Lockheed P-3 Orion là một máy bay bốn động cơ cánh quạt chống ngầm và giám sát lãnh hải phát triển bởi Hải Quân Hoa Kỳ và được giới thiệu vào những năm 1960. Lockheed dựa trên khung của chiếc máy bay thương mai Lockheed L-188 Electra để phát triển nên Orion. Orion có thể được phân biệt một cách dễ dàng khỏi một chiếc Electra nhờ có chiếc đuôi giống như một mũi kim rất đặc thù có tên gọi "MAD Boom", được dùng để tìm dấu hiệu từ tính của tàu ngầm.
Qua nhiều năm, chiếc máy bay đã có rất nhiều điểm mới trong thiết kế, đáng chú ý nhất là các gói nâng cấp hệ thống điện tử. Chiếc P-3 Orion vẫn còn đang được dùng bởi khá nhiều lực lượng Hải Quân và Không Quân của các nước trên thế giới, chủ yếu có nhiệm vụ tuần tra lãnh hải, trinh sát, mặt trận chống hạm và chống ngầm. Có tổng cộng 734 chiếc P-3 đã được sản xuất và trong năm 2012, nó gia nhập đội ngũ máy bay quân sự bao gồm máy bay ném bom chiến lược Boeing B-52 Stratofortress, máy bay chở dầu và tiếp nhiên liệu trên không Boeing KC-135 Stratotanker và máy bay vận tải C-130 Hercules trong danh sách các máy bay đã phục vụ Quân đội Hoa Kỳ trong liên tiếp 50 năm. Các máy bay P-3 còn lại của Hải Quân Hoa Kỳ sẽ được sửa chữa và nâng cấp lên biến thể mới là P-8A Poseidon.
Tháng 8 năm 1957, Hải Quân Hoa Kỳ đề nghị các máy bay chống ngầm cũ sử dụng động cơ piston là Lockheed P2V Neptune (sau đổi tên P-2) và Martin P5M Marlin (sau đổi tên P-5) được thay thế với một máy bay tiên tiến để tiến hành các cuộc tuần tra trên biển và mặt trận chống ngầm. Chuyển hóa từ một chiếc máy bay đã có sẵn được dự đoán sẽ tiết kiệm chi phí và cho phép chiếc máy bay mới được nhập ngũ một cách nhanh chóng. Lockheed đề nghị một phiên bản quân đội của chiếc máy bay L-188 Electra, mặc dù chính chiếc máy bay vẫn còn đang được phát triển và chưa được bay thử bao giờ. Tháng 4 năm 1958, Lockheed chiến thắng trong cuộc thi đấu và giành được một hợp đồng nghiên cứu và phát triển đầu tiên vào tháng 5.
Nguyên mẫu YP3V-1/YP-3A, mã số 148276 được cải tiến từ khung chiếc máy bay Electra thứ ba, mã 1003. Chuyến bay đầu tiên của nguyên mẫu khí động học, ban đầu có mã là YP3V-1, được thực hiện vào ngày 19 tháng 8 năm 1958. Trong khi dựa trên nguyên lý của chiếc Lockheed L-188 Electra, chiếc máy bay mới này có cấu trúc khá khác biệt so với vật mẫu của nó. Chiếc máy bay có phần đầu ngắn hơn 7 feet (2.1 m) ở phía trước hai cánh với một khoang chứa bom, phần mũi có mái che radar nhọn hơn, chiếc đuôi "mũi kim" đặc biệt có chức năng phát hiện tàu ngầm qua Thiết bị Dò từ tính Dị thường, ở cánh có giá treo vũ khí và các cải tiến kỹ thuật ở cả bên trong và bên ngoài khung máy bay. Orion có bốn động cơ cánh quạt Allison T56, cho phép chiếc máy bay có vận tốc tối đa 411 hải lý (761 km/h; 473 mph), giúp nó có thể được so sánh với các tiêm kích cánh quạt nhanh nhất, hay thậm chí là các máy bay động cơ phản lực như là máy bay ném bom Fairchild Republic A-10 Thunderbolt II hay Lockheed S-3 Viking. Các máy bay tuần tra tương tự bao gồm chiếc Ilyushin II-38 của Xô Viết hay chiếc Breguet Atlantique của Pháp, trong khi người Anh biến thể máy bay phản lực de Havilland Comet thành Hawker Siddeley Nimrod.
Phiên bản sản xuất đầu tiên, số hiệu P3V-1, cất cánh vào ngày 15 tháng 4 năm 1961. Phi đội đầu tiên được chuyển đến Phi đoàn Tuần tra Số 8 (Patrol Squadron Eight - VP-8) và Phi đoàn Tuần tra Số 44 (Patrol Squadron Forty Four - VP-44) tại Sân bay Hải Quân Patuxent River, bang Maryland bắt đầu vào tháng 8 năm 1962. Ngày 18 tháng 11 năm 1962, Quân đội Hoa Kỳ cải tiến một hệ thống số hiệu thống nhất cho tất cả quân chủng, với chiếc máy bay được đổi tên thành P-3 Orion. Màu sơn được thay đổi từ những năm 1960 thành màu xanh trắng bóng, đến giữa 1960 thành trắng xám bóng, giữa 1990 có lớp sơn hoàn thiện màu xám tầm nhìn thấp với ký hiệu trên máy bay ít và nhỏ hơn. Đầu những năm 2000, màu sơn chuyển thành màu xám bóng với các ký hiệu màu có kích thước nguyên bản trên thân máy bay. Số hiệu máy bay được in cỡ lớn trên cánh đuôi những số hiệu phi đội trên thân máy bay vẫn bị bỏ qua.
