Mary I của Anh

Mary I của Anh
Nữ vương nước AnhIreland
Tại vị24 tháng 7 năm 1553 – 17 tháng 11 năm 1558
(5 năm, 116 ngày)
Đăng quang1 tháng 10 năm 1553
Đồng trị vìFelipe II của Tây Ban Nha (jure uxoris)
Tiền nhiệmEdward VI Vua hoặc hoàng đế
hoặc Jane Grey (tranh cãi)
Kế nhiệmElizabeth I Vua hoặc hoàng đế
Vương hậu nước Tây Ban Nha
Tại vị16 tháng 1 năm 1556 – 17 tháng 11 năm 1558
(2 năm, 305 ngày)
Tiền nhiệmIsabel của Bồ Đào Nha
Kế nhiệmÉlisabeth của Pháp
Thân vương phi xứ Asturias
Tại vị25 tháng 7 năm 1554 – 16 tháng 1 năm 1556
(1 năm, 175 ngày)
Tiền nhiệmMaria Manuela của Bồ Đào Nha
Kế nhiệmÉlisabeth của Pháp
Vương hậu Napoli
Tại vị25 tháng 7 năm 1554 – 17 tháng 11 năm 1558
(4 năm, 115 ngày)
Tiền nhiệmIsabel của Bồ Đào Nha
Kế nhiệmÉlisabeth của Pháp
Thông tin chung
Sinh(1516-02-18)18 tháng 2 năm 1516
Cung điện Placentia, Greenwich
Mất17 tháng 11 năm 1558(1558-11-17) (42 tuổi)
Cung điện Thánh James, Luân Đôn
An táng14 tháng 12 năm 1558
Tu viện Westminster, Luân Đôn
Phối ngẫuFelipe II của Tây Ban Nha Vua hoặc hoàng đế
Tên đầy đủ
Mary Tudor
Vương tộcNhà Tudor
Nhà Habsburg (kết hôn)
Thân phụHenry VIII của Anh Vua hoặc hoàng đế
Thân mẫuCatalina của Aragón và Castilla
Tôn giáoCông giáo La Mã
Chữ kýChữ ký của Mary I của Anh

Mary I của Anh (tiếng Anh: Mary I of England; tiếng Tây Ban Nha: María I de Inglaterra; tiếng Pháp: Marie Ire d'Angleterre; tiếng Đức: Maria I. von England; tiếng Ý: Maria I d'Inghilterra; 18 tháng 2 năm 1516 – 17 tháng 11 năm 1558), được biết đến là Nữ vương nước AnhIreland từ tháng 7 năm 1553 cho đến khi qua đời. Bởi vì những hành động thẳng tay đàn áp những người Kháng Cách trong thời kỳ mà bà trị vì, những người chống đối gọi bà là Mary khát máu (Bloody Mary). Trong lịch sử quân chủ nước Anh, nếu không tính Hoàng hậu MatildaJane Grey chưa chính thức hoặc gây tranh cãi về tính hợp pháp, thì Mary được xem là vị Nữ vương đầu tiên chính thức nhận ngai vị trị vì lãnh thổ Anh.

Một người cháu của Quân chủ Công giáo, Mary là con gái cả của Henry VIII của Anh, nằm trong danh sách kế vị chính thống. Nhưng khi cha bà tiêu hôn với mẹ bà, Catalina của Aragón để cưới Anne Boleyn, Mary bị xem là con ngoại hôn và bị tước đi quyền thừa kế Vương vị của cha. Sau khi xử tử Anne Boleyn và cưới Jane Seymour, nhà vua có người con trai tên Edward do Jane sinh ra, về cơ bản Mary hoàn toàn không còn khả năng kế vị, cùng với em gái Elizabeth Tudor. Năm 1547, em trai của Mary là Edward Tudor lên ngôi, tức Edward VI của Anh. Tuy vậy, nhà vua có sức khỏe không được tốt và không có khả năng sinh được người kế vị, quyền kế vị đột nhiên trở về tay của Mary sau Đạo luật kế vị thứ 3 vào năm 1543, một đạo luật mà vua cha Henry VIII đã thông qua trước khi qua đời, công nhận khả năng thừa kế của Mary và Elizabeth chỉ sau Edward.

Năm 1553, khi lâm trọng bênh, Edward cố dời bỏ tên Mary khỏi danh sách kế vị do dị biệt tôn giáo giữa hai chị em, vì Mary sùng theo Công giáo La Mã còn Edward theo phái Kháng Cách. Sau khi Edward qua đời, theo di chiếu của Edward thì Jane Grey được tuyên xưng là Nữ vương. Với tình thế như vậy, Mary liền chiêu tập binh mã trong vùng Đông Anglia để truất phế Jane Grey và lên ngôi Nữ vương một cách chính thống, sau đó Jane Grey cũng bị hành quyết để củng cố quyền cai trị của Mary trên ngai vàng nước Anh. Năm 1554, Mary kết hôn với Felipe II của Tây Ban Nha, do đó bà trở thành kiêm nhiệm tước hiệu Vương hậu Tây Ban Nha cùng các lãnh thổ khác, sau khi chồng bà lên ngôi năm 1556.

Là vị quân chủ thứ tư của Vương tộc Tudor, Mary được nhớ đến vì việc khôi phục sự ảnh hưởng của Công giáo La Mã tại Anh, đã bị đứt gãy vì cuộc hôn nhân giữa Henry VIII và Anne Boleyn. Trong suốt 5 năm trị vì, Mary ra sức càn quét những người theo Kháng Cách mà người ta gọi đó là Thời kỳ khủng bố triều đại Mary (Marian Persecution). Sau khi qua đời năm 1558, cục diện lại xoay chuyển lần nữa bởi người em gái cùng cha khác mẹ theo phái Kháng Cách, Elizabeth I của Anh.

Thiếu thời

[sửa | sửa mã nguồn]

Xuất thân

[sửa | sửa mã nguồn]
Mẹ của Mary, Catalina của Aragón và Castilla

Mary Tudor chào đời ngày 18 tháng 2 năm 1516 tại Cung điện PlacentiaGreenwich, Luân Đôn, là con duy nhất còn sống cho đến tuổi trưởng thành của Henry VIII với người vợ đầu, Catalina của Aragón. Trước khi sinh Mary, Vương hậu Catalina bị sẩy thai nhiều lần, chỉ có một người anh chết yểu trước bà là Henry Tudor, Công tước xứ Cornwall là được kịp đặt tên và làm lễ rửa tội.[1] Qua họ mẹ, Mary là cháu ngoại của Ferrando II của AragónIsabel I của Castilla, hai vị Song vương vĩ đại được Giáo hội Công giáo phong danh hiệu cao quý Quân chủ Công giáo. Sau khi ra đời 3 ngày, Mary được rửa tội theo nghi thức Công giáo ở Greenwich[2], cha mẹ đỡ đầu của Mary gồm có: Bá tước phu nhân xứ Devon, Tể tướng Thomas Wolsey, và Công tước phu nhân xứ Norfolk.[2] Cháu họ của Henry, Margaret Plantagenet, Nữ Bá tước xứ Salisbury đỡ đầu Mary trong lễ kiên tín, tổ chức ngay sau lễ rửa tội.[2]

Vương nữ Mary là cô bé thông minh trước tuổi.[3] Tháng 7 năm 1520, khi chưa đủ 4 tuổi, Mary biểu diễn đàn virginals cho một phái đoàn Pháp đến viếng thăm.[4] Mary thụ hưởng phần lớn nền giáo dục ban đầu từ mẹ, và Vương hậu đã nhờ một học giả người Tây Ban Nha, Juan Luis Vives, tư vấn, và yêu cầu ông viết quyển De Institutione Feminae Christianae, về phương pháp giáo dục dành cho các bé gái.[5] Mới lên 9 tuổi, Mary biết đọc và viết bằng tiếng Latin.[6] Mary học tiếng Pháp, Tây Ban Nha, âm nhạc, khiêu vũ, và có lẽ cả tiếng Hy Lạp.[7] Quốc vương Henry VIII rất yêu con gái và khoe với sứ thần Venezia, Sebastian Giustiniani rằng:"Cô bé này chưa hề khóc bao giờ"[8].

