"Tôi không nghĩ rằng mọi người lại có thể hiểu rõ về quá trình sáng tác ca khúc này. Để tôi nói chi tiết hơn: Chris đã được truyền cảm hứng để viết 'Every Teardrop Is a Waterfall' sau khi nghe vài đoạn hợp âm trong phân cảnh một hộp đêm của phim điện ảnh Bitiful (2010) do Alejandro González Iñárritu đạo diễn [...] Đối với những người khác có thắc mắc rằng liệu "Ritmo de la Noche" của The Sacados có nên được ghi công hay không thì câu trả lời là "không". Thứ nhất, đó là bản hát lại của một bài hát của Chocolate, và ca khúc đó cũng sử dụng các đoạn nhạc mẫu từ "I Go to Rio". Thứ hai, cả hai bài hát đó đều được ra mắt sau năm 1990, vì vậy hi vọng rằng họ cũng nên ghi công Peter và Adrienne."
—The Oracle, chuyên mục Hỏi và Đáp trên trang web của Coldplay, đã phản hồi một thắc mắc về bài hát vào năm 2011.[10]
Khi "Every Teardrop Is a Waterfall" được đăng tải lần đầu trên kênh YouTube của Coldplay, đĩa đơn đã nhận nhiều ý kiến tiêu cực cho rằng Coldplay đạo ý tưởng từ "Ritmo de la noche" của nhóm nhạc Đức Chocolate ở những năm 1990, hay từ "I Go to Rio" của Peter Allen.[11] Tuy nhiên sau khi đĩa đơn được phát hành, trên trang chủ của Coldplay có đăng tải dòng chữ "Every Teardrop Is a Waterfall có mang nhiều yếu tố âm nhạc từ I Go to Rio do Peter Allen và Adrienne Anderson sáng tác". Hai tác giả này được ghi công ngay bên dưới phần ca từ chính thức của bài hát.[2]
Bản thân Chris Martin cũng đưa ra những nhận định của mình về ca khúc. Anh giải thích ý nghĩa của "Every Teardrop Is a Waterfall" trong buổi phỏng vấn với Music Week, rằng "chủ đề trung tâm của bản thu... là cố gắng biến những điều xấu xa trở thành những điều tốt đẹp bằng một cách nào đó. Là một ban nhạc, chúng tôi đã từng trải qua kha khá các sự cố hài hước khi mà mọi người cứ luôn công kích chúng tôi."[12] Trong một buổi phỏng vấn khác với Pitchfork, Chris đưa ra nhận định tương tự, "Tôi thực sự yêu thích cái tiêu đề "Every Teardrop Is a Waterfall" vì tôi biết rằng nó nói về việc biến điều ác thành điều thiện; âm nhạc có thể giải thoát bạn [...] Điều tuyệt vời nhất về Internet là tất cả mọi người đều ghét mọi thứ, vì vậy bạn có thể cứ thế tiến tới và thực hiện những điều bạn muốn."[13] Đây cũng không phải lần đầu tiên Coldplay sử dụng các bản nhạc mẫu cho các sáng tác mới, trước đây ban nhạc cũng từng sử dụng nhạc đề của ban nhạc Kraftwerk cho ca khúc "Talk" trong album X&Y của nhóm.[14]
"Every Teardrop Is a Waterfall" đón nhận những phản hồi tích cực từ giới chuyên môn. Boston Herald đưa ra một nhận định tích cực: "Chris Martin một lần nữa lại làm được. Anh đã truyền năng lượng cho âm nhạc yếu đuối, tô đẹp cho thể loại nhạc pop bình dân, và mang đến cho thế giới một ca khúc khác của Coldplay. Về cơ bản, những chàng trai này thật vui nhộn, và ca khúc đậm chất stadium-rock này cũng như vậy. 'I turn the music up, I got my records on, I shut the world outside until the lights come on' ('Tôi mở nhạc to lên, tôi bật bản thu của mình lên, tôi bỏ quên thế giới xung quanh cho tới khi ánh sáng rọi đến'), Martin hát trên nền những âm synth sôi nổi, tiếng guitar lảnh lót và nhịp trống đập lớn. Bạn có thể vừa cảm nhận được tình yêu và vừa lắng nghe một đỉnh cao trên bảng xếp hạng tiếp theo của ban nhạc chỉ trong một bài hát."[15]
Rolling Stone đã chấm ca khúc ba sao rưỡi trên năm sao cùng với bình luận, "Qua giai điệu keyboard lôi cuốn [...] Martin hát về những đứa trẻ nhảy múa cho đến lúc trời sáng và thiên đường ở trong chiếc tai nghe của anh. [...] "Tôi thà làm một dấu phẩy còn hơn một dấu chấm đầy đặn," Martin hát. Đến từ một chàng trai mà những phê bình gia ví anh như một dấu chấm than đầy tình người, đó là một quan điểm sống đáng hoan nghênh".[16]
