Call Me by Your Name

Call Me by Your Name
Áp phích chiếu rạp của phim
Đạo diễnLuca Guadagnino
Kịch bảnJames Ivory
Dựa trênGọi em bằng tên anh
của André Aciman
Sản xuất
Diễn viên
Quay phimSayombhu Mukdeeprom
Dựng phimWalter Fasano
Hãng sản xuất
  • Frenesy Film Company
  • La Cinéfacture
  • RT Features
  • M.Y.R.A. Entertainment
  • Water's End Productions
Phát hành
Công chiếu
  • 22 tháng 1 năm 2017 (2017-01-22) (Sundance)
  • 24 tháng 11 năm 2017 (2017-11-24) (Hoa Kỳ)
  • 18 tháng 1 năm 2018 (2018-01-18) (Brazil)
  • 25 tháng 1 năm 2018 (2018-01-25) (Ý)
  • 28 tháng 2 năm 2018 (2018-02-28) (Pháp)
Thời lượng
132 phút[1]
Quốc gia
Ngôn ngữ
  • Tiếng Anh
  • Tiếng Ý
  • Tiếng Pháp[4]
Kinh phí3,4–3,5 triệu USD[5]
Doanh thu41,9 triệu USD[6]

Call Me by Your Name (tạm dịch: Gọi em bằng tên anh) là một bộ phim điện ảnh thuộc thể loại tình cảm – chính kịch – tuổi mới lớn ra mắt vào năm 2017 do Luca Guadagnino đạo diễn và James Ivory chắp bút, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản vào năm 2007 của André Aciman. Đây là tác phẩm cuối cùng trong bộ ba mang tên "Desire" của đạo diễn Guadagnino, sau I Am Love (2009) và A Bigger Splash (2015). Lấy bối cảnh vùng nông thôn miền Bắc nước Ý năm 1983, Call Me by Your Name xoay quanh mối quan hệ lãng mạn giữa cậu thiếu niên 17 tuổi Elio Perlman (Timothée Chalamet) và sinh viên 24 tuổi người Mỹ – Oliver (Armie Hammer) – trợ lí thực tập cho cha của Elio (Michael Stuhlbarg), một giáo sư khảo cổ học. Bộ phim cũng có sự góp mặt của các nữ diễn viên người Pháp Amira Casar, Esther GarrelVictoire Du Bois.

Call Me by Your Name bắt đầu được phát triển từ năm 2007 khi hai nhà sản xuất là Peter SpearsHoward Rosenman mua bản quyền màn ảnh cho cuốn tiểu thuyết của Aciman. Ivory được chỉ định trở thành đồng đạo diễn, nhưng tới năm 2016 ông quyết định từ bỏ vai trò này để Guadagnino – người trước đó vốn giữ vai trò cố vấn địa điểm – lên nắm toàn quyền chỉ đạo kiêm sản xuất bộ phim. Tác phẩm điện ảnh đón nhận tài trợ từ một số công ty quốc tế và ghi hình tại Crema, Lombardia,Ý từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2016. Sayombhu Mukdeeprom tiến hành quay phim trên loại phim 35mm. Đoàn làm phim đã dành nhiều tuần để trang trí căn biệt thự Villa Albergoni – một trong những địa điểm quay chính của tác phẩm. Đích thân đạo diễn Guadagnino chọn lựa âm nhạc cho phim, trong đó có hai ca khúc gốc được sáng tác và thể hiện bởi ca sĩ kiêm sáng tác nhạc người Mỹ Sufjan Stevens.

Call Me by Your Name được phân phối cho hãng Sony Pictures Classics trước khi trình chiếu lần đầu tiên tại Liên hoan phim Sundance vào ngày 22 tháng 1 năm 2017. Sau đó phim phát hành tại Vương quốc Anh vào ngày 27 tháng 10 năm 2017, ở Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 11 năm 2017 và công chiếu rộng rãi từ ngày 19 tháng 1 năm 2018. Bộ phim ngay lập tức nhận được nhiều lời khen ngợi, đặc biệt dành cho kịch bản của Ivory, sự chỉ đạo của Guadagnino và diễn xuất của Chalamet, Hammer, Stuhlbarg. Những yếu tố này cùng với phần âm nhạc và bối cảnh cũng được đánh giá cao đã giúp tác phẩm gặt hái nhiều đề cử và giải thưởng ở các lễ trao giải lớn nhỏ. Tại lễ trao giải Oscar 2018, Viện Hàn lâm đề cử Call Me by Your Name tại bốn hạng mục trong đó có Phim hay nhất, tác phẩm ra về với giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Kịch bản phim cũng giành chiến thắng tại các lễ trao giải của Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnh, Viện Hàn lâm Anh Quốc (BAFTA) và Hiệp hội biên kịch Mỹ. Tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 75, phim mang về đề cử cho hạng mục Phim điện ảnh chính kịch hay nhất. Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnh và Viện phim Mỹ đã lựa chọn Call Me by Your Name là một trong mười phim điện ảnh hay nhất năm 2017.

Nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1983, Elio là một thiếu niên Do Thái người Ý 17 tuổi, sống cùng cha mẹ tại một vùng nông thôn miền Bắc nước Ý. Mùa hè năm ấy, cha cậu—một giáo sư khảo cổ học—mời sinh viên cao học 24 tuổi người Mỹ Do Thái, Oliver, đến sống với gia đình để giúp đỡ, hỗ trợ ông trong việc nghiên cứu tài liệu. Elio, một người có tâm hồn nhạy cảm, ham đọc sách cùng tài năng âm nhạc thiên bẩm, nhận thấy bản thân có phần tương phản với tính cách đầy vô tư, cởi mở của Oliver. Cậu nhường phòng ngủ của mình cho Oliver trong khoảng thời gian anh ở lại. Elio dành nhiều thời gian mùa hè để đọc sách và đi chơi với bạn gái của mình là Marzia, còn Oliver lại bị một cô gái địa phương khác thu hút khiến Elio cảm thấy khá bất mãn.

Sau đó, Elio và Oliver bắt đầu dành nhiều thời gian bên nhau, và sự thu hút lẫn nhau giữa họ xuất hiện: bơi cùng nhau, đi dạo trong thị trấn, cùng nhau đi tìm hiểu về khảo cổ với cha của Elio. Mặc dù Elio đã bắt đầu một mối quan hệ với Marzia và khoe khoang về nó trước mặt Oliver để xem thử phản ứng của anh, nhưng càng ngày cậu càng cảm thấy bản thân mình bị thu hút bởi Oliver. Cậu lẻn vào phòng Oliver, cảm nhận mùi hương của anh còn thoang thoảng trong chiếc quần bơi. Trong một chuyến đi tới bưu điện, Elio thổ lộ tình cảm của mình với Oliver, nhưng anh khuyên cậu không nên làm vậy. Khi họ cùng nhau đi đến địa điểm bí mật của Elio, cậu đã hôn môi Oliver. Anh đáp trả nụ hôn nhưng không muốn đi xa hơn. Hai người xa cách nhau trong một vài ngày sau đó.

Để đáp lại lời nhắn muốn gặp mặt từ Elio, Oliver đặt tờ giấy ghi chú trên bàn, trong đó nói Elio đến gặp anh vào lúc nửa đêm. Elio dành cả ngày với Marzia trong khi đang khao khát gặp Oliver. Cuối cùng, vào lúc nửa đêm, cậu tiếp cận Oliver trên hiên nhà. Hai người ngủ với nhau lần đầu tiên. Nằm trên giường, Oliver nói với Elio: "Gọi anh bằng tên em và anh sẽ gọi em bằng tên anh." Họ gọi nhau bằng tên của người kia trong khi trở nên thân mật hơn cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều ngày sau đó, họ phát triển gần gũi hơn, làm tình nhiều hơn trong khi vẫn giữ bí mật về mối quan hệ giữa họ. Một hôm, khi Elio đang tự thỏa mãn bằng cách xuất tinh vào một trái đào thì Oliver xuất hiện, anh cố gắng cắn lấy quả đào ấy mặc kệ sự xấu hổ của Elio. Tâm trí hoàn toàn bị hạ gục bởi Oliver vào thời điểm này, Elio bắt đầu tránh mặt Marzia.

Khi Oliver sắp phải nói lời tạm biệt, họ thấy mình rất khó khăn để vượt qua được khao khát bên nhau. Cha mẹ Elio ngầm ý thức được mối quan hệ giữa hai người nên đã cho phép họ có một chuyến đi đến Bergamo trước khi Oliver trở lại Mỹ. Cả hai dành ba ngày lãng mạn bên nhau, sau đó Oliver rời đi, còn Elio đau khổ trở về nhà. Cậu được Marzia thông cảm, cô vẫn còn muốn làm bạn. Thấy được sự tuyệt vọng của Elio, cha cậu nói với con trai mình rằng ông nhận thức được tình cảm giữa cậu và Oliver. Ông cũng thú nhận đã gần như có một mối tình tương tự khi còn trẻ và khuyên Elio hãy để cả niềm vui lẫn nỗi buồn cùng sống mãi, thay vì cố gắng quên đi mọi tổn thương một cách quá chóng vánh.

Vài tháng sau đó, trong lễ Hanukkah, Elio nhận được một cuộc gọi từ Oliver. Oliver thông báo cho gia đình Perlman rằng anh chuẩn bị kết hôn, đồng thời cũng nói với Elio rằng anh vẫn nhớ mọi chuyện. Gác máy điện thoại, Elio đau đớn ngồi nhìn ngọn lửa trong lò sưởi. Cậu thổn thức cùng những giọt lệ lăn dài trên má. Đằng sau là mẹ cậu và người giúp việc đang chuẩn bị bữa tối cho kì lễ.

Diễn viên

[sửa | sửa mã nguồn]

Phong cách và chủ đề

[sửa | sửa mã nguồn]

Call Me by Your Name là phần cuối cùng trong bộ ba tác phẩm của Guadagnino mang tên "Desire", trong đó hai phần còn lại là I Am Love (2009) và A Bigger Splash (2015).[8][9] Guadagnino mô tả ông tiếp cận bộ phim một cách "nhẹ nhàng và đơn giản",[10][11] đánh dấu sự khởi đầu mới so với các tác phẩm trước đây của ông, vốn "rất cầu kì [và] hào nhoáng".[12] Vị đạo diễn coi bộ phim như là cách để ông bày tỏ sự tôn kính đối với "những người cha" của đời mình, bao gồm cha đẻ và các nhà làm phim mà theo Guadagnino nói đã truyền cảm hứng rất lớn cho ông: Jean Renoir, Jacques Rivette, Éric RohmerBernardo Bertolucci.[13]

Guadagnino mô tả Call Me by Your Name là một bộ phim gia đình mà mọi thành viên dù thuộc các thế hệ khác nhau đều có thể cùng thưởng thức, đồng thời cũng mang mục đích "truyền đạt những thông điệp và niềm hy vọng."[14] Ông không nhìn nhận phim như là một tác phẩm "đồng tính nam", mà là "nét đẹp của những ý niệm mới về sự khao khát, đầy vô tư và chân thành", qua đó phản ánh phương châm sống joie de vivre[b] của ông.[10][11] Theo Guadagnino, "con người ta cần luôn thành thật với cảm xúc của chính mình, thay vì che giấu chúng hoặc tự trốn tránh bản thân".[8] Ông coi bộ phim là sự truyền cảm hứng lớn lao cho việc "trở thành người mà bạn muốn trở thành và tự tìm ra bản chất thật của mình trong cách người khác nhìn nhận sự khác biệt."[15]

Vị đạo diễn đã có nhiều cố gắng để tránh những sai sót mà ông nhận thấy trong hầu hết các bộ phim tuổi mới lớn, vốn luôn có diễn biến theo kiểu nhân vật chính phải giải quyết những tình huống tiến thoái lưỡng nan dễ đoán trước, thí dụ như phải đưa ra lựa chọn giữa hai người cùng theo đuổi mình.[16] Ông cũng muốn câu chuyện chỉ đơn thuần xoay quanh hai con người "hết mình vì thực tại" chứ không đưa vào những yếu tố khác như nhân vật phản diện hay bi kịch,[11] điều được lấy cảm hứng từ bộ phim À nos amours (1983) của đạo diễn Maurice Pialat.[16][17] Guadagnino coi những cảnh tình dục trong phim phản ánh hành vi và bản chất của các nhân vật,[18] do đó ông không có hứng thú trong việc đưa vào tác phẩm các cảnh nóng quá táo bạo. Ông giải thích ý định của mình: "Tôi muốn khán giả hoàn toàn tin vào hành trình xúc cảm của các nhân vật và cảm nhận được thế nào là tình đầu... Với tôi, tạo ra sự đồng cảm mạnh mẽ nơi khán giả là rất quan trọng, bởi vì toàn bộ tư tưởng của bộ phim là một người khác có thể khiến bạn trở nên đẹp đẽ hơn, người ấy thức tỉnh và đề cao, trân trọng bản chất của bạn."[19]

Quá trình sản xuất

[sửa | sửa mã nguồn]

Phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]
An elderly Caucasian man with white hair wearing a white jacket and a white-and-blue-striped shirt.
James Ivory (ảnh chụp tháng 9 năm 1991), người dành chín tháng để "thai nghén" kịch bản cho bộ phim, trước đó đã gần như đảm nhiệm vai trò đồng đạo diễn.

Năm 2007, hai trong số các nhà sản xuất của bộ phim, Peter Spears và Howard Rosenman, sau khi đọc qua bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay Gọi em bằng tên anh của André Aciman, đã quyết định mua bản quyền màn ảnh cho tiểu thuyết này trước cả khi nó được xuất bản.[20] Trước đó, Rosenman lần đầu tiên được nghe về cuốn sách thông qua một người bạn trong khi ông đang quay bộ phim Milk (2008).[21] Còn Spears, vô cùng cảm động bởi cuốn tiểu thuyết và một lòng tin tưởng rằng nó xứng đáng trở thành một tác phẩm điện ảnh, đã lần đầu tiên được công nhận như là một nhà sản xuất nhờ cống hiến của mình cho bộ phim.[22] Họ sau đó mời người bạn James Ivory vào vị trí giám đốc sản xuất.[23] Năm 2008, Spears và Rosenman bắt đầu đi vào sản xuất bộ phim,[24] tuy nhiên dự án sớm rơi vào bế tắc.[25] Các nhà sản xuất tìm gặp ba nhóm đạo diễn và biên kịch, trong đó có Gabriele Muccino, Ferzan ÖzpetekSam Taylor-Johnson,[26] nhưng không thể thấy ai đảm bảo được cho dự án. Việc lên lịch quay phim ở Ý vào mùa hè cũng cho thấy nhiều bất cập.[20][27]

Các nhà sản xuất đã liên lạc với Guadagnino, lựa chọn đầu tiên của họ cho vai trò đạo diễn, nhưng ông từ chối với lý do lịch trình bận rộn.[9][24] Tuy nhiên, vì Guadagnino sống ở miền bắc nước Ý nên ban đầu ông vẫn đồng ý đảm nhiệm vị trí cố vấn địa điểm.[16][28] Guadagnino sau đó đề nghị ông đồng đạo diễn bộ phim với Ivory, nhưng không có hợp đồng thỏa thuận nào được đưa ra.[10][25] Ivory chấp nhận lời đề nghị đồng đạo diễn với điều kiện ông cũng sẽ kiêm nhiệm thêm vai trò biên kịch;[25] ông dành "khoảng chín tháng" để hoàn tất kịch bản phim.[23][29] Guadagnino, người từng mô tả cuốn tiểu thuyết là "một áng văn đậm chất Proust: hồi tưởng lại quá khứ và đắm chìm trong phiền muộn về những gì đã mất",[17] cũng cùng hợp tác trong quá trình chuyển thể với Ivory và nhà biên tập phim Walter Fasano.[10][14] Công việc viết kịch bản cho bộ phim diễn ra tại nhà của Ivory, bàn bếp nhà Guadagnino ở Crema và đôi khi là ở thành phố New York.[30] Ivory hiếm khi gặp Guadagnino trong suốt quá trình này vì vị đạo diễn khi đó đang bận rộn thực hiện A Bigger Splash (2015).[29]

Cuối năm 2015, khâu kịch bản được hoàn thành.[29] Tác giả Aciman đã phê duyệt nó và khen ngợi việc chuyển thể là "chân thật... hoàn hảo và rất thuyết phục", "họ thậm chí còn làm tốt hơn cả cuốn sách".[20] Việc hoàn tất kịch bản đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo kinh phí cho bộ phim.[23][25] Trong số những bên đầu tư tài chính có các công ty sản xuất La Cinéfacture (Pháp), Frenesy Film Company (Ý, thuộc sở hữu của Guadagnino), M.Y.R.A. Entertainment (Hoa Kỳ), RT Features (Brazil) và Water's End Productions (Hoa Kỳ), ngoài ra Bộ Di sản Văn hóa, Hoạt động và Du lịch Ý cũng hỗ trợ một phần.[14][31][32] Những nhà đầu tư tài chính ước tính chi phí sản xuất ban đầu là "quá đắt",[33] vì vậy ngân sách đã phải giảm từ 12 triệu USD xuống còn 3,4 triệu USD và lịch quay phim cũng được rút ngắn từ 12 tuần xuống còn 5 tuần.[32][34]

Sang năm 2016, Ivory từ bỏ vai trò đạo diễn, để Guadagnino chỉ đạo bộ phim một mình.[9][10] Theo Ivory, các nhà đầu tư tài chính của Memento Films International không hài lòng với việc có cùng một lúc hai đạo diễn tham gia vào dự án vì họ "nghĩ rằng như vậy sẽ rất khó xử... Có thể làm tốn thời gian hơn và thật tệ nếu như chúng tôi tranh cãi trên phim trường, cũng như nhiều vấn đề khác nữa."[23][29] Guadagnino cho biết phiên bản của Ivory có thể sẽ là "một bộ phim hoàn toàn khác [và] tốn kém hơn nhiều".[16][28] Ivory trở thành biên kịch duy nhất của bộ phim[35] và sau đó bán bản quyền kịch bản cho công ty của Guadagnino.[23][29] Call Me by Your Name là kịch bản đầu tiên được sản xuất của Ivory kể từ Le Divorce (2003) và là tác phẩm phim truyện duy nhất ông làm biên kịch nhưng không đạo diễn. Ông vẫn tham gia vào các công đoạn khác của quá trình sản xuất.[35] Guadagnino dành tặng bộ phim cho người bạn quá cố Bill Paxton, người từng đến thăm trường quay ở Crema trước khi qua đời vào tháng 2 năm 2017.[36]

Quá trình chuyển thể

[sửa | sửa mã nguồn]
Two middle-aged Caucasian men stand before a yellow curtain on stage.
Dưới sự chỉ đạo của Guadagnino (trái), bộ phim có nhiều điểm khác biệt ngay cả với kịch bản của Ivory và cuốn tiểu thuyết của Aciman (phải).

