Thần thoại học (tiếng Hy Lạp: μυθολογία ghép từ μῦθος - "thần thoại" hay "truyền thuyết" và λόγος - "lời nói", "câu chuyện", "lời dạy") là ngành khoa học nghiên cứu về thần thoại như một dạng ý thức đặc biệt của con người, về sự bảo tồn tư tưởng truyền thống giữa hiện thực biến đổi;[1] coi đó là phương pháp tư duy chủ yếu công xã - thị tộc[2] cũng như quan niệm cổ đại về thực tại xung quanh và bản chất con người.[3] Đối tượng của thần thoại học có thể kể đến như thần thoại, sử thi,... Thần thoại học có nhiều chuyên ngành hẹp hơn, ví dụ thần thoại đối chiếu.[4][5]
Thần thoại học phân biệt thần thoại khác với văn học dân gian: thần thoại là một tập hợp các ý tưởng về thế giới, con người coi đó là tri thức có giá trị và phản ánh trung thực, trái ngược với văn học dân gian nói chung không bắt buộc phải phản ánh hiện thực. Văn học dân gian phản ánh thế giới một cách nghệ thuật và thẩm mỹ, có thể được sinh ra từ thần thoại, mang một số đặc tính nhưng không trở nên ngang bằng với thần thoại được.[6] N. B. Mechkovskaya tổng quát: "Thần thoại về mặt lịch sử là hình thái ý thức tập thể đầu tiên của con người, là bức tranh tổng thể của thế giới, trong đó các yếu tố tôn giáo, thực tế, khoa học, nghệ thuật chưa được phân biệt và không tách rời nhau. Văn học dân gian về mặt lịch sử là sự sáng tạo tập thể mang tính nghệ thuật (thẩm mỹ) đầu tiên của con người (câu chuyện, thơ ca, vũ đạo, kịch)".[7]
Thần thoại học không nghiên cứu câu chuyện thần thánh nói chung mà xác lập khuôn mẫu thần thoại, giải thích cơ sở hành vi khi thần thoại phục vụ cho nghi thức hàng ngày, mang lại cơ hội tìm kiếm ý nghĩa sự sống.[8]
Những ý tưởng thần thoại tồn tại ở các giai đoạn phát triển nhất định của hầu hết các dân tộc trên thế giới. Điều này được giới nghiên cứu lịch sử khẳng định cũng như các bộ tộc nguyên thủy tồn tại trong thời hiện đại chứng minh, mỗi dân tộc đều có một hoặc vài thần thoại khác nhau.[9]
Kinh Thánh có dấu vết từ Thần thoại Tây Semitic. Trước khi theo Hồi giáo, người Ả Rập đã có thần thoại của riêng mình. Nếu người châu Âu trước Thời đại Khám phá chỉ quen thuộc với thần thoại phương Tây cổ đại và Kinh Thánh, thì sau đó dần biết đến sự hiện diện của thần thoại các dân tộc châu Phi, châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương.
Thần thoại luôn tồn tại trong tâm thức con người. Những hình tượng thần thoại không cần định nghĩa chính xác. Sự hình thành thần thoại gắn bó chặt chẽ với nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức.[10]
Sự thể hiện tổng quát đơn giản hóa các quan niệm về thế giới trong một truyền thống thần thoại cụ thể tạo thành một mô hình thần thoại (thần thoại hóa).[12] Thần thoại thường là cách thức khái quát thế giới dưới dạng hình ảnh trực quan. Có những khía cạnh nhất định không chỉ nằm ở khái niệm, mà hiển thị trực quan, cụ thể để cảm nhận. Tập hợp các hình ảnh trực quan liên hệ với nhau vẽ nên bức tranh thần thoại về thế giới.[13] Mô hình thần thoại này không thuộc về khái niệm thực nghiệm: các quan điểm truyền thống có thể không hoàn toàn nhận thức được toàn bộ mô hình.[12]
Khái niệm thần thoại hình thành từ tư duy đặc biệt, đặc trưng cho tư duy nguyên thủy nói chung và các tư duy khác như ý thức đám đông ở mọi thời đại. Điều kiện tiên quyết của tư duy thần thoại là con người cổ xưa không tách rời khỏi tự nhiên, tính logic hòa lẫn với cảm xúc, từ đó giới tự nhiên được nhân bản hóa trong so sánh ẩn dụ với văn hóa, rồi từ những cảm nhận cá thể trở nên phổ quát, hình tượng hóa qua biểu tượng, ngôn từ. Khái niệm hoang đường không hoàn toàn phi logic (như tâm thức nguyên thủy của Lévy-Bruhl) mà có tính biểu tượng (theo E. Cassirer), nhiều tầng ý nghĩa và có những ý "đánh lừa" gián tiếp (bricolage và suy diễn theo Lévi-Strauss).[3]
Các nhân vật thần thoại được chia làm nhiều nhóm khác nhau, trong đó các vị thần ở cấp độ trên thường nằm trong tôn giáo chính thống, còn hạ đẳng hơn như quỷ và các linh thể.[14][15] Các nhóm về sau gồm những tiểu thần về mùa màng, nhân cách hóa kỳ lễ hội theo niên lịch (Yaryla thần thoại Slav, German, Befana thần thoại Ý,...), các thần ngoại giáo dân gian bị hạ thấp và thay thế bằng các vị thánh Cơ Đốc giáo - thần sinh sản, v.v. (như ở Nga, thần Velez bị thay bằng thánh Blaise, nữ thần Mokosh bị nữ thánh Paraskeva thay thế,...), các ma quỷ khác nhau bị đánh đồng thành thiên thần sa ngã,...[15] Các nhân vật trong thần thoại hạ đẳng thường tham gia tích cực vào cuộc sống con người, giao tiếp với con người, biến thành người,... Do đó, trong nhiều thần thoại, những thần thường ngày này lại giữ vị trí quan trọng và thân thuộc hơn các thần thượng đẳng thuộc thời đại thần thoại sáng thế. Trong phạm trù nghi thức, nhân vật thần thoại hạ đẳng thường liên hệ tới mê tín dị đoan, phù thủy, phong tục và ma thuật trong phạm vi bộ lạc hoặc chung cho cả dân tộc.[14] Các nhân vật thần thoại hạ đẳng trong văn hóa Châu Âu như ma cà rồng, phù thủy, quỷ lùn gnome, tiên cá, incubus, succubus, tiên nữ, Lamia, mara, Undine, Befana,... có nguồn gốc từ những truyền thống khác nhau (Cổ đại, German, Slav,... ) và là chất liệu cho văn học dân gian.[16]
Thần thoại vũ trụ nói về sự sáng tạo, về nguồn gốc vũ trụ từ thời hỗn mang, đây là cốt truyện chính ban đầu trong hầu hết các thần thoại. Câu chuyện khởi đầu mô tả về sự hỗn loạn (trống rỗng), một vũ trụ không có trật tự hay các nguyên tố nguyên thủy tương tác với nhau. Dạng thần thoại này giải thích sự sáng tạo thế giới và nguồn gốc sự sống trên trái đất.
