Bát thập chủng hảo tiếng Việt Tám mươi vẻ đẹp (zh. bāshízhǒng hăo 八十種好, sa. aśīty-anuvyañjanāni, ja. hachijisshu gō, bo. dpe byed bzang po brgyad bcu དཔེ་བྱེད་བཟང་པོ་བརྒྱད་བཅུ་), cũng được gọi là Bát thập tùy hảo (八十隨好), Bát thập tùy hình hảo (八十隨形好), Bát thập vi diệu chủng hảo (八十微妙種好), Bát thập chủng tiểu tướng (八十種小相), Chúng hảo bát thập chương (眾好八十章). Là tám mươi vẻ đẹp phụ trên thân của một vị Phật. Tương truyền các tướng tốt nầy cần phải tu hành một trăm đại kiếp mới đạt được. Bản liệt kê 80 vẻ đẹp nầy không thấy ghi trong các kinh văn nguyên thủy, nhưng rất thường thấy đề cập trong tiểu sử của Phật và các kinh văn Đại thừa. Có thể nó xuất xứ từ các đại biểu của Thuyết nhất thiết hữu bộ, nhưng nó lại được sử dụng thường xuyên trong văn học Đại thừa.
Kinh văn đầu tiên liệt kê đầy đủ 80 vẻ đẹp có lẽ được tìm thấy trong Phật bản hạnh tập kinh (zh. 佛本行集經, sa. abhiniṣkramaṇa-sūtra), là bản ghi lịch sử đức Phật trọn vẹn nhất trong Hán tạng. Dưới đây là bản liệt kê 80 vẻ đẹp bằng tiếng Hán trong Phật Quang đại từ điển (đã được dịch):
Móng tay thon dài, mảnh và sáng bóng;
Ngón tay, ngón chân tròn, thon dài, mềm dịu;
Các ngón khi khép lại thì kín đầy;
Tay chân sáng bóng, tươi hồng;
Hai mắt cá chân ẩn kín;
Hành bộ trực tiến, uy nghi hoà mục như long tượng vương (行歩直進,威儀和穆如龍象王): dáng di hướng thẳng phía trước, uy nghi khoan thai như rồng chúa, voi chúa;
Hành bộ uy dung tề túc như sư tử vương (行歩威容齊肅如獅子王): Dáng đi oai vệ như sư tử chúa;
Hành bộ an bình do như ngưu vương (行歩安平猶如牛王): Dáng đi bình thản như trâu chúa;
Tiến chỉ nghi nhã uyển như nga vương (進止儀雅宛如鵝王): Phong thái tiến, dừng thanh nhã, uyển chuyển như ngỗng chúa;
Hồi cố tất giai hữu toàn như long tượng vương chi cử thân tùy chuyển (迴顧必皆右旋如龍象王之舉身隨轉): Quay nhìn đều theo bên phải như voi chúa nhấc mình để di chuyển;
Chi tiết quân vân viên diệu (肢節均勻圓妙): Các khớp tay chân đều tròn và đẹp;
Cốt tiết giao kết do nhược long bàn (骨節交結猶若龍盤): Các đốt xương liên kết nhau như rồng cuốn;
Tất luân viên mãn (膝輪圓滿): Đầu gối tròn đầy;
Ẩn xứ chi văn diệu hảo thanh tịnh (隱處之紋妙好清淨): Chỗ ẩn vân tốt đẹp và thanh tịnh;
Thân chi nhuận hoạt khiết tịnh (身肢潤滑潔淨): Thân và tay chân tươi nhuận, trơn láng, thanh tịnh;
Diện môn bất trường bất đoản, bất đại bất tiểu như lượng đoan nghiêm (面門不長不短,不大不小如量端嚴): Mặt không dài không ngắn, không lớn không nhỏ, vừa vặn, đoan nghiêm;
Thân mao cam thanh quang tịnh (身毛紺青光淨): Lông trên mình xanh biếc sạch sẽ;
Pháp âm tùy chúng, ứng hiện vô sai (法音隨衆,應理無差): Pháp âm tùy theo đại chúng mà ứng hiện, bình đẳng không sai biệt;
Đỉnh tướng vô năng kiến giả (頂相無能見者): Tướng đỉnh đầu không ai thấy được;
Thủ túc chỉ cương phân minh (手足指網分明): Đường vân của ngón tay, ngón chân phân minh;
Hành thời kì túc li địa (行時其足離地): Khi đi, hai chân đều cách mặt đất;
Tự trì bất thị tha vệ (自持不待他衛): Tự giữ gìn, không nhờ người khác hộ vệ;
Uy đức nhiếp nhất thiết (威德攝一切): Uy đức nhiếp phục hết thảy;
Âm thanh bất ti bất kháng, tùy chúng sinh ý (音聲不卑不亢,隨衆生意): Thanh âm nói ra không thấp không cao, vừa sự tiếp thu của chúng sinh;
Tùy chư hữu tình, nhạo vi thuyết pháp (隨諸有情,樂為説法): Tùy theo sự ưa thích của chúng sinh mà thuyết pháp;
Nhất âm diễn thuyết chính pháp, tùy hữu tình loại các linh đắc giải (一音演説正法,隨有情類各令得解): Diễn thuyết chính pháp chỉ bằng một âm thanh, tùy các loài chúng sinh nghe đều được giải thoát;
Thuyết pháp y thứ đệ, tuần nhân duyên (説法依次第,循因縁): Thuyết pháp theo thứ lớp, tùy nhân duyên;
Quán hữu tình, tán thiện huỷ ác nhi vô ái tắng (觀有情,讚善毀惡而無愛憎): Quán sát chúng sinh, khen thiện chê ác, nhưng không có tâm yêu ghét;
Sở vi tiên quán hậu tác, cụ túc quỹ phạm (所為先觀後作,具足軌範): Trước quan sát kĩ các việc rồi sau mới làm, tuân thủ đúng quy tắc;
Tướng hảo, hữu tình vô năng quán tận (相好,有情無能觀盡): Tướng tốt đẹp, chúng sinh không thể nào thấy hết được;
Đỉnh cốt kiên thật viên mãn (頂骨堅實圓滿): Xương đầu cứng chắc, tròn đầy;
Nhan dung thường thiếu bất lão (顏容常少不老): Dung nhan trẻ mãi không già;
Thủ túc cập hung ức tiền, câu hữu cát tường hỉ toàn đức tướng (手足及胸臆前, 倶有吉祥喜旋德相): Nơi chân tay và trước lồng ngực đều có tướng tốt cát tường hỉ (chữ Vạn 卐) xoay vần.
Phật thuyết như sau:
Tâm bố thí mà kiên định, thành kính hướng về tha nhân, không đợi chờ họ nói ra lời những gì họ mong muốn được bố thí. người phát tâm phải xét đoán biết ý cầu mong của họ và mở hết lòng rộng lớn thương kính cần cầu cung cấp cho người, không một mảy may trước tâm. bố thí như vậy, thì người đó vì, do tâm kiên định nên được thiện báo: Tay chân mềm mại, tướng hảo đoan nghiêm, tay dài tới gối, chân có luân tướng, mắt sáng răng trong v.v... và đầy đủ các tướng hảo
Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.