Bộ phim có khá nhiều điểm khác biệt so với cuốn tiểu thuyết vốn được viết theo lối hồi tưởng, từ góc nhìn của Elio. Các nhà làm phim tin rằng việc đặt hoàn cảnh bộ phim hoàn toàn vào năm 1983, thay vì năm 1987 như trong tiểu thuyết, sẽ giúp khán giả có thể dể dàng hiểu đúng về các nhân vật và cách làm này cũng giúp họ giữ đúng tinh thần của cuốn sách.[17][24][30][37] Bối cảnh được thay đổi từ Bordighera đến vùng nông thôn Crema, nơi đạo diễn Guadagnino sinh sống.[c] Quảng trường của thị trấn nơi Elio thổ lộ với Oliver trên phim khác với hình ảnh mà Aciman đã tái hiện trong tiểu thuyết của mình: "nhỏ hơn nhiều và sừng sững trên đồi cao nhìn ra Địa Trung Hải lộng gió". Khí hậu khô cằn và phong cảnh "hoang vắng đến kì lạ" ở Crema cũng chỉ ra rằng bộ phim sẽ không thể tương đồng hoàn toàn với tiểu thuyết.[39]

Guadagnino từng tính tới chuyện loại bỏ cảnh quay Elio thủ dâm với một trái đào vì thấy nó quá táo bạo.[20][40] Ngay cả Chalamet—người trực tiếp thực hiện cảnh quay—cũng có phần lo sợ.[24][41][42] Cả hai đều cho rằng việc tự thỏa mãn bằng quả đào là điều không tưởng, nhưng sau đó mỗi người đều tự thử nghiệm một cách độc lập. Trước sự ngạc nhiên của họ, phương pháp này tỏ ra khả thi, vì vậy Guadagnino đã cho quay cảnh này và cuối cùng đưa vào bộ phim.[43] Một phân đoạn khác mà Elio và Oliver say sưa nhảy dưới nền nhạc "Love My Way" của The Psychedelic Furs vốn không có trong cuốn sách. Nó được lấy cảm hứng từ Something Wild (1986) của Jonathan Demme và kinh nghiệm nhảy của chính Guadagnino thời trẻ.[20][44] Ivory cũng thay đổi nghề nghiệp của cha Elio, ông Perlman, từ một học giả nghiên cứu Hy Lạp và Latinh cổ đại, thành "nhà sử học/nhà khảo cổ học nghệ thuật",[24][38] quyết định mà Aciman mô tả là "hoàn hảo" và "trực quan hơn, [...] thú vị hơn, trái ngược với những gì khô khan mà một học giả làm tại bàn làm việc của mình".[38]

Khi Guadagnino xem xét lại bản thảo kịch bản của Ivory, ông quyết định loại bỏ phần lời thuyết minh được lồng tiếng, cùng với đó là nhiều phân đoạn khoả thân.[17][28] Vị đạo diễn cho rằng các cảnh quay quá táo bạo đó là "hoàn toàn không liên quan" với tầm nhìn của ông dành cho bộ phim[45] và ông không thích ý tưởng cho nhân vật chính tự thuật lại câu chuyện, vì "như vậy sẽ giết chết sự bất ngờ".[17] Ở phần cuối của cuốn tiểu thuyết đã có nguyên một chương truyện dành cho chuyến đi cùng nhau của Elio và Oliver tới Rome, ngoài ra cũng giới thiệu thêm một số nhân vật mới ở nhiều địa điểm.[29][35] Do ngân sách hạn chế của bộ phim, Ivory và các nhà sản xuất phải viết một số biến thể cho phân đoạn này, một trong số đó là để hai nhân vật chính, chỉ hai người họ, ở lại trong căn biệt thự. Tuy nhiên, cuối cùng đoàn làm phim đã đặt ra một chuyến đi khác đến Bergamo, nơi hai nhân vật dành phần lớn thời gian cùng nhau trong phòng khách sạn.[29] Trong kịch bản gốc của mình, có hai cảnh quay Ivory miêu tả cha mẹ của Elio cùng bàn về HIV/AIDS, còn ở cảnh quay cuối cùng, Elio sẽ ngồi trang trí cây thông Giáng sinh của gia đình, nhưng trong phim phải loại bỏ.[35][46] Tương tự, Ivory cũng phải giảm thời lượng cuộc trò chuyện của ông Perlman với Elio ở gần cuối phim, nhưng cam kết không hoàn toàn cắt bỏ nó.[47] Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Moment, Aciman chia sẻ rằng trong những lần nhà văn tham gia giúp đỡ để giữ kịch bản ở mức tối thiểu, ông đã đề nghị Ivory hãy hạn chế tối đa các đối thoại diễn ra trước cuộc trò chuyện của Perlman để không "đánh cắp sự bất ngờ và hồi hộp".[48] Ivory mô tả cảnh Elio thổ lộ tình cảm của mình với Oliver là một trong những khoảnh khắc ghi lại trọn vẹn "xúc cảm mãnh liệt song hành cùng nỗi lo lắng, sự hồi hộp" trong mối tình đầu của họ.[49] Aciman rất bất ngờ với cảnh quay cuối cùng của Guadagnino mà trong đó Elio ngồi bên lò sưởi, nước mắt lã chã rơi;[39] ông viết về bộ phim:

Điện ảnh là một công cụ rất đỗi kỳ diệu. Những gì tôi làm với tư cách là một nhà văn, và những gì Guadagnino làm với tư cách là một đạo diễn phim, thậm chí còn khác biệt hơn cả nói hai ngôn ngữ khác nhau. Những gì tôi làm là trạm trổ một bức tượng sao cho các đường nét của nó đạt đến độ tuyệt hảo, kể cả những chi tiết khó nhất. Còn những gì một đạo diễn phim làm là khiến cho bức tượng đó biết cử động.[39]

Trong quá trình quay phim, nhiều chi tiết trong kịch bản của Ivory đã được thay đổi khi ông không trực tiếp có mặt ở trường quay.[46] Vào tháng 5 năm 2018, Ivory chia sẻ rằng ông và Guadagnino từng thảo luận về cách quay những cảnh có liên quan đến khoả thân, nhưng sau đó trong quá trình ghi hình Guadagnino lại quyết định loại bỏ chúng. Theo Ivory, một số tuyên bố của Guadagnino với báo chí đã khiến cho sự thiếu vắng các cảnh quay khoả thân của bộ phim bị hiểu là "quyết định sáng suốt mang tính thẩm mỹ", trong khi họ chưa bao giờ bàn về việc lược bỏ các cảnh khoả thân khỏi kịch bản. Ivory phát biểu: "Khi con người ta đang thơ thẩn trước hoặc sau khi làm tình, cơ thể họ lại được che đậy kín đáo bằng mấy tấm ga trải giường, như vậy chẳng thực tế chút nào." Để làm sáng tỏ, ông dẫn chứng những cảnh khỏa thân nam trong bộ phim trước đó của mình, Maurice (1987), cũng là một tác phẩm tình cảm đồng tính nam, mà theo ông như vậy là "cách khiến mọi thứ trở nên tự nhiên hơn, thay vì che đậy chúng hoặc làm như những gì Luca đã làm, đó là lia máy quay ra khỏi cửa sổ hướng về phía hàng cây bên ngoài."[50] Guadagnino đáp lại rằng ông hiểu ý kiến của Ivory, nhưng cũng giải thích thêm rằng rõ ràng không có bất cứ "giới hạn" nào khiến họ từ bỏ những gì mình muốn làm.[45]

Tuyển vai

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào năm 2015, Shia LaBeoufGreta Scacchi được cho là sẽ góp mặt trong bộ phim.[51] Tuy nhiên tới tháng 9 năm 2016, Ivory xác nhận họ không còn tham gia vào dự án. Ivory nói rằng ông từng hợp tác với LaBeouf, người đã đọc kịch bản phim khi ở New York, nhưng công ty sản xuất cảm thấy nam diễn viên không còn phù hợp sau nhiều "rắc rối" của anh này. Ông nghĩ Scacchi và LaBeouf đọc kịch bản khá ăn ý với nhau và có thể phối hợp tốt trong phim, nhưng công ty không đồng ý.[52]

Guadagnino rất ấn tượng với diễn xuất của Armie Hammer trong The Social Network (2010),[10][43] mô tả anh là một diễn viên "có lối diễn đầy kĩ thuật và biến hóa đa dạng".[10] Hammer suýt nữa đã từ chối vai Oliver sau khi đọc kịch bản nháp vì thấy nó bao gồm các cảnh khoả thân, anh nói: "Có rất nhiều thứ trong này mà tôi chưa từng làm trên phim trước đây. Nhưng tôi không thể không làm [bộ phim này], chắc là vì nó dọa tôi phát hoảng."[53][54] Trước đây, Hammer cũng từng vào vai các nhân vật LGBT trong J. Edgar (2011) và Final Portrait (2017).[40][55]

Two young Caucasian men sit behind a desk against a blue background with white text.
Hammer và Chalamet trong buổi họp báo cho Call Me by Your Name tại Liên hoan phim quốc tế Berlin 2017

Năm 2013, Swardstrom—chồng và đồng thời cũng là đại diện của nhà sản xuất Peter Spears—giới thiệu Timothée Chalamet cho Guadagnino;[10][18] vị đạo diễn ngay lập tức nhận thấy ở nam diễn viên hội tụ đủ các yếu tố "niềm đam mê, trí thông minh, sự nhạy cảm, nét ngây thơ và chất nghệ thuật" để vào vai Elio.[17] Trước đó Chalamet đã đọc tiểu thuyết của Aciman, nhận xét nó như là "khung cửa sổ tâm hồn của một người trẻ".[41] Nhân vật của anh, Elio, 17 tuổi, thông thạo ba ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ý.[32] Để chuẩn bị cho vai diễn, ngay khi đến Ý, Chalamet—vốn có thể nói tiếng Pháp trôi chảy cũng như chơi piano và guitar trong nhiều năm[24][32][56]—lên lịch học tiếng Ý hàng ngày, tập gym ba lần một tuần và làm việc với nhà soạn nhạc Roberto Solci.[24][32]

Michael Stuhlbarg, diễn viên vào vai cha của Elio, ông Perlman,[53][57] lại chưa hề đọc cuốn sách cho đến khi ông tham gia vào bộ phim.[58] Ông thấy kịch bản rất cảm động và mô tả nhân vật Perlman là một người cha "có tấm lòng rộng lượng, tình yêu thương và sự thấu hiểu".[59] Guadagnino đích thân liên lạc với nữ diễn viên Esther Garrel khi ông đang ở Paris để quảng bá cho A Bigger Splash. Garrel được tuyển thẳng vào vai Marzia mà không cần qua buổi thử vai chính thức nào; cô cũng quyết định không đọc cuốn tiểu thuyết trước khi quay.[60] Gần cuối tác phẩm có cảnh Marzia hỏi Elio, "Mình làm bạn suốt đời chứ?"—câu thoại lấy từ J'entends plus la guitare (1991), một bộ phim của đạo diễn Philippe Garrel, cha của Esther Garrel. Guadagnino chia sẻ, "Tôi thích ý tưởng như thể đang được trò chuyện với Philippe Garrel thông qua con gái ông ấy".[33] Garrel thường giao tiếp bằng tiếng Pháp với Chalamet trên trường quay và xem bộ phim sitcom Mỹ Friends với phụ đề tiếng Anh để cải thiện khả năng ngoại ngữ của cô ấy.[60]

Guadagnino chọn Amira Casar, người bạn mà ông đã quen biết trong suốt 20 năm, vào vai mẹ của Elio, bà Annella.[33][57] Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Pháp Télérama, Guadagnino bày tỏ sự ngưỡng mộ với "khả năng phá vỡ mọi quy chuẩn" của Casar và gọi cô là "kẻ táo bạo nhất" trong nền nghệ thuật điện ảnh châu Âu.[d][33] Đạo diễn tuyển vai Stella Savino bắt gặp Vanda Capriolo khi bà đang đạp xe ở một vùng nông thôn. Capriolo, vốn không phải là một diễn viên, được chọn vào vai Mafalda, người giúp việc của gia đình Perlman.[44][61] Aciman và Spears cũng xuất hiện ngắn gọn trong vai trò cameo là cặp đôi đồng tính công khai, Mounir và Isaac, tới tham dự một bữa tiệc tối nhà Perlman.[24][38] Đoàn làm phim đã đề nghị Aciman tham gia trong hoàn cảnh họ không kịp tìm diễn viên cho vai này. "Đó là một quyết định vào phút chót", Spears nhớ lại, "André hóa ra lại là một diễn viên phi thường! [Ông ấy] rất tự nhiên, chẳng run chút nào. Vợ ông cũng ở đó lúc ấy và bảo rằng, 'Thật không ngờ [là ông ấy có thể diễn]!'"[62] Trong những cuộc đối thoại, các nhân vật thường xuyên chuyển đổi giữa tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý[63] và có phân đoạn Annella đọc bản dịch tiếng Đức của một tác phẩm văn học Pháp thế kỷ 16.[64]

Hammer và Chalamet đều ký vào bản hợp đồng cấm bộ phim công khai bất kì hình ảnh khỏa thân trước nào của họ. Ivory đã bị mất tinh thần trước quyết định này, khi mà kịch bản gốc của ông vốn chứa các cảnh khỏa thân. Vị biên kịch không hài lòng với những gì ông cho là thái độ "Mỹ": "Chẳng có ai quá bận tâm hoặc bị sốc về chuyện một người phụ nữ hoàn toàn khỏa thân. Nếu là đàn ông thì lại khác."[25][28] Guadagnino chọn diễn viên dựa trên diễn xuất và tương tác giữa họ hơn là dựa vào xu hướng tính dục của họ.[19] Ông nói: "Việc bạn phải tuyển chọn một người chỉ có một số kỹ năng nhất định, và tệ hơn là, chỉ mang một bản sắc giới tính bất biến dù vào bất kỳ vai diễn nào: điều đó thật sự gây áp lực cho tôi."[9]

Thiết kế bối cảnh và trang phục

[sửa | sửa mã nguồn]
Biệt thự Villa Albergoni

Một trong những địa điểm quay chính của bộ phim—nơi ở của gia đình Perlman, Villa Albergoni, là một biệt thự không có người ở, được xây dựng từ thế kỉ 17 tại Moscazzano.[24][65] Guadagnino từng muốn mua nó nhưng không đủ khả năng, nên thay vì vậy ông làm một bộ phim ở đó.[32][66] Đoàn làm phim thuê chuyên viên thiết kế cảnh quan để xây dựng một vườn cây ăn quả trong khu vườn của căn biệt thự.[61] Họ cũng dựng dàn hoa leo ở sân vườn nơi gia đình Perlman thường dùng bữa, ngoài ra còn bố trí thêm một số cây mơ và đào trong vườn.[65][67]

Guadagnino không muốn bộ phim trở thành một tác phẩm nặng tính thời kỳ. Mục đích của ông là làm sao để yếu tố thời kỳ dường như vô hình trong mắt khán giả.[16] Đoàn làm phim, bao gồm nhà thiết kế bối cảnh Samuel Deshors và người lần đầu tiên đóng vai trò là một chuyên viên trang trí bối cảnh—Violante Visconti di Modrone, trang trí ngôi nhà bằng nội thất và đồ dùng lấy cảm hứng từ các nhân vật.[24][66] Phần lớn đồ nội thất, bao gồm bát đĩa và đồ thủy tinh từ những năm 1950, thuộc về cha mẹ của Guadagnino và Modrone. Modrone nói, "Làm như vậy sẽ giúp cho ngôi nhà trở nên ấm cúng và riêng tư hơn... Tôi muốn mang đến một cảm giác như thể thời gian đã thực sự đi qua nơi này." Nhiều bức tranh, bản đồ và gương mang phong cách nghệ thuật châu Á được mua từ một cửa hàng đồ cổ ở Milan.[67][68] Những quyển sách xuất hiện trong phim đều là các cuốn xuất bản trước năm 1982.[61] Chiếc hồ bơi trong phim thực chất là một máng nước rất phổ biến trong khu vực.[24][68]

Đoàn làm phim dựng lên ở những nơi công cộng các bảng hiệu lớn mang nội dung chính trị đã được làm mờ để tái hiện lại cuộc tổng tuyển cử ở Ý năm 1983, đồng thời cũng tái tạo một sạp báo đầy các cuốn tạp chí lúc bấy giờ.[61] Người dân Crema giúp đỡ đội ngũ sản xuất trong việc nghiên cứu bằng cách mời họ tới nhà và cung cấp nhiều bức ảnh từ những năm 1980.[16][69] Chen Li, nhà thiết kế đồ họa của bộ phim, đã tạo ra một kiểu chữ viết tay dành riêng cho phần giới thiệu xuất hiện ở đầu tác phẩm, trên nền những bức ảnh photocopy của các bức tượng cổ và bên cạnh là nhiều đồ dùng trên bàn làm việc của ông Perlman.[61]

Nhà thiết kế trang phục Giulia Piersanti quyết định không sử dụng những bộ cánh thời kì lúc bấy giờ; thay vào đó, cô muốn mang đến "vẻ gợi cảm mà tươi trẻ của thanh xuân, nhiệt lượng của mùa hè và khoái cảm đang trỗi dậy" cho các nhân vật. Trang phục của phim chịu nhiều ảnh hưởng của các tác phẩm điện ảnh Pháp Pauline à la plage (1983), Conte de printemps (1990) và Conte d'été (1996),[68] bao gồm một số bộ đồ do chính đội ngũ của Piersanti sản xuất.[61] Đối với phục trang của gia đình Perlman, Piersanti lấy cảm hứng từ album ảnh của cha mẹ cô. Còn với tạo hình một người Mỹ "khỏe mạnh và gợi cảm" của Oliver, Piersanti tham khảo từ "một số bức ảnh đầu tiên của Bruce Weber".[68] Việc trang phục của Oliver liên tục thay đổi trong suốt bộ phim được hiểu như là cách anh có thể "giải phóng bản thân hơn".[61] Để làm nổi bật phong cách tự tin của Elio, cô đã chọn một số trang phục của hãng Lacoste và một chiếc áo sơ mi đặc biệt mang phong cách New Romantic trong cảnh cuối cùng.[16][68] Một vài món đồ khác của Elio được Piersanti lấy từ tủ quần áo của chồng mình, bao gồm chiếc áo polo và áo phông Fido Dido.[68]

