợi được thực hiện bằng cách sử dụng shaduf, kênh, mương, sông đào, đập nước, và hồ chứa. Những trận lụt lớn thường xuyên của sông Tigris, và ở tần suất thấp hơn của sông Euphrates, khiến các con kênh cần được tu sửa thường xuyên để nạo vét phù sa, và thay thế các cột tiêu và kè đá. Chính quyền yêu cầu người dân có nghĩa vụ lao dịch trên các con kênh, mặc dù người giàu có thể trả tiền để được miễn.
Như được biết đến trong "Niên lịch Nông dân Sumer", sau mùa lụt và sau Xuân phân và Akitu (Lễ mừng năm mới), những người nông dân sẽ dẫn nước từ kênh để làm ngập ruộng rồi tháo nước. Sau đó họ dùng bò dẫm ruộng và diệt cỏ dại. Sau đó họ dùng cuốc chim để đào xới đất. Sau khi khô, họ cày, bừa, và cào đất ba lần, và làm tơi đất bằng cuốc chim, trước khi gieo hạt. Không may là độ bốc hơi nước cao khiến đất ngày càng bị mặn hóa. Tới giai đoạn Ur III, những người nông dân đã chuyển từ lúa mì sang lúa mạch, loại cây chịu mặn tốt hơn, làm cây trồng chính của mình.
Người Sumer thu hoạch vào mùa xuân với những tổ ba người gồm một người gặt, một người buộc lúa, và một người lượm.[53] Những người nông dân sau đó sẽ dùng máy đập do bò kéo để tách các hạt ngũ cốc khỏi thân lúa và sau đó dùng xe kéo để nghiền hạt. Rồi họ sàng sảy hỗn hợp hạt/trấu.
Những phát hiện về đá vỏ chai tại những vùng xa xôi ở Anatolia và lapis lazuli từ Badakhshan ở đông bắc Afghanistan, hạt cườm ở Dilmun (Bahrain hiện nay), và nhiều con dấu có ký tự Thung lũng sống Ấn cho thấy một mạng lưới thương mại cổ đại rất lớn tập trung quanh khu vực vịnh Ba Tư.
Sử thi Gilgamesh nhắc tới thương mại với những vùng đất xa xôi trao đổi những hàng hóa khan hiếm ở Lưỡng Hà như gỗ. Đặc biệt, cây tuyết tùng từ Liban rất được ưa chuộng. Việc tìm thấy nhựa thông trong mộ Hoàng hậu Puabi tại Ur cho thấy nó đã được mua về từ tận Mozambique.
Người Sumer sử dụng nô lệ, mặc dù không phải là một thành phần lớn của nền kinh tế. Nữ nô lệ làm những việc như dệt vải, ép dầu, xay xát, và mang vác.
Những người thợ làm đồ gốm Sumer trang trí các bình gốm bằng sơn dầu tuyết tùng. Họ dùng một chiếc khoan cần cung để tạo ra lửa nung đồ gốm. Thợ nề và thợ kim hoàn Sumer đã biết sử dụng thạch cao (canxít), ngà voi, sắt, vàng, bạc, carnelian, và lưu ly.[54]
Bằng chứng cho việc nhập khẩu hàng hóa từ Thung lũng sông Ấn đến Ur có thể được tìm thấy từ khoảng 2350 TCN.[57] Nhiều vật dụng sử dụng vỏ sò là đặc trưng của bờ biển sông Ấn, đặc biệt là Trubinella Pyrum và Fasciolaria Trapezium, đã được tìm thấy trong các địa điểm khảo cổ của Lưỡng Hà có niên đại khoảng 2500-2000 TCN.[58] Hạt Carnelian từ sông Ấn đã được tìm thấy trong khu lăng mộ Sumer ở Ur, Nghĩa trang Hoàng gia Ur, có niên đại 2600-2450 TCN.[59] Cụ thể, các hạt carnelian được chạm khắc màu trắng có lẽ được nhập từ Thung lũng Indus và được chế tạo bằng kỹ thuật khắc axit phát triển tại Harappans.[60][61][62] Lapis lazuli được Ai Cập nhập khẩu với số lượng lớn và đã được sử dụng trong nhiều ngôi mộ thời Naqada II (khoảng năm 3200 TCN). Lapis lazuli có lẽ có nguồn gốc ở miền bắc Afghanistan, vì không có nguồn nào khác được biết, và phải được vận chuyển qua cao nguyên Iran đến Lưỡng Hà, và sau đó là Ai Cập.[63][64]
Một số con dấu sông Ấn với kí tự Harappa cũng đã được tìm thấy tại Lưỡng Hà, đặc biệt là ở Ur, Babylon và Kish.[65][66][67][68][69][70]
Gudea, người cai trị Đế chế Tân Sumer tại Lagash, được ghi chép là đã nhập khẩu "carnelian mờ" từ Meluhha, thường được cho là khu vực Thung lũng sông Ấn.[59] Nhiều bản khắc khác nhau cũng đề cập đến sự hiện diện của các thương nhân và phiên dịch viên Meluhha ở Lưỡng Hà.[59] Khoảng hai mươi con dấu đã được tìm thấy từ các khu vực Akkad và Ur III, có mối liên hệ với Harappa và thường sử dụng các biểu tượng hoặc chữ viết của Harappa.[59]
