La Gi

La Gi
Thị xã
Thị xã La Gi
Biểu trưng
Dinh Thầy Thím
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngDuyên hải Nam Trung Bộ
TỉnhBình Thuận
Trụ sở UBNDSố 26 Đường Hoàng Diệu, phường Tân An
Phân chia hành chính5 phường, 4 xã
Thành lập5/9/2005[1]
Loại đô thịLoại III
Năm công nhận2018[2]
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDPhạm Trọng Nhân
Chủ tịch HĐNDTôn Thất Muộn
Bí thư Thị ủyNguyễn Hồng Pháp
Địa lý
Tọa độ: 10°39′36″B 107°46′19″Đ / 10,66°B 107,77194°Đ / 10.66000; 107.77194
MapBản đồ thị xã La Gi
La Gi trên bản đồ Việt Nam
La Gi
La Gi
Vị trí thị xã La Gi trên bản đồ Việt Nam
Diện tích185,37 km²[3]
Dân số (2022)
Tổng cộng108.519 người[3]
Mật độ585 người/km²
Dân tộcKinh, Hoa
Khác
Mã hành chính594[4]
Biển số xe86-B6
Websitelagi.binhthuan.gov.vn

La Gi (đọc là la•yi) là một thị xã ven biển nằm ở phía nam tỉnh Bình Thuận, Việt Nam.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Thị xã La Gi nằm ở phía nam tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 63 km về phía nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 145 km về phía đông đông nam và cách thành phố Vũng Tàu 90 km về phía đông đông bắc, có vị trí địa lý:

Thị xã La Gi là đô thị ven biển, là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Nam của tỉnh Bình Thuận, giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí thuận lợi, kết nối và giao lưu phát triển kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ. Thị xã có khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho phát triển đô thị, ngành du lịch biển và thủy sản. Thị xã có tiềm năng phát triển kinh tế biển, khoáng sản, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, du lịch sinh thái và nhân văn.[3]

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Thị xã La Gi có 9 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 5 phường: Bình Tân, Phước Hội, Phước Lộc, Tân An, Tân Thiện và 4 xã: Tân Bình, Tân Hải, Tân Phước, Tân Tiến.

Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc thị xã La Gi
Tên Diện tích năm 2022 (km²) Dân số năm 2022 (người) Mật độ (người/km²)
Phường (5)
Bình Tân 3,45 18.940 5.489
Phước Hội 1,75 14.696 8.397
Phước Lộc 1,56 11.591 7.430
Tân An 6,24 13.518 2.166
Tân Thiện 3,67 7.109 1.937
Xã (4)
Tân Bình 55,91 8.641 154
Tân Hải 33,45 9.751 291
Tân Phước 34,69 12.526 361
Tân Tiến 44,65 11.747 263
Toàn thị xã 185,37 108.519 585
Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thị xã La Gi đến năm 2035[3]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Có ý kiến cho rằng xưa kia nó thuộc vùng đất của người Chăm, mang tên là La-dik, dưới thời phong kiến được phiên âm thành La Di[5]. Trước khi tên gọi La Gi được dùng làm địa danh hành chính, La Gi hay đúng hơn là La Di đã xuất hiện trong tên gọi của cửa La Di (Hán văn: 羅夷汛, âm Hán Việt: La Di tấn) và sông La Di (羅夷江 La Di giang).[6] Dưới thời Pháp thuộc, âm Di trong các tên gọi trên đã bị thay đổi cách viết từ Di thành Gi để người Pháp có thể đọc gần đúng với cách gọi trong tiếng Việt. Nếu vẫn viết là Di thì nhiều người Pháp sẽ căn cứ theo cách phát âm của chữ d trong tiếng Pháp mà đọc Di là /di/ (giống chữ đi trong tiếng Việt), rất khác với cách phát âm trong tiếng Việt.[7]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Khoảng giữa thế kỉ XIX, tại khu vực trung tâm thị xã La Gi ngày nay có 2 làng Phước Lộc và Hàm Tân thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận. Với tiềm năng thiên nhiên phong phú, La Gi đã quy tụ nhiều người dân miền Trung, miền Nam đến đây định cư lập nghiệp, biến vùng đất màu mỡ này thành các làng mạc sầm uất.

Năm 1916, huyện Hàm Tân được thành lập dựa trên phần lớn đất đai của huyện Tuy Lý, gồm 2 tổng Phong Điền và Phước Thắng. Trụ sở huyện đặt tại làng Hàm Tân nên trở thành tên huyện.

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập tỉnh Bình Tuy gồm 3 quận Hàm Tân, Tánh LinhHoài Đức. Tỉnh lỵ đặt tại Hàm Tân, về mặt hành chính thuộc xã Phước Hội, quận Hàm Tân. Địa bàn xã Phước Hội gần tương ứng với các phường Phước Hội, Phước Lộc, Tân An, Tân Thiện và xã Tân Phước ngày nay.

Về phía chính quyền cách mạng, năm 1968, Tỉnh ủy Bình Tuy thành lập thị xã La Gi gồm các xã: Phước Hội, Bà Giêng, Hiệp Hòa.

