Giáo hội Công giáo


Giáo hội Công giáo
Ecclesia Catholica
Nhà thờ Thánh Phêrô
Phân loạiCông giáo
Chính thểGiám mục[1]
Giáo hoàngFranciscus
Quản trịGiáo triều Rôma
Giáo phận
  • Tổng giáo phận: 640
  • Giáo phận: 2.851
Giáo xứ221.700
Ngôn ngữTiếng Latinhbản ngữ
Trụ sở chínhThành Vatican
Người sáng lậpGiê-su
Bắt đầuThế kỷ 1
Đất Thánh, Đế quốc La Mã[2][3]
Thành viên1,345 tỷ (2019)[4]
Giáo sĩ
Bệnh viện5.500[5]
Các trường tiểu học95.200[6]
Các trường trung học43.800
Trang mạngwww.vatican.va

Loạt bài viết về

Lịch sử

Biên niên sử · Mười hai Tông đồ
Phêrô · Phaolô
Đại Ly Giáo
Kháng Cách
Công đồng Vatican II

Đức tin

Một Thiên Chúa · Ba Ngôi
Sự chếtsự phục sinh
Sự trở lại của Chúa Giêsu
Đức Mẹ · Các Thánh

Kinh Thánh Giáo luật

Cựu Ước · Tân Ước
Bộ Giáo luật

Nghi lễ và Phụng vụ

Nghi lễ Latinh · Nghi lễ Rôma
Năm phụng vụ · Giờ kinh phụng vụ
Bảy bí tích · Cầu nguyện

Tổ chức Giáo hội

"Duy nhất, Thánh thiện,
Công giáo và Tông truyền"

Tòa Thánh · Giáo hoàng
Giáo phận · Giám mục
Giáo xứ · Linh mục

Văn hóa và Nghệ thuật

Thánh ca · A cappella
Romanesque · Gothic
Phục Hưng · Baroque

Thành quốc Vatican

Giáo triều Rôma
Hiệp ước Latêranô
Giáo hoàng Phanxicô

Chủ đề Giáo hội Công giáo Rôma

Giáo hội Công giáo, gọi đầy đủ là Giáo hội Công giáo Rôma, là giáo hội Kitô giáo được hiệp thông hoàn toàn với vị giám mục giáo phận Rôma, hiện tại là Giáo hoàng Phanxicô. Giáo hội Công giáo thuộc hệ phái Kitô giáo lớn nhất, với trên 1,3 tỷ thành viên, tính đến năm 2024.[7][8][9] Tín hữu Công giáo tin rằng Giáo hội Công giáo Rôma là giáo hội tế tụng lại giáo lý do Chúa Giêsu Kitô (Kitô hay Cơ Đốc, trước đây phiên âm là Kirixitô, mang nghĩa là "Đấng được xức dầu")[10] thiết lập dựa trên các tông đồ của Chúa Giêsu, Giáo hoàng là người kế vị tông đồ trưởng Phêrô, còn các giám mục là những người kế vị các tông đồ khác. Dưới sự lãnh đạo của Giáo hoàng, Giáo hội Công giáo xác định nhiệm vụ của họ là truyền bá Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô, cử hành các bí tích - đặc biệt là Bí tích Thánh Thể - và thực hành bác ái.

Maria cũng chiếm một vị trí quan trọng trong đức tin của người Công giáo. Họ tôn kính bà vì tin rằng bà nhận được những đặc ân của Thiên Chúa mà không người phụ nữ nào khác có được: vô nhiễm nguyên tội, làm Mẹ Thiên Chúa, đồng trinh trọn đời và hồn xác được lên thiên đàng.[11]

Giáo hội Công giáo cùng với Chính Thống giáoTin Lành đã góp một phần vai trò trong lịch sử nền văn minh Phương Tây thời trung cổ.[12][13] Giáo hội Công giáo hoàn vũ được chia theo địa giới thành các giáo phận ở nhiều quốc gia; lãnh đạo mỗi giáo phận là một vị giám mục chính tòa.

Từ thế kỷ 16, nội bộ Công giáo xung đột do các cuộc cải cách gây ra sự phân chia và sau đó dẫn đến việc hình thành các nhóm Tin Lành (Kháng Cách) riêng biệt. Từ cuối thế kỷ 20, Giáo hội Công giáo đã bị chỉ trích vì những giáo lý về tình dục, học thuyết chống lại việc phong chức cho phụ nữ và cách xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục, đặc biệt là lạm dụng tình dục ở trẻ em liên quan đến các tu sĩ.[14]

Thuật ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Thuật ngữ Catholic bắt nguồn từ chữ καθολικός (katholikos) trong tiếng Hy Lạp[15][16], có nghĩa là "phổ quát", "chung" - lần đầu tiên được sử dụng để mô tả về Giáo hội từ những năm đầu Thế kỷ thứ II. Chữ Katholikos là dạng tính từ của chữ καθόλου (katholou) do sự kết hợp giữa hai từ κατὰ ὅλου (kata holou), có nghĩa là "theo như toàn bộ". Từ nguyên nói trên được dịch sang tiếng Việt là "Công giáo". Như vậy tên gọi Giáo hội Công giáo có nghĩa là "Giáo hội phổ quát".

Kể từ sau cuộc Ly giáo Đông - Tây năm 1054, một số giáo hội vẫn còn giữ lại sự hiệp thông với Tòa Rôma (gồm giáo phận Rôma, Giám mục của giáo phận này là Giáo hoàng, tức thượng phụ giáo chủ tối cao) và vẫn dùng danh xưng là "Công giáo". Trong khi đó, các giáo hội khác ở phía Đông bắt đầu từ chối thẩm quyền tối cao của Giáo hoàng và họ coi giáo hội của mình mới là giáo hội "chính thống" kế thừa nguyên thủy từ thời Chúa Giêsu, vì vậy mới xuất hiện danh xưng Chính thống giáo Đông phương. Sau cuộc Cải cách Kháng nghị hồi Thế kỷ XVI, các giáo hội "hiệp thông với Giám mục Rôma" vẫn tiếp tục để sử dụng từ "Công giáo" để chỉ chính mình, nhằm phân biệt với các giáo phái đã tách ra, mà thường được biết đến với tên gọi là Tin Lành.

Có không ít sự bất đồng về cách dùng từ giữa "Giáo hội Công giáo Rôma" và "Giáo hội Công giáo", nguyên nhân là do một vài nhánh Kitô giáo khác cũng tuyên bố họ là "Công giáo" (nghĩa là tôn giáo phổ quát).[16] Đặc biệt, Chính thống giáo Đông phương thích áp dụng thuật ngữ "Giáo hội Công giáo Rôma" để chỉ rõ trung tâm giáo hội này ở Rôma, nhằm phân biệt với các giáo hội Đông phương có trung tâm ở Constantinopolis (nay là Istanbul). Nhiều người Công giáo thích gọi ngắn gọn là "Công giáo" thay vì "Công giáo Rôma".[17]

Thuật từ "Giáo hội Công giáo" là cách gọi phổ biến nhất được dùng trong các văn kiện chính thức của Giáo hội,[18] cũng là thuật từ mà Giáo hoàng Phaolô VI dùng khi ký các văn kiện của Công đồng Vatican II.[19] Tuy nhiên, cả các văn kiện xuất bản bởi Tòa Thánh[20] và một số Hội đồng Giám mục[21] đôi khi cũng dùng cách gọi "Giáo hội Công giáo Rôma".

Tổ chức và quản trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Thể chế giáo hoàng và Giáo Triều

[sửa | sửa mã nguồn]

Hệ thống phẩm trật của Giáo hội Công giáo đứng đầu là vị Giám mục Giáo phận Rôma, chức danh là giáo hoàng. Ông được tín hữu coi là đại diện cao nhất của Thiên Chúa ở trần gian, người có quyền uy, ảnh hưởng lớn nhất trong Giáo hội Công giáo toàn cầu[22] (trong đó bao gồm cả giáo hội theo nghi lễ Latinh và những giáo hội Công giáo theo nghi lễ Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Rôma). Thuật ngữ "Đông Phương" và "Tây Phương" mà Giáo hội Công giáo sử dụng không hàm ý chỉ về châu Á hay châu Âu nhưng chỉ về khu vực lãnh thổ của giáo hội trong lịch sửvăn hóa, với hai trung tâm là Rôma (Tây Phương) và Constantinopolis (Đông Phương).

Giáo hoàng hiện nay là Giáo hoàng Phanxicô, người được bầu trong một cuộc Mật nghị Hồng y vào ngày 13 tháng 3 năm 2013. Thẩm quyền của Giáo hoàng gọi là thể chế giáo hoàng (Papacy). Cơ quan trung ương của thể chế giáo hoàng thường được gọi là "Tòa Thánh" (Sancta Sedes trong tiếng Latinh), hoặc "Tông Tòa" (Apostolic See) nghĩa là "ngai tòa của Thánh Phêrô Tông đồ". Trực tiếp cộng tác với Giáo hoàng là Giáo triều Rôma, tức cơ quan quản lý và điều hành hoạt động của Giáo hội Công giáo. Giáo hoàng cũng là nguyên thủ quốc gia của Thành Vatican, một quốc gia có chủ quyền đầy đủ trên một lãnh thổ nằm trong thành phố Rôma, thủ đô nước Ý.

Sau khi một vị Giáo hoàng qua đời hoặc từ chức, chỉ có các thành viên dưới 80 tuổi trong Hồng y Đoàn mới có quyền họp tại Nhà nguyện Sistina ở Rôma để bầu ra Giáo hoàng mới.[23] Mặc dù cuộc bầu chọn này, thực tế chỉ dành riêng cho các hồng y bầu chọn cho nhau, nhưng về mặt lý thuyết, bất kỳ người nam nào theo đạo Công giáo cũng có thể được chọn làm Giáo hoàng. Kể từ 1389, chỉ có hồng y mới được nâng lên vị trí đó. Hồng y là một tước hiệu danh dự mà Giáo hoàng ban cho một số giáo sĩ Công giáo, phần lớn là các vị lãnh đạo trong Giáo triều Rôma, các Giám mục của các thành phố lớn và các nhà thần học lỗi lạc, phụ giúp Giáo hoàng quản trị Giáo hội.[24]

Các phương quản trị đặc biệt

[sửa | sửa mã nguồn]
Nhà thờ Truyền Tin - nhà thờ lớn nhất ở Trung Đông dưới sự giám sát của Thánh Bộ các Giáo hội Đông Phương

Giáo hội Công giáo Hoàn vũ gồm có 24 phương quản trị (sui iuris). Lớn nhất trong số các phương quản trị này là Giáo hội Latinh, gồm hơn 1 tỷ giáo dân,[8] phát triển ở Tây Âu trước khi lan rộng khắp thế giới. Vì thế, mỗi khi nhắc đến Giáo hội Công giáo, nhiều người thường đề cập đến giáo hội này. Giám mục thành Rôma (Giáo hoàng) là thượng phụ của phương quản trị Giáo hội Latinh. Giáo hội Latinh coi mình là nhánh lâu đời nhất và lớn nhất của Kitô giáo Tây Phương.

Nhỏ bé hơn so với Giáo hội Latinh là 23 phương tự trị Công giáo Đông phương1 với 17,3 triệu giáo dân. Mỗi phương quản trị (hay "lễ chế") trong số đó đều chấp nhận thẩm quyền của vị Giám mục Rôma về các vấn đề giáo lý. Những lãnh thổ này sở dĩ gọi là "tự quản đặc biệt" là vì cộng đoàn Kitô hữu Công giáo ở đó có khác nhau về lịch sử, văn hóa, hình thức lễ nghi, thờ phượng chứ không khác biệt về giáo lý. Nói chung, đứng đầu mỗi phương quản trị thế này là một thượng phụ (patriarch) hay giám mục cao cấp, và họ được trao quyền quản trị đối với lãnh thổ của mình ở một mức độ tương đối về các nghi thức phụng vụ, lịch phụng vụ, và các khía cạnh thờ phượng khác.

Các phương quản trị giáo hội Công giáo ở Đông Phương là những tín hữu vẫn theo các niềm tin và truyền thống của Kitô giáo Đông Phương nhưng vẫn luôn hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo; hoặc những tín hữu đã ly khai sau cuộc Ly giáo Đông - Tây nay trở về hiệp thông với Rôma. Thượng phụ của các phương quản trị Công giáo Đông Phương do Thượng hội đồng Giám mục (synod of the bishops) của giáo hội đó bầu lên, các chức vị khác lần lượt là: tổng giám mục miền, giám mục v.v.. Tuy nhiên, Giáo hội Latinh có Giáo triều Rôma được tổ chức cụ thể hơn, gồm có Thánh Bộ các Giáo hội Đông Phương, để duy trì mối quan hệ với họ.

Các giáo phận, giáo xứ và dòng tu

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội Công giáo tại từng quốc gia, khu vực, hoặc các thành phố lớn gọi là giáo hội địa phương, được tổ chức thành giáo phận (diocese hoặc eparchies, tùy văn cảnh là Đông phương hay Tây phương), mỗi giáo phận do một Giám mục Công giáo lãnh đạo. Tính đến năm 2012, toàn Giáo hội Công giáo (cả Đông phương và Tây phương) gồm 2.966 đơn vị hành chính tương đương giáo phận.[8] Các Giám mục trong một quốc gia hoặc khu vực cụ thể thường được tổ chức thành một Hội đồng Giám mục. Hội đồng Giám mục là nơi quy tụ các vị lãnh đạo Giáo hội trong một quốc gia hay một lãnh thổ để hợp nhất với nhau thi hành mục vụ theo thể cách và phương thức thích hợp với hoàn cảnh.[25] Các giáo phận lại được phân thành rất nhiều cộng đoàn nhỏ được gọi là giáo xứ (hay xứ đạo, họ đạo), mỗi giáo xứ có một hoặc nhiều linh mục, phó tế lãnh đạo dưới quyền của Giám mục. Giáo xứ là đơn vị có trách nhiệm trực tiếp cử hành Thánh lễ, các bí tích và mục vụ cho giáo dân Công giáo.