Nền văn minh Thung lũng sông Ấn chỉ phát triển rực rỡ từ năm 2400 đến 1800 TCN, nhưng tại thời điểm thực hiện những trao đổi này, nó là một thực thể lớn hơn nhiều so với nền văn minh Lưỡng Hà, có diện tích 1,2 triệu mét vuông với hàng ngàn khu định cư, so với đến một khu vực chỉ khoảng 65.000 mét vuông được sinh sống ở Lưỡng Hà, trong khi các thành phố lớn nhất có kích thước tương đương với khoảng 30-40.000 cư dân.[71]
Các tổ chức lớn giữ tài khoản của họ bằng lúa mạch và bạc, thường với một tỷ lệ cố định. Các nghĩa vụ, các khoản vay và giá cả nói chung thường được tính bằng các đơn vị này. Nhiều giao dịch liên quan đến nợ nần, ví dụ hàng hóa được đền thờ giao cho các thương nhân và bia được giao cho những "phụ nữ nấu bia".[72]
Tín dụng thương mại và cho vay tiêu dùng nông nghiệp là loại hình cho vay chính. Tín dụng thương mại thường được niêm yết bởi các đền thờ để tài trợ cho các cuộc thám hiểm thương mại và được yết giá bằng bạc. Lãi suất được đặt ở mức 1/60 một tháng (một shekel mỗi mina) từ khoảng trước năm 2000 TCN và vẫn ở mức đó trong khoảng hai nghìn năm.[72] Các khoản vay nông thôn thường phát sinh do các nghĩa vụ chưa thanh toán với một tổ chức (chẳng hạn như một ngôi đền), trong trường hợp này các khoản nợ được coi là cho vay đối với con nợ.[72] Chúng được định giá bằng lúa mạch hoặc các loại cây trồng khác và lãi suất thường cao hơn nhiều so với các khoản vay thương mại và có thể lên tới 1/3 đến 1/2 số tiền gốc của khoản vay.[72]
Theo định kỳ, các nhà cai trị đã ký các sắc lệnh "phiến đá sạch" hủy bỏ tất cả các khoản nợ nông thôn (không phải thương mại) và cho phép các bên liên quan trở về nhà của họ. Theo thông lệ, các nhà cai trị thường làm điều đó vào đầu năm đầu tiên của triều đại của họ, nhưng cũng có thể tại thời điểm xung đột quân sự hoặc mất mùa. Những sắc lệnh đầu tiên được biết đến được thực hiện bởi Enmetena và Urukagina của Lagash vào năm 2400–2350 TCN. Theo Hudson, mục đích của các sắc lệnh này là để ngăn chặn các khoản nợ gây ảnh hưởng đến lực lượng chiến đấu, điều này có thể xảy ra nếu nông dân bị mất đất sinh hoạt hoặc trở thành gia nô do không có khả năng trả nợ.[72]
Đứng đầu các thành bang Sumer là vua, thường được gọi là lugal ("ông lớn"), hoặc nhiều danh hiệu khác tại các triều đại đầu tiên như ensí ở Lagash, en ở Uruk.[73][74] Vua được coi là đại diện dưới hạ giới của các vị thần, có thể là vị thần tối cao Enlil, hoặc các vị thần bảo hộ thành bang như Ningirsu ở Lagash, hoặc các vị thần có thuộc tính hoàng gia như Inanna. Theo quan niệm của người Sumer, sau trận đại hồng thủy, vị vua đã "giáng thế" để làm trung gian giữa con người và các vị thần, và được chọn lựa theo ý muốn của thần. Do đó, hoàng gia Sumer có tính thiêng liêng, là người thờ phụng quan trọng nhất, đảm nhận việc xây dựng hoặc trùng tu các đền thờ lớn nhất.[75] Vua được coi là người sở hữu toàn bộ vương quốc và là người thực hiện công lý. Ông ta cũng là thống lĩnh quân đội, ngay cả khi không có chiến tranh.[75]
Nhà vua dựa vào đoàn tùy tùng thân cận để giúp việc cho mình, chủ yếu là các thành viên trong gia đình như vương hậu và các vương tử, vương nữ. Nhìn chung, bộ máy hành chính được hình thành trên cơ sở "thừa kế", trong đó mối quan hệ cá nhân giữa nhà vua và thân tín là quan trọng nhất, hơn cả tổ chức thể chế.[76]
Quyền hạn của một quan chức không bị giới hạn cứng nhắc bởi một chức vị cụ thể. Công việc thường được thông qua bởi một "tể tướng" (sukkal-mah ở Lagash và Ur III) và các quan lại khác với nhiều chức danh khác nhau. Các vương quốc được chia thành các tỉnh đứng đầu bởi các tổng trấn. Ở cấp địa phương, các bô lão (abba) đóng một vai trò quan trọng. Các quan chức của nhà vua có thể làm các công việc hành chính, tư pháp và quân sự, và nắm giữ rất nhiều danh hiệu: một quan chức cấp cao của chính quyền trung ương có thể nằm quyền ở một, thậm chí một số tỉnh, thực thi công lý và cầm quân chiến đấu, tham gia vào các nghi lễ tôn giáo hoặc thậm chí để phục dựng các đến thờ địa phương. Tuy nhiên, vẫn có những chức quan riêng như các "phán quan" (diku) trong các vấn đề tư pháp hoặc các cấp bậc tướng lĩnh quân sự, đặc biệt quan trọng trong đế chế Akkad và Ur III, nơi có các vùng quân sự ngoại vi được kiểm soát bởi quân đồn trú.[74][77]
