Quốc gia | Pháp, Nam Ý, Navarre, Tây Ban Nha, Luxembourg |
---|---|
Hoàng tộc cũ | Vương tộc Capet |
Danh hiệu |
|
Người cuối cùng | Pháp và Navarre: Charles X (1830)
Pháp: Louis-Philippe I (1830–1848)
Parma: Roberto I (1854–1859)
Hai vùng Sicily: Francesco II (1859–1861) |
Sáng lập | 1268–Robert, Bá tước Clermont, con trai thứ sáu của Louis IX, kết hôn với Beatrix của Bourbon. |
Phế truất | Pháp và Navarre: 1830: Cách mạng tháng Bảy
Parma: 1859: sáp nhập vào Vương quốc Sardinia
Hai vùng Sicily: 1861:Thống nhất nước Ý |
Dân tộc | Pháp |
Dòng nhánh |
Bourbon Tây Ban Nha
Nhà Orléans
|
Nhà Bourbon (tiếng Anh: /ˈbʊərbən/; phát âm tiếng Pháp: [buʁ.bɔ̃]; phiên âm tiếng Việt: Buốc-bông) là một hoàng tộc châu Âu có nguồn gốc từ Pháp, và là một nhánh của Nhà Capet cai trị Pháp.
Tổ tiên khởi thủy của Nhà Bourbon là Louis I, công tước của Bourbon, là cháu nội của vua Louis IX của Pháp, ông đã đổi tên họ theo đất phong của mình. Dòng họ này được phong làm Công tước cai trị xứ Navarre, rồi khi nhánh chính của Vương tộc Capet (Nhà Valois) tuyệt tự thì Nhà Bourbon được thừa kế cả Vương quốc Navarre và Vương quốc Pháp kể từ thế kỷ XVI. Trong thế kỷ XVIII những thành viên của Nhà Bourbon cũng cầm quyền tại Vương quốc Tây Ban Nha, Vương quốc Napoli, Vương quốc Sicilia, và Công quốc Parma. Hiện nay, các quân vương của Tây Ban Nha và Luxembourg đều thuộc Nhà Bourbon.
Từ năm 1555, vua chúa nhà Bourbon cai trị Navarre, tới năm 1589 thêm nước Pháp cho đến lúc bị lật đổ khi bùng nổ cuộc Cách mạng Pháp trong năm 1792. Sau đó vương quyền được phục hồi một thời gian ngắn trong năm 1814 rồi được củng cố trong năm 1815 sau khi Đệ Nhất Đế chế Pháp bị sụp đổ. Cuộc Cách mạng tháng Bảy năm 1830 lại phế truất nhánh trưởng của nhà Bourbon. Nhánh thứ là Nhà Orléans, cai trị trong 18 năm (1830 – 1848) rồi bị lật đổ vào năm 1848.
Kể từ thời Hugh Capet đến Charles X của Pháp (987 – 1830), theo luật thừa kế thì chỉ có nhánh trưởng của Vương tộc Capet làm vua nước Pháp. Nhưng đến năm 1589 khi Nhà Valois (một nhánh của nhà Capet) không có nam giới kế vị, người đứng đầu Nhà Bourbon, Henri IV của Pháp, trở thành nhánh trưởng. Như vậy, tất cả thành viên Nhà Bourbon cùng những nhánh thứ vẫn còn sống ngày nay đều là hậu duệ của Henri IV.
Các Thân vương xứ Condé là một nhánh của Vương tộc Bourbon, có nguồn gốc từ hậu duệ của một người chú của Vua Henry IV, và các Thân vương xứ Conti lại là một nhánh của nhánh Condé. Cả hai gia tộc này, được công nhận là "prince du sang", đều là những gia đình quý tộc nổi tiếng của Vương quốc Pháp, tham gia nhiệt thành vào công việc của triều đình, ngay cả khi họ lưu vong trong Cách mạng Pháp, cho đến khi tuyệt tự vào năm 1830 và 1814. Kể từ khi Nhà Capet tuyệt tự vào năm 1733, Bourbon là nhánh duy nhất còn sót lại của Vương tộc Capet.
Philip V là vị vua đầu tiên thuộc nhà Bourbon cai trị Tây Ban Nha. Nhà Bourbon Tây Ban Nha (Borbón theo tiếng Tây Ban Nha) bị lật đổ rồi lại được phục hồi nhiều lần, cai trị đất nước này trong những giai đoạn sau: 1700 – 1808, 1813 - 1868, 1875 – 1931, và từ 1975 đến nay. Xuất phát từ dòng Tây Ban Nha là hoàng gia Vương quốc Hai Sicilia (1734 – 1806 và 1815 – 1860, chỉ một Sicily từ 1806 – 1816), cũng phải kể đến những nhà cầm quyền Công quốc Parma.
Hoàng thân Felix, một người Bourbon thuộc nhánh Parma kết hôn với Nữ Đại công tước Charlotte của Luxembourg, và khi bà thoái vị năm 1964 nhường ngôi cho con trai của bà với Felix, Jean, trở thành Đại Công tước Luxembourg.
Nhà Bourbon trước thời Capet là một gia đình quý tộc từ đầu thế kỷ XIII khi một chư hầu của Vua Pháp cai trị lãnh địa Bourbon. Tên gọi Nhà Bourbon (Maison de Bourbon) có thể được dùng để chỉ gia tộc đầu tiên này và Nhà Bourbon-Dampierre, gia tộc thứ hai cai trị thái ấp.
