Wikipedia:Hướng dẫn dành cho biên tập viên nhỏ tuổi

Wikipedia là quyển "bách khoa toàn thư mà ai cũng có thể sửa đổi". Không có bất cứ giới hạn nào về độ tuổi tham gia chỉnh sửa hay viết bài mới trên Wikipedia – yếu tố quan trọng nhất là chất lượng những gì bạn viết ra và những thay đổi mà bạn thực hiện lên những gì người khác viết. Hầu hết các bạn cần một số lời khuyên cơ bản, và đó là những gì chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho bạn ở đây, vì vậy hãy đọc tiếp, còn các liên kết đến những phần thông tin quan trọng khác là cần thiết để bạn hiểu sâu hơn về Wikipedia.

Phụ huynh, người giám hộ, giáo viên và những người lớn khác có thể tìm thấy nhiều điều hữu ích khi đọc trang này cũng như Wikipedia:Lời khuyên dành cho phụ huynh. Ngoài ra chúng tôi cũng có trang chính sách pháp lý quan trọng là Wikipedia:Bảo vệ trẻ em. Đọc thêm về vấn đề riêng tư, tính bảo mật và sự tự tiện trên Wikipedia.

Sự an toàn và bảo mật của bạn

[sửa | sửa mã nguồn]
Thông tin cá nhân của bạn là thứ cần được giấu càng kín càng tốt.
  • Mật khẩu: Đừng nói mật khẩu của bạn cho bất kỳ ai.
  • Chia sẻ tài khoản: Đừng để người nhà hay bạn bè dùng tài khoản của bạn. Nếu họ gây ra sai phạm nào đó, chính bạn sẽ phải chịu trách nhiệm.
  • Đăng xuất mỗi khi bạn rời khỏi máy tính, đặc biệt nếu bạn đang dùng một máy tính công cộng (như những điểm kinh doanh dịch vụ Internet, trường học, cafe,...).
  • Dùng nhiều tài khoản: Đừng dùng nhiều hơn một tài khoản trừ khi bạn có một lý do thỏa đáng.
  • Khi bạn đã có một tài khoản, luôn luôn đăng nhập vào nó và dùng nó mỗi khi bạn thực hiện sửa đổi
  • Hãy cẩn thận với những gì bạn viết ra. Đừng bao giờ đăng lên đây địa chỉ nhà hay số điện thoại nhà/điện thoại di động của bạn, và cũng đừng lấy tên thật làm tên người dùng của bạn. Đừng đăng ảnh chụp chính bạn, gia đình bạn hay bạn bè của bạn lên trang thành viên của bạn. Người khác có thể lợi dụng những thông tin này để tìm ra danh tính của bạn và thậm chí là chính xác căn nhà bạn đang sống, đặc biệt nếu bạn đã chia sẻ cùng loại thông tin này trên những trang web khác.
  • Đừng tạo bài viết về chính bạn - nếu bạn là người thật sự quan trọng, một ai đó có thể sẽ viết bài về bạn, hoặc bạn có thể nhờ họ làm việc này.
  • Nếu bạn đã đăng lên thông tin cá nhân của mình do sơ ý, hãy nhờ một bảo quản viên (xem thêm bên dưới) xóa bỏ nó, hoặc bạn có thể liên lạc ngay với giám sát viên để ẩn triệt để nó. Kể cả khi bạn không nhờ họ, một bảo quản viên hay bất kỳ biên tập viên thông thường khác cũng có thể loại bỏ các thông tin như vậy nếu họ biết là bạn còn nhỏ. Xin đừng lấy làm phiền lòng, tất cả mọi việc là để bảo vệ bạn được an toàn mà thôi.

