Ada Ciganlija
|
|
---|---|
Địa lý | |
Vị trí | Beograd |
Tọa độ | 44°47′B 20°24′Đ / 44,783°B 20,4°Đ |
Diện tích | 1,05 sq mi (272 km2) |
Hành chính | |
Thông tin khác | |
Trang web | www |
Ada Ciganlija (tiếng Serbia: Ада Циганлија) là một hòn đảo trên sông Sava ở Beograd, được biến thành một bán đảo nhân tạo. Tên này cũng được đặt cho toàn khu vực công viên và hồ Sava lân cận, được tạo ra bằng cách chia dòng Sava với bờ hồ. Đảo thuộc khu Čukarica và do JP[1] Ada Ciganlija quản lý.
Diện tích bán đảo là 8 km² và bên cạnh hồ Sava còn có hồ Ada Safari tự nhiên.
Trong quá khứ, Ada Ciganlija đại diện cho vùng ngoại vi xa Beograd và có tầm quan trọng trong chiến tranh, nơi diễn ra một số trận chiến. Trong cuộc bao vây Beograd năm 1789, quân đội Áo đóng trại lớn nhất trên đảo. Năm 1821, Ada Ciganlija được Hoàng thân Miloš Obrenović ban cho địa vị thành bang. Trong giai đoạn 1920-1956, tại đây có một nhà tù, nơi thi hành án tử hình.
Bán đảo gồm hơn 70 nhà hàng và quán cà phê để phục vụ ăn uống, có sẵn hàng tá bè đi sông. Một số biểu tượng trên bán đảo là tháp công lý, mạch nước, tượng đá và Cầu Ada.
Một số lượng lớn các loài chim, 450 loài thực vật, 94 loài côn trùng và 250 loài nấm được tìm thấy tại Ada Ciganlija, môi trường sinh cảnh này được pháp luật bảo vệ.
Ada Ciganlija có hình dạng như hiện tại từ ngày 25 tháng 5 năm 1959. Ngày này gọi là "Ngày Ada Ciganlija". Trước đó, mặt bắc bán đảo chỉ là một đồng cỏ, ngày nay gọi là khu Beograd Mới.
Với vị trí, chất lượng nước, cơ sở trang bị xung quanh và chiều dài dòng chảy, hồ Sava rất thích hợp cho các môn thể thao trên mặt nước như bơi lội, chèo thuyền, bóng nước, lặn, lướt ván buồm,... nên được tổ chức một số giải vô địch thế giới và trong nước.
Ngày nay, Ada Ciganlija là trung tâm văn hóa thể thao và giải trí lớn nhất tại Beograd, có hơn 50 sân thể thao ngoài trời và khu giải trí đa chức năng cực kỳ nổi tiếng của Beograd. Hơn 300 sự kiện và chương trình cổ động được tổ chức hàng năm trên Ada Ciganlija và trung bình khoảng bốn triệu du khách ghé thăm mỗi năm. Ada Ciganlija nổi tiếng đến mức thường được gọi thông dụng là Biển Beograd (beogradskim morem), trong khẩu hiệu quảng cáo chính thức năm 2008 được cách điệu thành Biển BeogrADA (More BeogrADA).
Ngày nay, Ada Ciganlija được chính quyền thành phố quản lý thông qua Doanh nghiệp nhà nước JP Ada Ciganlija, chịu trách nhiệm toàn bộ về địa hình sinh thái, khu giải trí, bãi tắm và hồ Sava.
Trên bờ nam sông Sava, gần ngã ba sông Sava và sông Danube, cách trung tâm Beograd khoảng 4 km trước đây có một hòn đảo, nay chính là bán đảo Ada Ciganlija. Được bao phủ với rừng cây rậm rạp, rải rác xen kẽ với các đồng cỏ, Ada là khu dã ngoại, hồ bơi và nghỉ mát lớn nhất được được cư dân Beograd ưa thích đến tận hưởng.[2] Nằm ở phía bắc khu Čukarica, ngang qua sông Sava, giáp Khu Beograd Mới và bán đảo nhân tạo Mala Ciganlija, đảo Ada Medjica ngăn cách tòa nhà Beograd Mới với Ada Ciganlija.[3] Phía nam bán đảo là Banovo Brdo và Čukarička Padina, phía đông là vùng ngoại ô Senjak, phía tây là rừng Makiš và vùng ngoại thành cùng tên.[4][5]
Năm 1967, nhánh sông Sava được ngăn lại tạo thành một hồ nước độc đáo cho Beograd, dài 4,2 km, rộng trung bình 200 m và sâu 4–6 m gọi là hồ Sava.[6] Phần còn lại ở phía đông bắc của nhánh sông biến thành vịnh Čukarica. Vào hè, mỗi ngày có tới 300.000 du khách đến tắm hoặc thư giãn. Tổng diện tích của Ada Ciganlija và mặt nước là 800 ha, dài 6,3 km và rộng khoảng 700 m.[7]
Hình thái địa chất được bồi đắp từ phù sa của sông Sava tạo nên các hố sụt lún và vết kéo dài với độ sâu lên tới 1,5 m. Nước tích tụ trong những vũng sụt lún lâu hơn các bề mặt khác. Trong khu vực được đánh giá, trạng thái dòng chảy tự nhiên và chế độ nước ngầm cho thấy sự khác biệt rất lớn về thời gian nước đọng – từ 20 ngày (bình độ 73,5 m so với mực nước biển) đến 170 ngày (bình độ 70,5 m). Hiện tượng này điều hòa sinh thái, tăng chất lượng toàn bộ các loại đất và thảm thực vật. Địa hình Ada Ciganlija hình thành do tác động của dòng chảy (bồi đắp và xói lở), trầm tích và sạt lở. Nguyên thủy là các thảm thực vật ưa nước phát triển rất mạnh. Sau này, độ ẩm suy giảm do tác động của con người trên đảo, thảm thực vật ban đầu tuy được bảo tồn nhưng không thể phong phú như ban đầu.[8]
Con người đã tác động đến Ada Ciganlija thay đổi chế độ tự nhiên của dòng chảy và nước ngầm, từ đó biến đổi môi trường cảnh quan. Kè, đập được xây dựng ngăn nước tạo nên hồ Sava, cùng với 20 giếng trữ nước đã chế ngự được hiện tượng lũ lụt hàng thế kỷ, ngoại trừ một diện tích nhỏ. Việc điều hòa nước ngầm và nước mặt góp phần ổn định diện mạo Ada Ciganlija.[9]
Nhiệt độ trung bình năm trên bán đảo là 12,5 °C, trong khi trung bình thời kỳ thực vật sinh trưởng đạt tới 19,2 °C. Nhiệt độ cao nhất là vào tháng 7, trung bình 23 °C, còn thấp nhất trong khi vào tháng 1 khoảng 1,4 °C. Lượng mưa trung bình là 690,9 mm và trong thời kỳ thực vật sinh trưởng là 391,9 mm.
