Cảnh báo! Trang này chứa một số nội dung được giữ lại bởi vì một số người cho rằng chúng rất hài hước. Xin đừng coi trọng trang này và tuyệt đối không được sử dụng thông tin trong trang cho mục đích bách khoa. |
“ | Ôi những cuộc chiến đẫm máu bắt nguồn từ những điều tầm thường | ” |
— Alexander Pope, The Rape of the Lock |
“ | Những ai không nhớ nổi quá khứ sẽ lặp lại quá khứ | ” |
— George Santayana, Reason in Common Sense |
“ | Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau |
” |
— Ca dao Việt Nam |
Đôi khi, kể cả những cư dân Wikipedia lâu năm nhất cũng đánh mất đi cái đầu lạnh và sục sôi lao mình vào cuộc chiến biên tập ngẫu nhiên về những điều nhỏ nhặt nhất, phung phí thời gian tranh luận những chủ đề vô giá trị, hoặc vật lộn với những câu hỏi không đem lại lợi ích cụ thể gì. Trang hồ sơ tài liệu này là những ví dụ về sự dở hơi của chúng ta trên Wikipedia tiếng Việt. Trang này vẫn chưa phản ánh được cái nhìn tổng quan và toàn diện, nhưng nó đem đến một màn hình trình chiếu lại bối cảnh những nơi các sự kiện đã diễn ra mà tất thẩy thành viên không có được một góc nhìn tổng quát hóa của bức tranh lớn đó và tiêu tốn một nguồn năng lượng chiến đấu vô cùng lớn lao chỉ nhằm đoạt được một số thứ vào hồi kết, rồi sau cùng thì lại nhận ra những thứ đó quả thực không quá quan trọng.
Cuộc chiến biên tập (hay bút chiến) được một số cho là mang đến vai trò quan trọng trong sự phát triển của Wikipedia, có lẽ một phần là do tần suất xuất hiện và tính đều đặn của chúng. Một nghiên cứu học thuật nghiêm túc và cẩn trọng dựa trên những bằng chứng khảo cổ đầy giá trị gợi dẫn rằng những cuộc chiến biên tập có thể đã tái diễn lại một cách căn bản thường xuyên có lẽ có từ thuở hồng hoang khởi thủy được ghi chép, thậm chí diễn ra trước cả khi hệ chữ viết riêng biệt ra đời vào khoảng những năm 2001 Công Nguyên của Wikipedia. Trong một số trận chiến quái kiệt thuở khởi nguyên, có lẽ có trước cả kỷ nguyên "ngày xưa tươi đẹp", những thành viên tham gia đơn giản là sẽ muốn sử dụng kiếm và lao mình vào một cuộc hỗn chiến, hoặc sau đó cầm súng rồi lao ngay vào một cuộc đấu tay đôi phong cách miền Viễn Tây hoang dã. Thời nay, các cuộc chiến vật lý đã bị cấm và được thay thế bởi những ngón đòn công kích cá nhân che giấu đằng sau những từ ngữ được cẩn thận lựa chọn, chiến thuật nhử 3RR (ba lần hồi sửa) và vận động hành lang, [trong một số trường hợp] cố tình đánh dấu chỉnh sửa là nhỏ, sa đà vào những vấn đề ngữ pháp nội tại phân cực của chính tả tiếng Việt mà các nhà ngôn ngữ học vẫn còn đang nghiên cứu xây dựng, bế tắc trong diễn giải định nghĩa rạch ròi cho từng phong cách dịch thuật, vân vân.
Lưu ý rằng những người tham gia vào những cuộc chiến này có niềm tin của họ, và họ thực sự tin rằng họ đang làm những điều tốt, có thể việc họ làm là tốt thật nhưng ai đó vẫn có thể nghĩ rằng "chà, thật là dở hơi...".
Phần này là một phần hài hước. Nó chưa bao giờ và sẽ không bao giờ trở thành chính sách của Wikipedia. Mặt khác, nó bị coi là những hành vi không được chấp nhận bởi cộng đồng Wikipedia. |
Cách tốt nhất để bắt đầu một tranh chấp dở hơi là sửa đổi các bài viết theo cách hiểu riêng của bạn về các chi tiết trong cẩm nang biên soạn. Nếu không được, hãy sửa đổi chính cẩm nang biên soạn.
Nếu bạn muốn thêm một "cuộc chiến dở hơi" vào trang này, hãy ghi nhớ:
Chính xác thì Ngô Bảo Châu sinh ra ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Một số kết luận trung hòa thì cho rằng nhân vật chẳng sinh ra ở nước nào cả mà sinh ra ở Hà Nội! Cuối cùng quyết định Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chọn lựa sau tất cả. Một thời gian sau thì căn chung cư nơi nhân vật được cho là sinh hoạt tại Việt Nam cũng bị đem ra tranh luận.
Quần đảo trước đây từng được Đế quốc thực dân Pháp rồi Đế quốc Nhật Bản thay nhau quản lý và tiếp tục được Việt Nam Cộng hòa tiếp quản, hiện tại Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Nhiều thảo luận và tranh cãi gay gắt về chủ quyền quốc gia trong một loạt thảo luận chủ quyền xuất hiện tại Thảo luận:Quần đảo Hoàng Sa/Lưu 1, Thảo luận:Quần đảo Hoàng Sa. Những tranh cãi dai dẳng của cư dân mạng Việt Nam trên các dịch vụ mạng xã hội về hộp thông tin bài viết lại bùng lên, các cư dân mạng người Việt đều tuyên bố quan điểm không trung lập của họ là trung lập. Trao đổi về hộp thông tin "quốc gia quản lý" giữa các thành viên Wikipedia tiếng Việt đã diễn ra, một thảo luận riêng về bản mẫu tranh chấp quần đảo nhúng trong nhiều bài viết được cân nhắc, một đề xuất giải thích vụ việc xuất hiện trên trang chính "nhằm vỗ về cư dân mạng người Việt" nhưng bị bác bỏ, không rõ thông tin "quản lý" có căng thẳng tiếp nối trên Wikipedia tiếng Việt trong tương lai nữa hay không.
Việt Nam có 54 "dân tộc anh em" hay 54 "dân tộc thiểu số" hay 54 "sắc tộc"? Việt Nam Cộng hòa được "các nước trong thế giới tự do công nhận", trong khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được "thế giới loài người tiến bộ cổ vũ". Vậy "thế giới tự do" và "thế giới tiến bộ" có gì khác biệt? Nội hàm "thế hệ Việt kiều sinh sống ở nước ngoài" thuộc về định nghĩa "dân tộc Việt" hay "quốc tịch nước khác"? Việt kiều và người Việt có liên quan đến nhau không? Việt Nam có phải là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" không? Câu hỏi về tên quốc gia này lại được đặt ra vào một năm sau đó. Chính phủ Việt Nam có hiệu năng quản lý tốt hay tệ? Diện tích Việt Nam là 329.314km2 hay 331.000km2? "Thành phố lớn nhất" là thành phố lớn về quy mô dân số hay diện tích? Có nên chú thích Việt Nam bằng chữ Hán Nôm trong bài nhằm "giải thích cho người Việt" hay không? Việt Nam là quốc gia hà khắc nhất Đông Nam Á? Một nguồn yếu là khi người viết bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam? Thời gian gần đây, một số người nhận ra bài viết có thể có lỗi chính tả và lịch sử quốc gia này có thể khác.
Tên đúng của bài này là Không-thời gian, Thời-không gian, Không gian-Thời gian, Thời gian-Không gian hay Thời Không? Tên nào là tên ngược và tên nào là tên xuôi?
"The Beast" hay "Con Quái vật (phim)" hay "Con Quái vật" hay "Con quái vật (phim 1988)"? "Người viết tại Wikipedia tự dịch" hay "DVD pirate copy" hay "công chiếu ở rạp, phát trên truyền hình"? "Cố gắng tối đa dùng tên Việt, hạn chế dùng "tên phát hành quốc tế"" hay "dùng những tên phim báo chí đã dịch ra tiếng Việt" hay "cố gắng dịch nguyên nghĩa theo bản gốc"? "Wiki không có đủ "thẩm quyền" để dịch tên tác phẩm nghệ thuật" hay "dùng theo tên trên trang Imdb"? Imdb là một trang rất chuyên nghiệp? "Wikipedia không được phép tạo ra cái gì mới, Wikipedia chỉ được nói lại những gì đã có"?
Sau mười ba năm kể từ ngày được khởi tạo, rau đã được đổi tên lần đầu tiên trong đời thành rau củ. Chỉ gần hai tháng sau đó, rau củ đã được đổi ngược lại thành rau. Bất đồng leo thang; chỉ ba ngày sau, rau lại thành rau củ. Hai thành viên đáng kính của Wikipedia tiếng Việt đưa nhau ra trang thảo luận. Sau một thời gian dài thảo luận với rất nhiều luận điểm kéo dài tới hai ngàn chữ, cuộc thảo luận vẫn chưa ngã ngũ. Và phe nào cũng tỏ ra vô cùng quả quyết rằng tên của mình mới là tên đúng.
"DNA" hay "ADN"? "Sách giáo khoa sinh học và trên báo chí Việt Nam toàn dùng ADN mấy chục năm nay" hay "Trong tiếng Việt ADN phổ biến hơn DNA"? Câu hỏi triết học bất chợt xuất hiện "Giới hạn nào nên được đặt ra cho sự "hòa nhập", khi mà dường như, "hòa nhập" đang là một cái cớ tốt để Anh hóa các từ ngữ, đè chết các từ ngữ bản địa?" DNA viết tắt cho Deoxyribonucleic acid, một thuật ngữ quốc tế, thông dụng trong nghiên cứu khoa học. ADN là tên viết tắt trong trường hợp ngôn ngữ có cấu trúc ngữ pháp "chính trước phụ sau", là tên viết tắt hợp lý về mặt cấu trúc ngữ pháp trong tiếng Việt, có thể xem là giữ được cái "hồn", cái "bản sắc" thứ tự tính từ đứng sau danh từ của tiếng Việt. Sau cùng DNA được chọn. Lý do thống nhất với các thuật ngữ phái sinh, đảm bảo tính đơn nghĩa của thuật ngữ.