Hình chụp chính bạn, gia đình hay bạn bè của bạn

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Đừng đăng ảnh chụp chính bạn, gia đình hay bạn bè của bạn lên trang thành viên. Người khác có thể lợi dụng thông tin này để tìm ra danh tính của bạn, đặc biệt nếu bạn đã chia sẻ chúng trên những trang web khác.
  • Đừng đăng ảnh chụp chính bạn, gia đình hay bạn bè của bạn lên bất cứ đâu trong Wikipedia. Người khác có thể lợi dụng thông tin này để tìm ra danh tính của bạn. Có thể bạn thích bổ sung vào bài viết hình chụp mình đang đứng trước tháp Eiffel, nhưng thực sự độc giả chỉ muốn xem thật rõ tháp Eiffel thôi chứ chẳng để ý đến bạn đâu.
  • Đừng tự nhận khi bạn bắt gặp chính bạn, gia đình hay bạn bè của bạn xuất hiện trong một ảnh chụp. Hãy giấu tên để bảo vệ chính bạn, gia đình hay bạn bè của bạn. Thỉnh thoảng (nhưng rất hiếm) bạn có thể sẽ nhìn thấy một bức ảnh chụp có bạn, gia đình hay bạn bè của bạn trên Wikipedia, nhưng đừng sửa đổi Wikipedia hay trang thành viên để tuyên bố với mọi người rằng bạn và họ là những người trong bức ảnh đó.
  • Hãy nói lại với bạn bè, phụ huynh hay người khác mà bạn quen biết một cách kín đáo, khi họ xuất hiện trong bức ảnh đó. (Bằng cách trò chuyện riêng với nhau, gửi thư tay, gửi thư điện tử hay bằng một cách khác sao cho thật ít người có thể nghe thấy hay đọc được nó)

Nhờ giúp đỡ

[sửa | sửa mã nguồn]
Người có thể giúp bạn ở khắp nơi, đừng ngại khi muốn nhờ họ!

Wikipedia là một cộng đồng năng động. Có rất nhiều biên tập viên khác sẵn sàng giúp đỡ bạn, nhưng trước khi nhờ họ giúp đỡ, bạn nên tranh thủ đọc qua sách hướng dẫn về Wikipedia để được cung cấp những chỉ dẫn cơ bản nhất khi tham gia vào trang web này.

  • Đối với trợ giúp chung. Nếu bạn cần biết về một điều gì đó, hãy vào phòng thảo luận cộng đồng và bắt chuyện với mọi người; trong đó có rất nhiều biên tập viên dày dạn kinh nghiệm.
  • Đối với trợ giúp về cách sửa đổi Wikipedia. Nếu bạn cần biết cụ thể về cách thực hiện một sửa đổi hay sử dụng Wikipedia, hãy vào Wikipedia:Giúp sử dụng Wikipedia và đặt câu hỏi; trong đó có rất nhiều biên tập viên sẽ nhiệt tình giúp đỡ bạn.
  • Trợ giúp về thông tin cá nhân. Nếu bạn lỡ để lộ thông tin cá nhân và muốn xóa bỏ nó, hãy làm theo một trong ba cách dưới đây:
    Những đối tượng mà bạn liên lạc trên đây đều sẽ làm mọi cách để bảo vệ tối đa sự an toàn của bạn một cách nhanh nhất có thể, tuy nhiên trong trường hợp bạn đã chờ đợi trong vài giờ mà không được phản hồi, hãy chọn một trong các cách liên lạc còn lại, nhớ thêm ghi chú rằng bạn đã thử liên lạc với ai trước đó rồi.

Bạn có thể đóng góp những gì cho Wikipedia?

[sửa | sửa mã nguồn]
Đóng góp vào Wikipedia thật sự rất vui, nhưng nó không phải là một trò chơi.

Gần như là giống với mọi người khác – chủ yếu bằng cách cải thiện những bài viết hiện có và viết thêm những bài viết mới. Sau khi đã thực hiện một vài sửa đổi đầu tiên, có thể bạn sẽ nhận được một thông điệp chào đón từ những biên tập viên khác trong trang thảo luận của bạn, cùng một danh sách "Năm cột trụ Wikipedia" – những điều tối quan trọng mà bạn cần nắm rõ.