Quá trình quay phim

[sửa | sửa mã nguồn]
Các địa điểm quay phim ở Lombardia

Quá trình ghi hình của bộ phim bắt đầu vào ngày 9 tháng 5 năm 2016 và đóng máy vào tháng 6 năm 2016,[52][70][71] kéo dài khoảng 33 ngày.[61][72] Tác phẩm được quay chủ yếu ở Crema và khu vực lân cận tỉnh Cremona.[10][13][73][74] Trong quá trình quay liên tục có mưa bão bất thường, với các trận mưa lớn xuất hiện vào 28 trên tổng số 33 ngày quay.[22][72] Các cảnh ở hai ngôi làng PandinoMoscazzano ghi hình từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 5 và cảnh quay ở Crema bắt đầu vào ngày 1 tháng 6.[75][76][77] Đoàn làm phim cho quay bổ sung các cảnh ngoài trời vào ngày 4 tháng 12 năm 2016.[78][79] Thành phố Crema đã đầu tư 18.000 EUR vào tác phẩm, trong đó bao gồm 7.500 EUR thu được từ một cuộc vận động công khai.[80][81]

Cổng vòm Torrazzo của nhà thờ Crema cùng với nhiều địa điểm lịch sử trên đường phố Crema và Pandino được đưa vào trong quá trình sản xuất.[65][75] Các hộ kinh doanh ở đây đã yêu cầu đoàn làm phim phải bồi thường thiệt hại tài chính do việc đóng cửa diễn ra vào hai ngày 30 và 31 tháng 5 phục vụ cho quá trình ghi hình.[82] Từng có hai buổi quay tại nhà thờ phải hoãn lại do thời tiết mưa.[83] Việc quay phim cũng diễn ra ở khu vực Lodi, Lombardia gần Crespiatica và ở hai thị trấn nhỏ gần Crema là MontodineRipalta.[24][65][78] Cảnh trục vớt bức tượng khảo cổ quay tại Hang động Catullus ở Sirmione, trên bờ Brescian của hồ Garda. Phía bên ngoài của nhiều tòa nhà lịch sử, bao gồm nhà thờ Bergamo, thánh đường Santa Maria Maggiore, sân Liceo Classico Paolo Sarpi ở quảng trường Piazza Rosate và trường Ateneo di scienze lettere ed arti di Bergamo, là bối cảnh chính của chuyến đi đến Bergamo;[65] còn cảnh nhà ga xe lửa quay ở Pizzighettone.[84] Vì lí do an toàn, đội ngũ sản xuất chỉ được cho phép ghi hình tại thác nước Cascate del Serio ở Valbondione trong vòng nửa tiếng đồng hồ.[65][73][85]

Trước và trong quá trình quay phim, các diễn viên sống ở Crema và được trải nghiệm cuộc sống ở một thị trấn nhỏ.[24] Guadagnino rất thân thiết với dàn diễn viên và đoàn làm phim, ông thường nấu ăn cho họ và xem phim cùng họ tại nhà mình.[20] Hai diễn viên chính, Hammer và Chalamet, vốn không hề phải thử vai trước cùng nhau lần nào,[17][86] đã gặp gỡ lần đầu tiên trong quá trình sản xuất tại Crema.[24][71] Trước khi bắt đầu ghi hình, họ dành một tháng cùng nhau, xem TV và đi ăn tại các nhà hàng địa phương.[8][54][71] Chalamet kể lại: "Vì gần như là hai người Mỹ duy nhất ở đó nên chúng tôi luôn đi theo cặp, nhờ vậy mà chúng tôi đã có cơ hội rất tốt để giúp đỡ và thực sự tìm hiểu lẫn nhau."[56] Guadagnino và dàn diễn viên dành hai ngày đầu tiên của quá trình sản xuất để cùng đọc kịch bản.[30] Cảnh đầu tiên mà Hammer và Chalamet diễn tập là cảnh hôn,[21][86] họ cũng phải quay phim với tình trạng cởi trần trong nhiều ngày.[87] "Chưa có bao giờ tôi gần gũi đến thế với một vị đạo diễn. Luca đã có thể nhìn và cởi bỏ hoàn toàn trang phục của tôi", Hammer chia sẻ.[43]

Guadagnino cho quay tác phẩm theo trình tự thời gian[30][88] để đoàn làm phim có thể cùng "chứng kiến sự trưởng thành trên màn ảnh của cả nhân vật chính lẫn các diễn viên", theo lời biên tập phim Walter Fasano.[89] Do đó, cảnh ông Perlman có những lời tâm sự đầy cảm động với Elio ở gần cuối phim cũng được quay vào ngày áp chót của cả quá trình.[8][30] Guadagnino muốn thực hiện nó "đơn giản nhất có thể" bằng cách quay ít lần hơn và "cứ để các diễn viên hoàn toàn nhập vai".[15] Stuhlbarg dành nhiều tháng để chuẩn bị cho cảnh này.[8][59] Nó được quay ba lượt và ba lượt đó là ba lần Stuhlbarg "trên ba cấp độ cảm xúc khác nhau".[89] Esther Garrel cảm thấy thoải mái khi quay cảnh nóng của cô với Chalamet, theo như cô mô tả là đầy "vui vẻ và đơn giản".[60] Trong cảnh quay cuối cùng mà Elio ngồi trước lò sưởi, Chalamet đã nghe "Visions of Gideon"một trong những bài hát gốc được viết bởi Sufjan Stevens cho bộ phim—bằng một tai nghe siêu nhỏ được đặt trong tai anh.[90][91] Đạo diễn yêu cầu anh diễn tả ba cung bậc cảm xúc khác nhau, mỗi cung bậc một lần quay.[92] Khi ấy máy quay được đặt phía trong lò sưởi mà không có ai đứng sau nó. Chia sẻ về cảnh quay này, Chalamet cho rằng đối với anh, "nó có chút gì như thể là một cuộc thí nghiệm diễn xuất vậy."[44]

Tại quảng trường Piazza Vittorio Emanuele,[84] một đài tưởng niệm các nạn nhân của trận chiến Piave ở Pandino[39]—nơi Elio thổ lộ tình cảm với Oliver, đoàn làm phim đã đặt máy quay trên một thanh trượt dài để ghi lại cảnh này chỉ với một lần quay dài duy nhất. Cách làm này tạo nên sự kết nối liên tục, "dòng chảy cảm xúc" mà một cảnh sử dụng cắt ghép không thể.[93] Trong cảnh nhảy ở quán bar, Hammer phải nhảy theo một đoạn âm thanh dạng click track trước 50 diễn viên quần chúng trong khi nhạc được tắt để có thể ghi lại được các cuộc hội thoại.[44][54] Để chuẩn bị cho phân đoạn này, Guadagnino sắp xếp cho Hammer một số buổi tập luyện với một huấn luyện viên nhảy.[44] Hammer nói rằng đó là "cảnh kì cục nhất" mà anh từng quay;[94] còn theo Rosenman, đây lại là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất của bộ phim: "Với tôi, nó mang tính biểu tượng và tái hiện được trọn vẹn thế nào là tình yêu của tuổi trẻ, thế nào là niềm khát khao thực sự."[21]

Sayombhu Mukdeeprom, người trước đó từng hợp tác với Guadagnino trong bộ phim của Ferdinando Cito Filomarino là Antonia (2015), đảm nhiệm vai trò quay phim chính.[18][95] Anh đã đọc tiểu thuyết của Aciman trước khi nhận kịch bản và thường đi dạo xung quanh các địa điểm quay của tác phẩm để "cảm nhận mọi thứ... ngắm nhìn màu sắc, ngắm nhìn cách ánh sáng thay đổi như thế nào trong ngày [...]."[96] Dù vậy, Mukdeeprom buộc phải sử dụng ánh sáng nhân tạo để tái hiện được bầu không khí mùa hè miền Bắc nước Ý[10] trong bối cảnh những cơn mưa lớn kéo dài liên tục trong suốt quá trình ghi hình.[18][72] Anh từng ngồi khóc ở một góc phòng sau khi hoàn thành lần quay đầu cho cảnh xung đột giữa Elio và Oliver vì choáng ngợp bởi cảm giác đồng cảm sâu sắc với hai diễn viên.[10] Bộ phim được quay bằng phim celluloid 35mm và một ống kính đơn[97]—phương pháp chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của David Cronenberg, với mục đích "cố định tầm nhìn"[11] và làm cho "xúc cảm có thể vươn ra khỏi màn ảnh", dù như vậy đồng nghĩa với việc sẽ làm gia tăng ngân sách sản xuất hơn so với quay phim dạng kỹ thuật số.[97] Guadagnino khen ngợi Jean-Pierre Laforce, nhà thiết kế và pha trộn âm thanh của bộ phim, vì những đóng góp "kì diệu" và "then chốt" của ông. Trước đây, Laforce cũng từng hợp tác với Guadagnino trong tác phẩm A Bigger Splash.[15]

Hậu kỳ

[sửa | sửa mã nguồn]

Walter Fasano làm việc cùng Guadagnino trong quá trình hậu kỳ cho Call Me by Your Name.[32][98] Họ đã cộng tác với nhau trong suốt 25 năm kể từ tác phẩm đầu tay của Guadagnino, The Protagonists (1999).[32] Fasano mô tả làm việc với Guadagnino là "không phải như thông thường [và] rất khắt khe, nhưng đó là một trải nghiệm tuyệt vời."[98] Quá trình hậu kỳ của phim chỉ diễn ra trong vòng một tháng, từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2016.[10] Theo Fasano, các bộ phim của Bernardo Bertolucci và lối kể chuyện "nhanh và không thể lí giải" trong tác phẩm À nos amours của Pialat, đã truyền cảm hứng cho cách làm nhanh chóng của anh và Guadagnino.[71][98]

Phiên bản đầu tiên của bộ phim kéo dài tới ba tiếng 20 phút.[98][99] Fasano mô tả nó khiến anh "lạc mất chính mình trong câu chuyện và những hình ảnh". Phiên bản cuối cùng có độ dài hai tiếng 10 phút với tỉ lệ thời lượng giữa tổng các cảnh đã quay và phiên bản cuối là 25:1.[98]

Trong khâu hoàn thiện hậu kì, một số thay đổi đáng chú ý đã được thực hiện, hoặc suýt nữa được thực hiện. Đoạn độc thoại của cha Elio từng có nhạc nền là tiếng đàn piano. Cảnh hai nhân vật chính cùng đạp xe đến sân quảng trường suýt nữa không góp mặt trong bản cuối cùng sau khi một trong những nhà sản xuất nói rằng nó không có gì nổi bật.[89] Hammer tiết lộ có một số cảnh phải được hiệu chỉnh bằng kỹ thuật số để sửa chữa các lỗi "lộ hàng" do những chiếc quần shorts quá ngắn của anh gây ra.[100][101] Guadagnino từng nói về rất nhiều cảnh không xuất hiện trong bản cuối cùng, trong đó có một phân đoạn mà Elio và Oliver "trêu chọc nhau" dưới gốc cây chanh, theo như vị đạo diễn nhận xét là "đắt giá" và hai diễn viên chính đã "nhập vai rất tốt". Một cảnh khác là cha mẹ của Elio làm tình trên phòng ngủ trong khi Elio và Oliver đang trao nhau nụ hôn dưới ánh trăng trong vườn, cũng bị loại bỏ;[40] tuy nhiên phân đoạn này đã được chiếu trong một buổi công chiếu ở Castiglioncello vào tháng 6 năm 2018, cùng với một cảnh bị cắt khác: Elio dẫn Oliver đi thăm thú ngôi làng.[102]

Nhạc phim

[sửa | sửa mã nguồn]
A young Caucasian man with short, dark hair plays a banjo.
Sufjan Stevens đã đóng góp ba bài hát cho bộ phim.

Guadagnino đích thân lựa chọn nhạc phim cho Call Me by Your Name.[24] Ông muốn tìm một "người dẫn chuyện có cảm xúc cho bộ phim" thông qua âm nhạc theo cách "nhẹ nhàng hơn, ít hiện diện nhưng bao bọc hơn" so với lời nói và con chữ. Các bộ phim Barry Lyndon (1975), The Magnificent Ambersons (1942) và The Age of Innocence (1993) đã truyền cảm hứng cho ông.[30] Vị đạo diễn muốn âm nhạc của tác phẩm phải có sự kết nối với Elio, một nghệ sĩ dương cầm trẻ thích cải biên và soạn lại các bản nhạc piano, đồng thời cũng thông qua âm nhạc để tiến lại gần hơn với Oliver. Âm nhạc trong phim giúp phản ánh bối cảnh và thời gian lúc bấy giờ, cũng như đời sống gia đình của các nhân vật và trình độ học vấn của họ. Để giữ đúng khoảng thời gian, Guadagnino đã nghiên cứu về nhiều ca khúc nhạc pop thịnh hành trên các đài phát thanh địa phương vào mùa hè những năm 1980.[17][103]

Ấn tượng với chất trữ tình trong âm nhạc của ca sĩ kiêm sáng tác nhạc người Mỹ Sufjan Stevens, Guadagnino đề nghị anh thu âm một bài hát gốc cho Call Me by Your Name và đảm nhiệm vai trò người dẫn chuyện—thuật lại suy nghĩ của Elio khi cậu ở tuổi trưởng thành.[18][90] Stevens từ chối vai trò dẫn chuyện[90] nhưng đã đóng góp tới ba bài hát cho bộ phim: "Mystery of Love", "Visions of Gideon" và bản phối lại bằng piano bởi Doveman cho ca khúc "Futile Devices" từ album The Age of Adz (2010) của mình.[17] Anh tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tác thông qua kịch bản phim, cuốn tiểu thuyết và những lần trò chuyện với Guadagnino về các nhân vật.[18] Stevens gửi các bài hát một vài ngày trước khi bộ phim bắt đầu quay. Ngạc nhiên trước kết quả, Guadagnino cùng nghe chúng trên phim trường với các diễn viên và biên tập Walter Fasano.[24][71] Đây cũng là lần đầu tiên Stevens viết các bài hát gốc cho một tác phẩm điện ảnh.[104][105]

Madison Gate RecordsSony Classical ra mắt album nhạc phim dạng kỹ thuật số vào ngày 3 tháng 11 năm 2017[106] và phiên bản đĩa than được phát hành lần đầu vào ngày 17 tháng 11 năm 2017.[107] Album bao gồm các bài hát của: Sufjan Stevens, The Psychedelic Furs, Franco Battiato, Loredana Bertè, Bandolero, Giorgio Moroder, Joe Esposito, và F. R. David, cũng như các bản nhạc của John Adams, Erik Satie, Sakamoto Ryūichi, Bach, và Ravel.[108] Theo Nielsen SoundScan, tính đến ngày 1 tháng 2 năm 2018, album nhạc phim đã bán 9.000 bản và nhận được 29 triệu lượt nghe theo yêu cầu tại Hoa Kỳ.[109]

Phát hành

[sửa | sửa mã nguồn]

Call Me by Your Name có buổi công chiếu đầu tiên trên thế giới vào ngày 22 tháng 1 năm 2017 tại Liên hoan phim Sundance.[110][111] Sony Pictures Classics mua bản quyền phân phối bộ phim tại Hoa Kỳ với giá 6 triệu USD,[112][113] còn quyền phân phối quốc tế thuộc về công ty Pháp Memento Films International.[31][114] Tác phẩm xuất hiện tại Liên hoan phim quốc tế Berlin vào ngày 13 tháng 2 năm 2017,[57] tại Liên hoan phim quốc tế Toronto vào ngày 7 tháng 9 năm 2017[10][71][115] và tại Liên hoan phim New York vào ngày 3 tháng 10 năm 2017.[116] Bộ phim dự kiến công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2018, nhưng sau đó đã bị loại mà không có lời giải thích nào được đưa ra từ phía ban tổ chức. Patrick Brzeski của tờ The Hollywood Reporter cho rằng quyết định này phản ánh "lập trường cứng nhắc và không khoan dung của chính phủ Trung Quốc đối với các tác phẩm có nội dung đồng tính".[117][118] Năm 2018, phim được vinh danh tại Liên hoan phim Crema: Aciman có buổi gặp gỡ công chúng vào ngày 23 tháng 6, còn Esther Garrel xuất hiện tại buổi công chiếu ở nhà thờ Crema vào ngày 30 tháng 6.[119]

Từ trái sang phải: Armie Hammer, Timothée Chalamet, Vanda Capriolo, Amira Casar, André Aciman, Esther Garrel, Victoire du Bois và Peter Spears trong buổi công chiếu của Call Me by Your Name tại Liên hoan phim quốc tế Berlin 2017

Call Me by Your Name bắt đầu một số suất chiếu giới hạn tại Vương quốc Anh vào ngày 27 tháng 10 năm 2017[13] và tại Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 11 năm 2017.[6] Từ bốn, số điểm chiếu bộ phim tại Hoa Kỳ tăng lên đến 40 vào ngày 15 tháng 12 năm 2017[120] và lên tới 114 rạp vào ngày 22 tháng 12.[121] Tháng 1 năm 2018, phim chiếu tại 174 rạp,[122] sau đó được phát hành rộng rãi ở 815 rạp, vài ngày trước lễ công bố đề cử Oscar vào ngày 19 tháng 1 năm 2018.[123][124] Cuối tuần đó, tác phẩm xuất hiện tại tổng cộng 914 rạp—số điểm chiếu lớn nhất của bộ phim tại Hoa Kỳ.[125]

Warner Bros. Entertainment phát hành bộ phim tại Ý vào ngày 25 tháng 1 năm 2018.[126][127][128] Guadagnino, Hammer và Chalamet đã xuất hiện tại các buổi công chiếu đặc biệt và một buổi meet-and-greet công cộng ở Crema trong khoảng thời gian từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 1.[128][129][130] Bộ phim bắt đầu chiếu tại Brasil vào ngày 18 tháng 1[131] và tại Pháp vào ngày 28 tháng 2 năm 2018.[132] Tháng 3 năm 2018, một hãng phân phối phim Tunisia thông báo rằng Bộ Văn hóa Tunisia đã cấm chiếu tác phẩm ở nước này, cho rằng nó "đả kích đến quyền tự do" dựa trên chủ đề của phim.[133][134] Tại Ireland, Call Me by Your Name trở thành bộ phim có thời gian chiếu dài nhất tại rạp Light House tính đến đầu tháng 6 tháng 2018, với 30 tuần liên tục.[135] Tại Philippines, tác phẩm được chiếu kết hợp cùng buổi hòa tấu trực tiếp các bản nhạc của phim, biểu diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Manila vào ngày 28 tháng 10 năm 2018.[136]

