Đây là trang giải thích bổ sung cho các trang Đồng thuận và Hãy táo bạo. Trang này nhằm cung cấp thông tin bổ sung về các khái niệm trong (các) trang mà nó bổ sung. Trang này không phải là một quy định hay hướng dẫn, vì nó không được cộng đồng xem xét kỹ lưỡng. |
Tóm tắt trang này: Sửa đổi táo bạo được khuyến khích thực hiện bởi nó giúp nâng cao chất lượng một bài viết hoặc kích thích việc bàn luận. Nếu sửa đổi của bạn bị lùi lại, đừng hồi sửa một lần nữa, mà hãy bắt đầu thảo luận với người đã lùi các thay đổi của bạn. |
Chu trình dám sửa, lùi sửa, thảo luận (DLT, tiếng Anh: BOLD, revert, discuss cycle) là một trong nhiều chiến lược tùy chọn mà các biên tập viên có thể sử dụng để tìm đồng thuận. Quy trình trên không được bắt buộc thực hiện bởi bất cứ quy định nào của Wikipedia, nhưng nó có tác dụng nhận diện vấn đề phản đối, giữ các cuộc thảo luận diễn ra liên tục và hỗ trợ phá vỡ thế bế tắc. Trong một số trường hợp nhất định, việc áp dụng các hướng tiếp cận khác có thể mang lại hiệu quả tốt hơn. Sự thận trọng và ngoại giao phải được thực hành. Một số biên tập viên sẽ xem bất kỳ hồi sửa nào là một thử thách, do đó hãy cẩn thận và kiên nhẫn.
Dám sửa là một nguyên lý cơ bản của Wikipedia. Tất cả các biên tập viên đều được hoan nghênh đóng góp tích cực. Đó là cách để thông tin mới được thêm vào Wikipedia. Nếu có nghi ngờ gì, hãy sửa đổi! Nó sẽ thu hút sự chú ý của các biên tập viên có hứng thú, hoặc bạn chỉ đơn giản là cải tiến trang đó. Dù sao đi nữa, đó là một kết quả tốt.
Lùi sửa nếu bạn không đồng ý với một sửa đổi nào đó và không thể tinh chỉnh nó được ngay. Khi lùi sửa, hãy nêu lý do cụ thể trong tóm lược hoặc trên trang thảo luận. DLT không khuyến khích lùi sửa, nhưng cũng thừa nhận rằng việc này luôn xảy ra. Chỉ lùi khi cần thiết.
Thảo luận về sửa đổi táo bạo của bạn với người đã hồi sửa. Để đi theo DLT thay vì một trong nhiều kỹ thuật khác, đừng phục hồi lại sửa đổi táo bạo, đừng tạo một sửa đổi khác vào phần này của trang, đừng cố lùi qua lùi lại, và đừng bắt đầu một quy trình giải quyết mâu thuẫn lớn hơn. Chỉ việc bàn bạc với người đó đến khi cả hai đạt được sự đồng thuận.
Chu trình. Để tránh sa lầy vào cuộc thảo luận, khi bạn hiểu rõ hơn về vấn đề quan ngại của người lùi sửa, bạn có thể thử tạo một sửa đổi mới để giải quyết hợp lý một số khía cạnh của vấn đề đó. Bạn có thể làm việc này ngay cả khi thảo luận chưa đi đến kết luận rõ ràng, nhưng nhớ tránh tham gia bút chiến dưới bất kỳ hình thức nào.