Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Văn học đời Trần là giai đoạn văn học Việt Nam trong thời kỳ lịch sử của nhà Trần (1225-1400).
Nước Việt dưới đời Trần xuất hiện nhiều thiên tài quân sự, tạo nên những chiến công sáng chói trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, nhân tài đời Trần không chỉ giới hạn trong lãnh vực quân sự, mà còn có rất nhiều nhân vật, nhà văn, thơ kiệt xuất trong lãnh vực văn học.[1] Nếu thi ca và văn chương là nền tảng của tư tưởng Việt, tư tưởng từ đó được hệ thống hóa thành nhân sinh quan và triết lý Việt, thì đóng góp của đời Trần rất quan trọng trong việc phát huy một nền văn hóa thuần túy Việt Nam. Bắt nguồn từ một nhân vật gốc gác ngư dân thuyền chài, không biết gì về văn học, các triều đại nhà Trần đã để lại một nền văn học có phần vượt trội, hơn hẳn đời nhà Lý.[2] Không những thế, dưới các triều đại này việc phổ biến chữ Nôm và Quốc ngữ thi cho ta thấy người Việt đã bắt đầu phát huy một nền văn hóa đầy tự tin và ý thức độc lập, vượt lên khỏi ảnh hưởng sâu đậm của Trung Quốc.[3]
Một trong những lý do văn học đời Trần có những thành tựu tốt đẹp là do việc học được khuyến khích không ngừng qua suốt các đời vua.[4] Năm Kiến Trung thứ tám (1232), vua Thái Tông đã cải tổ lại việc thi cử của đời Lý, mở kỳ thi Thái học sinh để tuyển mộ người hiền; năm Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1243) vua đặt Phạm Ứng Thần làm chức quan Thượng thư tri Quốc tử giám đề điệu, ra lệnh các con quan văn phải vào trường này học; năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười (1247) Thái Tông lập thêm tam khôi: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa để khuyến khích thí sinh; năm Nguyên Phong thứ ba (1253) Thái Tông lập Quốc học viện để giảng dạy, truyền chiếu toàn quốc cho các học giả, khuyên nên vào Quốc học viện giảng đọc Tứ thư Ngũ kinh.[5] Đời Nhân Tông năm Thiệu Bảo thứ ba (1281), vua lập nhà học ở phủ Thiên Trường, cử quan về giảng dạy. Đến đời Phế Đế, năm Xương Phù thứ bảy (1384) lập thư viện ở núi Lạn Kha [6], cử Trần Tông làm trưởng viện giảng dạy học trò, và vua Nghệ Tông thường đích thân thăm viếng. Đời Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 10 vua ban chiếu cấp ruộng học cho các châu phủ có lợi tức, đặt quan Đốc học dạy dỗ các học trò.[7] Các việc trên đây cho thấy tuy trải qua nhiều tai biến binh đao, các vua nhà Trần không hề xao lãng trong việc khuyến khích sự học.
Lý do thứ hai văn học đời Trần có những thành công tốt đẹp là do từ đời Thuận Tông trở về trước, việc học chú trọng về kinh thuật, đào tạo cho người học có bản lĩnh suy luận cơ bản, không chú trọng lối học từ chương. Do đó, nhà Trần có những học giả kiệt xuất như Chu Văn An, Trương Hán Siêu, và những nhà tư tưởng độc lập như Hồ Quý Ly. Có học giả bình luận rằng nhờ vậy văn học đời Trần "...có khí cốt, không ủy mị non nớt như các đời khác..."[8]
Trước đời Trần, văn chương Quốc ngữ nước Việt chỉ có tục ngữ, ca dao, hoặc các loại văn chương bình dân truyền khẩu [9]. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tháng tám, mùa thu năm Thiệu Bảo tứ tư đời Nhân Tông (1282) có con ngạc ngư lớn xuất hiện ở sông Phú Lương, vua sai quan Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên viết bài văn vất xuống sông đuổi cá. Con cá bỏ đi, vua xem việc nầy giống sự tích Hàn Dũ ở Trung Quốc, nên ban lệnh đổi tên họ ông thành Hàn Thuyên [10]. Ông có biệt tài làm được thơ phú bằng chữ quốc ngữ, đặt ra Hàn luật. Theo Dương Quảng Hàm thì Hàn luật chính là Đường luật ứng dụng vào Việt ngữ, và công Hàn Thuyên rất lớn, vì nhờ có ông áp dụng vào thơ phú chữ Nôm, nhiều người bắt chước theo ông, nên nền văn chương chữ Nôm được khởi đầu từ đây [11]. Tại Bách khoa toàn thư Việt Nam viết: Nguyễn Thuyên là người đầu tiên đưa tiếng Việt vào thơ văn, đặt ra thể thơ Hàn luật (kết hợp thơ Đường luật với các thể thơ dân tộc).
