Giáo phận Ban Mê Thuột Dioecesis Banmethuotensis | |
---|---|
Vị trí | |
Địa giới | Đắk Lắk, Đắk Nông và một phần Bình Phước |
Giáo tỉnh | Giáo tỉnh Huế |
Thống kê | |
Dân số - Địa bàn - Giáo dân | 2.955.911 (2017) 481.000 (2024)[1] |
Giáo hạt | 8 (2024)[1] |
Giáo xứ | 118 (2024)[1] |
Thông tin | |
Thành lập | 22 tháng 6 năm 1967 |
Nhà thờ chính tòa | Thánh Tâm Chúa Giêsu |
Toà giám mục | 104 Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. |
Linh mục đoàn | 281 (2024)[1] |
Lãnh đạo hiện tại | |
Giáo hoàng | Giáo hoàng Phanxicô |
Trưởng giáo tỉnh | Giuse Nguyễn Chí Linh |
Giám mục | Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc |
Tổng Đại diện | Stêphanô Nguyễn Văn Đậu |
Chưởng ấn | Giuse Nguyễn Quang Diệu |
Trang mạng | |
http://gpbanmethuot.com/ https://gpbanmethuot.net/ |
Giáo phận Ban Mê Thuột (tiếng Latin: Dioecesis Banmethuotensis[2]) là một giáo phận Công giáo Rôma tại Việt Nam. Địa giới bao gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và một phần tỉnh Bình Phước[3] với diện tích 24.474 km², là địa bàn sinh sống chủ yếu của các sắc tộc bản địa Tây Nguyên: Êđê, M’Nông và S’Tiêng.
Tính đến cuối năm 2017, toàn giáo phận có 440.942 giáo dân Công giáo trên tổng số 2.955.911 dân cư chiếm 14,91% dân số, với 8 giáo hạt, 106 giáo xứ và 73 giáo họ với 185 linh mục (trong đó 134 linh mục thuộc Giáo phận và 51 linh mục thuộc các dòng tu).[4] Số liệu năm 2024 cho thấy Giáo phận phân chia thành 8 giáo hạt, 118 giáo xứ, 77 giáo họ độc lập và 281 linh mục, hơn 1.000 tu sĩ cùng con số giáo dân khoảng 481.000.[1]
Giáo phận hiện tại được cai quản bởi giám mục chính tòa Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc (từ năm 2024).
Đầu năm 1842, Giám mục Tông tòa Đàng Trong Stêphanô Théodore Cuénot Thể đã cử 2 linh mục J.C. Miche Mịch, Duclos Lộ cùng thầy giảng Micae Cuông tới vùng Tây Nguyên để khai cuộc truyền giáo. Tuy nhiên, chuyến đi đầu tiên này không thành công, vì vậy liên tiếp trong những năm 1842 - 1846, Giám mục Cuénot Thể liên tiếp sai linh mục, thầy giảng và giáo dân tìm đường lên Tây Nguyên qua ngả Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhưng việc đều không thành.
Năm 1847, Linh mục Fontaine, thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), đã tìm được đường thâm nhập. Ông sống và truyền giáo cho người dân M’nông bản địa gần buôn Yeng Drôm, giữa Bản Đôn và Đăk Mil một thời gian. Ông được xem là nhà truyền giáo đầu tiên trên vùng Đắk Lắk, mở đường cho công cuộc truyền giáo rầm rộ sau này trên vùng Tây Nguyên.