Năm 1268, Robert Công tước xứ Clermont, con trai thứ sáu của Vua Louis IX của Pháp, kết hôn với Beatrix xứ Bourbon, người thừa kế tước vị Bourbon xuất thân từ Nhà Bourbon-Dampiere. Con trai của họ, Louis, được phong Công tước xứ Bourbon năm 1327. Hậu duệ của Louis, Charles de Bourbon, là người cuối cùng thuộc nhánh trưởng mất năm 1527. Bởi vì ông chiến đấu dưới ngọn cờ của Hoàng đế La Mã thánh Charles V và sống lưu vong, tước vị của ông không còn sau khi qua đời.
Vẫn còn nhánh thứ Vendôme. Nhánh Vendôme cai trị Vương quốc Navarre ở phía bắc dãy Pyrenees từ năm 1555, rồi trị vì cả nước Pháp khi Henri III của Navarre trở thành Henri VI của Pháp. Từ đó, người ta gọi họ là Bourbon cho đến khi phát sinh những nhánh thứ.
Quân vương đầu tiên thuộc Nhà Bourbon trị vì nước Pháp là Henri IV. Henri chào đời ngày 13 tháng 12 năm 1553; cha của ông, Antoine de Bourbon, là hậu duệ dòng thứ của Vua Louis IX của Pháp. Jeanne III của Navarra, mẹ ông, là Nữ hoàng Navarre và là cháu họ của Vua François I của Pháp. Henri nhận lễ rửa tội theo nghi thức Công giáo nhưng được trưởng dưỡng theo giáo huấn của Thần học Calvin.[1] Sau khi thân phụ tử trận năm 1563, Henri trở thành Công tước Vendôme lúc mới 10 tuổi, có Đô đốc Gaspard de Coligny (1519 – 1572) làm quan nhiếp chính. Năm năm sau, Henri trở thành lãnh tụ nhóm Huguenot sau khi chú của ông, Prince de Condé, tử trận năm 1569.[2]
Khi thân mẫu mất năm 1572, Henri kế vị lấy hiệu là Henri III. Cũng trong năm ấy, theo sắp xếp của Caterina de' Medici, người mẹ đầy thế lực của Vua Charles IX của Pháp, Marguerite của Pháp kết hôn với Henri như là một động thái hòa giải giữa người Công giáo và người Huguenot. Nhiều người Huguenot đến Paris tham dự lễ cưới và bị người Công giáo tàn sát trong vụ Thảm sát ngày lễ thánh Barthélemy. Henri thoát chết nhờ chấp nhận cải đạo sang Công giáo. Năm 1576, ông bỏ Công giáo và trở lại nắm quyền lãnh đạo nhóm Huguenot.[2]
Từ năm 1506 đến 1584, tình hình ở Pháp tương đối bình lặng khi những người Huguenot củng cố quyền kiểm soát ở phía nam. Nhưng khi François Công tước Anjou, em trai Vua Henri III của Pháp, qua đời năm 1584, Navarre trở thành người kế tiếp trong danh sách kế vị vua Pháp. Thế là bùng nổ cuộc chiến ba Henri – gồm Henri de Navarre, Henri III, và một lãnh tụ Công giáo cực đoan, Henri de Guise. Đến khi Henri III bị ám sát ngày 31 tháng 7 năm 1589, Navarre trở thành Vua Henri IV của Pháp, sáng lập vương triều Bourbon tại Pháp.
Nhiều người Pháp, được tổ chức thành Liên minh Công giáo, không chấp nhận một quân vương Kháng Cách, quay sang ủng hộ người chú của Henri IV, Charles Hồng y Bourbon, làm vua lấy hiệu Charles X, cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn. Sau chiến thắng quyết định tại Ivry ngày 14 tháng 3 năm 1590, và sau khi Charles qua đời cũng trong năm ấy, lực lượng của Liên minh Công giáo bị phân hóa vì thiếu người có tư cách kế vị. Mặt khác, Henri IV không thể thu phục Paris, một thành trì của Công giáo, cũng không đủ sức đánh bại phe đối nghịch được Tây Ban Nha hậu thuẫn. Đến năm 1593, Henri quyết định cải đạo – với câu nói nổi tiếng – “Paris cũng đáng cho một lễ misa”[3] – để được đăng quang tại Đại giáo đường Chartres ngày 27 tháng 2 năm 1594.[4]
Ngày 13 tháng 4 năm 1598, Henri ra Chỉ dụ Nantes, một mặt công bố Công giáo là quốc giáo, mặt khác bảo đảm quyền thực hành tôn giáo cho người Huguenot mặc dù họ vẫn chưa được hưởng quyền bình đẳng về dân sự và tín ngưỡng. Hành động này của nhà vua đã chấm dứt cuộc chiến tranh tôn giáo tại Pháp.[5] Cũng trong năm ấy, Hiệp ước Vervins kết thúc chiến tranh với Tây Ban Nha, điều chỉnh biên giới giữa hai nước, và Tây Ban Nha công nhận Henri là vua nước Pháp.