Dù yêu con gái hết mực, Henry VIII vẫn thất vọng về cuộc hôn nhân vì Vương hậu không thể sinh con trai.[9] Khi Mary lên 9 tuổi, cơ may cho Henry và Catalina có con trai nối dõi đã tiêu tan.[10] Năm 1525, Henry cử Mary đến biên giới xứ Wales để chủ tọa, chỉ trên danh nghĩa, Hội đồng xứ Wales.[11] Mary khi đó có "triều đình" riêng đặt tại Lâu đài Ludlow cùng danh hiệu và các đặc quyền vương tộc dành cho Thân vương xứ Wales. Các phu nhân và những người khác gọi bà là Nữ Thân vương xứ Wales (Princess of Wales), mặc dù Mary chưa bao giờ được tấn phong danh hiệu này.[12] Trong 3 năm sống ở biên giới xứ Wales, Mary thường về thăm triều đình của phụ vương, trước khi về sống tại Luân Đôn từ giữa năm 1528.[13]

Suốt thời thơ ấu của Mary, Quốc vương Henry VIII nhiều lần sắp xếp hôn nhân cho con gái. Khi mới 2 tuổi, Mary đã được hứa gả cho Vương tử nước Pháp (khi ấy còn rất nhỏ), con trai của François I của Pháp, nhưng ba năm sau hôn ước bị hủy bỏ.[14] Năm 1522, lúc sáu tuổi, Mary hứa hôn với người anh họ 22 tuổi, Karl V của Thánh chế La Mã, người cháu gọi vương hậu Catalina là dì.[15] Tuy nhiên, vài năm sau, Karl hủy hôn ước với sự đồng ý của Henry VIII.[16] Hồng y Wolsey, cố vấn chính của Henry VIII, một lần nữa sắp xếp hôn nhân với Pháp, lần này Henry muốn Mary kết hôn với chính Quốc vương François I của Pháp, người đang thiết tha muốn liên kết với Anh.[17] Hợp đồng hôn nhân được ký kết, theo đó Mary sẽ kết hôn hoặc với François I, hoặc với con trai ông là Henri của Pháp, Công tước xứ Orléans,[18] nhưng Wolsey muốn bảo đảm sự liên minh với Pháp mà không cần kết ước hôn nhân. Theo nhận xét của Mario Savorgnano, sứ thần Venezia, Mary là một thiếu nữ có vóc dáng cân đối với làn da đẹp.[19]

Cha mẹ tiêu hôn

[sửa | sửa mã nguồn]
Vương nữ Mary vào thời điểm đính hôn với Carlos I của Tây Ban Nha.[20]

Trong khi đó, hôn nhân giữa Henry VIII của AnhCatalina của Aragón có nguy cơ đổ vỡ. Thất vọng vì không có con trai nối ngôi, và vì khao khát kết hôn lần nữa, Henry muốn hủy bỏ hôn nhân với Catalina để cưới một người khác, nhưng ý định này của ông bị Giáo hoàng Clêmentê VII từ chối. Henry trích dẫn Kinh Thánh (Lê-vi ký 20: 21)[21] để chứng minh rằng hôn phối giữa ông và Vương hậu Catalina là bất khiết bởi vì Catalina trước đó đã kết hôn với người anh trai quá cố của ông, Vương tử Arthur, trong khi Vương hậu Catalina nói rằng hôn nhân giữa bà với Arthur là chưa hoàn thiện (hai người chưa nên vợ chồng trong khuê phòng). Dựa trên yếu tố ấy mà Giáo hoàng Giuliô II đã tuyên bố hủy bỏ cuộc hôn nhân. Clement miễn cưỡng từ khước yêu cầu của Henry VIII là do áp lực từ Karl V, cháu của Vương hậu Catalina, và từng là hôn phu của Mary. Trước đó, quân đội của Karl V đã chiếm đóng Roma trong Chiến tranh Liên minh Cognac.[22]

Từ năm 1531, Mary thường xuyên mắc bệnh và bị trầm cảm, dù không rõ nguyên nhân.[23] Bà không được phép gặp mẹ, lúc ấy bà đã rời khỏi cung.[24] Đầu năm 1533, Henry kết hôn với Anne Boleyn, đến tháng 5, Thomas Cranmer, Tổng Giám mục Canterbury, chính thức tuyên bố cuộc hôn nhân với Vương hậu Catalina bị hủy bỏ, và hôn nhân với Anne là hợp lệ. Henry tách khỏi Giáo hội Công giáo La Mã, tuyên bố đứng đầu Giáo hội Anh. Vương hậu Catalina trở thành Quả phụ Vương phi xứ Wales (Dowager Princess of Wales), và Mary bị xem là con ngoại hôn, và vị trí của bà trong danh sách kế vị được dành cho em gái cùng cha khác mẹ mới chào đời của bà, Elizabeth Tudor, con gái của Anne Boleyn.[25]

Lập trường của Mary cương quyết không chịu thừa nhận Anne Boleyn là Vương hậu, và Elizabeth là Vương nữ khiến Henry tức giận.[26] Bị căng thẳng và bị cấm đoán, Mary thường xuyên bệnh tật.[27] Sứ thần của Hoàng đế Karl V trở thành người thân cận của Mary, thay bà khẩn khoản Henry VIII nhưng không thành.[28] Mối quan hệ giữa Mary và phụ vương ngày càng tồi tệ; suốt ba năm, họ không chịu nói chuyện với nhau.[29] Mặc dù Mary và mẹ đều mắc bệnh, bà từ chối khi được phép đến thăm mẹ.[30] Khi Vương hậu Catalina từ trần năm 1536, Mary đau khổ "khôn nguôi".[31] Khi Catalina được an táng tại Đại giáo đường Peterborough, Mary đau buồn ở một nơi vắng vẻ trong tòa nhà Hunsdon ở Hertfordshire.[32]

Trưởng thành

[sửa | sửa mã nguồn]
Henry VIII, c. 1537

Năm 1536, Vương hậu Anne Boleyn bị thất sủng rồi bị xử chém. Vương nữ Elizabeth, giống Mary, trở thành Lady Elizabeth và bị tước quyền kế vị.[33] Chỉ hai tuần sau khi hành quyết Anne, Henry kết hôn với Jane Seymour. Vương hậu Jane Seymour nài xin chồng giải hòa với Mary.[34] Henry nhấn mạnh rằng Mary phải nhìn nhận ông là người đứng đầu Giáo hội Anh, bác bỏ thẩm quyền Giáo hoàng, công nhận hôn nhân của ông với mẹ bà là không hợp lệ, và chấp nhận mình là con bất hợp pháp. Mary cố giải hòa với cha bằng cách thuận phục thẩm quyền của ông đến mức "Chúa và lương tâm" cho phép, nhưng dần dà Mary chịu ký một văn kiện thỏa thuận với những đòi hỏi của Henry.[35] Mary được phục hồi địa vị trong triều.[36] Henry ban cho bà gia nhân và người tùy tùng.[37] Tòa nhà Hatfield, Cung Beaulie, Richmond và Hunsdon là những nơi ở chính của Mary, cùng các cung điện của Henry ở Greenwich như Westminster và Hampton Court.[38] Bà có quỹ riêng để chi trả cho các loại trang phục đắt tiền cũng như giải trí bằng cách chơi bài, là thú vui bà ưa thích.[39] Cuộc nổi dậy ở phía bắc nước Anh, gọi là Pilgrimage of Grace, có sự tham gia của Lord Hussey, từng là quan thị thần cho Mary, bị trấn áp dữ dội.[40] Hussey, cùng những người khác, bị xử tử, nhưng không có chứng cứ Mary dính líu đến vụ việc.[41] Năm sau, 1537, Jane từ trần sau khi sinh Vương tử Edward. Mary được chọn làm mẹ đỡ đầu cho em trai cùng cha khác mẹ của mình, và là người than khóc chính trong tang lễ của Vương hậu.[42]