  • Nếu bạn viết một bài viết mới có nội dung thật sự phù hợp, thì tức là bạn đã giúp cho bách khoa toàn thư này được hoàn thiện hơn, và đó cũng là mục đích mà tất cả chúng ta có mặt ở nơi đây. Có nhiều bài viết mới tạo bị xóa đi bởi vì phần lớn mọi người không biết những gì nên và không nên viết vào một bách khoa toàn thư, và nơi để tìm hiểu về điều này là Những gì không phải là Wikipedia. Nếu công sức của bạn bị xóa, xin đừng thất vọng hay tự trách mình: rất nhiều biên tập viên dày dạn kinh nghiệm của chúng tôi đã từng tạo ra những bài viết bị xóa thẳng tay.
  • Giúp biên tập lại. Bởi vì sửa đổi bách khoa toàn thư này là chuyện rất đơn giản, một số người sẽ cảm thấy thích thú khi làm cho nó trở nên ngớ ngẩn. Chúng tôi không thấy trò đó có gì vui cả, và chúng tôi gọi đó là phá hoại. Phá hoại được ứng phó một cách nghiêm túc ở đây và người phá hoại sẽ không còn được tin tưởng để trao khả năng sửa đổi bách khoa toàn thư này. Nếu bạn nhìn thấy một cái gì đó rõ ràng rất ngớ ngẩn hay thô tục và không nên xuất hiện ở đây, bạn có thể tự mình loại bỏ nó. Khi bạn đã thực hiện nhiều sửa đổi như vậy rồi, bạn có thể tiến thêm một bước bằng cách tham gia các cuộc thảo luận về mỗi bài viết và về cách mà Wikipedia hoạt động.
  • Đóng góp hình ảnh. Nhiều bài viết trở nên hoàn thiện hơn nếu chúng được minh họa. Bạn có thể tải lên một hình ảnh hoặc tự tạo ra hình ảnh phù hợp, nhưng xin luôn ghi nhớ rằng bạn không thể tùy ý sử dụng mọi ảnh chụp hay hình vẽ – hầu hết hình ảnh luôn được bảo hộ theo luật bản quyền nhằm ngăn không để chúng hiện diện khắp nơi. Bạn có thể tìm hiểu mọi vấn đề liên quan đến việc này tại quy định sử dụng hình ảnh trong Wikipedia. Kể cả khi bạn tải lên hình ảnh do chính mình chụp hay vẽ, chúng cũng có thể bị xóa nếu bạn không cung cấp quyền sử dụng được liệt kê dưới dạng danh sách trong trang tải lên hình ảnh. Hầu như toàn bộ hình ảnh tìm thấy trên Internet (qua Google hay một công cụ tìm kiếm trực tuyến khác) đều không phù hợp tại Wikipedia.
  • Wikipedia không giống như Facebook hay Twitter. Trang thành viên của bạn không phải là nơi để gây sự chú ý về bản thân bạn ở thế giới bên ngoài Wikipedia. Đó là một không gian mà chúng tôi cung cấp cho bạn để những thành viên Wikipedia khác có thể biết chút ít về bạn và những việc bạn làm trong trang web này. Cải thiện bách khoa toàn thư là sứ mệnh duy nhất ở đây, vì vậy Wikipedia thật sự không phải là nơi để bạn giao lưu với bạn bè hay chơi trò chơi. Hãy thử viết những chuyện đó trong chỗ thử để học cách tạo "mã wiki" mà không gây ảnh hưởng đến những trang bài viết khác.
  • Hãy thư giãn. Hãy làm những gì bạn thích và những gì thuộc về sở trường của bạn. Tất cả chúng ta, dù già hay trẻ, tham gia vào Wikipedia bởi vì chúng ta thích dành thời gian rảnh của mình cho nó, kiểu như thú vui vậy. Vậy nên nếu bạn thích tìm lỗi chính tả để sửa, cứ làm; nếu bạn thích loại bỏ những liên kết ngoài bị hỏng, cứ làm; nếu bạn thích ứng phó với những phá hoại và báo cáo phá hoại cho các bảo quản viên, cứ làm thôi. Còn nếu bạn thích dành thời gian trong thư viện để tìm tài liệu bổ sung cho bài viết, càng nên làm hơn nữa!