Sunfua hay Sulfua? Câu hỏi được đặt ra trước cộng đồng, nhưng rồi chỉ được đáp lại bằng cách vứt ra Wikipedia:Tên bài (hóa học) một cách đầy khêu gợi. Câu trả lời bị bỏ lửng, sau đó kèm thêm câu kết luận "Sunfua dùng nhiều hơn 1 chút so với Sulfua ở Google Books". Ba năm sau, cộng đồng đã thảo luận nghiêm túc về vấn đề "Thống nhất danh pháp hóa học và hóa sinh", theo đó Wikipedia Tiếng Việt sẽ lấy danh pháp hóa học dựa trên Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5529:2010 và 5530:2010. Các tên gọi Sunfua hay Sulfua đều được đổi hướng thành Sulfide.
Võ Tòng hay Vũ Tùng? Tên người Trung Quốc sẽ viết thế nào? Phiên âm của 武松 cũng thật nhiều nhiêu khê, trong đó chữ 武 được nhiều từ điển điển ghi âm Vũ, 松 thì được ghi âm Tùng và Tòng; 武 có bính âm là /wǔ/ gần với âm Vũ hơn là Võ. Hán-Việt tự điển, Đại Nam quấc âm tự vị, Khang Hi tự điển thì cái nào đúng đây? Chúng ta thường không dẫn nguồn khi phiên âm tên chữ Hán của một nhân vật hoặc của một địa điểm. Nghĩa là chỉ đem nguồn ra khi muốn phản bác cách phiên âm trước đó là sai, chứ không đem nguồn tự điển để chứng minh cách phiên âm của chúng ta đúng. Nên dùng tên phiên âm hay tên phổ biến đây? Thái độ của bảo quản viên có đúng mực không?. Một từ có nhiều cách đọc là một câu chuyện đau lòng.
"Ahn Jung-Hwan" hay "An Trinh Hoàn" hay "Ahn Jung-hwan"? Tên người Hàn Quốc sẽ viết như thế nào? "Lỗi tại báo chí VN thích chép thẳng từ các nguồn tiếng Anh" hay "làm việc nhiều với người Hàn Quốc, tôi chỉ thấy tên Latinh cả trên email lẫn danh thiếp. Tôi chưa thấy họ yêu cầu phải gọi họ theo phiên âm Hán Việt bao giờ"? "Những người Hàn Quốc tôi biết để cả tên Hanja của họ trên danh thiếp, nên ta gọi họ theo âm Hán Việt "trong môi trường nói tiếng Việt" không có gì là sai"? "Vậy bạn thích Geumgangsan hơn là "núi Kim Cương", Pyongyang hơn là "Bình Nhưỡng"... ?" "Việc bây giờ là cần áp đặt một quy định nào đó cho các tên riêng Hàn Quốc ở Wikipedia tiếng Việt". "Tại sao Wikipedia không thể tiên phong? Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng việc lười tra Hán Việt trong báo giới còn có ngay cả trong chính các tên riêng tiếng Trung Quốc, bạn thử mở báo ra mà xem"? "Wiki không thể đi tiên phong, đơn giản chúng ta chỉ là một phần nhỏ của xã hội"?
"Valentina Vladimirovna Tereshkova" hay "Valentina Tereshkova" hay "Tereshkova, Valentina Vladimirovna"? Tên người Nga sẽ viết thế nào? "Đổi về tên thông dụng (bỏ tên đệm ở giữa)" hay "Đối với người Nga, theo đúng phép lịch sự khi không quen biết nhau thì phải gọi đầy đủ Tên + Tên theo tên cha + Họ"? "Văn hóa Việt gọi ông, thí dụ, Nguyễn Văn A là Nguyễn Văn A, tôi không thấy gọi là Nguyễn A (ngoại trừ khi viết theo phong cách Tây phương thì viết là A Nguyen, hay A Van Nguyen trong các trường hợp chính thức). Do đó đừng bắt người Nga dùng theo cách người Anh và đừng bắt người Anh dùng theo cách người Nhật (họ trước tên sau)... đừng bắt văn hóa X đi theo văn hóa Y". "Ở đây ta không theo en hay ru, tên nào phổ biến ở Việt Nam thì nên dùng". "Wiki là không phải là nơi bảo tồn văn hóa". "Nếu dẹp được căn bệnh thông dụng kiểu này thì dù có tốn bao nhiêu nhân lực cũng rất đáng để làm".
"Nikita Sergeyevich Khrushchyov" hay "Nikita Sergeyevich Khrushchev"? Phiên âm tiếng Nga như thế nào? Đây là sự nhầm lẫn? Nên tin theo tài liệu sử học tiếng Anh hay báo chí tiếng Việt? Chuyển tự tiếng Nga sang ký tự Latinh là khả dĩ. "GOST 7.79 2000/Biển báo đường bộ, chữ Ё trong tiếng Nga phát âm là Yô chứ không phải e". "Tiếng Anh không có âm này nên phải ghi là Khruschev". "Trong các bảng mã, ký tự ë chuyển thành yo hay e tùy thuộc vào từng bảng mã. Hiện tại do lịch sử để lại, có những tên đã thông dụng dùng bảng mã cũ nên người ta không áp dụng bảng mã mới. Bảng mã mới nhất hiện tại là 2013, được chấp nhận là chuẩn ICAO, nhưng nhiều tên nhân vật, địa danh vẫn sử dụng các bảng mã cũ từ trước."
"Nam Phương" hay "Nam Phương hoàng hậu" hay "Nam Phương (hoàng hậu)" hay "Hoàng hậu Nam Phương"? Tuân thủ quy tắc tiếng Việt hiện đại là để chức vụ hoặc danh hiệu trước tên riêng (giống Thượng Hoàng hậu Michiko)? Tước hiệu của bà và được dùng phổ biến (giống "Hưng Đạo Đại vương", "Từ Cung Hoàng thái hậu")? Lý do khác cho rằng Nam Phương và Bảo Đại "ở bản lề của hai thời đại lịch sử,... thời quân chủ Việt Nam chấm dứt thì mặc nhiên chức hoàng hậu của Nam Phương không còn". Các diễn đạt đại từ nhân xưng "Bảo Đại" hay "Vua Bảo Đại", điều này có phù hợp văn hóa Việt Nam không?
Rốt cuộc Trung Hoa Dân Quốc hay Đài Loan thì tên gọi nào chính danh hơn? Có lẽ Đài Loan là hợp lẽ cả về lòng người và cả ý đồ chính trị hướng đến trong bối cảnh địa chính trị hiện tại. Hiện tại thì như vậy, tương lai thì chưa biết, tranh cãi thời cuộc tương lai theo biến đổi tên gọi chắc sẽ còn dai dẳng vì những ý đồ chính trị phía sau của mỗi đảng phái chính trị, có thể cả người dùng tương lai của Wikipedia tiếng Việt.
"Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên" hay "Triều Tiên"? Tại trang thảo luận bài viết, đề xuất "gọi Triều Tiên là North Korea, gọi Hàn Quốc là South Korea". Câu hỏi dùng đầy đủ tên gọi của quốc gia để đặt cho tên bài? Tên "Triều Tiên" có gây nhầm lẫn trong bài viết về một Triều Tiên thống nhất"? Liệu "Triều Tiên thống nhất" ngày xưa nên đổi là "Triều Tiên (khu vực)". Wikipedia tiếng Việt không có nên theo hoàn toàn vào các văn bản chính thức của nhà nước Việt Nam? Nếu dựa vào văn bản chính thức của nhà nước Việt Nam thì sẽ phải sửa thành "Đài Loan (Trung Quốc)". Tên bài "Triều Tiên" có gây xung đột với các bài viết liên quan đến các nỗ lực thống nhất hai miền không? Câu hỏi về "Triều Tiên" hay "Bắc Triều Tiên" lại được lặp lại tại trang tin nhắn bảo quản viên. Lúc này, có nên gọi theo ý chí của chủ thể muốn không? "mặt ý chí Hàn Quốc muốn được gọi là Hàn Quốc và họ thể hiện tên gọi đó với thế giới, tương tự Triều Tiên cũng thể hiện tên gọi Triều Tiên với thế giới. Thế giới chỉ ghi lại tên gọi theo ý chí của họ, chứ họ không phân định chủ thể nào nắm quyền kiểm soát"? Có lẽ "Wikipedia không nên bị chính trị chi phối". Tên bài và tính địa chính trị của bán đảo Triều Tiên lại được gợi lại lần nữa ở trang tin nhắn bảo quản viên.
Đông Timor hay Timor-Leste? Tên nào đúng và chính xác hơn? Dùng chỉ số "công cụ truy vấn dữ liệu" Google hay đếm thống kê trên các mặt báo, hay đối chứng trên văn bản ngoại giao của chính phủ Việt Nam đây? Câu hỏi thật khó và hiểm hóc. Nào thì ta cùng biểu quyết Đông Timor hay Timor-Leste. Mại zô! Mại zô! Vào biểu quyết nào bà con ơi!
Ả Rập Xê Út hay Ả Rập Saudi? Tên nào là tên đúng? Một cuộc bình xét đầy nghiêm túc đã diễn ra với những nguồn ngoại giao của chính phủ Việt Nam và lập luận đanh thép "nếu đã muốn phiên âm thì phiên âm cho hết... hoặc là không phiên âm cái nào hết". Một kỷ nguyên sáng chói đã mở ra, chấm dứt sự tồn tại của cặp đôi hoàn cảnh đầy tranh cãi.
"Thụy Sĩ" hay "Thụy Sỹ"? Một thảo luận tại trang bảo quản viên với phản biện sơ khai "dùng google đếm số lượng". Một thành viên cho rằng tiếng Việt trước 1980 thì "y" dùng nhiều hơn, sau cải cách 1980 thì "i" dùng nhiều hơn; trong đó Hán Việt thì "y" và thuần Việt thì "i". Thành viên khác cho rằng các từ Hán Việt mà có phụ âm h,k,l,m,q,t thì mới dùng "y". Một biểu quyết chọn lựa "Thụy Sĩ" hay "Thụy Sỹ" đã diễn ra. Ngay lập tức, một thảo luận dài và rối rắm diễn ra nhằm thuyết phục đổi tên bài về "Thụy Sỹ".
