Công quốc bộ tộc hay công quốc gốc (tiếng Đức: Stammesherzogtum) là các lãnh thổ của các bộ tộc Đức, gồm các tộc người Frank, người Sachsen, người Baiern và người Alemanni, cấu thành nên Vương quốc Đức vào thời điểm sụp đổ của Vương triều Caroling sau cái chết của Ludwig Trẻ con (Ludwig das Kind) năm 911, qua đến giai đoạn chuyển tiếp dẫn đến sự hình thành Vương triều Otto sau đó.
Sau khi thay thế Vương triều Meroving cai trị Đông Francia, các vua Caroling đã xóa bỏ các lãnh thổ bộ tộc thời kỳ đầu của Đế chế vào thế kỷ thứ 8. Khi Đế quốc Carolus suy tàn, các bộ tộc cũ trỗi dậy, nhưng với một danh nghĩa mới. Năm công quốc bộ tộc mới (đôi khi còn được gọi là "công quốc bộ tộc trẻ" để phân biệt với các lãnh thổ bộ tộc thời kỳ tiền Caroling, đôi khi cũng được gọi là "công quốc bộ tộc") là: Bayern (người Baiern), Franken, Lothringen (người Frank), Sachsen (người Sachsen) và Schwaben (người Alemanni).[1] Các vua của Vương triều Salic (trị vì 1027–1125) vẫn giữ các công quốc bộ tộc như các bộ phận chính của nước Đức, nhưng chúng ngày càng trở nên lỗi thời trong thời kỳ đầu trung cổ, dưới triều đại Hohenstaufen, và cuối cùng đã bị Frederick Barbarossa bãi bỏ vào năm 1180 để ủng hộ quá trình phân chia lãnh thổ các bộ tộc cũ thành các công quốc thực thụ.
Nguồn gốc của người Đức từ một số bộ tộc Đức (Deutsche Stämme; Volksstämme) được phát triển trong lịch sử và dân tộc học Đức trong thế kỷ 18-19. Khái niệm "bộ tộc Đức" liên quan đến gia đoạn Sơ kỳ và Trung kỳ Trung Cổ, được phân biệt với khái niệm các bộ lạc Đức chung chung hơn ở Hậu kỳ cổ đại. Đôi khi khái niệm này có sự phân biệt giữa khái niệm "bộ tộc cổ đại" (Altstämme), tồn tại trong thế kỷ 10 và "bộ tộc mới" (Neustämme), xuất hiện trong giai đoạn Trung kỳ Trung cổ do kết quả của sự mở rộng về phía đông. Việc phân định hai khái niệm trên khá là mơ hồ, và kết quả là khái niệm này làm nảy sinh một lịch sử tranh chấp chính trị và học thuật.[3] Các thuật ngữ Stamm (bộ tộc), Nation (quốc gia) hoặc Volk (dân tộc) được sử dụng khác nhau trong lịch sử Đức hiện đại phản ánh các khái niệm tương đương trong Tiếng Latinh là gens, natio hoặc populus trong các tài liệu nguồn thời Trung cổ.
Sử học truyền thống của Đức ghi nhận sáu Altstämme hay "bộ tộc cổ đại", gồm người Baiern, người Alemanni, người Frank, người Sachsen, người Friesisch và người Thüringer. Tất cả đều đã được hợp nhất trong Đế quốc Carolus vào cuối thế kỷ thứ 8. Chỉ có bốn bộ tộc trong số này được tái hình thành thành các các công quốc bộ tộc sau này; công quốc Thüringen thời Meroving trước đây bị nhập vào Sachsen năm 908 trong khi công quốc Friesisch trước đây đã bị chinh phục, nhập vào Francia vào năm 734. Luật tục hoặc luật bộ tộc của các nhóm này được ghi lại vào đầu thời kỳ trung cổ ( Lex Baiuvariorum, Lex Alamannorum, Lex Salica và Lex Ripuaria, Lex Saxonum, Lex Frisionum và Lex Thuringorum). Luật tục Franken, Sachsen và Schwaben vẫn có hiệu lực và cạnh tranh tốt với luật của triều đình Thánh chế La Mã cho đến thế kỷ 13.
