Bài viết hoặc đoạn này cần được wiki hóa để đáp ứng tiêu chuẩn quy cách định dạng và văn phong của Wikipedia. (tháng 2/2022) |
Hoàng Thế Thiện | |
---|---|
Chức vụ | |
Nhiệm kỳ | tháng 12 năm 1976 – tháng 3 năm 1982 |
Tổng bí thư | Lê Duẩn |
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | tháng 10 năm 1978 – tháng 1 năm 1980 |
Phó Trưởng ban |
|
Tiền nhiệm | Nguyễn Xuân Hoàng |
Kế nhiệm | Trần Xuân Bách |
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | tháng 1 năm 1980 – năm 1981 |
Trưởng ban | Lê Đức Thọ |
Vị trí | Việt Nam Cộng hòa Nhân dân Campuchia |
Nhiệm kỳ | tháng 11 năm 1977 – tháng 7 năm 1982 |
Bộ trưởng |
|
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | tháng 3 năm 1977 – tháng 8 năm 1979 |
Phó Chủ nhiệm |
|
Tiền nhiệm | Đồng Sỹ Nguyên |
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | tháng 7 năm 1982 – tháng 4 năm 1987 |
Bộ trưởng | Song Hào |
Kế nhiệm | không |
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | tháng 4 năm 1987 – tháng 9 năm 1987 |
Bộ trưởng | Nguyễn Kỳ Cẩm |
Tiền nhiệm | đầu tiên |
Kế nhiệm | Trần Đình Hoan |
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | tháng 5 năm 1983 – tháng 11 năm 1988 |
Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam | Huỳnh Tấn Phát |
Vị trí | Việt Nam |
Chủ tịch danh dự đầu tiên Làng trẻ em SOS Việt Nam | |
Nhiệm kỳ | năm 1987 – năm 1990 |
Tiền nhiệm | đầu tiên |
Kế nhiệm | Trần Đình Hoan |
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | tháng 9 năm 1959 – tháng 10 năm 1963 |
Tiền nhiệm | đầu tiên |
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | tháng 5 năm 1973 – tháng 2 năm 1975 |
Tiền nhiệm | Đặng Tính |
Kế nhiệm | Lê Xy |
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | tháng 3 năm 1975 – tháng 3 năm 1977 |
Tiền nhiệm | đầu tiên |
Kế nhiệm | Hoàng Cầm |
Vị trí | Việt Nam |
Thông tin cá nhân | |
Quốc tịch | Việt Nam |
Sinh | 20 tháng 10 năm 1922 Hải Phòng, Liên bang Đông Dương |
Mất | 5 tháng 9, 1995 Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam | (72 tuổi)
Binh nghiệp | |
Thuộc | Quân đội nhân dân Việt Nam |
Năm tại ngũ | 1947–1982 |
Cấp bậc | Thiếu tướng |
Chỉ huy | Quân đội nhân dân Việt Nam Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam |
Tham chiến | Chiến tranh Đông Dương Chiến tranh Việt Nam Trận đánh tiêu biểu: |
Tặng thưởng |
|
Hoàng Thế Thiện (1922–1995) là một trong những danh tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam thụ phong quân hàm cấp tướng trước năm 1975. Ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1977-1982), từng giữ chức vụ Chính ủy của nhiều đơn vị khác nhau nên còn được mệnh danh là "Vị tướng Chính ủy". Ông là vị tướng duy nhất trong lịch sử cuộc Kháng chiến chống Mỹ đã vượt Đường Hồ Chí Minh trên biển để tham gia mở Đường Hồ Chí Minh trên bộ.
Ông tên thật là Lưu Văn Thi, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1922 tại ngõ Mai Viên, đường Agent Blambay (nay là đường Trần Bình Trọng, phường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền), thành phố Hải Phòng, trong một gia đình dân nghèo thành thị yêu nước. Ông là con trai thứ hai của vợ chồng cụ Lưu Văn Ngữ (1892-1946) và Trịnh Thị Tạc (1897-1944). Cụ Lưu Văn Ngữ quê ở thôn Hạ, xã Lê Xá, tổng Đội Sơn, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (nay là thôn Lê Xá, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam); là một người học Nho và là một đầu bếp giỏi ở Hải Phòng. Cụ là người có tư tưởng yêu nước, từng tham gia tổ chức đưa người sang Trung Quốc cho cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du. Gia đình cụ là cơ sở của nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng (sau là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) từ thập niên 1920. Năm 1927, cụ tham gia rải truyền đơn trong vụ người Việt và Hoa kiều đánh nhau ở Hải Phòng và, do đó, bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam 6 tháng. Những năm 1936-1938, cụ tham gia phong trào mặt trận Bình dân, là sáng lập viên và là Ủy viên Ban trị sự Hội Ái hữu công nhân tư gia thành phố Hải Phòng.