Cuối năm 1539, Công tước Philipp xứ Bayern muốn tìm hiểu bà, nhưng Philipp là tín hữu Luther nên việc không thành.[43] Tể tướng của nhà vua, Thomas Cromwell, thương thuyết với đồng minh tiềm năng, Công tước xứ Kleve, và muốn sắp xếp hôn nhân giữa Mary với Cleves, người cùng tuổi với Mary, nhưng lại không thành. Rốt cuộc, Henry đồng ý cưới Anna, chị gái của Công tước xứ Kleve.[44] Tháng 12, 1539, sau lần gặp mặt đầu tiên, Henry không thích cô dâu nhưng không thể từ hôn vì lý do ngoại giao.[45] Song, Cromwell bị thất sủng, bị bắt giữ vì tội phản quốc, và một tội danh vô lý khác: ông mưu tính kết hôn với Mary.[46] Anna vội vàng đồng ý hủy hôn, tuyên bố cuộc hôn nhân là chưa hoàn thiện, còn Cromwell bị chém đầu.[47]

Mary as a young woman
Lady Mary vào năm 1544

Năm 1541, Henry xử tội chết Nữ Bá tước xứ Salisbury, từng là mẹ đỡ đầu và quản gia cho Mary, do một âm mưu của người Công giáo mà con trai của bà, Reginald Pole, có liên can.[48] Năm 1542, sau khi hành quyết người vợ thứ năm của mình, Catherine Howard, Henry, đang sống đơn thân, cho mời Mary đến dự lễ Giáng sinh.[49] Mary xuất hiện với cha trong các sự kiện trong triều với tư cách nữ chủ nhà.[50] Năm 1543, Henry kết hôn với người vợ thứ sáu, Catherine Parr, người đã giúp hàn gắn gia đình chồng.[51] Qua Đạo luật Kế vị 1544, Henry phục hồi quyền kế vị cho hai người con gái, Mary và Elizabeth, kế tiếp Edward, mặc dù họ vẫn bị xem là con ngoại hôn.[52]

Năm 1547, Henry băng hà và Edward lên ngôi. Mary thừa hưởng các lãnh địa ở Norfolk, Suffolk, và Essex, còn được ban tặng tòa nhà Hunsdon và Cung Beaulieu.[53] Edward và Hội đồng Nhiếp chính tiến hành các cải cách tôn giáo trên toàn quốc theo khuynh hướng Kháng Cách qua Đạo luật Đồng nhất năm 1549, áp dụng nghi thức Tin Lành trong các thánh lễ và sử dụng Sách Cầu nguyện chung của Thomas Cranmer. Mary vẫn kiên định với niềm tin Công giáo và cho cử hành lễ misa trong nguyện đường của bà. Bà cũng kêu gọi người anh họ, Karl V, sử dụng các biện pháp ngoại giao để bà có thể tiếp tục hành đạo theo niềm tin của bà.[54]

Trong thời trị vì của Edward, Mary ít khi xuất hiện tại triều đình.[55] Giữa tháng 5 và 7 năm 1550, có một kế hoạch nhằm giúp Mary đào thoát khỏi nước Anh để đến một nơi an toàn trong lục địa châu Âu nhưng bất thành.[56] Giáng sinh năm 1550, Mary họp mặt với ElizabethEdward, lúc đó nhà vua công khai quở trách Mary vì xem thường các chuẩn mực tôn giáo.[57] Mary kiên quyết bác bỏ yêu cầu của Edward muốn bà từ bỏ Công giáo, trong khi Edward tiếp tục kiên trì với đòi hỏi của mình.[58]

Lên ngôi

[sửa | sửa mã nguồn]
Mary và Elizabeth được tiếp rước khi vào Luân Đôn, tranh họa sĩ ẩn danh (sau năm 1907).

Ngày 6 tháng 7 năm 1553, Edward VI băng hà khi mới 15 tuổi.[59] Edward không muốn trao ngai vàng cho Mary bởi vì e ngại Mary sẽ phục hồi Công giáo và đảo ngược mọi nỗ lực cải cách của ông, cũng như của phụ vương Henry VIII, người tìm mọi cách loại bỏ Mary khỏi danh sách kế vị. Các cố vấn cho biết không thể loại bỏ một mình Mary mà không làm như thế đối với Elizabeth, dù Elizabeth ủng hộ chương trình cải cách, Edward đồng ý tước bỏ quyền kế vị của cả hai người chị.[60]

Ngược với tinh thần Đạo luật Kế vị thứ ba, theo đó Mary và Elizabeth đã được phục hồi quyền kế vị, Edward chọn con dâu của Dudley, Jane Grey, là người kế vị. Jane Grey là cháu ngoại của em gái Henry VIII, Mary Tudor, Vương hậu Pháp. Mẹ của Lady Jane, Frances Brandon, là em họ và là con đỡ đầu của Mary. Trước khi Edward băng hà, Mary được gọi về Luân Đôn để gặp nhà vua, nhưng bà được báo cho biết đó là cái cớ để bắt giữ bà rồi đưa Jane lên ngôi.[61] Mary rời Hunsdon để đến vùng Đông Anglia; ở đây bà sở hữu những lãnh địa rộng lớn, năm 1549 tại đây bùng nổ một cơn bạo loạn đã bị Dudley đập tan. Nhiều người ủng hộ Công giáo cùng những người đối kháng với Dudley đang sống trong vùng.[62] Ngày 9 tháng 7, từ Kenninghall, Norfolk, Mary viết thư gửi Hội đồng Cơ mật yêu cầu tuyên bố bà là người kế vị Edward.[63]

Ngày 10 tháng 7 năm 1553, Dudley và những người ủng hộ ông tuyên bố Lady Jane là Nữ vương. Cũng trong ngày này, thư của Mary đến Luân Đôn. Ngày 12 tháng 7, tại Lâu đài Framlingham, Suffolk, Mary chiêu tập binh mã.[64] Phe Dudley càng suy yếu thì phe Mary càng vững mạnh.[65] Ngày 19 tháng 7, Jane bị truất ngôi.[66] Jane và Dudley bị tống giam trong Tháp Luân Đôn. Ngày 3 tháng 8, Mary khải hoàn tiến vào Luân Đôn trong sự chào đón của dân chúng. Cùng đi với Mary có em gái cùng cha khác mẹ, Elizabeth.[67]

