Phùng Quán

Phùng Quán
SinhThừa Thiên Huế
Mất22 tháng 1 năm 1995(1995-01-22) (62–63 tuổi)
Hà Nội
Bút danhPhùng Quán
Nghề nghiệpNhà văn, nhà thơ
Quốc tịch Việt Nam
Thể loạiTruyện ngắn, thơ
Tác phẩm nổi bậtVượt Côn Đảo
Tuổi thơ dữ dội
Lá đỏ
Giải thưởng nổi bật- Giải ba Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1954–1955) cho tiểu thuyết Vượt Côn Đảo
- Giải A Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật năm 2007.

Phùng Quán (19321995) là một nhà văn, nhà thơ Việt Nam, bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc chiến tranh Đông Dương và khẳng định được văn tài với Vượt Côn Đảo nhưng ông được biết đến nhiều hơn sau Đổi mới. Ông là cháu gọi Tố Hữu bằng cậu (Tố Hữ mẹ của Phùng Quán là hai anh em cô cậu ruột, theo cách gọi của người miền Bắc là bác).

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932, quê tại xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy (nay là phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy), tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha ông là Phùng Văn Nguyện (còn có tên là Phùng Quý Đông) là con trai cả của Phùng Kiểm (nhà nho, mất 1957) và Lê Thị Me. Ông còn có hai người chú ruột là Phùng Lưu (tức Nguyễn Vạn, Tư Bốn, sinh 1916, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế) và Phùng Thị.

Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV.

Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội).

Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1955. Về quá trình viết tác phẩm này, trong di cảo hồi ký "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào" do Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, ông kể nhiều chi tiết rất thú vị về sự ngẫu nhiên và tình cờ đưa ông từ một người lính trở thành một nhà văn và những biến cố phải gánh chịu nhưng với giọng kể rất hóm hỉnh, không một chút trách móc hay thù hận. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm bằng hai bài thơ "Lời mẹ dặn""Chống tham ô lãng phí" (1957). Khi phong trào này chấm dứt dưới tác động của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phùng Quán bị kỷ luật, ra khỏi quân đội, sau đó mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động thực tế ở nhiều nơi.

Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi Mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác và câu cá ở Hồ Tây để kiếm sống. Vì thế, bạn bè văn nghệ thường gói gọn cuộc đời ông thời kỳ này bằng sáu chữ: "cá trộm, rượu chịu, văn chui".[1]

Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe. Vợ ông là nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm, giảng dạy tại Trường PTTH Chu Văn An (Hà Nội).[2]

Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà Nội. Năm 2010, sau khi vợ ông mất, thể theo nguyện vọng của ông lúc sinh thời, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt ông bà về an táng tại quê nhà: phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 2007, Phùng Quán được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm.[3]

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Vượt Côn Đảo, Tiểu thuyết, 1955 - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007
  • Tôi muốn mời đến Tổ quốc tôi. Thơ, 1955. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1955; Báo Phụ nữ Liên Xô dịch và in, 1957
  • Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, Thơ, 1955 - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007
  • Thạch Sanh cháu Bác Hồ. Truyện thiếu nhi, Nhà xuất bản Thanh niên, 1955; Nhà xuất bản Thượng Hải (Trung Quốc) dịch và in năm 1956
  • Bên bờ Hiền Lương. Bút ký, Nhà xuất bản Văn nghệ, 1955; Nhà xuất bản Thượng Hải (Trung Quốc) dịch và in năm 1956
  • Cuộc đời một đôi dép cao su. Truyện thiếu nhi, Nhà xuất bản Thanh niên, 1956
  • Như con cò vàng trong cổ tích. Tập truyện thiếu nhi, (tác phẩm ký bút danh Vũ Quang Khải, em trai vợ, lúc đang làm cán bộ ở Diễn Châu, Nghệ An); Giải nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lenin do hãng Thông tấn Nôvôxti (Liên Xô) tổ chức năm 1970; Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản, 1987
  • Vĩnh Linh, lịch sử văn hóa (ký tên tác giả là Nguyễn Huy). Nhà xuất bản Văn hóa, năm 1982. In 6.100 bản
  • Dũng sĩ chép còm. Truyện thiếu nhi; Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, đang in với bút danh Trần Vỹ Dạ (do nhà thơ Thanh Tịnh chuyển). Khi Phùng Quán được phục hồi hội tịch mới đổi lại tên Phùng Quán (in 40.000 cuốn), tái bản tại Nhà xuất bản Kim Đồng
  • Tuổi thơ dữ dội, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1987 - Giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, 1988. Năm 1990 được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn dựng thành phim, Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2000, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007
  • Người du kích hói đầu. Truyện thiếu nhi, 1990
  • Tiếng đàn trong rừng thẳm. Truyện thiếu nhi, 1991
  • Đôi bạn tật nguyền kỳ lạ. Truyện thiếu nhi, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1991, in 4000 cuốn
  • Thơ Phùng Quán, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995
  • Bản hùng ca về 17 Vệ quốc Đoàn. Tủ sách Tuổi hồng, Nhà xuất bản Trẻ, 1993
  • Trăng hoàng cung, Tiểu thuyết thơ, Nhà xuất bản Thanh Văn, USA 1993. Năm 2007, Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tái bản Trăng hoàng cung & Phùng Quán viết Trăng hoàng cung (tiểu thuyết tình 13 chương của Phùng Quán & Hồi ức của nhà văn Hà Khánh Linh) kể về những câu chuyện xung quanh thi phẩm này.
  • Phùng Quán, Thơ, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2003
  • Ba phút sự thật, Ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tái bản bổ sung 2009
  • Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?, Hồi ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.
  • Phùng Quán còn đây, Di cảo của Phùng Quán và Hồi ức của bạn bè, Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

Một vài bài thơ

[sửa | sửa mã nguồn]
Lời mẹ dặn
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc:
- Con ơi! trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời
In lên vết son đỏ chói
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Tôi muốn làm nhà văn chân thật, chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
(1957)
Hôn

Trời đã sinh ra em
Để mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Để yêu em tha thiết

Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải ra mặt trận

Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu

Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn

Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ.
(1956)

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Từ "rượu chịu, văn chui" đến Quỹ Phùng Quán”. Báo Đà Nẵng. Truy cập 21 tháng 10 năm 2016.
  2. ^ “Chuyện ít biết về "Người đàn bà của Phùng Quán". 19 tháng 10 năm 2016. Truy cập 21 tháng 10 năm 2016.
  3. ^ 5 giải thưởng Hồ Chí Minh và 158 giải thưởng nhà nước [liên kết hỏng]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]