Mọi giáo dân đều có thể gia nhập vào đời sống tu trì tại các dòng tu. Các giáo dân nam giới còn có quyền học tập để được thụ phong thành linh mục. Mọi tu sĩ Công giáo thường phải thực hiện theo ba lời khuyên trong Phúc Âm là: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.[26] Các dòng tu nổi tiếng là: Dòng Biển Đức, Dòng Cát Minh, Dòng Đa Minh, Dòng Phanxicô, Dòng Thừa Sai Bác Ái, Dòng Tên...

Hàng Giáo phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội Công giáo có tổ chức phẩm cấp, mỗi cấp có người trị sự được Giáo hội chỉ định với ba chức Thánh2 sau: Giám mục, linh mục và phó tế. Các chức danh giáo sĩ đó đều phải cam kết sống độc thân.

  • Giám mục: là những người kế vị các Thánh Tông đồ, các vị này có đầy đủ quyền năng và uy phong như nhau, kể cả Giáo hoàng. Nhưng vì Giáo hoàng là vị tông đồ "trưởng" - là vị thủ lĩnh các tông đồ nên có quyền quyết định cao hơn mà thôi. Giám mục chính tòa là người lãnh đạo một giáo phận với lãnh thổ tương đương với cấp tỉnh, thành phố của một quốc gia. Các Giám mục được quyền tấn phong một linh mục làm Giám mục khi đã được Giáo hoàng ủy quyền, truyền chức linh mục cũng như phó tế và cử hành mọi bí tích. Các Giám mục lãnh đạo giáo phận lớn hoặc giữ chức vụ quan trọng thường được phong lên danh hiệu là tổng Giám mục. Thông thường, các Giám mục phải thực hiện chuyến đi visita ad limina3 theo định kỳ để trình bản báo cáo về giáo phận của mình lên Giáo hoàng.[27]
  • Linh mục: là những người phụ giúp cho Giám mục trong việc phục vụ và quản trị giáo hội địa phương. Các linh mục phải được xác định thuộc thẩm quyền của Giám mục nào. Linh mục Công giáo luôn luôn là nam giới, và chưa hề có ngoại lệ cho phụ nữ.[28] Các linh mục được cử hành Thánh lễ cũng như các bí tích khác khi có chuẩn y của Giám mục. Nếu là linh mục triều thì thường cai quản một giáo xứ trong giáo phận, còn linh mục dòng thì sống trong nhà dòng hoặc làm công việc truyền giáo. Khi hội đủ những điều kiện cần và đủ thì một linh mục, qua sự đề cử của Giám mục trên quyền, có thể được Giáo hoàng chọn làm Giám mục. Các linh mục có công lao lớn cho giáo hội thường được phong danh hiệu đức ông.
  • Phó tế: là những người dưới cấp linh mục và thông thường thì mọi phó tế sẽ được phong làm linh mục (ngoại trừ chức phó tế vĩnh viễn).

Danh hiệu hồng y do Giáo hoàng phong cho những Giám mục (trường hợp đặc biệt là linh mục) có vai trò, vị trí hoặc đóng góp lớn cho Giáo hội Công giáo. Ngoài ra còn có các thừa tác viên phụng vụ. Từ Công đồng Vatican II, Giáo hội cho phép những người trưởng thành dù đã kết hôn được phong chức thừa tác viên vĩnh viễn. Họ có thể đảm nhận vai trò đọc Phúc âm, dạy giáo lý, phụ tá rửa tội, dẫn dắt phụng vụ, làm chứng hôn phối, hướng dẫn nghi thức tang lễ...

Thực hành tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội Công giáo có sự phân biệt giữa nghi thức phụng vụ chung của toàn cộng đoàn và việc cầu nguyện hoặc thực hành sống đạo riêng của từng cá nhân. Các nghi thức phụng vụ chung đều do Giáo hội quy định, gồm có Thánh lễ, các Bí tíchPhụng vụ các giờ kinh. Tất cả tín hữu Công giáo được Giáo hội khuyến khích tham dự vào các nghi thức phụng, nhưng việc cầu nguyện và sống đạo là vấn đề cá nhân, không ai có thể can thiệp vào ai.

Thánh lễ

[sửa | sửa mã nguồn]
Giáo hoàng Biển Đức XVI đang cử hành Thánh lễ

Trung tâm của việc thờ phượng là cử hành Bí Tích Thánh Thể. Theo giáo lý của Giáo hội Công giáo, mỗi lần cử hành Thánh lễ thì bánh mìrượu nho trở thành Mình và Máu của Chúa Kitô, qua lời truyền phép của linh mục. Đó là sự biến đổi về bản thể (thần tính) chứ không phải về vật lý (lý tính). Những lời truyền phép này được trích ra từ Phúc âm Nhất lãm và một lá thư của Tông đồ Phaolô4. Giáo hội dạy rằng, Chúa Kitô đã thiết lập một Giao Ước Mới (Tân Ước) với nhân loại thông qua việc cử hành Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, theo như Kinh Thánh đã chép.

Bởi vì họ tin rằng Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể, nên có những quy tắc nghiêm ngặt về việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể (rước lễ). Bí tích này chỉ có thể được cử hành bởi một linh mục hay Giám mục Công giáo. Những người cho rằng mình đang phạm tội trọng thì bị cấm không được lãnh nhận bí tích cho đến khi họ đã nhận được ơn tha thứ thông qua các Bí tích Hòa Giải. Người Công giáo thường phải nhịn ăn uống (ngoại trừ nước lã và thuốc trị bệnh) ít nhất một giờ trước khi rước lễ5.

Người Công giáo không được phép lãnh nhận bánh và rượu được cử hành trong các nhà thờ Tin Lành, vì theo quan điểm của Giáo hội Công giáo, các nhánh Tin Lành đã thiếu đi Bí tích Truyền Chức Thánh, và do đó họ cũng không có Bí tích Thánh Thể hợp lệ. Còn tại các giáo hội Chính Thống giáo Đông phương, một tín hữu Công giáo vẫn có thể lãnh nhận Thánh Thể từ một nhà thờ thuộc giáo hội này trong hoàn cảnh đặc biệt có sự phê duyệt của giáo quyền địa phương, dù rằng việc đó là không được khuyến khích6. Tuy nhiên, đối với các Thánh lễ cử hành bởi giáo sĩ thuộc Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (tổ chức không được Tòa Thánh công nhận), tín hữu vẫn có thể tham dự và rước lễ nếu không có sự lựa chọn nào khác.[29]

Cả 24 phương tự trị (sui iuris) của Giáo hội Công giáo đều có hình thức lễ nghi và truyền thống phụng vụ riêng của mình. Điều này phản ánh sự đa dạng về lịch sử và văn hóa chứ không phải là sự khác biệt trong đức tin. Các hình phụng vụ của lễ nghi Rôma được sử dụng phổ biến hơn cả, nhưng ngay cả trong giáo hội tại Latinh cũng chỉ sử dụng một vài lễ nghi khác nhau, còn các giáo hội tại Đông Phương thì có nghi thức riêng biệt cho từng giáo hội. Dù rằng có thể khác nhau về lễ nghi nhưng các giáo hội tự trị đều cử hành Bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ và coi đó là trung tâm của tất cả các nghi thức phụng vụ Công giáo.

Lễ nghi Tây Phương

[sửa | sửa mã nguồn]
Một Thánh lễ Tridentino cổ xưa được tái cử hành năm 2009 tại một nhà nguyện

Lễ nghi Latinh (Rôma) là nghi thức thờ phượng được sử dụng phổ biến nhất của Giáo hội Công giáo. Lễ nghi này được sử dụng trên toàn thế giới, thông qua các hoạt động truyền giáo tích cực của các quốc gia Tây Âu (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Ý...) trong suốt chiều dài lịch sử Kitô giáo.

Có hai ấn bản lễ nghi Rôma được sử phép sử dụng hiện nay: ấn bản sau năm 1969 của Sách Lễ Rôma (do Giáo hoàng Phaolô VI chuẩn nhận) hiện nay đang được sử dụng trong các ngôn ngữ bản địa trên khắp thế giới; và ấn bản năm 1962 (Thánh Lễ Tridentino). Kể từ năm 2007, nghi thức Thánh lễ bằng tiếng Latinh "Tridentina" được giáo hội bắt đầu sử dụng lại sau khi bị hủy bỏ từ Công đồng Vatican II năm 1963.[30] Tại Hoa Kỳ, các giáo xứ lại sử dụng một lễ nghi riêng, là biến thể giữa lễ nghi Rôma nhưng vẫn giữ được một số từ ngữ trong phụng vụ Anh giáo. Dự kiến cũng sẽ có một lễ nghi riêng dành cho các cựu tín hữu Anh giáo nay gia nhập vào Giáo hội Công giáo. Ngoài ra còn có các lễ nghi Tây phương khác (không phải Rôma) bao gồm Lễ nghi Ambrosio và Mozarabic.

Lễ nghi Đông Phương

[sửa | sửa mã nguồn]
Một Giám mục Công giáo Đông phương chủ trì một nghi thức theo truyền thống

Lễ nghi của cá giáo hội Công giáo ở Đông Phương thường tương tự với lễ nghi của Chính thống giáo và các giáo hội khác ở Đông Âu, Đông Bắc Phi, và Trung Đông không còn hiệp thông với Giám mục Rôma nữa. Giáo hội Công giáo Đông Phương là một trong hai nhóm tín hữu đã khôi phục hoàn toàn sự hiệp thông với Giám mục Rôma, nhưng vẫn giữ gìn bản sắc Kitô hữu Đông Phương độc đáo của họ.

Các nghi lễ được sử dụng bởi giáo hội Công giáo Đông Phương bao gồm: lễ nghi Byzantine sử dụng ở Antiochian, Hy Lạp và Slave, lễ nghi Alexandria, lễ nghi Syria, lễ nghi Armenia, lễ nghi Maronite, và lễ nghi Chaldean. Trong những năm gần đây, giáo hội Công giáo Đông Phương đã quay trở lại với tập quán truyền thống phù hợp với Sắc lệnh về các Giáo hội Đông phương (Orientalium Ecclesiarum) của Công đồng Vatican II. Mỗi giáo hội có lịch phụng vụ riêng của mình.

Các Bí tích

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội Công giáo dạy rằng: các bí tích là những dấu hiệu thiêng liêng do Đấng Kitô lập ra và giao phó cho Giáo hội để ban lại cho chúng ta. Chúng mang lại hiệu quả thánh thiện cho những ai thực tâm đón nhận chúng. Toàn bộ đời sống phụng vụ của Giáo hội xoay quanh việc cử hành Thánh lễ và các bí tích. Có bảy Bí tích được Giáo hội công nhận là: Thanh Tẩy (Rửa Tội), Thêm Sức, Thánh Thể, Bí tích Hòa Giải (Thống Hối), Truyền Chức Thánh, Xức Dầu Bệnh NhânHôn Phối. Những người bị vạ tuyệt thông thì mất quyền lãnh nhận các bí tích.

Phụng vụ các giờ kinh

[sửa | sửa mã nguồn]

Các giờ kinh phụng vụ (hay còn gọi là kinh Thần Vụ) là những giờ kinh của toàn thể Hội Thánh Công giáo dâng lên Thiên Chúa, được cử hành cách long trọng trong các cộng đoàn dòng tu, chủng viện, các hội đoàn giáo dân hay cũng có thể cử hành riêng mỗi cá nhân nếu không có điều kiện đọc cùng cộng đoàn. Kinh phụng vụ được chia làm nhiều giờ theo thời gian trong ngày (kinh Sách, kinh Sáng, Kinh Trưa (giờ Ba, giờ Sáu, giờ Chín), kinh Chiều, kinh Tối). Trong giờ kinh, họ thường đọc hoặc hát các bài thánh thi, thánh vịnh và các lời cầu nguyện theo mẫu đã được Hội Thánh quy định và biên soạn. Việc thực hành này là bắt buộc với những người đã được lãnh nhận chức thánh (như phó tế, linh mục, giám mục). Ngoài ra còn phải kể đến các hoạt động sùng bái của các tín hữu ngoan đạo, đơn giản nhất là việc cầu nguyện vào buổi sáng và buổi tối, hình thức khác là một mình hay tụ họp lại để đọc Thánh Kinh và suy niệm. Ngoài nghi thức phụng vụ ra, Giáo hội Công giáo còn có một sự đa dạng về thực hành sống đạo mà cầu nguyện là hình thức rất được khuyến khích vì nó được coi là sự vận động để phát triển đời sống thiêng liêng của tín hữu, thắt chặt mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa. Các việc làm đạo đức rất được Giáo hội khuyến khích: chúng có thể là việc tôn kính Thánh tượng, viếng nhà thờ, đi hành hương, rước kiệu, đi Đàng Thánh Giá, chầu Thánh Thể và đọc Kinh Mân Côi.