Làm việc trong bài viết

[sửa | sửa mã nguồn]
Và Wikipedia có rất nhiều quy định áp dụng cho bài viết.

Wikipedia có rất nhiều quy định áp dụng cho bài viết. Dưới đây là những quy định cực kỳ quan trọng:

  • Tiểu sử. Bách khoa toàn thư có rất nhiều bài viết về con người. Một số bài viết về người đã qua đời và số khác viết về người đang sống. Chúng ta phải luôn hết sức cẩn thận khi viết những bài về nhân vật còn sống, và trang tiểu sử người đang sống sẽ giải thích rõ hơn với bạn về vấn đề này. Những thông tin liên quan đến con người đều phải được hỗ trợ bởi những nguồn dẫn đáng tin cậy – nói có sách mách có chứng, chúng ta không thể tùy tiện viết về họ được. Nếu thông tin là sự thật, bởi vì nó đã được viết trong một tờ báo quan trọng hay trong một cuốn sách có uy tín, hoặc nó đã được bàn luận trên TV, thì bạn có thể cho chúng tôi biết điều đó bằng cách chú thích nguồn gốc, và thông tin sẽ được lưu lại trong bài viết. Thông tin sai lệch có thể bị hàng vạn người đọc được và có thể gây tổn hại đến danh dự của một con người, và từ đó phát sinh hàng loạt rắc rối nghiêm trọng. Một số thông tin cá nhân không có gì thú vị ngay cả khi đó là sự thật – không có ích lợi gì khi phải đề cập trực tiếp đến tên từng người con của họ hay cả con chó họ đang nuôi, hay những món họ ăn trong bữa sáng – thì không cần thiết thêm vào bài viết. Nếu bạn không chắc về những gì nên được viết trong bài, trước hết hãy thảo luận với một biên tập viên khác. Cách thêm trích dẫn thông tin trong bài viết có thể đọc tại Nguồn đáng tin cậyChú thích nguồn gốc.
  • Độ nổi bật. Tất cả bài viết đều phải nói về những chủ đề đủ quan trọng. Chúng tôi gọi đó là độ nổi bật. Nếu chủ đề (hay "chủ thể") bài viết không đủ quan trọng, nó có thể bị bảo quản viên xóa đi – và có khi còn xóa rất nhanh! Ví dụ: chúng ta có thật nhiều bài viết về các ban nhạc. The Beatles là một ban nhạc rất nổi tiếng và quan trọng bởi vì những sáng tác của họ lưu lại dấu ấn mãi mãi trong xã hội, nhưng một ban nhạc biểu diễn trong nhà để xe của hàng xóm bạn thì chưa đủ khả năng để có một bài viết về họ trong Wikipedia, chắc chắn là phải rất lâu nữa mới được, ngay cả khi họ có góp mặt trong vũ hội trường học.