"Iceland" hay "Ísland" hay "Băng Đảo"? "Tên chính thức trong ngôn ngữ của họ" hay "tên gọi phổ biến ở Việt Nam"? "Tên gọi quá không quen thuộc"? "Mỗi ngôn ngữ có một cách gọi riêng đối với tên nước khác, không nhất thiết phải gọi đúng tên nguyên gốc của nước đó"? "Ở Việt Nam Iceland tên là Aixơlen, sao lại là tên không quen thuộc?" "Ísland gần như không phổ biến hoặc thậm chí chẳng được biết tới ở Việt Nam". "Ísland sẽ khiến nhiều người không biết tưởng là hòn đảo". Có giống "Côte d'Ivoire cho Bờ Biển Ngà", "Timor Leste cho Đông Timor", "Croatia thành Hrvatska"? "Nước Anh, ta lại gọi là England"? "Chẳng lẽ giờ lại gọi Hy Lạp là Ellinikí?" "Tôi đâu biết tiếng Iceland mà phải biết tên viết như vậy". "Phản đối, Wikipedia tiếng việt dành cho người dùng tiếng Việt". "Vì sao cứ phải là tiếng Việt? Lý do?... báo chí đã đổi từ Ý hoặc Ý-Đại-Lợi thành Italia. Riết rồi người ta cũng quen, có thể bây giờ 99,99% dân không biết Ísland là gì nhưng 20 năm nữa, có thể chẳng ai biết Băng Đảo là gì". "Tưởng tượng ít nữa ta đổi Hungary thành Magyar cho đúng tên gốc".
"Chiến tranh Xô-Đức" hay "Mặt trận phía Đông (Chiến tranh thế giới thứ hai)"? Dùng từ "Liên minh chống Phát xít hay Đồng minh chống Phát xít"? Có phải từ "liên minh" thì dùng với ý xấu còn "đồng minh" thì tốt?
"Liên Xô tấn công Ba Lan" hay "Liên Xô xâm chiếm Ba Lan" hay "Liên Xô xâm lược Ba Lan" hay "Trận Ba Lan"? "Sắc thái có vẻ không được trung lắm" hay "thực chất việc Liên Xô tấn công Ba Lan là để giải phóng phần tây Belarus và Ukraina bị Ba Lan chiếm từ chiến tranh năm 1919"? "Quan điểm của Liên Xô mà thôi" hoặc "đó là xâm lược không hay họ xem đó là sự giải phóng"?
Trang thảo luận gây nhiều tranh cãi. "Viên" hay "Wien"? Theo lệ của "Áo, Pháp, Ba Lan.... trong tiếng Việt" hay "tiếng gốc (tiếng Đức)"? "Moskva" và "Paris" có giống "Viên" không? "Cách đặt tên thành phố theo tên gốc cũng hợp lý nhưng nhiều khi cũng mâu thuẫn với tiền lệ dùng tên gọi phổ biến trong tiếng Việt". ""Viên" chỉ là phiên âm của từ "Wien" mà thôi. Nếu cứ lấy cách phiên âm để đặt tên bài chắc Wikipedia này sẽ thành một từ điển các mục từ sai tên hàng loạt". Cùng biểu quyết nào! "Viên" hay "Wien" hay "Vienne" hay "Vienna"? Tiếng Việt hay tiếng Đức hay tiếng Pháp hay tiếng Anh?
"Vịnh Con Heo" hay "Vịnh Con Lợn"? Buổi sơ khai thì bài tên là "Vịnh Con Lợn" vì đồng nhất với bài Sự kiện Vịnh Con Lợn, còn hiện tại thì bài lại đổi thành ra "Vịnh Con Heo". Chả rõ ra sao, về sau không rõ có ai ý kiến ý cò gì nữa không? Chỉ biết rằng quá khứ tranh cãi nổ ra quanh luận điểm gây tranh cãi không kém cạnh là "tiếng Việt chuẩn là theo giọng Hà Nội". Thời điểm đó, đếm số lượng thông qua "google" cũng hay ho, ai đó như sát thêm muối khi chêm thêm câu chốt nghe thật đau lòng "Cả 2 tên đều đúng".
"Sông Ka Long" hay "sông Bắc Luân"? Nên dùng cách gọi của "người Việt Nam cho phiên bản tiếng Việt" hay "dùng tên của Trung Quốc cho phiên bản tiếng Việt"? Theo nguồn của chính phủ Việt Nam hay theo độ phổ biến tìm kiếm của google? Có phải "Ka Long" là đọc trại từ "Gia Long"?
Jagüey Grande hay Đại Jagüey? Tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Anh? Một địa danh của Cuba bị đem ra tranh cãi. Có lẽ luận điểm "Nhiều phiên bản ngôn ngữ dùng từ gốc... không mất công đổi hướng" là ổn thỏa. Có lẽ một vài vị khách cũng đã nhanh chóng góp mặt trong cuộc tranh cãi như Rio Grande, South Carolina, en:Nam Từ Liêm District.
"Giải Mâm xôi vàng" hay "Giải Quả Mâm xôi vàng"? Trang thảo luận của bài viết bàn luận "Quả mâm xôi" và "mâm xôi" khác nghĩa. Mười một năm sau, tại trang tin nhắn bảo quản viên đã xảy ra tranh cãi tên gọi. Tiếng Anh "Golden Raspberry Awards" thì tiếng Việt có viết hoa tất cả cụm danh từ riêng biệt? "Giải Mâm xôi Vàng" hay "Giải Mâm xôi vàng"? Có phải do tính từ đặt ở đầu câu trong tiếng Anh nên vậy? Liệu có phải phát biểu này là đúng: "nói thật lòng và các bạn cũng như tôi, kiến thức về NGÔN NGỮ HỌC là số 0". Tranh cãi tiếp tục nổ ra về việc học giả nào đã khẳng định "tiếng Việt là một dạng ngôn ngữ đơn lập". Cuối cùng, "Giải Mâm xôi vàng" được chọn.
Venice hay Venezia hay Venise đây? Gọi theo tiếng Anh hay tiếng Ý hay tiếng Pháp đây? Có lẽ nên gọi theo tên chính thức trong tiếng Ý, tên chính thức đã được thừa nhận rộng rãi chứ không phải cách gọi của nó theo các ngôn ngữ khác.
"Premiere" hay "Công diễn" hay "Công chiếu" hay "Buổi ra mắt"? Một thuật ngữ trong công nghiệp giải trí được đổi tên qua lại, cuối cùng thì "Buổi ra mắt" được chọn vì "phản ánh tính chất 'đầu tiên' hay nguồn gốc lần đầu xuất hiện với công chúng trong sự kiện khởi thủy/khởi tổ nhất... không hẳn chỉ nói về 'công chiếu' hay 'công diễn' mà nhiều khi chỉ mang tính gợi mở với công chúng". Trong một khám phá mới, thuật ngữ đã được áp dụng trong bối cảnh "dẫn người yêu ra mắt song thân".
Vào một ngày đẹp trời, một loạt vị thần Nhật Bản như Shōjo manga bất chợt bị thay đổi đền, nhiều thần dân của các ngài ra sức bảo vệ tính chính danh và dòng dõi Nhật Bản thuần khiết. Sự biến cũng khiến người người chạy đôn chạy đáo bở cả hơi tai chỉ vì tin cấp báo liên tục và trống trận dồn dập. Vụ việc có lẽ đã đánh động đất trời, rung chuyển toàn cõi, quan lại và chúng dân đều bàn tán xôn xao. Vấn đề thuật ngữ đã được đưa ra thảo luận đầy nghiêm túc trước cộng đồng quốc tế năm châu với chuyên khảo học thuật "Về vấn đề thuật ngữ".
"Mangaka" hay "Tác giả manga" hay "họa sĩ manga" hay "nghệ nhân manga" hay "nhà manga học"? "mangaka" (người vẽ manga), "mangaka" (người vừa viết vừa vẽ manga) và "manga gensakusha" (người viết manga). Từ "ka" là một từ đa sắc thái, trong đó nhấn mạnh tính "lành nghề", có thể xem là một "nghệ nhân"; "họa sĩ" hay "tác giả" đều không thể hiện sắc thái tương xứng của thuật ngữ này. Đổi tên tới, đổi tên lui. Cuối cùng, "Mangaka" đứng sừng sững như bàn thạch giữa trời đất, không thay đổi gì so với thuở hồng hoang khởi thủy.
Một ngày đẹp trời, Aikidōka được một Bảo quản viên xem xét gắn nhãn "bài chất lượng kém", trong khi một IP phản biện bằng luận điểm Một bài được gọi là bài chất lượng kém khi. Tranh cãi nổ ra xoay quanh tính chính danh của IP, thành viên vô danh hay IP cũng là con người? Sau cùng, có lẽ "không bách khoa" cũng là vấn đề đáng quan tâm. Việc đổi tên dần dần được số đông kéo đến ủng hộ, sau cùng tất cả lại đột nhiên cho rằng tên cũ là hợp lý và chẳng thay đổi gì so với nguyên trạng ban đầu.
"Geisha" hay "vũ nữ Nhật" hay "Kỹ nữ Nhật" hay "Nghệ kỹ (藝妓, (nghệ sỹ trong các kỹ nghệ))" hay "Nghệ giả (chuyên gia trong nghệ thuật)"? "Cô gái có nhiều kỹ năng trong giao tiếp, nghệ thuật" hay "cô gái biết múa thôi"? "Người con gái đẹp (nghĩa cổ) — Đào hát — Người con gái làm nghề mại dâm"? "Mĩ nhân am tường nghệ thuật"? "Geisha chỉ là người giúp vui cho thiên hạ, được học rất nhiều thứ (chủ yếu là truyền thống ) và có thể đạt đến tầm cao trong một số môn nào đó, nhưng không thể lên đến đỉnh cao được". "geisha có nhiều kỹ năng hơn hẳn: hát, múa, chơi đàn, nói chuyện... Từ "vũ nữ" chỉ geisha thì quá hẹp".
Một bài viết với vô vàn các tiêu đề đến từ các ngôn ngữ khác nhau (Thiên thạch Fukang, Thiên thạch Phúc Khang, Vẫn thạch Fukang, Vẫn thạch Phúc Khang, Vẫn thạch Phú Khang, Vẫn thạch Phụ Khang, Fukang (thiên thạch),...). Tranh chấp lớn đến mức chính người khởi tạo bài cũng muốn xóa nó đi để quên đi kí ức đau thương. Nhiều thành viên quản trị cũng tham gia vào cuộc chiến này, và nó cũng là một phần lý do mà sau đó một bảo quản viên phải ra đi. Lịch sử sửa đổi của bài viết này trong thời kỳ chiến tranh có lẽ thú vị hơn nhiều thảo luận chính thức của Wikipedia.