Một trong những chủ đề phổ biến của thần thoại vũ trụ là quả trứng nở ra thế giới. Huyền thoại này tìm thấy trong nhiều dân tộc trên các châu lục khác nhau. Quả trứng thế giới là một biểu tượng phổ quát về nguồn gốc sự sống.[17]
Trong nhiều thần thoại, thế giới do các vị thần tạo nên. Ví dụ về các cặp đôi đã tạo ra thế giới: Izanagi và Izanami trong Thần đạo, Abzu và Tiamat ở Sumer, Geb và Nut ở Ai Cập, Rangi và Papa của người Māori.
Đôi khi cốt truyện xoay quanh cuộc đối đầu giữa lực lượng sáng tạo và thế lực hủy diệt, gọi là đặc trưng thần thoại nhị nguyên, ví dụ Ahura Mazda và Angra Mainyu, Yong và Omele, Kugu Yumo và Yyn.
Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, Gaia được coi là tổ tiên của thế giới, thần sinh ra từ Chaos. Bà sinh ra Uranus và từ thần này lại sản sinh các thần khác, Cyclops, Titans, Erinia, người khổng lồ, núi, biển, quái vật và các anh hùng.[18]
Một trường hợp đặc biệt của thần thoại vũ trụ là thần thoại nhân chủng nói về sự sáng tạo loài người, tổ tiên thần thoại của con người, cặp đôi đầu tiên,... Thần thoại vũ trụ và nhân chủng thường có mối liên hệ với nhau, trong đó các vị thần tạo ra thế giới cũng thường sáng tạo ra cả con người. Một phiên bản khác của mối quan hệ này là nhân loại hóa thế giới, khi vũ trụ lại sinh ra từ cơ thể của con người (vị thần) đầu tiên.[19]
Trong các thần thoại khác nhau, con người được tạo ra từ các nguyên liệu khác nhau, phổ biến nhất là đất sét và bụi đất. Từ đất sét tạo ra con người có thể kể đến Prometheus trong thần thoại Hy Lạp, Enki và vợ là Ninmah trong thần thoại Sumer, Marduk và Enki trong thần thoại Akkadian, Khnum trong thần thoại Ai Cập, Ulgem trong thần thoại Altai, Amma trong thần thoại Dogon, Yoskekh trong thần thoại Iroquois và còn các thần của nhiều dân tộc khác. Một số dân tộc thì nói con người tạo nên từ cây cối. Ngoài ra còn có nhiều biến thể kỳ lạ hơn, như từ các loại hạt của người Melanesia và người da đỏ Peru hoặc từ xương động vật, chim và cá của một số bộ tộc thổ dân da đỏ Bắc Mỹ.[19] Đối với nhiều dân tộc, thần thoại nhân chủng thường nói đàn ông có được tạo ra trước phụ nữ; và hai giới cũng được tạo nên từ các chất liệu khác nhau (trong nhiều thần thoại của thổ dân Nam Mỹ).
Một kiểu thần thoại riêng biệt nói về totem là nguồn gốc con người, phạm vi thường là trong bộ lạc, họ coi mình có nguồn gốc từ động vật, ví dụ như chim cũng có thể là tổ tiên loài người. Hoặc con người đầu tiên sinh ra từ quả trứng.[19]
Thần thoại mạt thế nói về ngày tận thế, luôn song hành với thần thoại vũ trụ, gắn liền với sự đối lập giữa hỗn mang và trật tự. Nội dung dự báo về ngày tận thế trong tương lai, như Ragnarök của Bắc Âu, hoặc cho rằng một thảm họa đã xảy ra phân tách thời thần thoại với thời hiện đại. Tùy vào thần thoại mỗi nơi, sự hủy diệt có thể dưới dạng đại hồng thủy, đại diêm hỏa, sự hủy diệt các thần và những âm mưu khác.[20]
Thần thoại lịch là thần thoại hóa sự thay đổi của các chu kỳ thời gian - ngày và đêm, mùa đông và mùa hè, cho đến các chu kỳ vũ trụ[21][22] Chúng liên hệ với các quan sát thiên văn, chiêm tinh học, lễ hội năm mới, lễ thu hoạch và các sự kiện lịch khác.
Trong thần thoại Sumer-Akkadia, Marduk được coi là người sáng tạo ra lịch.[22] Để tưởng nhớ, năm mới được tổ chức vào tháng Nissan (trùng với ngày tiết phân). Ở Babylon, ngày lễ này được gọi là Akita nằm trong kỳ lễ 12 ngày, thừa hưởng từ người Sumer.
Thần thoại Ai Cập về các mùa đề cập đến xung đột giữa 2 vị thần Ra và Tefnut. Họ cãi nhau khiến cho hạn hán còn khi làm lành, sông Nile lại ngập lụt.[22]
Thần thoại về chu kỳ vũ trụ tuần hoàn rất đa dạng, xoay quanh các chu kỳ phát triển, thế giới bị phá hủy rồi được tái tạo. Ví dụ, trong thần thoại Aztec, lịch sử thế giới được chia thành kỷ nguyên của các mặt trời khác nhau, kỷ nguyên mặt trời đầu tiên kết thúc với sự hủy diệt của báo đốm khổng lồ, kỷ nguyên mặt trời thứ nhì kết thúc bằng những trận cuồng phong con người biến mất, kỷ nguyên mặt trời thứ ba chấm dứt bằng hỏa hoạn, kỷ nguyên mặt trời thứ tư tận cùng là đại hồng thủy. Theo tín ngưỡng Aztec, để không xảy ra ngày tận thế tiếp theo, cần phải hiến tế con người hiến tế cho các vị thần.[20] Một ví dụ khác là khái niệm thời kỳ Kalpa và Yuga trong Ấn Độ giáo. Thời đại diệt vong trong Ấn Độ giáo hiện thân qua thần Kali-yuga và nữ thần Kali.