  • Một số nội dung của Wikipedia không thích hợp với những người chưa đủ tuổi. Wikipedia không bị kiểm duyệt và chúng tôi có nhiều bài viết mà phụ huynh của bạn có thể không muốn bạn đóng góp vào chúng, vì vậy xin vui lòng thảo luận về công việc trên Wikipedia của bạn với một người lớn có trách nhiệm.
  • Sao chép câu chữ từ nơi khác. Chúng tôi gọi đó là hành vi đạo văn. Giống như khi dùng hình ảnh của người khác, việc tùy tiện sử dụng văn bản do người khác viết nên ở khắp nơi là không được phép, thậm chí cũng không được khi bạn cố gắng viết lại mà nó vẫn hơi giống với văn bản gốc. Và cũng giống như hình ảnh, các văn bản cũng được bảo hộ theo luật bản quyền và sẽ bị xóa đi nhanh chóng nếu chúng ta không nhận được một sự cho phép rất đặc biệt để sử dụng nó. Nó chẳng khác gì với việc sao chép bài tập về nhà của bạn bè vậy.
  • Văn phong. Có cả triệu người sử dụng Wikipedia. Nhiều người trong số họ là những doanh nhân tên tuổi, những chính trị gia nổi tiếng hay những giáo sư đại học hàng đầu, đến từ khắp nơi trên thế giới. Từng câu chữ mà bạn thêm vào bài viết phải được trình bày sao cho sát với quy chuẩn nhất. Bạn không thể viết loại văn xuôi thường thấy trong tạp chí và blog ưa thích của mình vào đây được. Hãy nghĩ về văn phong trong sách giáo khoa ở trường của bạn. Mặc dù vậy đừng lo lắng quá, bởi vì những người dùng khác có thể sẽ chỉnh lại câu chữ giúp bạn.
  • Wikipedia tiếng Việt không phải là Wikipedia Việt Nam. Thật vậy, mặc dù tiếng Việt là ngôn ngữ sử dụng chính yếu tại Việt Nam, và đa số người dùng trang web này đang sống tại Việt Nam, nhưng nó không phải là một bách khoa toàn thư của Việt Nam. Wikipedia nói chung không có định nghĩa khái niệm về địa lý, mà là về ngôn ngữ. Điều đó có nghĩa miễn là bạn có thể sử dụng tiếng Việt, dù bạn đang sống tại đâu và có quốc tịch nào đi nữa, bạn đều có thể đóng góp một cách hiệu quả nhất cho bách khoa toàn thư này. Nếu bạn đang sống tại Việt Nam, có thể bạn sẽ bắt gặp những bài viết dường như cung cấp những thông tin không giống như những gì bạn được học trên lớp về quốc gia này. Khi đó đừng vội sửa đổi theo những gì bạn cho là đúng, hãy tự đặt mình vào vị trí của một người nước ngoài đang đóng góp thông tin, và nên nhớ rằng chúng ta có một quy định rất quan trọng về thái độ trung lập khi đưa ra quan điểm về bất kỳ lĩnh vực nào, từ con người cho đến quốc gia, chính trị, v.v... Hãy thảo luận trước với mọi người nếu bạn không chắc chắn mình phải làm gì.