Với sự hỗ trợ hiệu quả của Maximilien I de Béthune, Công tước de Sully, một người Huguenot đảm trách chức vụ Bộ trưởng Tài chính, Henri cho giảm thuế đất, phát triển nông nghiệp, các công trình công ích, xây dựng đường sá và con kênh đào đầu tiên của nước Pháp; khởi phát những nền công nghiệp quan trọng như thêu thảm, và ưu đãi những người Kháng Cách đang sinh sống trong các lãnh địa dọc theo biên giới nước Đức. Bởi vì điều này mà nhà vua bị ám sát.
Cuộc hôn nhân với Margeurite không có con, bị hủy hôn năm 1599, rồi Henri cưới Marie de Medici, cháu họ của đại công tước Toscana. Một con trai, Louis, ra đời năm 1601. Henri VI bị ám sát ngày 14 tháng 5 năm 1610 tại Paris.[6]
Louis XIII của Pháp nối ngôi cha khi mới lên chín. Là một quân vương yếu đuối, trong thực tế thời trị vì của Louis XIII bao gồm những thời kỳ khác nhau, phụ thuộc vào khả năng cầm quyền của nhà vua. Trong thời kỳ đầu, mẫu hậu Marie de Medici, trong cương vị nhiếp chính, đẩy mạnh chính sách thân Tây Ban Nha. Để đối phó những khó khăn tài chính trong nước, Louis triệu tập Hội nghị Nhân sĩ trong năm 1614; đây là lần chót Hội nghị này được triệu tập cho đến khi cuộc Cách mạng Pháp sắp sửa bùng nổ. Năm 1615, Marie sắp xếp cuộc hôn phối cho Louis với Anne d’Autriche, con gái Vua Felipe II của Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, năm 1617 Louis âm mưu với Charles d’Albert, duc de Luynes, tìm cách thoát khỏi sự kiềm chế của mẫu hậu, ngày 26 tháng 4 nhà vua cho người ám sát cận thần của bà, Concino, và lưu đày bà đến Blois. Sau một thời gian cai trị đất nước với một chính phủ thiếu hiệu quả, năm 1627 Louis bổ nhiệm Armand Jean du Plessis, Hồng y Richelieu, làm tể tướng.
Richelieu tiến hành chính sách chống Nhà Habsburg. Trong tháng 5 năm 1625, ông sắp xếp cho em gái của Louis, Henrietta Maria, kết hôn với Vua Charles I của Anh. Chiến dịch quảng bá Công giáo tại Anh của ông là một trong những nhân tố dẫn đến cuộc Nội chiến Anh. Richelieu - đầy tham vọng cho nước Pháp, vương triều Pháp, và cho bản thân - đã xây dựng nền móng cho thể chế quân chủ chuyên chế cai trị nước Pháp cho đến khi bùng nổ cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Ông muốn thiết lập vị thế thống trị cho nước Pháp ở Âu châu, ông cũng muốn gom đất nước về một mối dưới vương quyền. Ông cho lập chức Tổng đốc (Intendant) dành cho những người không thuộc giới quý tộc, những viên chức này được nhà vua giao (hoặc truất bỏ) nhiều đặc quyền để thay thế những thống đốc thuộc giới quý tộc nhằm thực thi chính sách của nhà vua ở các tỉnh.
Richelieu hủy bỏ những thị trấn pháo đài của người Huguenot, được xây dựng với sự chuẩn thuận của Henri, mặc dù chúng cần thiết cho các chiến dịch quân sự. Ông lôi kéo nước Pháp vào Chiến tranh Ba mươi năm (1616 – 1648) chống lại Nhà Habsburg, có lúc ông ký kết với Thụy Điển (năm 1631 và 1635). Richelieu qua đời năm 1642 trước khi cuộc chiến kết thúc, ông chuẩn bị cho Hồng y Jules Mazarin làm người kế nhiệm. Một năm sau, Louis XIII băng hà ở tuổi 42. Sau 23 năm chung sống với 4 lần hư thai, cuối cùng Anne cũng sinh cho nhà vua một con trai, ra đời ngày 5 tháng 9 năm 1638, đặt tên là Louis.
Kế vị phụ vương khi mới lên bốn, Louis XIV là quân vương nhiều quyền lực nhất trong lịch sử nước Pháp.[7] Mẹ ông, Anne, là nhiếp chính vương đã chọn hồng y người Ý, Jules Mazarin, làm tể tướng. Tiếp tục chính sách của Richelieu, năm 1648 Mazarin kết thúc Chiến tranh Ba mươi năm và đập tan những thách thức của giới quý tộc nhắm vào quyền lực chuyên chế của nhà vua qua một loạt những cuộc nội chiến gọi là Fronde. Ông duy trì tình trạng chiến tranh với Tây Ban Nha cho đến năm 1659.
Hiệp ước Pyrenees ký kết năm 1659 đánh dấu sự chuyển đổi quyền lực quan trọng ở châu Âu, Pháp thay thế Tây Ban Nha để trở thành thế lực lớn trong vùng. Trong số những điều khoản của hiệp ước có việc sắp xếp một cuộc hôn nhân cho Louis với cô em họ Maria Theresa, con gái Vua Felipe IV của Tây Ban Nha. Elisabeth, vợ đầu của Philip cũng là chị của Louis XIII của Pháp, đứng ra dàn xếp vụ này. Hai người kết hôn năm 1660, đến năm 1661 có một con trai đặt tên Louis. Ngày 9 tháng 3 năm 1661, Mazarin qua đời, trái với mong đợi của mọi người, Louis XIV không bổ nhiệm một tể tướng mới mà tuyên bố tự mình cai trị đất nước.[8]
Tham vọng của Louis XIV là gây chiến với những nước lân cận nhằm tôn cao vị thế nước Pháp. Trong vòng sáu năm nhà vua cải thiện tình trạng tài chính của đất nước và xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh. Từ năm 1667 đến 1697, Pháp tiến hành ba cuộc chiến nhưng chỉ chiếm được một lãnh thổ nhỏ.
