Trang này là một bài luận chứa lời khuyên hoặc quan điểm của một hoặc nhiều thành viên Wikipedia. Bài luận không phải là quy định hay hướng dẫn của Wikipedia. Bài luận có thể đại diện cho tầm nhìn chung của đa số thành viên nhưng cũng có thể chỉ đại diện cho quan điểm của thiểu số.
Cách dễ nhất để tránh mắc phải những sai lầm phổ biến là biết được bản chất của chúng là gì. Một số sai lầm thường gặp nhất tại Wikipedia được nêu bên dưới để bạn tiện theo dõi.
Tuy nhiên, không phải mọi sai lầm nào cũng được đề cập trong bài này. Cần lưu ý rằng những người mới tham gia Wikipedia có thể cảm thấy mình dễ mắc phải lỗi lầm (faux pas). Đừng lo lắng về điều đó. Hãy nhớ, Wikipedia là bất khả xâm phạm (mọi sửa đổi đều được ghi lại và có thể truy xuất được). Hơn nữa, Wikipedia không cần sự hoàn hảo, vì dự án này là một sản phẩm đang hoàn thiện. Bạn được khuyến khích táo bạo và bắt đầu sửa đổi.
Bài viết từ hiểu biết cá nhân. Bạn có thể biết về một chủ thể từ kinh nghiệm cá nhân, nhưng Wikipedia chỉ dành cho thông tin được dẫn từ nguồn độc lập, đáng tin cậy mà người đọc có thể kiểm chứng. Cách tốt nhất là trước tiên hãy thiết lập một danh sách các nguồn độc lập, đáng tin cậy, nhất là nguồn thứ cấp viết về chủ thể một cách chi tiết. Sau đó sắp xếp và viết thông tin theo cách hành văn của mình, chỉ sử dụng những gì mà các nguồn đó có thể kiểm chứng, và trích dẫn các nguồn xác minh đó khi bạn viết bài. Có được những nguồn đó cũng sẽ làm sáng tỏ độ nổi bật của chủ thể.
Bài tự truyện. Một trong những sai lầm phổ biến nhất đối với người mới đến là tạo một bài viết bách khoa toàn thư về bản thân họ (hoặc một người bạn hoặc người thân). Bởi vì Wikipedia là một bách khoa toàn thư, nên chúng ta không mong muốn sẽ có một bài viết tiểu sử về mọi người đóng góp, hoặc thực sự, về hầu hết mọi người. Thực tế đơn giản là đại đa số mọi người đều không có gì nổi bật (theo như cách định nghĩa ở đây), và ngay cả khi nếu có, bạn vẫn không nên viết bài về bản thân hoặc những người mà bạn có mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, trang thành viên của bạn là một nơi hoàn hảo để chia sẻ một chút về mình, đặc biệt là khi nó liên quan đến việc biên tập Wikipedia — ví dụ như công việc và nguyện vọng của bạn với tư cách là một thành viên Wikipedia, danh sách việc cần làm, hay liên kết hướng dẫn/chính sách hữu ích. Mặc dù bạn có thể viết một số nội dung không liên quan, nhưng bạn nên tránh để một lượng đáng kể nội dung không liên quan đến Wikipedia trên trang thành viên của mình. Để truy cập trang thành viên của bạn, chỉ cần nhấp vào tên người dùng ở đầu màn hình sau khi bạn đã đăng nhập.
Bài viết về doanh nghiệp. Thường thì sẽ tốt hơn nếu bạn không viết bài về công ty mà bạn đang sở hữu hoặc là nơi bạn làm việc. Thứ nhất, bạn có thể gặp vấn đề trong việc duy trì thái độ trung lập, và thứ hai, bài viết của bạn có khả năng sẽ nhanh chóng bị xóa. Nếu doanh nghiệp của bạn đủ nổi bật, sẽ có người khác viết bài về nó. (Xem thêm Wikipedia:Xung đột lợi ích.)
