Bài này viết về địa danh Châu Thành ở miền Nam Việt Nam. Đối với các địa danh cùng tên, xem
Châu Thành (định hướng).
Châu Thành là một từ được sử dụng khá nhiều làm địa danh ở miền Nam Việt Nam. Trong lịch sử, danh xưng là một tên chung để gọi “lị sở” hay là “thủ phủ” của tỉnh. Sau biến thành tên riêng của cả loạt “lị sở” hay là “thủ phủ” của nhiều tỉnh ở Nam Kỳ.[1] Ngày nay, địa danh này vẫn còn được sử dụng khá nhiều ở miền Nam Việt Nam, với 11 huyện và 4 thị trấn.
Trong các tài liệu chữ Hán, từ "châu thành" được ghi bằng nhiều cách như "州城", "珠城", "周城". Trừ chữ "thành" 城 có nghĩa thống nhất là "thành lũy", thì chữ "châu" lại có nhiều cách ghi nghĩa khác nhau:
- Châu thành (州城): thành sở của Châu, một đơn vị hành chính ở miền biên ải trong thời phong kiến. Sách Hương Lãm Mai Đế ký chép: 帝遂引兵進據州城分兵拒守, "Vua bèn đem quân chiếm Châu thành, chia quân đóng giữ".[2] Chữ Châu thành trong câu được dùng theo nghĩa này.
- Châu thành (珠城): thành ngọc châu. Từ này được dùng như một biệt danh để chỉ một số thành thị, như thành phố Bạng Phụ, tỉnh An Huy, Trung Quốc.
- Châu thành (周城): bao quanh thành phố.[3][4] Các địa danh Châu Thành tại miền Nam Việt Nam đều được ghi bằng cách ghi này.
Các tài liệu Quốc ngữ định nghĩa từ "châu thành" như sau:[5]
- Châu thành: một khu đất rộng đã lập ra phố phường, dân cư đông đúc: "Hải Phòng là nơi châu thành mới mở" (Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển (1931), Mặc Lâm xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.117)
- Châu Thành: thành thị (ville) (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển (1932), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.157)
- Châu Thành: thành thị. "Châu thành Hà Nội" (Đào Văn Tập, Tự điển Việt Nam phổ thông, A-C, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1951, tr.92)
- Châu Thành: khu đất đã lập thành phố phường, có dân cư đông đúc (Thanh Nghị, Việt Nam tân tự điển, Nhà xuất bản Thời Thế, Sài Gòn, 1952, tr.253)
- Châu Thành: ville, toute la ville; ngoại châu thành: zone suburbaine (Eugène Gouin, Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais, Impimerie D’Extrême-Orient, Saigon, 1957, p. 250)
- Châu Thành: thành thị, thành phố: "nhà ở Cần Thơ, ngay tại châu thành" (Đào Đăng Vỹ, Việt Nam bách khoa từ điển, Quyển 3, Sài Gòn, 1961, tr.161)
- Châu thành: thành thị, khu vực chính một xứ hay một tỉnh, nơi người đứng đầu xứ hay tỉnh trưởng cai trị, thường dân cư đông đúc, mua bán thịnh vượng (Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển, Tập 1, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr.275)
- Châu thành: khu đất đã lập thành phố phường, có dân cư đông đúc: "Ở đây gió bụi châu thành, Mộng vàng một giấc tan tình phấn son" (Ban Tu thư Khai Trí, Tự điển Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1971, tr.187)
- Châu thành: thành phố. "Châu thành Sài Gòn" (Hoàng Phê chủ biên, Từ điển tiếng Việt phổ thông, Tập 1, A-C, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr.198)
- Châu Thành: thành phố; thuộc phạm vi thành phố. "Châu Thành Sài Gòn. Huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre" (Nguyễn Văn Ái chủ biên, Sổ tay phương ngữ Nam Bộ, Nhà xuất bản Cửu Long, 1987, tr.97)
- Châu thành: thành phố. "Châu thành Sài-gòn" (Văn Tân chủ biên, Từ điển tiếng Việt, In lần thứ ba, Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm chỉnh lý và bổ sung, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr.155)
