Trước và trong biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, kết thúc chiến tranh Việt Nam, tâm trạng chung trong cộng đồng người Công giáo được ghi nhận là sợ hãi và hoang mang. Nhiều quan điểm cho rằng sẽ có một "cuộc tắm máu" và nhiều thông tin về các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân gốc di cư và trong vùng quân giải phóng quản lý. Nhiều tín đồ Công giáo quyết định di tản đến các quốc gia có Công giáo nhằm duy trì đời sống tôn giáo của họ. Theo bài viết trên trang Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Thuyên cho biết đa số các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân tự nguyện không di tản. Theo số liệu trong cùng bài viết, [vào thời điểm đó], Giáo hội Công giáo tại Việt Nam Cộng hòa có 25 giám mục (15 đương nhiệm), khoảng 2.000 linh mục và gần 7.500 tu sĩ.[1] Bốn mươi năm sau biến cố, Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần thừa nhận biến cố này "là một thử thách lớn đối với đức tin" cho những tín đồ Công giáo Việt Nam.[2]
Trước biến cố, nhiều tin đồn về việc các giáo sĩ quyết định tổ chức di cư đã nổ ra, tuy đã bị Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài GònPhaolô Nguyễn Văn Bình bác bỏ vào ngày 8 tháng 4 năm 1975.[1] Tổng giám mục Tổng giáo phận HuếPhilípphê Nguyễn Kim Điền đã ra thư mục vụ bày tỏ lòng vui mừng về việc kết thúc chiến tranh trước đó vào ngày 1 tháng 4, sau khi quân giải phóng chiếm thành công Thành phố Huế ngày 26 tháng 3 năm 1975. Tổng giám mục Điền cũng đã tham dự lễ ra mắt Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Thành phố Huế vào ngày 9 tháng 4, và phát biểu bày tỏ tin tưởng Mặt trận đảm bảo các quyền tự do, trong đó có tự do tôn giáo.[3] Cách riêng Tổng giám mục Bình cũng phát hành thư chung gửi giáo sĩ và giáo dân, trong đó cho biết việc chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại và niềm vui chung cho cả dân tộc và là "hồng ân của Thiên Chúa".[1]
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, tuy lượng giáo dân di tản sau biến cố năm 1975 là ít, tuy vậy tinh thần của các giáo hội địa phương tại miền Bắc chưa có nhiều biến chuyển, do chưa tiếp cận được tinh thần của Công đồng Vatican II.[4] Theo linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS viết trên trang Hội đồng Giám mục Việt Nam, [sau biến cố năm 1975], hàng trăm nghìn người đã di tản ra khỏi Việt Nam, trong đó tỉ lệ người Công giáo là đáng kể đến.[5] PGS. TS Đỗ Quang Hưng cho biết làn sóng di tản (sau gọi là thuyền nhân) bao gồm khoảng 130.000 tín đồ Công giáo, trong đó có hàng trăm linh mục và tu sĩ.[6] Trang tin Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu cho rằng con số giáo dân di tản là nửa triệu người.[7] Khác với năm 1954, không có bất kỳ Giám mục nào quyết định di tản sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975.[3]