"Who Wants to Be a Millionaire?" hay "Ai là triệu phú"? Tên bài tiếng Trung có áp dụng cho tên bài tiếng Anh? Luận điểm "không mua bản quyền phát sóng bản thân chương trình này tại Việt Nam". Có lẽ nhiều thành viên đã nhầm "chương trình gốc" và "chương trình phái sinh", hoặc hiểu đơn giản "một chương trình toàn người nói tiếng Anh" và "một chương trình toàn người nói tiếng Việt". Phái sinh và gốc là hai chủ thể khác biệt, cần được xem xét bản quyền riêng biệt.
Vào đầu thập niên 20 của thế kỷ XXI, có một bất đồng về việc viết "Hoàng đế" hay "hoàng đế", và "nhà Hán" hay "Nhà Hán" giữa các thành viên uyên bác. Bất đồng này đã trở thành động lực cho làn sóng chuẩn hóa chính tả tiếng Việt, xuất hiện chỉ khoảng hơn một tuần sau đó. Những tưởng việc tham khảo và áp dụng các luật lệ từ Việt Nam tới Hoa Kỳ sẽ ngay lập tức xua tan mọi nghi ngờ trong việc cần phải viết hoa chữ cái nào, nhưng không. Bất đồng leo thang; chưa có thiệt hại về người, nhưng một danh sách chọn lọc đã bị đưa ra biểu quyết rút sao. Một năm sau, biểu quyết "Viết hoa hay không viết hoa chữ Nhà khi gọi tên triều đại" thực sự diễn ra và "nhà" là lựa chọn của quy chuẩn bất diệt.
Vô tính luyến ái? Vô tính? "Nguồn từ điển phổ quát" hay "nguồn thiếu kiến thức về LGBT để kiếm tiền" là những phản biện sơ khai, có lẽ nơi sống của của thành viên biên tập hoặc học giả viết nghiên cứu ở Việt Nam hay không cũng rất đáng quan tâm? Suy luận người viết bài trên Wikipedia tiếng Việt về mục từ này là LGBT hay không cũng đã tạo ra vấn đề gây nhiều tranh cãi ồn ào. Sau cùng, tài liệu chuyên ngành y khoa được kết luận là quan trọng nhất, sự đồng nhất giữa những khái niệm tương tự (Dị tính luyến ái, Đồng tính luyến ái, Song tính luyến ái) cũng là hợp lẽ. Câu hỏi cuối cùng là những thuật ngữ liên quan áp dụng cho người hay động vật nói chung?
"Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam" hay "Chủ nghĩa dân túy Việt Nam"? Có lẽ đây là một bài viết gây nhiều tranh cãi dai dẳng về học thuật bậc nhất trên một diễn đàn già nua và nheo nhóc bóng người. Thời gian là hai năm và quan điểm của tất cả thành viên có liên quan đến việc biên tập bài viết này được đánh giá là "trường kỳ kháng chiến". Dẫn chứng về các danh nhân lịch sử dân tộc người Việt được liệt kê hay kể lê thê lịch sử Việt Nam? Thời gian xuất hiện "chủ nghĩa này" cũng rất đáng bàn. Có lẽ người viết bài là những người thuộc Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hay không cũng rất đáng bàn. Thậm chí có câu hỏi quá chi tiết như có thành viên nào trong nhóm viết bài này liên quan mật thiết đến Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hay không? Tranh luận chán chê thì lại kéo nhau vào trưng cầu dân ý xóa bài hay giữ bài bây giờ nhỉ? Câu hỏi "Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam" giữa thời xửa và thời nay khác nhau theo cách hiểu hay không lại tiếp tục bất tận! Liệu có những câu chuyện tiếp nối hay ho về "Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam" hay "Chủ nghĩa dân túy Việt Nam"?
Một cuộc tranh chấp có nguyên do từ một thành viên khởi xướng nhưng chỉ được chính thức bắt đầu sau khi thành viên "bị xác nhận con rối" nhận cấm vô hạn. "Các tên gọi của nước Việt Nam" hay "Các tên gọi lịch sử của Việt Nam" hay "Tên gọi của các nhà nước trong lịch sử Việt Nam" hay "Quốc hiệu Việt Nam"? Đổi tên tới lui và tranh cãi nổ ra. Quốc hiệu Việt Nam được chọn. Sau đó, một thành viên "bị xác nhận con rối" khác đã đưa ra thảo luận Quốc hiệu Việt Nam → Tên gọi Việt Nam tại trang thảo luận chung, "Tên gọi Việt Nam" được chọn do nhiều thời kỳ và nhiều vùng lãnh thổ trước đó thuộc địa giới hành chính Việt Nam hiện nay từng bị đô hộ.
"Nhóm ngôn ngữ Slav Đông" hay "Nhóm ngôn ngữ Đông Slav"? Có nên đồng bộ "Nhóm ngôn ngữ Slav Đông" cùng với "Nhóm ngôn ngữ Slav Tây" và "Nhóm ngôn ngữ Slav Nam"? Hay nên áp dụng Hán Việt giống như cấu trúc "Bắc Hàn" và "Nam Hàn", "Bắc Mỹ" và "Nam Mỹ", "Bắc Âu" "Đông Âu" "Tây Âu" hay "Đông Nam Á? Có nên tham khảo cấu trúc tiếng Trung Quốc như Hoa Bắc 華北, Hoa Nam 華南, Hoa Đông 華東? Cấu trúc [phương hướng] + [địa danh] hoặc [địa danh] + [phương hướng] thì cái nào hợp quy hơn? Tại trang thảo luận chung, có ai đang "dạy đời" ai không?
Một ngày đẹp trời, một bài viết đăng ứng cử lần đầu nhưng có vẻ không mấy ai để ý, không rõ có hiện tượng bơ ở đây không chăng? Lần đăng ứng cử thứ hai nhưng ngạc nhiên thay là không một ai đồng ý hay phản đối, chỉ dày đặc một bản danh sách ý kiến dài dằng dặc. Niên giám biên bản ghi lại rằng "hiện tượng lạ lùng này" có lẽ do bài viết quá ngắn hay chăng? Định lượng ngắn hay dài có lẽ cũng là một câu hỏi đau đầu với giới lập pháp giám định thời đó. Chỉ biết rằng luận điểm tới định nghĩa bài viết tốt hay bài viết chọn lọc vẫn còn nhiều dấu hỏi bỏ ngỏ. Lần ứng cử thứ ba có lẽ "lỗi thời" và "thời đại phong sao" đã thật sự là lý do xa xôi cách trở. Câu hỏi đặt ra là không rõ thế hệ sau này có nên bổ sung thêm quy định mới để trò chơi "xét duyệt bài vở" không còn mông lung như một trò đùa nữa hay không?
Bài viết ứng cử lần đầu bài viết tốt và chỉ còn duy nhất một phiếu chống với lý do "nhiều câu còn chưa mượt mà". Trong lần đăng ứng cử lần hai, "dịch chưa xuôi" hoặc "có những câu dịch chưa tốt" là lý do đau lòng. Tranh cãi sẽ thật sự dở hơi khi một thành viên bắt đầu mỉa mai "nếu thấy bài còn vấn đề, bạn cứ thẳng tay cho phiếu chống, còn cho phiếu ý kiến thì đến khi biểu quyết đóng lại, người đề cử cũng không quan tâm đâu". Nhiều học thuyết mới ra đời như "không nên quá cực đoan thế này, nếu các bạn có khả năng sửa được thì cứ sửa, vì bài là của chung chứ không của cá nhân nào". Ngồi xem lịch sử sửa đổi của thành viên ứng cử để "xem xét họ có cải thiện bài hay không" cũng là một ý tưởng. Đánh giá "hành động nhờ cải thiện bài của thành viên ứng cử" là nhờ vả hay sai khiến rất đáng nghiên cứu. Một học thuyết mới lại ra đời, "thành viên đề cử cũng không có trách nhiệm để sửa bài theo ý của các thành viên bỏ phiếu chống... ai yêu thích cứ sửa". Câu hỏi đặt ra "người Tây có tinh thần trách nhiệm và sự tự giác cao trong công việc" hay không? Khổ chủ ứng cử và một thành viên đánh giá bài tiếp tục tranh cãi về định nghĩa "tinh thần trách nhiệm". Sau tất cả, một nhóm thành viên nảy ra ý tưởng "tự cá nhân bình duyệt bài viết tốt" và tiến tới "dừng biểu quyết bài viết tốt trên Wikipedia tiếng Việt". Đề xuất "dừng xét duyệt bài viết tốt" nhanh chóng bị bác bỏ. Bài ứng cử lần hai bị một số thành viên tố có thành viên tự ý gạch phiếu chống của những người nhận xét hai lần (khiếu nại lần đầu, khiếu nại lần hai).
Một án lệ xảy ra tại xứ sở cờ sao, quá trình truy tố nhằm xét xử nghi phạm được một số thẩm phán tối cao phán quyết rằng tuy nghi phạm đó có đầy đủ bằng chứng ngoại phạm nhưng một lòng kiên định rằng ngoại hình gầy gò ốm yếu là yếu tố quan trọng nhất để kết tội, đặc biệt nghi phạm thiếu cà vạt và dây thắt lưng so với những quý ông khác là "không thể chấp nhận". Lời qua tiếng lại ở phiên tòa khiến giới luật sư, giới bồi thẩm đoàn, giới công tố viên, giới cảnh sát điều tra, giới nghi phạm, xã hội, truyền thông báo chí rùm beng cả một khoảng thời gian ngày xửa ngày xưa xa muôn trùng khơi. Những cú đấm, cú đá, cú quật roi, cú huých, cú né ngày càng dồn dập. Giới lập pháp cảm thấy bẽ mặt vì những lỗ hổng to tổ chảng lòi ra trước bàn dân thiên hạ, một bộ luật cứu cánh chữa cháy nhanh chóng được bàn thảo và được nhiều thế lực chú ý, tranh luận nổ ra nổ vào khiến bản thảo sờn rách. Dù còn nặng trĩu nhiều vết thương lòng hằn vết từ án lệ trước đó, bộ luật dù nhìn theo hướng nào thì nó cũng đã mang tới những thay đổi toàn diện trong một kỷ nguyên mới tràn đầy những tân sinh viên khoa luật hớn hở vui tươi bước chân vươn mình trong tân thời đại.