Một trong những động thái đầu tiên của Mary trong cương vị Nữ vương là ra lệnh phóng thích những nhân vật Công giáo La Mã như Thomas Howard, Công tước thứ 3 xứ Norfolk, giám mục Stephen GardinerEdward Courtenay, Bá tước thứ 1 xứ Devon khỏi Tháp Luân Đôn.[68] Mary biết cô gái trẻ Jane Grey chỉ là con tốt trong kế hoạch của Dudley, người bị xử tử vì tội phản quốc ngay sau vụ chính biến. Lady Jane Grey và chồng, Guildford Dudley, bị kết án, nhưng bị giam giữ tại Tháp Luân Đôn thay vì bị hành quyết, trong khi cha của Jane, Henry Grey, Công tước thứ 1 xứ Suffolk, được tha.[69] Mary lâm vào tình huống khó xử bởi vì hầu hết thành viên Hội đồng Cơ mật đều có liên can đến kế hoạch lập Jane làm Nữ vương.[70] Mary bổ nhiệm Gardiner vào Hội đồng, và cho ông nắm giữ cùng lúc hai chức vụ, Giám mục Winchester và Tể tướng, Gardiner đảm nhiệm hai chức vụ này cho đến khi qua đời vào tháng 11 năm 1555.[71] Ngày 1 tháng 10 năm 1553, Gardiner chính thức trao vương miện cho Mary tại Tu viện Westminster.[72]

Hôn nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Ở tuổi 37, Mary chú tâm đến việc lập gia đình và có con nối ngôi nhằm ngăn cản Lady Elizabeth, một tín hữu Kháng Cách lên ngôi (theo Đạo luật Kế vị 1554, và theo chúc thư của Henry VIII, Elizabeth vẫn là người kế vị). Dù Edward Courtenay và Reginald Pole được xem là những người có triển vọng, nhưng anh họ của Mary là Hoàng đế Karl V khuyên bà nên kết hôn với con trai duy nhất của ông, Vương tử Felipe.[73] Felipe đã có một con trai từ cuộc hôn nhân trước; ông cũng là người thừa kế những lãnh thổ rộng lớn ở châu ÂuTân Thế giới. Một bức chân dung của Felipe được gởi đến Mary trong tháng 9 năm 1553.[74]

Felipe II của Tây Ban Nha, tranh Tiziano Vecelli (1551).

Quan Chưởng ấn Gardiner và Hạ Nghị viện nài xin Nữ vương kết hôn với một người Anh vì e rằng nước Anh sẽ bị phụ thuộc nhà Habsburg của Thánh chế La Mã.[75] Cuộc hôn nhân này giữa Mary và Felipe rất mất lòng dân; Gardiner và đồng minh của ông đề kháng vì muốn bảo vệ quyền lợi quốc gia, còn người Kháng Cách thì e sợ Công giáo.[76] Khi Mary tỏ ý kiên quyết kết hôn với Felipe liền bùng nổ các cuộc nổi dậy. Việc Thomas Wyatt Trẻ lãnh đạo một lực lượng nổi dậy từ Kent nhằm lật đổ Mary để tôn vương Elizabeth là một phần trong cuộc bạo loạn liên quan đến Công tước xứ Suffolk, cha của Jane.[77] Mary công khai tuyên bố sẽ triệu tập Quốc hội để xem xét vấn đề hôn nhân, nếu Quốc hội quyết định rằng cuộc hôn nhân đi ngược với quyền lợi của vương quốc, bà sẽ đổi ý.[78] Trên đường đến Luân Đôn, Wyatt bị bắt giữ. Wyatt, Công tước xứ Suffolk và con gái, Lady Jane, bị xử tử. Courtenay, có liên can đến vụ nổi dậy, bị tống giam, rồi đào thoát. Elizabeth, dù đã biện minh cho sự vô tội của mình, bị giam giữ tại Tháp Luân Đôn trong hai tháng rồi bị quản thúc trong Cung Woodstock.[79]

Trong lịch sử nước Anh, nếu không kể những ngày trị vì ngắn ngủi của Jane GreyHoàng hậu Matilda, Mary là Nữ vương đầu tiên của đất nước. Hơn nữa theo tập quán "jure uxoris" ở Châu Âu qua quan hệ hôn nhân, người chồng được hưởng tài sản và danh hiệu của vợ (xem ví dụ Philipp Đẹp traiJuana I của Castilla), người ta e rằng phu quân tương lai của Nữ vương sẽ trở thành Quốc vương nước Anh (King of England), cả trên danh nghĩa lẫn thực quyền.[80] Bên cạnh đó, cả Mary và Felipe đều là hậu duệ của John xứ Gaunt, Công tước Lancaster, và mối quan hệ này được sử dụng để củng cố quyền hành Felipe trở thành Quốc vương của Anh[81]. Theo các điều khoản của thỏa ước hôn nhân, Felipe sẽ là "Vua Anh", mọi văn kiện chính thức (kể cả các đạo luật của Quốc hội) đều ghi tên cả hai, Quốc hội cũng sẽ được triệu tập dưới thẩm quyền chung của hai người, suốt trong lúc Mary còn sống. Nước Anh không có nghĩa vụ cung ứng hỗ trợ quân sự cho phụ vương của Felipe trong bất cứ cuộc chiến nào, và mọi quyết định của Felipe phải có sự đồng thuận của vợ, ông cũng không được bổ nhiệm người nước ngoài vào các chức vụ trong nước Anh.[82] Dù không hài lòng, nhưng Felipe sẵn sàng chấp nhận để có thể kết hôn với Mary.[83] Đối với Mary, ông chẳng có chút xúc cảm nào, nhưng cưới vợ vì mưu cầu lợi ích chính trị và vì những mục tiêu chiến lược. Ruy Gómez de Silva, một tùy tùng của Felipe, khi ở Bỉ đã viết trong một bức thư, "chẳng có chút ham muốn thể xác nào trong cuộc hôn nhân này, tất cả chỉ nhằm giải quyết những bất ổn của vương quốc này và để bảo toàn lãnh thổ ở vùng hạ địa".[84][85]

Để nâng tầm con trai mình ngang hàng với Mary, Hoàng đế Karl V cuối cùng nhượng quyền cai trị NapoliVương quốc Jerusalem cho Felipe. Do đó, Mary trở thành Vương hậu NapoliJerusalem.[86] Ngày 25 tháng 7 năm 1554, hôn lễ tổ chức tại Đại giáo đường Winchester, hai ngày sau khi họ gặp nhau lần đầu.[87] Bởi vì Felipe không biết tiếng Anh nên hai người nói chuyện với nhau bằng loại ngôn ngữ pha trộn giữa tiếng Tây Ban Nha, Pháp, và Latinh[88].

Tháng 9 năm 1554, Mary lên cân, và nôn ói vào buổi sáng. Toàn thể triều đình, kể cả các bác sĩ, đều tin Mary đang mang thai.[89] Quốc hội thông qua luật bổ nhiệm Felipe là nhiếp chính trong trường hợp Mary chết khi sinh nở.[90] Cuối tháng 4 năm 1555, Elizabeth được trả tự do để làm nhân chứng cho sự sinh nở của Mary, ai cũng tin là đang đến gần.[91] Theo sứ thần Venezia, Giovanni Michieli, Felipe đã có kế hoạch cầu hôn với Elizabeth nếu Mary tử vong khi sinh. Dù vậy, trong một bức thư gởi em rể, Maximilian của Áo, Felipe không biết chắc vợ mình có mang thai hay không.[92] Giáo phận Luân Đôn cử hành lễ tạ ơn vì tin đồn Nữ vương đã sinh con trai được loan truyền khắp Châu Âu.[93] Từ giữa tháng 5 và tháng 6, người ta bắt đầu nghi ngờ việc mang thai của Nữ vương, đến tháng 7 thì mọi việc đã rõ ràng đó chỉ là tin đồn không chính xác, những triệu chứng được xem là "mang thai" này được đánh giá có lẽ do sự khao khát quá mức của Mary.[94] Tháng 8, trong thất vọng ê chề, Felipe rời nước Anh dẫn quân đánh Pháp tại Flanders.[95] Mary đau khổ đến nỗi trầm cảm. Michieli viết rằng Nữ vương "cực kỳ yêu chồng", và đau khổ khôn nguôi khi ông bỏ đi.[96]

Elizabeth được ở lại triều đình.[97] Biết Mary không thể có con, Felipe nài ép vợ gả Elizabeth cho em họ của ông, Công tước xứ Savoia, để nước Anh luôn có quân vương Công giáo, và để bảo toàn quyền lợi Vương tộc Habsburg ở Anh, nhưng Elizabeth từ chối, đồng thời Quốc hội cũng không muốn.[98]

Chính sách tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]
Tấm biển tại Maidstone, Kent, ghi: "Năm 1557, gần địa điểm này, bảy người bị hỏa thiêu vì đức tin của họ".