Các thành bang được quản lý trong một khuôn khổ địa lý hạn chế, đảm bảo mối liên hệ gần gũi giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, với một hệ thống kinh tế và xã hội tồn tại xuyên suốt lịch sử Sumer. Kể cả đến thời đế chế Akkad và Ur, các thành bang trở thành các tỉnh nhưng vẫn giữ lại truyền thống và chính quyền của họ, bất chấp những nỗ lực theo khuynh hướng trung ương tập quyền hóa theo kiểu Ur III.[77] Điều này giải thích tại sao hai đế chế lại nhanh chóng tan rã ngay khi vừa suy yếu.[78]
Xã hội và kinh tế Sumer xoay quanh gia đình hạt nhân: "nhà" (tiếng Sumer: é) của người Sumer không chỉ bao gồm kía cạnh kiến trúc mà còn là gia đình, dòng họ, tài sản.[79] Đứng đầu "nhà" là gia chủ, có thể là tư tế trong trường hợp của các ngôi đền, là nhà vua trong khuôn khổ cung điện, hoặc người cha của gia đình nếu là lãnh địa tư nhân. Chúng khác biệt về quy mô hơn là về bản chất.[80] Ranh giới giữa các gia tộc này không phải lúc nào cũng rạch ròi do có nhiều tương tác qua lại giữa chúng,[81] đặc biệt là các mối quan hệ thứ bậc. Hoàng gia đứng trên các gia tộc khác.
Phần lớn văn bản cổ được tìm thấy ở Sumer là các bản ghi chép hoạt động kinh tế từ các ngôi đền. Ngoài việc là trung tâm thờ phụng, đền thờ còn là chủ thể kinh tế chính: sở hữu nhiều đất đai nông nghiệp, gia súc, xưởng thủ công, tài trợ các cuộc thám hiểm thương mại và nhất là kiểm soát nguồn nhân lực để khai thác chúng.[77][82][83] Nguồn lực được sử dụng cho mục đích chính là thờ cúng, nhưng cũng được sử dụng để tái phân phối cho quan lại và nhân công dưới hình thức khẩu phần và nhượng quyền đất đai. Phần lớn các hoạt động kinh tế và nhân lực xoay quanh các tổ chức này. Nhiều nghiên cứu thời kỳ đầu về xã hội Sumer cho rằng nó bị kiểm soát hoàn toàn bởi đền thờ,[84] theo giả thuyết về "thành phố đền thờ", được hậu thuẫn bởi các tài liệu khảo cổ tìm được.[85]
Bên cạnh các tổ chức này, còn có các khu vực "tư nhân", tự đứng tên hoạt động, thể hiện qua các giao dịch tư nhân liên quan đến đất đai hoặc nô lệ kể từ khi bắt đầu Đế chế Ur III. Nhưng có thể thấy họ đóng vai trò kinh tế thứ yếu vì hoạt động những khu vực tư nhân này rất ít được ghi lại so với các đền thờ.[74][86]
Xã hội Sumer là xã hội phụ quyền và phân chia đẳng cấp. Các văn bản Sumer cổ không chia thứ bậc trong đại từ nhân xưng, nhưng cũng cho thấy các bằng chứng về bất bình đẳng xã hội: ví dụ vua Urukagina của Lagash cho khắc hàng loạt văn bản lên án việc người giàu áp bức dân nghèo; đây không phải là một hiện tượng được coi là bình thường, mà là một sự bất thường cần được sửa chữa để xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, các văn bản và bằng chứng khảo cổ khác (đặc biệt là các ngôi mộ) không thể hiện rõ ràng về sự bất bình đẳng xã hội ở Sumer. Kể từ khi nhà nước ra đời và bắt đầu đô thị hóa vào cuối thời kỳ Uruk, những biểu hiện bất bình đẳng này có chiều hướng tăng lên.[87]
Vua và hoàng gia có vị trí tối cao trong xã hội thượng lưu Sumer. Tiếp đến là giới chức sắc và tăng lữ với địa vị và gia sản truyền lại thông qua thừa kế. Giới thượng lưu có thể liên hôn với hoàng gia hoặc giữa các gia đình thượng lưu với nhau. Quý tộc Sumer cũng tích cực trong các vấn đề tôn giáo, thúc đẩy việc hình thành một tầng lớp tu sĩ biết chữ, là nền tảng căn bản cho tích lũy tri thức của người Sumer.[88][89]
Dân thường Sumer bao gồm nhiều nhóm người phụ thuộc kinh tế vào giới thượng lưu,[90] bao gồm nông dân địa tô hay nhân công (nạo vét kênh mương, xây dựng các công trình công cộng,...). Các nguồn tài liệu hiện nay chưa có đủ thông tin về cuộc sống hàng ngày của họ, ngoại trừ các khía cạnh liên quan đến công việc. Đời sống tôn giáo và cộng đồng của họ phần lớn đều là suy luận hoặc giả định.[88][89]