Thần thoại anh hùng là thần thoại về những anh hùng có thể là con của các vị thần và người phàm như trong thần thoại Hy Lạp, hoặc chỉ đơn giản là những nhân vật huyền thoại trong sử thi. Cốt truyện điển hình của huyền thoại anh hùng là thời thơ ấu phi thường (tài năng thiên bẩm, mồ côi, số phận đặc biệt), thường xuyên phải lưu vong, lập chiến công, đánh bại quái vật, cứu mỹ nhân, trở về và kết hôn. Nhiều thần thoại anh hùng dưới dạng ngụ ngôn kể về sự hình thành nhân cách và giành được địa vị trong xã hội, từ đó có tính kêu gọi hướng dẫn về một hình mẫu tiêu biểu.[23]
Thần thoại anh hùng tạo nên phạm trù văn hóa đặc biệt. Đây là những nhân vật thần thoại có đóng góp vào nền văn minh cuộc sống người dân. Thường thì anh hùng là một bán thần, có vị trí ngang với các vị thần, đặt ra luật pháp hoặc phát minh đầu tiên (lửa, cây trồng, công cụ), dạy con người săn bắn, hàng thủ công, nghệ thuật, quy định tổ chức xã hội, nguyên tắc hôn nhân, ma thuật và nghi lễ thờ cúng.[23]
Thần thoại thờ cúng đưa ra lời giải thích (động cơ) của nghi lễ hoặc các hoạt động thờ phụng khác.[24]
Nguyên thủy nhất là thần thoại thờ cúng vật tổ. Các hoạt động thờ cúng thường bí truyền, tức là chỉ có một số người hạn chế đủ tuổi mới được truyền lại ý nghĩa. Những thần thoại như vậy thường gắn liền với nghi thức nhập môn khi một thành viên bộ tộc đến tuổi trưởng thành phải trải qua thử thách, nếu vượt qua được mới coi là người nam thực thụ và được phép tiếp nhận các tri thức truyền thống bí truyền.[24]
Ở Hy Lạp cổ đại, dấu vết thờ cúng đầu tiên là về Demeter và Persephone của người Eleusinia và thần thoại về Dionysos hiện thực hóa bằng những buổi lễ hoan lạc. Các nghi lễ tương tự được phát hiện ở Địa Trung Hải để tôn vinh thần Attis bị giết và sống lại, hoặc theo dị bản về thần Adonis.[24]
Nhiều thần thoại thờ cúng còn chưa được phát hiện vì được giữ bí mật nội bộ, không tiết lộ ra ngoài.[24]
Thần thoại chiêm tinh mô tả góc nhìn thần thoại về các chòm sao, hành tinh, mặt trăng và mặt trời. Loại thần thoại này thường gắn với thuyết vật linh, một số đi kèm với tôn giáo để thờ cúng thiên thể nhưng cũng có một số thần thoại không có mục đích tôn thờ cũng xếp vào đây.[25]
Câu hỏi về mối quan hệ giữa tôn giáo và thần thoại đã được các nhà nghiên cứu thuộc các hướng khác nhau giải quyết theo những cách khác nhau. Trường phái thần thoại chưa đặt ra câu hỏi này một cách trực tiếp, vì vào thời điểm đó chỉ có những tín ngưỡng phức tạp mới được coi là tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo,... và thần thoại mới được coi là thơ ca cổ. Trường phái thần thoại không tách rời thần thoại khỏi các niềm tin tôn giáo phổ biến.
Lần đầu tiên khái niệm "thần thoại" được áp dụng vào học thuyết Thiên Chúa giáo do nhà sử học tôn giáo và thần học tự do D. Strauß trong tác phẩm Das Leben Jesu kritisch bearbeitet (Cuộc đời Chúa Giêsu, 1835). Ông cố gắng tẩy sạch hình ảnh Chúa Giêsu lịch sử khỏi các lớp màn thần thoại. Các nhà dân tộc học thuộc trường phái tiến hóa đã đưa thần thoại và tôn giáo đến gần nhau hơn. E. Taylor tin rằng thần thoại dựa trên thuyết vật linh nguyên thủy, tôn giáo dựa vào đó mà phát triển. Quan điểm này được các nhà tiến hóa dân tộc học đa dạng hóa theo nhiều cách khác nhau. N. N. Kharuzin coi thần thoại là thế giới quan của người nguyên thủy, là nguồn tri thức chính của đức tin tôn giáo vì tôn giáo sử dụng nguyên liệu thần thoại. D. Brinton cũng tin rằng bản chất thần thoại là tôn giáo, nhưng không phải tôn giáo xuất phát từ thần thoại mà ngược lại; thần thoại nguyên bản chính là sự thâm nhập vào bản chất thần thánh, mà đó lại là cơ sở duy nhất cho các tôn giáo. K. Preuss lưu ý rằng thần thoại là thành phần thiết yếu trong tín ngưỡng sùng bái.[26] Theo A. B. Ranovich, thần thoại luôn là một trong những yếu tố của tôn giáo.[27]
Ngay từ cuối thế kỷ 19 đã có những nỗ lực phân biệt giữa thần thoại với tôn giáo hoặc phản đối sự hòa trộn hai khái niệm này. Mục đích là để "minh oan" cho tôn giáo, giải phóng tôn giáo khỏi yếu tố thần thoại của những câu chuyện "ngây thơ hài hước".[26] Với ý tưởng đó, Frank Jevons viết rằng thần thoại không phải là tôn giáo, cũng không phải là nguồn gốc của tôn giáo, mà là triết học và khoa học nguyên thủy cùng với một phần hư cấu. Tôn giáo có tính chọn lọc lấy những thần thoại phù hợp và loại bỏ những thần thoại không tương thích.[28] S. Reynak coi thần thoại như tuyển tập các câu chuyện còn tôn giáo được đặc trưng bởi tình cảm và hành vi.[29]
Những người ủng hộ thuyết pramonotheism (A. Lang, W. Schmidt và học trò) cố gắng phân rẽ tôn giáo và thần thoại một cách rõ ràng nhất có thể. Tôn giáo được xem như một thế giới quan thuần túy đạo đức, không dựa trên nền tảng thần thoại. Những nền tảng như vậy không tồn tại trong tôn giáo nguyên thủy.[26] Cha đẻ của pramonotheism - Lang viết về hai khuynh hướng trong tôn giáo là tính tôn giáo và tính thần thoại. Khuynh hướng tôn giáo xuất hiện trong cả dân tộc sơ khai nhất cũng không thực hành ma thuật trong khi khuynh hướng thần thoại đầy dẫy ma thuật mê hoặc.[30][31] Người đứng đầu trường phái Viên là Schmidt cho rằng các yếu tố thần thoại trong tôn giáo là lớp vỏ về sau che khuất hình ảnh siêu việt, thuần khiết của một Thượng Đế duy nhất ban đầu.[26]
Một số tác giả phân biệt thần thoại và tôn giáo bằng cách thu hẹp khái niệm của người đi trước. W. Wundt tin rằng tôn giáo chỉ hiện diện khi có đức tin vào thần thánh, trong khi thần thoại bao hàm niềm tin vào linh hồn, ma quỷ, linh tính con người và động vật, đó chỉ là sự mầm mống ban đầu của tôn giáo.[32] Theo P. Ehrenreich, thần thoại lúc đầu không mang tính tôn giáo và chỉ trong giai đoạn phát triển sau này mới gắn liền với tôn giáo.
Ngược lại với thuyết pramonotheism, những người mác-xít coi tôn giáo như một hiện tượng tiêu cực, còn thần thoại mang giá trị văn hóa tích cực, chính tôn giáo trộn lẫn vào đã làm hỏng thần thoại.[26] Trencsényi-Waldapfel tin rằng tôn giáo là lực lượng phản động đề nén con người trước thế lực thần bí, còn thần thoại là lực lượng tiến bộ tạo nên hình ảnh anh hùng tích cực và các vị thần đẹp đẽ hiện thân cho sự hoàn thiện nhất của con người. Theo ông, trong xã hội nguyên thủy, thần thoại nằm trong tôn giáo, nhưng sau này, khi xã hội không giai cấp chuyển sang có giai cấp, thần thoại tách ra khỏi tôn giáo. Thần thoại trở thành phần tiến bộ của trí tưởng tượng, trong đó con người tự ý thức đấu tranh chống lại tôn giáo, cố gắng giải phóng khỏi phụ thuộc vào thế giới tự nhiên.[33] S. A. Tokarev lưu ý rằng các kết luận của Trencsényi-Waldapfel chủ yếu dựa trên thần thoại Hy Lạp phát triển sau này.
