Lương Triều Vỹ sinh ngày 27 tháng 6 năm 1962 tại Hồng Kông,[3] trong một gia đình khó khăn, cha mẹ không hạnh phúc.[4] Thuở nhỏ, ông rất hiếu động, thường xuyên đánh nhau với bạn bè và hay bị phê bình kiểm điểm ở trường.[5] Năm Lương Triều Vỹ 10 tuổi, mẹ ông ly hôn với cha ông, một mình nuôi hai đứa con, vì không chịu được tính nết của người chồng cờ bạc, say xỉn.[4][5] Năm 15 tuổi, ông phải bỏ học để đi làm kiếm tiền giúp mẹ, trải qua nhiều công việc khác nhau như bán báo, làm nhân viên giới thiệu sản phẩm, tạp vụ.[4][6] Năm 19 tuổi, Lương Triều Vỹ xin được công việc ở một cửa hàng đồ điện gia dụng, có thu nhập tạm ổn. Ông từng chia sẻ rằng vào thời điểm đó, nếu không có biến động gì, bản thân sẽ phấn đấu lên chức giám đốc bán hàng.[4] Bạn thân của Lương Triều Vỹ là Châu Tinh Trì – bấy giờ rất đam mê diễn xuất – đã không ngừng rủ ông cùng thi vào lớp đào tạo diễn xuất của đài TVB.[7] Dù bị mẹ phản đối kịch liệt, Lương Triều Vỹ vẫn nghe theo lời Châu Tinh Trì, quyết định trở thành một diễn viên.[8]
Năm 1982, Lương Triều Vỹ đăng ký khóa 11 lớp đào tạo diễn xuất TVB.[9] Ngay từ khi vừa vào học, ông đã được phân vào nhóm ngôi sao.[10] Năm 1983, Lương Triều Vỹ cùng với Thang Chấn Nghiệp, Miêu Kiều Vỹ, Huỳnh Nhật Hoa và Lưu Đức Hoa được Thiệu Dật Phu – ông chủ đài TVB – đặt cho danh hiệu Ngũ hổ tướng.[11] Năm 1984, khi mới 22 tuổi, ông đóng vai Vi Tiểu Bảo trong bộ phim truyền hìnhLộc Đỉnh ký.[12] Bộ phim chuyển thể này thành công ngoài mong đợi còn vai diễn Vi Tiểu Bảo thì giúp tên tuổi của Lương Triều Vỹ nhanh chóng thăng hạng dù ông chỉ là diễn viên mới bước chân vào nghề.[13] Một năm sau, Lương Triều Vỹ hóa thân thành viên cảnh sát anh hùng trong Tân trát sư huynh tục tập.[14] Ông tiếp tục đóng vai chính trong hàng loạt bộ phim truyền hình đình đám của đài TVB như Ỷ Thiên Đồ Long ký (1986), Song hùng kỳ hiệp (1988), Hiệp khách hành (1989).[15][16][17][18] Năm 1987, Lương Triều Vỹ nhận Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông đầu tiên với một vai phụ trong phim điện ảnh Nhân dân anh hùng.[19] Sau bảy năm gắn bó với TVB, ông không tiếp tục đóng phim truyền hình cho đài này nữa.[9] Kể từ năm 1990, Lương Triều Vỹ đã chính thức chuyển hẳn sang mảng phim điện ảnh.[4][20]
Tôi khao khát đóng phim, không phải để kiếm tiền, để nổi tiếng mà là mưu cầu được giải tỏa về mặt tinh thần. Tôi muốn mượn phim để thổ lộ tất cả dồn ứ trong lòng, để không ai nghĩ đó là tôi mà chỉ biết đó là nhân vật tôi đang diễn.
Năm 1994, Lương Triều Vỹ giành cú đúp Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông và Giải Kim Mã sau khi tham gia bộ phim Trùng Khánh Sâm Lâm của đạo diễn Vương Gia Vệ – xếp thứ 17 trong danh sách phim hay nhất mọi thời đại do tạp chí Time bình chọn.[25][26][27] Cùng trong năm 1994, ông tiếp tục hợp tác với Vương Gia Vệ trong Đông Tà, Tây Độc – tác phẩm giành giải tại Liên hoan phim Venice lần thứ 51, lọt Top 100 bộ phim Trung Quốc xuất sắc nhất mọi thời đại tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 24.[28] Một năm sau, Lương Triều Vỹ góp mặt trong bộ phim Xích lô của đạo diễn Việt Nam Trần Anh Hùng gặt hái thành công với giải Sư tử vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice lần thứ 52.[29]
Năm 2000, Lương Triều Vỹ đóng cùng Trương Mạn Ngọc trong Tâm trạng khi yêu.[32] Bộ phim tình cảm của đạo diễn Vương Gia Vệ trở thành tác phẩm hiếm hoi của điện ảnh châu Á khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ, được BBC bình chọn là phim điện ảnh vĩ đại thứ hai của màn ảnh thế giới trong thế kỷ 21, chỉ xếp sau Con đường ảo mộng (2001).[33][34][35]Tâm trạng khi yêu giúp Lương Triều Vỹ trở thành nam diễn viên Hồng Kông đầu tiên nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes.[36]
Năm 2013, Lương Triều Vỹ đóng vai võ sư Diệp Vấn trong Nhất đại tông sư của đạo diễn Vương Gia Vệ.[52] Tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 33, Nhất đại tông sư là Phim hay nhất nhưng Lương Triều Vỹ thì để vuột giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất vào tay Lương Gia Huy.[53][54]