Sau khi đăng quang, Mary ra thông cáo sẽ không ép buộc thần dân phải theo tôn giáo của bà, nhưng đến cuối tháng 9, những giáo sĩ chủ trương cải cách như John Bradford, John Rogers, John Hooper, Hugh Latimer, và Thomas Cranmer đều bị tống giam.[99] Quốc hội đầu tiên dưới triều Mary, họp vào đầu tháng 10 năm 1553, tuyên bố hôn nhân của song thân Nữ vương là hợp lệ, và hủy bỏ các luật lệ tôn giáo dưới triều Edward.[100] Nền thần học của Giáo hội trở lại với thời kỳ trước cải cách, "Sáu Tín điều" năm 1539 được phục hồi với các điều khoản như tái xác nhận quy định độc thân cho giới tăng lữ. Những linh mục đã kết hôn bị trục xuất của giáo sở.[101]

Mary luôn chống lại quyết định của Henry VIII tách khỏi Rô-ma và nỗ lực của Edward VI thiết lập giáo hội Kháng Cách. Cùng với chồng, Mary muốn nước Anh hòa giải với Rô-ma. Felipe thuyết phục Quốc hội hủy bỏ luật tôn giáo đã thông qua dưới triều Henry để đưa Giáo hội Anh trở lại thần phục Rô-ma. Mất vài tháng mới có được sự đồng thuận, và Mary cùng Giáo hoàng Julius III phải chấp nhận một số nhượng bộ: không thu hồi đất của các tu viện hiện đang ở trong tay những chủ đất mới là những người có nhiều ảnh hưởng.[102] Đến cuối năm 1554, Giáo hoàng phê chuẩn thỏa thuận, và Đạo luật Dị giáo được phục hồi.[103]

Khi Đạo luật Dị giáo được áp dụng, nhiều người Kháng Cách bị hành quyết trong thời kỳ bách hại dưới triều Mary.[104] Nhiều người Kháng Cách giàu có, như John Foxe, chọn sống lưu vong, có khoảng 800 người rời bỏ nước Anh. Những cuộc hành quyết đầu tiên diễn ra trong năm ngày vào đầu tháng 2, 1555: John Rogers bị hành hình ngày 4 tháng 2, Laurence Saunders ngày 8 tháng 2, Rowland Taylor và John Hooper ngày 9 tháng 2.[105] Tổng Giám mục Canterbury đang bị cầm tù, Thomas Cranmer, bị buộc phải chứng kiến hai Giám mục Nicholas Ridley và Hug Latimer bị thiêu sống. Đến ngày ông bị hỏa thiêu, Cranmer chịu cải đạo.[106]

Theo quy trình thông thường của luật pháp, lẽ ra ông được xá tội vì đã hối cải. Song, Mary không chịu ân xá cho Cranmer. Khi lên giàn hỏa thiêu, trong một hành động gây nhiều xúc động, Cranmer rút lại lời chối bỏ đức tin Kháng Cách.[107] Tổng cộng có 283 người bị hành hình, trong đó có 56 phụ nữ, hầu hết là bị hỏa thiêu.[108] Các vụ hỏa thiêu đã gây nhiều bất bình đến nỗi Alfonso de Castro, một trong những tùy tùng của Felipe, cũng lên án chúng.[109] Cố vấn của Felipe, Simon Renard, cảnh báo Felipe rằng "sự thực thi luật pháp cách tàn bạo" như thế có thể "gây ra một cuộc cách mạng".[110] Mary vẫn kiên trì theo đuổi chính sách này cho đến khi băng hà, đã góp phần làm gia tăng tinh thần chống Công giáo và chống Tây Ban Nha trong dân chúng Anh,[111] trong khi các nạn nhân của cuộc bách hại được tán tụng như là những người tuẫn đạo.[112]

Tháng 11, 1554, Reginald Pole, người từng được kể tên trong số các ứng viên có thể trở thành phu quân của Mary, trở về như là sứ thần của Giáo hoàng.[113] Pole được phong linh mục và bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Canterbury ngay sau khi Cranmer bị hỏa thiêu trong tháng 3, 1556.[114][115]

Chính sách ngoại giao

[sửa | sửa mã nguồn]

Đẩy mạnh quyết sách chinh phục Ireland của Vương tộc Tudor, dưới triều Mary dân Anh được đưa đến định cư tại vùng Midlands nhằm giảm thiểu các cuộc tấn kích vào Pale (khu vực bao quanh Dublin đang dưới quyền kiểm soát của Anh). Hai quận Queen và King được thành lập, người ta bắt đầu khai hoang và lập đồn điền.[116] Những thị trấn quan trọng trong vùng được đặt tên là Maryborough (nay là Portlaoise) và Philipstown (nay là Daingean).

Tháng 1 năm 1556, cha của Phillip thoái vị, Phillip trở thành Quốc vương Tây Ban Nha với Mary là Vương hậu. Họ vẫn sống xa nhau; khi Felipe được tuyên bố là vua ở Bruxelles, Mary vẫn ở Anh. Tháng 2, 1556, Felipe thương thuyết để có cuộc hưu chiến ngắn ngủi với Pháp. Tháng sau, đại sứ Pháp tại Anh, Antoine de Noailles, có liên can đến một âm mưu chống lại Mary khi Sir Henry Dudley, cháu họ của Công tước xứ Northumberland, mưu chiêu tập binh mã tại Pháp. Dudley bị phản bội, những người liên can đang ở Anh đều bị vây bắt. Dudley sống lưu vong tại Pháp, Noailles rời khỏi Anh.[117]

Từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1557, Felipe về Anh để thuyết phục Mary ủng hộ Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống Pháp. Mary muốn tuyên chiến nhưng bị các cố vấn chống đối bởi vì sẽ tổn hại cho thương mại với Pháp. Vả lại, như thế là vi phạm thỏa ước hôn nhân; hơn nữa nền kinh tế èo uột thừa hưởng từ Edward đang bị tác động mạnh bởi thất mùa triền miên do thời tiết xấu đã khiến nước Anh thiếu hụt trầm trọng tài chính và nguồn tiếp liệu.[118] Người Anh chỉ chịu tuyên chiến sau khi Thomas Stafford, cháu của Reginald Pole, đem quân đánh nước Anh với sự trợ giúp của Pháp nhằm phế truất Mary.[119] Hệ quả của cuộc chiến là mối quan hệ giữa Anh và Giáo hoàng trở nên căng thẳng bởi vì Giáo hoàng Phaolô VI là đồng minh với Henri II của Pháp.[120] Tháng 1 năm 1558, quân Pháp chiếm Calais, lãnh thổ còn sót lại trên lục địa Âu châu thuộc chủ quyền của Anh. Mặc dù Calais là một gánh nặng tài chính cho đất nước, mất Calais lại là một tổn thất về ý thức hệ khiến uy tín của Mary bị sút giảm.[121]