Sớm ảnh hưởng tư tưởng yêu nước từ cha nên ngay từ khi còn là học sinh Trường Bonnal, Hoàng Thế Thiện đã tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước của phong trào Hướng đạo sinh thành phố Hải Phòng. Tháng 10 năm 1938, do gia đình quá nghèo nên ông đã phải thôi học, làm gia sư rồi làm thư ký đánh máy công nhật ở Ngân hàng Đông Dương. Đầu năm 1940, ông tham gia Tiểu tổ bí mật do nhà cách mạng Vũ Quý phụ trách, tự động xây dựng lại cơ sở cách mạng bí mật tại thành phố Hải Phòng đã bị chính quyền thực dân Pháp khủng bố tan rã trước đó. Ông tham gia hoạt động trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ từ năm 1940 và được cử làm Ủy viên Ban Trị sự Hội Truyền bá quốc ngữ thành phố Hải Phòng.
Tháng 1 năm 1942, ông tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc và được giao nhiệm vụ xây dựng Đoàn Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh thành phố Hải Phòng, đồng thời phụ trách một cơ sở bí mật trong thanh niên, học sinh thành phố. Sau một đợt đấu tranh treo cờ, phân phát truyền đơn toàn thành phố Hải Phòng có kết quả vào cuối năm 1942, ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc toàn thành phố và thống nhất đầu mối chỉ đạo.
Tháng 3 năm 1943, do có sự phản bội của một Việt gian được mật thám Pháp cài vào tổ chức, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt tại Ngân hàng Đông Dương và đưa ra xử tại tòa án binh Hà Nội. Ông bị kết án 5 năm tù khổ sai, bị giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), rồi bị đày lên nhà tù Sơn La. Trong tù, mặc dù bị tra tấn, đày ải nhưng ông không nhụt chí đấu tranh. Ông được kết nạp vào nhóm Trung Kiên ở Hỏa Lò và Hội Lao tù Cứu quốc ở Sơn La, được nhà cách mạng Trần Đăng Ninh trực tiếp huấn luyện về công tác bí mật và vận động quần chúng.
Tháng 3 năm 1945, ông vượt ngục tập thể trong nhóm của nhà cách mạng Trần Quốc Hoàn rồi về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 4 năm 1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Đội trưởng Đội Vũ trang Tuyên truyền Cứu quốc quân huyện Vũ Nhai.
Tháng 8 năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại thị xã Thái Nguyên. Trên cương vị là Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân Vũ Nhai, ông đã lãnh đạo cuộc biểu tình trên 5.000 người tuần hành vũ trang thị uy tiến vào nội ô thị xã Thái Nguyên vào chiều ngày 19-08-1945, uy hiếp quân phát xít Nhật đóng ở đây, uy hiếp và làm tan rã chính quyền tay sai của Nhật, kêu gọi sự đầu hàng của lính bảo an. Lực lượng do ông dẫn đầu đã tiến vào thị xã Thái Nguyên trước ngày 20-08-1945 một ngày và tổ chức đón Giải quân phóng từ Tân Trào tiến vào bao vây đồn binh Nhật, đưa tối hậu thư và tước vũ khí của lính bảo an, tấn công quân Nhật… Trong tập hồi ức "Những chặng đường lịch sử" (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1994), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Chúng tôi tới Thịnh Đán thì được tin có một đội tuyên truyền xung phong từ Võ Nhai tiến xuống hôm trước, đã đột nhập thị xã, tổ chức quần chúng tuần hành thị uy. Một đội dân quân của Phú Bình, Phổ Yên cũng đã vào thị xã lùng bắt một số tay chân của địch. Tình hình bảo an binh đang hết sức hoang mang". Trong khởi nghĩa Thái Nguyên, cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng trong ngày 19-08-1945 do ông lãnh đạo là bước thắng lợi có ý nghĩa quyết định đầu tiên. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời từ Tuyên Quang qua Thái Nguyên để về Hà Nội rất sớm và Giải phóng quân sớm về được Thủ đô cũng nói lên ý nghĩa quan trọng của khởi nghĩa thành công rất sớm ở Thái Nguyên [1].