Nhờ nhiều yếu tố kết hợp, Ada Ciganlija được thừa hưởng chế độ vi khí hậu. Có sông chảy qua, hồ nước nhân tạo, đảo sông và nhiều cây cối bao phủ, độ ẩm cao hơn so với khu vực nội thành, giúp điều hòa nền nhiệt của Beograd theo mùa.[6]
Dữ liệu khí hậu của Ada Ciganlija (1981—2010) | |||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Tháng | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | Năm |
Cao kỉ lục °C (°F) | 20.7 (69.3) |
23.9 (75.0) |
28.8 (83.8) |
32.2 (90.0) |
34.9 (94.8) |
37.4 (99.3) |
43.6 (110.5) |
40.0 (104.0) |
37.5 (99.5) |
30.7 (87.3) |
28.4 (83.1) |
22.6 (72.7) |
43.6 (110.5) |
Trung bình ngày tối đa °C (°F) | 4.6 (40.3) |
7.0 (44.6) |
12.4 (54.3) |
18.0 (64.4) |
23.5 (74.3) |
26.2 (79.2) |
28.6 (83.5) |
28.7 (83.7) |
23.9 (75.0) |
18.4 (65.1) |
11.2 (52.2) |
5.8 (42.4) |
17.4 (63.3) |
Trung bình ngày °C (°F) | 1.4 (34.5) |
3.1 (37.6) |
7.6 (45.7) |
12.9 (55.2) |
18.1 (64.6) |
21.0 (69.8) |
23.0 (73.4) |
22.7 (72.9) |
18.0 (64.4) |
12.9 (55.2) |
7.1 (44.8) |
2.7 (36.9) |
12.5 (54.5) |
Tối thiểu trung bình ngày °C (°F) | −1.1 (30.0) |
−0.1 (31.8) |
3.7 (38.7) |
8.3 (46.9) |
13.0 (55.4) |
15.8 (60.4) |
17.5 (63.5) |
17.6 (63.7) |
13.5 (56.3) |
9.0 (48.2) |
4.2 (39.6) |
0.2 (32.4) |
8.5 (47.3) |
Thấp kỉ lục °C (°F) | −26.2 (−15.2) |
−15.4 (4.3) |
−12.4 (9.7) |
−3.4 (25.9) |
2.5 (36.5) |
6.5 (43.7) |
9.4 (48.9) |
6.7 (44.1) |
4.7 (40.5) |
−4.5 (23.9) |
−7.8 (18.0) |
−13.4 (7.9) |
−26.2 (−15.2) |
Lượng Giáng thủy trung bình mm (inches) | 46.9 (1.85) |
40.0 (1.57) |
49.3 (1.94) |
56.1 (2.21) |
58.0 (2.28) |
101.2 (3.98) |
63.0 (2.48) |
58.3 (2.30) |
55.3 (2.18) |
50.2 (1.98) |
55.1 (2.17) |
57.4 (2.26) |
690.9 (27.20) |
Số ngày giáng thủy trung bình (≥ 0.1 mm) | 13 | 12 | 11 | 13 | 13 | 13 | 10 | 9 | 10 | 10 | 12 | 14 | 139 |
Số ngày tuyết rơi trung bình | 10 | 7 | 4 | 1 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 3 | 8 | 33 |
Độ ẩm tương đối trung bình (%) | 78 | 71 | 63 | 61 | 61 | 63 | 61 | 61 | 67 | 71 | 75 | 79 | 68 |
Số giờ nắng trung bình tháng | 72.2 | 101.7 | 153.2 | 188.1 | 242.2 | 260.9 | 290.8 | 274.0 | 204.3 | 163.1 | 97.0 | 64.5 | 2.111,9 |
Nguồn: РХЗ[10] |
Hồ Sava có hình vòng cung hơi cong, diện tích khoảng 0,9 km², độ sâu trung bình khoảng 3 m và tổng lượng nước trữ khoảng 4.000.000 m³. Chiều rộng trung bình của hồ khoảng 250 m với chiều dài hồ 4,4 km. Hồ được chia thành hai phần, phần phía nam có diện tích 181.000 m² làm bể lắng để cấp nước cho toàn hồ, phần còn lại có diện tích 785.000 m² sử dụng cho giải trí và thể thao. Đáy hồ Sava rất đa dạng, ven bờ sỏi đá cứng chắc, trong khi phần còn lại là bùn-cát và đất sét dưới dạng bùn nhão.[11]
Nhiệt độ nước khá đồng đều, chênh lệch tối đa giữa mặt nước và đáy hồ là khoảng 1,4 °C. Nhiệt độ nước trong những tháng mùa hè đạt 27 °C rất thích hợp cho bơi lội. Trong những tháng mùa đông, hồ thường bị đóng băng dày tới 30 cm. Mùa xuân, nước trong có thể nhìn thấu 4,7 m, còn vào mùa bơi lội, nước đục hơn chỉ nhìn sâu khoảng 0,8 m. Nước hồ có tính hơi kiềm (8,2 – 8,72).[11][12] Hồ Sava, còn được gọi là Ada, được tạo ra bằng cách xây dựng hai con đập trên sông gần nhánh phía bắc và phía nam của đảo vào năm 1967.[13] Hồ dài 4,2 km, có chiều rộng trung bình 200 m và độ sâu từ 4 đến 6 m, diện tích hồ 0,86 km². Hồ nằm ở độ cao 78 m, một trong những khu vực thấp nhất ở Beograd. Hai bên bờ bán đảo dài 7 km là bãi đá cuội. Nhiệt độ nước thường xuyên đạt 24 °C suốt mùa hè.[14]
Hồ Sava còn được gọi trong các chiến dịch quảng cáo là "Biển Beograd", "Biển BeogrADA" và "Hồ Ada Ciganlija".[15]
Thuyền máy bị nghiêm cấm chạy trên hồ.[16]
Có một khu giải trí vui nhộn trên mặt hồ Sava được mở cửa trong mùa bơi lội. Từ năm 2018, thêm một công viên giải trí khác khai trương ở phía Makiš của Ada Ciganlija.[17]
Trong hồ phổ biến là cá chép và cá trắm cỏ, ngoài ra còn có cá trê bản địa lớn nặng hơn 100 kg.[16][18] Vào tháng 3 năm 2019, một con cá trê dài 2 m bị bắt trong hồ.[19] Cá da trơn có kích thước này rất hiếm và được thả lại hồ theo quy định của pháp luật. Thường thì các thợ lặn cũng quan sát được cá trê lớn cỡ này dưới đáy hồ nhưng chúng thường không bơi lên mặt nước.
Theo số liệu thống kê, trong hồ có 25 loài cá, bao gồm cá chép, cá chó, cá vược, cá vền, cá trê, cá rô, cá giếc và cá thái dương. Hồ cũng là nơi sinh sống của cua và tôm hùm đất, có thể do những người nuôi làm cảnh thả vào.[9] Năm 1994 phát hiện mẫu vật đầu tiên của sứa nước ngọt trong hồ. Ngoài hồ Sava có thể tìm thấy loài này trên sông Danube.[20]
Thực vật có mạch đóng vai trò chủ đạo trong thảm thực vật hồ Sava và có vai trò chính trong việc lọc nước.[12]
Bờ hồ Sava được bố trí đầy đủ và trang bị các cơ sở hạ tầng cần thiết, vì vậy đây là một trong những hồ nhân tạo có bãi tắm lớn nhất và đẹp nhất ở châu Âu.[21][22] Nước hồ Sava ấm và sạch hơn nước sông, thích hợp để phục vụ công chúng. Tổng hợp vị trí, kích thước, chất lượng nước, cơ sở trang thiết bị, hồ Sava rất phù hợp cho các cuộc thi đấu hàng đầu trên vùng nước lặng.[6] Ở cuối hồ Sava, ngược với hướng về trung tâm Beograd, có một bãi tắm khỏa thân.[23] Ada Ciganlija nhiều lần dành được danh hiệu quốc tế Blue Flag cao nhất về chất lượng nước và an toàn tại bãi tắm.[24] Năm 2011, Virtualtourist đánh giá Ada Ciganlija là đảo trong thành phố đẹp thứ ba trên thế giới.[25] Năm 2012, theo cổng thông tin điện tử "Lonely Planet", Ada Ciganlija là nơi đầu tiên du khách nên đến khi ghé thăm Beograd,[26] xếp thứ 218 trong số 51.674 điểm đến châu Âu.[27]
Khi Ada nối với đất liền thông qua một bờ kè vào năm 1967, phần phía bắc của nhánh sông Sava kết hợp lại để tạo nên vịnh Čukarica. Dải đất kéo dài theo hướng tây nam - đông bắc, giáp cực bắc Ada Ciganlija, kè và bờ phải sông Sava (khu Careva uprija và khu nam Bar Venecija). Đây là nơi mà sông Topčiderska đổ vào sông Sava, gần đó có cầu Ada.[4][5]
Vịnh là nơi diễn ra hoạt động thể thao và giải trí, khu huấn luyện chèo thuyền kayak và có một bến đỗ cho du thuyền nhỏ. Trên bờ dọc theo vịnh là đường dành cho xe đạp. Vịnh dài 1,3 km và rộng 120 đến 160 m. Diện tích vịnh là 16 ha, nhưng quy hoạch hành chính bao gồm thêm 5,8 ha mặt nước và 20,8 ha đất xung quanh.[9][13]
Lượng bùn thải ước tính trong vịnh năm 2011 là 120.000 m³. Bùn không được phép đổ trực tiếp vào hạ lưu Sava để ngăn ngừa chất thải độc hại. Lúc trước đã có kế hoạch xây dựng một nhà máy sẽ khử bùn từ đó sản xuất phân bón nhưng đã bị hủy bỏ do chi phí cao. Ngày nay, lượng bùn và cây cỏ thủy sinh trong vịnh được kiểm soát tạo điều kiện du thuyền nhỏ có thể ra vào bến.[28]
Ada Safari là một hồ nước tự nhiên ở Ada Ciganlija, nằm giữa sông Sava và vịnh Čukarica.[29][30][31] Hồ có hình chữ S, với diện tích khoảng 6 ha và độ sâu trung bình khoảng 2 m. Hồ chủ yếu dành để câu cá thư giãn, nhưng cũng mở cửa phục vụ nhu cầu khác. Quanh hồ là khu rừng đã được một thế kỷ.[32]
Trước khi có hồ Sava, Ada Safari vốn là một đầm lầy tự nhiên. Dân địa phương gọi là Savska bara.[29] Cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, đầm lầy hoàn toàn khô cạn, một công viên giải trí được xây dựng trên đó nhưng không thu được lợi nhuận nên sớm bị đóng cửa. Khu vực hoang phế trở lại thành đầm lầy tràn ngập lau sậy, cói và cây bụi. Dân cư tập trung thành một khu bán hợp pháp ở gần đó.[33][34]
Một dự án làm sạch hồ được triển khai vào thập niên 1990, cho đến năm 1994, hồ được sạch sẽ hoàn toàn và mang tên Ada Safari.[29]