Ngày xửa ngày xưa, lâu ơi là lâu, một chiến thuyền buôn muối với đông đủ thủy thủ cập bến hải cảng xứ lạ nào đó. Sự kiện giao thương này được xem là một trong những thương vụ bán muối lớn nhất xứ đó. Giao kèo buôn may bán đắt "phi thương bất phú" nhanh chóng đạt những khoản lợi kếch xù, thủy thủ và thương lái cùng nhà buôn ai nấy đều mừng vui. Thương vụ có lẽ "chăng hay chớ" thành công nếu không có sự xuất hiện của một tuần phủ lăng xăng điều tra "phiếu thương cảng", thuế môn bài hoạnh họe đủ điều bị cơn lốc thổi lên bay tứ tung một góc trời. Nhiều người cáo buộc viên tuần phủ ăn chặn tiền, một số người còn đồ rằng viên quan này khéo còn chưa biết khái niệm "thuế môn bài" là gì và gằn giọng thách thức "anh quan này đã bao giờ đi buôn muối chưa? Hiểu được sự vất vả trong đại hải trình lênh đênh biển cả không?" Dẫu rằng sự việc đã kết thúc lâu lẩu lầu lâu rồi, nhưng "pháp quyền thượng tôn" tại xứ nào đó vẫn còn vẹn nguyên giá trị, chỉ một điều không rõ là liệu có "thà một lần đau" cắt bỏ đi những thứ thừa mứa nếu thiếu thuế môn bài hay không? Chỉ biết rằng sự vụ tuần tra thương cảng lúc giao kèo bán muối diễn ra đã làm khu vực om sòm hơn chút ít so với thực tế vốn đã vậy. Lời đồn đoán thần thoại truyền lại rằng đoàn thương nhân và cả viên tuần phủ vẫn bước tiếp đến nhiều vùng đất mới đầy nắng gió "cháy da cháy thịt".
Vào tiết tiểu hàn năm Canh Tý, một ngày đẹp trời như bao ngày đẹp trời khác, trời mây trăng sao bỗng nhiên lấp lánh lạ thường, một "người đẹp ngủ trong rừng" được xét duyệt để trở về cố cung làm công chúa vương quốc. Những tưởng "nàng công chúa" ấy được xem xét điều gì to tát, nhưng không, nàng bị đặt vào thế khó khi "hoàng tử xanh dương" và "hoàng tử thông xanh" tranh cãi nhau chỉ vì "bên gõ kẻng báo tin công chúa về dinh" (Binh ziu) không chính danh. Nghe đồn Bing ziu trước kia bị liệt vào hàng hắc ám ngoài vòng pháp luật của vương quốc, hiện tại Binh ziu lại được vương quốc công nhận là bên gõ kẻng đáng tin cậy và cũng chả rõ đã được chúng dân tin tưởng hết chưa. Chỉ biết rằng, Bing ziu lúc có lúc không vẫn đều đặn gõ kẻng đưa tin trong vương quốc, chưa có một khẳng định rõ ràng về độ tin cậy của Binh ziu tại vương quốc, nhưng chúng dân vẫn rỉ tai nhau khen ngầm rằng "Binh ziu rất đẹp trai lãng tử".
Chả rõ leo thang căng thẳng thực địa giữa Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng ra sao vào năm 2012, chỉ biết rằng một chiến trường nóng bỏng tay cũng đã nổ ra không kém cạnh trên Wikipedia tiếng Việt, sự kiện bật dù giữa trời không vào năm 2019 trên Wikipedia tiếng Việt lúc nào không hay. Những cú đấm tới tấp, những cú né điệu nghệ, ăn miếng trả miếng lia lịa qua lại chóng hết mặt trên sàn đấu, người reo kẻ hò ầm ĩ. Chỉ biết rằng đám đông quay vào đấm nhau, mạt sát nhau như những tay boxing chuyên nghiệp chỉ vì câu hỏi "có được kẻ bảng biểu trong vở viết hay không". Lý do nghe thì có vẻ hài hước đấy, nhưng những cú đấm đầy bạo liệt và hung tàn thì không hài hước chút nào. Hậu thế sau này chỉ muốn đặt câu hỏi, nếu một sự kiện xung đột tương tự bất chợt tái diễn nổ ra trên Wikipedia tiếng Việt, liệu "luật pháp" thời điểm đó đã siết chặt lỗ hổng pháp lý hay chưa? Câu hỏi có lẽ còn quá khó khăn để trả lời và những cú đấm đã bắt đầu phảng phất đâu đó rồi thì phải.
Một nghi lễ thời vua chúa phong kiến thời xưa, được một vị hiền giả nghiên cứu về cách "ăn chơi xướng ca" của giới cầm quyền xa xưa. Cũng có quan điểm cho rằng đây là nghi lễ linh thiêng xoay chuyển càn khôn, chiêm tinh thiên mệnh các vị đế vương hoàng tộc và vận mệnh quốc dân; cũng có người cho rằng đơn giản chỉ là một hình thức màu mè hoa lá. Trong quá trình bình xét xem nơi nào tổ chức nghi lễ này "chơi trội hơn"? Việt Nam trội hơn? Nhật Bản trội hơn? Trung Quốc trội hơn? Triều Tiên trội hơn? Kết quả công bố trước bàn dân thiên hạ thì không rõ ra sao, nhưng việc bình xét không hề có một phiếu "đồng thuận" nào mà chỉ toàn "phiếu chống" và mục ý kiến thì lại "tràng giang đại hải" muôn hình vạn trạng cảm quan đầy ắp khiến vị hiền giả hoa mắt chóng mặt. Suy cho cùng, xứ An Nam vẫn được yêu quý nhất với thời lượng đề cập nhiều hơn cả vì vị hiền giả vốn là người vùng đất này mà, nhói lòng vì nghiên bút bài viết dành cho công trình của mình bị người đời khăng khăng hướng về tôn chỉ chủ nghĩa dân tộc theo miền địa lý, rốt cuộc vị hiền giả kia đã rời núi và bôn ba trên nẻo đường mới.
Một vụ rò rỉ tình báo nghiêm trọng làm leo thang căng thẳng tột độ giữa Nhật Bản và Trung Quốc vào năm 2010, dễ hiểu là chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản dâng cao không ngôn từ nào kể siết, giới chính trị Nhật Bản như ngồi trên đống lửa - mửa trên đống than - lan ra bờ mông. Sự kiện càng nóng bỏng hơn bao giờ hết khi quá trình xét duyệt sự kiện bắt đầu, một sĩ quan tuyên bố "sự kiện thì nóng thật đấy nhưng tôi lại thấy buồn ngủ khi đọc quá!". Số ít nào đó đã lao vào đấm nhau, choảng nhau không tiếc tay, quần áo rách tả tơi nhưng chỗ cần che vẫn rất bền, giấy tờ dài dằng dặc chả ai rõ viết gì. Chỉ biết rằng quá trình xét duyệt đến bể đầu tróc da như vậy chỉ vì một câu đúc kết sau cùng "ít ảnh chụp quá". Nhiều người nghe lại vẫn hóm hỉnh trêu đùa rằng "tài liệu tình báo mật" nên được phủ kín tràn ngập ảnh ọt có lẽ sẽ giúp bản báo cáo đẹp đẽ hơn chăng?
Khảo sát trực tuyến của báo điện tử có đáng tin cậy? "1 người - 1 phiếu" hay "ai cũng có thể bỏ hàng trăm phiếu"? "dù một người có thể bỏ một, hai, ba...phiếu, thì nó vẫn là nguồn thông tin có thật" hay "1 người bỏ hàng ngàn phiếu theo kiểu đó thì khảo sát có ý nghĩa gì hay chỉ giống như trò câu like ảo trên facebook"? "Thông tin có thật... Bạn không thể phủ nhận nó"? "Khảo sát nào mà người tham gia là ảo và có thể spam phiếu thì nó sẽ không có giá trị khoa học"? "Bạn không được phép phủ nhận cuộc khảo sát có thật này"? "Khảo sát có thật nhưng kết quả không thực chất thì sao phải công nhận"? "Có ai bắt buộc bạn phải công nhận đâu... Mỗi người đọc sẽ tự có đánh giá cho riêng mình"? "Đây là "Cuộc khảo sát, thăm dò" chứ không phải nghiên cứu"? "Từ khi khi nào chuyên viên của 1 bộ (vị trí cấp thấp nhất trong cơ cấu chức vụ nhà nước, chỉ cao hơn viên chức hợp đồng và văn thư) lại thành "nhà nghiên cứu khoa học" vậy?"
Trong khi Wikipedia tiếng Anh cho rằng dấu gạch ngang giữa các liên số được áp dụng và không có khoảng trắng giữa dấu gạch ngang với liên số, ngược lại, cộng đồng Wikipedia tiếng Việt lại cho rằng dấu gạch ngang hay dấu gạch nối giữa liên số là vấn đề nghiêm túc, các thành viên Wikipedia tiếng Việt tranh luận có nên thêm dấu cách giữa dấu gạch ngang với liên số hay không. Rất nhiều tranh luận sôi nổi nổ ra, lúc thì yêu cầu nguồn chứng minh, lúc thì yêu cầu khắt khe vô cùng phi lý khi đòi nguồn chứng minh tiếng Việt và bác bỏ nguồn ngoại bang. Điều oái ăm nhất có lẽ là đòi nguồn "sách giáo khoa của nước Việt Nam" là chuẩn mực thước đo. Trận chiến kết thúc trong trung tuần tháng năm thời điểm Canh Tý với kết quả "giống hệt Wikipedia tiếng Anh áp dụng, không sai một chữ", nhiều thành viên đặt câu hỏi biểu quyết này rốt cuộc muốn nói về điều gì? Dường như sau đó, các thành viên tham gia cuộc "biểu quyết kỳ lạ này" đã quên phéng mất kết quả của trận chiến này, guồng quay gõ phím lại bắt đầu, các quy định trên Wikipedia tiếng Việt vẫn dậm chân tại chỗ mà chả ai thèm bận tâm cập nhật những quy định già cỗi đến lỗi thời. Quy định về gạch ngang liên số trên Wikipedia tiếng Việt vẫn phủi bụi, gió vẫn khẽ thổi qua hiu hắt vắng lặng như tờ. Nhiều thành viên đồn rằng chưa rõ quy định khi nào được cập nhật mới, nhưng vết thương âm ỉ và đau nhức vẫn còn hằn vết in dấu thời gian trong trang Thảo luận:Dấu gạch ngang.