Bài viết dạng giống mục từ trong từ điển.Wikipedia không phải là từ điển; mỗi bài viết nên nhằm mục đích cung cấp thông tin về chủ đề ngoài khuôn khổ một định nghĩa đơn giản. Các mục từ từ điển thuần túy đều thuộc về dự án anh chị em của chúng ta, Wiktionary.
Bài viết lặp thừa. Trước khi tạo bài, thử tìm kiếm về chủ thể; bạn có thể tìm thấy một bài viết liên quan đã tồn tại trước đó. Hãy cân nhắc thêm nội dung vào những bài sẵn có trước khi tạo một bài viết hoàn toàn mới. Bạn có thể tìm kiếm Wikipedia bằng Google hoặc một công cụ tìm kiếm bên ngoài khác đối với tên chủ thể của bạn và các thuật ngữ liên quan; các bài viết có thể bị bỏ sót khi tìm kiếm trên Wikipedia nhưng lại bị một công cụ tìm kiếm bên ngoài bắt gặp, đặc biệt nếu các thuật ngữ bạn chọn không có trong tiêu đề bài viết. Tính năng gợi ý chính tả của nhiều công cụ tìm kiếm cũng giúp ích đáng kể. Các bài viết lặp thừa thường xuất phát khi người dùng phát hiện ra một liên kết đỏ. Một bài viết ứng với liên kết đỏ có thể đã bị xóa; xem Đặc biệt:Nhật trình/delete và tìm kiếm các tác vụ xóa để tìm hiểu xem một bài viết có bị xóa hay không, và nếu có thì khi nào và tại sao. Mặt khác, thể loại, danh sách và bản mẫu điều hướng liên quan đến cùng một chủ thể thường không bị coi là lặp thừa.
Bài viết ngắn đến mức không có giá trị bách khoa. Mỗi bài viết cần xác lập ngữ cảnh và độ nổi bật của chủ thể. Nếu một bài viết không có đủ nội dung để giữ cho nó không bị phân loại là bài sơ khai, thì bài đó có thể thỏa mãn tiêu chí xóa nhanh. Thay vì tạo một bài viết rất ngắn, hãy cân nhắc thêm nhiều nội dung hơn vào bài viết ban đầu của bạn trước khi lưu lại, sử dụng thẻ {{Đang sửa đổi}} để cho biết rằng bài viết đang trong quá trình mở rộng, hoặc thêm nội dung vào một bài gốc.
Xóa nội dung hữu ích. Một số nội dung có thể thuộc về một nơi nào đó trong Wikipedia mặc dù được viết kém hoặc đặt vào không đúng vị trí. Hãy xem một câu hoặc một đoạn trong bài đang cố gắng nói gì. Nếu có thể, hãy làm rõ nó thay vì bỏ nó đi. Nếu một nội dung trong bài dường như bị phân loại sai hoặc không đúng chỗ nhưng vẫn hữu ích trong một số ngữ cảnh khác, hãy cân nhắc chuyển nó sang một trang khác phù hợp, tạo một trang mới khi cần thiết hoặc di chuyển nó đến trang thảo luận của bài viết (có thể truy cập bằng cách nhấp vào tab Thảo luận) để thảo luận. Nên cân nhắc việc cố gắng tìm một nguồn đáng tin cậy cho nội dung chưa được kiểm chứng.
Xóa nội dung vô dụng có thể hữu ích giống như việc thêm thông tin hữu ích. Loại bỏ nội dung thừa là cốt lõi của bài viết hay, rõ ràng. Bạn có thể tìm thấy nội dung trên Wikipedia không thuộc về nơi này vì nhiều lý do. Ví dụ: nội dung linh tinh thuần túy không phải là nội dung bách khoa; nội dung có thể bị nhấn mạnh quá mức, không hợp lý hoặc quá chi tiết cho chủ đề của bài viết; câu văn có thể không được kiểm chứng bởi một nguồn đáng tin cậy; nội dung có thể đơn giản là sai, vô nghĩa hoặc là sản phẩm của hành vi phá hoại. Nếu bạn tìm thấy nội dung không hữu ích, hãy mạnh dạn xóa đi, và giải thích một cách lịch sự lý do của bạn trong phần tóm lược sửa đổi.