Năm 1683, Maria Theresa mất, năm sau Louis cưới Françoise d'Aubigné, marquise de Maintenon. Bà tạo lập ảnh hưởng lớn trên nhà vua, nhất là trong các vấn đề tôn giáo. Louis XIV là người Công giáo sùng đạo, ngày 18 tháng 10 năm 1685, ông thu hồi Chiếu chỉ Nantes nhằm đảo ngược chính sách khoan dung tôn giáo của Henri IV, ban hành gần 100 năm trước. Chính sách này khiến khoảng 200.000 người Huguenot rời bỏ nước Pháp, và gây tổn hại cho hình ảnh của Louis ở châu Âu, nhất là tại những quốc gia Kháng Cách,[9] cũng như làm chảy máu chất xám bởi vì nhiều người trong số họ là những người có kiến thức chuyên môn và có tay nghề cao.[9][10]
Cuộc chiến sau cùng do Louis XIV gây ra là một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với châu Âu. Năm 1700, Vua Charles II của Tây Ban Nha băng hà mà không có con. Như vậy, con trai của Louis, tức là cháu họ của nhà vua quá cố, là người kế vị gần nhất. Charles chọn cháu nội của Louis, Philip Công tước Anjou, là người nối ngôi. Các cường quốc trong vùng, nhất là Nhà Habsburg ở Áo, có quyền kế vị kế tiếp, chống lại sự bành trướng thế lực của nước Pháp.
Lúc đầu, hầu hết các cường quốc đều chấp nhận Công tước xứ Anjou là vua Felipe V của Tây Ban Nha, nhưng thái độ cao ngạo và những sai lầm ngớ ngẩn của Louis đã khiến Anh, Hà Lan cùng những nước khác liên kết với Áo thành lập một liên minh chống Pháp. Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha khởi phát năm 1701 và kéo dài suốt 12 năm. Cháu nội của Louis được công nhận là Vua Tây Ban Nha, nhưng các lãnh thổ của Nhà Habsburg ở châu Âu bị nhượng cho Áo, và nước Pháp lâm vào cảnh gần như phá sản do chi phí chiến tranh. Ngày 1 tháng 9 năm 1715, Louis XIV băng hà, kết thúc 72 năm trị vì, lâu dài nhất trong lịch sử Âu châu.
Louis XIV sống lâu hơn cả con trai lẫn cháu nội đầu. Vì vậy, một người chắt của ông, Louis XV, lên nối ngôi. Louis XV sinh ngày 15 tháng 2 năm 1710, đăng quang khi mới năm tuổi, là người thứ ba mang tên Louis nối tiếp nhau lên ngôi nước Pháp khi chưa đến 10 tuổi. Philippe d'Orléans, cháu họ của Louis XIV và là người trưởng thành có quan hệ huyết thống với nhà vua, được chọn làm nhiếp chính. Những năm nhiếp chính này của Philippe d'Orléans được xem là một trong những giai đoạn trụy lạc và suy đồi đạo đức nhất diễn ra ngay sau thời kỳ cuối của triều Louis XIV khắc nghiệt và khổ hạnh do một chuỗi những cuộc chiến đầy tốn kém và do nhà vua trở nên sùng đạo hơn khi về già.
Khi Orléans qua đời năm 1723, một người thuộc nhánh Bourbon-Condé, Công tước Bourbon, trở thành Tể tướng. Từ năm 1721, Louis đã được sắp xếp để đính ước với cưới cô em họ Mariana Victoria, con gái Vua Felipe V của Tây Ban Nha, nhưng bị Công tước cản trở; đến năm 1725 Louis kết hôn với Maria Leszczynska, con gái của Stanislas, cựu vương Ba Lan. Mục đích của Bourbon là cần có người nối ngôi càng sớm càng tốt nhằm giảm nguy cơ tranh chấp về quyền kế vị giữa Philip V với Công tước Orléans trong trường hợp nhà vua bệnh tật chết sớm. Vào thời điểm kết hôn, Maria đã là một phụ nữ trưởng thành trong khi Mariana chỉ là một cô bé bảy tuổi.
Song, điều này khiến Tây Ban Nha tức giận, thêm vào đó là sự thiếu năng lực của Bourbon khiến ông bị thay thế bởi Andre Hercule de Fleury, một giáo tập của nhà vua, trong năm 1726. Fleury là người yêu chuộng hòa bình và cố giữ nước Pháp khỏi dính líu vào chiến tranh, nhưng hoàn cảnh thời ấy đã khiến ông không thể.
Nguyên nhân đầu tiên gây ra chiến tranh là trong năm 1733 khi Augustus II, Tuyển đế hầu Saxony và Vua Ba Lan qua đời. Pháp ủng hộ Stanislas lên làm vua trong khi Nga và Áo đứng về phía Augustus III, Công tước Saxony và là con trai của Augustus II.