Quảng bá

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 27 tháng 7 năm 2017, Sony Pictures Classics phát hành một áp phích chính thức cho Call Me by Your Name.[137] Trailer đầu tiên được ra mắt vào ngày 1 tháng 8 năm 2017.[138][139] Vào ngày 11 tháng 10 năm 2017, hãng này đăng tải một đoạn teaser của phim có tên "Dance Party" để kỉ niệm National Coming Out Day (tạm dịch: Ngày Công khai Quốc gia—một dịp kỷ niệm hàng năm của cộng đồng LGBTQ+).[140] Đoạn clip dài 42 giây trong đó Hammer và Chalamet nhảy theo "Love My Way" ở quán bar, đã trở thành một meme nổi tiếng trên Twitter.[141][142][143] Cũng nhờ vậy mà "Love My Way" sau đó trở nên rất phổ biến trên các trang nghe nhạc trực tuyến. Lượng yêu cầu phát ca khúc này tăng lên đến 13% chỉ trong vòng 2 tháng trước khi bộ phim được phát hành. Riêng tuần cuối cùng của tháng 11 năm 2017, "Love My Way" ghi nhận 177.000 lượt nghe, tuần có lượng nghe trực tuyến lớn nhất tại Hoa Kỳ của bài hát này.[144]

Quảng cáo của bộ phim trên các phương tiện truyền thông nhận được phản hồi có phần tiêu cực, chủ yếu là do việc Sony Pictures sử dụng một cách không phù hợp những hình ảnh của Chalamet và Garrel, thay vì tập trung vào mối quan hệ của các nhân vật chính.[145] Daniel Megarry của tờ Gay Times mô tả việc làm này của Sony Pictures là một sự "cố tình" để "'bẻ thẳng' lại những mối tình trong phim mà đồng tính chiếm ưu thế".[146] Benjamin Lee của The Guardian gọi những quảng bá này là "nỗ lực thảm hại để chạy đua cho giải Oscar với tư cách là một câu chuyện tình yêu khác giới".[147] Sony Pictures Classics sau đó chiếu một lượng lớn quảng cáo để quảng bá cho Call Me by Your Name trong ngày phát hành rộng rãi của phim ở Hoa Kỳ, ngày 19 tháng 1 năm 2018.[123] Để quảng bá cho tác phẩm tại Hàn Quốc, vào tháng 3 năm 2018, Sony Pictures đã phát hành nhiều bức ảnh hậu trường chưa từng được công bố cùng với áp phích quảng bá dạng tranh vẽ dành riêng cho thị trường nước này, minh họa bởi Son Eunkyoung.[148][149]

Các dạng phát hành khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 24 tháng 12 năm 2017, nhóm tin tặc Hive-CM8 đã phát tán công khai bản sao lậu đĩa DVD screener của Call Me by Your Name và của một số phim được đề cử giải Oscar khác như I, TonyaLady Bird: Tuổi nổi loạn trên các trang web chia sẻ dữ liệu.[150][151][152] Hơn hai tháng sau sự cố, ngày 27 tháng 2 năm 2018, Sony Pictures mới chính thức ra mắt bộ phim dưới định dạng kĩ thuật số.[153] Ngày 13 tháng 3 năm 2018, Blu-ray và DVD của tác phẩm được phát hành, đi kèm là hai phim tài liệu ngắn về quá trình làm phim ("In Conversation with Armie Hammer, Timothée Chalamet, Michael Stuhlbarg & Luca Guadagnino" và "Snapshots of Italy: The Making of Call Me by Your Name"), một đoạn âm thanh ghi lại cảm nhận của Chalamet và Stuhlbarg, cùng với đó là video ca nhạc cho "Mystery of Love".[94][153][154] Bộ phim đã mang về 2.100.758 USD doanh thu DVD và 1.856.909 USD doanh thu Blu-ray, tổng cộng 3.957.667 USD thu được tại Hoa Kỳ.[155] Tại Vương quốc Anh, DVD xếp vị trí thứ bảy và Blu-ray đứng thứ tư trong bảng xếp hạng Top 100 doanh số cho cả hai định dạng.[156][157]

Đón nhận

[sửa | sửa mã nguồn]

Doanh thu phòng vé

[sửa | sửa mã nguồn]

Call Me by Your Name thu về tổng cộng 41,9 triệu USD trên toàn thế giới, trong đó 18,1 triệu USD riêng tại Hoa Kỳ và Canada, 23,8 triệu USD ở các quốc gia khác, một con số có thể coi là thành công so với ngân sách sản xuất chỉ vỏn vẹn 3,4 triệu USD.[6] Đây là bộ phim có doanh thu cao thứ ba trong năm 2017 của hãng Sony Pictures Classics.[158]

Tại Hoa Kỳ, Call Me by Your Name bắt đầu có các suất chiếu giới hạn vào ngày 24 tháng 11 năm 2017 tại hai rạp chiếu phim ở thành phố New York là The Paris Theater và Union Square Theatre, cùng với đó là hai rạp ArcLight Hollywood và Landmark Theater ở Los Angeles.[159] Tác phẩm kiếm được 404.874 USD vào cuối tuần công chiếu đầu tiên, trung bình mỗi rạp là 101.219 USD.[160][161] Đây là mức trung bình cao nhất của năm 2017 và cũng là cao nhất kể từ Những kẻ khờ mộng mơ vào tháng 12 năm 2016,[162] đồng thời đánh dấu doanh thu trung bình mỗi rạp tuần đầu tốt nhất cho một bộ phim tình cảm đồng tính kể từ Brokeback Mountain (2005).[160][163] Trong tuần thứ hai, phim thu về 281.288 USD[164][165] với mức trung bình mỗi rạp "xuất sắc" là 70.320 USD.[166][167] Bộ phim chiếu ở chín rạp vào tuần thứ ba, mang về 291.101 USD, trung bình mỗi rạp thu được 32.345 USD.[168] Nó đã kiếm được 491.933 USD từ 30 rạp trong tuần thứ tư, trung bình 16.398 USD mỗi rạp.[120] Call Me by Your Name mở rộng tới 114 rạp trong tuần thứ năm và mang về 850.736 USD, trung bình 7.463 USD mỗi rạp.[121] Doanh thu vượt qua con số 6 triệu USD vào cuối tuần thứ bảy, với thêm 758.726 USD kiếm được từ 115 rạp.[169] Phim thu về 715.559 USD từ 174 rạp cho tới cuối tuần thứ tám, trung bình 4.185 USD mỗi rạp.[122]

Trong tuần phát hành toàn quốc của Call Me by Your Name, cũng là tuần thứ chín kể từ khi tác phẩm được công chiếu rộng rãi, phim đã thu được tổng cộng 1,4 triệu USD từ 815 rạp, mà theo tờ Deadline Hollywood là con số thấp hơn kì vọng so với "một vài đối thủ cạnh tranh cũng đang chiếu ở số lượng rạp tương tự."[123][124] Cho đến cuối tuần thứ 10, doanh thu giảm 6% xuống còn 1,3 triệu USD dù khi đó bộ phim vừa công bố giành được bốn đề cử Oscar.[170][171] Với tổng cộng 9.370.359 USD thu được từ các rạp cho tới ngày 23 tháng 1 năm 2018, Call Me by Your Name là bộ phim có doanh thu thấp thứ hai trong số các đề cử Phim hay nhất của Oscar năm đó.[172] Tuy vậy, công ty bán vé trực tuyến Fandango đưa ra thống kê rằng tác phẩm đã tăng 56% doanh thu bán vé trên hệ thống của hãng kể từ khi đề cử Phim hay nhất được công bố.[5] Về hiệu suất phòng vé có phần "tụt hậu" của phim, Tom Brueggemann của tờ IndieWire nhận xét rằng Sony Pictures Classics "dù sao cũng đã hoàn thành tốt vai trò của mình".[173] Trong tuần diễn ra Oscar, bộ phim thu về 919.926 USD, trung bình 1.006 USD từ 914 rạp[125] và tiếp tục mang về 304.228 USD từ 309 rạp cho đến hết tuần thứ 16.[174]

Call Me by Your Name có tuần công chiếu đầu tiên ở Ý với vị trí thứ bảy khi thu được 781.000 EUR, đồng thời cũng có mức trung bình mỗi rạp tốt nhất trong tuần.[175] Tác phẩm mang về 49.170 EUR vào ngày 6 tháng 2 năm 2018 và đạt được con số 2 triệu EUR vào cuối tuần.[176] Bộ phim trở lại vị trí thứ mười vào ngày 13 tháng 3 với việc kiếm thêm được 13.731 USD.[177] Cho đến ngày 6 tháng 7 năm 2018, phim đã thu về tổng cộng 3.925.137 USD tại đất nước hình chiếc ủng.[155] Ở Pháp, tác phẩm thu hút 17.152 khán giả đến 184 rạp ngay trong ngày chiếu đầu tiên, với mức trung bình "xuất sắc" ở mỗi rạp.[178] Phim tiếp tục đón nhận 108.500 khán giả Pháp cho đến cuối tuần mở màn, trung bình 1.167 người xem mỗi rạp, mức trung bình tốt thứ hai trong tuần đó.[179] Số khán giả tăng lên đến 238.124 người vào cuối tuần thứ ba.[180] Cho đến ngày 17 tháng 4 năm 2018, bộ phim đã thu về 2.652.781 USD tại Pháp.[155] Tại Vương quốc Anh, tác phẩm kiếm được 231.995 bảng (tương đương 306.000 USD) từ 112 rạp vào cuối tuần đầu tiên,[181] bao gồm 4.000 bảng từ các buổi xem thử.[182] Sau 10 ngày, phim thu về 568.000 bảng Anh (745.000 USD)[183] trước khi đạt mốc 1 triệu USD (767.000 bảng Anh) vào cuối tuần thứ ba.[184][185] Tính đến ngày 21 tháng 5 năm 2018, Call Me by Your Name đã kiếm được tổng cộng 2.372.382 USD từ thị trường Anh Quốc.[155]

Đánh giá chuyên môn

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại buổi ra mắt đầu tiên ở Liên hoan phim Sundance 2017, Call Me by Your Name nhận được sự hoan nghênh vô cùng nhiệt liệt.[186] Khi bộ phim được chiếu tại Hội trường Alice Tully thuộc Liên hoan phim New York, tràng pháo tay khen ngợi Call Me by Your Name kéo dài tới mười phút, con số dài nhất trong lịch sử của liên hoan.[37][187] Trên hệ thống tổng hợp kết quả đánh giá Rotten Tomatoes, tác phẩm có tỷ lệ đánh giá tích cực là 94% dựa trên nhận xét của 355 chuyên gia, với điểm trung bình là 8,7/10. Phần đánh giá chung của phim trên trang web này có nội dung: "Call Me by Your Name vẽ nên bức họa vừa u buồn, vừa cảm động của mối tình đầu, với diễn xuất đầy thấu cảm đến từ Timothée Chalamet và Armie Hammer."[188] Đây là tác phẩm điện ảnh có số lượng công chiếu giới hạn được đánh giá tốt nhất và đứng thứ hai trong số những phim tình cảm hay nhất năm 2017 được đánh giá trên trang web.[189][190] Trên trang Metacritic, số điểm trung bình của phim là 93/100 dựa trên đánh giá của 53 nhà phê bình, cho thấy sự "tán dương rộng rãi".[191] Nó cũng là bộ phim được đánh giá cao thứ năm trong năm trên Metacritic.[192]

A middle-aged Caucasian man with receding short black hair, a short graying beard, and a mustache stands before a blue background with white text. He wears a tweed jacket, a blue sweater, and a collared, white shirt.
Chỉ đạo của Guadagnino được giới chuyên môn đặc biệt đánh giá cao.

Phóng viên tờ The Hollywood Reporter, Boyd van Hoeij, mô tả bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của Aciman là "cực kỳ gợi cảm... chân thực và đầy thuyết phục" và gọi màn trình diễn của Chalamet là "cú đột phá thực sự của bộ phim".[193] Peter Debruge của tờ Variety cho rằng phim đã khắc họa câu chuyện tình đầu của hai nhân vật chính vượt lên hẳn được điều vốn dễ gây chú ý đó là họ đồng tính, khen ngợi đây là "một bước tiến lớn trong việc đưa những chuyện tình đồng tính lên màn ảnh". Anh chỉ ra điểm tương đồng trong lối chỉ đạo đầy "gợi cảm" của Guadagnino với các đạo diễn khác như Pedro AlmodóvarFrançois Ozon, đồng thời cũng đưa Call Me by Your Name "ngang hàng với các kiệt tác của họ".[111] David Ehrlich của IndieWire khen ngợi tài đạo diễn của Guadagnino đã giúp bộ phim "đạt được kĩ nghệ tuyệt hảo và sự đồng cảm mạnh mẽ" không hề thua kém hai tác phẩm đồng tính lãng mạn được đánh giá cao trước đó là Carol (2015) và Moonlight (2016).[194] Sam Adams của BBC viết rằng "nếu như coi bộ phim là một bức họa" thì màn trình diễn của Stuhlbarg "chính là chiếc khung nâng đỡ và hoàn thiện cho nó" và "mở ra những chân trời mới mà chúng ta chưa một lần biết tới", ca ngợi đây là "một trong những vai diễn để đời" của Stuhlbarg. Ông ca tụng bộ phim là "một trong số những tác phẩm kể từ thời hoàng kim của Patrice ChéreauAndré Téchiné, có thể vừa đi vào lòng người, vừa khiến con người ta phải khao khát nó".[195]

Ty Burr của The Boston Globe đánh giá bộ phim 3,5 sao trên 4 sao, khen ngợi đạo diễn đã "lan tỏa được thông điệp nhân đạo của mình, đồng thời cũng đưa điện ảnh lãng mạn chạm đến một tầm cao mới" và nói rằng tác phẩm "có thể chỉ là viễn tưởng nhưng rất đỗi diễm lệ và tài tình."[196] David Morgan từ CBS dành lời khen cho nghệ thuật làm phim, thiết kế bối cảnh và trang phục khi đã "làm cho mùa hè những năm 1980 như sống lại", bên cạnh đó cũng nhận xét nhân vật của Stuhlbarg là "vị phụ huynh có tư duy tiến bộ nhất trong lịch sử điện ảnh".[197] Trong bài viết của mình trên trang Vanity Fair, Richard Lawson cảm nhận bộ phim của Guadagnino "được làm nên bởi tình yêu thương chân thành và mục đích tốt đẹp, bởi con tim thuần khiết và trí tuệ thông suốt, khiêm nhường", tôn vinh đây là một "tác phẩm kinh điển về tình yêu đồng tính".[198] Michael Phillips của Chicago Tribune thích thú với mắt thẩm mỹ "ngược đời một cách rất kì diệu" của đạo diễn phim, bên cạnh đó cũng ca ngợi các bài hát của Stevens đã "chạm đến tận cùng của sự đau lòng nơi người xem khi chứng kiến những xúc cảm đang chớm nở của Elio", còn màn trình diễn của Hammer được cho là "một vai diễn dễ thở và thoải mái nhất trong sự nghiệp của anh."[199]

Tờ The Economist rất chú ý đến cái cách "nỗi đau vô hạn và niềm hạnh phúc tột cùng" đấu tranh lẫn nhau trong phim và ca ngợi Chalamet đã "thức tỉnh được những khoảng lặng trong tâm hồn con người, khắc họa cái cách người trẻ tự khám phá bản thân mình một cách trần trụi, hoang dại và đặc biệt chân thực hơn nhiều diễn viên."[200] Kate Taylor của The Globe and Mail, người đã cho bộ phim 2,5/4 sao, cũng rất thích nỗ lực của Chalamet trong việc tái hiện thế nào là "tình đầu và nỗi đau tan vỡ không thể tránh khỏi của nó [...]", nhận xét "viễn cảnh tươi đẹp trước cơn ác mộng AIDS trong phim không phải là quá khó tin... nhưng nó cũng khá thử thách lòng kiên nhẫn của người xem."[201]

Bộ phim cũng vấp phải một số phản hồi tiêu cực từ giới chuyên gia. Kyle Turner của tờ Paste viết, "Các tình tiết phim quá cầm chừng khiến người ta, đặc biệt là giới queer, khó mà xem được", cho rằng khoảng cách vật lý giữa các nhân vật "dự báo trước rằng bộ phim này nhút nhát y như nhân vật Elio lúc ban đầu vậy. Cứ luôn ngập ngừng mãi không thôi."[202] Armond White của tờ Out gọi đây là một bộ phim "thương mại một cách nhu nhược", "ảo tưởng kiểu tư sản" và cho rằng cách tác phẩm thể hiện về tình yêu đồng giới đã thỏa mãn nhu cầu của khán giả queer theo hướng sai lệch.[203] Luke Y. Thompson của Forbes chỉ trích phim là quá dài dòng và chẳng khác nào một cuốn "cẩm nang du lịch cực kỳ nhàm chán".[204]

Mô tả về sự chênh lệch tuổi tác trong mối quan hệ tình dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Cốt truyện của bộ phim về mối quan hệ tình dục có sự chênh lệch tuổi tác giữa hai nhân vật chính Elio và Oliver đã thu hút nhiều ý kiến bình luận và chỉ trích—đặc biệt là tại Hoa Kỳ, nơi mà độ tuổi tối thiểu hợp pháp để đồng ý quan hệ tình dục cao hơn so với Ý.[205] Nhân vật Elio 17 tuổi được thể hiện bởi Chalamet khi đó 21 tuổi, trong khi nhân vật Oliver 24 tuổi được thể hiện bởi Hammer khi đó 31 tuổi.[205] MC chương trình truyền hình thực tế Queer Eye Karamo Brown đã chỉ trích tác phẩm là tôn vinh hành vi xâm hại tình dục và nhận xét rằng, "nó giống như một người đàn ông trưởng thành quan hệ tình dục với một cậu bé."[206] Tác giả Cheyenne Mongtomery bày tỏ sự băn khoăn khi một trong hai nhân vật chính được miêu tả là một cậu bé còn người kia là một người đàn ông, nói rằng: "Elio được thể hiện rất giống một đứa trẻ: Cậu ấy cạo sạch lông mặt, cậu ấy âu yếm cha mẹ mình, lời nói của cậu ấy thường khá là trẻ con và hờn dỗi, và cậu ấy lại được miêu tả như một người tình quyến rũ với một nhân vật được thể hiện rõ ràng là một người lớn."[207] Các bác sĩ Renee Sorrentino và Jack Turban đã viết trên Psychiatric Times:

Bộ phim này đề cập đến hành vi lạm dụng tình dục. Oliver trông lớn tuổi hơn nhiều so với độ tuổi được đưa ra là 24, trong khi Elio có vẻ như một cậu bé 17 tuổi thật sự. Elio thì mỏng manh và non nớt về tình dục. Oliver thì có kinh nghiệm và chủ động trong mối quan hệ. ... Việc một người 24 tuổi có kinh nghiệm với rượu bia quan hệ tình dục với một cậu bé 17 tuổi say xỉn và nôn mửa liệu có phù hợp không?[208]

Một bài viết trên The Advocate, một tạp chí dành cho cộng đồng LGBT, đã chỉ ra nhiều bộ phim mô tả các mối quan hệ dị tính có sự chênh lệch tuổi tác tương đương hoặc còn lớn hơn, chẳng hạn như mối quan hệ giữa Scarlett tuổi teen và Rhett Butler 33 tuổi trong Gone with the Wind.[209]

Thành tựu

[sửa | sửa mã nguồn]
Diễn xuất của Chalamet đã nhận được nhiều lời tán dương và giúp nam diễn viên trẻ 22 tuổi được đề cử giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, khiến anh trở thành ứng cử viên trẻ thứ ba trong lịch sử giải thưởng này.

Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnhViện phim Mỹ đã bầu chọn Call Me by Your Name là một trong mười bộ phim hay nhất của năm.[210][211] Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 90, phim được đề cử cho các hạng mục Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Chalamet), Bài hát gốc hay nhất ("Mystery of Love") và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, giành được giải cuối cùng (cho Ivory).[212][213] Chalamet trở thành người trẻ tuổi nhất được đề cử cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong vòng 80 năm kể từ năm 1939, trong khi đó Ivory lại có tuổi đời lớn nhất trong số những người từng đoạt giải ở bất kì các hạng mục nào.[214] Tại Giải BAFTA lần thứ 71, Viện Hàn lâm Anh cũng đề cử bộ phim ở bốn hạng mục trong đó có Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất (Guadagnino) và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Chalamet); Ivory tiếp tục nhận giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 75, tác phẩm được đề cử cho Phim điện ảnh chính kịch hay nhất, Nam diễn viên phim điện ảnh chính kịch xuất sắc nhất (Chalamet) và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (Hammer).[215]

Call Me by Your Name có tám đề cử tại lễ trao giải Critics' Choice lần thứ 23 và Ivory một lần nữa giành giải Kịch bản chuyển thể hay nhất.[216] Bộ phim dẫn đầu Giải Tinh thần độc lập lần thứ 33 với sáu đề cử, mang về giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Chalamet và Quay phim xuất sắc nhất cho Mukdeeprom.[217][218] Tại lễ trao giải của Nghiệp đoàn Diễn viên Màn Ảnh (SAG) lần thứ 24, Chalamet được đề cử cho giải Nam diễn viên chính đột phá.[219] Bộ phim giành giải Phim xuất sắc thuộc khuôn khổ lễ trao giải GLAAD Media lần thứ 29.[220] Ở Ý, chiến thắng cho hạng mục Biên tập xuất sắc nhất đã gọi tên Fasano tại hai lễ trao giải là Giải Nastro d'Argento lần thứ 73 và Giải Golden Ciak lần thứ 33.[221][222] Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnh, Giải thưởng phim độc lập GothamGiải thưởng Điện ảnh Hollywood đều trao tặng Chalamet giải Nam diễn viên đột phá của họ.[223][224]

Trong loạt các bài viết liên quan đến chủ đề những bộ phim hay nhất thập niên 2010, trang IndieWire đã xếp Call Me by Your Name là tác phẩm hay thứ 18 của thập kỷ và Chalamet được xếp hạng thứ 39 trong số những màn trình diễn xuất sắc nhất.[225][226] Consequence of Sound đã xếp tác phẩm ở vị trí thứ 23 trong số các bộ phim hay nhất thập niên,[227] trong khi Rolling Stone xếp phim ở vị trí 40[228]Little White Lies xếp phim ở vị trí 47.[229]

Cộng đồng người hâm mộ

[sửa | sửa mã nguồn]

Call Me by Your Name đã thu hút một lượng lớn người hâm mộ quốc tế. Trong suốt thời gian công chiếu tại các liên hoan phim, nhiều người đã vượt biên giới và đại dương để có cơ hội trở thành những người đầu tiên xem tác phẩm này. Năm 2018, Barb Mirell đã xuất bản một cuốn sách tập hợp các câu chuyện từ người hâm mộ trên khắp thế giới về ý nghĩa của bộ phim đối với họ.[230] Đầu năm 2018, bộ phim đã thu hút được sự quan tâm từ phía phụ nữ dị tính tại Trung Quốc, những người coi đây là một câu chuyện tình lãng mạn kiểu "boys' love" của phương Tây, điều này được thể hiện qua sự phổ biến của phim trên mạng xã hội và cơ sở dữ liệu truyền thông Trung Quốc Douban.[231]

Sau khi một fan hâm mộ người Ý công bố tọa độ của các địa điểm quay phim, việc đến thăm Crema đã trở thành một cuộc hành hương tôn giáo đối với người hâm mộ của bộ phim. Hiện nay, thành phố này cung cấp các tour du lịch chính thức.[232]

Phần tiếp theo

[sửa | sửa mã nguồn]

Guadagnino từng cân nhắc về ý định làm phần tiếp theo của bộ phim ngay từ khi tác phẩm được ra mắt tại Sundance, nhận thấy các nhân vật "hoàn toàn có thể vươn ra khỏi ranh giới của bộ phim."[40] Vào tháng 10 năm 2017, ông hy vọng rằng tới năm 2020 có thể làm phần hai cho phim, kể tiếp câu chuyện về Oliver và Elio khi họ già đi, dựa theo phong cách của loạt phim The Adventures of Antoine Doinel của đạo diễn François Truffaut. Guadagnino nói: "Nếu so sánh tuổi của Elio trong phim với tuổi của Timothée, thì ba năm nữa, Timothée sẽ 25, đúng bằng tuổi Elio vào thời điểm câu chuyện thứ hai diễn ra".[233][234] Trong tiểu thuyết, Elio và Oliver tái hợp 15 năm sau, khi Oliver đã có vợ. Vị đạo diễn nói rằng trong phần tiếp theo, ông "không nghĩ Elio nhất thiết phải trở thành một người đồng tính nam. Cậu ấy vẫn chưa tìm thấy chỗ đứng của mình... Tôi tin rằng cậu ấy sẽ lại yêu đương nồng nhiệt với Marzia một lần nữa."[235]

Guadagnino cũng chú ý đến bối cảnh chính trị những năm 1990: "Đó là thời điểm Liên Xô sụp đổ, trật tự thế giới mới được lập ra, cái gọi là 'dấu chấm hết của dòng chảy lịch sử' mà cuốn sách của Francis Fukuyama đã đề cập đến... cũng là khi thời đại của Silvio Berlusconi bắt đầu ở Ý và hẳn là nó có liên quan đến [Chiến tranh vùng Vịnh thứ nhất của] Iraq."[235][236] Tháng 11 năm 2017, Guadagnino chia sẻ ý định thực hiện một loạt phim gồm năm phần, mà qua đó khán giả có thể "thấy được sự trưởng thành của các diễn viên cũng như sự hóa thân hoàn toàn vào nhân vật của họ."[40] Một tháng sau, ông được cho là đã bắt đầu viết kịch bản cho phần tiếp theo, một kịch bản tiết lộ nhiều hơn về nhân vật Oliver—nét tương đồng với loạt phim Up của Michael Apted.[237][238] Hammer và Chalamet bày tỏ hứng thú với việc tiếp tục xuất hiện trong phần hai,[239] nhưng Ivory lại tỏ ra ngờ hoặc: "Đó là một ý hay. Nhưng không hiểu bọn họ định làm thế nào để Chalamet giống một người đã 40 tuổi!"[35]

Vào tháng 1 năm 2018, Guadagnino tiết lộ bối cảnh thời gian của phần tiếp theo sẽ là "ngay sau khi Bức tường Berlin sụp đổ và thời khắc chuyển giao đó... cũng là dấu chấm hết của liên bang Xô Viết"[15] và cảnh mở đầu có thể là Elio đang xem bộ phim Pháp đầu tiên đề cập đến AIDS, Encore (1988) của Paul Vecchiali, trong rạp chiếu phim.[240] Tháng 3 năm 2018, Guadagnino xác nhận ông sẽ hợp tác với tác giả Aciman trong phần hai, "năm hoặc sáu năm sau" với "một sắc màu hoàn toàn khác" so với bộ phim đầu tiên. Ông cũng nói rằng Hammer và Chalamet sẽ tiếp tục vai trò của họ nhưng với bối cảnh khác hoàn toàn khi hai nhân vật chính "du ngoạn vòng quanh thế giới".[241] Hammer tiết lộ anh đã được Guadagnino giao kịch bản: "Nó chưa thực sự được hoàn thiện, nhưng ông ấy đã có cho mình mọi ý tưởng rồi."[242] Tháng 4 năm 2018, trong một cuộc phỏng vấn cho The Sydney Morning Herald, Aciman chia sẻ rằng ông và Guadagnino "chưa chắc chắn" về phần tiếp theo: "[Guadagnino] có khá nhiều dự án trong thời gian tới và tôi cũng vậy. Chúng tôi vẫn hay trêu đùa lẫn nhau về phần tiếp theo nhưng chính tôi cũng không rõ liệu cả hai có thực sự nghiêm túc không nữa."[243] Tháng 7 năm 2018, Stuhlbarg nói rằng Guadagnino và Aciman rất hào hứng về dự án và vị đạo diễn đang rất "nghiêm túc". Ông cũng bày tỏ niềm vui khi được tiếp tục vai diễn của mình, nói: "Có lẽ mọi thứ sẽ rất khác so với ban đầu đấy, nhưng tôi luôn sẵn sàng cho những thử nghiệm mới."[244] Hai tháng sau, Hammer chia sẻ với tờ Variety: "Bộ phim sẽ sớm trở thành hiện thực thôi, vì đã và đang có những con người thực sự làm việc chăm chỉ để nó không chỉ còn là kế hoạch trên tờ giấy."[245]

Trong một cuộc phỏng vấn với Time vào tháng 10 tháng 2018, Chalamet so sánh phần phim tiếp theo với Boyhood (2014) của đạo diễn Richard Linklater và nói rằng Hammer, Aciman và Guadagnino đều có ý định trở lại cho phần sau của bộ phim.[246] Cùng tháng đó, Guadagnino tiết lộ rằng ông đã đề nghị nữ diễn viên Dakota Johnson, một cộng sự quen thuộc của mình, vào vai người vợ của Oliver trong phần hai. Ông mô tả nhân vật của cô là "một người đàn bà New England lẳng lơ" và nhiều khả năng cô sẽ có con với Oliver.[247] Theo ông, bộ phim sẽ là "một chương mới trong cuốn nhật kí cuộc đời" của các nhân vật hơn là một phần tiếp theo và có thể tốn một khoảng thời gian khá dài để hoàn thành tác phẩm trong bối cảnh lịch trình của ông rất bận rộn: "Tôi thậm chí chẳng có chút thời gian dành cho bản thân vì bận quảng bá cho Suspiria... tôi cũng chưa có tâm trí và thời gian thực sự để sắp xếp những ý tưởng lên bàn và suy nghĩ về chúng."[248] "Một vấn đề lớn nữa đó là tiêu đề của bộ phim," ông nói, "không thể nào là Call Me by Your Name Two được".[247][249] Tại Liên hoan phim SCAD Savannah vào tháng 10 cùng năm, Hammer cho biết Guadagnino đã viết được một cốt truyện tiềm năng cho phần tiếp theo và nó có thể sẽ trở thành hiện thực trong một vài năm nữa: "[Guadagnino] muốn chờ đợi cho tất cả cùng già đi một chút để hợp lý hóa khoảng thời gian, giống như cái cách Linklater đã làm vậy."[250] Trong một cuộc phỏng vấn với Dazed vào tháng 11, vị đạo diễn chia sẻ về phần phim sau, "Nó tựa như một đóa hoa mỏng manh đang nở rất đỗi chậm rãi vậy. Thế nên bây giờ chắc chắn chưa phải là lúc để vội ngắt đi rồi trưng vào bình."[251]

Vào tháng 11 năm 2018, Ivory xác nhận ông sẽ không góp mặt trong quá trình sản xuất cho phần tiếp theo và cũng chia sẻ suy nghĩ của Aciman về phần phim này, rằng "đó không phải là một ý hay".[252] Tuy nhiên chưa đầy một tuần sau, Aciman cho biết thực tế ông đang viết phần hai cho tiểu thuyết Call Me by Your Name.[253][254] Cuốn tiểu thuyết mang tựa đề Tìm em nơi anh, đã chính thức được xác nhận vào ngày 20 tháng 3 năm 2019 và sau đó phát hành vào ngày 29 tháng 10 bởi nhà xuất bản Farrar, Straus and Giroux.[255] Cũng trong tháng 3 năm 2019, Hammer tiết lộ rằng trên thực tế bộ phim đang không trong quá trình sản xuất, cũng như anh chưa hề thảo luận rõ ràng với Chalamet hay Guadagnino về nó. Anh cảm thấy rằng phần tiếp theo có thể sẽ không chạm đến kì vọng của mọi người: "Phần đầu của bộ phim quá hoàn hảo đến độ nếu như làm phần hai, tôi nghĩ chúng ta đang tự làm mình thất vọng. Liệu nó có thừa hưởng được chút nào từ phần trước hay không... theo tôi thì, 'Phần một đã quá đặc biệt rồi, tại sao chúng ta không để nó yên?'"[256]

Tháng 3 năm 2020, trong một bài phỏng vấn với tờ la Repubblica của Ý, Guadagnino chia sẻ rằng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ông phải tạm hoãn dự định đến Mỹ gặp gỡ biên kịch yêu thích của mình, người mà ông "không tiện nêu tên ở đây", để cùng bàn về phần phim thứ hai. "Được làm việc cùng với Timothée Chalamet, Armie Hammer, Michael Stuhlbarg, Esther Garrel và các diễn viên còn lại là rất tuyệt vời. Họ sẽ đều góp mặt trong bộ phim mới", vị đạo diễn nói.[257] Trả lời phỏng vấn với tạp chí GQ Anh Quốc vào tháng 9, Hammer tiếp tục giải đáp thắc mắc về tiến độ của bộ phim: "Tôi đã cùng [Guadagnino] trò chuyện, tuy nhiên chúng tôi chưa khởi động dự án. Thậm chí tôi cũng chưa đọc cuốn sách. Tôi được biết rằng, cho dù Luca đã nắm bắt được cách kể tiếp câu chuyện nhưng ông ấy vẫn chưa hoàn thành kịch bản, vậy nên tôi không rõ nó sẽ giống hay khác như thế nào so với cuốn tiểu thuyết Tìm em nơi anh. Tôi hiểu rằng một khi chúng tôi bắt tay vào thực hiện bộ phim, tôi cần tập trung vào cách nhìn của Luca hơn là tập trung vào Tìm em nơi anh."[258]

Các cáo buộc đời tư của Hammer nổ ra vào đầu năm 2021—dẫn đến việc nam diễn viên bị gạch tên khỏi hầu hết các dự án điện ảnh—đã làm dấy lên nghi ngờ về tính khả thi của phần tiếp theo,[259] nhưng Stuhlbarg hy vọng rằng bộ phim vẫn sẽ được thực hiện.[260] Tháng 5 năm 2021, Guadagnino chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Deadline rằng phần hai của phim không còn là sự ưu tiên của ông nữa, cũng như bày tỏ sự bận rộn khi đã và đang tiến hành nhiều dự án phim khác.[259]