Năm 1963, Cục Vũ khí Hải Quân (U.S. Navy Bureau of Weapons - BuWeps) ký một hợp đồng với Nhánh Hệ thống Quốc phòng Univac của công ty Sperry-Rand để thiết kế, chế tạo và thử nghiệm một chiếc máy tính để điều khiển đồng thời hàng loạt các cảm biến và các màn hình hiển thị mới được phát triển của chiếc P-3 Orion. Dự án A-NEW có mục tiêu thiết kế và, sau hàng loạt cuộc thử nghiệm, chế tạo thành công một nguyên mẫu có tên Hệ thống Máy tính CP-823/U, Univac 1830, mã A-1, A-NEW MOD3. Chiếc máy tính CP-823/U được giao cho Trung tâm Phát triển Không Quân Hải Quân (Naval Air Development Center - NADC) tại Johnsville, bang Pennsylvania năm 1965, dẫn trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của các thế hệ máy tính sau này được trang bị trên phiên bản P-3C Orion.
Ba chiếc máy bay Electra mất tích trong hàng loạt các vụ tai nạn thảm khốc từ giữa tháng 2 năm 1959 đến tháng 3 năm 1960. Sau vụ tai nạn hàng không thứ ba, Cơ quan Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (Federal Aviation Administration - FAA) hạn chế tốc độ bay tối đa của Electra cho đến khi nguyên nhân dẫn đến tai nạn được làm rõ. Sau một cuộc điều tra diện rộng, hai trong số ba vụ tai nạn (từ tháng 11 năm 1959 đến tháng 3 năm 1960) được tìm thấy là do cơ gắn kết quá yếu, không thể chịu được luồn khí xoáy có thể ảnh hưởng đến các động cơ phía ngoài, các rung động mạnh tăng lên cho đến khi các cánh bị xé ra khỏi thân máy bay. Công ty ứng dụng một dự án sửa đổi đắt đỏ, đặt tên là Chương trình Thành tựu Lockheed Electra (Lockheed Electra Achievement Program - LEAP) bao gồm các cơ gắn kết và cấu trúc cánh hỗ trợ cho các cơ được gia cố, với một số chỗ trên cánh được thay thế bằng những vật liệu dày hơn. Tất cả những chiếc Electra còn sống sót trong số 145 chiếc được thi công được sửa đổi bằng chính kinh phí do Lockheed bỏ ra tại nhà máy, mỗi chiếc mất 20 ngày để sửa chữa và thay thế. Những thay đổi này sau đó được kết hợp vào những chiếc Electra được xây dựng sau này.
Những chuyển nhượng cho những chiếc Electra sau đó bị hạn chế vì lý do những sửa chữa không hoàn toàn xóa bỏ được danh tiếng bị "phá hoại", máy bay cánh quạt cũng nhanh chóng bị thay thế bởi những chiếc máy bay phản lực nhanh hơn. Trong vai trò quân đội khi mà việc tiết kiệm nhiên liệu quan trọng hơn tốc độ, chiếc Orion đã phục vụ hơn 50 năm sau khi được trình diễn vào năm 1962. Cho dù bị qua mặt bởi sự bền bỉ của chiếc Lockheed C-130 Hercules, 734 chiếc P-3 đã được sản xuất vào những năm 1990. Lockheed Martin mở một dây chuyền sản xuất cánh máy bay P-3 mới vào năm 2008 như là một phần của Chương trình Kéo dài Tuổi thọ (Service Life Extension Program - ASLEP) cho lúc giao hàng vào năm 2010. Một dự án ASLEP hoàn chỉnh thay thế các cánh ngoài, phần dưới của cánh trung tâm và cánh đuôi được nâng cấp bằng các phần mới hơn.
Năm 1990, trong một cuộc tìm kiếm một chiếc máy bay mới sẽ là người nối đuôi của P-3, phiên bản mới là P-7 được chọn trong một cuộc tỉ thí với một phiên bản Hải Quân-hóa của chiếc máy bay hai động cơ phản lực Boeing 757, nhưng chương trình này sau đó bị hủy bỏ. Trong một chương trình thứ hai để tìm ra một chiếc máy bay nối đuôi P-3, chiếc Orion 21 tiên tiến của Lockheed Martin, một chiếc máy bay khác mang theo thiết kế của P-3, thua thiết kế Boeing P-8 Poseidon, một phiên bản của Boeing 737, tham gia biên chế năm 2013.
Đặc điểm tổng quát
Hiệu suất bay
Trang bị vũ khí
Hệ thống điện tử