Chế độ nô lệ có tồn tại ở các quốc gia Sumer, nhưng không phổ biến với phần đông dân số. Chủ sở hữu nô lệ có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Họ có thể bán, tặng, cho thuê, cầm cố nô lệ hoặc làm tài sản thừa kế. Một số hợp đồng mua bán nô lệ được tìm thấy ghi về các lí do cụ thể, thường là chủ gia đình mắc nợ và phải bán thành viên trong gia đình: con trai, con gái, vợ, em gái. Nô lệ thể chế cũng có thể là tù nhân chiến tranh. Gia nhân có thể kết hôn, kể cả với những người tự do, và sở hữu tài sản và đất đai của, nhưng cuối cùng vẫn là tài sản của chủ nhân. Một nô lệ có thể tự chuộc thân, nhưng sau đó phải ở lại phục vụ chủ cũ của mình, hoặc cũng có thể được chủ nô trả tự do.[74][77][91]
Sumer là một trong những khu vực đô thị hóa đầu tiên trên thế giới (giữa thời kỳ Uruk).[92] Nghiên cứu địa tầng ở một số di chỉ như Uruk, Nippur, Ur,.. cho thấy khu vực Lưỡng Hà bị kiểm soát bởi một vài trung tâm đô thị lớn (100-200 héc-ta), thống trị các thị trấn nhỏ hơn (hơn 10 héc-ta) và các thôn làng lân cận. Trong giai đoạn cuối Uruk và Jemdet Nasr (k. 3400-2900 TCN) sự đô thị hóa tăng nhanh làm suy giảm các làng mạc. Các di chỉ Uruk và Lagash thậm chí vượt quá 400 héc-ta. Người ta tin rằng trong giai đoạn các triều đại đầu tiên (k. 2900-2600 TCN), hơn 70% dân số của vùng Nippur sống trong các khu dân cư rộng hơn 10 héc-ta,[93] điều tương tự xảy ra ở các khu vực khác của Sumer: xã hội có tỷ lệ đô thị hóa rất cao. Tỷ lệ làng mạc tăng nhẹ trong nửa sau thời Ur III, nhưng các thành phố lớn vẫn đóng vao trò quan trọng với hơn một nửa dân số sống ở thành thị.[94] Mức độ đô thị hóa cao này không phải bất thường nếu so với các nền văn minh cổ đại khác, như Hy Lạp cổ điển và Hy Lạp cổ đại.
Hiện chưa có đủ thông tin về cảnh quan của những đô thị này. Các cuộc khai quật chủ yếu tập trung vào các di tích của những thành phố lớn nhất, cộng thêm khoảng thời gian phát triển của mỗi di tích trải dài hơn một thiên niên kỉ, dẫn đến việc rất khó để xác định bản chất và chức năng của các công trình kiến trúc.[95] Tuy nhiên, tại Eridu, Nippur, Uruk và Ur, có thể xác định được một số khu di tích được dành riêng cho thờ cúng trong nhiều thiên niên kỷ, bao quanh bởi các công trình phụ thuộc. Một số ngôi đền được dựng lên trên nền cao, sau này phát triển thành các ziggurat ở triều đại Ur thứ ba.[96]
Các thành phố Sumer có những bức tường thành phòng thủ lớn và hệ thống kênh đào. Tuy nhiên, có vẻ thành phố không có quy hoạch đô thị rõ ràng.[95][97] Theo dữ liệu thu thập được từ các di chỉ Habuba Kabira, Abu Salabikh, Khafadje, Tell Asmar và các cuộc khai quật ở Ur và Nippur, có thể thấy một số khu vực dân cư dường như đã được quy hoạch, còn một số khác là tự phát. Các khu dân cư nằm dọc các con đường hẹp dần theo thời gian khi dân số đông đúc lên. Các quận dường như không được phân chia theo mức độ giàu có, vì các ngôi nhà nằm trên cùng một khu phố có quy mô khác nhau. Các khu nhà có thể là các gia đình người làm quây xung quanh một gia đình giàu có, hoặc là một cụm gia đình có quan hệ họ hàng, hoặc thậm chí tụ họp lại theo nghề nghiệp.[98]
Gia đình một vợ một chồng là hạt nhân của xã hội Sumer, hình thành thông qua hôn nhân. Cuộc hôn nhân được hai gia đình đàm phán và thỏa thuận, hợp pháp hóa bằng một hôn lễ. Gia đình nhà trai tặng sính lễ cho nhà gái, trong trường hợp hủy hôn thì được coi như quà bồi thường.[74][77] Các văn bản tìm được cũng ghi lại việc cô dâu mang theo của hồi môn và việc chú rể tặng lễ vật cho cô dâu trong lễ cưới.[77]
Cuộc hôn nhân có thể bị giải trừ theo ý muốn của người chồng, tuy nhiên phải đi kèm khoản bồi thường tài chính cho vợ nếu yêu cầu này được quan tòa phán quyết là là vô căn cứ. Các căn cứ ly hôn được biết đến là ngoại tình và không hoàn thành hôn nhân.[77] Các gia đình chủ yếu là một vợ một chồng, nhưng người chồng có thể lấy vợ lẽ và hiếm hoi hơn nữa là vợ hai, với sự chấp thuận của người vợ đầu.
