Giải Théophraste Renaudot, thường gọi là Giải Renaudot, là một giải thưởng văn học của Pháp, được 10 nhà báo và nhà bình luận văn học Pháp thành lập năm 1926, trong khi chờ đợi kết quả cuộc thảo luận của ban giám khảo Giải Goncourt.
Giải này được đặt theo tên nhà văn Théophraste Renaudot (1586 – 25.10.1653), người sáng lập tờ báo đầu tiên ở Pháp: tuần báo La Gazette (1631)
Ban giám khảo đầu tiên của giải Renaudot gồm Raymond de Nys, Marcel Espiau, Georges Le Fèvre, Noël Sabord, Georges Martin, Odette Pannetier, Henri Guilac, Gaston Picard, Pierre Demartre, và Georges Charensol. Những nhà văn trên đã viết một quyển tiểu sử của Théophraste Renaudot gồm 10 chương, trong đó mỗi người viết một chương. Sách này đã được nhà xuất bản Gallimard phát hành năm 1929: Cuộc đời của Théophraste Renaudot, do ********** viết (Bộ tập hợp Cuộc đời những người nổi tiếng, 42).
Không dính dáng gì với Viện văn học Goncourt về mặt tổ chức, nhưng có sự trùng hợp là ban giám khảo giải Renaudot cũng tuyên bố kết quả trao giải vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11 tại tiệm ăn Drouant ở Paris.
Ngoài giải thưởng chính, từ năm 1992 ban giám khảo đã trao thêm một giải thưởng hàng năm cho tác phẩm của các học sinh trung học, từ năm 2003 thêm một giải thưởng cho "Tiểu luận" và từ năm 2009 một giải thưởng cho "Sách bỏ túi".
Việc trao giải Renaudot năm 2007 đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn. Ngày 7.11.2007 Christophe Donner đã cáo buộc Franz-Olivier Giesbert là đã «lèo lái» các cuộc thảo luận của ban giám khảo [1]. Theo hãng thông tấn AFP, thì «người ta ngạc nhiên là ban giám khảo giải Renaudot đã trao giải năm 2007 cho Daniel Pennac, trong khi tác phẩm của ông ta không nằm trong danh sách những tác phẩm được lựa chọn [2] ».