Thần thoại cung cấp nguyên liệu cho tín ngưỡng và là yếu tố cốt lõi nhất của tôn giáo. W. Robertson-Smith viết rằng cơ sở các tôn giáo cổ đại không phải là tín ngưỡng và giáo luật, mà là các hoạt động nghi lễ yêu cầu thành viên cộng đồng bắt buộc tham gia. Trong nhiều tôn giáo, yếu tố thần thoại chỉ mang tính thứ yếu. Nhờ đó, ví dụ như thần thoại Hy Lạp cổ đại phát triển đặc biệt mạnh mẽ và đa dạng, không có bản chất của tôn giáo. Con người có quyền tin vào thần thoại hay không. Những người tri thức có thể phủ nhận thần thoại miễn là họ vẫn tôn trọng và tham gia nghi lễ dâng lên các vị thần bảo trợ thành phố. Trong một số tôn giáo, khía cạnh thần thoại chỉ giữ vai trò kín đáo, có khi hầu như không tồn tại, ví dụ trong Nho giáo. Thần thoại và tôn giáo có điểm chung là sự nhân cách hóa tưởng tượng. Do đó, ở giai đoạn đầu phát triển, các ý tưởng thần thoại xâm nhập vào tôn giáo. Các sự kiện thần thoại đề cập đến quá khứ xa xôi (thời đại thần thoại). Trong tôn giáo, có những thần thoại thờ cúng gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng và ma thuật, đến lượt nghi thức lại là một cách thể hiện đặc trưng của thần thoại, thuộc về thời đại thần thoại, gắn liền với những nhân vật thần thoại, do đó trở bí ẩn thiêng liêng. Hợp nhất các nghi thức tín ngưỡng ma thuật, thần thoại tạo thành một bộ phận thiết yếu trong nội dung tôn giáo. Ở giai đoạn phát triển muộn hơn, thần thoại trở thành giáo điều tôn giáo. Nhưng trong một quy mô thần thoại lớn (như ở Hy Lạp), thực tế là các ý tưởng triết học trừu tượng có thể được khoác bên ngoài chiếc áo thần thoại. Thần thoại cả ở giai đoạn đầu và giai đoạn sau đôi khi vẫn có thể phần nào đứng độc lập khỏi tôn giáo.[26]
Một số truyện cổ tích đôi khi được coi là "thần thoại suy thoái". Một số nhà nghiên cứu lại coi thần thoại là một dạng cổ tích.[34] Ngược lại, những người khác có xu hướng gọi câu chuyện thời nguyên thủy xa xưa là thần thoại.[35]
V. Propp thừa nhận bản sắc thần thoại và cổ tích, nhấn mạnh vai trò của tín ngưỡng để hiểu được thần thoại. Ví dụ như mô típ Táo vàng có thể thấy trong thần thoại về Heracles lẫn trong truyện cổ tích Nga về Ivan Tsarevich. Tuy nhiên, Hercules là một vị thần Hy Lạp được người cổ đại thờ phụng còn Ivan Tsarevich không hơn gì một nhân vật anh hùng nghệ thuật. Propp cho rằng đó là khác biệt chính giữa truyện cổ tích và thần thoại.[36]
Chức năng chính của thần thoại là giải thích, hướng đến nghi lễ và tính thiêng liêng, trong khi cổ tích có tính giải trí, răn dạy đạo đức và đầy chất văn thơ. Người kể và người nghe đều cảm nhận tính hiện thực của thần thoại mà coi cổ tích là hư cấu. Thần thoại xuất hiện trong thời tiền sử, còn văn học dân gian diễn ra như kiểu ngoại truyện lịch sử.[37]
Thuyết thần thoại lịch sử (euhemerism) đã có từ thời cổ đại với quan niệm thần thoại là những tường thuật bóp méo sự kiện lịch sử có thật. Thuyết này lấy theo tên nhà thần thoại Euhemerus (khoảng năm 20 TCN), người cho rằng các vị thần tiến hóa từ truyền thuyết về con người mà ra. Ông và các triết gia khác nỗ lực không loại bỏ di sản văn hóa nhưng diễn giải lại một cách hợp lý.[38] Một nguyên nhân là thời xa xưa những người kể chuyện (truyền khẩu) nhiều lần điều chỉnh và mở rộng nội dung khiến một số nhân vật đạt tới địa vị thần thánh.[39] Ví dụ khác vào thế kỷ 19, nhà thần thoại học Thomas Bulfinch đề xuất thần gió Aíolos bắt nguồn từ một vị vua lịch sử đã dạy dân mình cách chèo thuyền.[40] Nhà sử học Herodotos (thế kỷ 5 TCN) và triết gia Pródikos đề xuất những cách giải thích tương tự.[39]
Nửa đầu thế kỷ 19, đặc biệt vào thời Lãng mạn Đức bén rễ ý tưởng thần thoại cơ bản là những câu chuyện về giới tự nhiên. Theo đó, thần thoại mô tả khí tượng và vũ trụ còn các vị thần đại diện thế lực tự nhiên. Quan điểm này càng trở nên phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn thông qua nhà ngữ văn người Đức Max Müller (1823-1900). Theo Müller, thần thoại nảy sinh là do tên các hiện tượng tự nhiên đã bị hiểu nhầm theo thời gian. Ví dụ câu chuyện người anh hùng đánh bại quái vật chỉ đơn giản là ban ngày xua tan bóng đêm. Tuy nhiên, vấn đề chưa có lời giải là vì sao các hiện tượng tự nhiên có thể quan sát tương đối rõ ràng lại cần phải phức tạp hóa quá nhiều thành các phúng dụ xa cách đến vậy. Từ đó đưa đến ý kiến cho rằng không phải tất cả thần thoại đều mô tả thiên nhiên.[41]
Thần thoại nghiễm nhiên được coi là có liên hệ với tôn giáo, mà mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học vẫn nằm trong vòng tranh cãi, kết quả là tranh luận về mối quan hệ giữa thần thoại và khoa học cũng không có hồi kết. Thần thoại được coi là ngang hàng với khoa học, thậm chí còn được đánh đồng với khoa học, là tiền thân của khoa học.[42] Một lý thuyết lỗi thời nhưng có giá trị đặc biệt là của Andrew Lang (1844-1912) và nhà nhân chủng học nổi tiếng Edward Burnett Tylor (1832-1917). A. Lang phản đối thần thoại phúng dụ tự nhiên, đã coi thần thoại là một dạng của khoa học nguyên thủy, có tính căn nguyên hoặc giải thích.[43] Tylor cũng coi thần thoại là nỗ lực tiền khoa học của bộ óc nguyên thủy để giải thích sự tồn tại của con người và môi trường xung quanh.[44][45][46] Cụ thể, Tylor đưa ra mô hình từ thấp đến cao: thần thoại → tôn giáo → khoa học → triết học một cách chi tiết. Đối với Tylor, triết học có hai mặt: nguyên thủy và hiện đại. Triết học nguyên thủy đồng nghĩa với tôn giáo nguyên thủy, còn khoa học không tồn tại. Ngược lại là triết học hiện đại. Tôn giáo hiện đại không còn tính thần thoại mà bao gồm siêu hình học và đạo đức, điều mà tôn giáo nguyên thủy thiếu. Theo mô hình này, linh hồn trong tôn giáo hiện đại sẽ là phi vật chất và chỉ giới hạn ở các cá nhân, còn linh hồn trong tôn giáo nguyên thủy là vật chất.[47]