- Châu Thành: thành phố; thuộc phạm vi thành phố. "Châu Thành Sài Gòn. Huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre" (Nguyễn Văn Ái chủ biên, Từ điển phương ngữ Nam Bộ, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.146-147)
- Châu Thành: là một tên chung để gọi “lị sở” hay là “thủ phủ” của tỉnh. Sau biến thành tên riêng của cả loạt “lị sở” hay là “thủ phủ” của nhiều tỉnh ở Nam Kỳ (Nhiều tác giả, Từ điển bách khoa Việt Nam, Tập 1, A-Đ, Trung tâm Biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995, tr.426)
- Châu thành: thành phố (Hoàng Phê chủ biên, Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học, 2004, tr.145)
- Châu thành: 1. vùng đất bao xung quanh, ở cạnh thành phố, thị xã, là đơn vị hành chính cấp huyện. 2. Vùng phụ cận, vùng ven thuộc phạm vi thành phố, thị xã. 3. Chỉ vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn trước kia. (Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.312)
Theo các nhà nghiên cứu, trong văn học dân gian ở Nam Bộ có khá nhiều câu sử dụng từ “châu thành”, mặc dù trong văn bản được viết hoa, nhưng “châu thành” ở đây được dùng như là một danh từ chung, chỉ nơi phố xá đông đúc, văn minh:
- Bước xuống bắc Mỹ Tho thấy sóng xô, nước đẩy
- Bước lên bờ Rạch Miễu thấy nước chảy, cây xanh
- Anh biết chắc nơi đây là đất Châu Thành
- Sao tìm hoài không thấy trong đám bộ hành bóng em.
Hoặc:
- Đất châu thành[6] nam thanh nữ tú,
- Trong vườn thú đủ các thứ chim.
- ...
- Đất châu thành anh ở
- Xứ Cần Thơ nọ em về
- ...
- Nước ròng bỏ bãi bày gành
- Bậu đem duyên đi bán, đất châu thành đều hay.[7]
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi, thì từ “châu thành” xuất hiện muộn nhất vào năm 1859, khi Pháp đánh chiếm Gia Định, suy từ câu ca dao:
- Giặc Lang-sa đánh tới Châu Thành,
- Dù ai ngăn qua đón lại, dạ cũng không đành bỏ em.
Cung theo ông Nguyễn Thanh Lợi, từ "Châu Thành" xuất hiện với tư cách là một địa danh hành chính cấp hạt tham biện (arondissemnent) hay cấp quận về sau này, suy theo 2 câu ca dao sau:
- Đất Châu Thành[8] anh ở,
- Xứ Cần Thơ em trở lộn về.
- ...
- Chiếc tàu Nam Vang đầu đen mũi đỏ,
- Ống khói đỏ đề chữ: Châu Thành.
Trong các tài liệu sử chính thống của triều Nguyễn như Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí đều không ghi lại địa danh nào là Châu Thành ở vùng đất mới. Thậm chí Đại Nam nhất thống chí dù chép rất chi tiết lỵ sở của Tỉnh thành, Phủ trị, huyện trị, nhưng không có địa danh Châu Thành nào.
Từ lúc kiểm soát được tỉnh Gia Định (1862) cho đến khi chiếm được toàn bộ Nam Kỳ (1867), thực dân Pháp vẫn tạm thời duy trì cách phân chia địa giới hành chánh cũ của triều Nguyễn một thời gian. Thời gian này, người Pháp gọi département thay cho phủ, gọi arrondissement thay cho huyện[9] ở những vùng họ chiếm được. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt nhân sự, người Pháp không duy trì bộ máy hành chính ở cấp tỉnh và cấp phủ, mà cố duy trì bộ máy hành chính cũ ở cấp huyện, với sự hợp tác của các quan lại cũ đã đầu hàng, dưới sự giám sát của các Thanh tra bản xứ vụ (inspecteur des affaires indigènes) người Pháp. Mỗi thanh tra phải kiêm quản việc giám sát của nhiều huyện hợp lại thành địa bàn của hạt thanh tra (inspection). Các hạt thanh tra đặt trực tiếp dưới quyền lãnh đạo của Soái phủ Nam Kỳ. Toàn cõi Nam Kỳ bấy giờ có 27 hạt thanh tra như thế.