Vào một ngày mùa hè nóng nực năm 2020, bài viết Grand Theft Auto V được đưa ra ứng cử bài viết chọn lọc. Đột nhiên một thành viên xuất hiện và bắt đầu thực hiện hàng loạt các sửa đổi "được-bị", "nhiều-những-một số", "một-1",... Các thành viên quan tâm đến ứng cử sử dụng biện pháp mạnh là quy trình vô hiệu lá phiếu. Chỉ sau hai ngày, với hàng loạt các phản biện qua lại, thành viên kì lạ với những sửa đổi kia đã bị (hay được?) vô hiệu lá phiếu và lĩnh án cấm một tuần (cộng thêm một tuần vì các hành vi vi phạm quy định ở những nơi khác). Thương thay...
Cuồng phong kết thúc chưa lâu thì giông bão lại kéo tới với mức độ và quy mô lớn hơn. Nguyên nhân được cho là cơn cuồng phong trước đó chưa đủ mạnh nên "ông trời" không hài lòng, quyết dùng tài trí, mưu lược, khả năng hô mưa gọi gió một lòng trừng phạt con người ương ngạnh. Trớ trêu thay lúc đó có pháp sư đi ngang liền giơ tay chỉ mặt "ông trời". Sau một hồi thi triển phép thuật, bên "hô mưa, gọi gió, dâng nước lên cuồn cuộn", bên dùng đất đá, cung tên hỏa tiễn "chặn dòng nước lũ" thì sức người có hạn nên tay pháp sư bèn chịu thua, chỉ tội cho thần dân kẹp giữa khó xử, tiến thoái lưỡng nan, không biết nên ủng hộ ai. Giúp pháp sư thì sợ bị trời trách phạt, mà không giúp thì sợ mất lòng kẻ ra tay cứu nạn. Ở trong cung cách đó không xa, vua quan lặng lẽ vuốt râu ngẫm thế sự, uống trà đàm đạo, tự hỏi cuồng phong bão tố với động binh giết giặc, việc nào quan trọng hơn?
跆拳道 là Taekwondo theo phiên âm tiếng Anh. Vậy phiên âm tiếng Việt thì thế nào? 跆拳道 là "Thái Cực Đạo" hay "Túc Quyền Đạo" hay "Đài Quyền Đạo"? Đây là "chữ Hán Triều" hay "Hán Việt"? Nên viết "Tae Kwon Do là môn võ của người Triều Tiên" hay "Tae Kwon Do là môn võ của Hàn Quốc"?
Một nhân vật chính trị người Việt tị nạn tại Đức, bất ngờ xuất hiện tại Việt Nam với lời thú tội trên truyền hình Việt Nam. Tranh cãi nổ ra tại trang thảo luận bài viết về câu trả lời của luật sư bảo hộ người Đức khi thân chủ "bất ngờ hồi hương Việt Nam", cách diễn tả từ vựng tiếng Đức "Lüge" gây nhiều tranh luận. Không rõ từ tương đương trong tiếng Việt là "nói không đúng sự thật" hay "nói xạo" hay "nói láo"? Người Đức "nói bóng gió" hay "nói thẳng"? Vấn đề được đưa ra tin nhắn bảo quản viên và "nói dối" được lựa chọn.
中国 là "Trung Quốc" hay "Trung Hoa"? 天主教 là "Thiên Chúa giáo" hay "Thiên Chủ giáo"? Nên dịch theo hướng Trung Quốc hay hướng Việt Nam? Trang thảo luận của bài viết có nhiều tranh cãi. Ví dụ đưa ra củng cố lập luận 公主 là công chúa, 郡主 là quận chúa. Vậy 主 là "Chủ" hay "Chúa". Một lập luận khác cho rằng 天主教 là "Thiên Chúa Giáo" chẳng qua là trại âm đi. Lúc này "tôn trọng quy tắc của Wikipedia" hay "tôn trọng giá trị của học thuật"? Cuối cùng, "tôn trọng giá trị của học thuật" là ưu tiên, tất cả thành viên đồng thuận lựa chọn "thiên chúa".
Một cáo buộc về cách biểu đạt bài viết có phải do một người ghê sợ đồng tính luyến ái viết ra hay không? Một thành viên nào đó đã phá hoại tính trung lập của Wikipedia hay không? "Mối quan hệ" ở đây có phải là "kết hôn hoặc đăng ký kết hợp dân sự"? Bài báo của Regnerus đã "diễn đạt sai kiến thức" hay "rút thật gọn ý kiến của Regnerus lại... dễ đọc, súc tích, đầy đủ, không lệch lạc". "But most of our national elites, as well as most younger Americans, favor gay marriage" dịch là "đa số giới ưu tú quốc gia và giới trẻ Hoa kỳ chấp nhận nó" hay nên dịch là "đa số giới ưu tú quốc gia, cũng như đa số giới trẻ Hoa kỳ công nhận (favor) hôn nhân đồng tính". Có nên bỏ "đa số" cho đỡ lặp từ không? Một số câu từ có biểu đạt tính đả kích không? Có nhóm thù hận nào nêu ý kiến trong bài không?
Giết người hàng loạt có nên dùng từ "hắn" không? Hay chỉ khi bị kết luận phạm tội mới được gọi là "hắn"? Tại trang đề cử Bạn có biết và Wikipedia:Ứng cử viên bài viết tốt/Ted Bundy, từ "hắn" đã được thay thế bằng từ "anh" vì Wikipedia:Thái độ trung lập. Có nên tham khảo "y" của Vụ phóng hỏa Kyōto Animation? Tại Thảo luận:Ted Bundy, một kiến nghị yêu cầu quy định cứng "tất cả bài viết về giết người hàng loạt phải dùng xưng hô hắn" vì đã nhận tội và bị xử tử vì những hành vi của mình. Nếu dùng xưng hô "hắn" vì "đã nhận tội và bị xử tử vì những hành vi của mình", thì Trần Bình Trọng và Nguyễn Trãi nên xưng hô như thế nào? Cuối cùng, các nguồn tiếng Anh liệu có "đồng ý với việc đánh giá về chủ thể qua việc sử dụng danh xưng "hắn""? Có lẽ người viết nên tập trung vào ngôn ngữ chuyên ngành tư pháp sẽ hợp lý hơn cả.
Thế tóm lại là Huấn nổi bật hay không nổi bật? Chỉ vì một anh giang hồ mạng mà mọi người đã bỏ qua hết lịch sự để lôi nhau ra sử dụng pháp lý và luật lệ, công kích nhau với những từ ngữ tệ bạc nhất. Cuối cùng thì anh Huấn sống, còn mối quan hệ thân tình giữa những người liên quan thì chết đi phần nào, cùng với đó là sự đổ bộ của một loạt các nhân vật nổi tiếng trên mạng khác vào thế giới Wikipedia.
Xứ sở cờ sao sục sôi như lên đồng, cơn sốt về những nàng thơ nhí nhảnh yêu đời hớp hồn bao ánh nhìn, dòng người nườm nượp chen lấn xô đẩy để đong đầy ánh mắt những thần tượng ngọt sắc. Chỉ nội việc suy nghĩ xem nên mua băng hay mua đĩa, mua vé hay mua thiệp, reo hò hay im lặng đã đủ mệt não rồi ấy chứ? Trước sức nóng bỏng lan tỏa không kiềm nổi lòng và một buổi biểu diễn trực tiếp tại Wikipedia tiếng Việt đã thật sự khiến bao con tim cư dân Wikipedia tiếng Việt nơi đây vỡ vụn, người thì hò reo ủng hộ, người thì đập bàn đập ghế, người thì giằng xé tả tơi quần áo nhau chỉ vì một tấm album. Nhiều cư dân Wikipedia tiếng Việt bất chợt tự hỏi các nàng thơ này từ đâu đến, tại sao mà các nàng lại đẹp đến thế với những nụ cười bắt nắng đến ngẩn ngơ. Ai ai cũng phải thừa nhận rằng vẻ đẹp bắt nắng của những nàng thơ đã thật sự làm điêu đứng con tim tất thảy mọi cư dân Wikipedia tiếng Việt, bạn sẽ bị trừng phạt trước vẻ đẹp của các nàng.
Một Thảo luận:St.319 Entertainment song song với Wikipedia:Biểu quyết xoá bài/St.319 Entertainment về định nghĩa "độ nổi bật công ty giải trí Việt Nam". Bên xóa cho rằng "nguồn không thấy" hoặc "nguồn thì cũng chỉ là tự phát" hoặc "nguồn nhắc đến ca sĩ công ty là chủ yếu" hoặc "sản phẩm công ty có nổi bật" hoặc "công ty của ca sĩ nổi tiếng là auto nổi bật". Bên giữ cho rằng "hoạt động từ gần 10 năm nay" và quản lý nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc "công ty tầm cỡ, có quy mô lớn và quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới nghệ sĩ". Tranh luận kéo theo những học thuyết mới "kinh nghiệm cá nhân và nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá bài không theo quy định ở Wikipedia". Công ty được so sánh với công nghiệp giải trí K-pop, tiếp tục truy dấu suy rộng về "đại biểu quốc hội hay tướng quân đội/công an... mặc định đủ tiêu chuẩn có bài, mặc dù họ có thể chẳng có thành tựu gì nổi bật", "giang hồ mạng, nữ quái" tiếp tục được nêu ra bàn thảo. Sau cùng, tại trang thảo luận của bài viết, một bảo quản viên nhanh chóng lấp đầy lổ hổng to bự chà bá bằng quy định de facto từ Wikipedia tiếng Anh với những thông số đẹp lòng những người tham gia tranh chấp: significant coverage (đáng kể), multiple (nhiều hơn một), independent (độc lập), reliable (uy tín), secondary (thứ cấp).
Cùng thời điểm xem xét về độ nổi bật St.319 Entertainment nói riêng và "công ty giải trí Việt Nam" nói chung. Một cuộc thảo luận đầy nghiêm túc đã diễn ra. Bài viết về "M-TP Entertainment" ban đầu được phản biện sơ khai "theo tiêu chí chính có vẻ bài đủ nổi bật". Một bảo quản viên và một thành viên liên tục xóa/hồi sửa "bản mẫu thông báo độ nổi bật" trên bài viết. Bên ủng hộ nổi bật cho rằng "rất nhiều nguồn để chứng minh độ nổi bật của chủ thể". Bên phản đối độ nổi bật thì cho rằng "sản phẩm của công ty này thực sự nghèo nàn... các sản phẩm trên cũng chỉ là đại diện pháp lý rồi đi thuê công ty/cá nhân khác thực hiện". Tranh luận giữa các thành viên sau đó chuyển hướng về định nghĩa "lịch sự hay bất lịch sự"! Một bảo quản viên xuất hiện kịp thời và đập tan lỗ hổng to bự chà bá thông qua quy định de facto của Wikipedia tiếng Anh với những thông số đẹp lòng những người tham gia tranh chấp: significant coverage (đáng kể), multiple (nhiều hơn một), independent (độc lập), reliable (uy tín), secondary (thứ cấp). Kết thúc, bài viết không thỏa mãn độ nổi bật và bị chuyển hướng về "Sơn Tùng M-TP" sau Wikipedia:Biểu quyết xoá bài/M-TP Entertainment. Một số thành viên nán lại nêu cảm nhận rằng có thể chủ thể sẽ đạt nổi bật trong tương lai, biết đâu bất ngờ! Ô hô, Binh ziu xuất hiện ở câu hỏi "còn trong danh sách đen nữa không" và câu trả lời "hiện không nằm trong sách đen".