Thương mại và Tài chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Nước Anh trong những năm trị vì của Mary luôn ẩm ướt do mưa triền miên cùng lũ lụt dẫn đến đói kém.[122] Một khó khăn khác nữa là sự suy giảm trong buôn bán vải vóc với Antwerpen.[123] Dù Nữ vương kết hôn với Felipe, nước Anh chẳng hưởng lợi gì từ nền thương mại khổng lồ có lợi tức lớn giữa Tây Ban Nha với Tân thế giới.[124] Người Tây Ban Nha cẩn thận canh giữ lộ trình thương mại của họ, mà Mary không thể bỏ qua cho những thương vụ bất hợp pháp (thực chất là cướp biển) bởi vì bà là Vương hậu Tây Ban Nha.[125]

Cố gia tăng mậu dịch và cứu vãn nền kinh tế, các cố vấn của Mary tiếp nối chính sách của Northumberland nhằm tìm kiếm những cơ hội thương mại mới. Mary cho thành lập Công ty Muscovy buôn bán với Nga,[126] ra lệnh Diogo Homem lập bản đồ thế giới.[127] Những nhà thám hiểm như John Lok và William Towerson giong buồm đi về hướng nam nhằm kết nối với bờ biển châu Phi.[128]

Về tài chính, chính quyền của Mary chọn cách dung hòa giữa hình thái chính quyền hiện đại, với chi phí cao, và hệ thống thu thuế thời Trung cổ.[129] Nữ vương duy trì chức Bộ trưởng Ngân khố từ thời Edward cho William Paulet, Hầu tước Winchester. Chính quyền cũng cho phát hành bộ mức thuế (1558) liệt kê các loại thuế cho mỗi mặt hàng nhập khẩu, được áp dụng cho đến năm 1604.[130]

Sau chuyến viếng thăm của Felipe trong năm 1557, Mary nghĩ rằng bà mang thai và sẽ sinh con vào tháng 3 năm 1558.[131] Nữ vương viết di chúc rằng chồng bà sẽ là nhiếp chính nếu bà qua đời.[132] Tuy nhiên, chẳng có đứa bé nào ra đời, và Mary buộc phải chấp nhận Elizabeth là người kế vị hợp pháp[133].

Từ tháng 5 năm 1558, Mary bị suy nhược và bệnh tật,[134] rồi băng hà tại Cung Thánh James ở tuổi 42 do mắc bệnh cúm trong một cơn dịch đã cướp mạng sống của Reginald Pole sau đó cũng trong một ngày, 17 tháng 11, 1558. Bà chết trong đau đớn, có thể do u nang buồng trứng hoặc ung thư tử cung.[135] Em gái cùng cha khác mẹ với Mary nối ngôi và trở thành Nữ vương Elizabeth. Phillip, lúc ấy đang ở Bruxelles, viết trong thư gửi em gái: "Anh cảm thấy hối tiếc về cái chết của cô ấy"[136].

Theo di chúc, Mary muốn nằm cạnh mẹ, nhưng bà được an táng tại Tu viện Westminster trong một phần mộ sau này cũng an táng Elizabeth. Vua James I cho khắc dòng chữ tiếng Latinh trên mộ, Regno consortes et urna, hic obdormimus Elizabetha et Maria sorores, in spe resurrectionis (Chia sẻ với nhau vương quyền và mộ phần, chị em chúng tôi, Elizabeth và Mary, an nghỉ nơi đây trong niềm hi vọng được phục sinh).[137]

Hình Mary chạm nổi trên huy hiệu đồng (1554), của Jacopo da Trezzo.

Tại tang lễ, John White, Giám mục Winchester, tán tụng Mary rằng: "Bà là con gái của một Quân vương; là chị gái của một Quân vương; là vợ của một Quân vương. Bà là Vương hậu (Queen), cũng đồng tước vị với một Quân vương"[138].

Mặc dù những tranh cãi về quyền kế vị, những thảo luận về tính hợp pháp của những người trước đó (Hoàng hậu MatildaJane Grey) và những chống đối quyết liệt, Nữ vương Mary I của Anh là người phụ nữ đầu tiên trị vì nước Anh một cách chính thức, giành được sự ủng hộ của dân chúng trong giai đoạn đầu, nhất là từ người dân theo Công giáo La Mã.[139] Các sử gia Công giáo như John Lingard cho rằng các chính sách của Mary thất bại không phải vì sai lầm mà vì bà sống không đủ lâu để xác lập chúng, và cũng vì xảy ra thiên tai dồn dập vượt quá tầm kiểm soát của Nữ vương.[140]

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân với Felipe của Tây Ban Nha khiến Nữ vương mất lòng dân, lại thêm chính sách tôn giáo gây ra sự bất bình sâu đậm.[141] Quân đội thất trận trên đất Pháp, thời tiết khắc nghiệt, mùa màng thất bát làm gia tăng sự bất mãn. Để vợ ở lại nước Anh, Felipe dành phần lớn thời gian ở nước ngoài khiến vợ ông trở nên trầm cảm và suy giảm cơ may có con. Sau khi Mary qua đời, Felipe muốn kết hôn với Elizabeth nhưng bà từ chối.[142] Khoảng 30 năm sau, Felipe cử lực lượng hải quân hùng mạnh, Armada Tây Ban Nha, sang đánh nước Anh để phế truất Elizabeth, nhưng bị thất bại.

Vương gia huy của Mary I.

Đến thế kỷ 17, người ta gọi Nữ vương Mary bằng biệt danh Mary khát máu (Bloody Mary) do những cuộc bách hại người Kháng Cách.[143] Trong cuốn The First Blast of the Trumpet Against the Monstrous Regimen of Women phát hành năm 1558, John Knox mạnh mẽ đả kích Mary. Bà cũng xuất hiện như là một nhân vật tiêu cực nổi bật trong quyển Actes and Monuments của John Foxe, xuất bản năm 1563, khoảng 6 năm sau khi bà mất. Trong các thế kỷ kế tiếp, nhiều tác phẩm phổ biến trong vòng người Kháng Cách giúp định hình khái niệm Mary là một bạo chúa khát máu, vì chỉ trong vòng 5 năm mà bà đã khiến cả trăm người Tin Lành bị thảm sát.[144] Đến giữa thế kỷ 20, hình ảnh của Mary được xây dựng mạnh mẽ và có mục đích đem lại Công giáo trở về Anh, sau nỗ lực cải cách Tin Lành ngắn ngủi dưới triều em trai Edward. Học giả H. F. M. Prescott cố điều chỉnh truyền thống cho rằng Mary là con người cố chấp và độc đoán với những nhận định khách quan hơn[145].