Trang tin Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu nhận định Nhà nước Việt Nam đã cho tổ chức nhóm linh mục quốc doanh để hỗ trợ các chính sách của Đảng, thông qua tờ báo "Công Giáo và Dân Tộc". Nhóm này được nhận định đã góp phần đuổi Khâm sứ Tòa Thánh Henri le Maitre ra khỏi Việt Nam, cũng như trong việc giam giữ Tổng giám mục phó Sài Gòn Nguyễn Văn Thuận.[7] Tổng giám mục Thuận bị đưa ra khỏi Sài Gòn ngày 15 tháng 8 năm 1975.[3] Các giám mục Việt Nam trên toàn quốc đã gặp mặt và ra thông cáo chung vào ngày 20 tháng 12 năm 1975. Các giám mục, linh mục và giáo dân đã tìm hiểu về các chủ đề: các tương quan trong xã hội mới, nghiên cứu nội bộ miền Nam và tìm hiểu việc huấn luyện các tín đồ.[3]
Giáo hội Công giáo Việt Nam có 12 tân giám mục được bổ nhiệm trong năm 1975, và là một trong 13 giám mục được cử hành nghi lễ tấn phong trong cùng năm.[8] Ngoài các tân giám mục, Tòa Thánh còn thuyên chuyển một số giám mục Công giáo tại Việt Nam và thiết lập tân Giáo phận Phan Thiết vào ngày 30 tháng 1 năm 1975. Tân giáo phận được phân tách từ Giáo phận Nha Trang, được đặt trực thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn.[9] Trong suốt lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam kể từ năm 1933 khi có giám mục bản xứ đầu tiên, năm 1975 vẫn là năm có nhiều tân giám mục nhất, tính đến hết năm 2024. Số lượng tân giám mục tính riêng trong năm này cũng đã vượt tổng số tân giám mục người Việt Nam trong giai đoạn 10 năm liền trước (từ năm 1965 đến hết năm 1974).[10] Các tân giám mục được bổ nhiệm vào năm 1975 đều ở tuổi đời rất trẻ, trong khoảng từ 39 tuổi đến 56 tuổi, trừ tân giám mục Lê Hữu Cung của Giáo phận Bùi Chu.
Hội đồng Giám mục [Miền Nam] Việt Nam công bố Thư Mục vụ vào ngày 16 tháng 7 năm 1976, cho rằng “Người Công giáo kề vai chung sức với mọi người để xây dựng đất nước và làm những gì đem lại lợi ích chung cho cộng đồng dân tộc mà không nghịch với đức tin và lương tâm Kitô giáo”. Theo tác giả Nguyễn Văn Thuyên, trong các cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong năm 1976 với Tổng giám mục Điền (1 tháng 9); Tổng giám mục Bình và Giám mục Nguyễn Ngọc Quang (22 tháng 9), các giám mục bày tỏ lòng tin tưởng chính phủ và "hứa làm cho giáo dân cộng tác" với người dân trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Tác giả Nguyễn Văn Thuyên, viết trên trang Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cho biết qua việc đọc thư chung của các giám mục năm 1976, ông cho rằng "cách mạng tôn trọng sự tự do của tín hữu". Cũng theo ông, Giáo hội Công giáo đã hiến các trường tư thục để hỗ trợ [Nhà nước] trong việc giáo dục miễn phí cho trẻ em.[1]
Sau biến cố năm 1975, theo linh mục Lê Công Đức, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam gặp nhiều thử thách, đặc biệt là [các giáo phận] tại miền Nam Việt Nam, đối mặt với việc chuyển đổi chế độ chính trị. Các sinh hoạt tôn giáo trở nên khó khăn: gần như không thể truyền chức, thuyên chuyển, bổ nhiệm các chức sắc; phụng tự Công giáo bị kiểm soát và đình chỉ các sinh hoạt tôn giáo ngoài khuôn viên nhà thờ. Cũng theo linh mục này, Giáo hội Công giáo bị trưng dụng các cơ sở từ thiện, y tế và giáo dục. giáo dục, y tế, từ thiện của Giáo hội bị trưng dụng, trong khi các học viện Công giáo cũng như chủng viện bị giải thể. Việc liên lạc với thể giới bên ngoài, kể cả qua các kênh thông tin Giáo hội Công giáo lâm cảnh bế tắc. Linh mục Đức cho rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam "có vẻ như chỉ còn sự tồn tại."[5] Theo phó tế Phạm Bá Nha, trong khi giai đoạn trước năm 1975, Giáo hội Công giáo tại miền Nam có 16 tiểu chủng viện và một đại chủng viện cho mỗi giáo phận; đến năm 1980, toàn quốc chỉ còn sáu đại chủng viện để tuyển sinh hạn chế hai năm một lần, trong khi các dòng tu không được tuyển các tu sinh gia nhập dòng.[23]
