"Như có Bác trong ngày đại thắng" | |
---|---|
Bài hát | |
Thể loại | Nhạc đỏ |
Viết lời | Phạm Tuyên |
Thông tin bài hát ở Việt Nam | |
Năm sáng tác | 1975 |
Nhạc sĩ | Phạm Tuyên |
Như có Bác trong ngày đại thắng là một ca khúc rất nổi tiếng ở Việt Nam được sáng tác bởi nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Tên gọi chính xác của bài hát được nhạc sĩ đặt là Như có Bác trong ngày đại thắng. Tuy vậy tác phẩm vẫn thường được mọi người quen gọi là Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng mặc dù đây chỉ là câu hát mở đầu của bài.
Đầu tháng 4 năm 1975, Phạm Tuyên được Trần Lâm (Tổng Giám đốc của Đài Tiếng nói Việt Nam) giao nhiệm vụ sáng tác một tác phẩm lớn để mừng ngày chiến thắng 30/4 sắp đến. Ông đã chuẩn bị và phác thảo 1 bản hợp xướng 4 chương gồm: Miền Bắc lũy thép, Miền Nam thành đồng, Tiến công và nổi dậy và Toàn thắng. Nhưng cuối cùng tác giả lại ngừng việc hoàn thành bản hợp xướng trên vì ông cho rằng: "Dựng lên như vậy nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó gờn gợn trong lòng. Hơn nữa, nếu đất nước giải phóng, người dân sẽ đổ ra đường chứ chẳng ai ở nhà mà nghe hợp xướng cả".[1]
Đêm ngày 28 tháng 4 năm 1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 21h30 – 23h, ông đã viết xong bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng. Tuy nhiên bài hát chỉ được hội đồng duyệt nhạc của đài thông qua và đưa vào kế hoạch dàn dựng, thu thanh phục vụ kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 do có ý kiến cho rằng bài hát đơn giản và ngắn quá, có lạc quan hơi sớm, lạc quan tếu.[2]
Sáng ngày 30 tháng 4, nhạc sĩ Phạm Tuyên được ban biên tập đài triệu tập và bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng đã được chọn để phát vào chương trình thời sự đặc biệt lúc 17h khi Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng miền Nam trước toàn thế giới.
Nói về bài hát của mình, tác giả đã tâm sự: "Lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu mình mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi viết thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó".[3]
Trong một lần, khi được một người đồng nghiệp Nhật Bản hỏi: "Ông sáng tác ca khúc trong thời gian bao lâu?", nhạc sĩ Phạm Tuyên trả lời: "Chỉ có 2 giờ. Nói đúng hơn là chỉ có 2 giờ cho cả cuộc đời".[4]
Với giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích, cả nhan đề và lời đúng 60 từ, chính vì vậy bài hát được phổ biến một cách rộng rãi ở Việt Nam, được rất nhiều người dân biết đến và hát trong những ngày lễ, kỉ niệm lớn hay trong những dịp đội tuyển bóng đá Việt Nam giành chiến thắng.
Bài hát cũng đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam để lan tỏa ở nhiều nước như Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc... Đặc biệt từ năm 1979, Hội Âm nhạc lao động Nhật Bản đã dịch bài hát ra tiếng Nhật và in phổ biến xuống tận 49 tỉnh thành, tờ Lettre du CAEF của Pháp cũng đã in nguyên bản tác phẩm.[5]
Với việc sáng tác ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động để ghi nhận những công lao đóng góp của ông. Trong tấm bằng huân chương do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký cũng có ghi: "Thưởng nhạc sĩ Phạm Tuyên – Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Ủy ban Phát thanh – Truyền hình Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong việc sáng tác bài hát Như có Bác trong ngày Đại thắng – góp phần cổ vũ kịp thời cho ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc".[6] Kỷ niệm 1 năm kết thúc chiến tranh, Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lấy tên bài hát để đặt tên cho một bài viết của ông trên báo Nhân dân, nêu bật ý nghĩa của chiến thắng vĩ đại ấy.[6]
“ | Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông. Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công. Việt Nam - Hồ Chí Minh. Việt Nam - Hồ Chí Minh. Việt Nam - Hồ Chí Minh. Việt Nam - Hồ Chí Minh. |
” |