Tương tự như Rolling Stone, MTV cũng dành lời khen ngợi "Every Teardrop Is a Waterfall" khi viết, "Những con quái vật modern rock[a] Coldplay mới chỉ cho ta nghe thử một đoạn của đĩa đơn đầu tiên trích từ album phòng thu thứ 5 sắp ra mắt do Brian Eno sản xuất, và từng chút một đều thật bay bổng đúng như những gì chúng ta đã mong đợi từ ban nhạc" và kết thúc với lời đề, "Dù trong hoàn cảnh nào, 'Every Teardrop Is a Waterfall' vẫn có tiềm năng làm trở thành một bài hát nổi bật của mùa hè, vì vậy những thác nước chảy hãy cứ tiếp tục chảy đi, Coldplay!".[17] PopCrush tiếp tục những lời nhận định tích cực, "Đĩa đơn mang thương hiệu của Coldplay 'Every Teardrop Is a Waterfall' thật hùng vĩ như nhan đề của nó gợi ra vậy. Tuy không phải một bản ballad nhưng đó là một yếu tố kích thích, một ca khúc Britpop pha trộn với chất rock ‘n’ roll của ban nhạc... Bạn sẽ muốn nghe nó hết lần này đến lần khác. Đây là một sự kết hợp tuyệt vời giữa âm nhạc sở trường của Coldplay với những giai điệu đẹp kèm theo tiếng guitar leo thang, mặc dù gần như không mang vẻ bóng bẩy như những bài hát pop trước đây của ban nhạc".[18] Tạp chí NME nói về đĩa đơn, "Nó gợi nhớ đến album X&Y với khuynh hướng điện tử, trong khi phần điệp khúc hùng tráng 'It was a wa-wa-wa-wa-waterrrrfall' và những tiếng trống hành quân thì xuất hiện ít hơn 'Viva la Vida'".[19]
Video phát hành chính thức ngày 28 tháng 6 năm 2011.[20] Video thể hiện cảnh ban nhạc chơi trên nhiều phông nền phun sơn graffiti đầy màu sắc do các nghệ sĩ của nhóm thực hiện. Video được quay trong hai ngày 14 và 15 tháng 6 năm 2011 tại Millennium Mills ở phía đông Luân Đôn, gần sân bay London City,[21] và bắt đầu bằng cảnh quay đường chân trời của Downtown Los Angeles. Video âm nhạc sử dụng công nghệ hoạt hình tĩnh vật[22] do Mat Whitecross đạo diễn.[23] Whitecross đã làm việc với Coldplay kể từ năm 1999 và chịu trách nhiệm thực hiện video cho "Lovers in Japan" và "Christmas Lights".[24] Công đoạn dựng phim do Nick Allix từ The Whitehouse Post thực hiện.[21]
Video âm nhạc đã nhận nhiều ý kiến tích cực từ giới phê bình với phần nhìn đầy màu sắc. Rolling Stone nhận xét, "Một clip sôi động và đầy màu sắc khá là phù hợp với ca khúc, với một năng lượng [...] kích thích cùng một loại ca từ lãng mạn, lạc quan, giúp Coldplay trở thành một trong những ban nhạc rock làm thỏa mãn các đám đông nhất thế giới".[25] Tờ New York Post viết: "Đoạn clip đã chứng minh rằng những chàng trai chỉ chú tâm đến việc phá vỡ những giới hạn trong các video của họ, y hệt những điều mà họ vẫn thường làm đối với âm nhạc của nhóm."[26] trong khi The Sun ví đĩa đơn như "một chuyện tình đầy sắc màu".[27]
^"Modern rock" là một tiểu thể loại của nhạc rock ra đời vào cuối thập niên 1970 và phát triển cho đến nay. Một số đài phát thanh sử dụng thuật ngữ này để phân biệt dòng nhạc này với thể loại classic rock, có nguồn gốc từ nhạc rock ở thập niên 1960-80. Xem thêm định nghĩa về thể loại nhạc trên wikipedia tiếng Anh tại đây
^Wieselman, Jarett (29 tháng 6 năm 2011). “Coldplay's hot new video”. New York Post. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 11 năm 2011. Truy cập 21 tháng 7 năm 2016.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
^“Media Forest: Airplay chart”. mediaforest.biz. ngày 18 tháng 6 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2017.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
^“Classement Singles – année 2011” (bằng tiếng Pháp). SNEP. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2012.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)