Ada Safari được rừng rậm bao quanh. Quanh hồ có đường đi tản bộ, có thể đến bất kỳ khi nào trong năm. Ngoài ra còn có một sở thú nhỏ với thỏ, dê, trĩ, vịt, thiên nga, công, gà, bồ câu khiến toàn bộ khu phức hợp giống như một khu bảo tồn thiên nhiên.[33][35] Cạnh đó có sân chơi Đảo Robinson cho trẻ em hoạt động vào mùa hè.[9][36]
Gần hồ, một khu trị liệu rộng 0,1 ha mở ra cho trẻ em thiểu năng và người khuyết tật theo phương pháp trị liệu làm vườn.[37] Cơ sở trang bị băng ghế, sân khấu và vườn cây, do sinh viên Lâm nghiệp Beograd thiết kế. Mục đích là để cải thiện tình trạng tâm sinh lý người khuyết tật, khuyến khích hòa nhập xã hội thông qua thời gian đắm chìm trong môi trường tự nhiên.[38]
Năm 2004 khai trương một nhà hàng bên bờ hồ với kiến trúc đặc trưng, phục vụ ẩm thực và âm nhạc.[39]
Ngoài vịt và ngỗng nhà, hồ là môi trường sống thường xuyên hoặc di trú của các loài chim hoang dã, phổ biến nhất là vịt trời và diệc xám, cốc nhỏ, chim bói cá.[9] Cây ven hồ là nơi làm tổ của quạ đen, gõ kiến xanh, gõ kiến lớn, bồ câu, bạc má lớn, sẻ ngô xanh, trèo cây, số lượng ít hơn có sơn ca, bông lau, ác là, quạ thông, vàng anh, sẻ khướu và các loài chim khác.[34]
Ở Ada Safari chủ yếu là cá chép, rất nhiều cá da trơn và cũng có cả trắm cỏ, chép nhớt và giếc. Hoạt động câu cá phải có giấy phép và tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt để bảo tồn nguồn cá. Có thể đặt chỗ câu cá trong một hay nhiều ngày. Cá câu được phải thả lại hồ, tất nhiên tùy loại cá có thể trả tiền để mua về nhưng chỉ được tối đa 5 kg. Đây là hồ đầu tiên ở Serbia đặt ra quy tắc "bắt và thả". Hồ Ada Safari đã nhiều lần tổ chức Giải vô địch câu cá. Gần hồ là một nhà hàng với tượng gỗ và triển lãm nghệ thuật từ thế kỷ 18.[40]
Năm 2007, câu lạc bộ câu cá ở Ada Safari được thành lập, số lượng thành viên tăng lên hàng năm. Mục tiêu câu lạc bộ là cổ động thú chơi câu cá chép ở Serbia, cung cấp thông tin cho cần thủ, tổ chức các cuộc thi khác nhau và phục hồi hồ Sava.[41]
Vào mùa hè, bán đảo đón hơn 100.000 du khách hàng ngày trong tuần và lên tới 300.000 du khách vào ngày cuối tuần.[16][42][43] Ada Ciganlija là trung tâm văn hóa, giải trí của Beograd, đặc biệt khi vào hè. Nơi đây tổ chức nhiều sự kiện quy tụ nhiều văn nghệ sĩ, ban nhạc, dan nhạc nổi tiếng cùng các hội văn hóa thể thao chuyên nghiệp và nghiệp dư. Tại Ada có hàng chục nhà hàng theo phong cách thôn dã mộc mạc, nhà hàng nổi trên mặt nước, gìn giữ và phát huy truyền thống bohemian của Beograd.[44]
Du khách đến với Ada Ciganlija có thể mua sắm, dã ngoại, chơi bowling, golf mini, đi xe ngựa kéo, đạp thuyền, du ngoạn bằng ca nô hoặc thuyền điện sinh thái.[6][45]
Ở đầu lối đường đi dạo vào Ada Ciganlija có tháp tòa án là một trong những địa danh trên bán đảo. Dưới chân tháp là khán đài có rào chắn nơi tổ chức thi đấu và sự kiện với sức chứa 2.000 người. Cạnh khán đài là bể bơi phao nổi lắp đặt vào năm 2009. Bể có kích thước 25 x 50 m được dùng huấn luyện và thi đấu bơi lội, bóng nước, cũng như đào tạo nhân viên cứu hộ trong mùa bơi lội. Chương trình Jeux sans frontières (Thể thao không biên giới) châu Âu được tổ chức nhiều lần tại bể bơi này với một số môn thi đấu. Khi mùa bơi kết thúc, bể bơi được chuyển sang bờ phải, để lấy chỗ diễn ra các cuộc thi đấu khác trên hồ Sava. Ngoài thể thao, tại bể bơi cũng tổ chức một số sự kiện âm nhạc.[46] Nhiều thuyền bè, nhà hàng và sự kiện kéo theo một lượng rất lớn du khách trên Ada Ciganlija vào ban đêm kể cả ngoài mùa bơi lội.[47]
Từ đầu thập niên 1970, số lượng bè tại Ada Ciganlija bắt đầu tăng lên, và ngày nay số lượng đạt đến con số hơn 70.[48]
Một trong những điểm tham quan nổi bật nhất trên đảo là đài phun nước trên hồ Sava được xây dựng vào năm 1996, nước được phun tới độ cao 60 m. Đài phun nước hoạt động quanh năm trừ trường hợp khi sương giá hoặc gió đặc biệt mạnh. Từ ngày 6 tháng 9 năm 2010, bốn màu ánh sáng được bố trí khiến thác nước thay đổi màu sắc tùy theo hướng gió thổi. Khi thác biến màu vàng và đỏ nghĩa là gió đông nam và tây nam thổi, còn khi có gió đông bắc và tây bắc thì thác biến màu xanh lam và xanh lục.[49]
Ngày 4 tháng 10 năm 2011, Công viên Khoa học được dựng lên gần vòng xoay để triển lãm các thành tựu khoa học nổi tiếng. Mục tiêu của công viên là đưa các lý thuyết và ứng dụng khoa học đến gần hơn với du khách thông qua trò chơi giải trí, bao trùm các lĩnh vực như vật lý, thiên văn học, toán học, địa lý và tâm lý học.[50][51] Gần Công viên Khoa học và Công viên Sinh thái là Trang trại Ada.[52]
Trên bán đảo có khu dã ngoại trang bị hai mươi bếp nướng, đài phun nước, bàn ghế gỗ, bên cạnh sân thể thao trung tâm.[53] Có rất nhiều sân chơi trẻ em, bao gồm Công viên sinh thái với diện tích 300 m², được xây dựng vào năm 2014. Năm 2018, một sân chơi trẻ em hiện đại được xây dựng gần khu dã ngoại.[54]
Ada Ciganlija luôn sẵn sàng các dịch vụ cứu hộ chuyên nghiệp, xe cứu thương y tế, cảnh sát và các dịch vụ khác.[55]
Khu vực Okruglog kupatila có trung tâm nhảy bungee cao nhất thế giới với chiều cao cần trục là 55 m.[56] Ada Ciganlija cũng sở hữu Công viên Phiêu lưu (Avantura park) duy nhất ở Serbia, nơi tổ chức các cuộc thi vượt chướng ngại vật trên cây gồm nhiều nền tảng địa hình như cầu treo, lan can và các công trình khác.[57] Ada Ciganlija cũng có một khu trượt tuyết Skitrack gồm một dốc trượt tuyết di động điều khiển bằng thủy lực để thay đổi độ nghiêng và tốc độ, mô phỏng các điều kiện địa hình khác nhau từ đơn giản chậm rãi phù hợp với trẻ em cho đến rất nhanh đáp ứng mọi nhu cầu.[58]
Khoảng 400 m từ lối chính vào Ada Ciganlija về phía gò Sava là khu bắn súng sơn, ở giữa là nhiều bao tải xếp làm boongke. Khu này chia làm hai loại địa hình, phần rộng có kích thước 40 × 60 m.[59] Điểm thu hút du khách ở Ada Ciganlija chính là đài phun nước trên cao. Ngoài ra còn có một tổ hợp thủy sinh về phía Makiš với diện tích khoảng 50.000 m². Tổ hợp mở cửa quanh năm và dùng làm bãi trượt tuyết từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 10.[60]
Ở bờ trái hồ Sava, gần Okruglog kupatila có một tảng đá nhân tạo cao 15 m, rộng tương đương 15 con đường mòn, được xây dựng vào năm 1997.[61][62] Vào mùa hè để phục vụ nhu cầu bơi lội và nghỉ ngơi, bán đảo thiết kế tuyến xe buýt 18 điểm dừng quanh hồ Sava.[63]
Năm 2012, "đường nghệ sĩ" mở trên Ada Ciganlija, theo nguyên mẫu từ tiểu thuyết Ada của Momo Kapor xuất bản năm 1977.[64][65] Tháng 7 năm 2019, công ty Skyline Beograd thiết lập một bãi xe đạp ở phía Makiš.[66]
— Momo Kapor[67]
Ở phía bắc trên bán đảo là làng Partizan theo tên của Câu lạc bộ chèo thuyền Partizan có trụ sở gần đó.[68]
Dân số gia tăng và số nhà ở cũng tăng theo. Năm 2016, làng Partizan có khoảng 1.000 người với 260 nóc nhà chiếm diện tích 14 ha. Phiên họp Hội đồng Thành phố Beograd tháng 6 năm 2016 đã thông qua quy hoạch chi tiết cho Ada Ciganlija, theo đó làng Partizan bị giải thể vì nằm trên vùng bảo vệ môi trường.[69][70]
Ở phía bắc của bán đảo, gần làng Partizan là nơi quy tụ các họa sĩ và nhà điêu khắc như Zuko Džumhur, Pavle Vujisić, Momo Kapor và nhiều nghệ sĩ khác.[70][71]
Tàn tích của bộ tộc Scordisci người Celt của địa danh cổ Singidunum và Taurunum đã được tìm thấy ở Ada Ciganlija.[72][73] Các di vật được lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Beograd và Bảo tàng Quốc gia Beograd là chứng tích các giai đoạn lịch sử nơi đây.
