Toàn bộ tác phẩm tổng cộng có 80 quyển, bao gồm Đế kỷ 5 quyển, Chí 30 quyển, Liệt truyện 50 quyển, không có Biểu, nhiều người cùng nhau biên soạn, chia làm hai giai đoạn thành sách, từ khi bắt đầu cho tới lúc tu sửa toàn bộ xong mất khoảng 35 năm mới hoàn thành. Sách ghi chép lịch sử hưng thịnh và suy vong của nhà Tùy bắt đầu từ khi Tùy Văn Đế kiến quốc năm Khai Hoàng nguyên niên (581) đến khi Tùy Cung Đế bị Lý Uyên phế truất vào năm Nghĩa Ninh thứ 2 (618).
Nhóm tác giả Tùy thư phần lớn đều là những kẻ sĩ am hiểu, có trình độ biên soạn sách sử rất cao, phẩm bình nhân vật ít khi kiêng nể. Hơn nữa, bộ Tùy thư còn chứa một khối lượng lớn các tài liệu về văn hóa, khoa học kỹ thuật và kinh tế, chính trị, xã hội. Như phần Tây Vực truyện lần đầu tiên ghi chép về các nước Chín họ Chiêu Vũ, là nguồn sử liệu quan trọng để nghiên cứu về lịch sử Tây Vực. Ngoài ra Tùy thư cũng ghi chép về về việc nghiên cứu số Pi của Tổ Xung Chi, hay bài thảo luận về việc tăng giảm ngày đi giữa Trương Thủ Tín và Lưu Trác.
Ngoài ra, do sử quán đương thời còn tiến hành tu sửa các bộ sử về năm triều đại Lương, Trần, Tề, Chu, Tùy mà thiếu mất phần Chí, vì vậy vào năm Trinh Quán thứ 15 (641) Đường Thái Tông liền hạ chiếu mời đám sử quan như Vu Chí Ninh, Lý Thuần Phong, Vi An Nhân, Lý Diên Thọ, Kính Bá tiếp tục biên soạn phần Chí, ban đầu do Lệnh Hồ Đức Phân đảm nhiệm giám tu (trông coi việc tu sửa), đến năm Vĩnh Huy thứ 3 đời Đường Cao Tông (652) thì đổi sang Trưởng Tôn Vô Kị. Năm Hiển Khánh nguyên niên (656) thành sách dâng lên. Sách còn bao gồm một phần thư chí của Tấn thư. Ban đầu là đơn hành bản (bản phát hành một lần), cũng vì nội dung lấy Tùy là chính, nhà Tùy lại ở vào giai đoạn cuối cùng của năm triều đại, cho nên về sau được soạn thành Tùy thư.
Hiện mười phần Chí đó cũng được gọi là Tùy thư. Trong đó Lý Thuần Phong tu sửa Thiên văn chí rất có thể là người thêm vào phần chí của Tùy thư [1], cũng như Kinh tịch chí là sự kế thừa mục lục sách mang tính đại biểu quan trọng của Trung Quốc sau Nghệ văn chí của Hán thư. Nó sử dụng phương pháp phân loại bộ tứ gồm Kinh, Sử, Tử, Tập có ảnh hưởng rất lớn đối với hậu thế, mang một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử mục lục học Trung Quốc.