Giáo lý Đức tin

[sửa | sửa mã nguồn]

Đức tin Công giáo được tóm lược trong Tín điều Nicea và thể hiện chi tiết trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Căn cứ vào những lời hứa của Chúa Kitô trong Sách Phúc Âm, Giáo hội Công giáo tin rằng họ liên tục được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, là đấng bảo vệ họ khỏi rơi vào những lạc giáo. Chúa Thánh Thần soi dẫn để tín hữu nhận biết Thiên Chúa qua Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền của Giáo hội. Bà Maria cũng chiếm vị trí quan trọng trong đức tin của người Công giáo. Họ tin rằng vì bà là mẹ Chúa Giêsu nên bà có sức ảnh hưởng lớn đến việc Thiên Chúa ban ơn cho tín hữu.

Thiên Chúa Ba Ngôi

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội Công giáo dạy rằng Thiên Chúa là đấng duy nhất, vĩnh hằng, thượng quyền, thông suốt tất cả, công chính vẹn toàn và hiện diện mọi nơi. Tín hữu Công giáo tin thuyết Ba Ngôi: Thiên Chúa là tự nhiên mà có, bản thể và hiện thân là một Chúa nhưng lại tồn tại trong ba ngôi vị (tam vị nhất thể), từng ngôi vị đồng nhất với bản thể, không ngôi vị nào hơn ngôi vị nào và chỉ phân biệt về quan hệ giữa ba ngôi vị: giữa Chúa ChaChúa Con, giữa hai ngôi vị này với Chúa Thánh Thần, thành một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúa Cha thường được liên tưởng là đấng sáng tạo ra mọi vật mọi loài trong vũ trụ. Thiên Chúa cũng yêu thương và chăm sóc cho thụ tạo của mình, ngài trực tiếp tham gia vào thế giới và cuộc sống của con người, mong muốn con người kính thờ Chúa và yêu thương đồng loại. Công giáo còn tin rằng, con người là loài thụ tạo có thân xác (hữu hình) và linh hồn (vô hình) gắn bó mật thiết với nhau. Bên cạnh đó, còn có thụ tạo vô hình khác là thiên thần, làm nhiệm vụ tôn thờ và phục vụ Thiên Chúa. Một số thiên thần đã chọn chống lại Thiên Chúa, trở thành ma quỷ, và tìm cách gây hại cho nhân loại. Trong số đó, lãnh đạo thiên thần nổi loạn gọi là Satan hoặc Lucifer.

Giáo hội Công giáo tin rằng Thiên Chúa chỉ mặc khải trọn vẹn qua người con duy nhất là Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người. Giáng sinh xuống trần gian bởi Trinh nữ Maria nên Giêsu vừa mang bản tính Thiên Chúa vừa mang bản tính loài người. Qua cuộc đời và triết lý của mình, Giêsu đã dạy mọi người cung cách sống, nói về tình yêu của Thiên Chúa và ban tặng hồng ân, vinh quang cho những ai tin mình. Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu là cái giá tột đỉnh mà Chúa phải gánh chịu để đền bù cho tội lỗi của loài người, để họ được thứ tha và hòa giải với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần được tin canh tân, Thánh hóa Giáo hội kể từ sau khi Chúa Giêsu về trời.

Theo Công giáo, "mầu nhiệm" là những điều huyền bí về Thiên Chúa mà tài trí con người không thể hiểu và giải thích đầy đủ được nhưng tin đó là chân lý. Tóm lại, tín hữu Công giáo có thể tuyên xưng đức tin cơ bản qua câu nói: "Có ba mầu nhiệm chính trong Đạo: Thứ nhất là Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thứ hai là Mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, thứ ba là Mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc".

Tội nguyên tổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong đức tin của người Công giáo, loài người trước đây được Thiên Chúa sáng tạo ra để hiệp thông với ngài nhưng vì không vâng lời Thiên Chúa khi ăn trái của "cây biết điều thiện điều ác" (trái cấm), Adam và Eva - tổ tiên loài người theo Công giáo – đã làm mối quan hệ đó bị đổ vỡ khiến tội lỗi và sự chết lan tràn khắp thế giới.[31] Vấp ngã này của con người được gọi là tội nguyên tổ (hay tội tổ tông). Từ đây, con người đánh mất đi tình trạng nguyên thủy của mình là được hiệp thông với Thiên Chúa, bị đưa vào tình trạng của sự chết nhưng qua ý tưởng con người có một linh hồn bất tử. Khi Giêsu đến với thế giới, giữa Thiên Chúa và loài người đã có sự hòa giải qua hiến tế bằng cái chết và sự sống lại của Giêsu, một lần nữa con người lấy lại được sự hiệp thông và dự phần vào vinh quang Thiên Chúa.

Cứu rỗi

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội dạy rằng Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người sự cứu rỗi để hướng tới một cuộc sống vĩnh hằng và ngài coi đó như là một hồng ân, một vinh quang qua sự hiến tế của Đấng Kitô. "Với những nỗ lực để tỏ tường về Thiên Chúa, chẳng có câu trả lời chính xác nào hay tài trí nào của con người làm được. Giữa Thiên Chúa và chúng ta có một sự khác biệt vô tận khiến chúng ta phải thừa nhận về ngài, Thiên Chúa chúng ta".[32] Thiên Chúa là đấng bào chữa, là đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Hoặc là chúng ta đón nhận hồng ân này Thiên Chúa ban cho ta thông qua đức tin vào Giêsu Kitô và phép rửa tội[b] hoặc là khước từ nó. "Đức tin không hành động là đức tin chết".

Giáo hội còn dạy rằng con người cần phải được thanh tẩy ngay từ lúc này, ngay trong thực tại này (tức cuộc sống trần thế) vì khi chết rồi thì không thể làm gì hơn được nữa. Thanh tẩy là khi nhận Phép rửa và nó bị mất đi khi linh hồn phạm tội chết (tội trọng). Tội trọng là sự cố ý vượt quá giới luật của Thiên Chúa cách nghiêm trọng. Nhưng con người có thể lại được sự Thánh tẩy khi người ấy thành thật thú nhận trong Bí tích Hòa giải. Nếu ai đó biết sám hối tội lỗi của họ trước khi chết mà không thể thông qua Bí tích Hòa Giải được vì lý do khách quan nào đó thì với lời khẩn cầu, tội của họ cũng tự nhiên được tha thứ.

Qua hiến tế của Giêsu bằng cái chết trên thập giá, sự cứu rỗi thậm chí còn được ban ra bên ngoài ranh giới của Giáo hội, nghĩa là phổ biến cho mọi người. Do đó, các Kitô hữu lẫn dân ngoại, nếu ai nhiệt thành đáp lại chân lý này thì Thiên Chúa sẽ bày tỏ lòng xót thương của ngài đối với họ. Điều này đôi khi là một trách nhiệm để trở thành thành viên của Giáo hội.

Phép Thanh Tẩy (rửa tội) là một nghi thức quan trọng của người Kitô hữu, qua lăng kính của Giáo hội Công giáo, nó được nâng lên hàng bí tích. Phép rửa không chỉ làm thanh tẩy tội lỗi của một người nào đó, nó cũng làm cho họ trở thành "con cái Thiên Chúa và được dự phần với ngài", trả lại cho con người trạng thái nguyên bản mà đã được hình thành giống như hình ảnh của Thiên Chúa. Phép rửa còn là cầu nối giữa người nào đó với đời sống cộng đoàn Giáo hội. Bởi vậy, khi chịu phép rửa trong Giáo hội, là thân thể Đức Kitô, người ta cũng sẻ chia cuộc khổ nạn và phục sinh với ngài. Sự cứu rỗi là phổ biến cho tất cả mà không loại trừ ai. Công giáo tin rằng Thiên Chúa không nỡ từ chối một khẩn cầu cứu rỗi của ai đó bên ngoài Giáo hội. Điều này là một trong những quan điểm bất đồng lớn giữa Công giáo và Kháng cách.

Thánh Kinh và Thánh Truyền

[sửa | sửa mã nguồn]

Những lời giảng dạy của Giáo hội Công giáo là những điều được trích dẫn ra từ hai nguồn: Thánh KinhThánh Truyền. Họ cho rằng cả hai đều xuất phát từ Thiên Chúa[33] và được giải thích bởi Huấn Quyền (Magisterium) của Giáo hội. Danh sách và nội dung chính thức về các sách Thánh kinh được Giáo hội Công giáo chấp nhận là những bản Thánh Kinh viết bằng tiếng Latin hồi thế kỷ thứ IV, cụ thể là 46 quyển của Cựu Ước và 27 quyển của Tân Ước.

Năm 1943, trong bức thông điệp "Divino Afflante Spiritu" của ông, Giáo hoàng Piô XII đã khuyến khích những học giả Thánh Kinh hãy cần mẫn nghiên cứu về ngôn ngữ nguyên bản của các sách Thánh Kinh (tiếng Do Thái, Hy Lạp, Aram trong Cựu Ướctiếng Hy Lạp trong Tân Ước) và những ngôn ngữ chung nguồn gốc khác để hiểu biết sâu rộng và đầy đủ hơn về những văn bản này, và cho rằng: "văn bản nguyên bản... được viết bằng ơn linh hứng của tác giả thì có thẩm quyền và giá trị hơn bất kỳ bản nào, thậm chí cả những bản đã được dịch rất hoàn hảo, dù đó là cổ xưa hay hiện đại".[34]

Thánh Truyền (gọi tắt của Truyền thống các Thánh Tông Đồ) mà Giáo hội Công giáo định nghĩa rằng: "mang lời của Thiên Chúa đã được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ủy thác cho các Tông Đồ và truyền đạt lời Chúa cách nguyên vẹn cho những người kế vị các Tông Đồ để các vị này gìn giữ, trình bày và truyền bá lời đó cách trung thành khi giảng dạy".[35] Nguồn gốc Thánh Truyền thì rất đa dạng và những giảng dạy của Giáo hội ngày nay thường là được truyền khẩu từ các tông đồ. Nhiều ghi chép của các cha đạo sơ khai đã phản ánh được Thánh Truyền.

Huấn Quyền là thẩm quyền giáo huấn, giải thích Kinh Thánh và đức tin của các vị lãnh đạo giáo hội như Giáo hoàng, Giám mục, linh mục, nhằm giúp cho tín hữu hiểu rõ vấn đề.

Giáo hội Tông Truyền

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội là "thân thể Chúa Kitô"7 mà ngài là "đầu" và Công giáo dạy rằng đó là một thân thể được hiệp nhất bởi những người tin Chúa cả trên thiên đàng và trên địa cầu này. Theo Giáo Lý, Giáo hội Công giáo xưng mình là "Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô". Giáo hội này dạy rằng người sáng lập ra họ là chính Chúa Giêsu Kitô, đã bổ nhiệm mười hai tông đồ tiếp tục công việc của Chúa Giêsu sau khi ông về trời. Các tông đồ đó là những vị Giám mục đầu tiên của Giáo hội.

Giáo hội Công giáo diễn giải: tổ chức Giáo hội của họ là sự hiện diện liên tục của Chúa Giêsu trên Trái Đất, và tất cả các Giám mục được tấn phong hợp lệ là người kế thừa các tông đồ khi xưa (Tông Truyền). Trong đó, các Giám mục thành Rôma được coi là người kế vị tông đồ trưởng Simon Phêrô, có quyền tối thượng ở trần gian nên được gọi là Giáo hoàng.

Niềm tin về cái chết

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúa Thăng Thiên, tranh của Dosso Dossi (thế kỷ XVI) với thiên đàng bên trên và trần gian bên dưới.

Giáo hội Công giáo dạy rằng, con người gồm có thể xáclinh hồn. Cái chết chỉ là sự chấm dứt của thân xác nhưng linh hồn là bất diệt. Ngay sau khi chết, linh hồn của mỗi người sẽ nhận được một cuộc phán xét riêng của Thiên Chúa, nhưng vẫn còn một cuộc phán xét chung thẩm cho cả nhân loại trong ngày tận thế, khi mà Chúa Kitô quay lại trần gian làm thẩm phán. Theo đó, cuộc chung thẩm này sẽ chấm dứt tình trạng hiện tại của nhân loại và bắt đầu một Thiên Quốc (Nước Trời) mới và tốt đẹp hơn do Thiên Chúa cai trị. Theo Giáo lý Công giáo, vào ngày tận thế, linh hồn sẽ nhập lại thể xác (được tái sinh) và sau đó mỗi người sẽ phải chịu bản án thưởng hay phạt tùy theo những việc họ đã làm khi còn sống ở trần gian. Họ sẽ đi vào một trong ba tình trạng sau:

  • Thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn. Ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và ai không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được qui tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các thiên thần và các Thánh ... được chiêm ngắm Thiên Chúa "mặt giáp mặt" (1 Cr 13,12) ... sống trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Ba Ngôi và chuyển cầu cho chúng ta (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo hội Công giáo, số 209).[36]
  • Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Thiên Chúa, nhưng dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo hội Công giáo, số 210).[36] Những linh hồn ở luyện ngục có thể nhận được sự cầu thay nguyện giúp của các Thánh trên thiên đàng và những người đang sống ở trần gian.
  • Hỏa ngục: là tình trạng xa cách đời đời khỏi Thiên Chúa. (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo hội Công giáo, số 212),[36] phải chịu sự đau khổ vô cùng, dành cho những người phạm tội trọng và không chịu hối cải. Tình trạng ày kéo dài vô hạn. Trước đây, quan niệm hỏa ngục là nơi chịu sự tra tấn, thiêu đốt bằng lửa cực nóng của ma quỷ nhưng quan niệm hiện đại cho rằng, nơi nào mà không có sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa thì cũng chịu đau khổ như hỏa ngục vậy.

