Chùa Vĩnh Nghiêm 永嚴寺 | |
---|---|
Vị trí | |
Quốc gia | Việt Nam |
Địa chỉ | 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh |
Thông tin | |
Tôn giáo | Phật giáo |
Khởi lập | Khởi công năm 1964 |
Người sáng lập | Thích Tâm Giác Thích Thanh Kiểm |
Kiến trúc sư | Nguyễn Bá Lăng |
Quản lý | Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Cổng thông tin Phật giáo | |
Chùa Vĩnh Nghiêm (chữ Hán: 永嚴寺) là một danh lam, hiện tọa lạc tại số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần cầu Công Lý), thuộc phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Từ miền Bắc, hai Hòa thượng là Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm vào miền Nam truyền bá đạo Phật, và sau đó đã cho xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm. Họ lấy nguyên mẫu thiết kế từ một ngôi chùa gỗ cùng tên ở làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; kiến lập từ đời vua Lý Thái Tổ, vốn là trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.
Người vẽ kiểu cho công trình là kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, có sự cộng tác của các ông Lê Tấn Chuyên và Cổ Văn Hậu…
Chùa được khởi công năm 1964 tại khu đất thấp nằm bên rạch Thị Nghè, và người ta phải chuyển khoảng 40.000 m³ đất từ xa lộ Biên Hòa về san lấp mặt bằng. Kinh phí xây dựng chùa khoảng 98 triệu đồng tiền lúc bấy giờ, với phần khuôn viên được cho là chính quyền VNCH cấp. Năm 1971, chùa Vĩnh Nghiêm cơ bản hoàn thành với các hạng mục, gồm tòa nhà trung tâm (tầng trên có ngôi Phật điện), Bảo tháp Quán Thế Âm, cơ sở dành cho hoạt động xã hội. Về sau, chùa lần lượt xây thêm các công trình khác, như Bảo tháp Xá Lợi Cộng đồng, Tháp đá Vĩnh Nghiêm, Phương trượng đường, khách đường, v.v...
Riêng quả Đại hồng chung có tên là "Chuông Hòa bình" thì do chùa Entsu-in (Viên Thông viện), huyện Fukushima thuộc Giáo hội Phật giáo Nhật Bản cung tiến.[1]
Lịch sử chùa Vĩnh nghiêm trong quá trình tu học và dẫn dắt giáo hội Phật giáo chùa Vĩnh nghiêm và tất cả giáo hội trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa tọa lạc trên một khuôn viên rộng thoáng, khoảng 6.000 m2, sát đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Kiến trúc chùa theo lối cổ miền Bắc Việt Nam, nhưng bằng kỹ thuật và vật liệu xây dựng thời hiện đại. Đây là một trong số công trình tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 20[2]. Tổng thể kiến trúc gồm các hạng mục chính là Tam quan, tòa nhà trung tâm và các Bảo tháp.
Đây là một công trình khá đồ sộ, kiến trúc theo kiểu truyền thống với mái ngói đỏ uốn cong. Năm 2005, do thành phố thực hiện dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cổng Tam quan của chùa đã được di dời vào bên trong, đến vị trí hiện nay.
Tòa nhà trung tâm là một công trình kiên cố, rộng lớn, bao gồm một tầng lầu và một tầng trệt. Tầng trệt có hai phần: phần ngoài nằm bên dưới sân thượng, cao 3,20 m; phần trong nằm dưới Phật điện, cao 4,20 m. Tầng trệt được chia làm nhà thờ Tổ (bên trong có bàn thờ Bồ Đề Đạt Ma), giảng đường, văn phòng, thư viện (là một trong 3 thư viện của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh), phòng tăng, lớp học và phòng học (vì chùa là cơ sở của trường cơ bản Phật học), v.v...
Từ dưới sân có ba cầu thang rộng gồm 23 bậc, dẫn lên tầng trên bao gồm sân thượng, Phật điện và Tháp Quán Thế Âm.
Sân thượng rộng khoảng 10 mét. Phía tay phải có một gác chuông, treo một đại hồng chung (có đường kính 1,8 m; đúc năm 1971) do các Phật tử dòng Tào Động ở Nhật Bản tặng trước năm 1975, để cầu nguyện cho Việt Nam sớm hòa bình[2].
Phật điện được kiến trúc theo kiểu chữ công (chữ Hán: 工). Các góc mái đều uốn cong theo kiểu chùa miền Bắc. Chính giữa đỉnh nóc có Bánh xe pháp luân và các góc có hình đầu phượng. Phật điện gồm ba phần: Bái Điện, Bản Điện và Địa Tạng Đường.
Bái điện dài 35 m, rộng 22 m và cao 15 m. Các cột, rui mè và mái ngói đều được đúc bằng bê tông cốt sắt. Chính giữa điện là bàn thờ Phật Thích Ca, hai bên có Bồ Tát Văn Thù (bên trái) và Bồ Tát Phổ Hiền (bên phải). Dọc theo tường ở khu vực này có các tranh La Hán. Những công trình chạm khắc gỗ ở đây có bao lam tứ linh, bao lam cửu long và đặc biệt là có các phù điêu trên các hương án chạm các ngôi chùa danh tiếng ở trong nước và một số nước châu Á. Ở hàng hiên hai bên lối vào, mỗi bên có một pho tượng Kim Cang khá lớn.
Bản Điện (thờ chính Phật A Di Đà được thờ chính) và Địa Tạng Đường (thờ chính Địa Tạng Bồ Tát) có kiểu kiến trúc tương tự Bái điện.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có Khu Phương trượng nằm ở phía trong cùng, gồm dãy nhà hình chữ L, ôm bọc một hồ sen dùng cho khách thập phương nghỉ ngơi và tăng xá cùng một dãy dùng làm thành trai đường.
Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi được nhiều người trong và ngoài nước, đến viếng và cúng bái.