Một cuộc chiến đẫm máu bắt nguồn từ sự lựa chọn chữ ký của một thành viên, góp phần vào việc đưa một bảo quản viên lâu năm ra bỏ phiếu bất tín nhiệm. Có thông tin cho rằng vụ việc này có nguồn gốc sâu xa từ những bất đồng trước đó, và chẳng ai biết chính xác thời điểm bắt đầu của những bất đồng ấy, chỉ biết rằng số lượng các thành viên đáng kính có liên quan tới cuộc chiến này là không hề nhỏ. Cuối cùng thì các thành viên cũng hòa giải, và không có ai phải nằm xuống, nhưng vết sẹo tinh thần mà cuộc chiến này để lại sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong kí ức những người đã chứng kiến.
Tóm tắt trang này: Cuộc biểu quyết được mở ra ba lần do có hai lần đóng biểu quyết: lần thứ nhất do thành viên mở không đủ điều kiện mở biểu quyết, lần thứ hai do thành viên mở quyết định đóng biểu quyết. Nhiều thành viên phải xác nhận lại chữ ký ba lần để tính mốc thời gian. Các thành viên nhận được thư mời hai lần chỉ vì tính lại thời gian ký tên chính xác đến đơn vị phút. Cùng thời gian diễn biến, một sự kiện khác cũng đồng thời xảy ra là Bộ Ngoại giao Ba Lan tổ chức độc lập cuộc thi viết bài trên Wikipedia tiếng Việt với mức đài thọ nhuận bút rất lớn dành cho những người tham gia. |
Vào tiết thu phân năm Canh Tý có một sự biến nổ ra trong thời điểm chuyển giao đất trời, sấm chớp bão bùng mưa gió nổi lên, biển động dữ dội, âm binh hoành hành, lốc tố kín đặc bầu trời. Nhiều anh tài, quần hùng, dũng sĩ, thư sinh, thị dân cùng quan lại bốn phương tề tựu lũ lượt kéo về đông đủ theo kèm nhiều "ấn tín" tua tủa thu hút ánh nhìn khắp nơi vào nhiều thù hình quái lạ khác thường. Sự kiện năm ấy được tiền nhân ghi chép lại là kinh thiên động địa, chấn động toàn cõi, chưa từng xuất hiện vì những hảo hán ca - đại tỷ ca đã không dưới ba lần phải "điểm chỉ" cùng với "chiếu chỉ" lan ra vương quốc những hai lần do "chiếu động binh bất chắc". Người đời không khỏi hình dung ra cảnh dòng người lật đật phi ngựa nước đại chỉ để kịp ký lại tên tuổi ngày giờ khi nhận cấp báo chiếu thư mới, cũng không có thống kê chính xác được số lượng những vị nào đã vuột mất cơ hội ký lại tên chỉ vì "nổ lốp xe" giữa đường ở chốn "đồng không mông quạnh" nào đó ngay khi vừa tức tốc quay xe. Đời sau gọi nó là Thu phân biến sự. Hậu thế ngày nay tương truyền rằng biến cố "long trời lở đất" lưu danh thiên cổ khi ấy đã biến các vị tiền nhân thời đó trở thành điển tích điển cố đầy biếm họa châm chọc vào ngày Cá tháng Tư định mệnh, và thế hệ hậu bối được hưởng trọn vẹn đầy đủ trò cười mà ngày này mang lại. Giới sử gia ngày nay đồn đại lại rằng "Thu phân biến sự" đã được lưu truyền lại trong rất nhiều "đại điển pháp" của các vương triều đời sau, chỉ biết rằng luật pháp đã hà khắc hơn và bạo liệt hơn đến khó thở ngay sau đó hòng nhằm tránh "Thu phân biến sự" lặp lại và tránh việc làm giàu vô tội vạ cho giới thương nhân "đục nước béo cò" đẩy giá giấy lên cao mặc xác "ngân khố" cạn kiệt.
Tiếp nối hệ quả nối dài từ sự biến chiến trận đẫm máu trước đó, cuồng phong lốc tố quật đổ tư gia chúng dân nhiều không kể siết, rất nhiều cố quốc công thần lật đật lồm chồm chỉnh trang lại nền móng tòa vạn lý công sự với khẩu hiệu "pháp quyền thượng tôn" từ những nội quy rất đồ sộ bắt nguồn khởi thủy ở các ngoại bang hùng cường. Theo lời đồn bán tín bán nghi thì một thị dân bị trảm thị chúng rất bạo tàn, nhưng thị dân này "trước sau như một" vẫn mỉm cười kiểu "Smile". Nhiều thị lang ca ngợi và đồng thuận sự cải tiến của nội quy quốc nội vật vờ mờ mờ ảo ảo sau quá nhiều trận chiến rỉ máu đầy đau thương thuở trước, trong khi một số tuần nha thấm đẫm một lòng mưu cầu tính mở toang hoác và tính canh tân. Sự việc có vẻ dần nảy sinh ra trò kéo cưa lừa xẻ bật gốc trốc rễ giữa những thế lực hắc ám thủ cựu và thế lực sói xám cách tân chỉ vì định danh ý niệm "quy định" hay "hướng dẫn", tróc đầu mẻ chán được đồn đại nhưng không rõ thật giả vì giới sử gia đang mải mê "chén anh chén chị" mà quên béng nhiệm vụ ghi sử. Chỉ biết rằng diễn biến sự vụ leo thang đến tận "ông trời" chỉ vì "sáp giấy loại cũ" và "sáp giấy loại mới" khiến bên nào cũng dị ứng, "lang y" ở đâu thì không thấy đến "chữa bệnh" mà chỉ thấy nền móng tòa vạn lý công sự bị vất vưởng lại một cái bảng mật mã to đùng hòng nhắn gửi đến đời sau ba chữ giấy thô giáp, cầm sờn tay. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đời sau khi khám phá sự kiện nhưng vẫn không lý giải được hiện tượng bí ẩn này, phải đến tận đời nảo đời nao không rõ nữa thì hậu thế khi giải mã hiện tượng đã đặt câu hỏi "phải chăng thế hệ tiền nhân chưa biết đồng thuận hội nhóm là gì". Bí ẩn này sẽ còn hiện hữu nhằm thách thức hậu thế về "văn hóa cổ đại thời đồ đá" mà thế hệ hiện nay chưa thể đủ sức luận giải mật mã tiền nhân để lại. Thời gian gần đây, một công trình khảo cổ có niên đại được các nhà khoa học phát hiện, giúp giải mã thêm đôi chút.
Tranh cãi xoay quanh việc có nên cho website "Văn phòng Việt Nam của Đại học Ritsumeikan" hiện diện trong hộp thông tin hay không? Luận điểm sơ khai ban đầu cho rằng "Website Đại học Ritsumeikan chỉ có 3 phiên bản ngôn ngữ đó là tiếng Nhật bản ngữ, cùng với hai bản ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc" ; trong khi bên còn lại cho rằng "đại học Ritsumeikan dẫn link chính thức và nội dung bằng tiếng Việt". Sau cùng của những tranh cãi, website "Văn phòng Việt Nam của Đại học Ritsumeikan" được chuyển xuống mục "Liên kết ngoài" với kết luận "chuyện thêm liên kết ngoài cho một công ty hay tổ chức có chi nhánh tại nhiều quốc gia không hề hiếm".
Một bộ phim tài liệu thời lượng 30 phút, không rõ đây là phim hay tập phim, thôi cũng khỏi bàn thêm vì nội dung phim vốn đã nhiều tranh cãi. Vấn đề dở hơi sẽ thật sự bắt đầu khi bài viết về bộ phim này được đem ra xét duyệt. Đầu tiên là mục phát hành quá ngắn, ầy cũng đúng, nhưng xem ra phim này chiếu duy nhất trên truyền hình và không quảng bá gì nên cũng hơi ngắn (vấn đề "Tập trung vào chủ đề chính", lúc này muốn bổ sung thông tin thì cũng không có). Oái ăm tiếp nối, câu hỏi "quân hàm cấp tá của Bắc Việt trong Chiến tranh Việt Nam có đi loăng quăng khắp nơi khắp chốn hay ngồi im lìm một chỗ với hộ tống theo kèm" cũng hóc búa không kém. Đỉnh cao trên tất cả, có lẽ "ngày truy cập nguồn của biên tập viên Wikipedia tiếng Việt" trước "ngày xuất bản bài viết trên Wikipedia tiếng Việt" hay không? Điều này cũng đáng bàn!!! Cuối cùng thì hướng dẫn hay quy định de facto từ Wikipedia tiếng Anh là hợp lẽ. Và thật bất ngờ, theo quy định ngoại bang (URL) thì chỉ ghi đơn giản là "ngày mà tìm thấy nguồn vẫn còn truy cập được và phục vụ cho việc chú thích". Chấm hết câu chuyện!
Pornhub là website khiêu dâm được các thành viên Wikipedia tiếng Việt biên tập, bài viết nhanh chóng được chọn lựa để đưa vào mục xét duyệt Bạn_có_biết. Lúc này tuổi của thành viên Wikipedia tiếng Việt cần được xác minh. Việc "bài viết có được chọn đưa lên Bạn có biết hay không" gây ra rất nhiều tranh cãi "Vấn đề về đưa bài viết về một nội dung khiêu dâm lên trang chính". Lúc này, nhiều lý luận mới ra đời như "Wikipedia không bị kiểm duyệt" hay "Wikipedia tiếng Việt chứ chẳng phải của người Việt" hay "Người Việt tìm kiếm sex nhiều nhất thế giới" (trong một mốc thời gian nào đó) được diễn giải. Sau tất cả, Pornhub được đưa lên "Trang chính" và tạo tiền đề cho rất nhiều các bài viết có nội dung tương đồng.