Trong giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1980, Giáo hội Công giáo Việt Nam có chín tân giám mục được bổ nhiệm, so với con số 12 tân giám mục trong riêng năm 1975.[10] Cũng trong giai đoạn 5 năm này, hai giáo sĩ được phong tước Hồng y.[24] Trong đó, Hồng y đầu tiên đến từ quốc gia này, Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà NộiGiuse Maria Trịnh Như Khuê (ban đầu được ban tước vị dưới hình thức mật phong in pectore) vào năm 1976;[25] và hồng y thứ hai, Tổng giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn (vào năm 1979).[26] Trong giai đoạn này, cũng có các vụ xung đột với chính quyền qua vụ án nhà thờ Vinh Sơn năm 1976 và vụ việc trưng thu 5 dòng tu năm 1978 tại Thủ Đức.[27]
Sau khi tham dự đoàn đại biểu từ miền Nam đến thăm miền Bắc, linh mục Chân Tín cho bài đăng trên tạp chí Đứng Dậy. Ông bày tỏ quan điểm của giới Công giáo, rằng "CNXH Mác - Lênin nhìn Thiên Chúa giáo như một ảo tưởng, nên nếu Nhà nước có ban Sắc lệnh tự do tôn giáo, thì đó chỉ là một cái gì đó tạm thời mà thôi."[6]
Tổng giáo phận Hà Nội: Tổng giám mục Trịnh Như Khuê được phong tước hồng y theo phương thức mật phong (in pectore),[28][29] trở thành giáo sĩ đầu tiên nhận tước vị này.[30] Việc công bố thông tin này bị trì hoãn vì chờ sự cho phép xuất cảnh cho tân Hồng y đến Rôma.[31] Hồng y Khuê được cấp phép xuất cảnh gần thời hạn chót,[32] đến Rôma một ngày trước khi diễn ra công nghị và nhận mũ đỏ hồng y trong phẩm phục tím của chức giám mục.[33][34][gc 1] Trở về Việt Nam, tân hồng y đã có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng.[36] Báo cáo mật từ Rôma thông tin việc thăng tước hồng y đã được thảo luận trước với chính quyền Việt Nam hai năm trước đó; trong khi vì giữ bí mật, tân hồng y không được cho phép mặc phẩm phục đỏ từ trước.[37] Hồng y Khuê được linh mục Dòng Tên người Canada Andre Gelinas đánh giá là có thái độ không khoan nhượng với chính quyền mang tư tưởng Cộng sản.[38] Hồng y Khuê qua đời, Tổng giám mục kế nhiệm Trịnh Văn Căn sau đó được phong tước hồng y vào năm 1979. Trong thời gian tại Rôma, Hồng y Căn xúc tiến tiến trình tôn phong các thánh tử đạo Việt Nam.[39] Trong suốt thời gian tranh chấp đất đai với chính quyền, trong suốt thập niên 1980, Hồng y Căn bị hành hạ bởi các tiếng nhạc ầm ĩ được cố ý cho mở, vì khu Tòa Khâm sứ bị cho xây dựng thành Cung Văn hóa, và được sử dụng làm sàn nhảy với âm nhạc công suất lớn được mở đến hai giờ sáng.[40][41][42] Ông có than phiền về [tiếng nhạc] làm cho mình mất ngủ, nhưng không được hồi âm.[40] Việc mở nhạc này được thực hiện cho đến khi ông qua đời vào năm 1990.[41] Trong các thập niên 1950 đến 1980, Tòa giám mục bị canh gác gắt gao nhằm cản trở giáo dân tiếp tế cho các giáo sĩ và cá nhân Tổng giám mục Khuê bị cấm đi khỏi Tòa giám mục nếu không có phép [từ chính quyền].[40]