Làm việc với những biên tập viên khác

[sửa | sửa mã nguồn]
Hòa thuận với những biên tập viên có cùng mục tiêu là yếu tố cần thiết tạo nên sự thành công trên Wikipedia.

Hầu hết bài viết, ngay cả những bài do chính bạn tự viết, đều được mở rộng và cải thiện bởi những biên tập viên khác. Hợp sức cùng nhau là một cách làm tốt cho sự phát triển của bách khoa toàn thư. Những biên tập viên khác cũng đang đóng góp hết sức mình, và sẽ thật hay nếu bạn hòa hợp với họ. Đừng hét vào mặt người khác nếu bạn không thích những gì họ vừa sửa đổi hay bổ sung; chỉ nên thảo luận một cách từ tốn trong trang thảo luận.

  • Hãy lịch sự và tham gia thảo luận với những thành viên khác. Mọi biên tập viên đều phải cư xử lịch sự và không tùy tiện gọi trống không họ tên đầy đủ của người khác. Khi phát sinh vấn đề, hãy thảo luận với mọi người và cố gắng giải quyết mọi chuyện thật bình tĩnh. Đừng tiếp tục sửa tới sửa lui bài viết hay để lại những dòng bình luận quái gở trong khung tóm lược sửa đổi. Có rất nhiều cách để yêu cầu giúp đỡ khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát của bạn. Vì vậy hãy thật cẩn trọng khi đối đáp với mọi người trong các trang thảo luận – bạn không bao giờ biết họ thật sự là những người như thế nào! Có thể một ai đó cũng hòa nhịp vào sự hài hước của bạn, nhưng cũng có một số người nghĩ rằng lối đối đáp thân mật hay bình dân là bất lịch sự. Họ có thể cùng tuổi với bạn, trẻ hơn hay lớn hơn bạn rất nhiều.
  • Làm theo lời khuyên. Nếu có ai chỉ ra một lỗi sai của bạn, hãy cảm ơn họ vì đã nói cho bạn biết và đừng tỏ ra khó chịu. Nếu một người tỏ ra lo ngại về sửa đổi mà bạn đã thực hiện, hãy giải thích từ tốn với họ lý do bạn làm như vậy. Chúng ta sẽ học hỏi được nhiều thứ từ những ý kiến và lời phê bình mà ta nghe được hàng ngày.
  • Cảnh báo. Nếu bạn nhận được một thông điệp hàm ý cảnh báo, hãy suy nghĩ thật cẩn thận về những gì thông điệp đó muốn nói với bạn. Có lẽ bạn đã làm sai chuyện gì đó rồi. Nếu lời cảnh báo đó là đúng, hãy cố tránh đừng để phạm tiếp sai lầm đó một lần nữa. Nếu bạn nghĩ lời cảnh báo đó là sai, hãy thảo luận thật lịch sự với người đã cảnh báo bạn, hoặc hỏi một bảo quản viên để xin ý kiến về việc bạn đã làm.
  • Gặp rắc rối. Nếu ai đó cư xử thô lỗ với bạn, và họ vẫn không dừng lại khi bạn yêu cầu, đừng tỏ ra thô lỗ ngược lại với họ – chuyện này thật sự sẽ không giúp giải quyết rắc rối. Hãy nhờ một bảo quản viên giúp đỡ, hay báo cáo lại tình trạng này tại trang nhắn tin chung cho bảo quản viên. Nếu ai đó xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của bạn, hay yêu cầu bạn làm một chuyện gì đó gây hại và nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe và tâm lý của bạn, đừng ngần ngại báo lại ngay với bảo quản viên chứ không nên tiếp tục bắt chuyện hay thảo luận với họ. Trong tình huống nghiêm trọng, hãy báo lại với phụ huynh, người giám hộ hay người lớn có trách nhiệm mà bạn quen biết, và yêu cầu họ xem trang Wikipedia:Bảo vệ trẻ em.
  • Tôn trọng những biên tập viên nhiều kinh nghiệm. Đôi khi biên tập viên khác có thể hiểu biết nhiều hơn bạn về một chủ đề cụ thể. Mọi sự đóng góp của bất kỳ ai cũng đều có giá trị như nhau, nhưng có thể một biên tập viên đang đóng góp vào bài viết là chuyên gia hàng đầu thế giới về chủ đề đó! Cũng như bạn muốn được người khác tôn trọng mình và những gì mình đóng góp, bạn cũng phải sẵn sàng tôn trọng người khác.
  • Danh tiếng của bạn. Hầu hết biên tập viên sẽ không vì vấn đề tuổi tác mà phán xét bạn, ngay cả khi họ biết tuổi của bạn, nhưng họ sẽ phán xét sự chín chắn của bạn vì nó phản ánh qua những việc bạn đang làm. Không có gì sai trái với việc có những khoảng thời gian thư giãn trong Wikipedia, nhưng phần lớn thời gian còn lại cần phải thể hiện thái độ nghiêm túc. Theo thời gian, bạn sẽ gầy dựng danh tiếng qua chất lượng của những đóng góp mà bạn thực hiện, và cách mà bạn giao tiếp với người khác. Chắc hẳn là bạn muốn danh tiếng của mình luôn luôn tốt đẹp trong mắt mọi người.
  • Chữ ký của bạn. Bạn có thể tạo một chữ ký tùy ý thích, nhưng xin nhớ rằng nó nên theo đúng những hướng dẫn tại Wikipedia:Chữ ký; chữ ký cần giúp người khác có thể đọc được dễ dàng, và có một liên kết đến trang thảo luận của bạn. Nó không cần thiết cầu kỳ quá mức với đủ loại phông chữ và màu mè.

