Vĩnh Lân 永璘 | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Hoàng tử nhà Thanh | |||||||||
Thông tin chung | |||||||||
Sinh | 17 tháng 6, 1766 | ||||||||
Mất | 25 tháng 4, 1820 | (53 tuổi)||||||||
An táng | Xương Bình, Bắc Kinh | ||||||||
Phối ngẫu | Nữu Hỗ Lộc thị Võ Giai thị | ||||||||
Hậu duệ | Xem văn bản | ||||||||
| |||||||||
Thân phụ | Thanh Cao Tông | ||||||||
Thân mẫu | Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu |
Vĩnh Lân (chữ Hán: 永璘; tiếng Mãn: ᠶᠣᠩ ᠯᡳᠨ, Möllendorff: Yong Lin; 17 tháng 6, năm 1766 - 25 tháng 4, năm 1820), Ái Tân Giác La, là Hoàng tử thứ 17 và cũng là Hoàng tử nhỏ nhất của Thanh Cao Tông Càn Long Đế.
Hoàng tử Vĩnh Lân sinh vào giờ Tý, ngày 11 tháng 5 (âm lịch) năm Càn Long thứ 31 (1766), là em ruột của Cố Luân Hòa Tĩnh Công chúa, Hoàng thập tứ tử Vĩnh Lộ (永璐), Hòa Thạc Hòa Khác Công chúa, Thanh Nhân Tông Gia Khánh Hoàng đế và Hoàng thập lục tử. Sinh mẫu của ông là Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu Ngụy Giai thị, vào thời điểm Vĩnh Lân sinh ra thì bà vừa được phong Hoàng quý phi. Sau khi sinh mẫu Ngụy Giai thị qua đời, Vĩnh Lân được Dĩnh Quý phi Ba Lâm thị nuôi dưỡng. Khi ấy Vĩnh Lân chỉ vừa 10 tuổi.
Án theo Khiếu đình tạp lục của Chiêu Liên ghi lại, ngay từ nhỏ Vĩnh Lân đã không thích đọc sách, chỉ thích âm nhạc và du hí, điều này khiến cho Càn Long Đế cực kỳ ghét bỏ ông, thậm chí bị nhận xét là 「Thuần Hoàng đế thâm ác chi; 纯皇帝深恶之」[1]. Đến khi anh cả của ông là Gia Khánh Đế tức vị, Vĩnh Lân bị đánh giá là ["Tư chất bình thường"], nên cũng không cho quản bất cứ việc gì, chỉ an nhàn hưởng lộc mà sống[2]. Năm Càn Long thứ 54 (1789), tháng 12, Vĩnh Lân cùng thụ phong với hai người anh là Hoàng thập nhất tử Vĩnh Tinh, Hoàng thập ngũ tử Vĩnh Diễm, chỉ được phong [Đa La Bối lặc; 多羅貝勒].
Năm Gia Khánh thứ 4 (1799), tháng giêng, Gia Khánh Đế phong cho ông làm Huệ Quận vương (惠郡王), nhưng 1 ngày sau thì đổi thành [Khánh; 慶]. Phong hiệu ["Khánh"], có Mãn văn là 「fengšen」, ý là "Phúc phận", "Phúc lộc"; mà chữ ["Huệ"] có Mãn văn là 「fulehun」, ý là "Ân huệ", "Ân điển", xét về mặt nghĩa Mãn thì hai chữ này tương đương nhau. Cùng năm đó vào tháng 3, Hòa Thân - đại thần tham ô nức tiếng triều đại nhà Thanh bị Gia Khánh Đế tru di. Khánh Quận vương Vĩnh Lân do đó cầu xin Gia Khánh Đế đặc biệt ban cho ông nhà của Hoà Thân - chính là Cung vương phủ sau này, được chấp nhận. Sau khi khai phủ, Nội vụ phủ án theo lệ cấp bổng lộc, Gia Khánh Đế còn đặc biệt gia thưởng thêm cho em trai một số đặc ân, như một hiệu cầm đồ trị giá hơn 48.000 lượng bạc.
Năm Gia Khánh thứ 25 (1820), tháng 3, Vĩnh Lân bệnh nặng, Gia Khánh Đế đích thân tới coi, đặc mệnh tấn phong Khánh Thân vương (慶親王). Cùng năm, ngày 13 tháng 3 (âm lịch) vào giờ Mão, Vĩnh Lân hoăng, thọ 54 tuổi, thụy hiệu là Hy (僖). Ông được táng tại Xương Bình, Bắc Kinh.
Khi diễn ra tang nghi của Khánh Hy Thân vương, vào ngày 16 tháng ấy, Gia Khánh Đế mệnh cho cháu trai của Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu là Hoa Sa Bố (花沙布) mặc tang phục tẫn hiếu. Cả ba con trai của Khánh Hy Thân vương, sau 100 ngày mãn tang được cho phép vào cung học với các vị Hoàng tử, con gái của Khánh Hy Thân vương là Ngũ cách cách cũng được giao cho Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu nuôi dưỡng. Nhưng Ngũ cách cách vào cung không lâu bị cảm nắng mà chết non, an táng theo lễ của Hòa Thạc Cách cách[3].
Sau khi phân phủ, một chi Khánh vương phủ nhập vào cánh phải của Tương Lam kỳ, cùng một kỳ tịch với Trực vương phủ (hậu duệ Dận Thì), Thận vương phủ (hậu duệ Dận Hi), Huệ vương phủ (hậu duệ Miên Du) cùng Cung vương phủ (hậu duệ Dịch Hân). Dưới thời trị vì của Hàm Phong Đế, Nội vụ phủ lấy lại phủ đệ của Vĩnh Lân từ tay con cháu ông. Một năm sau, Hàm Phong Đế giao nó lại cho người em của mình là Cung Trung Thân vương Dịch Hân. Cháu nội của ông, Khánh Mật Thân vương Dịch Khuông, là 1 trong 12 Thiết mạo tử vương của nhà Thanh.