Mô hình phân cấp trên là quan điểm điển hình ở thế kỷ 19 với ý tưởng cho rằng thần thoại đại diện mang tính biểu tượng về thế giới tự nhiên.[48] Tuy nhiên, không phải tất cả thần thoại đều liên quan đến sự vật vận động. Hơn nữa, cách tiếp cận này đặt giả định thần thoại chống lại tính hiện đại, tính hợp lý và tính khoa học: Thần thoại giải thích thế giới (mục đích tốt đẹp hơn) nhưng kể từ khi khoa học lãnh trách nhiệm này, dẫn đến thần thoại theo định nghĩa sẽ gắn liền với các xã hội không có khoa học.[49] Sang đến thế kỷ 20, nhiều lý thuyết phản bác điều này.[48] Ví dụ, dựa trên cơ sở phân tích cấu trúc thần thoại, Lévi-Strauss viết "Logic thần thoại cũng chặt chẽ như logic khoa học hiện đại, và [...] sự khác biệt nằm ở chỗ, không phải chất lượng của quá trình tư duy mà trong bản chất sự vật áp dụng điều đó".[50] Dù vậy, nhận thức chuyển đổi thần thoại sang lý trí trong thế kỷ 20 vẫn còn nhiều mâu thuẫn dai dẳng.[51]
Mối liên hệ giữa nghi lễ và thần thoại đã được các nhà nghiên cứu ghi nhận từ lâu. Nghi lễ giống như kịch hóa một thần thoại, đến lượt thần thoại lại giải thích cho nghi lễ. Mối liên hệ này được thể hiện rõ ràng nhất trong thần thoại tôn giáo. Nhưng về bản chất quan hệ này còn có các ý kiến khác nhau. Đại diện các trường phái thần thoại và tiến hóa tin rằng thần thoại (tín ngưỡng) có trước nghi lễ. Quan điểm này của J. Grimm, A. N. Afanasyev, E. Taylor, H. Spencer, J. Lippert và những người khác. Vào thập niên 1880, quan điểm trái ngược nảy sinh và nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ W. Robertson-Smith, R. Marette và A. van Gennep. Theo R. Lowie, trong "thần thoại nguyên thủy", "toàn bộ nghi lễ chỉ đơn giản được phóng chiếu vào quá khứ, giống như do một đấng siêu nhiên dạy dỗ hoặc người thiết lập nghi lễ được bí mật chứng kiến các đấng siêu nhiên thực hiện".[52] Nhà văn học dân gian Nga N. Poznansky, người nghiên cứu thuật chú zagоvor dân gian, cho rằng phần chú ngữ bao hàm thành tố thần thoại "phát triển từ thuật phù thủy".[53] Theo hướng nghiên cứu chủ nghĩa Mác, vấn đề này được I. I. Skvortsov-Stepanov nghiên cứu và đặc biệt là công trình của Yu. P. Frantsev.[52] Trường phái về sau này chỉ ra rằng thần thoại phát triển có điểm khởi đầu là tôn giáo hoặc nghi lễ ma thuật.[54] Nhà dân tộc học Hoa Kỳ J. Fontenrose[55] và nhà văn hóa dân gian Liên Xô E. M. Meletinsky[56] chỉ trích lý thuyết nghi lễ mang tính phiến diện hoang đường. Lý thuyết thần thoại nghi lễ thịnh hành cho đến thập niên 1950, khi nhà khoa học Pháp C. Lévi-Strauss lên tiếng chống lại từ quan điểm lý thuyết cấu trúc luận về thần thoại. Ông viết về tính độc lập của thần thoại như một loại cấu trúc thuần túy logic, chỉ tuân theo các quy luật riêng của nó. Tuy nhiên, lý thuyết nghi lễ thần thoại vẫn tồn tại, mặc dù nhiều nhà nghiên cứu lưu ý rằng ảnh hưởng thần thoại ngược lại đối với nghi thức vẫn thường diễn ra. Theo Meletinsky, nghi lễ đại diện cho một khía cạnh trong phức hợp nghi lễ-thần thoại khá hiệu quả.[3]
Học giả tôn giáo và dân tộc học người Anh J. Frazer trong tác phẩm The Golden Bough đã thu thập từ các mảnh ghép và tái tạo một hệ thống thần thoại cổ đại, về cơ bản là nông nghiệp, được xây dựng dựa trên các nghi lễ sùng bái khác nhau. Tôn giáo nông nghiệp cổ đại bao gồm các hành động ma thuật tác động lên đất đai cho cây trồng, lời cầu nguyện đến các vị thần bảo trợ cho nông nghiệp, và nhiều câu chuyện thần thoại (hầu hết đã mất) khác nhau về những vị thần này. Nghiên cứu của Frazer cho rõ ràng nhất sự kết hợp chặt chẽ giữa thần thoại và nghi thức sùng bái thần Osiris ở Ai Cập.[52]
Trong các Sách Phúc Âm có một số chủ đề được coi là những nghi lễ được thần thoại hóa. Vì vậy, câu chuyện Chúa Giêsu chịu báp-têm có thể chứa đựng chi tiết lịch sử nhưng căn bản đã đại diện cho một cơ sở thần thoại mới về nghi lễ truyền thống dùng nước thanh tẩy. Có nhiều ví dụ về sự tương đồng giữa nghi lễ trong dân gian và trong nhà thờ, chúng đều được bắt nguồn từ các câu chuyện trong sách Phúc Âm. Điều này dễ thấy trong các kỳ lễ theo lịch và lễ hội của các dân tộc Châu Âu. Cùng với các phong tục và nghi lễ bản địa (thường có nguồn gốc tiền Thiên Chúa giáo), có rất nhiều phần bày tỏ các chi tiết Phúc Âm như: thời Trung Cổ thần bí hóa cũng như làm cho tưng bừng Lễ Giáng Sinh, Sự khổ nạn của Chúa, Chúa vào thành Jerusalem cho đến Chúa Phục sinh đều trở thành truyền thống đặc trưng đến tận ngày nay. Trong hầu hết các trường hợp, các màn trình diễn tôn giáo ấy mất dần đi nghi thức nghiêm ngặt mà trở thành sự kiện vui vẻ cho dân chúng, rồi quay ngược lại biến thành phụng vụ chính thức trong nhà thờ.[52]
Nhà triết học Pháp Lucien Lévy-Bruhl (1857–1939) đương thời đã phản đối quan điểm thần thoại đối chiếu cổ điển và cho rằng suy nghĩ của người nguyên thủy cơ bản là khác biệt. Người nguyên thủy có tư duy đơn giản là phi logic. Quan điểm phương Tây nhìn nhận người nguyên thủy tự coi mình và tất cả thiên nhiên là một tổng thể thần bí, trong thực thể này đồng thời lại có thực thể khác. Không có chỗ cho sự khác biệt cá thể, từ đó người nguyên thủy nhận thức thế giới rất khác biệt. Đối với Lévy-Bruhl, triết học khi đó hoàn toàn trừu tượng nên tôn giáo chưa được bao hàm và tư tưởng thần thoại cũng vậy. Ông xem thần thoại không phải là nỗ lực đơn giản dùng trí tuệ để hiểu thế giới mà để giao tiếp với thế giới thông qua các động lực cảm xúc.[57]