  1. ^ Trong phim có nói đến tên đầy đủ của ông Perlman là Samuel Perlman.[7]
  2. ^ Một cụm từ tiếng Pháp thường được sử dụng trong tiếng Anh, dùng để chỉ sự yêu đời, tận hưởng cuộc sống.
  3. ^ LiguriaSanremo từng được cho là bối cảnh chính trong cuốn sách.[24][37] Tuy nhiên, Aciman lên tiếng rằng thực tế cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở Bordighera, nói rằng: "Tôi không đề tên nó cụ thể trong cuốn sách, nhưng điều đó đã quá rõ ràng. Tôi cũng thường xuyên về lại Bordighera mỗi khi có dịp".[38] Khi còn đảm nhiệm vai trò cố vấn địa điểm, Guadagnino đã có lần gợi ý các nhà sản xuất lựa chọn Liguria làm bối cảnh chính cho bộ phim.[33]
  4. ^ Trong tiếng Pháp, "le cinéma d'art [et] d'essai européen" là một thuật ngữ chỉ các bộ phim độc lậpphim nghệ thuật.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Call Me by Your Name (2017)”. Ủy ban phân loại điện ảnh Vương quốc Anh. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  2. ^ “Call Me by Your Name (2017)”. Viện phim Anh. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 4 năm 2020. Truy cập 3 tháng 4 năm 2020.
  3. ^ “Film #74034: Call Me by Your Name”. Lumiere. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 2 năm 2020. Truy cập 3 tháng 4 năm 2020.
  4. ^ “Berlin Film Festival 2017 Program by Memento Films” (PDF). Memento Films International. Lưu trữ (PDF) bản gốc 8 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  5. ^ a b Katz, Brandon (25 tháng 1 năm 2018). 'Call Me by Your Name' Sequel Details Revealed”. The New York Observer. Lưu trữ bản gốc 14 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  6. ^ a b c “Call Me by Your Name (2017)”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 4 năm 2020. Truy cập 8 tháng 4 năm 2020.
  7. ^ Rochlin, Margy (21 tháng 12 năm 2017). “Michael Stuhlbarg's 'fragile balancing act' in playing a supportive dad in 'Call Me by Your Name'. The Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  8. ^ a b c d e Ryan, Patrick (24 tháng 1 năm 2017). “Sundance: Critics fall for Armie Hammer gay romance 'Call Me By Your Name'. USA Today. Park City, Utah. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  9. ^ a b c d Brady, Tara (19 tháng 10 năm 2017). 'Why do people want to see other people's penises?'. The Irish Times. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  10. ^ a b c d e f g h i j k l m Vivarelli, Nick (13 tháng 2 năm 2017). “Berlinale: Luca Guadagnino on Why 'Call Me by Your Name' Strikes Such Deep Chords”. Variety. Lưu trữ bản gốc 18 tháng 8 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  11. ^ a b c d Olivier, Martine (15 tháng 10 năm 2017). “Luca Guadagnino Talks 'Call Me By Your Name' And 'Suspiria'. The Playlist. Lưu trữ bản gốc 2 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  12. ^ Hoffman, Jordan (23 tháng 1 năm 2017). “Call Me By Your Name review: A Bigger Splash director makes waves with superb gay romance”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc 16 tháng 5 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  13. ^ a b c Kellaway, Kate (24 tháng 1 năm 2017). “Call Me By Your Name's Oscar-tipped double act on their summer of love”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  14. ^ a b c Meza, Ed (13 tháng 2 năm 2016). “Berlinale: 'Call Me by Your Name' Was a 'Universal Effort'. Variety. Lưu trữ bản gốc 18 tháng 2 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  15. ^ a b c d Goldberg, Matt (16 tháng 1 năm 2018). “Director Luca Guadagnino on 'Call Me by Your Name' and the Possibility of Sequels”. Collider. Lưu trữ bản gốc 16 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  16. ^ a b c d e f g Blessing, Joe (24 tháng 1 năm 2017). 'Call Me By Your Name': Luca Guadagnino Discusses Avoiding Cliches, Costumes & Narration [NYFF]”. The Playlist. Lưu trữ bản gốc 31 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  17. ^ a b c d e f g h i Gilligan, Meghan (11 tháng 10 năm 2017). “Luca Guadagnino Discusses 'Call Me By Your Name' at the 55th New York Film Festival”. Screenprism. Lưu trữ bản gốc 3 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  18. ^ a b c d e f Encinias, Joshua (11 tháng 10 năm 2017). 'Call Me by Your Name' Team on Romance, Sufjan Stevens, Maurice Pialat, and Sequel Potential”. The Film Stage. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  19. ^ a b Ashley Lee (8 tháng 2 năm 2017). “Why Luca Guadagnino Didn't Include Gay Actors or Explicit Sex Scenes in 'Call Me by Your Name' (Q&A)”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 6 tháng 3 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  20. ^ a b c d e f Hicklin, Aaron (2 tháng 10 năm 2017). “The Art of Seduction: Armie Hammer & the Hottest Movie of the Season”. Out. Lưu trữ bản gốc 29 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  21. ^ a b c Jortner, Michael (2 tháng 5 năm 2018). “Veteran movie producer recounts 10-year journey to make gay love story, 'Call Me by Your Name'. The Desert Sun. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  22. ^ a b Goldrich, Robert (21 tháng 2 năm 2018). “Producer & Director Perspectives On 'Call Me by Your Name'; Diving Into The Sound of 'Water'. Shoot. Road to Oscar (15). Lưu trữ bản gốc 15 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  23. ^ a b c d e McKittrick, Christopher (15 tháng 5 năm 2017). “James Ivory on Screenwriting”. Creative Screenwriting. CS Publications. Lưu trữ bản gốc 9 tháng 8 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  24. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q “Mongrel Presents: Call Me by Your Name” (PDF) (Thông cáo báo chí). Toronto, Ontario: Mongrel Media. Bản gốc (PDF) lưu trữ 28 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  25. ^ a b c d e Vivarelli, Nick (6 tháng 10 năm 2017). “James Ivory on 'Call Me by Your Name' and Why American Male Actors Won't Do Nude Scenes (Exclusive)”. Variety. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  26. ^ Santoni, Simona (26 tháng 1 năm 2018). “Chiamami col tuo nome: perché Luca Guadagnino piace agli americani” [Call me by your name: lý do vì sao người Mỹ yêu thích Luca Guadagnino]. Panorama (bằng tiếng Ý). Arnoldo Mondadori Editore. Lưu trữ bản gốc 27 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  27. ^ Gray, Tim (8 tháng 11 năm 2017). 'Call Me by Your Name': A Global Effort to Create a Simple, Well-Told Tale”. Variety. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  28. ^ a b c d Sharf, Jack (6 tháng 10 năm 2017). 'Call Me By Your Name' Screenwriter is Disappointed There's No Male Full Frontal Nudity”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 18 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  29. ^ a b c d e f g Roxborough, Scott (19 tháng 2 năm 2018). “James Ivory on His Film Legacy and Adapting 'Call Me by Your Name'. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  30. ^ a b c d e f Thompson, Anne (27 tháng 11 năm 2017). 'Call Me by Your Name' Could Land (at Least) Seven Oscar Nominations: Here's Why”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 28 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  31. ^ a b Marco, Camillo de (6 tháng 12 năm 2016). “Call Me by Your Name by Luca Guadagnino at Sundance”. Cineuropa. Lưu trữ bản gốc 9 tháng 8 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  32. ^ a b c d e f g h Grater, Tom (25 tháng 12 năm 2017). “Luca Guadagnino on the 10-year journey behind 'Call Me By Your Name'. Screendaily. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  33. ^ a b c d e Guichard, Louis (28 tháng 2 năm 2018). “Luca Guadagnino, réalisateur de 'Call me by your name': 'Je ne supporte pas la pruderie' [Luca Guadagnino, đạo diễn của 'Call me by your name': 'Tôi không thích tỏ ra kín đáo']. Télérama (bằng tiếng Pháp). Lưu trữ bản gốc 20 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  34. ^ Brunamonti, Filippo (11 tháng 9 năm 2017). “Toronto, 'Call me by your name': Guadagnino racconta l'estate di Elio e Oliver” [Toronto, 'Call me by your name': Guadagnino kể lại mùa hè của Elio và Oliver]. la Repubblica (bằng tiếng Ý). Toronto: GEDI Gruppo Editoriale. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  35. ^ a b c d e Erbland, Kate (24 tháng 11 năm 2017). 'Call Me by Your Name' Screenwriter James Ivory Loves the Story Too Much to Think About Sequels”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  36. ^ Kelly, Emma (24 tháng 10 năm 2017). “Call Me By Your Name producer gives beautiful reason why the film is dedicated to Bill Paxton”. Metro. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  37. ^ a b c Garrett, Stephen (13 tháng 10 năm 2017). “Director Luca Guadagnino on Why 'Call Me by Your Name' Is Making Everyone Cry”. The New York Observer. Lưu trữ bản gốc 13 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  38. ^ a b c d 'Call Me by Your Name' Author Opens Up About the Film Adaptation”. Graduate Center. City University of New York. 10 tháng 11 năm 2017. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  39. ^ a b c d Aciman, André (24 tháng 1 năm 2018). 'I Couldn't Write Silence': Call Me by Your Name Author André Aciman on the Oscar-Nominated Film Adaptation of His Novel”. Vanity Fair. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  40. ^ a b c d e Buchanan, Kyle (17 tháng 11 năm 2017). Call Me by Your Name Director Luca Guadagnino on Armie Hammer, Sequels, and Screen Intimacy”. Vulture. Lưu trữ bản gốc 18 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  41. ^ a b Setoodeh, Ramin (4 tháng 10 năm 2017). “Timothee Chalamet on His Racy Sex Scene in 'Call Me By Your Name'. Variety. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  42. ^ Dry, Jude (11 tháng 1 năm 2018). “Timothée Chalamet & Armie Hammer on Sex Scenes in 'Call Me by Your Name': Awards Season Spotlight Profile”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 13 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  43. ^ a b c Miller, Mike (4 tháng 10 năm 2017). “Armie Hammer's Call Me By Your Name Director Breaks Down the Film's Intimate Peach Scene”. People. Lưu trữ bản gốc 5 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  44. ^ a b c d e Maicki, Salvatore (15 tháng 3 năm 2018). “5 Behind-the-scenes Secrets From 'Call Me By Your Name'. i-D. Lưu trữ bản gốc 15 tháng 7 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  45. ^ a b Aftab, Kaleem (26 tháng 10 năm 2017). “Call Me By Your Name director Luca Guadagnino on the film everyone is talking about”. The Independent. Lưu trữ bản gốc 6 tháng 1 năm 2018. Truy cập 17 tháng 10 năm 2018.
  46. ^ a b Juillerat, Lee (22 tháng 8 năm 2018). “Ivory film screening draws large audience”. Herald and News. Adams Publishing Group. Lưu trữ bản gốc 21 tháng 8 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  47. ^ Ford, Rebecca (5 tháng 12 năm 2017). “Oscars: How Scene-Stealing Speeches in 'Call Me by Your Name,' 'The Post' Came to Be”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  48. ^ “From Book to Screen: A Conversation with André Aciman & Debra Granik”. Moment Magazine. New York, NY: Center for Creative Change. 14 tháng 6 năm 2019. Lưu trữ bản gốc 13 tháng 6 năm 2019. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  49. ^ Ellwood, Gregory (16 tháng 11 năm 2017). “Coming-of-Age Dramas Make Mad Dash for Awards Season Glory”. Variety. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  50. ^ Gilbey, Ryan (27 tháng 3 năm 2018). “James Ivory: why Ismail Merchant and I kept our love secret”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc 16 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  51. ^ Hass, Nancy (11 tháng 9 năm 2015). “James Ivory's Home Befits His Extraordinary Life”. The New York Times Style Magazine (T) (xuất bản 13 tháng 9 năm 2015). tr. M2191. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 4 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  52. ^ a b Teodorczuk, Tom (23 tháng 9 năm 2016). “James Ivory on 'Howards End', Not Being Able to Work with Shia LaBeouf and Tom Hiddleston”. Heat Street. Bản gốc lưu trữ 4 tháng 7 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  53. ^ a b Hirschberg, Lynn (7 tháng 8 năm 2017). “Armie Hammer and Timothée Chalamet on Call Me By Your Name, the Year's Most Sensual Love Story”. W. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 8 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  54. ^ a b c Abramovitch, Seth (20 tháng 11 năm 2017). “Armie Hammer on His Steamy New Movie, a Charmed Upbringing and Oscar's 'Double Standards'. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 20 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  55. ^ Gilbey, Ryan (28 tháng 10 năm 2017). “Armie Hammer on gay romance Call Me By Your Name: 'There were fetishes I didn't understand'. The Guardian. Lưu trữ bản gốc 28 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  56. ^ a b McConaughey, Matthew (2 tháng 6 năm 2017). “Timothee Chalamet”. Interview. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 9 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  57. ^ a b c “Berlinale: Archive: Annual Archives: 2017: Programme – Call Me by Your Name”. Liên hoan phim quốc tế Berlin. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 8 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  58. ^ Utichi, Joe (16 tháng 11 năm 2017). “Michael Stuhlbarg Plays The Parent Everyone Wishes They Had In 'Call Me By Your Name'. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  59. ^ a b Ford, Rebecca; Galupp, Mia; Lee, Ashley (15 tháng 11 năm 2017). “What This Year's Awards Contenders Can Teach About Parenthood”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 15 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  60. ^ a b c Deruisseau, Bruno (2 tháng 3 năm 2018). “Le phénomène 'Call me by your name' raconté par son actrice, Esther Garrel” [Siêu phẩm 'Call me by your name' qua lời kể của nữ phụ, Esther Garrel]. Les Inrockuptibles (bằng tiếng Pháp). Lưu trữ bản gốc 20 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  61. ^ a b c d e f g h Gray, Tim (6 tháng 12 năm 2017). “Luca Guadagnino Shares How His 'Call Me by Your Name' Crew Created '80s Love Story Look”. Variety. Lưu trữ bản gốc 20 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  62. ^ Ford, Rebecca (10 tháng 11 năm 2017). “Oscars: Best Picture Contenders on Staging Car Chases and How to Pivot When Plans Go Awry”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 10 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  63. ^ “Call Me by Your Name”. Toronto International Film Festival. Lưu trữ bản gốc 10 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  64. ^ Weiss, Max (21 tháng 12 năm 2017). “Review: Call Me By Your Name”. Baltimore. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  65. ^ a b c d e f Spagnuolo, Eugenio (26 tháng 1 năm 2018). “Chiamami col tuo nome: i luoghi dove è stato girato il film di Guadagnino” [Call me by your name: những địa điểm mà bộ phim của Guadagnino đã ghi hình]. Panorama (bằng tiếng Ý). Arnoldo Mondadori Editore. Lưu trữ bản gốc 27 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  66. ^ a b Wrigley, Tish (1 tháng 11 năm 2017). “A Closer Look at the Sets of New Film Call Me By Your Name”. Another. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  67. ^ a b Moss, Hilary (20 tháng 11 năm 2017). “The Making of a Family Home in 'Call Me by Your Name'. The New York Times Style Magazine (T). Lưu trữ bản gốc 21 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  68. ^ a b c d e f Laffly, Tomris (24 tháng 11 năm 2017). “Luca Guadagnino Relied on a Pair of Longtime Friends for 'Call Me by Your Name' Decor, Costumes”. Variety. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  69. ^ Finos, Arianna (14 tháng 2 năm 2017). “Luca Guadagnino: 'Vi racconto l'amore gay nell'Italia di Craxi' [Luca Guadagnino: 'Để tôi kể bạn nghe câu chuyện tình đồng tính giữa lòng Italy của Craxi']. la Repubblica (bằng tiếng Ý). Berlin: GEDI Gruppo Editoriale. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  70. ^ Maleszka, Jamie (4 tháng 5 năm 2016). “Interview: Luca Guadagnino Talks 'A Bigger Splash,' Stanley Kubrick, Leaving Room For The Audience, And More”. The Playlist. tr. 2. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020. We start shooting on May 9th. I am doing a movie from the novel by André Aciman called 'Call Me By Your Name.'
  71. ^ a b c d e f Ellwood, Gregory (8 tháng 9 năm 2017). 'Call Me By Your Name' Steals TIFF 2017 Opening Night Buzz”. The Playlist. Lưu trữ bản gốc 14 tháng 9 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  72. ^ a b c O'Falt, Chris (15 tháng 11 năm 2017). 'Call Me by Your Name' Looks So Incredible You'd Never Guess It Was Shot During a Historic Rainstorm”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 16 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  73. ^ a b “Girato alle cascate del Serio il film in pista per 7 Oscar” [Bộ phim được quay ở thác Serio đang hướng tới 7 tượng vàng Oscar]. Bergamo News (bằng tiếng Ý). 15 tháng 12 năm 2017. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  74. ^ “Film girato alle cascate del Serio e in Città Alta: 4 nomination agli Oscar” [Bộ phim quay ở thác Serio và khu Città Alta: 4 đề cử Oscar]. Bergamo News (bằng tiếng Ý). 23 tháng 1 năm 2018. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  75. ^ a b “Set cinematografico, centro chiuso due giorni” [Khu trung tâm đóng cửa hai ngày do có quay phim]. La Provincia di Cremona (bằng tiếng Ý). Pandino: Soc. Editoriale Cremonese S.P.A (xuất bản 11 tháng 5 năm 2016). 10 tháng 5 năm 2016. Bản gốc lưu trữ 7 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  76. ^ Tozzi, Silvia (12 tháng 5 năm 2016). “Call me by your name, Guadagnino gira anche a Pandino. Le reazioni” [Call Me by Your Name, Guadagnino cũng sẽ ghi hình ở Pandino. Phản ứng]. Crema Online (bằng tiếng Ý). Lưu trữ bản gốc 9 tháng 8 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  77. ^ “Crema, ciak si gira” [Crema, diễn]. La Provincia di Cremona (bằng tiếng Ý). Pandino: Soc. Editoriale Cremonese S.P.A (xuất bản 1 tháng 6 năm 2016). 31 tháng 5 năm 2016. Bản gốc lưu trữ 2 tháng 2 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  78. ^ a b “Riprese a Villa Albergoni, ancora ciak ma 'niente compensi' [Vẫn tiến hành quay phim ở biệt thự Villa Albergoni, nhưng 'không có bồi thường']. La Provincia di Cremona (bằng tiếng Ý). Moscazzano: Soc. Editoriale Cremonese S.P.A (xuất bản 8 tháng 12 năm 2016). 7 tháng 12 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 9 tháng 12 năm 2016. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  79. ^ “Film di Guadagnino, saldati i conti” [Bộ phim của Guadagnino đã bồi thường đầy đủ]. La Provincia di Cremona (bằng tiếng Ý). Crema: Soc. Editoriale Cremonese S.P.A (xuất bản 20 tháng 1 năm 2017). 19 tháng 1 năm 2017. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  80. ^ “Crema set cinematografico: 'Ma ci costa 18mila euro' [Phim lấy bối cảnh Crema: 'Nhưng chúng tôi đã đầu tư 18.000 euro vào đó']. La Provincia di Cremona (bằng tiếng Ý). Crema: Soc. Editoriale Cremonese S.P.A. 29 tháng 5 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 31 tháng 5 năm 2016. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  81. ^ “Il lancio è negli Usa e Crema resta in attesa della 'prima' [Đã có buổi công chiếu ở Mỹ còn Crema vẫn đang ngóng chờ cho 'lần đầu tiên']. La Provincia di Cremona (bằng tiếng Ý). Crema: Soc. Editoriale Cremonese S.P.A (xuất bản 23 tháng 10 năm 2016). 23 tháng 1 năm 2017. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  82. ^ “Piazza Duomo diventa un set, i commercianti vogliono un indennizzo” [Quảng trường Duomo được sử dụng làm nơi quay phim, người kinh doanh đòi bồi thường thiệt hại]. La Provincia di Cremona (bằng tiếng Ý). Crema: Soc. Editoriale Cremonese S.P.A (xuất bản 8 tháng 5 năm 2016). 7 tháng 5 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 5 năm 2016. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  83. ^ “La pioggia ferma il set cinematografico” [Phim tạm dừng ghi hình vì thời tiết mưa]. La Provincia di Cremona (bằng tiếng Ý). Crema: Soc. Editoriale Cremonese S.P.A (xuất bản 28 tháng 5 năm 2016). 27 tháng 5 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 29 tháng 5 năm 2016. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  84. ^ a b Chua, Paolo (29 tháng 1 năm 2018). “A Call Me By Your Name-Themed Travel Guide to Northern Italy”. Town & Country Philippines. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  85. ^ Mancini, Carolina (2 tháng 2 năm 2017). “Berlinale: Call me by your name made in Lombardia”. Cinema & Video International. Lưu trữ bản gốc 20 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  86. ^ a b Setoodeh, Ramin (23 tháng 1 năm 2017). 'Call Me by Your Name' Director Blasts Mike Pence for Anti-Gay Policies”. Variety. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 1 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  87. ^ Kohn, Eric (9 tháng 10 năm 2017). “Armie Hammer on Getting Naked in 'Call Me By Your Name,' Playing Hunks, and His James Woods Feud”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 9 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  88. ^ Taylor, Trey (20 tháng 12 năm 2017). “The Untold Story Of Michael Stuhlbarg's Emotional Call Me By Your Name Speech”. Interview. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  89. ^ a b c Desowitz, Bill (1 tháng 12 năm 2017). 'Call Me by Your Name': Editing Was Crucial to the Year's Best Love Story”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  90. ^ a b c Utichi, Joe (13 tháng 12 năm 2017). “Sufjan Stevens Nearly Played The Narrator In Luca Guadagnino's 'Call Me By Your Name'. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 21 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  91. ^ Pritchard, Tiffany (10 tháng 10 năm 2017). “Armie Hammer, Timothee Chalamet, Luca Guadagnino talk 'Call Me By Your Name' in Toronto”. Screendaily. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  92. ^ “In erotic 'Call Me By Your Name,' sunshine and summer love”. Thông tấn xã ABC. Associated Press. 21 tháng 12 năm 2017. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  93. ^ Giardina, Carolyn (12 tháng 12 năm 2017). “How 'Call Me by Your Name' Captured a Pivotal Love Confession in One Take”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 31 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  94. ^ a b Russell, Scott (13 tháng 3 năm 2018). “Exclusive: Call Me By Your Name's Armie Hammer Recalls Shooting the 'Worst Scene' of His Life”. Paste. Lưu trữ bản gốc 15 tháng 7 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  95. ^ Raup, Jordan (23 tháng 5 năm 2016). “Michael Stuhlbarg, Armie Hammer & More Leading Luca Guadagnino's 'Call Me By Your Name'. The Film Stage. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 6 năm 2016. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  96. ^ Grobar, Matt (10 tháng 1 năm 2018). “Cinematographer Sayombhu Mukdeeprom On The Decision To Shoot 'Call Me By Your Name' With Only One Lens”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 10 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  97. ^ a b Grater, Tom (11 tháng 10 năm 2017). 'Call Me By Your Name' director Luca Guadagnino: shooting on digital is 'laziness'. Screendaily. Lưu trữ bản gốc 11 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  98. ^ a b c d e Grobar, Matt (9 tháng 1 năm 2018). 'Call Me By Your Name' Editor Walter Fasano On 'Suspiria' & Luca Guadagnino's Coppolian Factory Of Artists”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  99. ^ Weintraub, Steve "Frosty" (18 tháng 9 năm 2017). “Director Luca Guadagnino Reveals His First Cut of 'Call Me by Your Name' Was 4 Hours Long”. Collider. Lưu trữ bản gốc 18 tháng 9 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  100. ^ Gustashaw, Megan (30 tháng 11 năm 2017). “Armie Hammer's Balls Had to Be Edited Out of Call Me by Your Name”. GQ (tạp chí). Lưu trữ bản gốc 5 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  101. ^ Desta, Yohana (29 tháng 11 năm 2017). “Armie Hammer Has the Most Ridiculous Digital Editing Story of the Year”. Vanity Fair. Lưu trữ bản gốc 28 tháng 7 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  102. ^ Ulivi, Stefania (14 tháng 6 năm 2018). “Luca Guadagnino, con 'Suspiria' il mio elogio della paura” [Luca Guadagnino, với 'Suspiria' và sự tôn vinh nỗi sợ hãi]. Corriere della Sera (bằng tiếng Ý). RCS MediaGroup. Lưu trữ bản gốc 16 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  103. ^ Caulfield, Keith; Atkinson, Katie (12 tháng 12 năm 2017). “Pop Shop Podcast: Director Luca Guadagnino on Music's Vital Role in 'Call Me by Your Name'. Billboard. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  104. ^ Eisinger, Dale (8 tháng 1 năm 2017). “Sufjan Stevens Soundtracks Upcoming Film Call Me By Your Name”. Spin. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  105. ^ Willman, Chris (22 tháng 3 năm 2018). “Sufjan Stevens on How His Wary Dance With Hollywood Led to an 'Outrageous' Oscar Nom”. Variety. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  106. ^ Nordine, Michael (3 tháng 11 năm 2017). 'Call Me by Your Name' Soundtrack: Sufjan Stevens, the Psychedelic Furs, and More Lend Their Musical Stylings — Listen”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 20 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  107. ^ “Call Me by Your Name Original Motion Picture Soundtrack – CD Available November 17” (Thông cáo báo chí). Sony Classical. PR Newswire. 6 tháng 11 năm 2017. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  108. ^ Raup, Jordan (3 tháng 11 năm 2017). “Listen: Full Soundtrack for 'Call Me by Your Name' Featuring New Songs by Sufjan Stevens”. The Film Stage. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  109. ^ Caulfield, Keith (8 tháng 2 năm 2018). “How the Eclectic 'Call Me by Your Name' Soundtrack Became a Surprise Vinyl Hit – Is Radio Next?”. Billboard. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  110. ^ Patten, Dominic (5 tháng 12 năm 2016). “Sundance 2017: Robert Redford, New Rashida Jones Netflix Series, 'Rebel In The Rye' & More On Premiere, Docu, Midnight & Kids Slates”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 18 tháng 1 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  111. ^ a b Debruge, Peter (23 tháng 1 năm 2017). “Sundance Film Review: 'Call Me by Your Name'. Variety. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020. Reviewed at Sundance Film Festival (Premieres), Jan. 22, 2017
  112. ^ Seetodeh, Ramin (6 tháng 1 năm 2017). “Sundance: Gay Love Story 'Call Me By Your Name' Sells to Sony Pictures Classics (Exclusive)”. Variety. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 1 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  113. ^ Kilday, Gregg (6 tháng 1 năm 2017). “Sundance: Sony Classics Takes Gay Love Story 'Call Me by Your Name'. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 1 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  114. ^ “AFM 2016” (PDF). Memento Films International. Lưu trữ (PDF) bản gốc 2 tháng 8 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  115. ^ Hammond, Pete (7 tháng 9 năm 2017). “Opening-Night Premieres 'Borg/McEnroe' And 'Call Me By Your Name' Are A Love Match As Toronto Gets Underway”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 25 tháng 10 năm 2017. Truy cập 20 tháng 10 năm 2017.