Giáo phận Bắc Ninh: Trong gần 30 năm đảm nhận vai trò giám mục Bắc Ninh, giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng không thể đến thăm các giáo họ và giáo xứ. Ông thường xuyên phải cử hành lễ tại một căn phòng 8 mét vuông. Cũng chính trong căn phòng này, Giám mục Tụng đã truyền chức bí mật cho các linh mục thuộc và không thuộc giáo phận Bắc Ninh, cũng như hai tân giám mục.[43] Tân giám mục Đa Minh Đinh Huy Quảng được tấn phong giám mục cách bí mật vào ngày 4 tháng 5 năm 1975, sau đó ba ngày bị đưa đi quản thúc và qua đời vào năm 1992. Chức giám mục của ông chỉ được công bố 15 năm ông qua đời, vào năm 2007.[44]
Vinh Sơn Phaolô Phạm Văn Dụ: giám mục tân cử Vinh Sơn Phaolô Phạm Văn Dụ, được bổ nhiệm từ năm 1960, không được cho phép rời khỏi phạm vi 5km kể từ thị trấn Thất Khê, nơi ông quản nhiệm với tư cách là một linh mục. Do đó, ông được chính thức tấn phong chức giám mục vào năm 1979, khi ông tách khỏi dòng người tị nạn để đến Bắc Ninh. Tuy đã chính thức là giám mục vào năm 1979, chính quyền Việt Nam chỉ công nhận ông là giám mục vào năm 1989 sau khi Hồng y Roger Etchegaray đến làm việc với chính phủ Việt Nam.[47]
Tổng giáo phận Huế: Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế Philípphê Nguyễn Kim Điền vội vã trở về Huế một ngày trước khi thành phố này đổi chủ.[48] Ông cũng kêu gọi linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý đến sinh hoạt mục vụ cùng ông trong địa bàn Tổng giáo phận. Ông cũng dùng "năng quyền đặc biệt" tấn phong Tổng giám mục phó Stêphanô Nguyễn Như Thể.[49] Nhóm giáo sĩ và tu sĩ rời Huế di cư về hướng Nam bị kẹt lại Đà Nẵng nhờ linh mục thư ký Nguyễn Văn Lý thảo thư mời những người này trở về Huế.[50] Sau biến cố năm 1975, về nhân sự, Tổng giáo phận Huế có 18 linh mục di cư vào miền Nam và 13 linh mục di chuyển đến hải ngoại. Giáo dân [sụt giảm] còn lại 41.941 người.[51] Năm 1977, Tổng giám mục Điền có hai bài phát biểu về chủ đề tự do tôn giáo.[52] Tổng giám mục Điền, sau hai phát biểu căng thẳng kể trên, bị quản thúc.[53] Tổng giám mục Điền cũng bị canh chừng theo dõi tại Tòa Tổng giám mục và nội dung bài giảng lễ, không được cho phép tham gia họp Hội đồng Giám mục và chuyến thăm Ad Limina và bị hạn chế đi lại. Các linh mục tại Huế gặp nhiều khó khăn, kể cả trong việc thuyên chuyển và các sinh hoạt tôn giáo. Nhiều cơ sở tôn giáo bị phong tỏa và lục soát.[54] Riêng quản gia tại Tòa giám mục, ông Nguyễn Văn Bông, ngoài là một giáo dân, ông còn hoạt động cho công an, gây nhiều khủng hoảng cho giáo phận.[55]
Giáo phận Qui Nhơn: Giám mục chính tòa Phaolô Huỳnh Đông Các được bổ nhiệm cuối tháng 7 năm 1974. Giai đoạn hậu chiến, giáo phận Qui Nhơn lâm cảnh hoang tàn, do đó cần phải được tái thiết.[56] Do hoàn cảnh chiến tranh, sau khi phân tách giáo phận Đà Nẵng vào năm 1963, giáo phận có 117.000 giáo dân chỉ còn lại 43000 giáo dân, phần lớn di tản ra ngoài phạm vi giáo phận.[57] Riêng giám mục Giuse Phan Văn Hoa bị mời lên làm việc tại Công an tỉnh Nghĩa Bình trong vòng 19 ngày. Do bị cao huyết áp, Giám mục Hoa sau đó bị tai biến mạch máu não phải điều trị tại Bệnh viện Bình Định, bệnh viện Saint Paul Sài Gòn và kể từ đầu năm 1977, điều trị tại Tòa giám mục. Sức khỏe của ông suy yếu sau đợt bệnh này.[58]