Phản ứng với quan điểm coi đặc tính thần thoại là căn nguyên tự nhiên, nhà nhân chủng học Ba Lan Bronisław Malinowski (1884-1942) cho rằng thần thoại thực sự như một loại điều lệ, định ước của xã hội.[58] Thần thoại là sự hợp lý hóa và hợp thức hóa các hiện tượng xã hội như truyền thống hay vương quyền: "Chức năng thần thoại (...) là củng cố và mang lại cho truyền thống một giá trị, vị thế lớn hơn bằng cách đưa nó trở lại cao hơn, tốt hơn, đẹp hơn lúc ban đầu."[59] Có thể thấy điều này qua Aeneis của Vergilius. Tuy nhiên, quan điểm này cũng theo chủ nghĩa phổ quát một cách nghiêng lệch và tiếp cận xã hội như một thể tĩnh tại mà bản chất xã hội lại không phải như vậy. Bởi đó, học trò của Malinowski là E. R. Leach nhận xét: "[Thần thoại] và nghi lễ là ngôn ngữ ký hiệu thể hiện đặc quyền và địa vị xã hội, ngôn ngữ này có tính tranh biện chứ không phải một âm hưởng hòa hợp."[60] Quan điểm cho rằng xã hội là động lực thúc đẩy thần thoại (hình thành) tạo cơ sở cho cách tiếp cận này, và do đó có liên quan đến quan điểm xã hội học Durkheim và Franz Boas.[61]
Một cách tiếp cận khác là theo hướng bản chất tâm lý hoặc phân tâm học chuyên sâu, trong đó thần thoại, cổ tích, diễn tả nghệ thuật và những thứ tương tự được coi là biểu hiện của các yếu tố bị kìm nén, ham muốn và sợ hãi trong tiềm thức. Sigmund Freud (1856-1939) thực hiện điều này trong Totem und Tabu (Totem và cấm kỵ). Ông lấy thần thoại Hy Lạp cho các lý thuyết phân tích tâm lý của mình, chẳng hạn như Phức cảm Ơ-đíp. Cách tiếp cận này cũng đã được áp dụng cho các thể loại văn học khác như truyện cổ tích[62] và tiểu thuyết hiện đại.[63]
Tuy nhiên nội dung chính của phương pháp nghiên cứu đến từ nhà tâm thần học Thụy Sĩ Carl Jung (1875-1961). Ông lưu ý rằng trong giấc mơ, tưởng tượng và biểu hiện sáng tạo của trẻ em có nhiều động khác nhau để xuất hiện liên tục ở cả người bệnh tâm thần và người bình thường. Hiện tượng này nói lên có một điều gì đó thiết yếu về tâm trí con người. Cũng giống như tất cả mọi người tương đồng về cơ thể, tâm trí cũng phải có một bản chất phổ quát chung. Tập thể vô thức này là những gì được phản ánh trong thần thoại và biểu tượng. Bằng cách nghiên cứu thần thoại và biểu tượng này, nguyên mẫu có thể được công thức hóa, mà Jung lấy cảm hứng từ tác phẩm của Bastian.[64] Do đó đối với Jung, thần thoại chủ yếu liên quan đến bối cảnh của từng cá nhân. Mục đích nghiên cứu tâm lý của Jung nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc về tiềm thức để người hiện đại có thể hiểu bản thân mình hơn.[65]
Tâm lý hóa thần thoại và những điều tương tự đã được phỏng theo nhiều. Nhà tâm lý học Erich Neumann (1906-1960) cố gắng đối chiếu tiến hóa ý thức với cơ sở truyền thống thần thoại.[66] Lấy cảm hứng từ thần thoại đối chiếu và tâm lý học phân tích, tâm lý học chiều sâu của Jung, nhà thần thoại học Joseph Campbell cho ra đời nhiều tác phẩm về thần thoại, tôn giáo đối chiếu và duy linh. Ý định của Campbell thể hiện trong The Hero with a Thousand Faces (Người hùng mang ngàn gương mặt):
“ | ... để soi sáng sự thật ẩn giấu khỏi chúng ta bên dưới những hình tượng tôn giáo và thần thoại bằng cách ghép vô vàn mẫu không quá khó và để ý nghĩa cổ xưa tự nhiên xuất lộ. Những thầy dạy cổ biết về điều họ đã nói. Một khi chúng ta học được cách đọc ngôn ngữ biểu tượng của họ, thì chỉ cần tài năng của một nhà soạn hợp tuyển văn học là có thể nắm được những giảng dạy đó. Nhưng trước tiên phải học được ngữ pháp của biểu tượng, còn như chìa khóa giải mã bí ẩn này, tôi biết không có công cụ hiện đại nào tốt hơn phân tâm học.[67] Nguyên văn ...to uncover some of the truths disguised for us under the figures of religion and mythology by bringing together a multitude of not-too-difficult examples and letting the ancient meaning become apparent of itself. The old teachers knew what they were saying. Once we have learned to read again their symbolic language, it requires no more than the talent of an anthologist to let their teaching be heard. But first we must learn the grammar of the symbols, and as a key to this mystery I know of no better modern tool than psychoanalysis. |
” |
Ngoài việc đưa vào bối cảnh khoa học hoặc tôn giáo, thần thoại cũng được tiếp cận từ quan điểm văn học. Trong thời đại Victoria, các tác gia cổ điển như Jane Harrison, Gilbert Murray và Francis Cornford coi thần thoại là nguồn gốc của văn học. Dựa trên Frazer, Harrison và Murray cho rằng thần thoại lúc đầu chỉ đơn thuần mô tả nghi lễ nhưng về sau đã được văn học hóa.[68]
Trong nửa đầu thế kỷ 20, những cách tiếp cận mới theo hướng ngôn ngữ học trở nên thịnh hành, chịu ảnh hưởng của nhà triết học Ludwig Wittgenstein, nhà nhân chủng học Franz Boas và đặc biệt là nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure. Những cách thức này cùng với chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa cấu trúc có chung nền tảng ngôn ngữ học và đặc điểm mang tính hình thức, hệ thống. Những quan điểm này được áp dụng rộng rãi xuyên suốt thế kỷ.[69]
Hình thức luận là sự phân tích kỹ càng các chuyện kể một cách hình thức. Viẹc này chủ yếu liên quan đến phân tích hình thức văn học cụ thể, trong đó nguồn gốc, tâm lý cùng với nhiều khía cạnh khác không được tính đến.[70] Chủ nghĩa hình thức Nga giữ vai trò đặc biệt quan trọng với những đại diện như Roman Jakobson và nhà cấu trúc luận Vladimir Propp.[71] Propp phân tích truyện cổ tích và kết luận rằng luôn tìm được những mẫu giống nhau. Ông thậm chí còn liệt kê được 31 mẫu chính thức, tạo nên hệ thống tổng hợp ổn định và phổ biến. Theo Propp, các hình mẫu này và những thành phần của chúng có thể đối chiếu độc lập không cần kể đến ngữ cảnh riêng. Một số thành tố nhất định cũng có thể được thay thế (một cách có hệ thống) theo thời gian, giúp cho cách tiếp cận này trở nên rõ ràng hơn. Việc nghiên cứu không nhất thiết phải bỏ qua các nguyên liệu thần thoại.[72]