  116. ^ “Call Me by Your Name”. New York Film Festival. Lưu trữ bản gốc 25 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  117. ^ Brzeski, Patrick (26 tháng 3 năm 2018). “Beijing Film Festival Drops 'Call Me by Your Name' As China Tightens Grip on Media”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 29 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  118. ^ Li, Pei; Jourdan, Adam (6 tháng 3 năm 2018). Macfie, Nick (biên tập). “Beijing festival pulls award-winning gay film amid content squeeze”. Beijing, Shanghai: Reuters. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 4 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  119. ^ “Crema Film Festival, omaggio a Chiamami col tuo nome” [Liên hoan phim Crema dành sự tri ân cho 'Call me by your name'] (bằng tiếng Ý). Cinecittà. 5 tháng 5 năm 2018. Lưu trữ bản gốc 9 tháng 5 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  120. ^ a b Brooks, Brian (17 tháng 12 năm 2017). 'I, Tonya' Ices Robust Weekend; 'Disaster Artist', 'Shape of Water' & 'Call Me By Your Name' Expand – Specialty Box Office”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 18 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  121. ^ a b Brooks, Brian (24 tháng 12 năm 2017). 'The Post' Scoops Into Top Ten In Best 3-Day Averages of 2017; Holdovers Solid – Specialty Box Office”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  122. ^ a b Brooks, Brian (14 tháng 1 năm 2018). “Golden Globes Winners 'Three Billboards' & 'Lady Bird' Cash In; 'Phantom Thread' Expands Solid – Specialty Box Office”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 14 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  123. ^ a b c Brooks, Brian (21 tháng 1 năm 2018). 'Darkest Hour' Tops $41M, 'The Shape of Water' Crosses $30M, 'Call Me By Your Name' Expands – Specialty Box Office”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  124. ^ a b Brueggemann, Tom (21 tháng 1 năm 2018). “With Oscar Nominations Ahead, Specialized Releases Hold Their Breath at the Box Office”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  125. ^ a b Brooks, Brian (4 tháng 3 năm 2018). “Oscar Hopefuls Cross Thresholds: 'Shape Of Water' At $57M, 'Darkest Hour' At $55M, 'Three Billboards' At $52M, 'Lady Bird' At $48M — Specialty Box Office”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 4 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  126. ^ “Chiamami col tuo Nome” [Call Me by Your Name] (bằng tiếng Ý). Warner Bros. Entertainment Italia. Bản gốc lưu trữ 24 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  127. ^ Vivarelli, Nick (24 tháng 1 năm 2018). “Luca Guadagnino, Timothée Chalamet, Armie Hammer Talk Oscar Noms in Italy”. Variety. Rome, Italy. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  128. ^ a b “Il film di Luca Guadagnino il 29 gennaio al Multisala” [Bộ phim của Luca Guadagnino sẽ xuất hiện tại Multisala vào ngày 29 tháng 1]. La Provincia di Cremona (bằng tiếng Ý). Crema: Soc. Editoriale Cremonese S.P.A (xuất bản 19 tháng 2 năm 2018). 18 tháng 1 năm 2018. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  129. ^ “Guadagnino, il 27 è la serata cremasca” [Guadagnino, tại Crema vào tối ngày 27]. La Provincia di Cremona (bằng tiếng Ý). Crema: Soc. Editoriale Cremonese S.P.A (xuất bản 10 tháng 1 năm 2018). 9 tháng 1 năm 2018. Lưu trữ bản gốc 10 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  130. ^ Read, Bridget (31 tháng 1 năm 2018). “Watch Timothée Chalamet and Armie Hammer Dance in the Streets Where Call Me by Your Name Was Filmed With Fans”. Vogue. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 4 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  131. ^ Orozco, Beatriz (18 tháng 1 năm 2018). 'Me Chame Pelo Seu Nome', o filme para o qual o Oscar não está preparado” [Oscar chưa sẵn sàng cho bộ phim 'Call Me By Your Name']. El País (bằng tiếng Bồ Đào Nha). Ediciones El País, S.L. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  132. ^ Martínez, Edouard (28 tháng 11 năm 2017). “Découvrez la bande-annonce envoûtante de Call Me by Your Name” [Cùng xem qua trailer đầy quyến rũ của Call Me by Your Name]. Premiere (bằng tiếng Pháp). Hildegarde. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  133. ^ “Oscar-nominated 'Call Me By Your Name' Has Been Banned In Tunisia”. Attitude. Stream Publishing. 2 tháng 3 năm 2018. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  134. ^ “Tunisia bans Oscar-nominated 'gay' film”. Al-Araby Al-Jadeed. 1 tháng 3 năm 2018. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  135. ^ Murray, Sean (2 tháng 6 năm 2018). “How a bittersweet coming-of-age love story became the Light House's longest running film ever”. The Journal. Lưu trữ bản gốc 14 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  136. ^ Casal, Chang (30 tháng 10 năm 2018). “What it felt to watch 'Call Me By Your Name' with a live orchestra”. Manila: CNN Philippines. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 12 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  137. ^ “Gay Romantic Drama Call Me By Your Name Gets First Official Poster”. Attitude. Stream Publishing. 28 tháng 7 năm 2017. Lưu trữ bản gốc 3 tháng 9 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  138. ^ Buchanan, Kyle (1 tháng 8 năm 2017). “Watch the Call Me by Your Name Trailer”. Vulture. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 8 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  139. ^ Nolfi, Joey (1 tháng 8 năm 2017). “Armie Hammer, Timothée Chalamet spark passion in stunning Call Me by Your Name trailer”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 8 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  140. ^ McAdams, Eric (11 tháng 10 năm 2017). “Watch Armie Hammer Dance in New Clip From 'Call Me By Your Name'. Paste. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  141. ^ Lang, Cady (13 tháng 10 năm 2017). “Be Soothed By the Armie Hammer Viral Dance Bringing Delight to the Masses”. Time. Lưu trữ bản gốc 16 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  142. ^ Shraf, Zack (12 tháng 10 năm 2017). “Armie Hammer Will Dance to Any Song in the 'Call Me By Your Name' Meme of Our Dreams — Watch”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  143. ^ Munzenrieder, Kyle (12 tháng 10 năm 2017). “Armie Hammer's Call Me By Your Name Dance Scene Has Been Meme'd”. W. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  144. ^ Caulfield, Keith (7 tháng 12 năm 2017). 'Call Me by Your Name' Spurs Biggest Streaming Week Ever for The Psychedelic Furs' 'Love My Way'. Billboard. Lưu trữ bản gốc 11 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  145. ^ Mikel, Ryan (7 tháng 11 năm 2017). “Sony Pictures Straight Washes Call Me By Your Name. Out. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  146. ^ Megarry, Daniel (8 tháng 11 năm 2017). “Sony slammed for 'straight-washing' gay romance Call Me By Your Name”. Gay Times. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  147. ^ Lee, Benjamin (8 tháng 11 năm 2017). “Call me by the wrong name: how studios are still trying to straight-wash gay films”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  148. ^ Wheeler, André-Naquian (20 tháng 3 năm 2018). “Check Out These New 'Call Me By Your Name' Set Photos”. i-D. Lưu trữ bản gốc 15 tháng 7 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  149. ^ Lanigan, Roisin (17 tháng 3 năm 2018). “The Korean Promo Pics For 'Call Me By Your Name' Transform It Into An Even More Beautiful Love Story”. i-D. Lưu trữ bản gốc 18 tháng 4 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  150. ^ Chmielewski, Dawn C. (28 tháng 12 năm 2017). 'I, Tonya', 'Lady Bird', 'Call Me By Your Name' Awards Screeners Leak Online”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 18 tháng 5 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  151. ^ Spangler, Todd (27 tháng 12 năm 2017). 'Lady Bird,' 'Call Me by Your Name,' 'I, Tonya' Screener Copies Leaked to Piracy Networks”. Variety. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 4 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  152. ^ Shraf, Zack (28 tháng 12 năm 2017). “Hackers Leak 'Lady Bird,' 'Call Me by Your Name,' and More Online, But Still Encourage You to See Them in Theaters”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 11 tháng 5 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  153. ^ a b Smith, Nigel (29 tháng 1 năm 2018). “Exclusive: Timothée Chalamet on Seducing Armie Hammer with 'Piano Playing' in Call Me By Your Name. People. Lưu trữ bản gốc 29 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  154. ^ Chitwood, Adam (13 tháng 3 năm 2018). “Origins of 'Call Me by Your Name' Revealed in New Blu-ray Clip”. Collider. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 5 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  155. ^ a b c d “Call Me by Your Name (2017)”. The Numbers. Lưu trữ bản gốc 14 tháng 6 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  156. ^ “Official DVD Chart Top 100 (ngày 11 tháng 3 năm 2018 – ngày 17 tháng 3 năm 2018)”. Official Charts Company. 11 tháng 3 năm 2018. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 4 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  157. ^ “Official Blu-Ray Chart Top 100 (ngày 11 tháng 3 năm 2018 – ngày 17 tháng 3 năm 2018)”. Official Charts Company. 11 tháng 3 năm 2018. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 4 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  158. ^ “Box Office Performance for Sony Pictures Classics in 2017”. The Numbers. Bản gốc lưu trữ 22 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  159. ^ Brooks, Brian (22 tháng 11 năm 2017). 'Darkest Hour', 'Call Me By Your Name', 'Man Who Invented Christmas' Usher Holiday – Specialty B.O. Preview”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  160. ^ a b Brooks, Brian (26 tháng 11 năm 2017). 'Call Me By Your Name' Scores Year's Best Average Opener At $101K; 'Darkest Hour' Has Robust Start – Specialty Box Office”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  161. ^ D'Alessandro, Anthony (26 tháng 11 năm 2017). “Thanksgiving B.O. At $268M, +3% Over 2016 Spurred By 'Coco' & Holdovers”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  162. ^ McClintock, Pamela (26 tháng 11 năm 2017). “Thanksgiving Box Office: 'Coco' Gobbles Up 'Justice League' With $71.2M”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  163. ^ Brueggemann, Tom (26 tháng 11 năm 2017). 'Call Me by Your Name' Is Best Opener of 2017; 'Darkest Hour' Launches Well”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  164. ^ McClintock, Pamela (3 tháng 12 năm 2017). “Weekend Box Office: 'Coco' Stays No. 1 With $26.1M; 'The Disaster Artist' Impresses”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 3 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  165. ^ Brueggemann, Tom (3 tháng 12 năm 2017). “Record Opener 'Disaster Artist' and 'The Shape of Water' Lead Specialty Box Office Surge”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  166. ^ Hayes, Dade (3 tháng 12 năm 2017). “Guillermo del Toro's 'The Shape of Water' Bows with 4th Best PTA of 2017; 'The Disaster Artist' Sizzles: Specialty Box Office”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  167. ^ Coyle, Jack (3 tháng 12 năm 2017). “Coco Tops Box Office for 2nd Week with $26.1M”. Time. Bản gốc lưu trữ 4 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  168. ^ Brooks, Brian (3 tháng 12 năm 2017). 'I, Tonya' Blades To Robust Bow; 'The Shape Of Water' & 'Call Me By Your Name' Expand Solidly – Specialty Box Office”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 10 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  169. ^ Brooks, Brian (7 tháng 1 năm 2018). 'I, Tonya' Expands Strong, 'Call Me By Your Name' Crosses $6M As Golden Globe Noms Score – Specialty Box Office”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  170. ^ D'Alessandro, Anthony (28 tháng 1 năm 2018). “Fox Controls Close To 40% Of Weekend B.O. Led By 'Maze Runner' & Oscar Holdovers; 'Hostiles' Gallops Past $10M”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 27 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  171. ^ Brueggemann, Tom (28 tháng 1 năm 2018). 'The Shape of Water' Gets Oscar Boost as 'Hostiles' Lures Crowds”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 28 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  172. ^ “2017 Academy Award Nominations and Winner for Best Picture”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  173. ^ Brueggemann, Tom (30 tháng 1 năm 2018). 'Call Me by Your Name' Box Office Is Lagging, But Sony Pictures Classics Isn't to Blame”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  174. ^ Brooks, Brian (11 tháng 3 năm 2018). 'The Death of Stalin' Has Best Specialty Debut of 2018; 'The Shape of Water' Crosses $61M Post-Oscar — Update”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 2 tháng 5 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  175. ^ Chirichelli, Andrea (29 tháng 1 năm 2018). 'Chiamami Col Tuo Nome' Ottiene La Miglior Media Sala Del Weekend” ['Call Me by Your Name' Có Mức Trung Bình Mỗi Rạp Tốt Nhất Trong Tuần]. Mymovies (bằng tiếng Ý). Lưu trữ bản gốc 15 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  176. ^ Chirichelli, Andrea (7 tháng 2 năm 2018). 'Chiamami Col Tuo Nome' Punta Ai 2 Milioni Di Euro” ['Call Me by Your Name' Chạm Ngưỡng 2 Triệu Euro]. Mymovies (bằng tiếng Ý). Lưu trữ bản gốc 8 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  177. ^ Chirichelli, Andrea (13 tháng 3 năm 2018). 'Chiamami Col Tuo Nome' Rientra in Top Ten” ['Call Me by Your Name' Trở Lại Top Mười]. Mymovies (bằng tiếng Ý). Lưu trữ bản gốc 15 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  178. ^ Champalaune, Mathieu (1 tháng 3 năm 2018). “Box office: Malgré la déferlante "Ch'tite famille", "Call Me By Your Name" et "Les Garçons sauvages" séduisent le public” [Doanh thu phòng vé: Mặc cho sự bùng nổ của "Ch'tite famille", "Call Me by Your Name" và "Les Garçons sauvages" vẫn hút khán giả]. Les Inrockuptibles. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  179. ^ Champalaune, Mathieu (9 tháng 3 năm 2018). “Box office: "Mme Mills" en tête, Isabelle Huppert omniprésente” [Doanh thu phòng vé: "Mme Mills" dẫn đầu, Isabelle Huppert góp mặt ở nhiều phim]. Les Inrockuptibles. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  180. ^ Champalaune, Mathieu (23 tháng 3 năm 2018). “Box-office: "Pacific Rim Uprising" domine mollement, "Mektoub My Love" à la peine” [Doanh thu phòng vé: "Pacific Rim: Trỗi dậy" thống trị một cách khiêm tốn, "Mektoub My Love" gặp khó khăn]. Les Inrockuptibles. Lưu trữ bản gốc 25 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  181. ^ Sandwell, Ian (30 tháng 10 năm 2017). “UK box office: 'Thor: Ragnarok' scores biggest non-Bond October debut”. Screendaily. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  182. ^ Gant, Charles (30 tháng 10 năm 2017). “Thor: Ragnarok hammers the opposition at the UK box office”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  183. ^ Sandwell, Ian (6 tháng 11 năm 2017). “UK box office: 'Murder On The Orient Express' derails 'Thor: Ragnarok'. Screendaily. Lưu trữ bản gốc 6 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  184. ^ Sandwell, Ian (13 tháng 11 năm 2017). “UK box office: 'Paddington 2' scores record-breaking bow”. Screendaily. Lưu trữ bản gốc 21 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  185. ^ Gant, Charles (14 tháng 11 năm 2017). “Paddington 2 makes marmalade of the UK box office competition”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc 14 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  186. ^ Buchanan, Kyle (23 tháng 1 năm 2017). “Why Sundance Fell in Love With the Gay Romance Call Me by Your Name”. Vulture. Lưu trữ bản gốc 2 tháng 8 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  187. ^ Marotta, Jenna (17 tháng 11 năm 2017). 'Call Me by Your Name': Timothée Chalamet is Learning How to Be a Man, Onscreen and Off”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 20 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  188. ^ “Call Me by Your Name (2018)”. Rotten Tomatoes. Fandango Media. Lưu trữ bản gốc 5 tháng 7 năm 2020. Truy cập 5 tháng 7 năm 2020.
  189. ^ “Golden Tomato Awards: Best-reviewed Movies 2017 > Limited Releases”. Rotten Tomatoes. Fandango Media. 4 tháng 1 năm 2018. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  190. ^ “Golden Tomato Awards: Best-reviewed Romance Movies 2017”. Rotten Tomatoes. Fandango Media. 4 tháng 1 năm 2018. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  191. ^ “Call Me By Your Name (2017)”. Metacritic. CBS Interactive. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 4 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  192. ^ Dietz, Jason (4 tháng 1 năm 2018). “Best Movies of 2017”. Metacritic. CBS Interactive. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  193. ^ Hoeij, Boyd van (23 tháng 1 năm 2017). 'Call Me by Your Name': Film Review | Sundance 2017”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 1 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  194. ^ Ehrlich, David (23 tháng 1 năm 2017). 'Call Me By Your Name' Review: Luca Guadagnino Delivers A Queer Masterpiece — Sundance 2017”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 1 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  195. ^ Adams, Sam (25 tháng 1 năm 2017). “Film review: Call Me By Your Name will make you swoon”. BBC. Lưu trữ bản gốc 25 tháng 1 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  196. ^ Burr, Ty (20 tháng 12 năm 2017). 'Call Me by Your Name' is full of light and landscape and unstoppable beauty”. The Boston Globe. Bản gốc lưu trữ 27 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  197. ^ Morgan, David (3 tháng 10 năm 2017). “Review: Armie Hammer in the coming-of-age film "Call Me By Your Name". CBS. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  198. ^ Lawson, Richard (23 tháng 1 năm 2017). “The Gorgeous Call Me by Your Name Makes Sundance Swoon”. Vanity Fair. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  199. ^ Phillips, Michael (13 tháng 12 năm 2017). 'Call Me by Your Name' review: At long last, first love”. Chicago Tribune. Lưu trữ bản gốc 9 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  200. ^ N.E.G. (8 tháng 9 năm 2017). "Call Me By Your Name" is a work of beauty”. The Economist. Lưu trữ bản gốc 12 tháng 9 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  201. ^ Taylor, Kate (9 tháng 9 năm 2017). “The Globe's Guide to TIFF 2017 Movies”. The Globe and Mail. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  202. ^ Turner, Kyle (4 tháng 10 năm 2017). “Call Me By Your Name: 2017 New York Film Festival Review”. Paste. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  203. ^ White, Armond (30 tháng 11 năm 2017). Call Me by Your Name's Sex Lives of the Rich and Immodest”. Out. Lưu trữ bản gốc 20 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  204. ^ Thompson, Luke Y. (31 tháng 12 năm 2017). “The Most Overrated Films Of 2017”. Forbes. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  205. ^ a b Bloomer, Jeffrey (8 tháng 11 năm 2017). “What Should We Make of Call Me by Your Name's Age-Gap Relationship?”. Slate. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2021.
  206. ^ Ahlgrim, Callie (10 tháng 12 năm 2018). 'Queer Eye' star Karamo Brown thinks 'Call Me by Your Name' is 'problematic' because it glorifies 'predatory behavior'. Insider. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2021.
  207. ^ Young, Robin (15 tháng 2 năm 2018). “One Author Says 'Call Me By Your Name' Is About Abuse, Not Love”. WBUR. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2021.
  208. ^ Sorrentino, Renee; Turban, Jack (8 tháng 9 năm 2018). “Call Me by Your Name: Not Pedophilia, Still Problematic”. Psychiatric Times. 35 (9). Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2021.
  209. ^ Ogles, Jacob (2 tháng 2 năm 2018). “19 Straight Films That Didn't Mind Call Me by Your Name's Age Gap”. The Advocate. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2021.
  210. ^ “American Film Institute Announces AFI Awards 2017 Official Selections” (Thông cáo báo chí). Los Angeles, CA: American Film Institute. 7 tháng 12 năm 2017. Bản gốc lưu trữ 8 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  211. ^ “National Board Of Review Announces 2017 Award Winners” (Thông cáo báo chí). New York, NY: Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnh. 28 tháng 11 năm 2017. Lưu trữ bản gốc 29 tháng 11 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  212. ^ Coggan, Devan (23 tháng 1 năm 2018). “Oscar nominations 2018: See the full list”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  213. ^ Chow, Andrew R. (4 tháng 3 năm 2018). “Oscars 2018: The Winners”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc 5 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  214. ^ Olsen, Mark (4 tháng 3 năm 2018). “James Ivory becomes Oscar's oldest winner with 'Call Me by Your Name'. The Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc 5 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  215. ^ Berg, Madeline (7 tháng 1 năm 2018). “Golden Globes 2018: The Full List Of Winners”. Forbes. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  216. ^ 'The Shape Of Water' Named Best Picture, Takes Four Awards At 23rd Annual Critics' Choice Awards” (Thông cáo báo chí). Los Angeles, CA: Hiệp hội Phê bình Phim Phát sóng/Hội Nhà báo Truyền hình. 11 tháng 1 năm 2018. Bản gốc lưu trữ 12 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  217. ^ “33rd Film Independent Spirits Nominations Announced” (PDF) (Thông cáo báo chí). Los Angeles: Giải Tinh thần độc lập. 21 tháng 11 năm 2017. Lưu trữ (PDF) bản gốc 7 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  218. ^ “2018 Film Independent Spirit Awards Winners Announced” (Thông cáo báo chí). Los Angeles: Giải Tinh thần độc lập. 3 tháng 3 năm 2018. Bản gốc lưu trữ 4 tháng 3 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  219. ^ Rubin, Rebecca (13 tháng 12 năm 2017). “SAG Award Nominations: Complete List”. Variety. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  220. ^ “Ava DuVernay, Samira Wiley, 'Call Me by Your Name' Honored at GLAAD Media Awards”. Variety. 5 tháng 5 năm 2018. Lưu trữ bản gốc 6 tháng 5 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  221. ^ Turrini, Davide (30 tháng 5 năm 2018). “Nastri d'Argento 2018, le nomination – la sfida è tra Loro, Ammore e malavita, Dogman e Napoli velata” [Giải Nastro d'Argento 2018, những cái tên được đề cử – cuộc cạnh tranh giữa Loro, Ammore e malavita, Dogman và Napoli velata]. Il Fatto Quotidiano (bằng tiếng Ý). Lưu trữ bản gốc 2 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  222. ^ Catena, Testo Antonella (7 tháng 6 năm 2018). “Ciak d'Oro 2018: Vincono i Manetti Bros, Luca Guadagnino, Claudia Gerini, Ligabue” [Ciak d'Oro 2018: Manetti Bros, Luca Guadagnino, Claudia Gerini, Ligabue giành chiến thắng]. Amica (bằng tiếng Ý). Lưu trữ bản gốc 8 tháng 6 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  223. ^ Gettell, Oliver (27 tháng 11 năm 2017). Call Me By Your Name takes top prize at 2017 Gotham Awards”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  224. ^ “2017 Honorees”. Giải Điện ảnh Hollywood. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  225. ^ Zilko, David Ehrlich,Eric Kohn,Kate Erbland,Anne Thompson,Zack Sharf,Chris O'Falt,Jude Dry,Tambay Obenson,Christian Blauvelt,Leah Lu,Christian; Ehrlich, David; Kohn, Eric; Erbland, Kate; Thompson, Anne; Sharf, Zack; O'Falt, Chris; Dry, Jude; Obenson, Tambay (22 tháng 7 năm 2019). “The 100 Best Movies of the Decade”. IndieWire (bằng tiếng Anh). Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  226. ^ Zilko, David Ehrlich,Kate Erbland,Eric Kohn,Anne Thompson,Chris O'Falt,Tambay Obenson,Christian Blauvelt,Christian; Ehrlich, David; Erbland, Kate; Kohn, Eric; Thompson, Anne; O'Falt, Chris; Obenson, Tambay; Blauvelt, Christian; Zilko, Christian (23 tháng 7 năm 2019). “The 50 Best Movie Performances of the Decade”. IndieWire (bằng tiếng Anh). Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  227. ^ “Top 100 Films of the 2010s”. 30 tháng 12 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2020.
  228. ^ “The 50 Best Movies of the 2010s”. Rolling Stone. 18 tháng 12 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2020.
  229. ^ “The 100 best films of the decade: 2010-2019”. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2020.
  230. ^ Call Me by Your Name: How a Little Film Touched So Many Lives - Kindle edition by Mirell, Barb. Humor & Entertainment Kindle eBooks @ Amazon.com. Amazon. 18 tháng 7 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
  231. ^ Xu, Kaibin; Tan, Yan (12 tháng 4 năm 2019). “The Chinese female spectatorship: a study of the network community of the 'boys' love' movie 'Call Me by Your Name'”. Feminist Media Studies. Routledge. 21 (1): 35–50. doi:10.1080/14680777.2019.1597752. S2CID 150851732.
  232. ^ “Elio & Oliver Love Tour (CMBYN) (Crema) - Aktuelle 2021 - Lohnt es sich? (Mit fotos)”.
  233. ^ Aftab, Kaleem (13 tháng 10 năm 2017). “Luca Guadagnino plots 'Call Me By Your Name' sequel (exclusive)”. Screendaily. Lưu trữ bản gốc 13 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  234. ^ Harris, Hunter (16 tháng 10 năm 2017). “Luca Guadagnino Is Planning Call Me by Your Name Sequels, Before Sunrise Style”. Vulture. Lưu trữ bản gốc 16 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  235. ^ a b Desta, Yohana (16 tháng 10 năm 2017). “Call Me By Your Name's Director Would Like to Do a Sequel, Please”. Vanity Fair. Lưu trữ bản gốc 16 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  236. ^ Shraf, Zack (16 tháng 10 năm 2017). “Luca Guadagnino Planning 'Call Me By Your Name' Sequel For 2020”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 16 tháng 10 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  237. ^ Friend, David (12 tháng 12 năm 2017). “Reflections on 'Call Me By Your Name' spur Armie Hammer to consider a sequel”. Times Colonist. The Canadian Press. Bản gốc lưu trữ 23 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  238. ^ Mumford, Gwilym (22 tháng 12 năm 2017). “Luca Guadagnino on Call Me By Your Name: 'It's a step inside my teenage dreams'. The Guardian. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  239. ^ Wakeman, Gregory (18 tháng 12 năm 2017). “Will Armie Hammer, Timothée Chalamet return for a 'Call Me By Your Name' sequel?”. Metro New York. Lưu trữ bản gốc 22 tháng 12 năm 2017. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  240. ^ Malkin, Marc (25 tháng 1 năm 2018). 'Call Me by Your Name' Director Reveals Details of the Planned Sequel”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc 25 tháng 1 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  241. ^ Jensen, Erin (4 tháng 3 năm 2018). 'Call Me by Your Name' director Luca Guadagnino confirms film's sequel, details plot”. USA Today. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 5 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  242. ^ Kohn, Eric (9 tháng 3 năm 2018). “Armie Hammer Confirms He's Been Pitched the 'Call Me By Your Name' Sequel: 'We're All Gung-Ho About It'. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 5 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  243. ^ Kembrey, Melanie (29 tháng 4 năm 2018). “Call Me By Your Name writer Andre Aciman on the wine of life”. The Sydney Morning Herald. Lưu trữ bản gốc 15 tháng 7 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  244. ^ Blyth, Antonia (12 tháng 7 năm 2018). 'Call Me By Your Name': Michael Stuhlbarg Says Luca Guadagnino Is 'Serious' About Sequel”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc 13 tháng 7 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  245. ^ Malkin, Marc (8 tháng 9 năm 2018). “Armie Hammer: 'Call Me by Your Name' Sequel 'Will Happen'. Variety. Lưu trữ bản gốc 9 tháng 9 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  246. ^ Sansky, Sam (5 tháng 10 năm 2018). “Timothee Chalamet on a Call Me By Your Name Sequel: 'Armie and I Are 1000% In'. Time. Lưu trữ bản gốc 5 tháng 10 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  247. ^ a b Heller, Nathan (8 tháng 10 năm 2018). “Luca Guadagnino's Cinema of Desire – Mind and Body”. The New Yorker (xuất bản 15 tháng 10 năm 2018). Lưu trữ bản gốc 8 tháng 10 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  248. ^ Ellwood, Gregory (25 tháng 10 năm 2018). “Luca Guadagnino Has Specific Ideas About The Next 'Call Me By Your Name' Chapter”. The Playlist. Beverly Hills. Bản gốc lưu trữ 17 tháng 11 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  249. ^ Ryan, Mike (23 tháng 10 năm 2018). “Luca Guadagnino Doesn't Give A Sh*t About Your 'Call Me By Your Name' Sequel Title Ideas”. Uproxx. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 10 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  250. ^ Harris, Hunter (29 tháng 10 năm 2018). “Armie Hammer Says Call Me by Your Name Sequel Might Be a Few Years Away”. Vulture. Lưu trữ bản gốc 31 tháng 10 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  251. ^ Chen, Nick (12 tháng 11 năm 2018). “Luca Guadagnino on his visceral, 'slow burn' take on Suspiria”. Dazed. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 11 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  252. ^ Encinias, Joshua (29 tháng 11 năm 2018). “James Ivory on His Disapproval of a 'Call Me By Your Name' Sequel and Revisiting 'The Bostonians'. The Film Stage. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 11 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  253. ^ Sharf, Zack (4 tháng 12 năm 2018). 'Call Me by Your Name' Author Finally Confirms Book Sequel, Armie Hammer Is Pumped”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc 5 tháng 12 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  254. ^ Kiefer, Halle (4 tháng 12 năm 2018). Call Me by Your Name Author André Aciman Wants a Sequel Too, So He's Started Writing It”. Vulture. Lưu trữ bản gốc 4 tháng 12 năm 2018. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  255. ^ Harris, Hunter (20 tháng 3 năm 2019). “André Aciman Is Officially Writing a Call Me by Your Name Sequel”. Vulture. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 3 năm 2019. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  256. ^ Handler, Rachel (19 tháng 3 năm 2019). “Armie Hammer on Call Me by Your Name 2: 'I Think We're Setting Ourselves Up for Disappointment'. Vulture. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 3 năm 2019. Truy cập 25 tháng 2 năm 2020.
  257. ^ Finos, Arianna (16 tháng 3 năm 2020). “Luca Guadagnino: "Anche in una scarpa c'è il genio italiano" [Luca Guadagnino: "Ngay cả chiếc giày cũng có sự hiện diện của một thiên tài nước Ý]. la Repubblica (bằng tiếng Ý). Lưu trữ bản gốc 3 tháng 4 năm 2020. Truy cập 3 tháng 4 năm 2020.
  258. ^ Heaf, Jonathan (30 tháng 9 năm 2020). “Armie Hammer wants you to pick up the phone and call a friend. Like, now”. GQ Anh Quốc. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 10 năm 2020. Truy cập 20 tháng 10 năm 2020.
  259. ^ a b Fleming, Mike Jr. “Luca Guadagnino On Reuniting With Timothée Chalamet, Moving Away From 'Call Me By Your Name' Sequel & Adding Michael Stuhlbarg, David Gordon Green And More To His First U.S. Film 'Bones And All'. Deadline. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2021. Truy cập 22 tháng 7 năm 2021.
  260. ^ Smith, Patrick (2 tháng 3 năm 2021). “Michael Stuhlbarg interview: 'I hope the Call Me by Your Name sequel happens'. The Independent. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2021. Truy cập 22 tháng 7 năm 2021.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Lỗi Lua trong Mô_đun:Liên_kết_ngoài tại dòng 45: assign to undeclared variable 'link'.

Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
KLAUS (2019) - Khi phim hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em
KLAUS (2019) - Khi phim hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em
Ngay từ đầu mục đích của Jesper chỉ là lợi dụng việc những đứa trẻ luôn thích đồ chơi, dụ dỗ chúng viết thư cho ông già Noel còn mình thì nhanh chóng đạt được mục tiêu bố đề ra và trở lại cuộc sống vô lo vô nghĩ ngày nào
5 băng đảng bất lương mạnh nhất Tokyo Revengers
5 băng đảng bất lương mạnh nhất Tokyo Revengers
Là manga/anime về cuộc chiến giữa các băng đảng học đường, Tokyo Revengers có sự góp mặt của rất nhiều băng đảng hùng mạnh
Làm thế nào để hiểu thấu tâm lý người khác
Làm thế nào để hiểu thấu tâm lý người khác
Những câu truyện nhỏ này sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong nắm bắt tâm lý người khác
La Dolce Vita – 5 bí kíp để tận hưởng “cuộc sống ngọt ngào” kiểu Ý
La Dolce Vita – 5 bí kíp để tận hưởng “cuộc sống ngọt ngào” kiểu Ý
Theo nghiên cứu từ Đại học Leicester, người Ý thường khoẻ mạnh và sống lâu hơn so với nhiều quốc gia Châu Âu khác. Bí mật của họ là biến mọi khoảnh khắc cuộc sống trở nên ngọt ngào và đáng nhớ. Với họ, từng phút giây ở thời điểm hiện tại đều đáng thưởng thức bằng mọi giác quan.