Xóa mà không giải thích. Việc xóa bất kỳ nội dung gì phi tầm thường cần phải có lý do chính đáng, nếu không, những người dùng khác quan tâm đến sự phát triển của bài viết sẽ bị bắt gặp và có thể nghĩ rằng bạn đang cố tình thực hiện một cách lén lút. Tốt nhất là viết một vài từ trong phần tóm lược sửa đổi, nếu không bạn chỉ cần viết "Xem thảo luận:" trong hộp tóm lược sửa đổi và giải thích vấn đề trên trang thảo luận. Hãy giữ thái độ văn minh, trên cơ sở rằng các tác giả có thể đã làm việc chăm chỉ và thiện chí để tạo ra nó.
Xóa nội dung thiên vị. Nội dung thiên vị có thể là nội dung hữu ích (xem trên). Hãy loại bỏ phần thiên vị và giữ lại phần nội dung.
Xóa nội dung khỏi bất kỳ trang Thảo luận nào mà không lưu trữ trước đó, ngoại trừ trong không gian tên thành viên của bạn. Các trang thuộc không gian Thảo luận, hoặc bất kỳ trang thảo luận nào khác ở Wikipedia, đều là một phần của hồ sơ lịch sử trong dự án. Mỗi khi đã dọn dẹp xong trang thảo luận, đừng quên lưu lại những gì đã xóa trong trang lưu trữ ([[/Lưu]]) tương ứng. (Tham khảo cách lưu trang thảo luận.)
Xóa chú thích đã được đặt tên. Nếu văn bản chứa chú thích đã đặt tên bị xóa cùng với tham chiếu gốc của nó, cần cẩn thận để đảm bảo không xảy ra lỗi "mồ côi", tức là những lần xuất hiện của chú thích đã xóa ở nơi khác trong bài viết mà hiện không có tham chiếu (dẫn đến lỗi chú thích). Hoặc là tất cả mọi hiện diện của chú thích trong bài viết đều phải bị xóa, hoặc tham chiếu gốc phải được chuyển đến vị trí xuất hiện khác trong bài của chú thích đó. Cần kiểm tra lại bài viết sau khi sửa đổi để chắc chắn rằng không còn lỗi chú thích nào xảy ra.
Xóa chú thích định nghĩa bằng danh sách. Tương tự, nếu văn bản chứa chú thích định nghĩa bằng danh sách (vốn chỉ xuất hiện một lần trong nội dung chính của bài viết) bị xóa, thì cần loại bỏ luôn tham chiếu gốc để tránh xảy ra lỗi chú thích; một lần nữa, cần kiểm tra lại lỗi chú thích trong bài sau khi sửa đổi.
Phần mở đầu cấu trúc kém. Phần mở đầu của bài nên thiết lập ngữ cảnh, tóm tắt những điểm quan trọng nhất, giải thích lý do tại sao chủ đề này thú vị hoặc nổi bật, và mô tả ngắn gọn những vấn đề tranh cãi đáng chú ý về nó, nếu có. Phần này không nên "trêu ngươi" độc giả bằng cách ngụ ý nhưng không giải thích những điểm quan trọng sẽ xuất hiện ở phần sau của bài viết. (Xem hướng dẫn phần mở đầu.)
Nội dung tự đề cập. Việc đề cập đến dự án Wikipedia là hoàn toàn có thể chấp nhận được trên các trang thảo luận hoặc trong không gian tên Wikipedia nhưng không phù hợp trong các bài viết. Lý do là bởi theo nguyên tắc cấp phép của Wikipedia, các dự án và người dùng khác được phép sử dụng lại nội dung Wikipedia (tùy thuộc vào các điều kiện khác nhau) trong các dự án khác; theo đó, nếu các bài viết trong Wikipedia đưa ra phát biểu như "Bài viết này là một phần của loạt bài viết Wikipedia về chủ đề X...", thì phát biểu này sẽ có vẻ lạ lẫm đối với một người đang đọc bài viết khi nó đang nằm trong một dự án khác. (Xem hướng dẫn về nội dung tự đề cập.)