Cuối năm 1975, sáp nhập thị xã La Gi vào huyện Hàm Tân.

Ngày 13 tháng 3 năm 1979, thị trấn La Gi được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ xã Tân Hòa và là huyện lỵ huyện Hàm Tân[8].

Ngày 3 tháng 6 năm 2005, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1222/QĐ-BXD[9] về việc công nhận thị trấn La Gi là đô thị loại IV.

Ngày 5 tháng 9 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2005/NĐ-CP[1]. Theo đó:

  • Thành lập thị xã La Gi trên cơ sở tách thị trấn La Gi và 4 xã: Tân An, Tân Bình, Tân Hải, Tân Thiện thuộc huyện Hàm Tân
  • Thành lập 4 phường: Phước Hội, Phước Lộc, Tân An, Tân Thiện và xã Tân Phước trên cơ sở giải thể thị trấn La Gi và các xã Tân An, Tân Thiện
  • Thành lập phường Bình Tân trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Tân Bình
  • Chia xã Tân Hải thành 2 xã: Tân HảiTân Tiến.

Sau khi thành lập, thị xã La Gi có 18.282,64 ha diện tích tự nhiên và 112.558 nhân khẩu với 9 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 5 phường và 4 xã.

Ngày 17 tháng 1 năm 2018, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 32/QĐ-BXD[2] về việc công nhận thị xã La Gi là đô thị loại III.[10]

Kinh tế - xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Thị xã La Gi có 28 km chiều dài bờ biển, có 2 cửa biển lớn là cửa sông Dinh và cửa sông Phan. Cảng La Gi là một trong những cảng cá biển vào loại lớn nhất tỉnh Bình Thuận và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Thị xã La Gi có quốc lộ 55, tỉnh lộ 719 cùng với nhiều tuyến đường khác chạy qua đã tạo cho La Gi một vị trí đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển kinh tế năng động và bền vững, hội nhập nhanh với việc phát triển kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật cùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.[11]

Đặc sản tại thị xã là chả lụi.[cần dẫn nguồn]

Thị xã La Gi có diện tích 185,4 km², dân số ngày 1/4/2019 là 107.820 người,[12] trong đó: dân số thành thị là 71.894 người (66,68%) và dân số nông thôn là 35.926 người (33,32%). Mật độ dân số đạt 582 người/km². Thị xã có các dân tộc như: Kinh, Hoa,...

Thị xã có diện tích 185,37 km², dân số năm 2020 là 107.593 người.

Thị xã có diện tích 185,37 km², dân số năm 2021 là 108.043 người.

Thị xã La Gi có diện tích 185,37 km², dân số năm 2022 là 108.519 người. Trong đó, dân số nội thị là 65.854 người (60,7%) và dân số ngoại thị là 42.665 người (39,3%). Mật độ dân số trung bình toàn thị xã đạt 585 người/km².[3]

Thị xã La Gi có các thắng cảnh như: Đồi Dương, Bãi Dương Cam Bình, Ngảnh Tam Tân, Hòn Bà, Dinh Thầy Thím, Coco Beach Camp Lagi, Sơn Mỹ Beach,...

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]

Thị xã La Gi có quốc lộ 55 đi qua dài 10 km, chiều dài tỉnh lộ 719 đi qua dài 18 km và nhiều tuyến đường đô thị và nông thôn.

Hiện đang hoạt động các tuyến:

  • La Gi - Phan Thiết
  • La Gi - Tân Nghĩa (Hàm Tân)
  • La Gi - Hàm Thuận Nam
  • La Gi - Thắng Hải (Hàm Tân)

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Nghị định số 114/2005/NĐ-CP về việc thành lập thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận”.
  2. ^ a b Quyết định số 32/QĐ-BXD ngày 17 tháng 01 năm 2018 của Bộ Xây dựng về việc công nhận thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận là đô thị loại III.
  3. ^ a b c d e UBND tỉnh Bình Thuận (tháng 10 năm 2023). “Thuyết minh: Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thị xã La Gi đến năm 2035”. Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam. tr. 11. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2023.
  4. ^ Tổng cục Thống kê
  5. ^ ONLINE, TUOI TRE (9 tháng 1 năm 2018). “La Gi là 'la di', Cư Kuin là 'chư quynh'. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  6. ^ 『大南一統志 第二輯』. 印度支那硏究會. 東京市, 昭和十六年. Trang 1325 và 1339.
  7. ^ Đỗ Thành Dương (9 tháng 1 năm 2018). “La Gi là 'la di', Cư Kuin là 'chư quynh'. Tuổi Trẻ Online. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 1 năm 2018. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2019.
  8. ^ “Quyết định số 104-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc các huyện thuộc tỉnh Thuận Hải”.
  9. ^ “Quyết định số 1222/QĐ-BXD năm 2005 về việc công nhận thị trấn La Gi là đô thị loại IV”.
  10. ^ “Thị xã La Gi: Phát huy tiềm năng, phát triển xứng tầm”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận. 20 tháng 8 năm 2020.
  11. ^ “Vị trí thị xã Lagi”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2015.
  12. ^ “Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019” (PDF). Tổng cục Thống kê.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]