Stanislas không giành được ngôi vua nhưng nhận công quốc Lorraine như một sự đền bù, lãnh thổ này được nhượng lại cho Pháp sau khi ông mất. Kế đó là Chiến tranh Kế vị Áo khi Pháp ủng hộ Vua Frederick II của Phổ chống lại Maria Theresia của Áo, Nữ Đại Công tước Áo. Fleury qua đời năm 1743 trước khi cuộc chiến kết thúc.
Sau khi Fleury mất, từ năm 1745 người có nhiều ảnh hưởng nhất đối với nhà vua là tình nhân của ông, Marquise de Pompadour. Năm 1756, bà đảo ngược chính sách ngoại giao của Pháp bằng cách thiết lập liên minh với Áo chống lại Phổ trong Chiến tranh Bảy năm. Cuộc chiến là một thảm họa đối với đất nước, làm mất hầu hết lãnh thổ hải ngoại về tay nước Anh sau khi ký Hiệp ước Paris năm 1763. Con trai của Louis chết năm 1765, cháu nội của ông trở thành Thái tử. Maria, vợ ông, qua đời năm 1768. Louis XV băng hà ngày 10 tháng 5 năm 1774. Các sử gia xem Louis XV là “một trong những quân vương yếu kém nhất của Nhà Bourbon, ông không quan tâm đến chính sự mà mải mê với những thú vui như săn bắn và theo đuổi phụ nữ.”[11] Louis XV để lại một nước Pháp ngập trong nợ nần do chi tiêu cho chiến tranh và cho nếp sống xa hoa của hoàng tộc, cùng nỗi bất bình gia tăng trong dân chúng, cuối cùng dẫn đến cuộc Cách mạng Pháp năm 1789.[12]
Sau khi thân phụ, con trai của Louis XV, qua đời, năm 1765, Louis XVI trở thành thái tử nước Pháp. Năm 1770, Louis kết hôn với Maria Antonia của Áo, con gái của Maria Theresia. Dù đã can thiệp vào cuộc Cách mạng Mỹ chống lại Anh trong năm 1778, Louis lại được nhớ đến nhiều nhất bởi vị trí của ông trong cuộc Cách mạng Pháp. Đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính, ngày 5 tháng 5 năm 1789, Louis buộc phải triệu tập Hội nghị Nhân sĩ (États généraux).
Ngày 14 tháng 7 năm 1790, Hội nghị Nhân sĩ quyết định thành lập Quốc hội và buộc Louis phải chấp nhận một hiến pháp giới hạn nhiều quyền lực của nhà vua. Trong tháng 6 năm 1791, nhà vua tìm cách trốn khỏi nước Pháp nhưng bị bắt giữ. Ngày 21 tháng 9 năm 1792, chế độ quân chủ Pháp bị bãi bỏ, rồi nền cộng hòa được thành lập. Triều đại Bourbon khởi lập từ năm 1589 bị sụp đổ. Louis bị xử chém ngày 21 tháng 1 năm 1793.
Marie Antoinette và con trai, Louis, bị giam giữ. Dù được nhiều người thuộc hoàng gia Pháp tuyên bố là Louis XVII, vua nước Pháp, cậu bé chưa bao giờ trị vì. Marie Antoinette bị hành hình ngày 16 tháng 10 năm 1793. Louis chết vì bệnh lao ngày 8 tháng 6 năm 1795 trong khi bị giam cầm, lúc ấy cậu mười tuổi.[3]
Chiến tranh Cách mạng Pháp và những cuộc chiến thời Napoleon đã giúp quảng bá chủ thuyết quốc gia và khuynh hướng chống chế độ quân chủ chuyên chế khắp châu Âu, những người thuộc Nhà Bourbon cảm thấy bị đe dọa. Năm 1806, sau khi Napoleon Bonaparte phế truất Ferdinand để đưa em trai ông, Joseph Bonaparte, lên làm vua, Ferdinand phải trốn khỏi Napoli, nhưng ông vẫn tiếp tục cai trị từ Sicily cho đến năm 1815.
Năm 1800, Napoleon chiếm Parma, đem Etruria – một vương quốc mới tạo lập từ Đại công quốc Toscana – bồi thường cho Công tước Bourbon. Nhưng chỉ đến năm 1807, Napoleon đòi lại Etruria.
Kế vị phụ vương Charles III trong năm 1788, Vua Charles VI của Tây Ban Nha là đồng minh với Pháp. Lúc đầu, ngày 7 tháng 3 năm 1793, Charles tuyên chiến với Pháp, nhưng đến ngày 22 tháng 6 năm 1795, hai nước ký hòa ước, đến ngày 19 tháng 8 năm 1796 trở thành đồng minh. Tháng 3/1808, lợi dụng lúc Charles nghi ngờ con trai, Ferdinand VII, đang âm mưu lật đổ, Napoleon xâm lăng Tây Ban Nha. Ngày 19 tháng 3, một cuộc nổi dậy buộc Charles phải thoái vị nhường ngôi cho Ferdinand VII. Song, ngày 30 tháng 4 Napoleon buộc Ferdinand hoàn trả vương miện cho Charles, đến ngày 10 tháng 5 Napoleon ép Charles nhường ngôi lại cho ông. Bù lại, Napoleon cho em trai của Charles, Joseph, làm vua Napoli. Joseph lại nhường thành Napoli cho Joachim Murat, em rể của Napoleon. Diễn biến này khiến dân Tây Ban Nha phẫn nộ dẫn đến Chiến tranh Penisular, một trong những nhân tố làm sụp đổ quyền lực của Napoleon.