Giáo phận Đà Nẵng: Khoảng 40.000 đến 50.000 giáo dân di cư khỏi giáo phận Đà Nẵng, để lại số giáo dân khoảng 40.000 người.[59] Số linh mục vào năm 1975 là 117 người, và sau biến cố còn lại 50 người.[60] Dưới thời chính quyền mới, các cơ sở từ thiện và giáo dân [trực thuộc giáo phận] được bàn giao cho chính quyền sử dụng và quản lý. Nhiều sinh hoạt tôn giáo như đào tạo và phong chức giáo sĩ, thăm viếng và trao các bí tích lâm vào vào tình cảnh rất khó khăn.[59] Hai cơ sở gồm bệnh viện An Bình và Đại chủng viện ở Hòa Khánh được nhà nước mua lại và bàn giao ngày 1 tháng 8 năm 1975.[61] Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi chọn và tấn phong giám mục phó Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách vào tháng 6 năm 1975.[62] Bản thân giám mục Chi phải học tập cải tạo riêng với Phó Trưởng Ty Công An Quảng Nam - Đà Nẵng Lê Lực. Ông Lực cho biết Nhà nước khoan hồng giám mục Chi là vì lý do nhân đạo và tuổi tác của giám mục; và lưu ý việc Giám mục Chi có bị bắt giữ hay không tùy vào thái độ của ông.[63][64] Từ năm 1975 cho đến khi qua đời, Giám mục Phạm Ngọc Chi hầu như không xuất hiện công khai, kể các cuộc họp Hội đồng Giám mục Việt Nam.[65]
Tổng giáo phận Sài Gòn (từ ngày 23 tháng 11 năm 1976 là "Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh"): Linh mục Dòng Tên người Canada Andre Gelinas đánh giá Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cộng tác với chính quyền mang tư tưởng Cộng sản, gây chia rẽ trong giới tín đồ Công giáo.[38] Trong việc tham gia xây dựng "Vùng Kinh tế mới", với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục [miền Nam], Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tham gia bằng cách cùng 195 linh mục và 136 nữ tu tham gia chương trình "lao động xã hội chủ nghĩa" trong vòng ba tháng, từ tháng 5 diến tháng 7 năm 1976. Cách riêng tại Tổng giáo phận Sài Gòn (từ tháng 11 năm 1976 là Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh), Tổng giám mục thành lập "Ban Mục vụ Kinh Tế Mới" và "Ban Lao động Sản xuất" ngay tại Tòa Tổng giám mục. Tổng giám mục Bình cũng khuyến khích giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân học tập chính trị, tham gia lao động, các riêng khuyến khích các linh mục học thêm một nghề để kiếm sống khi cần. [Sau biến cố năm 1975], các trường học, cô nhi viện, bệnh viện và ngân hàng thuộc về Giáo hội Công giáo Việt Nam không còn tồn tại.[1] Nhiều giáo dân không di tản đã được đưa lên vùng kinh tế mới, hoặc phải đi học tập cải tạo, cùng với các linh mục tuyên úy quân đội và một số linh mục khác. Nhiều linh mục qua đời do hoàn cảnh thiếu thốn.[7]
Giáo phận Vĩnh Long: Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới, đã tấn phong giám mục phó Raphae Nguyễn Văn Diệp. Sau chiến tranh, nhiều cơ sở [thuộc quyền giáo phận] bị trưng dụng và trưng thu. Nhiều giáo sĩ và tu sĩ được yêu cầu học tập cải tạo và đời sống tôn giáo của các họ đạo và hội dòng được cho rà "hơi khó khăn". Giám mục Mầu, với giấy phép, vẫn có thể đến cử hành lễ trao Bí tích Thêm Sức tại các họ đạo. Niềm tin tôn giáo của giáo dân nhìn chung vẫn phát triển. Năm 1980, giáo phận được cho phép phong chức một linh mục.[66]