Ngày 14 tháng 1 năm 1932, Giáo hoàng Piô XI quyết định thành lập Giáo phận Kon Tum gồm ba tỉnh Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk và một phần lãnh thổ Attâpư thuộc Lào, sắc phong Linh mục M. Jannin Phước làm Giám mục hiệu tòa Gadara và bổ nhiệm ông làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Kon Tum. Ngày 29 tháng 1 năm 1934, tân Giám mục Jannin Phước đến Buôn Ma Thuột. Ông cho thành lập họ đạo Ban Mê Thuột với số giáo dân khoảng 50 người, thuộc Giáo xứ Plei Pơo (La Sơn, Pleiku), giao cho linh mục Ban làm quản xứ. Ngày 15 tháng 8 năm 1934, một nhà nguyện nhỏ đầu tiên mái tranh vách đất được dựng ở Họ đạo Buôn Ma Thuột. Họ đạo do thầy giảng Phaolô Hiền, từ Họ đạo Mang Yang chuyển qua, phụ trách quản sự.
Ngày 30 tháng 3 năm 1937, giáo họ Buôn Ma Thuột được nâng lên hàng giáo xứ, trở thành giáo xứ đầu tiên tại Đắk Lắk, do linh mục Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn cai quản. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, do không hợp thủy thổ, linh mục Cẩn mắc bệnh sốt rét và thương hàn, phải về Tòa Giám mục để chữa bệnh. Hai linh mục Pierre Janningros và Pierre Romeuf Phương (giáo phận Quy Nhơn) được cử lên để tạm coi sóc giáo xứ. Mãi đến 26 tháng 7 năm 1942, Tòa Giám mục Kon Tum mới bổ nhiệm Linh mục Romeuf Phương làm tân Chính xứ Buôn Ma Thuột.
Từ năm 1955, nhiều giáo xứ trên địa bàn Đắk Lắk, Quảng Đức, Phước Long được hình thành, nhất là cuộc di cư từ Bắc vào đây làm số giáo dân ngày càng thêm đông. Tháng 9 năm 1956, linh mục Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn được bổ nhiệm làm quản xứ Buôn Ma Thuột. Ông đã vận động các giáo dân xây dựng nhà thờ Buôn Ma Thuột, mà ngày nay là Nhà thờ chính tòa Ban Mê Thuột. Nhà thờ được xây dựng trong một năm và được khánh thành vào tháng 4 năm 1959.
Ngày 22 tháng 6 năm 1967, Giáo hoàng Phaolô VI ra Sắc chỉ Qui Dei Benignitate thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột gồm 3 tỉnh Đắk Lắk, Quảng Đức và Phước Long (là những địa phần từng thuộc các giáo phận Đà Lạt và Kon Tum); đồng thời bổ nhiệm linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Giám mục tiên khởi giáo phận. Khi thành lập, giáo phận có 55 linh mục, 33 giáo xứ với 56.719 giáo dân, trải rộng trên diện tích 21.723 km² với dân số 290.800 người, gồm: người Kinh, Thượng, Mường, Nùng, Thái. Bấy giờ, Tòa Giám mục đặt tại thị xã Ban Mê Thuột. Ngày nay tên gọi chính thức của thành phố này là Buôn Ma Thuột nhưng giáo phận vẫn giữ tên gọi là Ban Mê Thuột.
Kể từ khi thiết lập, Giáo phận đã được quản lý bởi năm giám mục và giám quản bởi một giám mục không từng là giám mục chính toa, cụ thể: Giám mục Tiên khởi Nguyễn Huy Mai (1967–1990); Giám mục Trịnh Chính Trực (giám mục phó: 1981, kế nhiệm: 1990–2000), Giám mục Nguyễn Tích Đức (giám mục phó: 1997, kế nhiệm 2000–2006), Giám mục Giám quản Nguyễn Văn Hoà (2006–2009), Giám mục Nguyễn Văn Bản (giám mục: 2009–2022; Giám quản: 2022–2024) và Giám mục Nguyễn Huy Bắc (từ năm 2024). Địa giới giáo phận: phía bắc giáp giáo phận Kon Tum, phía tây nam giáp giáo phận Phú Cường, phía nam giáp giáo phận Xuân Lộc và giáo phận Đà Lạt, phía đông giáp giáo phận Nha Trang, phía tây giáp Hạt Phủ doãn Tông tòa Kampong Cham (Campuchia).
