Tái Đào 載濤 | |||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Bối lặc nhà Thanh | |||||||||||||
Ảnh chụp Tái Đào | |||||||||||||
Ủy viên Ban chấp hành Hội nghị Hiệp thương Chính trị | |||||||||||||
Tại vị | Tháng 12 năm 1954 - Tháng 1 năm 1965 | ||||||||||||
Thông tin chung | |||||||||||||
Sinh | 23 tháng 6, 1887 | ||||||||||||
Mất | 2 tháng 9, 1970 | (83 tuổi)||||||||||||
| |||||||||||||
Hoàng tộc | Ái Tân Giác La | ||||||||||||
Thân phụ | Thuần Hiền Thân vương Dịch Hoàn | ||||||||||||
Thân mẫu | Trắc Phúc tấn Lưu Giai thị |
Tái Đào (chữ Hán: 載濤; 23 tháng 6 năm 1887 – 2 tháng 9 năm 1970), tự Thúc Nguyên (叔源), hiệu Dã Vân (野云), Ái Tân Giác La, người Mãn Châu Chính Hồng kỳ, là một Tông thất có tầm ảnh hưởng vào cuối thời nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Ông còn được biết đến là 1 trong "Nhị vương Tam Bối lặc" [Chú 1].
Tái Đào sinh vào Dần, ngày 3 tháng 5 (âm lịch) năm Quang Tự thứ 13 (1887) trong gia tộc Ái Tân Giác La. Ông là cháu nội của Đạo Quang Đế, con trai thứ bảy của Thuần Hiền Thân vương Dịch Hoàn. Mẹ ông là Trắc Phúc tấn Lưu Giai thị.
Năm Quang Tự thứ 16 (1890), Tái Đào được phong làm Nhị đẳng Trấn quốc Tướng quân.[1] Không lâu sau tấn phong Bất nhập Bát phân Phụ quốc công.[2] Năm thứ 23 (1897), ông phụng chỉ quá kế thừa tự Bối tử (hàm Bối lặc) Dịch Mô (奕谟) – con trai của Huệ Đoan Thân vương Miên Du. Năm thứ 27 (1901), được phép hành tẩu tại Càn Thanh môn.[3] Năm thứ 28 (1902), ông lại phụng chỉ quá kế trở thành thừa tự của Chung Đoan Quận vương Dịch Hỗ – em trai của Hàm Phong Đế, thừa tập tước vị Bối lặc.[4] Năm thứ 34 (1908), ông lần lượt nhậm chức Tổng ti Kê sát[5] và Chuyên ti Huấn luyện Cấm Vệ quân Đại thần.[6] Cùng năm, ông được ban hàm Quận vương.
Năm Tuyên Thống nguyên niên (1909), ông quản lý các công việc của Quân Ti xứ (Văn phòng Cố vấn Quân sự).[7] Năm thứ 2 (1910), ông dùng thân phận Khảo sát Lục quân Đại thần đã đến Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Áo và Nga để khảo sát quân đội.[8] Tháng 5 cùng năm, ông được cử sang Anh với tư cách Đặc sứ Đại thần (tương đương Bộ trưởng Bộ ngoại giao).[9] Năm thứ 3 (1911), ông nhậm Quân ti Đại thần, phụ trách quản lý Cấm Vệ quân, sau nhậm Đô thống Mông Cổ Tương Hoàng kỳ. Tháng 1 năm 1912, cùng với Tái Tuần tổ chức Tông Xã đảng, bị giải thể vào tháng 3 cùng năm.
Năm 1917, sau chính biến khôi phục nhà Thanh diễn ra ở Bắc Kinh, ông giữ chức Chỉ huy Cấm Vệ quân. Năm 1931, Chính phủ Quốc Dân đã mời ông làm thành viên của Hội nghị Quốc nạn. Sau khi quân Nhật đánh chiếm Trung Quốc, ông từ chối đến Ngụy Mãn Châu quốc nhậm chức. Ông là đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và là thành viên của Ủy ban toàn quốc của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc.
Tái Đào du học ở Pháp và đã học tại trường Cavalry chuyên về tác chiến kỵ binh. Sau năm 1949, ông được Mao Trạch Đông mời làm Cố vấn về Ngựa của Bộ Tư lệnh Pháo binh Quân Giải phóng Nhân dân. Sau đó, ông còn đảm nhiệm Cố vấn Cục Dân chính của Tổng cục hậu cần. Trong Chiến tranh Triều Tiên, ông đã đến Nội Mông để chọn ngựa cho Quân tình nguyện Nhân dân Trung Quốc.
Tái Đào còn là một diễn viên nghiệp dư của kinh kịch, có võ nghệ vững vàng, có khả năng đánh xa và đánh ngắn. Ông còn giỏi xiếc khỉ. Ông và Dương Tiểu Lâu đều được Trương Kỳ Lâm đích thân truyền dạy; Lý Vạn Xuân đã học hí khúc của Tái Đào trong ba năm.
Năm 1970, Tái Đào qua đời tại Bắc Kinh trong cuộc Cách mạng Văn hóa ở tuổi 83.