Giáo phận Mỹ Tho: Các sinh hoạt mục vụ tôn giáo và đời sống tôn giáo của giáo dân gặp nhiều khó khăn. Dòng tu và chủng viện bị giới hạn hoạt động, cũng như các xư đạo thiếu linh mục và thăm mục vụ gặp ngăn trở gây ảnh hưởng đến đức tin của tín đồ trong giáo phận.[67] Kể từ năm 1975, các chủng viện, gồm hai cấp tiểu chủng viện và đại chủng viện phải tạm ngừng hoạt động. Các tiểu chủng sinh về sinh sống cùng gia đình, trong khi các đại chủng sinh, sau một thời gian tu học và lao động tại các giáo xứ, đã được đưa vể Tiểu chủng viện Gioan XXIII để tiếp tục tu học và lao động tại Hợp tác xã dệt chiếu Thanh Bình. Tuy vậy, các chủng sinh gặp nhiều khủng hoảng và "chuyển hướng". Chủng viện chính thức dừng hoạt động năm 1978, các đại chủng sinh tu học tại các giáo xứ và thụ phong chức linh mục.[68][gc 2] Giám mục chính tòa Giuse Trần Văn Thiện rút về âm thầm giảng dạy giáo lý sau trong thời hậu chiến.[70] Giám mục Thiện cũng tấn phong tân giám mục phó Anrê Nguyễn Văn Nam vào tháng 6 năm 1976.[71][72] Giám mục Nam đã thực hiện truyền chức lén cho hàng chục linh mục, với lý do xin phép chính quyền nhưng thời gian chờ đợi là rất lâu, và truyền chức vì tình thương giáo dân. Trong các buổi làm việc với chính quyền, Giám mục Nam dẫn chứng việc mình không cần xin phép để giúp đỡ những người khó khăn, mà trong đó có cả những người thuộc về Cách Mạng.[73][gc 3] Giám mục Trần Văn Thiện bàn gian toàn bộ việc thăm mục vụ trên địa bàn giáo phận cho Giám mục phó Nam do hoàn cảnh xã hội Giám mục Nam thường thực hiện các chuyến viếng thăm để giảng giáo lý, tĩnh tâm cho giáo dân, và ở cùng họ. Vì nhiều họ đạo ở vị trí xa xôi và trắc trở, Giám mục Nam dùng nhiều phương tiện đường bộ, đường thủy để đến thăm mục vụ.[74] Giám mục Nam đã thực hiện các chuyến viếng thăm này kể từ năm 1975 đến tận năm 1986, trong bối cảnh thời kỳ Đổi Mới.[73]
Hồng y Căn xúc tiến mong muốn của hàng Giám mục Việt Nam về việc hình thành một hội đồng giám mục toàn quốc, nhen nhóm từ lúc Hồng y Tiên khởi Trịnh Như Khuê nhận tước vị. Sau khi thảo luận với Ban Tôn giáo chính phủ và được phép của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Giám mục Toàn quốc họp tại Hà Nội vào cuối tháng 4 năm 1980.[75][4] Hội đồng Giám mục ra định hướng mục vụ: Giáo Hội Việt Nam sống Phúc âm và hoà mình giữa lòng dân tộc.[76]
^“Cardinals of Vietnam” [Các hồng y [của] Việt Nam]. GCatholic (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 1 năm 2024. Truy cập Ngày 19 tháng 2 năm 2024.
^Michael J. Duffy (24 tháng 5 năm 1976). “Pope Installs New Cardinals” [Giáo hoàng vinh thăng các tân hồng y]. The Courier News (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ Ngày 22 tháng 2 năm 2024. Truy cập Ngày 22 tháng 2 năm 2024.
^ abLm. Phêrô Hoàng Gia Thành (ngày 10 tháng 4 năm 2016). “Lược Sử Giáo Phận Đà Nẵng”. Giáo phận Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.