Maria và các Thánh

[sửa | sửa mã nguồn]
Đức Nữ Đồng Trinh cầu nguyện, tranh của Sassoferrato, thế kỷ XVII

Maria - mẹ của Giêsu Nazareth - chiếm một vị trí quan trọng trong Giáo hội Công giáo. Các giáo phái Kháng Cách thường chỉ trích Công giáo về điều này vì họ cho rằng chỉ nên tôn thờ Thiên Chúa mà thôi, việc tín hữu Công giáo tôn thờ bà Maria là tôn thờ ngẫu tượng, trái với luật Chúa. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo lập luận rằng họ chỉ dành cho bà Maria sự tôn kính đặc biệt chứ đó không phải là sự tôn thờ.[37] Giáo hội Công giáo thường xưng bà Maria với danh hiệu là Đức Mẹ, Nữ Vương, Thánh Mẫu... Họ tin rằng bà Maria đồng trinh vĩnh viễn và là Mẹ của Thiên Chúa. Ngoài ra, họ còn tin bà "Vô Nhiễm Nguyên Tội" và hồn và xác của bà đã được vào thiên đàng. Bốn luận điểm này đã được chế định thành tín điều (điều phải tin), hai điều sau do Giáo hoàng Piô IXGiáo hoàng Piô XII công bố lần lượt trong các năm 18541950.

Việc tôn kính bà Maria của Giáo hội Công giáo không chỉ trong các lời kinh, lời ca tụng về cuộc đời bà trong cuộc sống hàng ngày mà còn trong rất nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, điêu khắckiến trúc. Giáo hội Công giáo xác nhận chính thức một số cuộc hiện ra của bà Maria, như tại Lộ Đức, Fatima, Guadalupe... Những nơi này cũng là địa điểm hành hương lớn thu hút nhiều tín đồ Công giáo.[38] Kinh Mân Côi chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống cầu nguyện của người Công giáo. Cùng với Trinh nữ Maria, các vị Thánh là những người nam hay nữ đã tuyên xưng niềm tin nơi Thiên Chúa, sống cuộc đời nêu gương sáng và chết trong ân nghĩa với Chúa, được tin là đang vinh hiển trên thiên đàng. Việc thờ phượng chỉ dành riêng cho Thiên Chúa; với các Thánh, tín hữu chỉ tôn kính. Các tín hữu cầu nguyện với bà Maria và các Thánh vì tin rằng nhờ lời chuyển cầu và trợ giúp của các vị, Thiên Chúa sẽ nhậm lời họ cầu xin.

Đời sống thường ngày

[sửa | sửa mã nguồn]

Người Công giáo phải nỗ lực để trở thành môn đồ thực sự của Giêsu. Họ mong đợi tìm kiếm được sự tha thứ cho những tội lỗi của mình qua tấm gương và lời giảng dạy của Giêsu. Họ tin rằng thông qua Giêsu, Thiên Chúa đã ban bảy phép bí tích cho mình như nhưng công cụ để trợ giúp họ thực hiện được điều này. Người Công giáo tin rằng Thiên Chúa luôn luôn tác động giữa loài người trên thế giới này. Người Công giáo được "Thánh hóa" là nhờ các phép bí tích của Giáo hội và qua cả những lời cầu nguyện, những công việc phúc đức, hành hương và ăn chay hãm mình. Cầu nguyện cho người khác, thậm chí cho kẻ thù và những người ngược đãi mình là một nhiệm vụ của Kitô hữu8. Người Công giáo cho rằng có bốn mục đích cầu nguyện: tôn thờ, tạ ơn, ăn năn và khẩn cầu. Người Công giáo cũng có thể cầu nguyện với Thiên Chúa xin tha tội cho những ai đã chết (cầu cho các linh hồn), và đặc biệt là họ cũng có thể cầu nguyện với Trinh nữ Maria - mẹ Thiên Chúa - và các Thánh nữa.

Nguồn gốc và lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội Công giáo La Mã coi các Giám mục của Giáo hội là những người kế vị các tông đồ, Giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, lãnh đạo Giáo hội theo chủ nghĩa quyền tối thượng đi ngược lại với triết lý công đồng của Kitô giáo sơ khởi.[16] Trong khi các văn sĩ Chính Thống giáo lại không chấp nhận điều này vì cho rằng, Thánh Phêrô - chỉ là một người đứng đầu mang tính danh dự và xem Công giáo La Mã là dị giáo. Ngoài ra, Công giáo Tây phương sử dụng một bản tự chỉnh sửa của Tín điều Nicea, theo đó, họ tin rằng Chúa Thánh Thần "xuất phát từ cả Chúa Cha và Chúa Con". Nhưng các Kitô hữu Chính Thống giáo Đông phương dùng nguyên bản Tín điều Nicea, theo đó, Chúa Thánh Thần chỉ "xuất phát từ Chúa Cha". Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chia rẽ giữa họ. Qua nhiều thế kỷ, sự khác biệt về giáo lý thần học, văn hóa và chính trị ngày càng lớn cho đến khi hai hệ thống giáo hội này chính thức tách rời trong Đại Ly Giáo vào năm 1054. Tạo thành hai nhánh chính riêng biệt là Chính Thống giáo Đông Phương và Công giáo La Mã[39]

Giáo hội Công giáo La Mã như một thể chế bắt đầu khi Grêgôriô I được bổ nhiệm làm giám mục của Rome vào năm 590CN. Grêgôriô có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tổ chức hệ thống giáo hoàng, chuẩn hóa phụng vụ và thần học của Giáo hội.[40] Sau đó chính thức ly khai trong cuộc Đại ly giáo 1054, trải qua các giai đoạn hình thành và nhiều biến cố trong thời kỳ đen tối cho đến thời kỳ cải cách kháng nghị của phong trào Tin Lành từ TK 16. Đến giữa TK 20, Công đồng Vatican II được thành lập, khẳng định các chính sách và khởi xướng các biện pháp nhằm hiện đại hóa Giáo hội Công giáo.[41]

Giáo hội Sơ khai

[sửa | sửa mã nguồn]
Thánh Phaolô tông đồ

Theo sử sách, các tông đồ đã đi truyền giảng ở Bắc Phi, Tiểu Á, Ả Rập, Hy LạpRome để thành lập những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Năm 100, đã có hơn 40 cộng đoàn. Ngay từ thời sơ khai này, các Kitô hữu bị bắt bớ, đàn áp và hành hạ, thậm chí bị giết chết như trường hợp của Stêphanô (Stephenus) (Sách Công vụ Tông đồ 7:59) và Giacôbê (Iacobus) (12:2) qua bàn tay quyền lực của Đế quốc La Mã. Năm 64, dưới sự đàn áp của Hoàng đế Nero, tông đồ PhêrôPhaolô tử đạo tại Rôma. Năm 96, Giáo hoàng Clêmentê I viết lá thư đầu tiên gửi giáo đoàn ở Côrintô (Corinthios), một năm sau cái chết của Thánh Gioan tại Êphêsô (Ephesios) – vị tông đồ cuối cùng, châm ngòi cho sự đàn áp Giáo hội qua tận chín đời hoàng đế La Mã gồm cả Domitian, DeciusDiocletian.

Từ năm 150, những thầy giảng bắt đầu rao giảng thần học Kitô giáo để củng cố lòng tin trong tín hữu. Những người này đóng vai trò như những vị linh mục ngày nay. Đáng chú ý là Inhaxiô thành Antiokhia, Polycarp, Justin, Irenaeus, Tertullian, Clement thành Alexandria và Origen. Đạo Công giáo, chính xác hơn trong ngữ cảnh thời đại ấy gọi là Kitô giáo, được hợp pháp hóa vào Thế kỷ thứ IV khi Constantinus I ban hành "Sắc lệnh Milano" năm 313, bãi bỏ các hình phạt bách hại dã man Kitô hữu.[42] Constantinus I là nhân vật có ảnh hưởng trong Công đồng Nicaea I vào năm 325, nhờ ông mà giáo hội hướng được mũi tên vào phái tà giáo Aria và Nicea, khiến cho đến tận ngày nay, ông vẫn có vai trò quan trọng được Giáo hội Công giáo, Chính Thống giáo, Cộng đồng Anh giáo và các giáo hội Kháng Cách nhìn nhận. Vào năm 326, Giáo hoàng Sylvester I cung hiến Đại giáo đường Thánh Phêrô do Constantinus I xây dựng. Ngày 27 tháng 2 năm 380, Hoàng đế Theodosius I công nhận Công giáo là quốc giáo của Đế quốc La Mã. Thời kỳ lịch này đánh dấu sự khởi đầu cho việc thiết lập nền tảng thần học và giáo luật của Giáo hội. Năm 386, Công đồng Rôma thiết lập Quy điển Thánh Kinh, ra danh sách những quyển sách được Giáo hội chấp nhận từ Cựu ƯớcTân Ước. Năm 431, Công đồng Êphêsô công khai tín điều, khẳng định Đức Giêsu mang hai bản thể: Con Thiên Chúa và con người, minh bạch hóa tín điều về Ba Ngôi.

Thời Trung Cổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Sự suy yếu của La Mã đã tạo tiền đề thuận lợi cho Công giáo phát triển. Trong thời đại loạn lạc này, những hành động nhân đạo, cứu giúp kẻ khó khăn của các giáo sĩ, tu sĩ Công giáo nhanh chóng được nhân dân ủng hộ và đi theo.[43] Đặc biệt, năm 452, Giáo hoàng Lêô Cả gặp gỡ Attila để khuyên can ý định tôn tính thành Rôma. Năm 476, Romulus Augustus - hoàng đế La Mã cuối cùng - bị truất phế, kéo theo sau là sự sụp đổ của Đế quốc La Mã ở phương tây, Giáo hội bước vào thời kỳ truyền giáo lâu dài cho dân ngoại. Người Công giáo phát triển rồi hòa trộn vào trong cộng đồng người Đức (nhằm cạnh tranh với giáo phái Aria), người Celt, người Slav, người Viking, Scandinavia, Hungary, BalticPhần Lan. Sự xuất hiện của Hồi giáo năm 630 đã lấy đi những phần đất ở Bắc Phi vốn thuộc Tây Ban Nha ra khỏi sự kiểm soát của Công giáo. Năm 480, Thánh Biển Đức (Benedict) thiết lập hệ thống luật lệ cho việc ra đời các dòng tu. Sau đó, các dòng tu Công giáo phát triển mạnh mẽ ở châu Âu vào Thế kỷ thứ IX, nhất là ở Ireland, Scotland thời Phục Hưng. Thời Trung Cổ đã mang đến những biến đổi cơ bản bên trong Giáo hội. Giáo hoàng Grêgôriô I đã cải cách đáng kể cơ cấu quản trị của Giáo hội. Đầu Thế kỷ thứ VIII, phong trào bài trừ Thánh tượng là vấn đề gây ra sự chia rẽ giữa Giáo hội với chính quyền khi nó được hoàng đế Byzantine hậu thuẫn. Giáo hoàng thách thức sức mạnh của chính quyền đế quốc này khi tiếp tục công khai bảo vệ các Thánh tượng.

Thượng Trung Cổ

[sửa | sửa mã nguồn]
Cảnh Giáo hoàng Urbanô II tại Công đồng Clermont, nơi ông đề cập đến ý định chiếm lại Đất Thánh. Tranh vẽ Thế kỷ XV

Đầu thế kỷ thứ X, các dòng tu phương tây lan rộng khắp nơi, dẫn đầu là Dòng Biển Đức. Đầu thế kỷ XI, các trường dòng phát triển thành các viện đại học như: Đại học Paris, Đại học Bologna, Đại học Oxford[44]... trước đây chỉ dạy thần học, sau này dạy cả y học, luật pháp, triết học để rồi trở thành nền tảng cho giáo dục hiện đại của phương tây. Sự xuất hiện của Dòng PhanxicôDòng Đa Minh do Thánh Phanxicô và Thánh Đa Minh thành lập đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho sự phát triển của các đại học lớn ở châu Âu. Thời kỳ này, các công trình kiến trúc của Giáo hội đạt đến những tầm cao mới, cực điểm là phong cách kiến trúc Roman, Gothic trong các đại giáo đường ở châu Âu.

Tại Công đồng Clermont, Giáo hoàng Urbanô II đưa ra những bước chuẩn bị cho cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên nhằm giành lại các vùng đất mà Hồi giáo đã chiếm đóng. Từ năm 1095, thời Giáo hoàng Urbanô II, những cuộc Thập Tự Chinh bùng phát. Đó là hàng loạt chiến dịch quân sự tại khu vực Đất Thánh (Jerusalem) và những nơi khác như một nỗ lực chống lại sự bành trướng của quân Thổ Nhĩ Kỳ đại diện cho Hồi giáo. Bên cạnh lý do đó là một ẩn ý của tham vọng bành trướng ngược lại bằng cách xâm lăng đất đai của người Hồi giáo. Trong giai đoạn này, Kitô giáo đã bị các thế lực phong kiến và thậm chí là các Giáo hoàng đương thời lợi dụng và diễn dịch theo nghĩa phục vụ cho cuộc chiến của họ. Điều đó đã trở thành một trong các nguyên nhân biến Thập Tự Chinh trở thành một trong những vết nhơ khủng khiếp nhất của lịch sử Kitô giáo.