Mặc dù thời trị vì của Mary rõ ràng là thiếu hiệu quả và mất lòng dân, các chính sách tài chính, sự phát triển hải quân, và công cuộc thám hiểm thuộc địa, được xem là những thành quả của triều Elizabeth, thực chất đã được khởi xướng dưới triều Mary.[146]

Danh hiệu

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi đăng quang, Mary có cùng danh hiệu như Henry VIIIEdward VI: "Mary, bởi ân điển của Thiên Chúa, là Nữ vương nước Anh, Pháp, và Ireland, Người Bảo vệ Đức tin, và Lãnh đạo Tối cao trên đất của Giáo hội Anh". Là giáo dân Công giáo sùng đạo, danh hiệu Lãnh đạo Tối cao của Giáo hội Anh là điều không thể chấp nhận được đối với Mary, đến Giáng sinh năm 1553, bà hủy bỏ danh hiệu này.[147]

Theo thỏa ước hôn nhân, danh hiệu chính thức không chỉ có tên Mary mà còn có tên Felipe, "Philip và Mary, bởi ân điển của Thiên Chúa, là Quốc vương và Nữ vương Anh, Pháp, Naples, Jerusalem, và Ireland, Những người Bảo vệ Đức tin, Thân vương Tây Ban Nha và Sicilies, Đại Công tước Áo, Công tước xứ Milan, Công tước xứ Burgundy, và Công tước xứ Brabant, Bá tước xứ Habsburg, Flanders và Tyrol".[86] Được sử dụng từ năm 1554, khi Philip kế vị ngai vàng Tây Ban Nha năm 1556, danh hiệu này bị thay thế bằng: "Philip và Mary, bởi ân điển của Thiên Chúa, là Quốc vương và Nữ vương Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Sicilies, Jerusalem và Ireland, Những người Bảo vệ Đức tin, Đại Công tước Áo, Công tước xứ Burgundy, Milan và Brabant, Bá tước xứ Habsburg, Flanders và Tyrol".[148]

Phả hệ

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong văn học nghệ thuật

[sửa | sửa mã nguồn]

Văn chương

[sửa | sửa mã nguồn]

Điện ảnh và Truyền hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Những diễn viên đóng vai Mary:

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Waller, p. 16; Whitelock, p. 8
  2. ^ a b c Porter, p. 13; Waller, p. 16; Whitelock, p. 7
  3. ^ Whitelock, p. 27
  4. ^ Loades, các trang 19–20; Porter, p. 21
  5. ^ Loades, p. 31; Porter, p. 30
  6. ^ Porter, p. 28; Whitelock, p. 27
  7. ^ Loades, các trang 32, 43
  8. ^ Domine Orator, per Deum immortalem, ista puella nunquam plorat, quoted in Whitelock, p. 17
  9. ^ Tittler, p. 1
  10. ^ Loades, p. 37; Porter, các trang 38–39; Whitelock, các trang 32–33
  11. ^ Porter, các trang 38–39; Whitelock, các trang 32–33
  12. ^ Waller, p. 23
  13. ^ Loades, các trang 41–42, 45
  14. ^ Porter, các trang 20–21; Waller, các trang 20–21; Whitelock, các trang 18–23
  15. ^ Loades, các trang 22–23; Porter, các trang 21–24; Waller, p. 21; Whitelock, p. 23
  16. ^ Whitelock, các trang 30–31
  17. ^ Whitelock, các trang 36–37
  18. ^ Whitelock, các trang 37–38
  19. ^ Mario Savorgnano, ngày 25 tháng 8 năm 1531, Calendar of State Papers, Venetian, vol. IV, p. 682, quoted in Loades, p. 63
  20. ^ Whitelock, p. 23
  21. ^ "Nếu một người đàn ông lấy chị dâu hay em dâu mình thì đó là điều nhơ nhuốc; người đó đã làm nhục anh em mình. Chúng sẽ bị tuyệt tự." Lê-vi ký 20: 21
  22. ^ Porter, các trang 56, 78; Whitelock, p. 40
  23. ^ Waller, p. 27
  24. ^ Porter, p. 76; Whitelock, p. 48
  25. ^ Porter, p. 92; Whitelock, các trang 55–56
  26. ^ Porter, các trang 97–101; Whitelock, các trang 55–69
  27. ^ Dr William Butts, quoted in Waller, p. 31
  28. ^ Loades, các trang 84–85
  29. ^ Porter, p. 100
  30. ^ Porter, các trang 103–104; Whitelock, các trang 67–69, 72
  31. ^ Letter from Emperor Charles V to Empress Isabella, quoted in Whitelock, p. 75
  32. ^ Porter, p. 107; Whitelock, p. 76–77
  33. ^ Whitelock, p. 91
  34. ^ Porter, p. 121; Waller, p. 33; Whitelock, p. 81
  35. ^ Porter, các trang 119–123; Waller, các trang 34–36; Whitelock, các trang 83–89
  36. ^ Porter, các trang 119–123; Waller, các trang 34–36; Whitelock, các trang 90–91
  37. ^ Loades, p. 105
  38. ^ Madden, F. (ed.) (1831) The Privy Purse Expenses of the Princess Mary, quoted in Loades, p. 111
  39. ^ Porter, các trang 129–132; Whitelock, p. 28
  40. ^ Porter, các trang 124–125
  41. ^ Loades, p. 108
  42. ^ Loades, p. 114; Porter, các trang 126–127; Whitelock, các trang 95–96
  43. ^ Loades, các trang 127–129; Porter, các trang 135–136; Waller, p. 39; Whitelock, p. 101
  44. ^ Loades, các trang 126–127; Whitelock, p. 101
  45. ^ Whitelock, các trang 103–104
  46. ^ Whitelock, p. 105
  47. ^ Whitelock, các trang 105–106
  48. ^ Loades, p. 122; Porter, p. 137
  49. ^ Porter, p. 143
  50. ^ Waller, p. 37
  51. ^ Porter, các trang 143–144; Whitelock, p. 110
  52. ^ Loades, p. 120; Waller, p. 39; Whitelock, p. 112
  53. ^ Loades, các trang 137–138; Whitelock, p. 130
  54. ^ Loades, các trang 143–147; Porter, các trang 160–162; Whitelock, các trang 133–134
  55. ^ Porter, p. 154; Waller, p. 40
  56. ^ Loades, các trang 153–157; Porter, các trang 169–176; Waller, các trang 41–42; Whitelock, các trang 144–147
  57. ^ Porter, p. 178; Whitelock, p. 149
  58. ^ Porter, các trang 179–182; Whitelock, pp. 148–160
  59. ^ Porter, p. 187
  60. ^ Porter, các trang 188–189
  61. ^ Waller, các trang 48–49; Whitelock, p. 165
  62. ^ Waller, các trang 51–53; Whitelock, p. 165, 138
  63. ^ Loades, p. 176; Porter, p. 195; Tittler, các trang 8, 81–82; Whitelock, p. 168
  64. ^ Porter, p. 203; Waller, p. 52
  65. ^ Loades, các trang 176–181; Porter, các trang 213–214; Waller, p. 54; Whitelock, các trang 170–174
  66. ^ Porter, p. 210; Weir, các trang 159–160
  67. ^ Waller, các trang 57–59
  68. ^ Waller, p. 59; Whitelock, p. 181
  69. ^ Waller, các trang 59–60; Whitelock, các trang 185–186
  70. ^ Whitelock, p. 182
  71. ^ Whitelock, p. 183
  72. ^ Porter, các trang 257–261; Whitelock, các trang 195–197
  73. ^ Loades, các trang 199–201; Porter, các trang 265–267
  74. ^ Porter, p. 310
  75. ^ Porter, các trang 279–284; Waller, p. 72; Whitelock, các trang 202–209
  76. ^ Waller, p. 73
  77. ^ Porter, các trang 288–299; Whitelock, các trang 212–213
  78. ^ Porter, p. 300; Waller, các trang 74–75; Whitelock, p. 216
  79. ^ Porter, các trang 311–313; Whitelock, các trang 217–225
  80. ^ Waller, các trang 84–85; Whitelock, các trang 202, 227
  81. ^ Whitelock, p. 242
  82. ^ Porter, các trang 291–292; Waller, p. 85; Whitelock, các trang 226–227
  83. ^ Porter, các trang 308–309; Whitelock, p. 229
  84. ^ Letter of ngày 29 tháng 7 năm 1554 in the Calendar of State Papers, Spanish, volume XIII, quoted in Porter, p. 320 and Whitelock, p. 244
  85. ^ Vùng hạ địa, nguyên tiếng Anh "Low Countries", là lãnh thổ ngày nay phần lớn là BỉHà Lan, lúc ấy thuộc nhà Habsburg)
  86. ^ a b Porter, các trang 321, 324; Waller, p. 90; Whitelock, p. 238 Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “waller90” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác
  87. ^ Loades, các trang 224–225; Porter, các trang 318, 321; Waller, các trang 86–87; Whitelock, p. 237
  88. ^ Porter, p. 319; Waller, các trang 87, 91
  89. ^ Porter, p. 333; Waller, các trang 92–93
  90. ^ Loades, các trang 234–235
  91. ^ Porter, p. 338; Waller, p. 95; Whitelock, p. 255
  92. ^ "The queen's pregnancy turns out not to have been as certain as we thought": Letter of ngày 25 tháng 4 năm 1554, quoted in Porter, p. 337 and Whitelock, p. 257
  93. ^ Waller, p. 95; Whitelock, p. 256
  94. ^ Porter, các trang 337–338; Waller, các trang 97–98
  95. ^ Porter, p. 342
  96. ^ Waller, các trang 98–99; Whitelock, p. 268
  97. ^ Antoine de Noailles quoted in Whitelock, p. 269
  98. ^ Whitelock, p. 284
  99. ^ Tittler, các trang 23–24; Whitelock, p. 187
  100. ^ Loades, các trang 207–208; Waller, p. 65; Whitelock, p. 198
  101. ^ Porter, p. 241; Whitelock, các trang 200–201
  102. ^ Porter, p. 331
  103. ^ Loades, các trang 235–242
  104. ^ Waller, p. 113
  105. ^ Whitelock, p. 262
  106. ^ Loades, p. 325; Porter, các trang 355–356; Waller, các trang 104–105
  107. ^ Loades, p. 326; Waller, các trang 104–105; Whitelock, p. 274
  108. ^ Duffy, p. 79; Waller, p. 104
  109. ^ Porter, các trang 358–359; Waller, p. 103; Whitelock, p. 266
  110. ^ Waller, p. 102
  111. ^ Waller, các trang 101, 103, 105; Whitelock, p. 266
  112. ^ See for example, the Oxford Martyrs
  113. ^ Loades, p. 238; Waller, p. 94
  114. ^ Porter, p. 357
  115. ^ Although he was in deacon's orders and prominent in the church, Pole was not ordained until the day before his consecration as archbishop (Loades, p. 319).
  116. ^ Tittler, p. 66
  117. ^ Porter, các trang 381–387
  118. ^ Whitelock, p. 288
  119. ^ Porter, p. 389; Waller, p. 111; Whitelock, p. 289
  120. ^ Whitelock, pp. 293–295
  121. ^ Loades, pp. 295–297; Porter, pp. 392–395; Whitelock, pp. 291–292
  122. ^ Porter, pp. 229, 375; Whitelock, p. 277
  123. ^ Tittler, p. 48
  124. ^ Tittler, p. 49
  125. ^ Tittler, pp. 49–50
  126. ^ Porter, p. 371
  127. ^ Porter, p. 373
  128. ^ Porter, p. 372
  129. ^ Porter, p. 375; Tittler, p. 51
  130. ^ Porter, p. 376
  131. ^ Porter, p.398; Waller, pp. 106, 112; Whitelock, p. 299
  132. ^ Whitelock, pp. 299–300
  133. ^ Whitelock, p. 301
  134. ^ Loades, p. 305; Whitelock, p. 300
  135. ^ Waller, p. 108
  136. ^ Letter from Philip to his sister Joan of Austria, Princess of Portugal, ngày 4 tháng 12 năm 1558, in Calendar of State Papers, Spanish, volume XIII, quoted in Loades, p. 311; Waller, p. 109 and Whitelock, p. 303
  137. ^ Porter, p. 410; Whitelock, p. 1
  138. ^ Loades, p. 313; Whitelock, p. 305
  139. ^ Waller, Maureen (2006). Sovereign Ladies: The Six Reigning Queens of England [Nữ Quân vương: Sáu vị Nữ vương của Anh] (bằng tiếng Anh). New York: St. Martin's Press. tr. 116. ISBN 978-0-312-33801-5.
  140. ^ Loades, pp. 340–341
  141. ^ Loades, pp. 342–343; Waller, p. 116
  142. ^ Porter, p. 400
  143. ^ Waller, p. 115
  144. ^ Porter, pp. 361–362, 418; Waller, pp. 113–115
  145. ^ Weikel
  146. ^ Tittler, p. 80; Weikel
  147. ^ Loades, pp. 217, 323
  148. ^ e.g. Waller, p. 106
  149. ^ a b c d Weir, p. 148
  150. ^ Weir, p. 133
  151. ^ Weir, p. 134
  152. ^ a b Weir, p. 138
  153. ^ a b c d Paget, p. 99
  154. ^ a b c d Weir, pp. 99–101