Mãi đến sau khi chiếm được Nam Kỳ lục tỉnh, năm 1867, thực dân Pháp bãi bỏ một phần phân cấp hành chính của nhà Nguyễn[10]. Cấp phủ hoàn toàn bị bãi bỏ. Các hạt thanh tra được đặt tên lại, hầu hết theo tục danh bằng tên Nôm của địa danh thôn xã nơi đặt lỵ sở hạt thanh tra. Các hạt của Nam Kỳ bấy giờ bao gồm:[11]
- Tỉnh Biên Hòa: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một (Bình An), Long Thành, Thủ Đức (Ngãi An).
- Tỉnh Sài Gòn (Gia Định): Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Giuộc (Phước Lộc), Gò Công, Bình Lập (Tân An), Tây Ninh, Trảng Bàng (Quang Hóa).
- Tỉnh Mỹ Tho (Định Tường): Mỹ Tho, Chợ Gạo (Kiến Hòa), Cần Lố (Kiến Phong), Cai Lậy (Kiến Đăng).
- Tỉnh Vĩnh Long: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.
- Tỉnh Châu Đốc (An Giang): Châu Đốc, Sa Đéc, Sóc Trăng.
- Tỉnh Hà Tiên: Hà Tiên, Rạch Giá.
Theo Nghị định ngày 7 tháng 6 năm 1871, chính quyền thuộc địa thay tên gọi hạt thanh tra "inspection" bằng địa hạt "arrondissement". Người đứng đầu địa hạt được gọi là Chánh tham biện (administrateur).[12] Toàn cõi Nam Kỳ được thu gọn còn 19 hạt:[13]
- Tỉnh Biên Hòa: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một
- Tỉnh Sài Gòn: Sài Gòn, Chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Tây Ninh
- Tỉnh Mỹ Tho: Mỹ Tho
- Tỉnh Vĩnh Long: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Trà Ôn
- Tỉnh Châu Đốc: Châu Đốc, Sa Đéc, Sóc Trăng, Long Xuyên
- Tỉnh Hà Tiên: Hà Tiên, Rạch Giá
Mặc dù vẫn duy trì tên gọi của các tỉnh tương tự như thời Nguyễn, nhưng tên tỉnh không còn bất kỳ một ý nghĩa hành chính đặc biệt nào.[14] Cấp huyện cũng bị bãi bỏ hoàn toàn.
Nơi đặt lỵ sở của các địa hạt được gọi là chef-lieu (thủ phủ), cùng tên với tên địa hạt, dân gian gọi là "châu thành". Vì vậy để phân biệt với tên hạt, dân gian thường đặt thêm từ "châu thành" trước tên hạt để phân biệt, lâu dần thành tên thông dụng.
Thực dân Pháp vẫn tiếp tục quá trình cải tổ phân cấp hành chính ở Nam Kỳ theo khuôn mẫu tại chính quốc. Nghị định ngày 16 tháng 1 năm 1899, đổi tên hạt thành tỉnh (province), và từ ngày 1 tháng 1 năm 1900, toàn cõi Nam Kỳ chia thành 20 tỉnh như sau:
- Tỉnh Gia Định (cũ) chia thành năm tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Gò Công.
- Tỉnh Biên Hòa (cũ) chia thành ba tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một.
- Tỉnh Định Tường (cũ) đổi thành Mỹ Tho.
- Tỉnh Vĩnh Long (cũ) chia thành ba tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh.
- Tỉnh An Giang (cũ) chia thành năm tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng, Cần Thơ.
- Tỉnh Hà Tiên (cũ) chia thành ba tỉnh: Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu.
Ngoài ra còn có 3 thành phố độc lập là Sài Gòn, Chợ Lớn và Cap Saint Jacques (Vũng Tàu).
Danh xưng người đứng đầu cũng thay đổi, từ Chánh tham biện đổi thành Chủ tỉnh (chef de la province)[12], Tòa tham biện gọi là Tòa bố.
Đến đầu thập niên 1900, thực dân Pháp phân chia hành chính tỉnh thành các quận (circonscription) hoặc đại lý hành chánh (délégation) dưới quyền chủ quận hay phái viên hành chánh; quận chia ra tổng (canton), đứng đầu là cai tổng (chef de canton). Tổng chia thành xã.[15] Hệ thống hành chính cũ của nhà Nguyễn bị xoá bỏ hoàn toàn trên cõi Nam Kỳ.
