Cách mạng Tháng Mười Октябрьская революция | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Cách mạng Nga và Nội chiến Nga | |||||||
Lenin diễn thuyết kêu gọi nhân dân lao động đứng lên làm cách mạng, họa phẩm của Isaak Brodsky | |||||||
| |||||||
Tham chiến | |||||||
Đảng Bolshevik Đảng Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tả khuynh Xô viết Petrograd Hồng Vệ binh | |||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||
V. I. Lenin L. D. Trotsky P. Y. Dybenko | A. F. Kerensky |
Cách mạng Tháng Mười,[a] còn được gọi là Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại[b] trong các sử liệu Liên Xô, là một cuộc cách mạng nổ ra ở Petrograd vào ngày 25 tháng 10 năm 1917 theo Lịch Julius được dùng ở Nga lúc bấy giờ, tức ngày 7 tháng 11 theo Lịch Gregorius.
Tổ chức trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng là Ủy ban Quân sự Cách mạng Xô viết Petrograd, bao gồm cả các nhà cách mạng xã hội phái tả. Kết quả của cuộc cách mạng là các lãnh đạo chính phủ Bolshevik lên nắm quyền, thành lập Đại hội đại biểu Xô viết toàn Nga lần thứ II, đại đa số các đại biểu trong đó là những người Bolshevik (Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga) và đồng minh Đảng Cách mạng Xã hội cánh Tả, cũng được hỗ trợ bởi một số tổ chức quốc gia, một phần nhỏ những người Menshevik - những người theo chủ nghĩa quốc tế và một số người vô chính phủ.
Cuộc cách mạng thành công nhờ sự hỗ trợ của nhân dân, đường lối lãnh đạo hiệu quả của Lenin và các lãnh đạo đảng Bolshevik, sự bất lực của Chính phủ lâm thời, nhóm Menshevik và các lực lượng cánh hữu trong việc cạnh tranh với những người Bolshevik[1].
Mặc cho lời kêu gọi cướp chính quyền ngay tức khắc của Vladimir Lenin, các báo cáo hiện tại cho thấy công nhân và binh sĩ mới chỉ ủng hộ sự chuyển giao quyền lực về tay các xô-viết, chứ chưa hẳn là muốn chính biến. Điều này khiến giới lãnh đạo Bolshevik phải chuyển hướng sang việc đảm bảo cho Đại hội Xô viết II diễn ra tốt đẹp, và hy vọng là sẽ thuyết phục thành công các xô-viết chuyển giao quyền lực cho họ.
Trong khi Chính phủ dựa phần lớn sức mạnh của mình vào các thiếu sinh quân và ba trung đoàn Cossack đóng tại thủ đô, thì Đảng Bolshevik lại trông cậy vào sức mạnh của Hồng Vệ binh, thủy thủ và binh sĩ.[2]
Tầm 3 giờ đêm ngày 5 tháng 11 [lịch cũ 23 tháng 10] – rạng sáng ngày 6 tháng 11 [lịch cũ 24 tháng 10], do chưa nhận được hồi âm từ Ủy ban Quân sự Cách mạng, Kerensky và nội các chính phủ tại Cung điện Mùa Đông bèn phê duyệt lệnh bắt khẩn cấp một số thủ lĩnh của Ủy ban, đồng thời hạ lệnh cho đóng cửa hai nhà in Rabochi Put và Soldat của Đảng Bolshevik.[3] Tướng Bagratuni điện báo tới các trường quân sự ở Petrograd, các trường sĩ quan ở Peterhof và Gatchina, hạ lệnh điều động thiếu sinh quân đến Quảng trường Cung điện để nhận chỉ thị; đồng thời yêu cầu các đơn vị quân lân cận, bao gồm đoàn pháo binh ngựa kéo Pavlovsk, trung đoàn súng trường Tsarskoe Selo, và Tiểu đoàn Xung kích Phụ nữ Levashova, khẩn trương tiến vào thủ phủ.[4] Hiểu rằng nước đi này sẽ làm dậy sóng chính trường, Kerensky dự tính phân trần sự vụ ở Nghị viện ngay ngày hôm đó.[5]