Trong suốt những cuộc viễn chinh, những đoàn quân Thập Tự đã thẳng tay tàn sát, cướp bóc, thậm chí cá biệt có nơi còn ăn thịt người Hồi giáo, hoặc cổ động cả trẻ em vào cuộc chiến, dẫn đến việc hàng ngàn trẻ em bị bắt bán làm nô lệ. Cuối cùng, những cuộc Thập Tự Chinh cũng không bóp ngạt được sự xâm lăng của Hồi giáo mà thậm chí lại góp phần làm sụp đổ và chiếm đóng Constantine trong cuộc Thập Tư Chinh thứ tư. Bắt đầu khoảng năm 1184, là những cuộc giao chiến với tà giáo Cathar nhằm giữ an toàn cho sự đồng nhất trong học thuyết Công giáo, bài trừ dị giáo.

Đại Ly Giáo

[sửa | sửa mã nguồn]

Qua một thời kỳ từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XIV, Giáo hội Công giáo nguyên thủy dần dần bị phân tách thành hai cực: Tây phương (Latinh), thường được gọi là Giáo hội Công giáo; và Đông phương (Hy Lạp), sau này trở thành Chính Thống giáo. Hai giáo hội này bất đồng quan điểm về cách tổ chức, nghi thức và những học thuyết mà đặc biệt là địa vị của Giáo hoàng.[45][46] Công đồng Lyon II (1274) và Công đồng Firenze (1439) thử tìm cách hiệp thông lại hai giáo hội nhưng tất cả đều bị Chính Thống giáo khước từ. Tuy nhiên, hai nhánh giáo hội chủ chốt vẫn phân ly cho đến ngày nay mặc dù đã hóa giải việc rút phép thông công lẫn nhau giữa Rôma và Constantine vào năm 1965. Sau khi Công đồng Vatican II được thành lập để thiết lập Giáo hội Công giáo La Mã theo hướng hiện đại hóa.

Cải cách Kháng nghị

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1492, Christopher Columbus khám phá ra châu Mỹ dẫn đến làn sóng truyền giáo tích cực của Công giáo Rôma tại khắp lục địa này. Giáo hoàng Alexander VI trao "sứ mệnh" truyền giáo tại vùng đất mới khám phá cho Tây Ban NhaBồ Đào Nha. Thời kỳ Phục Hưng thế kỷ XV có một sự kiện đáng quan tâm trong cổ điển học đó là sự xét lại về học thuyết và đức tin của Công giáo.

Ngày 31 tháng 10 năm 1517, Martin Luther đưa ra những bài luận văn mang nội dung bài trừ những học thuyết của Công giáo đương thời. Những bài tương tự được phát ra với những chi tiết căn bản thậm chí vượt bậc hơn cả những gì Công giáo thuyết giảng. Họ chĩa mũi nhọn vào Công đồng Trent, bản chất của Kháng Cách - như tên gọi của nó - là kháng cự đòi hỏi khôi phục những học thuyết và cách thực hành Công giáo truyền thống. Công đồng Trent sàng lọc và định nghĩa lại các học thuyết, ban bố các giáo điều.

Năm 1534, Nghị viện Anh thông qua quyền tối cao của Vua nước Anh đối với Giáo hội tại Anh được hiểu là lời tuyên bố ly khai khỏi Giáo hội Rôma. Từ năm 1536, nhiều nhà dòng Công giáo tại xứ Anh, xứ WalesIreland bị giải thể. Giáo hoàng Phaolô III rút phép thông công vua Henry VIII vào năm 1538, như vậy Anh giáo chính thức phân ly khỏi Công giáo.[47] Sự lan rộng khắp thế giới của Công giáo song hành cùng chủ nghĩa thực dân châu Âu vươn đến châu Mỹ, châu Á, châu Phichâu Đại Dương.

Hậu kỳ Trung Cổ và Phục Hưng

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong năm 1521, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan thực hiện chuyến đi truyền giáo đầu tiên đến Philippines. Những năm sau, các giáo sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn đặt chân đến México, xây dựng trường học, mô hình trang trại và các bệnh viện. Hơn 150 năm tiếp theo, sứ vụ được mở rộng sang tây nam Bắc Mỹ. Người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha theo nhà đồng sáng lập Dòng TênPhanxicô Xaviê đến Ấn ĐộNhật Bản. Cuối thế kỷ XVI, hàng chục ngàn người Nhật theo đạo Công giáo. Giáo hội tại Nhật Bản phát triển nhưng bị gián đoạn và đàn áp vào năm 1597, dưới thời Shogun (Tướng quân) Tokugawa Iemitsu là vị tướng quân có nỗ lực cô lập Nhật Bản khỏi ảnh hưởng từ ngoại bang.

Baroque, Chấn hưng và Khai sáng

[sửa | sửa mã nguồn]

Công đồng Trent và cuộc Chấn hưng Công giáo thời kỳ này đã tạo ra một sự hồi sinh trong đời sống Giáo hội và cổ võ lòng sùng kính Maria trong Giáo hội Công giáo Rôma. Trong thời Cải cách Kháng nghị, Giáo hội đã chống lại quan điểm của Tin Lành về Maria. Đồng thời, Công giáo đã tham gia vào những cuộc chiến tranh Ottoman đang diễn ra ở châu Âu để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã chiến thắng và tin rằng có sự bảo trợ của Maria. Đặc biệt, chiến thắng tại Trận Lepanto (1571) được coi là sự công nhận hồi sinh mạnh mẽ của lòng sùng kính Maria. Giáo hoàng Phaolô VGiáo hoàng Grêgôriô XV cai trị năm 16171622 đã làm rõ hơn niềm tin về việc đồng trinh thụ thai của Đức Maria. Đến năm 1661, Giáo hoàng Alexander VII tự tuyên bố rằng Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội từ khi sinh ra. Từ năm 1708, Giáo hoàng Clement XI đã ra sắc lệnh cử hành ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong toàn thể giáo hội.

Chủ nghĩa Khai sáng ra đời là một thách thức mới của giáo hội Công giáo. Không giống như cuộc Cải cách Kháng nghị, những vấn đề về giáo lý Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng đã được đưa ra bàn thảo dựa trên quan điểm khoa học. Tạo ra làn sóng hoài nghi cũng như thảo luận về tính phi lô-gic của Công Giáo.

Cuối thế kỷ XVII, Giáo hoàng Innocent XI lo ngại những đợt tấn công gia tăng của quân Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu là mối đe dọa lớn đối với giáo hội. Ông đã thiết lập nên liên minh Ba Lan - Áo và đã đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ tại Vienna năm 1683.

Hiện đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Thế kỷ XVIIIXIX, Giáo hội phải đối mặt với làn sóng truyền giáo mạnh mẽ của Tin Lành, Chủ nghĩa Khai sáng và Chủ nghĩa Canh Tân. Chủ nghĩa Vô thần và phong trào bài trừ tôn giáo được đẩy mạnh lan rộng khiến giáo hội phải tự vận động để thích nghi với hoàn cảnh và chức năng. Nhiều thành phần của giáo hội trên thế giới bị đàn áp, công tác mục vụ bị gây cản trở, giáo dục, y tế vốn có của giáo hội bị chính phủ kiểm soát.

Công đồng Vatican II

[sửa | sửa mã nguồn]
Các nghị phụ tại Công đồng Vatican II

Thời Công đồng Vatican II (1962-1965) do Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập, Giáo hội Công giáo trải qua một quá trình cải cách toàn diện nhất kể từ Công đồng Trent diễn ra bốn thế kỷ trước. Công đồng này nhấn mạnh phải nhìn thấy rõ vai trò của Giáo hội Công giáo trong cộng đồng Kitô hữu tin Chúa Giêsu và trong các tôn giáo khác. Công đồng được coi là mở ra thời kỳ lịch sử của Giáo hội Công giáo hiện đại. Công đồng phát hành nhiều tài liệu về tình trạng Giáo hội, sứ mạng các hội đoàn và tự do tôn giáo. Ngoài ra còn ban hành những phương hướng thích nghi dành cho các nghi lễ, trong đó cho phép sử dụng tiếng bản xứ thay vì phải dùng tiếng Latinh trong phụng vụ. Trong số 21 công đồng đã diễn ra trong lịch sử của Giáo hội Công giáo thì Công đồng Vatican II được đánh giá là đồ sộ nhất cả về quy mô, thời gian, số nghị phụ tham dự và nội dung làm việc. Có 16 văn kiện đã được thông qua gồm 4 Hiến chế, 9 Sắc lệnh và 3 Tuyên ngôn. Ban tổ chức đã phải in tới 46 triệu trang tài liệu (150 tấn giấy in) cho các đại biểu. Các buổi họp của Công đồng được ghi lại trong 712 cuốn băng dài tới 724.000 mét.[48] Dù vậy, Công đồng Vatican II vẫn vấp phải sự tranh cãi, chỉ trích gay gắt từ những người bảo thủ, đặc biệt là tổng Giám mục Marcel Lefebvre, người lãnh đạo Huynh đoàn Thánh Piô X hiện không thần phục thẩm quyền Tòa Thánh.

Đương đại và tân Phúc Âm hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã công nhận sự cần thiết để tân phúc âm hóa (hay còn gọi là tái rao giảng Tin Mừng) cho một thế giới ngày càng trở nên thế tục hóa, đồng thời sử dụng các phương tiện tân tiến để tiếp cận với các tín hữu. Ông đã thành lập Đại hội Giới trẻ Thế giới, được tổ chức mỗi 2 hoặc 3 năm tại nhiều quốc gia khác nhau để người trẻ được củng cố đức tin Công giáo. Ông đi ra ngoài Thành Vatican nhiều hơn bất kỳ Giáo hoàng khác, và đã thực hiện 104 chuyến tông du đến thăm 129 quốc gia.[49][50]

Với việc đăng quang vào năm 2005, Giáo hoàng Biển Đức XVI hiện tại phần lớn vẫn tiếp nối các chính sách của người tiền nhiệm là Gioan Phaolô II, tuy cũng có một số trường hợp ngoại lệ đáng chú ý: trong năm 2007, Giáo hoàng Biển Đức XVI đã lập một kỷ lục trong Giáo hội khi phê chuẩn việc phong chân phước cho 498 vị tử đạo Tây Ban Nha. Gần đây, Giáo hoàng này đã ban hành Tông hiến thiết lập các giáo hạt tòng nhân để đón nhận các tín hữu Anh giáo trở về Công giáo.[51] Hiện tại, Giáo hội Công giáo vẫn nỗ lực cải thiện quan hệ đại kết[52] với các Giáo hội Kitô giáo khác như Chính Thống giáo Đông Phương, Tin Lành và mở các cuộc đối thoại lớn với Do Thái giáo[53] và các tôn giáo khác.

Tu trì và đoàn thể

[sửa | sửa mã nguồn]

Tất cả thành viên của Giáo hội Công giáo khi đã được rửa tội theo nghi thức Công giáo thì được gọi là Kitô hữu hoặc người Công giáo, có đầy đủ quyền và trách nhiệm của tín hữu, được kêu gọi trở nên Thánh và đóng góp xây dựng Giáo hội. Mọi người cũng được kêu gọi để chia sẻ thừa tác ngôn sứ, tiên tri và vương đế của Đấng Kitô. Số ít trong số Kitô hữu thực hiện vai trò liên quan đến mục tử (giáo phẩm) và sống chứng nhân (tu trì) nhưng phần lớn là phải thực hiện ba bổn phận nói trên.

Đời sống tu trì còn gọi là đời sống Thánh Hiến thể hiện qua việc người nam hay người nữ hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa với những ràng buộc được Giáo hội công nhận (đi tu). Họ không thuộc Hàng Giáo Phẩm (trừ khi người nam được thụ phong thành linh mục), phần lớn là thành viên của các hội dòng, hội đoàn (gọi chung là tu hội). Giáo hội Công giáo cũng ghi nhận những hình thức khác nhau về Đời sống Thánh hiến như: các giáo đoàn, ẩn tu, nữ tu, hoạt động tông đồ... Phần lớn hình thức của Đời sống Thánh hiến hiện hữu là yêu cầu các thành viên hiến dâng bản thân họ cho Thiên Chúa thông qua việc dự tu được định đoạt bởi một lời khấn (thề), sống tuân thủ ba tinh thần của Phúc Âm là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Ngày nay, những ai có "ơn gọi" theo Đấng Kitô muốn Thánh hiến bản thân cho Thiên Chúa thì có những đòi hỏi cao hơn khi họ phải sống trong các Tu viện, chịu sự quản lý của "bề trên", họ phải sống theo từng cộng đoàn, thỉnh thoảnng cho phép sống riêng lẻ trong thời gian ngắn, một số được phép đến những nơi khác để phục vụ (trong một giáo xứ chẳng hạn).

Đoàn thể

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều phong trào, đoàn thể và tổ chức hoạt động trong lòng Giáo hội Công giáo và chúng thường gồm những nhóm người có "đức tin đặc biệt", hoạt động theo mục tiêu và phương hướng của người sáng lập hoặc người khai tâm và đặc biệt là phải phù hợp với Giáo huấn và Giáo luật. Có những phong trào, đoàn thể, tổ chức Công giáo được phân cấp và hoạt động gắn chặt với thẩm quyền Giám mục hay linh mục địa phương. Nói chung, những phong trào, đoàn thể, tổ chức Công giáo đã tỏ ra tính đại chúng của mình và phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới.