Trong gia đình, người cha là người nắm quyền; tuy nhiên, một người phụ nữ đã kết hôn vẫn có thể đứng ra thực hiên giao dịch một mình hoặc cùng với chồng. Phụ nữ có thể ra tòa, làm chứng trước tòa, có tài sản riêng.[74][77] Phụ nữ góa chồng thậm chí trở thành chủ hộ gia đình nếu con của họ còn nhỏ; nhưng trừ khi họ ở trong một gia đình giàu có và tự chủ về kinh tế, những người phụ nữ này có hoàn cảnh bấp bênh và phải phụ thuộc vào một tổ chức để có tiền nuôi sống bản thân. Không phải tất cả phụ nữ đều kết hôn hoặc góa chồng: như trường hợp của gái mại dâm, nhưng dường như cũng có những phụ nữ sống độc lập khác và phải tự chu cấp cho bản thân. Không nên cho rằng phụ nữ Sumer bị giới hạn trong phạm vi nội trợ, ngay cả khi đó vẫn là công việc chính của họ, vì họ vẫn thường được ghi lại là làm việc bên ngoài khuôn khổ gia đình, đặc biệt là trong các tổ chức.[99]
Nhìn chung trong lịch sử Lưỡng Hà, phụ nữ có vị trí thấp hơn so với nam giới, nhưng địa vị của phụ nữ trong xã hội Sumer vẫn được cho là tích cực hơn so với hậu duệ của họ trong các thời kỳ sau này từ đầu thiên niên kỷ thứ hai TCN trở đi. Tuy nhiên điều này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.[100] K. Wright cho rằng địa vị của phụ nữ bị kéo thấp xuống từ thiên niên kỷ thứ tư TCN, do hệ quả của việc xuất hiện nhà nước và đô thị.[101]
Con cái trong giá thú đều có thể tham gia vào các hoạt động của gia đình và có quyền thừa kế. Khi người cha qua đời, tài sản được chia cho các con trai, người con lớn có thể được phần nhiều hơn và tiếp quản vị trí và công việc của người cha. Các con gái được nhận của hồi môn khi kết hôn, nhưng có thể cũng được chỉ định là người thừa kế nếu nhà không có con trai. Nếu một người không có con cháu thì quyền thừa kế chuyển cho người anh trai, rồi đến cha mẹ.[74][77] Cũng có thể nhận con nuôi làm người thừa kế.[77] Tầm quan trọng của việc sinh nở cũng được thể hiện qua các nghi lễ khác nhau nhằm bảo vệ phụ nữ khi sinh con trước các biến chứng khi sinh sản và hậu sản.[102]
Tình cảm gia đình ít khi được đề cập đến trong các tài liệu vì phần lớn các văn bản tìm được thuộc về lĩnh vực hành chính và pháp lý. Tuy nhiên, một số tác phẩm văn học cũng chia sẻ cái nhìn của giới thượng lưu về các cảm xúc lãng mạn. Các bài thơ về nữ thần Inanna và thần Dumuzid thể hiện các khía cạnh khác nhau của tình yêu như ham muốn, nhục dục, tranh cãi và rạn nứt. Một số thần thoại khác phản ánh tình yêu giữa anh chị em, như giữa Dumuzi và chị gái Geshtinanna. Có những bài thánh ca ca ngợi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: nỗi sợ hãi các hiểm nguy của việc sinh nở, niềm vui của một người mẹ khi thấy đứa con trai nhỏ của mình lớn lên và trưởng thành, tình yêu của một người con trai đối với người mẹ ở xa.[103]
Cuộc sống hàng ngày của các gia đình Sumer có thể được tiếp cận bằng cách nghiên cứu phần còn lại của những ngôi nhà trên một số địa điểm, chủ yếu ở khu vực thành thị, điều này không nhất thiết là thiên vị vì đó rõ ràng là môi trường sống của phần lớn Người Sumer. Một mô hình cư trú thống trị xuất hiện và sau đó chiến thắng đô thị hóa, đó là một ngôi nhà có không gian trung tâm hình tứ giác, tổ chức giao thông và chi phối các hoạt động trong nước, và không chắc chắn rằng nó ở trên bầu trời. mở (trong trường hợp đó là một sân trong) hoặc được bảo hiểm. Hình dạng và kích thước của các khu dân cư từ "mô hình" cơ bản này rất đa dạng, một mô hình không phải là nơi duy nhất được chứng thực do một số nơi cư trú không có không gian trung tâm này [98].