Một số học giả cho thấy cái tên Ada Ciganlija được cấu thành từ các âm trong tiếng Celtic singa (đảo) và lia (đất dưới nước) tạo nên từ sinhala, sau phiên âm thành ciganlija.[6][42] Ada được Karađorđe Petrović và Hoàng thân Miloš Obrenović coi là di sản tự nhiên quý giá nên được nâng vị thế một thành bang vào năm 1821. Một số ý kiến thì lại cho rằng ciganlija lại bắt nguồn từ cách gọi người Digan trong tiếng Serbia là Cigana, người Digan là cư dân trên đảo cho đến khi Áo chiếm Beograd.[74][75][76] Hòn đảo lúc bấy giờ có tên tiếng Latinh là Isola degli Zingari, được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1688.[77]
Tên tiếng Đức của Ada Ciganlija là Zigeuner-Insel,[78] được sử dụng lần đầu tiên trên bản đồ và trong sách vở vào năm 1714.[79] Tên gốc ban đầu có thể là singalia từ chữ Singidunum.[80] Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hòn đảo được gọi là Serbia Ada.[81][82]
Cũng có thể người Đức và người Ý đều đã nhầm tên đảo Ada Ciganlija bởi Zigeuner Insel hay Isola degli Zingari đều mang nghĩa "đảo của người Digan".[83][84]
Một trong những sử liệu chiến tranh lâu đời nhất chép về Ada Ciganlija là từ năm 1688, khi Hoàng thân Eugène de Savoie-Carignan bị thương nặng trên đảo trong cuộc chiến Áo-Thổ. Năm 1788, quân Áo đóng trại chính trên đảo kết hợp với các đơn vị Serbia chống lại quân Ottoman.[42]
Khu vực Ostružnica gần cực nam Ada Ciganlija có Cầu Dài nối vào đất liền, đây là cây cầu kiên cố đầu tiên trong lịch sử Beograd. Ở phía Srem đối diện bên kia sông Sava là một đầm lầy khổng lồ vào thời điểm đó (Beograd Mới ngày nay) cũng có một cây cầu dọc theo đầm lầy chứ đầu cầu không đặt ngay bờ sông, nên dân địa phương gọi là Cầu vượt đầm lầy.[85] Cầu Dài được quân Áo xây dựng trong cuộc bao vây năm 1688 để chiếm Beograd từ Ottoman. Theo ghi chép còn lại, chỉ trong vòng một tháng, bậc thầy Djordjevic của Beograd đã huy động 400 nhân công hoàn thành Cầu Dài dùng 2.000 cây gỗ, 1.100 cột, 15.500 dầm cọc và 12.000 cọc rào. Ngay bên cạnh, quân Áo cũng dựng một cầu phao khác dọc theo Cầu Dài.[86]
Khu định cư Digan tồn tại trên Ada Ciganlija trong thế kỷ 17–18 đã được chuyển hữu ngạn Sava ở cửa Topčiderka, trước khi Áo chiếm đóng Beograd 1717–1739 hoặc trong chiến cuộc 1716–1718. Một bản đồ thời thuộc Áo cho thấy khu định cư Digan với 24 nóc nhà ở cửa Topčiderka hiện diện trong giai đoạn 1788–1791.[82][87]
Thế kỷ 18, khi quân Áo đánh Beograd, chính quyền Ottoman trục xuất người Serb khỏi thành phố, cho định cư tạm thời trên đảo Ada Ciganlija. Ngày 7 tháng 4 năm 1809, sau khi Beograd được giải phóng trong Cuộc nổi dậy đầu tiên của người Serb, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Karađorđe Petrović đã tặng lại hòn đảo thị trưởng Beograd đầu tiên Mladen Milovanović.[42][88] Năm 1809, nhà ngoại giao Konstantin Rodofinikin, người đứng đầu phái bộ Nga tại Serbia (1808-1813), thành viên Hội đồng Nhà nước của Đế quốc Nga, đã tổ chức một lễ hội quốc gia cho quân nổi dậy trên Ada Ciganlija.[89]
Sau khi Cuộc nổi dậy đầu tiên của người Serb thất bại, Mladen Milovanović chạy khỏi Serbia, quân Thổ quay lại Beograd và xóa bỏ tất cả những luật lệ và phân chia hành chính do quân khởi nghĩa đặt ra.[43]
Năm 1908, Ada Ciganlija là tâm điểm chú ý khi diễn ra hội nghị của Hiệp hội Nhà báo Serbia do Branislav Nušić đứng ra tổ chức. Hoạt động báo chí được tổ chức trên đảo để gây quỹ hưu trí cho các nhà báo già và bệnh tật. Khi đó, đường dạo bộ, rạp, quán cà phê được dựng trên đảo và được sự cho phép của Cơ quan Báo chí Quốc hội, đã lập bưu điện với máy điện báo và điện thoại, cùng với Ủy ban Cảnh sát Quốc hội. Trong rạp chứa chứa các gian hàng bán báo, thuốc lá, đồ chơi trẻ em và bánh kẹo, bơ sữa. Sự kiện lạc quyên báo chí diễn ra từ ngày 30 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 năm 1908.[89] Khách khứa được đưa từ Gospodarske Mehane (Khu khách Kinh tế) đến đảo bằng thuyền và hai tàu thủy Arad và Morava trong nền quân nhạc rộn rã.[90] Trong thời gian đó đồng thời diễn ra các cuộc thi bơi lội, chèo thuyền và câu cá, hiệp hội cũng xuất bản tờ Vodeni cvet (Hoa nước) theo tên gọi mà Branislav Nušić đặt cho đảo vì vẻ đẹp nó mang lại.[42][91] Từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 6 năm 1908, Hiệp hội Nhà báo Serbia tổ chức tiếp một sự kiện văn hóa và giải trí Trojički sabor. Hội nghị này về sau diễn ra nhiều lần trên Ada Ciganlija cho đến trước Chiến tranh thế giới thứ nhất.[92]
Năm 1911, bộ phim điện ảnh đầu tiên của Serbia Cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ bất tử Karađorđa được quay trên đảo. Phim do Ilija Stanojević đạo diễn và Cira Manok viết kịch bản.[93]
Khi Áo-Hung tuyên chiến với Vương quốc Serbia mở màn Chiến tranh thế giới thứ nhất, các lực lượng Serbia được bố trí khắp đảo Ada Ciganlija để ngăn quân Áo chiếm và sử dụng nó làm bàn đạp tấn công Serbia. Sau đó, nơi đây diễn ra hai trận chiến lớn vào ngày 22-24 tháng 9 năm 1914 và vào tháng 9 năm 1915. Chớp lấy thời cơ quân Serbia rút khỏi Srem vào tháng 9 năm 1914, tướng Áo-Hung là Kasimir von Lutgendorf quyết định vượt sông Sava tấn công (Ciganlija và Medjica), rồi đổ bộ trên bờ bên kia, mở chiến dịch đánh chiếm Banovo Brdo và Topčiderka và từ phía tây đánh thẳng vào trung tâm Beograd. Cuộc tấn công phát động vào ngày 22 tháng 9 năm 1914 khi một toán quân Áo-Hung cố gắng đổ bộ vào điểm cực nam Ada Ciganlija, vị trí này được một boongke trong rừng Makiš bảo vệ.[94] Trong khi đó, quân Áo trang bị hỏa lực mạnh tiến vào từ phía bắc, nơi thậm chí không có quân Serbia phòng thủ vì không tin quân Áo có thể vượt qua được đầm lầy tại đó.[95] Do đó, quân Áo xâm nhập đảo thành công mà không gặp nhiều kháng cự. Thiếu tá Dobrivoje Mojsilović chỉ huy phòng thủ Ada đã cố gắng đẩy lui quân Áo về bên kia sông. Một đơn vị Serbia đến tiếp viện và Thiếu tá Svetomir Đukić thay Thiếu tá Mojsilović đã bị thương. Sau nhiều trận giao tranh, hai bên xáp lá cà và quân Áo bị dồn về cực bắc Ada Ciganlija. Tuy nhiên, quân Áo-Hung đã làm chủ được Ada Medjica, đánh và sau lưng và kết hợp bao vây quân Serbia lại.[96] Quân Serbia cố gắng thoát vây nhưng tiếp tục bị các đơn vị quân Áo mới đến tấn công tiếp. Quân Serbia lùi đến phần cực đông hòn đảo và lập chiến hào ở đó. Quân Áo đánh vào chiến hào nhưng cuối cùng đã lui quân.[97]