Tầm 5 rưỡi sáng, một toán thiếu sinh quân của chính phủ ập vào xưởng in hai tờ báo Bolshevik trên Phố Konnogvardeiskaya, phá hoại trang thiết bị, tịch thu ấn phẩm, niêm phong cơ sở và cho người canh giữ bên ngoài.[6] Nhân viên tại đây vội vã chạy sang Viện Smolny – trụ sở của Xô viết Petrograd, Ủy ban Quân sự Cách mạng và Đảng Bolshevik – để báo cáo vụ việc.[7] Một cuộc họp khẩn bao gồm đại biểu của Xô-viết, Ủy ban Quân sự Cách mạng, Đảng Bolshevik và phái Cách mạng Xã hội chủ nghĩa cánh tả, ngay lập tức được triệu tập; họ quy kết hành động của chính phủ là phản cách mạng và loan tin về động thái tiến quân rất đáng nghi hướng về thủ phủ.[8] Bộ chỉ huy Ủy ban Quân sự Cách mạng truyền đi "Chỉ thị 1", khuyến cáo các đơn vị đề cao cảnh giác, sẵn sàng tác chiến.[9] Bất chấp mong muốn của một bộ phận Ủy ban Quân sự Cách mạng và Đảng Bolshevik, ý kiến nổi dậy ngay tức khắc để cướp chính quyền bị bác bỏ, thay vào đó chủ trương hiện thời chỉ nhằm bảo toàn Đại hội Xô viết.[10]
Tầm 10 giờ sáng, Kerensky thông cáo cho các bộ trưởng về những biện pháp đã được thi hành nhằm trấn áp Đảng Bolshevik và duyệt lại bài phát biểu trước khi trình bày tại Nghị viện.[11] Vị thủ tướng vẫn tự tin rằng mọi chuyện đang nằm trong tầm kiểm soát; trên thực tế, dân quân của thành phố đã bất tuân lệnh bắt giữ các ủy viên thân Bolshevik trong Ủy ban Quân sự Cách mạng.[11] Cùng ngày, Kerensky đốc thúc thuyên chuyển binh lính thân Chính phủ từ tiền tuyến về thủ đô, hạ lệnh khai trừ ngay lập tức các chính ủy bên trong Ủy ban Quân sự Cách mạng và cấm các doanh trại tự ý điều quân trừ khi có lệnh trực tiếp từ Quân khu Petrograd, song những biện pháp này hầu như đều bất thành.[12] Suốt sáng đến đầu giờ chiều, khá rõ ràng rằng phần lớn dân quân trong thành phố đang tuân lệnh của Xô viết Petrograd chứ không phải của Chính phủ Lâm thời.[12] Hai phe cáo buộc nhau là phản cách mạng và đều tự xưng là chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Hai.[13]
Vào buổi chiều, tin đồn lan truyền rằng, quân chi viện của Chính phủ Lâm thời, hoặc là đã đào ngũ sang Ủy ban Quân sự Cách mạng, hoặc là đã bị chặn đường tiến bởi những người ủng hộ Bolshevik cách xa thành phố.[14] Thủy thủ tuần dương hạm Rạng Đông, bấy giờ đang neo đậu ở hải cảng Pháp – Áo trên sông Neva gần Cung điện Mùa Đông, đã nổi dậy chống sĩ quan chỉ huy và nắm quyền kiểm soát con tàu trước khi nó được lệnh ra khơi.[15] Chính phủ Lâm thời hiện chỉ nắm giữ vài ngàn binh lính trung thành bên trong thành phố – hầu hết là sĩ quan, quân Cossack, thiếu sinh quân và một tiểu đoàn phụ nữ – thất thế trầm trọng khi so với đối phương.[16] Vào buổi trưa, khoảng 200 binh lính đã tập kết tại Quảng trường Cung điện, hội họp với 68 thiếu sinh quân từ Học viện Pháo binh Mikhailovsk hai tiếng sau.
Vào buổi trưa, Nghị viện Lâm thời được triệu tập bởi Nikolai Avksentiev.[17] Tại phiên họp này, Kerensky đề xuất được trao đổi đặc biệt với nghị viện.[18] Trong bài diễn văn kéo dài một tiếng đồng hồ,[17] ông tìm kiếm sự ủng hộ của toàn bộ hội trường sau khi thuật lại các sự kiện trong vài ngày qua, song rốt cuộc phải thất vọng trước sự khước từ thẳng thừng,[19] ngay cả khi phe cánh tả cấp tiến vắng mặt.[20]