Cuộc sống hàng ngày của các gia đình Sumer có thể được tiếp cận bằng cách nghiên cứu tàn tích nhà cửa tại một số khu khai quật, chủ yếu ở khu vực thành thị - nơi sinh sống của phần lớn người Sumer. Mô hình nhà ở phổ biến nhất là kiểu nhà có chính phòng hình tứ giác với các phòng chức năng khác quây xung quanh. Mô hình cơ bản này có hình dạng và kích thước đa dạng, bên cạnh đó cũng có một số loại nhà khác không có chính phòng.[98]
Chức năng của các phòng không phải lúc nào cũng được phân định rõ ràng. Những ngôi nhà nhỏ chỉ có một vài phòng thì không có sự phân biệt trong công dụng của mỗi phòng. Với các ngôi nhà lớn hơn thì có thể nhận diện được kho chứa đồ, phòng khách, phòng ngủ hay đôi khi là phòng tắm. Chính phòng được sử dụng cho các hoạt động chính của gia đình. Một số ngôi nhà có thể có tầng lầu. Mái nhà có khả năng là mái bằng trát đất sét hoặc phủ phên sậy. Nhà ở cũng có thể có các khu vực mang chức năng tôn giáo như một nhà nguyện nhỏ để thực hiện các nghi lễ trong gia đình. Một số ngôi nhà có hầm mộ chứa thi thể của các thành viên quá cố, nhằm duy trì sự gần gũi giữa người chết và hậu duệ đang sống của họ.[98]
Về đồ nội thất, các cuộc khai quật thường tìm thấy các loại bếp được sử dụng để nấu nướng, có lẽ cũng để làm đồ gốm hoặc để sưởi ấm trong mùa lạnh, như lò nướng đơn, lò nướng boong, lò sưởi, bếp lò. Thợ thủ công có thể làm việc trong nhà hoặc ngoài xưởng. Bếp cũng có thể dùng để xác định đặc điểm cư dân của ngôi nhà: nhà giàu có hoặc đông đúc hơn thì sẽ có bếp lớn hơn.[98]
Tiếng Sumer nói chung được coi như một ngôn ngữ biệt lập trong ngôn ngữ học bởi nó không thuộc một ngữ hệ nào từng được biết đến, khác với tiếng Akkad thuộc nhánh Semit của ngữ hệ Phi-Á. Đã có nhiều nỗ lực bất thành để tìm mối liên hệ giữa tiếng Sumer và các nhóm ngôn ngữ khác.[15][16][17][18][19] Trái ngược với ngôn ngữ Semit láng giềng, tiếng Sumer không có biến tố.[15] Nó là một ngôn ngữ chấp dính; nói cách khác, các hình vị ("đơn vị nghĩa") được thêm vào nhau để tạo ra các từ, không giống như các ngôn ngữ phân tích trong đó các hình vị được ghép lại để tạo ra câu.
Trong thiên niên kỷ 3 TCN, đã xuất hiện một sự cộng sinh văn hóa giữa người Sumer và người Akkad, và việc sử dụng song ngôn ngữ trở nên phổ biến.[104] Sự ảnh hưởng của tiếng Sumer lên tiếng Akkad (và ngược lại) được thể hiện rõ nét trong tất cả các khía cạnh, từ việc vay mượn từ vựng ở quy mô lớn, tới cú pháp, hình thái, và hội tụ âm vị.[104] Điều này đã khiến các học giả coi tiếng Sumer và tiếng Akkad ở thiên niên kỷ 3 TCN là một sprachbund (liên minh ngôn ngữ).[104]
Tiếng Akkad dần thay thế tiếng Sumer với vai trò tiếng nói phổ thông ở khoảng cuối thiên niên kỷ 3 đầu thiên niên kỷ 2 TCN,[105] nhưng tiếng Sumer vẫn tiếp tục được sử dụng như một ngôn ngữ linh thiêng sử dụng trong nghi lễ, văn học và khoa học tại Babylonia và Assyria cho tới thế kỷ thứ I.[106]
Những khám phá khảo cổ học quan trọng nhất tại Sumer là một số lượng lớn các bảng đất sét khắc chữ hình nêm. Chữ viết Sumer là hệ thống chữ viết cổ nhất từng được phát hiện trên thế giới. Đây được xem như một bước ngoặt vĩ đại trong sự phát triển của nhân loại, với việc ghi chép lại lịch sử và sáng tạo ra các tác phẩm văn học cũng như luật lệ và tôn giáo. Ban đầu người Sumer sử dụng các hình vẽ – tương đương với chữ tượng hình, sau đó phát triển thành dạng chữ hình nêm và chữ kí hiệu. Họ dùng các que sậy có đầu hình tam giác hay hình nêm nhọn để khắc trên những phiến đất sét ẩm. Hàng trăm nghìn văn bản tiếng Sumer vẫn còn tồn tại, như thư tín cá nhân hay thương mại, hóa đơn, bảng từ vựng, luật pháp, thánh ca, lời cầu nguyện, các câu chuyện, ghi chép hàng ngày. Những ghi chép tại các đền đài và chữ khắc trên các vật thể khác nhau như bức tượng hay viên gạch cũng rất phổ biến. Nhiều văn bản vẫn còn nhiều bản sao tồn tại bởi chúng được sao chép liên tục bởi các kinh sư trong quá trình họ học nghề. Tiếng Sumer tiếp tục là ngôn ngữ của tôn giáo và pháp luật ở Lưỡng Hà một thời gian dài kể cả sau khi khu vực bị thống trị bởi các dân tộc Semit.