Khi quân Áo gặp khó khăn đánh miền tây Serbia và trong cuộc tấn công vào Šabac, tướng bộ binh Áo-Hung Alfred Kraus đã yêu cầu Chỉ huy trưởng mặt trận Balkan, Oskar Potiorek, chi viện hai trung đoàn của Kasimir von Lutgendorf. Potiorek không những chấp thuận, mà còn lệnh cho Lutgendorf chuyển hướng tất cả các lực lượng đến Šabac. Ngày 24 tháng 9 năm 1914, quân đội Áo-Hung rút khỏi Ada trong sự theo dõi cẩn trọng của quân Serbia đảm bảo đó không phải một âm mưu khác.[98][82] Quân Serbia mất một sĩ quan và 17 binh sĩ, trong khi quân Áo-Hung mất 4 sĩ quan và 310 binh sĩ.[99][100]
Có một số trận đánh nhỏ trên đảo sau nhưng chủ yếu vẫn là không khí bình yên, cho đến khi quân Đức can thiệp và tiến hành chiến sự không ngừng buộc quân Serbia phải rút khỏi đảo vào cuối tháng 9 năm 1915. Khi đó, Serbia bị thiệt hại nặng nề, đa số đều tử trận, Ada Ciganlija sau đó được gọi là "Đảo tử thần".[87]
Năm 1920, một nhà tù giam trọng phạm dưới quyền quản lý của Tòa án quận được xây dựng trên Ada Ciganlija. Trại giam nằm ở đầu hòn đảo, gần tòa nhà ngày nay của Cơ quan hành chính Ada Ciganlija và nhà hàng Jezero. Trải qua thời gian, nhà tù dần chuyển sang giam giữ chủ yếu tù nhân chính trị, chủ yếu là người Cộng sản và thành viên của các tổ chức bất hợp pháp khác. Khi bắt đầu chế độ độc tài vào ngày 6 tháng 1 năm 1929 và thành lập Tòa án Bảo vệ Nhà nước, nhà tù ở Ada Ciganlija chuyển chức năng thành trại tạm giam trước khi xét xử. Những người bị tạm giam thường là Đảng viên Đảng Cộng sản Nam Tư thời đó thuộc diện bất hợp pháp, gián điệp nước ngoài hoặc một số tổ chức và hiệp hội bất hợp pháp khác. Trại tạm giam được giữ chức năng hoạt động này cho đến năm 1941.[101][102]
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Ada Ciganlija không phải là khu vực được đầu tư tái thiết vì Beograd tập trung về phía bắc từ Gospodarska Mehana và Senjak. Chủ yếu Ada Ciganlija là nơi cư dân Beograd đến tham quan bơi lội. Năm 1930, chính quyền thành phố Beograd ra quy định về việc tắm sông vào đêm hè, bãi tắm cũng được phân thành các khu dành cho nam và nữ riêng biệt. Năm 1936, chính quyền thành phố thông qua quy hoạch đô thị mới dự kiến biến Ada thành một hòn đảo phục vụ thể thao giải trí.[103]
Năm 1938, Aleksandar Radivojević đi vào huyền thoại của các môn thể thao có động cơ khi gắn động cơ vào thuyền thể thao của mình trên và chạy trên sông Sava.[91]
Năm 1938, Bộ Giao thông phê duyệt khoản vay cho việc phân vùng thượng nguồn nhánh Ada và Čukarica để tạo nên khu nghỉ đông; sau đó, Međica đã lên kế hoạch hợp nhất với Ada.[104] Tháng 6 năm đó dựng được cáp điện được bắc qua hai cột cao 40 mét cách cửa Topčiderka khoảng 200 mét.[105]
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Ada Ciganlija chỉ là một cơ sở chuyển quân cho mặt trận Srem.
Anh hùng dân tộc Nam Tư Pavle Jaksic, thượng tướng Quân đội nhân dân Nam Tư JNA từng tham gia Cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân Nam Tư và là đồng sáng lập Viện Vật lý viết trong hồi ký rằng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Ada Ciganlija là bãi tắm yêu thích của lãnh đạo cao cấp.[106]
Sau Thế chiến II, nhà tù được sử dụng cho nhu cầu của Cục Bảo vệ Nhân dân (OZNA) cho Serbia và một lần nữa được sử dụng cho các tù nhân chính trị. Theo một số tuyên bố, Draža Mihailović, lãnh đạo của phong trào Ravnogorski và Quân đội Nam Tư Quốc nội JVuO, đã bị bắn chết vào ngày 17 tháng 7 năm 1946, mặc dù tuyên bố này vẫn chưa được xác nhận chính thức. Các tù nhân chính trị khác sau đó đã bị giam cầm tại đây.[82][107]
Nhà tù bị đóng cửa năm 1954 và dỡ bỏ năm 1956 để chuẩn bị lấy đất làm khu dã ngoại và bể bơi vào năm 1957.[108] Trong thời gian hoạt động, nhà tù được gọi là Tiểu Alcatraz của Serbia với các tù nhân như Milovan Djilas, Moshe Pijade, Borislav Pekic và nhiều người khác.[87]
Năm 1957, chính quyền thành phố quyết định cải tạo nâng cấp tiềm năng bị lãng quên của Ada Ciganlija. Bãi tắm được mở rộng bằng cách đốn chặt cây cối dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của các chuyên gia từ Khoa Lâm nghiệp, Đại học Beograd. Công cuộc cải tạo chính thức bắt đầu vào năm 1960.[109] Đến tháng 9 năm 1961, một bờ kè dài 6 km rộng 8 m được dựng lên để ngăn sông Sava gây lụt vào mùa xuân. Khi đó, Ada Ciganlija là khu vực dã ngoại và bãi tắm lớn nhất và được ghé thăm nhiều nhất ở Beograd. Kỹ sư Milan Pećinar, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Serbia đề xuất một giải pháp kép biến Ada Ciganlija thành nơi cung cấp nước sạch đồng thời là một trung tâm thể thao giải trí. Kế hoạch được thực hiện năm 1967 khi Ada Ciganlija được nối với đất liền, cũng như đào lại hồ Sava và xây sửa bể lắng. Năm 1969 lắp đặt hệ thống đường ống ngầm dẫn nước sông vào hồ mới đào. Nước được lọc trong bể lắng rồi tiếp tục dẫn tới hệ thống cấp nước chính của Beograd ở Makiš.[87] Năm 1947 khai trương bể bơi công cộng "Bể bơi phía Bắc" (Severni bazen) phía sau Câu lạc bộ chèo thuyền Sao Đỏ (Crvena zvezda). Bể bơi nhanh chóng nổi tiếng vì khi đó Beograd chỉ có một số ít nơi như vậy, nhiều vận động viên đến tập luyện chuẩn bị cho Thế vận hội.[110]
Trước khi nối Ada Ciganlija với đất liền, có thể đến đảo bằng thuyền hoặc cầu phao.[111] Từ năm 1957, quy hoạch Ada Ciganlija được thanh niên tham gia lao động biến thành hiện thực. Khoảng 50.000 thanh niên đã tham gia cải tạo đảo, xây dựng một bờ kè dài khoảng 1.250 mét và lấp bằng phần đầm lầy trên đảo. Năm 1957, Tổng cục Bảo trì Ada Ciganlija được thành lập. Năm 1967, bờ kè hoàn tất biến Ada Ciganlija thành một bán đảo.[91]
Trong thập niên 1970, Ada Ciganlija lại hoàn toàn xuống cấp, bụi rậm khắp nơi, hồ Sava ô nhiễm, cây gỗ như liễu, dương héo tàn và bị khai thác bất hợp pháp.[91]
Năm 1973, Ada Ciganlija lần đầu tiên được lên bưu thiếp, in cạnh Kalemegdan, tượng đài Pobednik và Skadarlija.[91]
Năm 1975, bãi đỗ xe trên Ada Ciganlija bắt đầu mở cửa và hoạt động theo mùa.[112]
Từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 9 tháng 7 năm 1987 tại Ada Ciganlija diễn ra hội Hướng đạo Nam Tư lần đầu tiên sau sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng là cuối cùng của Nam Tư cũ, lễ hội thứ 8 của Nam Tư này có đến hơn 12.000 người tham gia.[113][114]
Cuối tháng 8 năm 2007 khai trương sân trượt băng trên bờ Makiš.[115] Tháng 4 năm 2008 mở bãi đậu xe hai tầng cho phép "đỗ xe nhanh" với hơn 1.600 chỗ.[112] Cuối tháng 10 năm 2008 hoàn tất công viên hôn lễ đầu tiên ở Serbia khai trương trên Ada Ciganlija nằm ngay cạnh sân golf.[116] Năm 2009 mở Trim Park là công viên sinh thái trẻ em đầu tiên ở Serbia có diện tích 300 m².[117][118]
Ada Ciganlija là một trong những điểm sinh thái quan trọng bởi yếu tố mặt nước và phức hợp rừng, vi khí hậu đặc biệt khác thường, đặc trưng bằng độ ẩm cao hơn và nhiệt độ hàng ngày thấp hơn một chút so với các vùng khác của Beograd. Môi trường rừng Ada Ciganlija chủ yếu là rừng liễu trắng và dương mọc trên nền đất ngập nước không hoàn toàn. Các quần xã rừng có thể kể ra trên Ada: đen sủi, cói, tần bì, hoa ly, sồi, liễu hạnh nhân, liễu trắng, dương đen và trắng,... thảm thực vật đa dạng.[119][120] Diện tích rừng trên đảo vào năm 2010 là 1,79 km².[121]
Trong thế kỷ 20, thảm thực vật Ada Ciganlija đã phong phú hơn đáng kể với việc du nhập dương và liễu Mỹ. Những khu vực hoang dã được cây cối hoang sơ bao phủ, đi lại khó khăn nhưng cũng khuyến khích niềm đam mê phiêu lưu khám phá của du khách. Ada Ciganlija cũng đa dạng động vật, nhiều nhất là chim, có loài cốc nhỏ đang bị đe dọa, vịt trời và mòng biển, ngoài ra còn có trĩ đỏ và cút thường. Ada Ciganlija thực sự là một trong số rất ít "đô thị" mà du khách vẫn có thể nhìn thấy nai hoặc thỏ trong môi trường tự nhiên. Những người thích câu cá thì có thể đến Ada Safari để thỏa thú đám mê.[55]
Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2013, 163 cây tần bì giống đã được trồng trên diện tích 0,40 ha của Ada Ciganlija.[120][122]
Trên Ada Ciganlija có thể tìm thấy loài chim có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có cốc nhỏ thường lưu trú vào mùa đông trong rặng liễu. Đầm lầy Pancevo cạn kiệt dẫn đến loài này thực tế đã tuyệt chủng ở các khu vực lân cận Beograd, mới phát hiện trở lại sau nửa thế kỷ.[123] Đây là loài thuộc phân loại cao nhất trong các loài được bảo vệ đặc biệt tại châu Âu. Ở Serbia, nó là loài chim tự nhiên quý hiếm, môi trường sống được bảo vệ cấm mọi sự xâm phạm theo theo Nghị định về các loài quý hiếm tự nhiên.[124]
Ada Ciganlija có một hệ sinh thái độc đáo, là một ốc đảo giữa thành thị. Hầu hết bán đảo là rừng. Rừng cây rụng lá nguyên sơ ban đầu bao gồm chủ yếu là sồi, du, bạch dương và liễu.[16] Đa phần rừng trên đảo đều thuộc diện được bảo vệ, bao gồm toàn bộ phần trung tâm, phía bắc và phía tây. Những khu vực này hoàn toàn hoang dã với thảm thực vật hoang sơ, có rất ít hoặc không có sự hiện diện của con người, điều này làm cho Ada Ciganlija trở nên độc đáo so với các đảo và bán đảo đô thị châu Âu khác .[43]
Một phần của khu rừng ở giữa Ada được quy hoạch làm Môi trường sống được bảo vệ cho các loài Nấm ở Ada Ciganlija. Khu vực này có diện tích 21,25 ha được phân loại III là mức quan trọng dành cho hệ sinh thái địa phương.[8] Ở Ada Ciganlija phát hiện 250 loài nấm, nhiều loài trong số đó được xếp loại quý hiếm ở Serbia và Bán đảo Balkan. Ada Ciganlija là môi trường sống duy nhất của nấm Myriostoma ở Serbia, được coi là di sản tự nhiên và bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, nấm Geastrum melanocephalum và Rhodotus palmatus cũng là loài được bảo tồn trên Ada Ciganlija.[125][126] Ví dụ một số loài nấm tìm thấy ở Ada Ciganlija: Agaricus arvensis, Agaricus bitorquis, Agrocybe dura, Boblican vitellinus, Bovista plumbea, Calocera comea, Climacodon septentrionalis, Dacrymysec stillatus, Entoloma ameides, Funalia trogii, Geastrum sessile, Helvella elastica bull., Inonotus hispidus, Kavinia himantia, Laccaria laccata và Lepista nuda.
Ngoài vô số động vật lưỡng cư và côn trùng, Ada Ciganlija còn là nơi sinh sống của một số loài thú còn sót lại khi bán đảo chuyển mình thành khu đô thị, như cáo, thỏ và hươu.[43] Năm 2006, 60 con thỏ và 100 chim trĩ được thả vào môi trường tự nhiên.[9]
Các loài chim phổ biến trên bán đảo có thể kể đến te mào, vịt trời, cút thường và trĩ đỏ. Các loài chim làm tổ ở Ada Ciganlija bao gồm bạc má lớn, sẻ ngô xanh, sẻ dài đuôi, trèo cây, gõ kiến xanh, gõ kiến nhỏ, vàng anh vàng, bông lau, sơn ca, sẻ khướu, quạ xám, ác là, bồ câu rừng, bồ câu nhà, chìa vôi trắng và nhạn bụng trắng.[8]
Theo cơ sở dữ liệu trực tuyến về chim eBird, tháng 7 năm 2020, Ada Ciganlija bao gồm hồ Sava và môi trường xung quanh có 77 loài chim và 11 phân loài.[127]
Ada Ciganlija là nơi trú đông của một số loài chim di cư đang bị đe dọa, phổ biến nhất trong số đó là cốc nhỏ tập trung số lượng lớn vào mùa đông ở Beograd. Vào đầu thế kỷ 20, loài này sinh sống ở đầm lầy Pancevacki phía bắc Beograd nhưng sau khi đầm lầy khô cạn và đô thị hóa diễn ra, chúng biến mất.[123] Vào đầu thập niên 1990, hàng trăm con chim bắt đầu trú đông tại đảo Malo Ratno (đảo Trận chiến nhỏ) trên sông Danube. Khi số lượng gia tăng đến hàng nghìn, chúng chuyển đến các địa điểm mới phía sau Hội chợ Beograd dọc theo sông Sava đến phía bắc Ada Ciganlija và Ada Medjica. Số lượng cá thể tăng lên hàng năm, lên đến 6750 trong những năm 2007-2008, nhưng giảm dần sau đó, đến năm 2015 chỉ còn 3850 cá thể, nhưng chiếm 5,4% số lượng cốc nhỏ ở châu Âu và 2% trên toàn thế giới.[128] Đã có những quan ngại rằng việc xây dựng cầu Ada sẽ phá vỡ môi trường sống của chúng nhưng loài chim này vẫn ở lại đây. Hai năm sau khi khởi công cầu Ada, Liên đoàn Hành động Điểu cầm Serbia với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã đấu tranh để bảo vệ loài cốc nhỏ có thể ở lại bất chấp việc xây dựng.[9][129] Môi trường sống của loài cốc nhỏ trên bán đảo được pháp luật bảo vệ vào năm 2008.[130][131]
Theo thống kê có 450 loài thực vật, 94 loài côn trùng và 250 loài nấm được tìm thấy trên bán đảo.[8]
