Một phần của loại bài về |
Phật giáo |
---|
Cổng thông tin Phật giáo |
Nghiệp trong Phật giáo (zh. yè 業, sa. karma, pi. kamma, ja. gō), là một thuật ngữ từ tiếng Phạn mang ý nghĩa là "hành động" hoặc "việc thực hiện". Trong truyền thống Phật giáo, nghiệp chỉ đến hành động mà được dẫn dắt bởi ý định (cetanā) là cái dẫn dắt đến những kết quả trong tương lai. Những ý định được xem là nhân tố quyết định về cảnh giới tái sinh trong luân hồi (samsara).
Từ nghiệp (karma[1]) được trích xuất từ gốc của động từ kṛ, mà nó mang nghĩa là "làm, tạo, thực hiện, hoàn tất."[2]
Từ Karmaphala (Tib. rgyu 'bras[3][1][note 1]) mang nghĩa là "trái, quả",[4][5][6] là "hậu quả"[7] hoặc là "kết quả"[8] của nghiệp. Một thuật ngữ tương tự là từ karmavipaka, là "quá trình trưởng thành"[9] hay là "sự chín muồi"[10] của nghiệp:
Những hậu quả xa xôi của những sự lựa chọn có mang tính nghiệp lực được coi như là "quá trình trưởng thành" (vipāka) hoặc là "trái, quả" (phala) của các sự lựa chọn mang tính nghiệp lực đó.[5]
Một ví dụ ẩn dụ được lấy từ nông nghiệp:[6][11]
Một người khi gieo một hạt giống, thì có một khoảng thời gian phát triển chậm, là lúc mà một vài quá trình vô hình bí ẩn xảy ra, và sau đó cái cây sẽ hiện ra và nó có thể thu hoạch được.[6]
Karma được dịch ý là Nghiệp và cũng được phiên âm là Yết-ma, và đặc biệt có sự phân biệt giữa cách dùng (xem Yết-ma 羯磨). Nghiệp là nguyên nhân đưa tới Quả báo, cả hai tạo thành luật nhân quả tuần hoàn không dứt suốt cõi Luân hồi.
Nghiệp mang những ý sau:
Khái niệm nghiệp rất quan trọng trong đạo Phật, dùng chỉ quy luật chung nhất về quan hệ nhân quả. Theo đạo Phật, mỗi tác động (nghiệp) - dưới một điều kiện nhất định - sẽ tạo thành một quả (sa. phala). Một khi quả đó chín, nó sẽ rơi trở lại chúng sinh tạo ra nó. Muốn thành quả, một nghiệp phải là tốt (thiện, sa. kuśala) hay xấu (bất thiện, sa. akuśala) và là một hành động cố ý. Vì sự cố ý đó, một nghiệp để lại một dấu vết nơi tâm thức của chúng sinh tạo nghiệp và tâm thức đó sẽ hướng theo những sự tạo tác của chính mình. Thời gian để một quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu và chính nó tác động lên sự tái sinh và làm loài hữu tình, trong đó có con người, cứ lưu mãi trong Luân hồi (sa. saṃsāra).
Một nghiệp được gây ra hoặc bằng một hành động thuộc thân, thuộc tâm hay ngôn ngữ. Như thế khi chúng sinh có ý làm cái gì thì đã tạo nghiệp, không nhất thiết việc làm đó có xảy ra hay không. Chính tư tưởng đã tạo tác nghiệp. Một hành động sẽ không gây nghiệp nếu nó được thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si. Một nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong một sự tái sinh. Tạo nghiệp tốt không có nghĩa là chấm dứt tái sinh. Muốn thoát khỏi luân hồi, chúng sinh phải từ bỏ nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu. Cần phải hiểu nghiệp và nghiệp lực không đồng nghĩa với thuyết cho rằng mọi sự đều được quyết định sẵn (thuyết định mệnh).
Nghiệp tạo ra quả báo trong tương lai. Quả báo khi đủ nhân duyên sẽ làm chúng sinh tái sinh vào một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định, một điều kiện sống cụ thể, nhưng hành động của chúng sinh trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do và dựa theo nhận thức của chúng sinh đó. Hành động do chúng sinh lựa chọn thực hiện sẽ tạo ra nghiệp mới và quả báo mới. Phật dạy: "Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch... Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được."