Ngay khi Napoleon thoái vị ngày 11 tháng 4 năm 1814, Triều đại Bourbon được phục hồi ở Pháp qua Louis XVIII, em trai của Louis XVI. Đến tháng 5 năm 1815, khi Napoleon trốn khỏi nơi lưu đày thì Louis phải đào thoát. Mãi đến ngày 7 tháng 7, sau Trận Waterloo, Louis lại được phục hồi vương quyền.
Sau thời kỳ Napoleon, châu Âu trở lại với ý thức hệ bảo thủ mặc dù những giá trị của cuộc Cách mạng Pháp không dễ gì bị quét sạch. Ngày 14 tháng 6, Louis ban hành hiến pháp nhằm xoa dịu phe cấp tiến, trong khi nhóm bảo hoàng cực đoan, dưới sự lãnh đạo của em trai ông, Charles, tiếp tục duy trì ảnh hưởng. Louis băng hà năm 1824, Charles nối ngôi trong sự thất vọng của nhóm cấp tiến, như một câu nói được cho là của Talleyrand, “họ [phe bảo hoàng] không học được điều gì mà cũng không chịu quên điều gì.”[13]
Charles thông qua một số luật nhằm lấy lòng giới thượng lưu nhưng khiến giới trung lưu tức giận. Sự căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Charles bổ nhiệm một bộ trưởng mới nhưng bị quốc hội bác bỏ. Nhà vua ban hành năm điều luật nhằm bịt miệng những người chỉ trích. Sau một cuộc chính biến, Charles phải thoái vị nhường ngôi cho Louis-Philippe, công tước Orléans, một hậu duệ của em trai Louis XIV, và là trưởng nhánh Orléans thuộc Nhà Bourbon. Ngày 7 tháng 8, Louis Philippe I đăng quang. Vương quyền Nhà Bourbon tại Pháp kết thúc ngày 24 tháng 1 năm 1848 khi bùng nổ cuộc Cách mạng 1848 buộc Louis-Philippe thoái vị mở đường cho sự ra đời của nền Đệ Nhị Cộng hòa Pháp đoản mệnh.
Một số người không chịu công nhận vương quyền Orléans. Sau khi Charles qua đời năm 1836, con trai ông được tuyên vương là Louis XIX mặc dù danh hiệu này chưa bao giờ được chính thức công nhận. Cháu trai của Charles Henri comte de Chambord, là người cuối cùng thuộc nhà Bourbon đứng lên xưng vương, một số người gọi ông là Henri V nhưng nền quân chủ nước Pháp không bao giờ được phục hồi.
Sau khi đế quốc của Napoleon III bị sụp đổ, Henri được yêu cầu trở lại ngôi vua, nhưng ông từ chối trừ khi nước Pháp chịu từ bỏ cờ tam tài và chấp nhận cờ Bourbon làm quốc kỳ. Cờ tam tài - được sử dụng trong cuộc Cách mạng Pháp và nền Đệ Nhất Cộng hòa, rồi Vương quyền tháng Bảy, nền Đệ Nhị cộng hòa, và trong cả hai nền Đế chế - do đó Quốc hội Pháp không đồng ý.
Nền Đệ Tam Cộng hòa được thiết lập như là một giải pháp tạm thời trong khi chờ đợi de Chambord qua đời để Comte de Paris, ông chấp nhận cờ tam tài, có thể kế vị. Henri chết năm 1883, nhưng đến thời điểm ấy công chúng đã bắt đầu nhìn nhận nền cộng hòa là “thể chế ít gây chia rẽ nhất”. Cái chết của Henri đồng nghĩa với sự tuyệt tự của Nhà Bourbon ở Pháp. Từ đây, vị trí đứng đầu Nhà Bourbon chuyển cho nam giới lớn tuổi nhất của triều đại Juan Công tước Montizón thuộc nhánh Tây Ban Nha, ngày nay là Louis Alphonse Công tước Anjou.
Kể từ chiếu chỉ ngày 13 tháng 8 năm 1830 do Louis Philippe I của Pháp ban hành, con của nhà vua mang danh hiệu Orléans, nghĩa là con trai cả của Louis-Philippe, là Prince Royal, sẽ có danh hiệu duc d’Orléans, những con trai còn lại vẫn giữ danh hiệu cũ, con gái và chị em nhà vua được gọi là princesses d’Orléans, điều này có nghĩa là hoàng tộc chỉ còn mang danh hiệu Orléans và cắt bỏ hàng chữ “của nước Pháp”.
Felipe V của Tây Ban Nha là người thành lập nhánh Tây Ban Nha của Nhà Bourbon. Sinh năm 1683 tại Versailles, Philip V là con thứ hai của Thái tử, con đầu của Louis XIV. Ông được phong Công tước Anjou. Vua Charles II của Tây Ban Nha, không có con kế vị, để lại di chúc nhường ngôi cho cháu trai là Công tước Anjou, là cháu trai thứ của chị cả của nhà vua, Marie-Thérèse, bà kết hôn với Louis XIV của Pháp.