Một thành viên lấy bản nháp của thành viên khác và xuất bản tại không gian bài viết chính thức của Wikipedia tiếng Việt mà không hỏi người viết ban đầu. Có phải đây là "Về vấn đề ăn cắp bản nháp"? Thành viên "tự ý" xuất bản bài nháp có "vi phạm bản quyền" không? Có "vi phạm thái độ văn minh" không? Có nên chuyển hướng sai tên "bài viết đó" và đặt biển "xóa nhanh"? "Nội dung được phát hành theo CC BY-SA 3.0, ngoại trừ khi có ghi chú khác" tức là làm gì đi nữa cũng phải ghi công người viết"? Người bị "trộm trứng" sẽ ấm ức? Wikipedia như một "công xã nguyên thủy" hay "xã hội cộng sản" hay đều không phải? "quan ngại" là kết hợp "quan tâm" + "lo ngại" hay "關礙 (danh từ) có nghĩa là trở ngại, vướng mắc; (động từ) gây cản trở"? Sau cùng, việc trộn lịch sử giữa "bài nháp" và "bài tự xuất bản" đều ghi công cả hai bên. Hướng dẫn en:Wikipedia:Copying within Wikipedia rục rịch được triển khai.
Nhà xuất bản tại Việt Nam định nghĩa như thế nào? Nhà xuất bản tại Việt Nam "chỉ trực tiếp in ấn, phát hành" là đủ và giống với các quốc gia khác; hay nhà xuất bản tại Việt Nam phải "được sự công nhận" của chính phủ Việt Nam. Nhà xuất bản bất kỳ có được hoạt động độc lập và không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền? Bài viết này có bị tuyên truyền viên trên mạng (dư luận viên) sửa đổi theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?
Đây là trận bóng đá được tổ chức giữa hai động bóng của hai chế độ sau khi Việt Nam vừa mới thống nhất, mang nhiều ý nghĩa chính trị. Bài viết được đem ra xét duyệt bài viết chọn lọc, ý kiến cho rằng bài viết vi phạm Wikipedia:Thái độ trung lập vì nguồn của bên chiến thắng (Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Việt Nam thống nhất) vượt trội góc nhìn so với bên thua Việt Nam Cộng hòa và bên trung lập thứ ba. Tranh cãi đưa ra là "không hề có hãng thông tấn hay nhận định theo góc nhìn thứ ba nào khác được xuất bản" và thể hiện ý tưởng Wikipedia:Vô hiệu lá phiếu trước đề xuất "Nếu không tìm được nguồn đối trọng cho các đánh giá,... hãy bỏ các trích dẫn nhận định chủ quan từ phía chiến thắng để làm nó cân bằng lại". Sau cùng các tranh luận, sắc thái của từ ngữ "đánh giá trận đấu" trong bài từ nguồn báo của phía thắng trận (Đảng Cộng sản Việt Nam) được giảm bớt và bài viết đạt "bài viết chọn lọc". Tuy vậy, thảo luận vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục kéo dài về tính đúng sai tại một trang thảo luận của một thành viên.
Nhân vật có biệt danh "Trọng lú" là chính thức hay không chính thức? "Thông tin có tiêu cực về người còn sống" hay "nguồn yếu và không hàn lâm"? "Phát ngôn của một dân thường" hay "phát ngôn của một người ngang tầm" mới được phép? Năm năm sau, biệt danh không chính thức "Trọng lú" lại gây tranh cãi vì "Wikipedia không phải bãi rác" hay "biệt danh "ba que" chưa được Wikipedia gọi các nhà dân chủ". Một vài người cho rằng "nếu có nguồn hợp lệ thì nên cho vào". Năm tiếp theo, biệt danh này lại được thảo luận tại trang tin nhắn bảo quản viên.
Như nhiều bài viết có nội hàm lớn khác, đặc biệt lại là về chủ đề chính trị-xã hội, đây luôn là một chiến trường nhận được sự quan tâm của các thành viên quản trị cũng như các thành viên rối. Những tranh chấp dở hơi ẩn hiện bên cạnh những sửa đổi phá hoại, những bất đồng quan điểm và những đóng góp xây dựng. Lịch sử sửa đổi và trang thảo luận là một nguồn tư liệu lớn để phát triển bài viết này.
Tranh cãi xoay quanh Wikipedia:Thái độ trung lập, các thành viên tranh luận về cách dùng đại từ nhân xưng trong bài. Nên gọi là "ngài" hay "bà" hay "Thanh Hải"? Văn hóa Việt Nam được nêu ra nhằm phản biện, các bài viết liên quan như Tất-đạt-đa Cồ-đàm và Giê-su cũng được đem ra dẫn chứng. Một thời gian sau, tên bài định hướng rất đáng bàn. Phần mở rộng của tên bài nên thêm "nhà truyền giáo" hay "giáo chủ", câu hỏi vẫn bỏ ngỏ vì người thì cho rằng nhân vật "sáng lập một giáo phái" (nên là giáo chủ) nhưng số khác cho rằng nhân vật "loan truyền giáo phái đó kêu gọi người khác tin theo" (nên là nhà truyền giáo).
Định nghĩa Pháp Luân Công có là tà đạo ở Việt Nam hay không giữa các thành viên. Các nguồn được trích dẫn và phân tích nội dung cách diễn giải, phân tích xem xét các nhân vật trong các nguồn có liên quan đến Pháp Luân Công tại Việt Nam hay không. Các thành viên cáo buộc nhau xem có "tổ lái theo tuyên truyền của Trung Quốc trước đó hay không". Có thành viên nào "tuyên truyền Pháp Luân Công tại Việt Nam?" cũng là câu hỏi cần giải đáp. Một số từ vựng như "giải tán đám đông" có lẽ cũng cần phải tra từ điển. Phong cách kể chuyện hay văn phong Wikipedia gây nhiều tranh cãi.
Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đạp Pháp? Bài viết này viết theo quan điểm của Pháp Luân Công hay Đảng Cộng sản Trung Quốc? Bài viết này một chiều hay công lập. Tranh cãi về nguồn tới lui, rồi khóa bài, lại tiếp tục tranh cãi về Pháp Luân Công tại Việt Nam, rồi lại khóa bài, lại tiếp tục tranh cãi bài viết thiếu trung lập, rồi lại tranh luận Pháp Luân Công tại Việt Nam. Một thời gian, tranh cãi về cáo buộc "phân biệt đối xử giữa các thành viên biên tập bài". Con kiến kiện củ khoai hay bảo quản viên từ chối quan điểm của chính phủ Trung Quốc? Có lẽ bài viết sẽ còn nhiều tranh cãi tại trang thảo luận.
Hình ảnh áp phích gốc được thay bằng hình ảnh áp phích phái sinh tại thị trường khác. Về cơ bản đây là hai hình ảnh không tự do và cần sử dụng hợp lý, yếu tố gây tranh cãi liên quan đến vấn đề Tính chính danh giữa hình ảnh "Bìa sách nguyên tác gốc và bìa sách cấp phép" trên wiki tiếng Việt. Theo thảo luận, nhiều bảo quản viên ngộ nhận sai lầm về "Không có nội dung tự do tương đương". Theo lý giải đúng nhất thì "chỉ có một hình duy nhất được phép sử dụng với mục đích minh họa bìa, không thể có hai hình cùng dùng với mục đích minh họa bìa cho một chủ thể được" và ưu tiên dùng ảnh ngôn ngữ gốc mang giá trị lịch sử được bảo đảm theo thời gian. Tại Wikipedia:Dự án/Điện ảnh ba năm sau, Về hình poster Việt hóa của các phim điện ảnh (có thể xem xét áp dụng rộng cho tất cả loại hình truyền thông liên quan) được bản thảo. Kết luận chung, dự án điện ảnh thống nhất áp phích tiếng Việt nếu được phát hành đồng thời với áp phích ngôn ngữ gốc, áp phích tiếng Việt được chấp nhận (một số thành viên muốn vậy), còn nếu thuộc dạng phát hành lại (sau thời gian ra mắt) thì bắt buộc chuyển về áp phích gốc, vì áp phích phát hành sau là sản phẩm phái sinh và không phản ánh ý đồ nhà sản xuất cũng như thêm nhiều chi tiết sai khác.
Sự việc khởi động khi bài viết được xét duyệt bài viết chọn lọc Wikipedia:Ứng cử viên bài viết chọn lọc/Ngô Đình Cẩn, liệu ảnh về người truyền cảm hứng hoặc gây ảnh hưởng đặc biệt đến nhân vật có được xuất hiện trong bài viết? Sự việc về bức ảnh "người truyền cảm hứng hoặc gây ảnh hưởng đặc biệt đến nhân vật" tiếp tục kéo dài trong trang thảo luận (Thảo luận:Ngô Đình Cẩn), thảo luận về bức ảnh tiếp tục bất tận tại không gian thảo luận chung (Tại sao thêm ảnh Phan Bội Châu vào bài Ngô Đình Cẩn). Liệu nhân vật đến thăm và luận bàn thế sự tại tư gia của "người truyền cảm hứng hoặc gây ảnh hưởng đặc biệt" liệu có được đăng ảnh trong bài viết của nhân vật đó không?
Không gian hài hước của Wikipedia đã có lịch sử từ rất lâu đời, với nhiều cảm nhận khác nhau về hài hước của mỗi người, từ những chủ đề khó hiểu như Bản mẫu:Thành viên số nhị phân, Thảo luận Thành viên:127.0.0.1, những bài viết hài hước nhập ngoại như Wikipedia:Giận dữ và ác ý, Wikipedia:Con lười Wiki tới những câu chuyện cười tự tạo như Wikipedia:Các tổ chức phòng vệ Wikipedia hay Wikipedia:Cách không bị cấm. Và có những thứ với người này là hài hước thì với người khác lại là khó chịu, và bút chiến thì không phân biệt được các không gian. Hậu quả là có một yêu cầu nặc danh đòi bãi nhiệm một điều phối viên mới nhậm chức, cùng với nhiều tranh cãi liên quan đến việc chuyện gì thì có thể đùa và chuyện gì thì không. Biểu quyết hài hước này đã thực sự được nhìn nhận "nghiêm túc" trong việc xét duyệt có nên xóa hay không trong hai lần (lần đầu, lần thứ hai).