Danh sách các Neustämme (bộ tộc mới) ít xác định hơn nhiều và có thể thay đổi đáng kể; các nhóm đã được liệt kê trong tiêu đề này bao gồm Märker, Lausitzer, Mecklenburger, Thượng Sachsen, Pomerania, Silesia và Đông Phổ, phản ánh đại khái hoạt động định cư của người Đức trong thế kỷ 12 đến 15.
Việc sử dụng khái niệm Stämme (bộ tộc) chứ không phải là Völker (dân tộc), xuất hiện vào đầu thế kỷ 19 trong bối cảnh dự án thống nhất nước Đức. Karl Friedrich Eichhorn năm 1808 vẫn sử dụng khái niệm Deutsche Völker (các dân tộc Đức). Friedrich Christoph Dahlmann năm 1815 đã yêu cầu sử dụng khái niệm dân tộc Đức (Volk) thống nhất trong các bộ tộc của mình (in seinen Stämmen). Thuật ngữ này đã trở thành tiêu chuẩn và được phản ánh trong phần mở đầu của hiến pháp Weimar năm 1919, đọc là Das deutsche Volk, einig trong seinen Stämmen [. . . ] (“Dân tộc Đức, thống nhất trong các bộ tộc của mình...").
Thành phần dân số Đức truy nguồn về các bộ tộc này như một thực tế lịch sử hầu như được công nhận trong sử học đương đại, trong khi các học giả thường xuyên đưa ra lời cảnh báo rằng mỗi bộ tộc nên được xem như một trường hợp riêng lẻ có lịch sử dân tộc khác nhau,[4] mặc dù một số sử gia đã làm sống lại thuật ngữ "dân tộc" (Völker) hơn là "bộ tộc" (Stämme).[5]
Sự phân chia vẫn được sử dụng hiện tại trong phân loại thông thường các phương ngữ tiếng Đức thành tiếng Franken, tiếng Alemanni, tiếng Thuringen, tiếng Bayern và tiếng Hạ Đức (bao gồm tiếng Friso-Saxon, với tiếng Frisian được coi là một ngôn ngữ riêng biệt). Tại Bayern ngày nay, sự phân chia thành "bộ tộc Bayern" (bayerische Stämme) vẫn còn tồn tại đối với các quần thể của Altbayern (thuộc Bayern), Franken và Schwaben.
Đế chế thống nhất Đông Francia thực chất được tổ hợp thành từ các lãnh thổ bộ tộc, đứng đầu bởi các thủ lĩnh bộ tộc được công nhận các chức vụ như rex hoặc dux tùy theo địa vị của họ trong đế chế. Có địa vị cao nhất trong số đó, là các tộc người Sachsen và người Bayern, vốn đã bị Charlemagne chinh phục, và người Alamannen, chịu thần phục người Frank vào năm 746.[6] Trong sử học Đức, họ được gọi là jüngere Stammesherzogtümer (các công quốc bộ tộc trẻ),[7] nhằm phân biệt với các công quốc bộ tộc cũ từng là chư hầu dưới thời Vương triều Meroving. Mặc dù vậy, thuật ngữ "công quốc bộ tộc" vẫn được dùng phổ biến để chỉ khái niệm này. Nhà sử học Herwig Wolfram phủ nhận bất kỳ sự phân biệt thực sự nào giữa các công quốc bộ tộc cũ hơn và trẻ hơn, hoặc giữa các công quốc bộ tộc của Đức và các lãnh thổ thành bang tương tự ở các vùng khác của đế chế Caroling:
Sau các Hiệp ước Verdun (843), Meerssen (870) và Ribemont (880), Vương quốc Đông Francia được hình thành từ các lãnh thổ của người Baiern, Alamannen và Sachsen, cùng với các phần phía đông lãnh thổ của người Frank. Vương quốc được phân chia vào năm 864–865 cho các con trai của Ludwig Người Đức, phần lớn dọc theo ranh giới của các bộ tộc này. Tuy nhiên, vương quyền của tộc Caroling nhanh chóng tan rã sau năm 899 dưới sự cai trị của Ludwig Trẻ con, điều này cho phép các lãnh chúa địa phương hồi sinh các công quốc bộ tộc với tư cách là các thực thể tự trị và cai trị các bộ tộc của họ dưới quyền tối cao của nhà vua.