Mưu tính kết hợp Pháp và Tây Ban Nha dưới quyền cai trị của Nhà Bourbon đã bị các cường quốc châu Âu ngăn cản. Sau khi Charles băng hà ngày 1 tháng 11 năm 1700, một Đại Liên minh của các quốc gia châu Âu được hình thành để chống lại Philip, dẫn đến Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha. Theo Hiệp ước Utrecht ký ngày 11 tháng 4 năm 1713, Philip được công nhận là vua Tây Ban Nha nhưng phải khước từ quyền kế vị vua Pháp và các lãnh thổ khác tại Âu châu thuộc Đế quốc Tây Ban Nha. Sicily bị nhượng cho Savoy, Hà Lan thuộc Tây Ban Nha, Milan, và Napoli về tay Nhà Habsburgs Áo.
Philip có hai con trai với người vợ đầu tiên. Sau khi vợ mất, năm 1714, ông cưới Elisabeth Farnese, cháu gái của Francesco Farnese, Công tước Parma. Elisabeth sinh cho Philip ba con trai. Vì muốn con mình cai trị ở Ý, bà xúi Philip chiếm đóng Sardinia và Sicily trong năm 1717.
Một liên minh gồm bốn nước Anh, Pháp, Áo và Hà Lan thành lập ngày 2 tháng 8 năm 1718 nhằm chặn đứng Philip. Khi ký kết Hiệp ước The Hague ngày 17 tháng 2 năm 1720, Philip phải từ bỏ Sardinia và Sicily, nhưng bảo đảm quyền kế vị Công tước Parma cho con trai trưởng của Elisabeth. Tháng 1 năm 1724, Philip thoái vị nhường ngôi cho con trai trưởng Louis I, nhưng Louis chết trong tháng 8, Philip quay lại cầm quyền.
Khi Chiến tranh Kế vị Ba Lan bùng nổ năm 1733, Philip và Elisabeth tìm thấy cơ hội giành ngôi cho các con trai của mình và phục hồi phần nào quyền sở hữu của vương quyền Tây Ban Nha trên bán đảo Ý. Philip ký Thỏa ước Thân tộc với cháu trai, Louis XV của Pháp. Từ năm 1731, Công tước Parma xâm lăng Napoli. Theo hòa ước ngày 13 tháng 11 năm 1738, quyền kiểm soát Parma và Piacenza được nhượng lại cho Áo, nhưng quốc gia này bị buộc phải công nhận Charles là vua Napoli và Sicily mặc dù Áo trước đó đã chiếm đóng các công quốc. Philip cũng lợi dụng Chiến tranh Kế vị Áo để giành thêm lãnh thổ ở Ý, nhưng ông chết năm 1746, không thể thấy tham vọng của mình được thực hiện.
Ferdinand VI, con trai thứ hai của Philip V với người vợ đầu, kế vị cha. Nhà vua yêu chuộng hòa bình này cố giữ Tây Ban Nha khỏi dính líu vào Chiến tranh Bảy năm. Ferdinand băng hà năm 1759 giữa lúc cuộc chiến đang tiếp diễn. Charles III nối ngôi. Charles là con trai đầu của Philip với Elisabeth Farnese. Sinh năm 1716, Charles trở thành Công tước Parma khi công tước cuối cùng thuộc nhà Farnese qua đời năm 1731.
Sau khi Tây Ban Nha đánh bại Áo tại mặt trận Bitonto, Charles trở thành vua Napoli và Sicily. Nhưng khi Charles nối ngôi vua Tây Ban Nha, Hiệp ước Napoli ký ngày 3 tháng 10 năm 1759 buộc Charles phải thoái vị nhường quyền cai trị Napoli và Silicy cho con trai thứ ba của mình, Ferdinand, sản sinh một nhánh của Nhà Bourbon tại Napoli.
Năm 1762, Charles tham gia Chiến tranh Bảy năm chống lại nước Anh; chính sách cải cách từng áp dụng ở Napoli tạo nên sức sống mới khi được thực thi tại Tây Ban Nha sau khi nhà vua cho rà soát và điều chỉnh triệt để bộ máy hành chính cồng kềnh của quốc gia. Là đồng minh của Pháp, Charles chống lại Anh trong cuộc Cách mạng Mỹ, cung cấp một khối lượng lớn vũ khí và đạn dược cho lực lượng cách mạng cũng như cầm chân một phần quân đội Anh ở châu Mỹ nhằm bảo vệ Florida và vùng lãnh thổ nay là Alabama, năm 1783 thuộc về Tây Ban Nha. Charles băng hà năm 1788.
Tham vọng của Elisabeth trở thành hiện thực khi kết thúc Chiến tranh Kế vị Áo năm 1784 khi Công quốc Parma và Piacenza, trước đó đã bị Tây Ban Nha chiếm đóng, được Áo nhượng lại cho con trai thứ hai của bà, Philip, sáp nhập thêm công quốc Guastalla của nhà Gonzaga. Elisabeth qua đời năm 1766.
Sau khi đế quốc Napoleon sụp đổ, Ferdinand I phục hồi vương quyền tại Hai xứ Sicily trong năm 1815. Song đến ngày tháng 7 năm 1820, dân chúng nổi dậy buộc nhà vua phải ban hành hiến pháp ngày 13 tháng 7. Tháng 3 năm 1848, Áo xâm lăng và thu hồi hiến pháp. Con trai nhà vua, Francis I, và cháu nội, Ferdinand II, lần lượt kế vị. Ngày 12 tháng 1 năm 1848 bùng nổ cuộc cách mạng, Ferdinand buộc phải ban hành hiến pháp ngày 10 tháng 1. Hiến pháp này bị thu hồi trong năm 1849. Francis II nối ngôi trong tháng 5 năm 1859.