Các bài viết Wikipedia khác dùng làm nguồn dẫn. Bài viết trên Wikipedia cần được trích dẫn từ những nguồn đáng tin cậy, và bản thân các bài viết không phải là nguồn đáng tin cậy. Trong hầu hết các trường hợp, một bài viết Wikipedia không thể được sử dụng làm nguồn cho một bài viết Wikipedia khác (ngoại trừ chẳng hạn như trường hợp một bài viết trên Wikipedia viết về Wikipedia hoặc các chính sách của Wikipedia). Thay vào đó, bài viết Wikipedia nên sử dụng các nguồn đã xuất bản làm tài liệu tham khảo, chẳng hạn như sách và tạp chí.
Liên kết ngoài trong văn bản. Các liên kết bên ngoài có liên quan nên được thêm vào phần "Liên kết ngoài" ở cuối bài viết. Nếu liên kết là một tham chiếu đến nguồn đáng tin cậy thì bạn nên sử dụng thẻ chú thích để tạo trích dẫn trong hàng. (Xem Wikipedia:Liên kết ngoài.)
Chữ ký trong bài viết. Yêu cầu gắn liền các sửa đổi ứng với người dùng đã được phần lịch sử sửa đổi của bài viết đảm nhiệm. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng chữ ký của mình khi đóng góp cho các trang thuộc không gian tên Thảo luận, trang thảo luận chung cộng đồng, hoặc các trang thảo luận tương tự khác. (Xem Wikipedia:Chữ ký.)
Chỉ trích hay vì sửa đổi. Các bài viết đều không có một tác giả duy nhất và không có một kế hoạch tổng thể duy nhất nào. Việc đưa ra gợi ý hoặc phê bình trên trang Thảo luận có thể là tốt, nhưng nếu một trang không bị khóa, chỉ việc cung cấp cho bài viết những gì bạn nghĩ nó cần thì sẽ nhanh hơn nhiều.
Không biết táo bạo. Đúng, bạn có thể làm mọi thứ rối tung lên một chút. Tuy nhiên, khả năng là sau đó sẽ có người khác dọn dẹp giúp bạn. Thật đấy, hãy mạnh dạn và thay đổi nó.
Viết hoa quá mức. Ví dụ, từ thứ hai trong tên bài "Thành phố" được viết thường. Đó là quy tắc chính tả chung của Wikipedia.
Cố trang bị cho "chiến tranh". Wikipedia là một cộng đồng độc nhất gồm những người lý trí và có định hướng đồng thuận. Nói cách khác, đây không phải là một trang mạng xã hội như Facebook, Reddit, Twitter, Discord, Fandom hay 4chan, và việc "bốc hỏa" (flaming) luôn bị coi thường nghiêm trọng. Xem Wikipedia:Quy tắc ứng xử để biết thêm về cách cư xử đúng đắn trên Wikipedia.
Cảm thấy khó chịu vì bạn tìm thấy những bài viết tệ. Wikipedia đang, và sẽ luôn, là một sản phẩm đang hoàn thiện; xin vui lòng tha thứ cho sự không hoàn hảo của chúng tôi, và giúp chúng tôi cải thiện. Bạn có thể thay đổi một bài viết cho tốt hơn! Có rất nhiều người thông minh ở đây, và mọi người đều thấy họ có điều gì đó để đóng góp.
Cảm thấy khó chịu khi người khác chỉnh sửa hoặc xóa đóng góp của bạn. Bạn rất dễ nản lòng khi một trang mà bạn đóng góp đáng kể đã bị chỉnh sửa hoặc xóa một phần nội dung. Đừng như vậy: Wikipedia chủ yếu là về chia sẻ kiến thức, chứ không phải tự cho mình là vượt trội so với các biên tập viên khác. Nếu người khác chỉnh sửa hoặc nhận xét về đóng góp của bạn, đừng buồn—hãy nghe lời khuyên của họ và trau dồi nó, hoặc thêm vào những điểm mà bạn cho là có liên quan. Nếu chúng ta làm việc cùng nhau, chúng ta có thể biến Wikipedia thành một nơi tốt đẹp hơn.