Thống kê thành viên

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo quyển Niên giám Thống kê Giáo hội (Annuario Statisticum Ecclesiae) năm 2011, tổng số đơn vị hành chính của toàn Giáo hội Công giáo là 2.966. Thống kê này cho biết vào năm 2010, trên thế giới có gần 1,196 tỷ tín hữu Công giáo, chiếm khoảng 17,5% dân số thế giới.[8] Tỷ lệ người Công giáo giảm tại Mỹ Latinh (từ 28,54% xuống 28,34%) và tại Châu Âu (từ 24,05% xuống 23,83%). Ngược lại, tỷ lệ người Công giáo tăng tại Châu Phi (từ 15,15 lên 15,55%) và Châu Á (từ 10,41 lên 10,87%). Cũng trong năm 2010, số Giám mục Công giáo là 5.104 vị, và linh mục là 412.236 vị.[8] Đây là giáo hội lớn nhất của Kitô giáo, bao gồm hơn một nửa Kitô hữu. Ngoài ra, số lượng người có thực hành nghi thức Công giáo trên toàn thế giới chưa được thống kê hết, đặc biệt ở châu Phi và châu Á.9

Phân bố

[sửa | sửa mã nguồn]

Với số lượng lớn người trưởng thành được rửa tội, giáo hội này tăng trưởng nhanh ở châu Phi hơn các nơi khác.[54] Trong những năm gần đây, một vài nơi ở châu Âu và châu Mỹ thiếu thốn linh mục, số lượng linh mục không tăng theo tỷ lệ số lượng giáo dân. Chủ nghĩa thế tục tăng ổn định ở châu Âu, nhưng sự hiện diện của Công giáo vẫn còn mạnh nơi đây.[55]

Bản đồ cho thấy tỉ lệ người Công giáo tại các quốc gia. Màu càng đậm thì tỉ lệ càng cao

Giáo hội tại châu Á chiếm thiểu số giữa các tôn giáo khác, bao gồm chỉ khoảng 3% dân số châu Á, nhưng tại đây lại chiếm một tỷ lệ lớn nữ tu, linh mục.[55] Từ 1975 đến 2000, dân số châu Á tăng 61% nhưng giáo dân Công giáo ở châu Á tăng 104%.[56] Tuy nhiên, giáo hội phải đối mặt với những thử thách trong truyền giáo, giáo dân bị đàn áp tại các quốc gia như Bắc Triều Tiên[57], Trung QuốcViệt Nam[58][59]. Châu Đại Dương cũng là nơi truyền giáo khó khăn cho các giáo phái Kitô giáo bởi nơi đây có các nhóm sắc tộc với hơn 715 ngôn ngữ khác nhau. Trong giáo hội Công giáo trên toàn thế giới, 12% cư ngụ ở châu Phi, 50% ở châu Mỹ, 10% ở châu Á, 27% ở châu Âu và 1% ở châu Đại Dương.[55]

Brasil hiện là quốc gia có số lượng giáo dân Công giáo đông nhất.[60][61] Phần lớn những quốc gia phát triển đều có sự hiện diện của Giáo hội, tuy có giảm vào cuối thế kỷ XIX. Tại châu Âu, các quốc gia thuộc nhóm ngôn ngữ Rôman (Latinh) là cái nôi lịch sử phát triển của Công giáo, trong khi đó, các quốc gia nhóm ngôn ngữ gốc Đức nhiều Tin Lành và các quốc gia hệ tiếng Slav lại mang sự pha trộn giữa Công giáo và Chính Thống giáo. Phần còn lại của Công giáo trên thế giới là do nỗ lực truyền giáo của Tây Ban Nha, Bồ Đào NhaPháp, bên cạnh đó còn do việc di cư từ những quốc gia này đi khắp châu Âu. Tại Mỹ Latinh - nơi từng được độc quyền - Công giáo đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng của Kháng Cách (Tin Lành), đặc biệt là Trung Mỹ và khu vực Caribbean. Tại châu Phi, Công giáo hoạt động mạnh mẽ nhất ở trung tâm lục địa; trong khi ở châu Á, chỉ có hai quốc gia có tỷ lệ lớn người Công giáo trong dân số là Philippines, Đông Timo.

Gia nhập đạo

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Giáo luật Công giáo, một người sẽ trở thành một thành viên của Giáo hội Công giáo khi người đó lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy theo ghi thức Công giáo. Trường hợp tín hữu nào đó đã tuyên bố bỏ đạo Công giáo nay muốn gia nhập lại thì phải tái tuyên xưng đức tin Công giáo và lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Người Công giáo được phép sinh hoạt tôn giáo, lãnh nhận các nghi thức tôn giáo ở bất kỳ nhà thờ Công giáo nào trên toàn thế giới.

Một số học thuyết về xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Phẩm giá con người

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội Công giáo cho rằng không một ai có quyền xâm phạm đến sự sống của bản thân mình hay của người khác vì mỗi một người được Thiên Chúa tạo dựng giống với hình ảnh của ngài, có phẩm giá vượt trên các loài thụ tạo khác. Bởi vậy, Giáo hội Công giáo phản đối những hành vi mà họ cho rằng làm huỷ hoại giá trị sự sống: giết người, tự tử, phá thai, tránh thai, gây chết êm dịu (trợ tử), diệt chủng, chiến tranh, nhân bản người, sinh sản vô tính... Bản án tử hình, tuy không bị Giáo hội chính thức phản bác nhưng càng ngày nó càng bị các nhà thần học và lãnh đạo giáo hội chỉ trích. Theo Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bản án tử hình không nên áp dụng trong mọi trường hợp, trừ những trường hợp nó cần thiết cho việc bảo vệ trật tự xã hội.[62] Có thể thấy rằng, ở hầu hết các quốc gia phát triển có căn tính Công giáo, án tử hình đã bị loại bỏ.

Vấn đề giới tính, tình dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội Công giáo không chỉ trích tình dục nếu nó diễn ra trong một mối quan hệ vợ chồng hợp với tinh thần giáo luật Công giáo. Sinh sản con cái được Giáo hội Công giáo đề cao vì tin rằng việc sinh sản là cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong các Giáo huấn của mình, Giáo hội này vẫn nhấn mạnh việc sinh sản và trách nhiệm nuôi dạy với con cái. Đặc biệt, các biện pháp tránh thai nhân tạo (dùng thuốc tránh thai, dùng bao cao su), phá thai luôn bị họ kết án gay gắt vì họ chỉ chấp nhận tránh thai bằng biện pháp tình dục có trách nhiệm và tiết chế. Tuy nhiên, gần đây Giáo hoàng Biển Đức XVI nói rằng việc sử dụng bao cao su có thể là hợp lý trong những trường hợp đặc biệt.[63] Đây là dấu hiệu cởi mở hơn về vấn đề sử dụng bao cao su. Ngoài ra, Giáo hội Công giáo cũng không chấp nhận vấn đề tình dục và hôn nhân của người đồng tính luyến ái.[64]

Vấn đề môi trường

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội Công giáo nhìn nhận rằng: Chúng ta đã thừa kế từ các thế hệ trước và chúng ta đã hưởng lợi từ lao động của những người đương thời. Chính vì thế, chúng ta phải có bổn phận đối với hết mọi người và không thể từ chối quan tâm tới những người sẽ sống sau chúng ta. Chúng ta là một gia đình nhân loại. Đây là một trách nhiệm mà các thế hệ hiện nay phải có đối với các thế hệ tương lai. Do đó, chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người trên Trái Đất vì đó là tài sản chung của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Không ai được khai thác sử dụng một cách vô trách nhiệm các loại hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác như thú vật, thảo mộc, các yếu tố thiên nhiên, hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình.[65]

Vai trò trên thế giới

[sửa | sửa mã nguồn]

Đức tin và khoa học

[sửa | sửa mã nguồn]
Đài quan sát thiên văn Vatican

Đức tin và khoa học luôn là đề tài gây tranh cãi về Giáo hội Công giáo. Thuở ban đầu, Giáo hội Công giáo chấp nhận thuyết sáng tạo như được chép trong Sách Sáng Thế (phần đầu của Cựu Ước). Sách này viết rằng, vũ trụ và vạn vật được Thiên Chúa tạo dựng bằng lời phán, con người là Adam và Eva được Thiên Chúa nặn ra từ bụi đất.

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, có những khi Giáo hội Công giáo đã xung đột khắt khe với những nhà khoa học đi ngược với giáo thuyết kể trên. Tuy nhiên ngày nay, sự xung đột giữa Giáo hội và các nhà nghiên cứu khoa học không còn gay gắt. Từ Công đồng Vatican II, thái độ của giáo hội về khoa học đã thay đổi, văn kiện trong công đồng này viết: "Có hai lĩnh vực tri thức khác nhau: lĩnh vực đức tin và lĩnh vực lý trí. Giáo hội không cấm các kỹ thuật và các bộ môn văn hóa nhân loại dùng những nguyên lý và phương pháp riêng trong phạm vi của mình; do đó, giáo hội nhìn nhận sự tự do chính đáng này và xác nhận sự tự trị hợp pháp của văn hóa, nhất là khoa học".[48] Giáo hội Công giáo đã nới lỏng sự chấp nhận những bước tiến của khoa học hiện đại nhưng quan niệm rằng các công trình khoa học đều có sự can thiệp của Thiên Chúa. Có lẽ quan điểm dễ chấp nhận nhất là "đức tin và khoa học củng cố cho nhau" (confirmation): Sự thật nào mà khoa học có thể làm sáng tỏ được thì trở thành một phần của cuốn Thánh kinh sống trong thiên nhiên, giúp con người hiểu thêm về Thiên Chúa và về chính mình, dù tự khoa học không thể đưa tới cái hiểu biết này được, mà chỉ là một phần chất liệu đưa tới sự hiểu biết này. Đồng thời, đức tin cũng có thể gợi ý và cảm hứng cho khoa học, cho dù thần học không thay thế cho khoa học được".[66]

Gregor Mendel - một linh mục Dòng Augustine gây ảnh hưởng lớn đến di truyền học hiện đại

Những giáo sĩ khoa học của Giáo hội (nhiều người trong số họ thuộc Dòng Tên) đã ảnh hưởng lớn đến nền thiên văn học, di truyền học, khí tượng học, địa chấn họcvũ trụ học. Các giáo sĩ đã đánh dấu tên tuổi của mình trong nền khoa học thế giới như là Gregor Mendel thuộc Dòng Augustine (đi tiên phong trong nghiên cứu di truyền học),[67] Roger Bacon thuộc Dòng Phanxicô (nhà triết học kinh điển, người tiên đoán ra nhiều phát minh khoa học) và linh mục Georges Lemaître (đề xuất thuyết Vụ Nổ Lớn).[68] Thậm chí nhiều giáo dân Công giáo cũng bị thu hút vào khoa học: Henri Becquerel khám phá ra chất phóng xạ; Luigi Galvani, Alessandro Volta, André-Marie Ampère, Guglielmo Marconi mở đường trong lĩnh vực điện năngviễn thông; Antoine Lavoisier – "cha đẻ" của hoá học hiện đại; Andreas Vesalius khai sinh ra ngành giải phẫu học; Augustin Louis Cauchy là một trong những nhà toán học đặt nền tảng về đại số; Giáo hoàng Grêgôriô XIII được coi là tác giả loại lịch mà cả thế giới đang sử dụng phổ biến.[69] Những vị trí này đã làm thay đổi cách nhìn của những người hay chỉ trích rằng những học thuyết của Giáo hội làm cho giáo dân và giáo sĩ mê muội và cản trở sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Thế kỷ XX đánh dấu sự phát triển nghiên cứu khoa học của Dòng Tên.

Đối với trường hợp của Galileo Galilei, năm 1633, ông bị Giáo hội kết án vì khẳng định thuyết nhật tâmNicolaus Copernicus đề xuất trước đó (cũng là một giáo sĩ Công giáo).[70][71] Sau đó, Tòa án La Mã mở một cuộc xử án, Galileo bị nghi ngờ là rối đạo (tà giáo) nhưng sự thật là ông bị tố cáo oan và thuyết nhật tâm đến nay đã chứng minh là đúng. Galileo bị ép buộc chối bỏ thuyết nhật tâm và những năm cuối đời ông bị quản chế. Ngày 31 tháng 10 năm 1992, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã công khai xin lỗi vì những hành xử của người Công giáo đối với Galileo trong cuộc xử án đó là sai lầm.[72][73]

Gần đây nhất, Giáo hoàng Biển Đức XVI phát biểu rằng: "Giữa đức tin và khoa học không có sự chống đối nhưng có tình bạn".[74] Dù vậy hiện nay, Giáo hội Công giáo vẫn có lập trường bảo thủ trên một số vấn đề nghiên cứu khoa học như: nhân bản vô tính người, nghiên cứu tế bào gốc phôi thai người...[75]

Nghệ thuật

[sửa | sửa mã nguồn]
Ludwig van Beethoven - nhà soạn nhạc người Công giáo có nhiều tác phẩm cổ điển nổi tiếng

Các nhà nghiên cứu cho rằng Giáo hội Công giáo đã góp công trong việc tạo ra sự xán lạn và huy hoàng của nền nghệ thuật ở châu Âu. Thần học Công giáo đã ảnh hưởng đến ý tưởng của các nhà văn như J. R. R. Tolkien, C. S. Lewis[76]William Shakespeare.[77] Sau thời Phục Hưng, phong cách Baroque cho kiến trúc, hội họaâm nhạc được Giáo hội Công giáo đặc biệt khuyến khích vì họ nhận thấy rằng nó kích thích thêm lòng mộ đạo. Về âm nhạc, tu sĩ Guido d'Arezzo (khoảng 991-1033), người Ý thuộc Dòng Biển Đức, là người phát minh ra hình thức bảy nốt nhạc và đặt tên là: Ut, Re, Mi, Fa, Sol, La và Si dựa trên chữ đầu của một bài ca tụng Thánh Gioan10; cùng năm dòng kẻ nhạc cho các bản Thánh ca trong nhà thờ, sau đó là tiêu chuẩn ký âm cho nền âm nhạc cổ điển châu Âu, đến nay khắp thế giới đang sử dụng.[78][79] Nhiều nhạc sĩ châu Âu xuất thân từ Công giáo đã có những tác phẩm nổi tiếng, có thể kể đến Ode hoan ca của Ludwig van Beethoven, Kính mừng Thánh Thể của Wolfgang Amadeus Mozart, Ave Maria của Franz Schubert, Bánh Thiên Thần của César FranckVinh Danh của Antonio Vivaldi.