Chủ nghĩa cấu trúc, giống như chủ nghĩa thực chứng, theo nhiều cách đối lập với các cách tiếp cận thông diễn học. Ý tưởng cốt lõi là khoa học xã hội và nhân văn nên được tiếp cận giống như khoa học tự nhiên. Chủ nghĩa cấu trúc có cơ sở ngôn ngữ học và triết học mạnh mẽ và cho rằng các hiện tượng xã hội được xác định một cách vô thức do các cấu trúc siêu cá thể hoặc hệ thống ký hiệu.[73] Các cấu trúc này hoạt động ngoài ý muốn cá nhân và hiện diện khắp mọi nơi. Trước thời Lévi-Strauss (xem bên dưới), cách tiếp cận chủ nghĩa cấu trúc có thể tìm thấy chủ yếu trong phân tích văn học nhưng cũng áp dụng trong thần thoại đối chiếu của nhà nghiên cứu Ấn-Âu Georges Dumézil (1898-1986). Trong nghiên cứu thần thoại Ấn-Âu đối chiếu, Dumézil tin rằng đã tìm thấy bằng chứng phân loại gốc Ấn-Âu là quyền tối cao, chiến binh và sự sinh sôi. Dumézil nhìn ra phân loại ba bên này trong thần thoại, nghi lễ tôn giáo và tổ chức chính trị xã hội.[74]
Nhà nhân chủng học có ảnh hưởng lớn là Claude Lévi-Strauss sử dụng ý tưởng chủ nghĩa cấu trúc để nghiên cứu dân tộc ký. Giống như Jung, quan điểm của Lévi-Strauss đề cao tiềm thức, tất cả khả năng và trải nghiệm cuối cùng đều được xác định và giới hạn do cấu trúc tâm trí con người.[75][76] Ông coi tổ chức xã hội, quan hệ họ hàng, huyền thoại và những thứ tương tự như ký hiệu phải được nghiên cứu và so sánh. Middleton phát biểu "Với Claude Lévi-Strauss, thần thoại là hệ thống có cấu trúc để tham chiếu trong đó tập hợp các quan hệ nội tại được dùng để ánh xạ cấu trúc tập hợp quan hệ khác, nội dung thì có thể biến đổi không ngừng và không quan trọng một cách tương đối."[77]
Phương pháp này đến với thần thoại học vào năm 1955. Thần thoại phải được phân tích và chia nhỏ ra các thành tố, sau đó mỗi thành tố được phân loại vào các chủ đề thông dụng. Nguyên tắc tạo thành ký hiệu cũng được xem xét. Sau khi đối chiếu, chủ đề, thông điệp và cấu trúc chính của thần thoại sẽ trở nên rõ ràng.[78] Điều này liên quan đến văn hóa và tâm trí con người.[79] Trong bộ 4 tập Mythologiques (1969-1981), Lévi-Strauss trình bày kỹ lưỡng ý tưởng và nghiên cứu về thần thoại của mình. Mục đích nghiên cứu là thiết lập phương pháp luận và logic thần thoại một cách chắc chắn.[80] Khác với Lévi-Bruhl, ông quan điểm rằng nền văn hóa "nguyên thủy" về cơ bản không khác "hiện đại" và cũng hoàn toàn logic.[75] Ví dụ, trong Mythologiques tập một Le Cru et le Cuit (Sống và chín), ông xem xét phân biệt giữa thực phẩm sống và nấu chín, tương đồng với sự khác biệt giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố văn hóa trong xã hội, giữa thế tục và thiêng liêng trong tôn giáo, giữa khoảng lặng và tiếng động trong âm thanh. Những hình mẫu logic như vậy có thể tìm thấy trong thần thoại và cần thiết để hiểu rõ tâm trí con người trong nền văn hóa đang nói tới.[81] Cuối cùng, Lévi-Strauss coi thần thoại là nỗ lực chính đáng được kịch hóa dưới dạng chuyện kể để giải quyết những căng thẳng trong xã hội.[46]
Từ giữa thế kỷ 19, các chuyên gia về thần thoại và văn học dân gian, đặc biệt là các nhà dân tộc học nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa các truyền thống thần thoại khác nhau rải rác trên khắp thế giới. Họ tìm kiếm khuôn mẫu chung tương ứng trong nhiều nền văn hóa.[82] Bất chấp sự khác biệt về thời gian, địa điểm và bối cảnh văn hóa lịch sử, những điểm tương đồng ấy được xem xét nghiên cứu. Ví dụ, nhà khoa học Đức Adolf Bastian (1826-1905) đưa ra lý thuyết ý tưởng cơ bản phổ biến của nhân loại nói chung.[61]
Frazer mở rộng điều này trong The Golden Bough. Ông khám phá các mẫu khác nhau dựa trên tất cả các loại thần thoại, nghi lễ và dân gian truyền thống trải rộng trên toàn cầu. Hoặc ngược lại có thể lấy một thần thoại nhất định, rồi tìm kiếm những điểm tương đồng trong các truyền thống khác, từ đó đi đến một mô hình phổ quát. Điển hình của cách thức này có thể kể đến The Hero with a Thousand Faces (1949) của Joseph Campbell chịu ảnh hưởng từ Bastian. Tuy nhiên, phương pháp này đặt ra nghi vấn về tiêu chí chọn mẫu cũng như đoán định sai lầm. Tính địa phương đặc trưng cũng bị bỏ qua, và không xét đến yếu tố văn hóa xã hội ẩn chứa trong đó. Thực tế môi trường xung quanh thần thoại của một nhóm người cụ thể không được đưa vào đánh giá.[83] Nói chung, tiếp cận này bị coi là lỗi thời và không còn phổ biến trong nghiên cứu thần thoại nữa.[84]
Phương pháp thần thoại đối chiếu mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 và vẫn còn tiếp tục phát triển. Nghiên cứu đương đại về nguồn gốc văn hóa lịch sử của thần thoại và mối quan hệ giữa các nền văn hóa của chúng cũng có tính chất liên ngành. Thần thoại đối chiếu không chỉ sử dụng thông tin văn học, lịch sử, khảo cổ, mà còn chú trọng cả ngôn ngữ như một phương tiện truyền tải thần thoại. Phương pháp này giúp khám phá chính xác việc trao đổi và phổ biến thần thoại giữa các nhóm không có quan hệ trực tiếp với nhau, cùng với chứng mình thần thoại nguyên thủy đã phân nhánh trong nhiều thiên niên kỷ thành các thần thoại khác nhau. Ví dụ, từ nguyên của tên gọi các vị thần có thể ám chỉ nguồn gốc và đặc điểm ban đầu. Những cái tên tương tự nhau cũng có thể chỉ ra mối quan hệ giữa các vị thần từ các nền văn hóa khác nhau. Một số lượng lớn công trình nghiên cứ theo cách thức này đã được thực hiện về thần thoại Proto-Semitic và Ấn-Âu.[85]