Hàng trăm giải vô địch các môn thể thao dưới nước cấp độ quốc gia, châu Âu và thế giới đã được tổ chức trên hồ Ada. Ada Ciganlija là trung tâm thể thao và giải trí lớn nhất ở Beograd, với hơn 50 sân thể thao (bóng ném, bóng đá, quần vợt, bóng rổ, bóng chày, bóng đá Mỹ, bóng bầu dục, golf, bóng chuyền bãi biển...), thể thao mạo hiểm (nhảy bungee, vượt chướng ngại vật, bóng sơn, trượt nước, trượt tuyết, lặn..), các chương trình chăm sóc sức khỏe (thể hình thể dục và spa), thư giãn giải trí (đi bộ, đi xe đạp, trượt patin, sân golf mini, tập yoga...).[132] Cùng một số lượng lớn sân chơi trẻ em, ngoài ra cũng có thể thuê thuyền đạp nước dạo chơi trên sông.[26][54]
Giải Ba môn phối hợp Beograd đầu tiên được tổ chức trên Ada Ciganlija và cũng là cuộc thi ba môn phối hợp đầu tiên ở Serbia.[133]
Cuối năm 2015, Liên đoàn bóng đá Beograd ký hợp đồng với JP Ada Ciganlija về việc sử dụng tổ hợp bóng đá trên Ada Ciganlija. Từ năm 2016, Liên đoàn bóng đá Beograd có hai sân bóng đá, cũng như sân bóng đá trong nhà. Ada Ciganlija có điều kiện để phát triển bóng đá nghiệp dư cũng như công tác đào tạo trọng tài cho Beograd. Ở bờ trái của hồ Sava có bốn sân bóng đá trong nhà.[134]
Trên bán đảo có bốn sân bóng rổ với kích thước không đạt chuẩn nằm giữa khu liên hợp bóng đá và câu lạc bộ golf Beograd, cũng như bảy sân bóng rổ tiêu chuẩn, nằm giữa khu liên hợp bóng đá và sân quần vợt. Trong chiến dịch Mozzart "Trăm sân chơi cho mỗi môn thể thao" năm 2018, hai sân bóng rổ bê tông được cải tạo lại, bề mặt sân được phủ đặc biệt, rổ và bảng rổ chuyên nghiệp.[135] Năm 2018, JP Ada Ciganlija lại nâng cấp mới hai sân bóng rổ nữa.[136]
Gần tòa nhà Hladno kupatilo có sân bóng chuyền bãi biển với hai sân bóng chuyền có rào chắn xung quanh, có thể chơi bóng chuyền bãi biển ở nhiều nơi khác nhau. Ở khu thể thao trung tâm bên bờ trái hồ Sava có sáu sân bóng chuyền dành cho tất cả du khách. Năm 2018, JP Ada Ciganlija cải tạo bề mặt mới cho hai sân bóng chuyền.[137] Gần sân bóng chuyền bãi biển có một sân bóng chày, nơi tổ chức nhiều cuộc thi các cấp độ khác nhau.[138]
Trên Ada Ciganlija có các khu phức hợp quần vợt nằm giữa khu dã ngoại, sân thể thao ngoài trời và đường xe đạp. Có tổng cộng năm sân quần vợt ngoài trời và một sân trong nhà, khai trương vào năm 2010 với diện tích 1.000 m².[139] Bên cạnh quần vợt, còn có tổ hợp năm sân cầu lông chuyên nghiệp.[140]
Ada Ciganlija cũng là trụ sở của Hiệp hội chèo thuyền kayak Serbia, từng tổ chức năm giải vô địch thế giới và vài giải vô địch châu Âu.[141] Một trong những môn thể thao nổi bật nhất trên hồ Sava là chèo thuyền, năm 1932, vua Aleksandar Karađorđević tổ chức Giải vô địch chèo thuyền châu Âu tại đây.[142]
Năm 1934, câu lạc bộ chèo thuyền Beograd là câu lạc bộ chèo thuyền lâu đời nhất của Begrad được thành lập trên Ada Ciganlija.[143][144]
Ngày nay, Ada Ciganlija là trụ sở của Liên đoàn chèo thuyền Serbia và các câu lạc bộ bóng nước Grafičar, Partizan và Crvena zvezda.[145][146]
Gần tòa nhà Hladno kupatilo có sân bóng bầu dục tiêu chuẩn, nơi diễn ra nhiều giải thi đấu cũng như các khóa đào tạo của câu lạc bộ bóng bầu dục Beograd "Crvena zvezda" và câu lạc bộ Bóng bầu dục Mỹ Vukovi Beograd.[147] Sân vận động Ada Ciganlija được FC Šećeranac Ada sử dụng.[148]
Ngoài ra còn có một khu phức hợp đánh golf trải rộng trên 16 ha với 9 sân, đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới nghiêm ngặt. Câu lạc bộ golf Beograd cũng như Hiệp hội Golf Serbia đóng tại đây.[149][150]
Ada Ciganlija có thể trượt patin hoặc thuê xe đạp dạo quanh hồ Sava trên đường mòn dài 11,2 km.[151][152]
Câu cá giải trí là một trong những môn thể thao phổ biến nhất ở Ada Ciganlija và có thể diễn ra trên toàn bộ mặt nước hồ Sava, ngoại trừ những nơi chơi các môn thể thao dưới nước hoặc mùa bơi lội. Khi đó, khu vực câu cá sẽ có rào chắn lại. Ada Safari cũng phục vụ nhu cầu câu cá giải trí.[153]
Khoảng một trăm mét từ trung tâm Ada Ciganlija có một khu thể dục và vượt chướng ngại vật rộng 1.200 m² xây dựng vào năm 2009. Bao quanh là rặng tần bì và đường chạy bộ, khu vực này bố trí 24 điểm thể dục để tập quanh năm. Từ năm 2016, cả khu được bố trí ánh sáng để có thể tập cả ban đêm.[154] Trên Ada Ciganlija còn có một sân golf mini.[155]
Có một hệ thống đường mòn phục vụ đi lại trên bán đảo, trong đó phải kể đến đường mòn Holmer, nằm gần khu thể dục, giữa Ada Safari và sông Sava rộng khoảng 5,5 ha.[156] Đường được phủ đầy mùn cưa và cát dày. Ngoài đường Holmer và đường quanh Hồ Sava còn có đường đi xe đạp quanh câu lạc bộ golf.[157]
Năm 2018, Ada Ciganlija tổ chức Giải vô địch thế giới về bơi có chân nhái và lặn tốc độ, Giải vô địch chèo thuyền thế giới, Giải vô địch câu cá chép thế giới, Giải vô địch chèo thuyền kayak và chèo thuyền châu Âu và nhiều cuộc thi đấu khác.[158][159][160][161]
Bên hữu ngạn hồ Sava là trung tâm lặn Sdt "Thế giới lặn" thành lập năm 2008.[162]
Năm 2010, Trung tâm Người khuyết tật đã được mở tại Ada Ciganlija. Năm 2012, bắt đầu một khu tập yoga dưới sự hợp tác với Hiệp hội Yoga Serbia.[163][164]
Hơn 300 lễ hội và chương trình cổ động khác nhau được tổ chức hàng năm trên bán đảo. Sự kiện thu hút đông đảo người tham gia nhất do công ty Red Bull tổ chức trên Ada Ciganlija từ năm 2013.[165][166] Lễ hội âm nhạc đáng chú ý nhất là Vườn Bia bắt đầu được tổ chức từ năm 2015. Sự kiện hàng năm này diễn ra vào mùa hè với hơn 100.000 người tham dự. Tổ chức nhận được sự hỗ trợ của Thành phố Beograd, Bộ Thương mại, Du lịch và Viễn thông Serbia, Tổ chức Du lịch Beograd và chủ quản JP Ada Ciganlija. Trong năm đầu tiên, lễ hội đã được hơn 100.000 người ghé thăm trong 34 ngày với hơn 70 buổi hòa nhạc.[167] Ngày 26 và 27 tháng 6 năm 2015 diễn ra Liên hoan âm nhạc Rockaway Lake trên các sân vận động Ada Ciganlija.[168] Hồ Sava thì có giải bơi truyền thống Bogojavljenje đã tổ chức nhiều năm.[169]
Năm 1986-2001, Đài Phát thanh Truyền hình Beograd phát sóng chương trình âm nhạc "Mùa hè trên Ada" với sự tham gia của Lepa Brena, Nada Topcagic, Jay Ramadanovski, Ksenija Pajcin, Svetlana Raznatovic và nhiều nhạc sĩ khác.[170]