Sau cái chết của Ludwig Trẻ con vào năm 911, các bộ tộc vẫn tiếp tục thừa nhận sự thống nhất của vương quốc. Các lãnh chúa đã tập hợp và bầu Konrad I làm vua của họ. Theo luận điểm của Tellenbach, chính các lãnh chúa bộ tộc đã tạo ra các công quốc dưới thời trị vì của Konrad.[8] Không có bộ tộc nào cố gắng thành lập một vương quốc độc lập. Ngay cả sau cái chết của Konrad vào năm 918, khi việc bầu chọn Heinrich Người săn chim dẫn đến tranh chấp, đối thủ của ông, Arnulf I xứ Bayern, đã không thành lập một vương quốc riêng biệt mà tuyên bố chủ quyền toàn bộ vương quốc,[9] trước khi bị Heinrich buộc phải phục tùng vương quyền.[6] Heinrich thậm chí có thể đã ban hành một luật quy định rằng vương quốc sau đó sẽ được thống nhất.[6] Arnulf tiếp tục cai trị nó như một vị vua ngay cả sau khi ông phục tùng, nhưng sau khi ông qua đời vào năm 937, bộ tộc của ông nhanh chóng được đặt dưới sự kiểm soát của hoàng gia bởi Otto Đại đế, con trai của Heinrich.[7] Các vị vua của Vương triều Otto ban đầu đã cố gắng giữ các công quốc như là một nhánh kiểm soát địa phương của vương quyền, nhưng đến triều đại của Heinrich IV, các công tước đã biến các công quốc thành những lãnh thổ kế vị riêng cha truyền con nối về mặt chức năng.[10]
Năm công quốc bộ tộc đó là:[1]
Lịch sử chính trị phức tạp của Đế chế La Mã Thần thánh trong thời Trung cổ đã dẫn đến sự phân chia hoặc thành lập của hầu hết các công quốc đầu thời Trung cổ. Frederick Barbarossa vào năm 1180 đã bãi bỏ hệ thống công quốc bộ tộc để tạo ra thêm nhiều công quốc lãnh thổ hơn. Công quốc Bayern là công quốc bộ tộc duy nhất đã thực hiện chuyển đổi hoàn toàn sang công quốc lãnh thổ, cuối cùng trở thành bang Bayern trong nước Đức hiện đại. Một số công quốc bộ tộc khác nổi lên như một bộ phận của Đế chế La Mã Thần thánh; do đó, Lãnh địa tuyển hầu Sachsen, trong khi không trực tiếp kế thừa Công quốc Sachsen, lại làm phát sinh ra bang Sachsen hiện đại. Mặt khác, các công quốc Franken và Schwaben đã tan rã và chỉ tương ứng một cách mơ hồ với các vùng Schwaben và Franken ngày nay. Công quốc Thüringen thời Meroving tuy không trở thành công quốc bộ tộc của Đế chế La Mã Thần thánh, thậm chí còn bị giáng xuống địa vị một phong địa thuộc Sachsen vào năm 908, nhưng năm 1920, bang Thüringen hiện đại được thành lập với lãnh thổ gần nhưng nằm trọn trong vùng Thüringen lịch sử.