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Erickson, Carolly (1978) Bloody Mary: The Life of Mary Tudor. Garden City, NY: Doubleday. ISBN 0-385-11663-2
  • Loades, David M. (1991) The Reign of Mary Tudor: Politics, Government and Religion in England, 1553–58. Second edition. London and New York: Longman. ISBN 0-582-05759-0
  • Prescott, H. F. M. (1952) Mary Tudor: The Spanish Tudor. Second edition. London: Eyre & Spottiswoode.
  • Ridley, Jasper (2001) Bloody Mary's Martyrs: The Story of England's Terror. New York: Carroll & Graf. ISBN 0-7867-0854-9
  • Waldman, Milton (1972) The Lady Mary: a biography of Mary Tudor, 1516–1558. London: Collins. ISBN 0-00-211486-0

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Mary I của Anh
Sinh: 18 tháng 2, 1516 Mất: 17 tháng 11, 1558
Vương thất Anh
Tiền nhiệm
Edward VI
hoặc Jane
Nữ vương AnhIreland
1553–1558
với Philip (1554–1558)
Kế nhiệm
Elizabeth I
Tước hiệu
Tiền nhiệm
Isabel của Bồ Đào Nha
Vương hậu Napoli
1554–1558
Kế nhiệm
Élisabeth của Pháp
Vương hậu nước Tây Ban NhaSicilia
Công tước phu nhân xứ Bourgogne

1556–1558
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Tóm tắt chương 227: Jujutsu Kaisen
Tóm tắt chương 227: Jujutsu Kaisen
Đầu chương, Kusakabe không hiểu cơ chế đằng sau việc hồi phục thuật thức bằng Phản chuyển thuật thức
[Tóm tắt] Light Novel Tập 11.5 - Classroom of the Elite
[Tóm tắt] Light Novel Tập 11.5 - Classroom of the Elite
Năm đầu tiên của những hé lộ về ngôi trường nổi tiếng sắp được khép lại!
Những điều thú vị về người anh em Lào
Những điều thú vị về người anh em Lào
Họ không hề vội vã trên đường, ít thấy người Lào cạnh tranh nhau trong kinh doanh, họ cũng không hề đặt nặng mục tiêu phải làm giàu
Đại cương về sát thương trong Genshin Impact
Đại cương về sát thương trong Genshin Impact
Các bạn có bao giờ đặt câu hỏi tại sao Xiangling 4 sao với 1300 damg có thể gây tới 7k4 damg lửa từ gấu Gouba