Đài Kỷ niệm Hoạt động Thanh niên Hành động để ghi nhớ về ngày thành lập Ada Ciganlija được sửa lại tại khu dã ngoại Beograd năm 2010.[171] Năm 2011, trên bờ kè Sava gần "Bãi tắm Beograd" dựng tượng đài Daphne mang hình ảnh phụ nữ cao bốn mét theo thiết kế của Momo Kapor, một người dành tình yêu sâu đậm do Ada Ciganlija. Đây là nơi tiêu biểu tụ họp giới nghệ sĩ cũng như là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa như lễ hội Momin krug do Quỹ Momcilo Momo Kapor tài trợ.[172][173]
Năm 1970, ở đầu Ada Ciganlija, gần nhà hàng Jezero, một đài tưởng niệm của nhà điêu khắc Milorad Tepavac dựng lên để lưu giữ ký ức về các tù nhân chính trị bị giam cầm trong giai đoạn 1920–1941.[174]
Ở lối vào hồ, bộ sưu tập "Thị trấn Đá" của nhà điêu khắc Ratko Vulanović thu hút nhiều du khách.[175][176] Ngoài ra trên bán đảo còn có tác phẩm điêu khắc về Chim sẻ và Cá chép đặt gần Ada Safari.[40]
Trong hàng thập kỷ, Ada Ciganlija rất nổi tiếng đối với những người độc thân, giới cần thủ và nghệ sĩ như nam diễn viên người Serbia Pavle Vujisic. Sau khi ông qua đời năm 1988, đã có đề xuất đặt tên ông cho con đường vào Ada Ciganlija nhưng sau đó tên ông được đặt cho một đường khác tại khu mới Altina ở Zemun. Những người theo chủ nghĩa Bohemian nổi tiếng khác đôi lúc ở lại Ada Ciganlija sau năm 1960 là diễn viên Dragan Nikolic và Bora Todorovic, kiến trúc sư Pedja Ristic, nhà văn Momo Kapor và Zuko Dzumhur, ca sĩ opera Zivan Saramandic và Milka Stojanovic, Dusko Radovic, Dejan Medakovic, Bogdan Tirnanic và nhiều người khác.[177] Nhà văn đoạt giải Nobel Ivo Andrić gọi Ada Ciganlija là "Vịnh Kotor của Beograd" và "Viên lục bảo của những dòng sông Pannonia chúng ta".[178]
Đa số phương tiện giao thông đến Ada Ciganlija Công ty Giao thông Thành phố Beograd (Gradsko saobraćajno preduzeće Beograd - GSP Beograd) cung cấp. Các tuyến xe buýt 23, 37, 51, 52, 53, 55, 56, 56L, 57, 58, 85, 87, 88, 89, 91, 92, 511, 551, 553, 860, 860e và tuyến 861A đi qua bán đảo. Đường xe điện 12 và 13 cũng chạy tương đối gần. Do lượng khách ngày càng tăng, GSP Belgrade đã tăng cường các tuyến buýt theo mùa, chuyên chạy Ada Ciganlija từ ngoại vi Beograd như tuyến Ada 1 (Trg Republike - Vidikovac), Ada 2 (Zemun - Ada Ciganlija), Ada 3 (Konjarn - Ada Ciganlija), Ada 4 (Mirijevo - Ada Ciganlija) và Ada 5 (Bežanijska kosa - Ada Ciganlija).[179] Từ Block 70 và Block 45 tại Beograd Mới có thể đến Ada Ciganlija bằng thuyền vào mùa hè.[180] Cũng có thể đạp xe đến bán đảo dọc bờ phải Sava từ Ušće và trung tâm kinh doanh thể thao và giải trí "Milan Gale Muškatirović", hoặc từ Beograd Mới.[181]
Ở lối vào Ada Ciganlija có bãi đỗ xe sức chứa hàng ngàn chiếc và bến Čukarica dành cho các du thuyền nhỏ.[55] Trong bến còn có đài phun nước, quầy nướng thịt, sân chơi cho trẻ em, hiện tại có thể cho 520 chiếc neo đậu cùng lúc.[182] Ở phía Makiš của bán đảo cũng có một bãi đỗ xe lớn.[183]
Năm 1922, công ty "Čavlina và Sladoljev" từ Zagreb thực hiện dự án cáp treo nối hai bờ sông Sava. Năm 1928, công ty xây dựng "Šumadija" một lần nữa đề xuất cáp treo nhưng dự án này được lên kế hoạch nối Zemun với Kalemegdan tại Pháo đài Beograd, qua đảo Veliko ratno (đảo Đại chiến). Các cabin cách nhau 2 phút và toàn bộ hành trình kéo dài 5 phút. Tuy nhiên, dự án không bao giờ được thực hiện. Kỹ sư Mirko Radovanac – tổng giám đốc Viện đô thị và nhà ở Nam Tư Juginus – đã hồi sinh ý tưởng này vào năm 2010. Sau khi tiến hành nghiên cứu sâu rộng (phân tích giao thông, khí hậu, địa chất, đô thị,...), Juginus trình bày một dự án kết nối Beograd Mới và Čukarica thông qua Ada Ciganlija. Đề xuất rằng trạm cuối đặt ở Trung tâm thể thao Kosutnjak và Block 44 thuộc Beograd Mới, bên kia sông Sava. Tổng cộng 5 trạm đều nằm ở mạng lưới giao thông chính nối Banovo Brdo, Makiš và Ada Ciganlija, và được coi là "tuyến đường tối ưu". Kế hoạch cũng bao gồm việc xây dựng không gian thương mại 2.000 m² xung quanh trạm giúp sinh lời cho dự án. Ngoài việc thân thiện với môi trường và thu hút du khách, thời gian di chuyển ước tính sẽ được rút ngắn còn khoảng 45 phút. Chính quyền thành phố đưa dự án vào Quy hoạch đô thị chung của Thành phố Beograd chia thành từng giai đoạn dự kiến. Giai đoạn đầu là tuyến Block 44 - Ada Ciganlija dài 1.000 m dùng 8 cột trụ thép ở độ cao 35 m, hành trình mất 3 phút. Theo kế hoạch, cáp treo hoạt động cả năm và các cabin sẽ vận chuyển được cả xe trượt tuyết và ván trượt. Cuối cùng, dự án không bao giờ đi vào thực hiện.[184][185]
Tháng 9 năm 2019, chính quyền thành phố công bố thông tin di dời cầu Sava kết nối Ada Ciganlija với Beograd Mới.[186][187] Tuy nhiên, trên trang web thành phố Beograd, người dân bình chọn di dời cầu Sava đến vườn Ušće và dựng một cầu mới cho người đi bộ và xe đạp nối giữa Block 70 và Ada Ciganlija.[188] Ngày 15 tháng 4 năm 2020, kiến trúc sư trưởng Beograd Marko Stojčić trình bày ý tưởng cây cầu mới, thiết kế dành cho người đi bộ và xe đạp, kết nối Beograd Mới hoặc Block 70a tới Ada Ciganlija.[189] Dự kiến khởi công vào nửa cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 và hoàn tất vào cuối năm 2022.[190][191]
Tháng 6 năm 2002, sau khi sắp xếp bãi đỗ xe lớn gần "Kupatila Beograd", JP Ada Ciganlija hợp tác với thành phố Beograd cung cấp bốn xe điện để vận chuyển du khách miễn phí tới bán đảo.[192][193]
Năm 2008 khởi công xây dựng cầu đường bộ và đường sắt kết nối các khu đô thị Beograd và Čukarica từ đầu mũi Ada Ciganlija. Cầu được lên kế hoạch là một phần của Vành đai Cao tốc Nội thành (Unutrašnjeg magistralnog poluprstena - UMP) Beograd kết nối Beograd Mới với Zvezdara. Hình dáng cầu do công ty Ponting của Slovenia thiết kế, chiến thắng 11 ứng viên khác cuộc thi thiết kế năm 2004, với nhà thiết kế chính Viktor Markelj và kiến trúc sư Peter Gabrijelčič. Kết quả này được nhất trí bởi ban giám khảo chuyên gia đứng đầu là Nikola Hajdin, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Serbia và nhà thiết kế Cầu đường sắt mới Beograd.[194]
Cầu dây văng dài 929 mét, với sáu làn, hai lối dành cho người đi bộ và hai đường ray dành cho tàu điện ngầm tương lai. Cầu rộng 45,04 mét. Tháp cầu cao 200 mét. Chiều dài nhịp chính là 376 mét.[195] Cầu được chính thức khai trương vào giao thừa giữa đêm 31 tháng 12 năm 2011 và ngày 1 tháng 1 năm 2012.[196][197] Từ ngày 5 tháng 7 năm 2019, tàu điện bắt đầu chạy qua cầu Ada.[198][199]