Tháng 9 năm 1945, ông làm Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Thái Nguyên, Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên. Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 10 năm 1946, ông là người phụ trách công tác tuyên truyền và công tác vận động thanh niên (công tác thanh vận) của tỉnh Thái Nguyên. Ông được xác định là người lãnh đạo chủ chốt đầu tiên của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên [2].
Tháng 10 năm 1946, ông làm Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên.
Tháng 4 năm 1947, ông được điều vào Quân đội nhân dân Việt Nam làm Phái viên Chính trị Khu 10, rồi Trưởng phòng Chính trị Liên Khu 10 - Quân khu ủy viên. Từ đây, ông bắt đầu một cuộc đời binh nghiệp, tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường. Tháng 7 năm 1948, ông được cử làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Sông Lô.
Tháng 9 năm 1949, ông được Bộ Quốc phòng cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ, Nam tiến lần thứ nhất. Tháng 7 năm 1950, ông làm Phái viên Kiểm tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Tháng 11 năm 1950, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Tây Đô (Khu 9), Chỉ huy phó Chiến dịch Long Châu Hà II và Chiến dịch Sóc Trăng II. Cuối năm 1951, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Cửu Long (Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ). Tháng 10 năm 1952, ông làm Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ - Quân khu ủy viên, ủy viên Ban Tuyên huấn và ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam, Chủ nhiệm Báo Quân đội Nhân dân - Phân liên khu miền Tây Nam Bộ.
Năm 1955, ông tập kết ra Bắc phụ trách Ban Đại diện miền Tây Nam Bộ. Tháng 12 năm 1955, ông làm Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 3 - Quân khu ủy viên.
Tháng 7 năm 1956, ông làm Chính ủy Ban Nghiên cứu Sân bay. Tháng 12 năm 1958, ông được phong quân hàm Thượng tá. Tháng 1 năm 1959, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Cục Không quân.
Tháng 10 năm 1964, ông trở lại chiến trường Nam Bộ trên con tàu "không số" (Đoàn 125) với bí danh là Hoàng Dân tức Tư Dân, Nam tiến lần thứ hai. Lúc này, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng có chủ trương thành lập một sư đoàn chủ lực của Quân Giải phóng miền Nam ở miền Tây Nam Bộ. Ông về thẳng miền Tây để chuẩn bị cho việc thành lập sư đoàn này và đảm nhiệm chức vụ Chính ủy sư đoàn, nhưng vì nhiều lý do khách quan nên sư đoàn này không thành lập được.
Tháng 12 năm 1964, ông làm Phó Chính ủy Quân khu 8 (Trung Nam Bộ). Tháng 7 năm 1965, ông về miền Đông tham gia thành lập Sư đoàn 9 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân Giải phóng miền Nam, làm Phó Chính ủy - Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Sư đoàn 9.
Tháng 2 năm 1966, ông được thăng quân hàm Đại tá. Tháng 8 năm 1966, ông về Mặt trận Tây Nguyên (B3) làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 1, Đảng ủy viên Mặt trận B3, Chính ủy Chiến dịch Sa Thầy. Ông đã cùng Tư lệnh sư đoàn Nguyễn Hữu An chỉ huy, chỉ đạo Sư đoàn 1 đánh nhiều trận hay, đặc biệt là đánh thiệt hại nặng Lữ dù 173 của Mỹ trong Chiến dịch Đắc Tô 1 trên đồi 875 ở phía tây bắc Kon Tum vào mùa đông năm 1967. Tháng 1 năm 1969, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 304.
Tháng 5 năm 1970, ông được điều vào tuyến lửa Trường Sơn, làm Phó Chính ủy - Thường vụ Đảng ủy Mặt trận 968 Nam Lào. Tháng 10 năm 1970, ông làm Phó Chính ủy - Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559), kiêm Chính ủy Tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (tháng 1 năm 1971), kiêm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470 (tháng 7 năm 1971). Tháng 5 năm 1973, ông làm Chính ủy - Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Ngày 16 tháng 4 năm 1974, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng theo Lệnh số 21-LCT của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng.