Bắt đầu từ năm 1912, danh xưng Châu Thành bắt đầu chính thức được đặt cho đơn vị hành chính cấp quận ở Nam Kỳ với sự thành lập của quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Tính đến năm 1944, khi quận Châu Thành, tỉnh Tân Bình được thành lập, trong 21 tỉnh trên toàn cõi Nam kỳ, trừ 4 tỉnh Gò Công, Gia Định, Chợ Lớn và Bạc Liêu, các tỉnh còn lại đều thành lập quận Châu Thành trên cơ sở thủ phủ của các địa hạt xưa. Từ đó, danh từ Châu Thành được dùng để đặt cho nhiều địa danh chính thức cho đến tận ngày nay ở miền Nam Việt Nam.
Ngày nay, từ Châu Thành vẫn còn được sử dụng cho 11 huyện và 4 thị trấn ở Nam Bộ, gồm có:
- Huyện Châu Thành, tỉnh An Giang
- Huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre
- Huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp
- Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang
- Huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang
- Huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang
- Huyện Châu Thành, tỉnh Long An
- Huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng
- Huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh
- Huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang
- Huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Các thị trấn huyện lỵ của một số huyện mang tên Châu Thành:
- Thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre
- Thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng
- Thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh
- Thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
- Quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho: thành lập năm 1912, tương ứng hầu hết thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và một phần huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ: thành lập năm 1913, tương ứng hầu hết với các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy và huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ và các huyện Châu Thành, Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang ngày nay
- Quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc: thành lập năm 1916, tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Sa Đéc và huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng: thành lập năm 1916, tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Sóc Trăng và các huyện Châu Thành, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long: thành lập năm 1917, tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên: thành lập năm 1917, tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Long Xuyên và các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày nay
- Quận Châu Thành, tỉnh Trà Vinh: thành lập năm 1917, tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh ngày nay
- Quận Châu Thành, tỉnh Châu Đốc: thành lập năm 1919, đến năm 1957 thì đổi tên là quận Châu Phú; tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Châu Đốc, huyện Châu Phú và một phần huyện Phú Tân, tỉnh An Giang ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá: thành lập năm 1920, tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Rạch Giá và các huyện Châu Thành, Tân Hiệp, Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Tân An: thành lập năm 1922, tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Tân An và huyện Châu Thành, tỉnh Long An ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Hà Tiên: thành lập năm 1924, cuối năm 1956 thì bị giải thể; tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Hà Tiên và một phần các huyện Kiên Lương, Giang Thành tỉnh Kiên Giang ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một: thành lập năm 1926, tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Thủ Dầu Một và một phần thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Bến Tre: thành lập năm 1927, tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa: thành lập năm 1928, đến năm 1963 thì đổi tên là quận Đức Tu. Tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Biên Hòa và một phần các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh: thành lập năm 1942, tương ứng một phần với thành phố Tây Ninh và huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Bà Rịa: thành lập năm 1943, tương ứng hầu hết với địa bàn thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Tân Bình: thành lập năm 1944, tương ứng hầu hết với địa bàn các quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Quận 7, huyện Nhà Bè; một phần thành phố Thủ Đức, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
- Quận Châu Thành, tỉnh Gò Công: thành lập năm 1955, tồn tại trong các giai đoạn ngắn 1955-1956 và 1963-1965, tuy nhiên cho đến năm 1965 thì bị chia tách và giải thể. Nay là một phần thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
- Quận Châu Thành (phía Cách mạng gọi là huyện Châu Thành) thuộc tỉnh Kiến Tường tồn tại trong giai đoạn 1957-1976, sau đó thì bị giải thể. Nay là một phần các huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An.
- Huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một trong giai đoạn 1957-1976.
- Huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cà Mau của phía chính quyền Cách mạng tồn tại trong giai đoạn 1957-1976.
- Huyện Châu Thành X, Châu Thành A thuộc tỉnh Long Châu Hà trong giai đoạn 1974-1976.
- Huyện Châu Thành A, Châu Thành B thuộc tỉnh Cần Thơ trong giai đoạn 1966-1975.