Sử chép nhiều người đời Trần bắt chước Hàn Thuyên làm thơ phú quốc âm, gây thành phong trào làm thơ phú và viết văn bằng chữ Nôm [12]. Các bài thơ văn này nay đã thất truyền, nhưng sử còn ghi lại tên một số tác giả và tác phẩm:
Thể loại | Tác phẩm | Số quyển và lưu bản | Tác giả và thời điểm |
---|---|---|---|
Chính trị | Quốc triều thông chế | 20 quyển, nay đã thất truyền. | Soạn năm Kiến Trung thứ sáu đời Thái Tông. |
Kiến trung thường lệ | 10 quyển, nay đã thất truyền. | Soạn đời Thái Tông. | |
Công-văn cách thức | 1 quyển, nay đã thất truyền. | Soạn năm Hưng Long thứ bảy đời Anh Tông | |
Hoàng Triều Đại điển | 10 quyển, nay đã thất truyền. | Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Nghiện đồng soạn đời Dụ Tông. | |
Lý thuyết | Kim cương kinh chú giải | (?) quyển, nay đã thất truyền. | Soạn bởi Trần Thái Tông, không rõ năm. |
Khóa hư lục | 2 quyển | Soạn bởi Trần Thái Tông, không rõ năm. | |
Đoạn sách lục | (?) quyển, nay đã thất truyền. | Soạn bởi Pháp Hoa thiền sư, không rõ năm. | |
Ngọc tiên tập | (?) quyển, nay đã thất truyền. | Soạn bởi Huyền Quang thiền sư, không rõ năm. | |
Thiền lâm thiết chủy ngữ lục | 1 quyển, nay đã thất truyền. | Soạn bởi Trần Nhân Tông, không rõ năm. | |
Thạch thất mỵ ngữ | 1 quyển, nay đã thất truyền. | Soạn bởi Trần Nhân Tông, không rõ năm. | |
Tứ thư thuyết ước | (?) quyển, nay đã thất truyền. | Soạn bởi Chu Văn An, không rõ năm. | |
Minh đạo lục | 14 thiên, nay đã thất truyền. | Soạn bởi Hồ Quý Ly, không rõ năm. | |
Sử truyện | Hoàng triều ngọc diệp | 1 quyển, nay đã thất truyền. | Soạn năm Kiến Trung thứ mười đời Thái Tông. |
Đại Việt sử ký | 30 quyển. | Lê Văn Hưu soạn năm Thiệu Long thứ năm đời Thánh Tông. | |
Việt sử cương mục | (?) quyển, nay đã thất truyền. | Hồ Tông Thốc soạn, không rõ năm. | |
Trung hưng thực lục | (?) quyển, nay còn vài tập. | Soạn đời Nhân Tông, không rõ năm. | |
Tăng già toái sự | 1 quyển, nay còn vài tập. | Soạn đời Trần Minh Tông, không rõ năm. | |
Thiền uyển tập anh | 2 quyển. | Thiền sư(?) Kim Sơn, không rõ năm. | |
Việt điện u linh tập | 1 quyển. | Lý Tế Xuyên soạn, không rõ năm. | |
Thi văn | Thiền tông chỉ nam | 1 quyển | Trần Thái Tông soạn sau khi thoái vị, không rõ năm. |
Thái Tông thi tập | 1 quyển, nay còn vài tập. | Trần Thái Tông soạn, không rõ năm. | |
Thánh Tông thi tập | 1 quyển, nay còn 5 bài. | Trần Thánh Tông soạn, không rõ năm. | |
Nhân Tông thi tập | 1 quyển, nay còn 20 bài. | Trần Nhân Tông soạn, không rõ năm. | |
Đại Hương hải ân thi tập | 1 quyển, nay còn ? | Trần Nhân Tông soạn sau khi xuất gia, không rõ năm. | |
Minh Tông thi tập | 1 quyển, nay còn 10+ bài. | Trần Minh Tông soạn, không rõ năm. | |
Thủy vân tùy bút | (?) quyển, nay còn 9 bài. | Trần Anh Tông soạn, không rõ năm. | |
Nghệ Tông thi tập | 1 quyển, nay còn 7-8 bài. | Trần Nghệ Tông soạn, không rõ năm. | |
Sầm lâu tập | 1 quyển, nay đã thất truyền. | Trần Quốc Toại soạn, không rõ năm. | |
Lạc đạo tập | 1 quyển. | Trần Quang Khải soạn, không rõ năm. | |
Băng Hồ ngọc hác tập | 2 quyển. | Trần Nguyên Đán soạn, không rõ năm. | |
Củng cực ngâm | (?) quyển, nay còn vài bài. | Trần Ích Tắc soạn, không rõ năm. | |
Giới Hiên thi tập | 1 quyển, nay còn 80+ bài. | Nguyễn Trung Nghiện soạn, không rõ năm. | |
Tiểu ẩn thi tập | 1 quyển, nay còn vài bài. | Chu Văn An soạn, không rõ năm. | |
Quốc ngữ thi tập | 1 quyển, nay không còn. | Chu Văn An soạn, không rõ năm. | |
Giáp thạch tập | 1 quyển. | Phạm Sư Mạnh soạn, không rõ năm. | |
Cúc đường di cảo | 2 quyển, nay còn 20 bài. | Trần Quang Triều soạn, không rõ năm. | |
Thảo nhàn hiệu tần | (?) quyển, nay còn vài bài. | Hồ Tông Thốc soạn, không rõ năm. | |
Giáo dục | Cơ cừu lục | 1 quyển, nay không còn. | Trần Thánh Tông soạn, không rõ năm. |
Giáo dục | Di hận tập | 1 quyển, nay không còn. | Trần Thánh Tông soạn, không rõ năm. |
Giáo dục | Bảo hòa dư bút | 8 quyển, nay không còn. | Nguyễn Mậu Tiêu và Phan Nghĩa | đồng soạn đời Nghệ Tông, không rõ năm. |
Giáo dục | Quốc ngữ thi nghĩa | (?) quyển, nay không còn. | Hồ Quý Ly soạn, không rõ năm. |
Quân sự | Binh thư yếu lược | 1 quyển. | Trần Quốc Tuấn soạn, không rõ năm. |