Các dự án cộng tác trong Wikipedia

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều đề tài có một trang dự án Wikipedia hay "WikiProject". Dự án là những nhóm gồm nhiều biên tập viên có chung mối quan tâm về một lĩnh vực, và họ tập họp lại với nhau để luôn theo sát các bài viết và cải thiện chúng. Ví dụ: có lẽ bạn định viết hay sửa đổi một bài viết về ca sĩ mà bạn yêu thích (chúng tôi đoán đúng chứ?). Nếu thật vậy, hãy tham quan Dự án Âm nhạc; nó sẽ cung cấp cho bạn một ý tưởng thú vị về cách dự án hoạt động, và có rất nhiều lời khuyên về cách xây dựng sao cho bài viết trở nên hoàn thiện nhất. Đừng ngại tham gia vào các dự án liên quan đến những đề tài yêu thích của bạn; đó là một trong những nơi đầu tiên bạn có thể nhận được sự giúp đỡ và tư vấn về việc bổ sung nội dung do bạn đóng góp.

Công nhận những đóng góp của bạn

[sửa | sửa mã nguồn]
Những biểu tượng này trông thật ngầu, nhưng chúng không nên là động lực duy nhất của bạn khi đóng góp cho các bài viết.

Có rất nhiều cách để các thành viên Wikipedia công nhận những đóng góp hữu ích của nhau.

  • Thang đánh giá chất lượng bài viết dựa trên sự tin tưởng rằng những biên tập viên nhiều kinh nghiệm sẽ cung cấp ý kiến khách quan của họ trong việc đánh giá công sức của một biên tập viên khác. Nhiều bài viết lúc mới tạo ra thường sơ sài và được xem là 'sơ khai', nó tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện cho đến khi một ai đó đánh giá bài viết và biến nó trở thành Bài viết tốt. Một số thậm chí trở thành Bài viết chọn lọc, được đưa lên Trang Chính hàng tuần và được xem là một trong những bài viết xuất sắc nhất của Wikipedia. Một bài viết mới tạo hay mới được mở rộng nội dung mà chứa những thông tin thú vị có thể sẽ được đưa vào danh sách Bạn có biết? trên Trang Chính.
  • Phần thưởng chiến thắng. Xin hãy thật thoải mái khi tham gia chọn lựa những bài viết tốt nhất của Wikipedia, và giúp sức tạo ra chúng. Nhưng cần nhớ rằng: Wikipedia là nơi mọi người cùng làm việc để tạo ra một bách khoa toàn thư với nhiều niềm vui – không phải để nhận phần thưởng chiến thắng. Nếu bạn tạo ra hay xây dựng một bài viết được chọn vào mục Bạn có biết?, Bài viết tốt, hay thậm chí là Bài viết chọn lọc, bạn có quyền tự hào. Nhưng có một số người dành quá nhiều thời gian lo nghĩ về số phần thưởng mà họ có thể kiếm được. Điều quan trọng là bài viết của bạn giúp ích như thế nào cho người tra cứu.
  • Tặng sao. Bạn có thể nhận được một kỷ niệm chương có hình dáng ngôi sao như cách ghi nhận một số đóng góp đặc biệt hiệu quả mà bạn đã thực hiện trong bài viết, hoặc một số công sức to lớn của bạn trong việc biên tập lại bài viết bị phá hoại hay thiếu sót. "Mua bán" sao, theo kiểu "Tôi sẽ tặng bạn một cái nếu bạn tặng tôi một cái trước", không phải là ý nghĩ hay ho. Sao không nên là thứ được trao quá thường xuyên; chúng nên là một cách ghi nhận thành tích để khích lệ, cũng giống như bằng khen bạn nhận được ở trường.
  • WikiLove có thể được dùng tự do hơn một chút để trao cho nhau một cái "ôm" vì những việc làm tốt đẹp và có ích. Thỉnh thoảng bạn cũng sẽ nhận được một thông điệp nhỏ nhắn có nội dung như "[Ai đó] đã cảm ơn bạn vì sửa đổi tại [Nơi nào đó mà bạn vừa sửa đổi]", đó là cách đơn giản nhất để thể hiện lời cảm ơn của các thành viên khác dành cho một đóng góp có ích của bạn, hoặc có thể là để khích lệ bạn.

Bảo quản viên

[sửa | sửa mã nguồn]
Bảo quản viên giống như những lao công bất đắc dĩ với cây chổi lau nhà trong tay.