Một ví dụ tiêu biểu cho chữ viết hình nêm được sử dụng trong văn chương là các bài thơ về Bilgamesh được viết bằng chữ hình nêm Sumer chuẩn, kể về một vị vua từ Sơ kỳ triều đại II là Gilgamesh (hay "Bilgamesh" trong tiếng Sumer) và các cuộc phiêu lưu của ông cùng với người bạn thân là Enkidu. Đây được xem là một trong những tác phẩm văn học viết hư cấu cổ nhất được tìm thấy cho đến thời điểm hiện tại.
Người Sumer là những người sáng tạo tuyệt vời, thể hiện qua nghệ thuật của họ. Các đồ tạo tác của người Sumer có rất nhiều chi tiết và hoa văn, với những loại đá bán quý được nhập khẩu từ các vùng đất khác, chẳng hạn như lưu ly, đá cẩm thạch, và diorite, và các kim loại quý như vàng cán. Vì đá rất hiếm nên nó được dành để điêu khắc. Vật liệu phổ biến nhất ở Sumer là đất sét nên nhiều đồ vật được làm từ đất sét. Các kim loại như vàng, bạc, đồng đỏ và đồng, cùng với vỏ sò và đá quý, được sử dụng để điêu khắc và chạm khảm. Những loại đá quý hơn như lưu ly, đá thạch cao và serpentine được sử dụng để làm con dấu hình trụ.
Một số tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất là Đàn lia của Ur, được coi là loại nhạc cụ có dây lâu đời thứ hai trên thế giới được tìm thấy. Chúng được Leonard Woolley phát hiện khi khai quật Lăng mộ Hoàng gia Ur từ năm 1922 đến 1934.
Đồng bằng Tigris-Euphrates không có khoáng vật và cây gỗ. Các công trình xây dựng Sumer được làm bằng gạch bùn phẳng-lồi, không trộn với vữa hay xi măng. Những công trình bằng gạch bùn sau cùng sẽ xuống cấp, vì thế theo định kì chúng bị phá hủy, đắp cao lên và xây lại trên cùng địa điểm. Công việc xây dựng liên tục này dần khiến nền của các thành phố cao lên, và trở nên cao hơn vùng đồng bằng xung quanh. Kết quả là những ngọn đồi, được gọi là các tell, xuất hiện trên khắp Cận Đông cổ đại.
Theo Archibald Sayce, những văn bản chữ tượng hình nguyên thủy của người Sumer thời kỳ đầu (ví dụ như Uruk) cho thấy rằng "Đá rất hiếm nên chúng được dùng cho điêu khắc và làm con dấu. Gạch là vật liệu xây dựng thông thường của các thành phố, pháo đài, đền và nhà cửa. Thành phố có các ngọn tháp và được xây trên những nền đắp cao; nhà cửa cũng có dạng hình tháp. Cửa nhà có bản lề, và có thể đóng mở bằng một loại khóa; cổng thành phố lớn hơn và có vẻ như như được làm hai lớp. Các viên đá hay gạch móng nhà được làm phép bằng một số vật thể chôn bên dưới."[47]
Các công trình ấn tượng và nổi tiếng nhất của Sumer là các ziggurat, cấu trúc bậc thang với đền thờ ở trên đỉnh. Những con dấu hình trụ của Sumer cũng thể hiện những ngôi nhà dựng từ lau sậy, nhưng không giống như kiểu nhà sậy của người Ả Rập đầm lầy ở phía nam Iraq những năm 400. Người Sumer cũng đã biết làm nhịp vòm trong các ngôi nhà mái vòm kiên cố bằng cách dựng và nối các vòm cuốn. Các ngôi đền và cung điện Sumer sử dụng các kỹ thuật và vật liệu tiên tiến hơn, như trụ ốp tường, hốc tường, bán cột, và đinh đất sét.
Những cuộc chiến tranh hầu như liên tục giữa các thành bang Sumer trong suốt 2000 năm đã giúp phát triển các kỹ thuật và công nghệ chiến tranh của Sumer đạt tới trình độ tương đối cao.[107] Cuộc chiến đầu tiên được ghi chép đầy đủ là cuộc chiến giữa Lagash và Umma vào khoảng năm 2525 TCN trên một chiếc bia được gọi là bia kền kền. Nó thể hiện vị vua của Lagash chỉ huy một đội quân Sumer gồm chủ yếu là bộ binh. Những lính bộ binh mang giáo, đội mũ trụ đồng và mang các tấm khiên bằng da hình chữ nhật. Những người cầm giáo được thể hiện trong đội hình giống với đội hình phalanx, vốn đòi hỏi việc huấn luyện và kỷ luật; điều này cho thấy rằng người Sumer có thể đã sử dụng các chiến binh chuyên nghiệp.[108]
Các thành phố Sumer được bao quanh bởi tường thành bởi gạch bùn để phòng thủ trước sự tấn công của kẻ thù và các cuộc vây thành.