Cách tiếp cận bí truyền (thuật ngữ và phân loại còn gây tranh cãi) bị giới học thuật coi là giả khoa học. Thần thoại được xem như những câu chuyện có thể chắt lọc thông tin lịch sử và truyền tải khôn ngoan bí truyền. Ví dụ như Mythen en hun esoterische betekenis (Thần thoại và ý nghĩa bí truyền) của Jan van Dijk (1933), cách tiếp cận gần gũi với Jung và Campbell nhưng không có gì hiện đại mới mẻ. Hoặc như người theo thuyết Hermeticism cổ đại cũng nhìn ra sự thật mới trong các đã nhìn thấy sự thật mới trong thần thoại, đặc biệt ở Ai Cập, ví dụ Isis được coi là ngụ ngôn sáng thế có liên hệ tới học thuyết siêu hình.[83]
Ví dụ điển hình khác thời hiện đại là ý tưởng của Erich von Däniken trong Chariots of the Gods (Chiến xa các vị thần) (1968), theo dấu vết tiếp xúc với các nền văn minh ngoài Trái đất trong các đồ tạo tác, kiến trúc và văn bản cổ đại. Hay như công trình The 12th Planet (1976) của Zecharia Sitchin (1920-2010) đề xuất rằng thần thoại Sumer cung cấp bằng chứng về hành tinh thứ 12 trong Hệ Mặt Trời tên là Nibiru, cư dân ở đó (anunnaki) đã đến thăm Trái đất trong quá khứ xa xôi. Bên ngoài giới học thuật vẫn còn tranh cãi về tính hợp lệ của những lý thuyết như vậy.[86]
Một cách giải thích đương đại về thần thoại như là dấu hiệu chủ yếu ám chỉ tự nhiên thiên văn học được phát triển trong tác phẩm của Giorgio de Santillana và Hertha von Dechend, với lập luận rằng các vị thần đều là những tinh tú quan sát được, những người lập luận rằng tất cả các vị thần đều là các vì sao, thường đi ngược với trường phái Jung như những điều do Campbell đưa ra.[87]
Trong hệ thống các tôn giáo phổ biến (Phật giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo,...) chứa đựng nhiều thành tố thần thoại khác nhau. Tuy nhiên, thần thoại theo nghĩa hẹp thường bị hệ tư tưởng tôn giáo chối bỏ và gạt ra khỏi vị trí của nó. Còn xã hội nói chung, yếu tố thần thoại (theo nghĩa chung nhất) nằm trong các nền văn hóa, ý thức hệ cận đại và hiện đại, chủ yếu trong văn hóa đại chúng.[88]
Về mặt lịch sử, thần thoại đóng vai trò là mô hình chính của bất kỳ hệ tư tưởng nào và là nguồn đồng bộ của nhiều loại hình văn hóa như văn học, nghệ thuật, tôn giáo, triết học và thậm chí cả khoa học. Sự khác biệt hóa về tính đồng bộ thần thoại-nghi lễ lúc ban đầu của văn hóa (đặc biệt khi triết học và khoa học phát triẻn) đòi hỏi ý thức xã hội phải được "giải thần thoại hóa" (demythologization) phần nào, nhưng việc này không thể hoàn toàn mà luôn mang tính tương đối. Và định kỳ nó lại được thay thế bằng "tái thần thoại hóa" (remythologization), đặc biệt diễn ra trong thời hiện đại. Thế kỷ 20 ghi dấu sự phát triển nhanh chóng của tư tưởng khoa học kỹ thuật và sự vỡ mộng đối với chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa tiến hóa và hy vọng "khai sáng". Trái ngược với ý kiến các nhà thực chứng ở thế kỷ 19, thực tế cho thấy khoa học không thể thay thế hoàn toàn thần thoại vì không giải quyết được các vấn đề siêu hình như ý nghĩa cuộc sống, triết học lịch sử,... trong khi thần thoại có thể là giải pháp, đưa những vấn đề khó giải quyết trở nên dễ hiểu và dễ xử lý hơn. Thần thoại mang lại cảm giác hài hòa giữa xã hội và tự nhiên (vũ trụ).[3]
Thần thoại của nền văn minh kỹ thuật[89] có cơ sở là tính hợp lý khi cố gắng loại bỏ những điểm mơ hồ, đưa về những vấn đề có thể giải thích được. Khi gặp phải một vấn đề mới chưa được biết đến, chính bản thân khoa học tạo ra những thần thoại "nhận thức luận" (khám phá "kênh đào" trên sao Hỏa, sự sống trong vũ trụ,...)[90] được khoa học hư cấu khi sử dụng.[91] Truyền thuyết đô thị càng ngày càng phát triển trong các thành phố lớn.[92][93]
Bên cạnh đó, ngoài các nhân vật thần thoại có từ lâu, thế giới hiện đại cũng nảy sinh những sinh vật thần thoại mới. Ví dụ như sinh vật Gremlin xuất hiện vào thập niên 1920, cũng như một số lượng lớn các nhân vật trong truyền thuyết đô thị và "văn học dân gian hiện đại". Có những nhân vật tiếp tục đặc trưng của linh thể cổ xưa như trường hợp Shubin trong các hầm mỏ thuộc tín ngưỡng Slav. Hay như các siêu anh hùng điện ảnh, hoạt hình và truyện tranh được tạo dựng theo nguyên tắc thần thoại: Indiana Jones, Ninja Rùa, Người nhện, Người Dơi,... Tất cả những nhân vật này đều có nền tảng anh hùng thần thoại, sở hữu khả năng đặc biệt và thực hiện kỳ công vì lợi ích nhân loại. Cần lưu ý rằng cũng giống như ngày nay, văn hóa truyền thông đại chúng đã tồn tại trong Đế quốc La Mã nơi lưu truyền sự tích Hercules-Heracles tương tự như vậy.[94][95]
Thần thoại trong văn học thế kỷ 20 được thể hiện bằng thơ (Eliot, Yeats, Pound,...), kịch (Anouilh, Claudel, Cocteau, Giraudoux, O'Neill,...) và đặc biệt với truyện và tiểu thuyết (Mann, Joyce, Moravia, Broch, Langgässer, Frisch, Updike, King, Merril, Arguedas, Asturias, Márquez, Bulgakov,...). Franz Kafka cũng viết về phản thần thoại, để thần thoại bộc lộ ra. Ngay cả các nhà văn dùng nguyên liệu thần thoại truyền thống cũng làm đảo ngược nó ở những mức độ khác nhau. Do đó, văn học đã mô hình hóa bản chất mâu thuẫn thần thoại hóa cả tường minh lẫn ngấm ngầm trong văn hóa và hệ tư tưởng thế kỷ 20. Trái ngược với nhiệm vụ chính vốn có, thần thoại trong văn học hiện đại thế kỷ 20 biến thành phản thần thoại, trở thành biểu hiện của lánh đời và tự kỷ.[3]
|tựa đề=
và |title=
(trợ giúp); Đã định rõ hơn một tham số trong |url lưu trữ=
và |archive-url=
(trợ giúp); Đã định rõ hơn một tham số trong |ngày lưu trữ=
và |archive-date=
(trợ giúp); Đã định rõ hơn một tham số trong |ngày truy cập=
và |access-date=
(trợ giúp)