- Huyện Châu Thành A, Châu Thành B thuộc tỉnh Rạch Giá cho đến năm 1971.
- Huyện Châu Thành Bắc, Châu Thành Nam thuộc tỉnh Mỹ Tho trong giai đoạn 1969-1975.
- Huyện Châu Thành thuộc tỉnh Minh Hải, bị giải thể vào năm 1977. Tương ứng một phần thị xã Giá Rai, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), một phần thành phố Cà Mau, các huyện Thới Bình, Cái Nước ngày nay.
- Huyện Châu Thành Đông thuộc tỉnh Cửu Long, bị giải thể vào năm 1977. Tương ứng phần lớn với huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh ngày nay.
- Huyện Châu Thành Tây thuộc tỉnh Cửu Long, bị giải thể vào năm 1977. Tương ứng một phần huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long ngày nay.
- Huyện Châu Thành thuộc tỉnh Sông Bé, bị giải thể vào năm 1977. Nay là một phần các thành phố Thủ Dầu Một và Tân Uyên.
- Huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ. Tương ứng phần lớn các huyện Châu Thành, Châu Thành A của tỉnh Hậu Giang, một phần huyện Phong Điền và một phần quận Cái Răng của thành phố Cần Thơ ngày nay.
- Huyện Châu Thành A thuộc tỉnh tỉnh Cần Thơ, thành lập năm 2001. Nay là huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
- Huyện Châu Thành thuộc tỉnh Đồng Nai (từ năm 1991 thuộc tỉnh Bà Rịa). Giải thể năm 1994. Tương ứng hầu hết với thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay.
- ^ Nhiều tác giả, Từ điển bách khoa Việt Nam, Tập 1, A-Đ, Trung tâm Biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995, tr.426
- ^ Dẫn theo Phan Huy Lê, Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, năm khởi đầu và năm kết thúc Lưu trữ 2018-07-04 tại Wayback Machine.
- ^ Theo Lê Trung Hoa, Cửa sổ tri thức, Nhà xuất bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr.245.
- ^ Vì sao có nhiều huyện Châu Thành?
- ^ Dẫn theo Nguyễn Thanh Lợi, Địa danh Châu Thành Lưu trữ 2016-12-19 tại Wayback Machine, in trong tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3, 2009.
- ^ Từ “Châu thành” trong sách Ca dao dân ca Nam Bộ lại được viết hoa, ghi như là một địa danh (Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1984, tr.249). “châu thành” của câu ca dao này trong Từ điển từ ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.312) không viết hoa.
- ^ Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.124.
- ^ “Ý nói ở Sài Gòn” (Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị, Sđd, tr.249)
- ^ Bulletin de la Société des Études Indochinoises (Nouvelle série, Tome XX). Sài Gòn: 1945, p. 16.
- ^ Dương Văn Triêm (18 tháng 1 năm 2021). “TÊN GỌI "CHÂU THÀNH" Ở NAM KỲ THỜI THUỘC PHÁP” (PDF). Hội khoa học lịch sử Bình Dương.
- ^ Đào Văn Hội, Lịch trình hành chính Nam Kỳ, Văn Khoa xb, Sài Gòn, 1961, tr.33-36.
- ^ a b Sơn Nam, Miền Nam Đầu Thế Kỷ XX: Thiên Địa Hội Và Cuộc Minh Tân. 1971, tr. 99.
- ^ Annuaire de la Cochinchine Française, 1874, p. 139-172
- ^ Annuaire de la Cochinchine Française, năm 1871, tr. 126
- ^ Theo Bulletin de la Société des Études Indochinoises (Nouvelle série, Tome XX). Sài Gòn: 1945, p. 16-35; và theo Nguyễn Đình Đầu, "Địa Bàn Thành phố Qua Các Thời Kỳ", in trong Địa Chí Văn Hóa Tp.HCM. Nhà xuất bản Tp.HCM, 1988, tr. 485-486. Theo Đào Văn Hội, Lịch Trình Hành Chánh Nam Phần. Sài Gòn: 1961, Chương IV, tham biện là inspection; viên chức trông coi inspection gọi là inspecteur. Về tên tham biện (administrateur), xem Paulus Huình Tịnh Của, Sách Quan Chế. Sài Gòn: Bản in Nhà nước, 1888, tr. 15.