Giáo phận Ban Mê Thuột chọn bổn mạng là Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Lễ Bổn mạng được tổ chức vào ngày 22 tháng 6 hàng năm tại Nhà thờ chính tòa Ban Mê Thuột (Giáo xứ Thánh Tâm), đây cũng là kỷ niệm ngày thành lập Giáo phận (22 tháng 6 năm 1967). Nếu ngày 22 tháng 6 trùng vào thứ Bảy, Chúa nhật hoặc thứ Hai, thì sẽ chuyển qua một ngày khác trong tuần để các giáo dân đều có thể dễ dàng tham dự.
Địa chỉ: 104 Phan Chu Trinh, thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Nguyên thủy nơi đây là Nhà dòng do các nữ tu dòng Biển Đức xây dựng. Về sau, Nữ Đan viện Biển Đức dời về Thủ Đức, Sài Gòn vào năm 1966 để lập cơ sở mới tại đó. Cơ sở Nhà dòng đã được giám mục Kon Tum cho mua lại để các linh mục trong hạt Ban Mê Thuột làm nơi hội họp hàng tháng, như một sở quản lý và làm chỗ nghỉ vãng lai. Một nửa cơ sở này dành cho Dòng Mến Thánh Giá di chuyển từ Kon Tum xuống ở tạm trong khi chờ đợi xây cất Nhà dòng. Do đó, nơi này còn gọi là Nhà chung Ban Mê Thuột.
Sau khi giáo phận Ban Mê Thuột được thành lập, ngôi nhà này được chuyển thành Tòa Giám mục Ban Mê Thuột.[5]
Đức Mẹ Giang Sơn
Đức mẹ Thác Mơ
Đồi Thánh Tâm xã Đoài
Đồi Ki-tô Vua (Gx.Châu Sơn)
Đức mẹ Lộ Đức (Gx.Thánh Linh)
Hạt Chính Tòa: 10 giáo xứ, 10 họ đạo biệt lập (TP. Buôn Ma Thuột, Ea Kar, Krông Păk)
Hạt Mẫu Tâm: 13 giáo xứ, 7 họ đạo biệt lập (TP. Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, Krông Ana)
Hạt Phước Long: 19 giáo xứ, 12 họ đạo biệt lập (TX. Phước Long, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phú Riềng)
Hạt Đắk Mil: 15 giáo xứ, 4 họ đạo biệt lập (Cư Jút, Đăk Mil, Krông Nô)
Hạt Buôn Hồ: 16 giáo xứ, 4 họ đạo biệt lập (TX. Buôn Hồ, Cư Mgar, Ea Hleo, Krông Buk, Krông Năng)
Hạt Giang Sơn: 10 giáo xứ, 7 họ đạo biệt lập (Cư Kuin)
Hạt Gia Nghĩa: 18 giáo xứ, 13 họ đạo biệt lập (TP. Gia Nghĩa, Đăk Glong, Đăk R'Lấp, Đăk Song, Tuy Đức)
Hạt Đồng Xoài: 18 giáo xứ, 6 họ đạo biệt lập (TP. Đồng Xoài, Bù Đăng, Đồng Phú, Phú Riềng)
Lãnh đạo giáo phận:
Các cơ quan trực thuộc:
STT | Tên | Thời gian quản nhiệm | Ghi chú |
---|---|---|---|
1 † | Phêrô Nguyễn Huy Mai | 1967–1990 | |
2 † | Giuse Trịnh Chính Trực | 1981–1990 1990–2000 |
|
3 † | Giuse Nguyễn Tích Đức | 1997–2000 2000–2006 |
|
4 † | Phaolô Nguyễn Văn Hòa | 2006–2009 | Giám quản Tông Tòa |
5 | Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản | 2009–2022 2022–2024 |
Giám mục chính tòa Giám quản Tông Tòa |
6 | Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc | 2024–nay | Giám mục chính tòa |