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ thời Trung Cổ, các tu sĩ Công giáo đã quan tâm đến việc giáo dục đức tin và giáo dục dân sự. Lịch sử cho thấy rằng ở các vùng đất truyền giáo, những người đầu tiên hoạt động về giáo dục là Công giáo. Ở một số quốc gia, Giáo hội Công giáo mở rất nhiều trường học ngoài công lập trở thành tổ chức sở hữu hệ thống trường ngoài công lập lớn nhất thế giới hiện nay.[80] Trên quy mô toàn cầu, các trường đại học thuộc Giáo hội Công giáo và những trường thuộc các tôn giáo khác đã từ lâu là những thành viên chủ chốt, được coi như những trường có chất lượng, những lá cờ đầu trong đất nước của họ. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, 217 trường đại học bốn năm của Giáo hội Công giáo chiếm 20% tổng số sinh viên vào đại học và cao đẳng hàng năm. Trên thế giới có gần 1900 trường đại học và cao đẳng của Giáo hội Công giáo.[81]

Phát triển kinh tế

[sửa | sửa mã nguồn]

Francisco de Vitoria, nhà thần học, nhà tư tưởng thuộc Dòng Đa Minh, đệ tử của Tommaso d'Aquino đã có những nghiên cứu lớn về vấn đề liên quan đến nhân quyền của người thuộc địa, người bản địa, mà đã được Liên Hợp Quốc công nhận như là người đặt nền tảng cho luật pháp quốc tế, lý tưởng cho nền dân chủ và sự phát triển kinh tế của phương Tây.[82] Ngày nay, Giáo hội Công giáo, mà chính thể Vatican làm quan sát viên tại Liên Hợp Quốc, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển là phục vụ sự phát triển toàn diện của nhân vị, chứ không phải ngược lại.[83]

Bác ái và phúc lợi xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Bác ái và phúc lợi xã hội là hoạt động trọng điểm và nổi bật của Giáo hội Công giáo. Thế kỷ thứ nhất, khi Giáo hội sơ khai được thành lập, các tông đồ đối diện với một thách đố đe dọa chia rẽ cộng đoàn Kitô giáo mới này. Vấn đề là các Kitô hữu gốc Hy Lạp than phiền rằng các bà góa trong nhóm của họ không nhận được phần chia sẻ của cải chung. Các vị tông đồ đã bổ nhiệm bảy phó tế với nhiệm vụ chuyên biệt là đảm bảo sự công bằng trong việc chia sẻ của cải.

Đến thời Trung Cổ, việc chăm sóc cho những người khốn khổ đã được quan tâm trong những tu viện Công giáo lớn, các tu sĩ chăm sóc cho các trẻ mồ côi, người bệnh tật, già yếu, các du khách và người nghèo. Từ các tu viện, công việc này được lan tỏa đến các thành phố để thiết lập các viện tế bần, viện mồ côi, nhà dưỡng lão - dưỡng bệnh, trạm dừng nghỉ, nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe và phục vụ xã hội khác. Sau đó, các tổ chức giáo dân bắt đầu mở rộng và thực hiện trong công việc này, như Hiệp hội Bác ái Vinh Sơn của Vinh Sơn đệ Phaolô.[84]

Những công việc hiện nay của các tổ chức bác ái Công giáo trên toàn thế giới tiếp tục ưu tiên phục vụ những đối tượng: phụ nữ, trẻ em nghèo đói, các cá nhân bị loại trừ (vì là lao động nước ngoài, người di dân, tị nạn, khác chủng tộc, bị thiểu năng, HIV/AIDS, hoặc lý do nào đó) vì Giáo hội Công giáo quan niệm rằng tất cả mọi người đều là con của một Thiên Chúa. Ngày nay, Caritas Quốc tế là một trong những tổ chức Công giáo phục vụ bác ái, phúc lợi xã hội lớn trên thế giới.

Tác động xã hội đương đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1978, Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trước đây là Tổng Giám mục của giáo phận Kraków thời Ba Lan là nhà nước cộng sản, đã trị vì 27 năm - một trong những triều đại Giáo hoàng lâu nhất trong lịch sử. Chính Mikhail Gorbachev, chủ tịch của Liên Xô đã ghi nhận rằng Giáo hoàng người Ba Lan này là nhân tố đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu.[85] Mẹ Teresa thành Calcutta được trao tặng Giải Nobel Hòa bình vào năm 1979 vì những công việc nhân đạo của bà dành cho người nghèo ở Ấn Độ.[86] Giám mục Carlos Filipe Ximenes Belo cũng giành giải thưởng tương tự vào năm 1996 vì giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Đông Timor.[87] Hiện nay, Tòa Thánh Vatican là một quốc gia trung lập,[88] đại diện cho Giáo hội Công giáo giữ vị trí quan sát viên tại Liên Hợp Quốc[89] và thường nêu lên các quan điểm bảo vệ tự do tôn giáo, nhân quyền, chống đói nghèo[90] và nền hòa bình của các quốc gia.

Các vụ bê bối

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong thập niên 19902000, giới truyền thông trên thế giới đã phanh phui việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của giáo sĩ Công giáo tại nhiều quốc gia. Giáo hội Công giáo bị chỉ trích vì một vài Giám mục đã bao che cho các linh mục bị cáo buộc, không xử lý mà lại thuyên chuyển họ đến mục vụ nơi khác, để tình trạng này tiếp diễn.[91] Hiện nay, Giáo hội Công giáo đã thiết lập thủ tục chính thức để giải quyết vấn đề này. Người phát ngôn của Vatican cho biết họ xử lý rất nghiêm chỉnh đối với vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em. Ông cũng nói các nhà lãnh đạo giáo hội phải hợp tác với nhà chức trách dân sự về những trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em. Theo văn phòng của Giáo hội đang phụ trách về sự việc, họ đã nhận được đơn tố cáo về hơn 4.000 vụ trong thập niên qua.[92] Trước những chỉ trích của dư luận, Giáo hoàng Biển Đức XVI nói rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì cũng không thể khăng khăng xem hành vi tội lỗi này như là một tội của chỉ riêng Công giáo.[93]

Kể từ đầu năm 2012, Tòa Thánh Vatican cũng trải qua cuộc khủng hoảng sau khi người quản gia của Giáo hoàng Biển Đức XVI bị bắt vì tình nghi làm rò rỉ tài liệu mật, còn chủ tịch ngân hàng của Tòa Thánh bị sa thải. Vụ rò rỉ tài liệu này được giới truyền thông gọi là VatiLeaks (chơi chữ của WikiLeaks), khiến Giáo hoàng phải chỉ đạo Giáo triều Rôma thành lập một hội đồng đặc biệt để điều tra vì nó làm ảnh hưởng đến uy tín của Tòa Thánh.[94]

Vào khoảng tháng 4 năm 1994 cho đến tháng 7, cộng đồng đa số người Hutu đã giết chết khoảng 800 000 người Tutsi và Hutu ôn hòa trong một cuộc thảm sát kéo dài 100 ngày. Một số người sống sót nói rằng các linh mục Công giáo và các nữ tu đã sát hại nhiều người thiểu số Tutsi. Một số nhân chứng khác nói rằng hàng giáo phẩm đã phản bội lại những người cố gắng tìm kiếm sự trú ẩn ngay trong các nhà thờ Công giáo. Mãi đến thời gian gần đây, Giáo hoàng Francis mới gặp mặt tổng thống Rwanda Paul Kagame để xin tha thứ về tội lỗi của các linh mục Công giáo và các nữ tu đã ra tay sát hại người dân Rwanda vô tội vào năm 1994. Ảnh hưởng tiêu cực của vụ thảm sát Rwanda 1994 khiến nhiều người thờ phượng đã chuyển sang các dòng Kitô giáo khác sau vụ diệt chủng.[95][96][97]

Chú giải

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Chú giải 1: Tránh nhầm lẫn với các giáo hội Chính Thống giáo Đông phương.
  • Chú giải 2: Cần phân biệt Chức Thánh (Holy Order) với Thánh nhân (Saint). Chức Thánh không có nghĩa rằng họ đã là "Thánh" nhưng mang nghĩa rằng họ được tuyển chọn, tách riêng ra để phục vụ Thiên Chúa.
  • Chú giải 3: Chữ đầy đủ là quinquennial visita ad limina mang nghĩa là cuộc viếng thăm mộ Thánh Phêrô và Phaolô định kỳ 5 năm. Các quy định về chuyến thăm này được viết trong Giáo Luật Công giáo 1983 điều 399-400.
  • Chú giải 4: Xin xem: Phúc âm Luca 22:19, Matthew 26:27–28, Mark 14:22–24, 1 Côrintô 11:24–25
  • Chú giải 5: Giáo Luật Công giáo, điều 919.
  • Chú giải 6: Giáo Luật Công giáo, điều 844.
  • Chú giải 7: Xin xem: Thư gửi tín hữu Êphêsô 1:22-23; Thư gửi tín hữu Rôma 12:4-5
  • Chú giải 8: Xin xem: Phúc âm Mátthêu 5:44
  • Chú giải 9: Người tuyên bố mình là người Công giáo không đồng nghĩa với việc họ có thực hành Công giáo hay không. Bởi vì một số người theo đạo Công giáo, theo điều kiện của một cuộc hôn phối chẳng hạn, nhưng từ lâu đã bỏ thực hành hoặc tham dự các nghi thức Công giáo.
  • Chú giải 10: UT queant laxis REsonare fibris. MIra gestorum FAmuli tuorum. SOLve polluti LAbii reatum. Sancte Ioannes