Biên tập viên đã cho thấy họ biết cách làm thế nào để viết hay cải thiện bài viết, và đã học được cách vận dụng nhiều loại quy định khác nhau, đôi khi trở thành quản trị viên, mà bách khoa toàn thư này gọi là 'bảo quản viên'. Thường thì họ phải có rất nhiều kinh nghiệm và có lối hành xử thật hợp lý và chín chắn. Họ đã sửa đổi Wikipedia suốt một thời gian dài và thực hiện hàng nghìn sửa đổi trong nhiều phần khác nhau của bách khoa toàn thư. Họ không có địa vị quan trọng hơn những thành viên khác. Họ giống như một người giữ chìa khóa, nhưng chìa này chỉ để mở một cái tủ mà trong đó có mỗi cây chổi lau nhà và xô nước, rồi họ phải dùng chổi và xô đó để dọn dẹp mớ hỗn độn mà những người khác vứt lại sau lưng. Thỉnh thoảng việc dọn dẹp có nghĩa là khóa cánh cửa chính để tạm thời ngăn không cho mọi người tràn trở vào và tiếp tục làm bẩn sàn nhà, và hiếm hơn là ngăn không cho một người lảng vảng quanh ngôi nhà.

Biết phân biệt cái gì cần ưu tiên hơn

[sửa | sửa mã nguồn]
Nhớ nhé, bài tập về nhà và trường học phải được ưu tiên!
Hãy nghĩ đến việc ra ngoài chạy bộ và không dành quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính hay cầm trong tay điện thoại di động.

Wikipedia hẳn là rất vui – và cũng có thể chiếm rất nhiều thời gian, nhưng không ai hy vọng bạn làm việc ở đó suốt từ ngày này qua ngày khác. Có những việc quan trọng hơn với bạn cần phải được ưu tiên. Việc ở trường quan trọng hơn Wikipedia, và bài tập về nhà cũng cần được hoàn thành trước đã. Không chỉ bạn được khuyên như thế, chúng tôi luôn khuyến khích mọi người không nên dành quá nhiều thời gian cho Wikipedia, nếu bạn xem nó là một phần của cuộc sống thì thật tuyệt vời, nhưng chắc chắn nó không phải là toàn bộ cuộc sống của bạn. Hãy nhớ rằng bạn còn có một cuộc sống thực ngoài kia.

Phần kết

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối cùng, một số người nghĩ rằng biên tập viên nhỏ tuổi chúng ta không có đủ sự chín chắn, kiến thức, kỹ năng hay thái độ cần thiết để làm việc trên Wikipedia. Các biên tập viên nhỏ tuổi chúng ta đang mỗi ngày chứng minh rằng những người đó đã sai hoàn toàn.


Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Câu truyện đằng sau đôi tất ướt và điệu nhảy của Ayaka
Câu truyện đằng sau đôi tất ướt và điệu nhảy của Ayaka
Story Quest của Ayaka có một khởi đầu rất chậm, đa số là những cuộc hội thoại giữa Ayaka và các NPC trong thành Inazuma
Danh sách những vật dụng cần chuẩn bị khi đi leo núi (phần 1)
Danh sách những vật dụng cần chuẩn bị khi đi leo núi (phần 1)
Tôi sẽ đưa ra danh mục những nhóm đồ dùng lớn, sau đó tùy vào từng tình huống mà tôi sẽ đưa ra tùy chọn tương ứng với tình huống đó
Anime Ganbare Douki-chan Vietsub
Anime Ganbare Douki-chan Vietsub
Dù rằng vẫn luôn cố gắng kiềm nén cảm xúc, chàng trai lại không hề hay biết Douki-chan đang thầm thích mình
Nhân vật Zanac Valleon Igana Ryle Vaiself - Overlord
Nhân vật Zanac Valleon Igana Ryle Vaiself - Overlord
Zanac được mô tả là một người bất tài trong mắt nhiều quý tộc và dân thường, nhưng trên thực tế, tất cả chỉ là một mưu mẹo được tạo ra để đánh lừa đối thủ của anh ta