Tháng 2 năm 1975, ông được điều vào chiến trường B2 (Nam Bộ), Nam tiến lần thứ ba, làm Chính ủy đầu tiên - Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4, Phó Chính ủy - Thường vụ Đảng ủy Mặt trận phía Đông thuộc Bộ Tư lệnh B2. Ông trực tiếp chỉ huy hướng tiến công Dầu Tiếng - Chơn Thành. Tháng 4 năm 1975, ông tham gia chỉ huy cánh quân hướng Đông - một trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tháng 12 năm 1976, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV.
Tháng 2 năm 1977, ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế - Bí thư Đảng ủy Tổng cục (cho đến khi Bộ Quốc phòng ra quyết định giải thể Tổng cục Xây dựng Kinh tế vào tháng 8 năm 1979).
Tháng 11 năm 1977, ông được Hội đồng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Từ tháng 10 năm 1978 đến tháng 7 năm 1982, ông được Đảng và Nhà nước Việt Nam cử sang Campuchia làm công tác đặc biệt giúp Cách mạng Campuchia đảm nhiệm các trọng trách: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Ban B.68 Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Việt Nam toàn Campuchia, Cố vấn bên cạnh Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Phó Trưởng Ban lãnh đạo Đoàn Chuyên gia của Trung ương tại Campuchia (Phó Tổng Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia), Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia kiêm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia (Đoàn 478).
Tháng 7 năm 1982, ông được điều về nước làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội.
Tháng 5 năm 1983, ông được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II.
Tháng 2 năm 1987, ông làm Thứ trưởng thường trực đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ông là người đại diện cho Chính phủ Việt Nam đàm phán với Làng trẻ em SOS Quốc tế về việc thành lập Làng trẻ em SOS Việt Nam năm 1987 và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Làng trẻ em SOS Việt Nam (1987-1990).
Ngày 1 tháng 10 năm 1987, ông được nghỉ hưu theo chế độ. Tháng 7 năm 1989, ông được nghỉ hưu chính thức.
Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia công tác Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ đầu thành lập trên cương vị là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quận 1 khóa I (1990-1993).
Ông từ trần hồi 14 giờ 40 phút ngày 5 tháng 9 năm 1995 tại Viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn bạo bệnh, thọ 73 tuổi.
Phần mộ ông nằm tại khu 6, Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh (đồi Lạc Cảnh), đường 13, phường Linh Trung, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm thụ phong | 1958 | 1966 | 1974 | ||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Quân hàm | |||||||||||
Cấp bậc | Thượng tá | Đại tá | Thiếu tướng | ||||||||
Do những công lao đóng góp và thành tích cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông đã được nhà nước Việt Nam tặng thưởng:
Và nhiều huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu khác.
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được Ban Lãnh đạo Viện Hermann Gmeiner thuộc tổ chức Làng trẻ em SOS Quốc tế tặng "Kim vàng Danh dự" do đã có những đóng góp đặc biệt cho tổ chức này, và được Ủy ban Cựu chiến binh Liên Xô tặng "Huy hiệu danh dự".
Thể theo đề nghị của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdec Techo Hun Sen, ngày 22-11-2019, Quốc vương Campuchia Preah Karuna Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni đã ký Sắc lệnh số SL/11119/1727 truy tặng Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện Huân chương cao quý nhất của Vương quốc Campuchia dành cho người nước ngoài là Huân chương Hoàng gia Sahametrei hạng Nhất (cấp Đại Thập Tự) vì đã có đóng góp to lớn trong xây dựng, củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa hai dân tộc, đặc biệt là những đóng góp quan trọng của ông trong thời kỳ làm nghĩa vụ quốc tế giúp Cách mạng Campuchia 1978-1982. Đây là lần đầu tiên Vương quốc Campuchia ban hành hình thức truy tặng Huân chương cao quý nhất dành cho người nước ngoài có công lao to lớn đối với đất nước và nhân dân Campuchia[3].
Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã ban hành Quyết định số 757/BQP ngày 15-02-2023 về việc Truy tặng Huân chương Anh dũng hạng Nhất cho Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để khen ngợi và tôn vinh Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã có công lao to lớn và thành tích xuất sắc đóng góp cho Cách mạng Lào trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ tại chiến trường Trường Sơn giai đoạn 1970 - 1975, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy bảo vệ khu căn cứ chiến lược tại biên giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Thành tích nêu trên đã góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Lào - Việt Nam ngày càng vững mạnh, mãi mãi vững bền[4].
Tên và tiểu sử của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã được đưa vào Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam (xuất bản năm 1996, tái bản năm 2004).
Hình ảnh, tượng đồng và kỷ vật kháng chiến của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện hiện được lưu giữ, trưng bày tại nhiều bảo tàng trên cả nước Việt Nam: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), Bảo tàng Phòng không - Không quân (Việt Nam) tại (Hà Nội), Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (Hà Nội), Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh), Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh), Bảo tàng Quân đoàn 4 (Việt Nam) tại Bình Dương, Bảo tàng các lực lượng vũ trang nhân dân đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ), Bảo tàng Quân đoàn 3 (Việt Nam) tại Gia Lai, Bảo tàng Hải Phòng, Khu di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Khu di tích Nhà tù Sơn La...
Ngày 20 tháng 10 năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem bưu chính kỷ niệm “Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1922-1995)” gồm 1 mẫu tem, có giá mặt 4.000 đồng, do họa sĩ Vương Ánh Nguyệt thiết kế [5].
Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa tên Hoàng Thế Thiện vào Quỹ đặt, đổi tên đường của thành phố (Nghị quyết số 66/2006/NQ-HĐND ngày 12-12-2006 thông qua danh sách bổ sung Quỹ đặt, đổi tên đường của thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình tại kỳ họp lần thứ 9 khóa VII, gồm 190 tên nhân vật lịch sử và địa danh).
Tên Hoàng Thế Thiện đã được đưa vào Quỹ đặt, đổi tên đường của một số địa phương: thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, thành phố Cần Thơ[6], tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Hà Nam, thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Nam (Nghị quyết số 164/2015/NQ-HĐND ngày 07-07-2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa 8, kỳ họp 14[7]), tỉnh Sơn La (Quyết định số 2552/QĐ-UBND ngày 28-10-2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La [8]), tỉnh An Giang [9], tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu [10], tỉnh Bắc Giang [11], tỉnh Quảng Trị [12], tỉnh Bình Thuận [13],...
"Đồng chí Hoàng Thế Thiện là một cán bộ cao cấp của Đảng, một vị tướng của Quân đội. Đồng chí đã từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của Dân tộc. Đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu."
"Chúng ta bày tỏ niềm thương tiếc đồng chí Hoàng Thế Thiện, một cán bộ trung kiên của Đảng và Quân đội, luôn được giao những chức vụ quan trọng ở nhiều chiến trường và đơn vị trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cán bộ và chiến sĩ tin yêu.”
“NGHĨA THẮM TÌNH THAY, TỪ TRẬN MẠC THÁI NGUYÊN ĐẾN CHIẾN TRƯỜNG XUÂN LỘC, THÂN DÂN TƯ ĐẠO THỌ SƠN HÀ
CÔNG TO LỚN LẮM, KHI ĂN CƠM ĐẤT BẮC, LÚC ĐÁNH GIẶC PHƯƠNG NAM, ÁI QUỐC THỬ TÂM HUYỀN NHẬT NGUYỆT”
Dịch nghĩa là:
“NGHĨA THẮM TÌNH THAY, TỪ TRẬN MẠC THÁI NGUYÊN ĐẾN CHIẾN TRƯỜNG XUÂN LỘC, THÂN DÂN ĐẠO LÝ SÁNH NÚI SÔNG
CÔNG TO LỚN LẮM, KHI ĂN CƠM ĐẤT BẮC LÚC ĐÁNH GIẶC PHƯƠNG NAM, ÁI QUỐC LÒNG SON NHƯ NHẬT NGUYỆT”
“Tâm đức THIỆN, chí khí cao, cả đời vì dân, vì nước
Chính trị tài, quân sự giỏi, sự nghiệp LƯU mãi sử xanh”
(Trong câu đối có chữ “Thiện” là tên, chữ “Lưu” là họ khai sinh của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện).
|url=
trống hay bị thiếu (trợ giúp)Quản lý CS1: địa điểm (liên kết)
|url=
trống hay bị thiếu (trợ giúp)