Ngày 7 tháng 9 năm 1860, Giuseppe Garibaldi chiếm đóng Napoli, Francis bỏ chạy đến pháo đài Gaeta, tại đây nhà vua bị bắt giữ ngày 13 tháng 1 năm 1861; ngày 17 tháng 3 năm 1861, vương quốc hai Sicily bị sáp nhập vào Vương quốc Ý sau khi pháo đài Messina thất thủ ngày 12 tháng 3 năm 1861.
Sau khi Napoleon thoái vị tháng 4 năm 1814, vợ của ông, Maria Ludovica của Áo, trở thành Nữ Công tước xứ Parma. Như là một đối thủ cạnh tranh, Charles Louis, trước là vua Etruria, trở thành Công tước Lucca. Khi Maria Louisa qua đời năm 1847, Charles Louis lấy lại Parma, lấy hiệu là Charles II. Công quốc Lucca bị sáp nhập vào Toscana. Con trai, Charles III, rồi cháu nội, Robert I, kế vị Charles II. Ngày 13 tháng 3 năm 1860, người dân Parma bỏ phiếu sáp nhập với vương quốc Sardinia. Khi nước Ý thống nhất năm 1861, vương triều Bourbon ở Ý cũng chấm dứt.
Tại Tây Ban Nha, Ferdinand VII được phục hồi ngôi vua sau khi khi Napoleon thoái vị trong tháng 3 năm 1814. Giống tình cảnh của Nhà Bourbon ở Ý, dân chúng nổi dậy trong tháng 1 năm 1820, nhà vua buộc phải ban hành hiến pháp. Năm 1823, Pháp xua quân xâm lăng Tây Ban Nha, bản hiến pháp bị thu hồi. Năm 1829, Ferdinand cưới người vợ thứ tư, Maria Christian, con gái của Francis I, vua Bourbon xứ Sicily. Do không có con trai Maria Christina xúi giục nhà vua hủy bỏ Luật Salic để con gái của bà, Isabella, có thể nối ngôi; con trai của nhà vua, Don Carlos, bị thất sủng.
Ferdinand băng hà ngày 29 tháng 9 năm 1833, Isabella II, mới lên ba, kế vị. Maria Christina làm nhiếp chính. Nhận thấy cần có sự ủng hộ từ phe tự do để chống lại Don Carlos, bà cho ban hành hiến pháp năm 1834. Hiến pháp chủ trương tập quyền nên Don Carlos nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ vùng Catalonia và xứ Basques bởi vì họ muốn được tự trị. Năm 1839, Don Carlos thất trận và phải bỏ trốn. Năm 1846, Isabella kết hôn với anh họ Francisco de Asis. Năm 1868, một cuộc cách mạng do quân đội khởi xướng buộc Isabella thoái vị nhường ngôi cho con trai, Alfonso, trong năm 1870. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Tây Ban Nha trở thành một nước cộng hòa.
Khi nền Đệ Nhất cộng hòa sụp đổ, con trai của Isabella được phục hồi vương quyền lấy hiệu Alfonso XII. Don Carlon trở lại Tây Ban Nha nhưng bị đánh bại rồi phải sống lưu vong vào tháng 1 năm 1876. Alfonso ban hành hiến pháp mới có khuynh hướng cấp tiến hơn hiến pháp do bà ngoại của ông ban hành trước đó. Song nhà vua băng hà năm 1885 ở tuổi 28.
Alfonso XIII sinh ngày 17 tháng 5 năm 1886 sau khi phụ vương băng hà. Mẹ ông, Maria Christina, vợ thứ hai của Alfonso XII làm nhiếp chính. Ngày 31 tháng 5 năm 1906, Alfonso XIII kết hôn với Victoria Eugénie Julia Ena của Battenburg, cháu của nữ hoàng Anh Victoria. Ông giữ lập trường trung lập khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, nhưng ủng hộ cuộc đảo chính quân sự của Miguel Primo de Rivera diễn ra ngày 13 tháng 9 năm 1923 dẫn đến nền cộng hòa khởi lập năm 1930, ngày 14 tháng 4 năm 1931, Alfonso rời bỏ xứ sở. Dù chưa bao giờ thoái vị, ông lặng lẽ với cuộc sống lưu vong cho đến khi qua đời năm 1941.
Mặc dù bị xem như đã kết thúc ở Tây Ban Nha cũng như trên thế giới, Nhà Bourbon lại được hồi sinh. Cuộc Nội chiến Tây Ban Nha chấm dứt nền Đệ Nhị Cộng hòa, Francisco Franco thiết lập thể chế độc tài. Ngày 22 tháng 7 năm 1969, Franco chỉ định Juan Carlos de Borbón, cháu nội của Alfonso XIII, làm người kế vị. Ngày 22 tháng 11 năm 1975, hai ngày sau khi Franco qua đời, vương quyền Bourbon được phục hồi, Juan Carlos de Borbón lấy hiệu là Juan Carlos I. Nhà vua khởi xướng một tiến trình chuyển đổi sang nền dân chủ với Hiến pháp năm 1978 công nhận vương quyền.
Ngày 19 tháng 6 năm 2014, Juan Carlos I thoái vị, nhường ngôi cho Thái tử Felipe VI.