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Marshall, Thomas William (1844). Notes of the Episcopal Polity of the Holy Catholic Church. London: Levey, Rossen and Franklin. ASIN 1163912190.
  2. ^ Stanford, Peter. “Roman Catholic Church”. BBC Religions. BBC. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2017.
  3. ^ Bokenkotter, 2004, p. 18
  4. ^ “Pubblicati l'Annuario Pontificio 2021 e l'Annuarium Statisticum Ecclesiae 2019” (bằng tiếng Ý). L'Osservatore Romano. 25 tháng 3 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2021.
  5. ^ Calderisi, Robert. Earthly Mission - The Catholic Church and World Development; TJ International Ltd; 2013; p.40
  6. ^ “Laudato Si”. Vermont Catholic. 8 (4, 2016–2017, Winter): 73. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2016.
  7. ^ “Công giáo tăng trưởng Lên 1,39 tỷ tín hữu” (bằng tiếng Anh). 2024.
  8. ^ a b c d e Trần Đức Anh (ngày 10 tháng 3 năm 2012). “Đệ trình Niên Giám 2012 của Tòa Thánh lên Giáo hoàng”. Đài phát thanh Vatican, Việt ngữ. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2012.[liên kết hỏng]
  9. ^ Mary Fairchild (2012). “Bản sao đã lưu trữ”. About.com, thuộc The New York Times. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  10. ^ Nguyễn Long Thao. “Bản sao đã lưu trữ”. Mạng lưới Dũng Lạc. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2013. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  11. ^ Trầm Thiên Thu (-ngày 4 tháng 7 năm 2012). “Bản sao đã lưu trữ”. Giáo phận Ban Mê Thuột. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày= (trợ giúp)
  12. ^ Adherents.com. “Bản sao đã lưu trữ”. Adherents.com. Major Branches of Religions Bản gốc Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp) lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  13. ^ Bùi Hữu Dược. “Đoàn kết tôn giáo để thực hiện sự nghiệp xây dựng đất nước”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2012.
  14. ^ “Chấn động, 330.000 trẻ em bị lạm dụng tình dục bởi Giáo hội Công giáo Pháp”. 5 tháng 10 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2024.
  15. ^ Huỳnh Trụ (ngày 2 tháng 8 năm 2010). “Bản sao đã lưu trữ”. web Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  16. ^ a b c Lữ Giang (ngày 22 tháng 6 năm 2011). “Catholic: Công giáo hay Thiên Chúa giáo?”. VietCatholic Network. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2012.
  17. ^ “The trem church”. New Advent. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2012.
  18. ^ Libreria Editrice Vaticana (2003). Catechism of the Catholic Church Retrieved ngày 1 tháng 5 năm 2009.
  19. ^ The Vatican. Documents of the II Vatican Council. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2009. Note: The Pope's signature appears in the Latin version.
  20. ^ Ví dụ như: the encyclicals Divini Illius Magistri of Pope Pius XI and Humani generis of Pope Pius XII; joint declarations signed by Pope Benedict XVI with Archbishop of Canterbury Rowan Williams on ngày 23 tháng 11 năm 2006 and Patriarch Bartholomew I of Constantinopolis on ngày 30 tháng 11 năm 2006. Lưu trữ 2011-04-30 tại Wayback Machine
  21. ^ Ví dụ: The Baltimore Catechism, an official catechism authorised by the Catholic bishops of the United States, states: "That is why we are called Roman Catholics; to show that we are united to the real successor of St Peter" (Question 118) and refers to the Church as the "Roman Catholic Church" under Questions 114 and 131 (Baltimore Catechism).
  22. ^ Đăng Bản. “265 triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2012.
  23. ^ PV (ngày 6 tháng 1 năm 2012). “Giáo hoàng Biển Đức XVI lựa chọn 22 hồng y mới”. Thông Tấn Xã Việt Nam (Vietnam+). Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012.[liên kết hỏng]
  24. ^ Hồng Tâm. “Hồng y đoàn: Biểu hiện sự hiệp nhất Giáo hội Công giáo toàn cầu”. Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2012.
  25. ^ Hội đồng Giám mục Việt Nam. (ngày 1 tháng 5 năm 1980). “Bản sao đã lưu trữ”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  26. ^ Văn kiện Lumen Gentium của Công đồng Vatican II, Bản dịch Việt Ngữ của Giáo hoàng Học viện Piô X. “Bản sao đã lưu trữ”. Văn khố Vatican. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  27. ^ Trần Văn Khả (ngày 1 tháng 6 năm 2009). “Bản sao đã lưu trữ”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  28. ^ Vũ Văn An (ngày 27 tháng 6 năm 2012). “Linh mục nữ giới, sự độc thân và quyền bính của Rôma”. VietCatholic Network. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2012.
  29. ^ Tiền Hô (ngày 22 tháng 8 năm 2012). “Bản sao đã lưu trữ”. VietCatholic Network. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  30. ^ Thanh Gương (ngày 10 tháng 7 năm 2007). “Vatican tái lập Thánh lễ bằng tiếng Latin”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2012.
  31. ^ Nhóm phiên dịch các giờ Kinh phụng vụ. “Xem bản văn "Thư gửi tín hữu Rôma 5:12". Ủy ban Kinh Thánh, Hội đồng Giám mục Việt Nam. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2012.
  32. ^ “Catechism of the Catholic Church”. Libreria Editrice Vaticana. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2012.
  33. ^ Phạm Xuân Khôi (ngày 26 tháng 11 năm 2008). “Học và sống Năm Kinh Thánh”. Ủy ban Kinh Thánh, Hội đồng Giám mục Việt Nam. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2012.
  34. ^ Văn kiện của Giáo hoàng Piô XII. “Divino Afflante Spiritu”. Vaticano. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2012.
  35. ^ Ngô Tôn Huấn (ngày 21 tháng 8 năm 2012). “Thánh Truyền là gì?”. Ủy ban Kinh Thánh thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012.
  36. ^ a b c Phạm Tĩnh. “Bản sao đã lưu trữ”. Trang mạng Tin Mừng. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  37. ^ Phan Văn Phước (ngày 21 tháng 7 năm 2011). “Bản sao đã lưu trữ”. Tổng Giáo phận Huế. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  38. ^ Trần Nguyên Thắng (ngày 18 tháng 5 năm 2012). “Bản sao đã lưu trữ”. Báo Người Việt. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  39. ^ T.T.V. (ngày 30 tháng 11 năm 2006). “Lịch sử bí ẩn của sự chia cắt Giáo hội La Mã và Chính thống giáo”. Báo Dân Trí. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2012.
  40. ^ “Hệ phái Công Giáo La Mã” (bằng tiếng Anh). Learnreligions. 28 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2024. Chú thích có tham số trống không rõ: |1= (trợ giúp)
  41. ^ “Lịch sử Giáo hội Công giáo La Mã” (bằng tiếng Anh). Learnreligions. 26 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2024. Chú thích có tham số trống không rõ: |1= (trợ giúp)
  42. ^ Hoàng Anh (ngày 19 tháng 11 năm 2004). “Bản sao đã lưu trữ”. Báo Sài Gòn Giải Phóng. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  43. ^ Bùi Đức Sinh (2001). “Bản sao đã lưu trữ”. Asian Printing (Hoa Kỳ). Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  44. ^ Mai Hương (ngày 24 tháng 8 năm 2012). “Bản sao đã lưu trữ”. Báo Sài Gòn Tiếp Thị. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  45. ^ William Hanna Shomali (ngày 12 tháng 5 năm 2010). “Bản sao đã lưu trữ”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  46. ^ “The Great Schism: The Estrangement of Eastern and Western Christendom”. Orthodox Christian Info Center. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2012.
  47. ^ Trung Thành (14-06=2011). “Bản sao đã lưu trữ”. Báo Đất Việt. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày= (trợ giúp)
  48. ^ a b Phạm Huy Thông. “Công đồng Vatican II: Nửa thế kỷ nhìn lại”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2012.
  49. ^ Lục Quán Anh (ngày 5 tháng 4 năm 2005). “Kỷ lục và mâu thuẫn”. VietNamNet. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2012.
  50. ^ Nguyễn Văn Dũng. “Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Thánh lễ phong chân phúc ngày 01/5/2011”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2012.
  51. ^ “Vatican làm Anh giáo chia rẽ”. BBC. ngày 20 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.
  52. ^ Tâm Giao. “Bản sao đã lưu trữ”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  53. ^ Lã Thụ Nhân (ngày 4 tháng 3 năm 2012). “Kỷ niệm 40 năm đối thoại, người Công giáo và Do Thái Giáo cam kết bảo vệ tự do tôn giáo”. VietCatholic Network. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.
  54. ^ Froehle, trang 46
  55. ^ a b c Froehle, trang 128–129.
  56. ^ Froehle, trang 86.
  57. ^ Phan Anh, theo The Dilomat (ngày 3 tháng 2 năm 2012). “Bản sao đã lưu trữ”. Báo Đất Việt. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  58. ^ William Ide (ngày 30 tháng 4 năm 2011). “Bản sao đã lưu trữ”. Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) tiếng Việt. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  59. ^ Froehle, trang 98
  60. ^ Tiền Hô (ngày 16 tháng 10 năm 2010). “Các Giám mục của Brazil chia rẽ vì cuộc bầu cử tổng thống quốc gia”. VietCatholic Network. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2012.
  61. ^ Thụy My (ngày 31 tháng 10 năm 2012). “Bầu cử Tổng thống vòng 2: ứng viên Rousseff có nhiều hy vọng thắng cử”. RFI tiếng Việt. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2012.
  62. ^ Trần An Bài (ngày 25 tháng 5 năm 2011). “Án tử hình: Bênh hay chống?”. VietCatholic Network. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2012.
  63. ^ “Ý kiến của Giáo hoàng về bao cao su được hoan nghênh”. BBC. ngày 21 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2012.
  64. ^ Trần Mạnh Trác (ngày 7 tháng 8 năm 2012). “Đại diện Vatican tại Liên Hợp Quốc trình bày quan điểm của Tòa Thánh về nghị quyết đồng tính”. VietCatholic Network. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.
  65. ^ Phạm Huy Thông (ngày 11 tháng 7 năm 2012). “Bản sao đã lưu trữ”. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  66. ^ Lê Xuân Hy (ngày 28 tháng 2 năm 2006). “Đức tin Công giáo và thuyết tiến hóa”. Công giáo Việt Nam. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012.
  67. ^ Vũ Văn Tình (ngày 1 tháng 3 năm 2012). “Bản sao đã lưu trữ”. web Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  68. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. 6 tháng 10 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  69. ^ Nghê Dũ Lan (6 tháng 12 năm 2006). “Bản sao đã lưu trữ”. Báo Sài Gòn Giải Phóng. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  70. ^ Minh Long (24 tháng 5 năm 2010). “Cải táng nhà thiên văn vĩ đại”. VnExpress. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012.
  71. ^ “CATHOLIC ENCYCLOPEDIA: Nicolaus Copernicus”. www.newadvent.org.
  72. ^ Đình Chính (22 tháng 12 năm 2008). “Giáo hoàng tôn vinh nhà thiên văn Galileo”. VnExpress. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.
  73. ^ Choupin, Valeur des Decisions Doctrinales du Saint Siege
  74. ^ Linh Tiến Khải. “Giữa đức tin và khoa học không có sự chống đối nhưng có tình bạn”. Đài phát thanh Vatican, Việt ngữ.
  75. ^ Minh Hy (27 tháng 11 năm 2001). “Thế giới đồng loạt phản đối nhân bản phôi người”. VietNamNet. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.
  76. ^ Kim Ngọc (31 tháng 12 năm 2008). “Bản sao đã lưu trữ”. VietNamNet. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  77. ^ Thanh Huyền (28 tháng 5 năm 2012). “Bản sao đã lưu trữ”. VnExpress. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  78. ^ Văn Chi (2002). “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  79. ^ Ngọc Anh. “Bản sao đã lưu trữ”. Nhạc Cổ Điển. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  80. ^ Roy Gardner & Denis Lawton, Jo Cairns (2005), Faith Schools, Routledge, tr. 148, ISBN 978-0-415-33526-3Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  81. ^ “Quá khứ, Hiện tại và Tương lai của Trường Đại học Nghiên cứu”. Đại học Đà Nẵng. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.[liên kết hỏng]
  82. ^ De Torre, Fr. Joseph M (1997). “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  83. ^ “conglyvahoabinh.org - Registered at Namecheap.com”. conglyvahoabinh.org. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2012.
  84. ^ Thanh Huyền (20 tháng 3 năm 2012). “10 yếu tố làm cho Tổ chức Bác ái Công giáo thực sự mang tính Công giáo”. Caritas Việt Nam. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2013. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp)
  85. ^ Lê Diễn Đức (3 tháng 6 năm 2009). “Ba Lan kỷ niệm Cách mạng Dân chủ”. BBC. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.
  86. ^ Q.K. (6 tháng 9 năm 2008). “Tưởng nhớ Mẹ Teresa”. Báo Thể thao và Văn Hóa. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.
  87. ^ Nguyễn Diệu Hương Ly (15 tháng 2 năm 2008). “Tổng thống Đông Timor bị quân chống đối bắn trọng thương”. Báo Công an Nhân dân Việt Nam. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.
  88. ^ Anita S. Bourdin ghi theo D. Chivot (24 tháng 4 năm 2009). “Bản sao đã lưu trữ”. Hội đồng Giám mục Việt Nam dịch dựa theo Assouline. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2012. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  89. ^ Tấn Khoa (9 tháng 6 năm 2012). “Palestine sẵn sàng là nhà nước quan sát viên tại LHQ”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.
  90. ^ Linh Tiến Khải (15 tháng 8 năm 2012). “Tòa Thánh kêu gọi can thiệp để tránh khủng hoảng thực phẩm trên thế giới”. Đài Phát Thanh Vatican, Việt ngữ. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.[liên kết hỏng]
  91. ^ “Vatican tổ chức hội nghị về nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội”. RFI tiếng Việt. 7 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012.
  92. ^ “Giám mục Công giáo được yêu cầu ngưng lắng nghe các tu sĩ bị cáo buộc”. VOA tiếng Việt. 6 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012.
  93. ^ 'Ấu dâm không phải tội riêng Công giáo'. BBC News Tiếng Việt. 25 Tháng chín 2013.
  94. ^ Vũ Hà (28 tháng 5 năm 2012). “Vatican rối ren vì vụ quản gia của Giáo hoàng bị bắt”. VnExpress. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2012.
  95. ^ Crispian Balmer (21 tháng 3 năm 2017). Pope asks forgiveness for Church role in Rwanda genocide (https://www.reuters.com/article/pope-rwanda/pope-asks-forgiveness-for-church-role-in-rwanda-genocide-idUSKBN16R1DJ). Trang web của hãng tin Reuters. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2019.
  96. ^ Harriet Sherwood (20 tháng 3 năm 2017). Pope Francis asks for forgiveness for church's role in Rwanda genocide (https://www.theguardian.com/world/2017/mar/20/pope-francis-asks-for-forgiveness-for-churchs-role-in-rwanda-genocide). Bản điện tử của báo The Guardian. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2019.
  97. ^ Tác giả không rõ (20 tháng 3 năm 2017). Pope asks forgiveness for role of Church in Rwanda genocide (https://www.dw.com/en/pope-asks-forgiveness-for-role-of-church-in-rwanda-genocide/a-38028835). Trang web DW.com. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2019.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Lịch sử hình thành của Tinh Linh Nước Trong
Lịch sử hình thành của Tinh Linh Nước Trong
Rất lâu rất lâu về trước, lâu đến mức thế giới chưa thành hình, con người chưa xuất hiện, kẻ thống trị chưa đổ bộ, từng có một vùng biển đặc thù, chất nước của nó khác xa so với nước biển hiện tại
Vì sao bạn “tiết kiệm” mãi mà vẫn không có dư?
Vì sao bạn “tiết kiệm” mãi mà vẫn không có dư?
Số tiền bạn sở hữu gồm tiền của bạn trong ngân hàng, tiền trong ví, tiền được chuyển đổi từ vật chất
Advanced JavaScript Features
Advanced JavaScript Features
JavaScript is one of the most dynamic languages. Each year, multiple features are added to make the language more manageable and practical.
Haibara Ai -
Haibara Ai - "trà xanh" mới nổi hay sự dắt mũi của các page C-biz và “Văn hóa” chửi hùa
Haibara Ai - "trà xanh" mới nổi hay sự dắt mũi của các page C-biz và “Văn hóa” chửi hùa của một bộ phận fan và non-fan Thám tử lừng danh Conan.