Người Sumer đã phát triển một hệ thống đo lường phức tạp vào khoảng năm 4000 TCN. Hệ thống đo lường tiên tiến này dẫn tới sự ra đời của số học, hình học, và đại số. Từ khoảng năm 2600 TCN trở về sau, người Sumer đã viết nhiều bảng tính nhân trên tấm đất sét và đã biết giải các bài hình học và bài tính chia. Những dấu vết sớm nhất của chữ số Babylon cũng có từ giai đoạn này.[109] Khoảng năm 2700–2300 TCN chứng kiến sự xuất hiện lần đầu của bảng tính, và bảng phân định độ lớn của hệ thống số lục thập phân.[110] Người Sumer là những người đầu tiên sử dụng hệ thống số giá trị vị trí. Cũng có bằng chứng từ các huyền thoại cho rằng người Sumer có thể đã sử dụng một kiểu thước trắc tinh để tính toán thiên văn học. Họ là những người đầu tiên tính được diện tích tam giác và thể tích khối trụ.[111]
Những ví dụ về công nghệ của người Sumer bao gồm: bánh xe, chữ hình nêm, số học và hình học, hệ thống thủy lợi, thuyền Sumer, lịch mặt trăng, lịch mặt trời, đồng, da, cưa, đục, búa, nẹp, hàm thiếc, đinh, ghim, nhẫn, cuốc, rìu, dao, mũi giáo, đầu mũi tên, kiếm, keo, dao găm, túi da đựng nước, túi xách, dây nịt, áo giáp, ống tên, xe ngựa chiến tranh, bao kiếm, ủng, dép, harpons và bia.
Bằng chứng về các phương tiện có bánh xe đã xuất hiện từ giữa thiên niên kỷ thứ 4 TCN, gần đồng thời tại Lưỡng Hà, Bắc Kavkaz (văn hóa Maikop) và Trung Âu. Ý tưởng bánh xe khởi nguồn từ bàn xoay đồ gốm và nhanh chóng được áp dụng vào các phương tiện di chuyển và cối xay. Sau chữ tượng hình Ai Cập, hệ thống chữ hình nêm của Sumer là hệ thống cổ thứ hai đã được giải mã (tình trạng của những hệ thống chữ viết còn cổ hơn như các biểu tượng Jiahu và các phiến đá Tartaria đang còn gây tranh cãi). Người Sumer là một trong số những nhà thiên văn học đầu tiên, đã biết vẽ bản đồ sao và nhóm thành các chòm sao, nhiều chòm sao vẫn còn trong hoàng đạo ngày nay và được người Hy Lạp cổ đại công nhận.[112] Họ cũng nhận biết được năm hành tinh có thể quan sát thấy bằng mắt thường.[113]
Người Sumer đã phát minh và phát triển số học bằng cách sử dụng nhiều hệ thống số khác nhau bao gồm một hệ cơ số hỗn hợp với một hệ thập phân thay thế và lục phân. Hệ lục phân này trở thành hệ thống số tiêu chuẩn tại Sumer và Babylon. Có thể họ đã phát minh ra các đội hình quân sự và đưa ra hệ thống phân chia căn bản giữa bộ binh, kỵ binh, và cung thủ. Họ là những người đầu tiên được biết tới phát triển các hệ thống hành chính và luật pháp, được hoàn thiện bằng tòa án, nhà tù và hồ sơ lưu kí của chính quyền. Những thành bang thật sự đầu tiên đã ra đười ở Sumer. Nhiều thế kỷ sau khi phát minh chữ hình nêm, vào khoảng năm 2600 TCN, chữ viết lần đầu tiên được sử dụng ngoài phạm vi hóa đơn và bảng kê, để gửi thư từ, ghi chép lịch sử, huyền thoại, toán học, thiên văn học và các mục đích khác. Cùng với sự phổ biến của chữ viết, những trường học chính quy đầu tiên đã được thành lập, thường nằm ở ngôi đền chính của thành bang.
Cuối cùng, người Sumer đã khởi đầu việc thuần hóa với nông nghiệp và thủy lợi trên quy mô lớn. Lúa mì Emmer, lúa mạch, cừu (bắt đầu từ cừu hoang), và gia súc (bắt đầu từ bò rừng) là những loài đầu tiên được nuôi trồng trên quy mô lớn.
|access-date=
(trợ giúp); |ngày truy cập=
cần |url=
(trợ giúp).
|access-date=
(trợ giúp); |ngày truy cập=
cần |url=
(trợ giúp). Black et al. 2004 .
|first1=
thiếu |last1=
(trợ giúp); Chú thích journal cần |journal=
(trợ giúp)
|first1=
thiếu |last1=
(trợ giúp); Chú thích journal cần |journal=
(trợ giúp)
|first1=
thiếu |last1=
(trợ giúp); Chú thích journal cần |journal=
(trợ giúp)
|first1=
thiếu |last1=
(trợ giúp); Chú thích journal cần |journal=
(trợ giúp)
Square-shaped Indus seals of fired steatite have been found at a few sites in Mesopotamia.
|ngày truy cập=
và |ngày=
(trợ giúp); Tựa đề URL chứa liên kết wiki (trợ giúp).