Năm năm sau Nhất đại tông sư (2013), Lương Triều Vỹ chỉ đóng thêm ba bộ phim điện ảnh – Người chèo thuyền (2016), Truy lùng quái yêu 2 (2018) và Công phá Âu châu (2018) – cả ba đều không tạo được dấu ấn trong lòng khán giả.[55] Năm 2018, ông thông báo mãn hạn hợp đồng, chính thức rời khỏi Công ty điện ảnh Trạch Đông của đạo diễn Vương Gia Vệ, kết thúc 20 năm hợp tác đầy thành công.[2] Cũng trong năm 2018, trả lời phỏng vấn của Sina, Lương Triều Vỹ chia sẻ rằng ông ngày càng ít hứng thú đóng phim vì vấn đề tuổi tác.[56] Năm 2021, bộ phim Phong tái khởi thời có sự góp mặt của Lương Triều Vỹ và Quách Phú Thành bị hoãn chiếu do chưa qua vòng kiểm duyệt tại thị trường Trung Quốc đại lục vì một số nội dung liên quan đến tham nhũng, xã hội đen, dù đã đóng máy từ tận năm 2018.[57]
Ngày 19 tháng 4 năm 2021, Marvel Studios bất ngờ tung trailer bộ phim về siêu anh hùng gốc Á Shang-Chi có sự góp mặt của Lương Triều Vỹ – Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân. Lương Triều Vỹ được tiết lộ là sẽ đóng vai người cha hiểm ác của Shang-Chi và cũng chính là tên trùm The Mandarin của tổ chức Thập Luân.[58] Đối với ông, Shang-Chi và huyền thoại Thập Nhẫn là phim Hollywood đầu tiên trong sự nghiệp.[59][60] Phim dự kiến công chiếu vào ngày 3 tháng 9 năm 2021.[61]
Lương Triều Vỹ được biết đến là người kiệm lời, khiêm tốn, thích cuộc sống riêng tư, không ồn ào và rất ưa du lịch một mình.[62] Ông từng thừa nhận bản thân hay ngượng ngùng khi đứng trước máy quay hoặc phụ nữ đẹp.[63] Năm 2000 khi đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes, Lương Triều Vỹ trả lời phóng viên: "Tất cả chỉ là nhờ may mắn thôi. Năm nay tôi may lắm, mà giải của tôi cũng không có sự cạnh tranh lớn."[64] Nhiều nhà đài từng mời ông ghi hình chương trình truyền hình thực tế với thù lao cao ngất ngưởng nhưng ông từ chối vì không muốn công khai đời tư.[65] Mặc dù giàu có nhưng Lương Triều Vỹ sống rất bình dân, thường xuyên bị bắt gặp đi mua quần áo, thực phẩm hoặc dạo phố một một mình.[66] Theo QQ, chính thời thơ ấu khổ cực đã khiến nam diễn viên chọn lối sống tiết kiệm.[67]
Lương Triều Vỹ thừa nhận yêu ba người phụ nữ, gồm Tăng Hoa Thiên, Lê Mỹ Nhàn và người ông lấy làm vợ Lưu Gia Linh, cũng từng vướng tin đồn phải lòng Trương Mạn Ngọc khi cả hai đóng chung bộ phim Tâm trạng khi yêu (2000).[68] Đã có lúc ông bị nghi ngờ có mối quan hệ đồng tính với Trương Quốc Vinh – nam diễn viên nổi tiếng với các vai diễn nhuốm màu bi thương.[62] Tháng 7 năm 2008, Lương Triều Vỹ làm đám cưới với Lưu Gia Linh tại Bhutan.[69] Sự kiện này diễn ra đúng vào thời điểm dư luận đang tranh cãi về vấn đề giới tính của ông.[62]
Vợ chồng Lương Triều Vỹ và Lưu Gia Linh cùng cam kết với nhau về việc không sinh con, chọn duy trì một cuộc sống "bán độc thân" tự do: mỗi người có một công việc bận rộn của riêng mình, có nhà chung nhưng thi thoảng mới gặp nhau.[70] Trong suốt nhiều năm, họ không ít lần vướng nghi vấn đổ vỡ, ly hôn song đều giữ im lặng.[71]
Lương Triều Vỹ là một trong những nghệ sĩ giàu có nhất Hồng Kông với khối tài sản có thời điểm lên tới 116 triệu đô la Mỹ.[72] Ông là ngôi sao có mức thù lao cao nhất nhì làng giải trí Hoa ngữ.[20] Từ năm 2016 đến năm 2020, Lương Triều Vỹ đóng sáu phim, kiếm về tổng cộng gần 38 triệu đô la Mỹ, quảng cáo cho hai thương hiệu với mỗi hợp đồng trị giá 4,1 triệu đô la Mỹ.[73] Hoạt động đầu tư bất động sản cũng góp phần vào khoản thu nhập hàng chục triệu đô của nam diễn viên.[65] Năm 2020, theo thống kê của Sina, ông sở hữu 7 bất động sản cao cấp, đắc địa ở Hồng Kông. Tổng giá trị ước tính của chúng là hơn 55 triệu đô la Mỹ.[74]
Lương Triều Vỹ là một tín đồ Phật giáo và cho biết mình đến với tôn giáo này một phần là do ảnh hưởng từ Lưu Gia Linh.[75][76] Hôn lễ năm 2008 của vợ chồng Lương Triều Vỹ cũng được cử hành theo nghi thức Phật giáo.[69] Năm 2016, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích ông cùng một số nhân vật nổi tiếng khác vì tham dự một sự kiện Phật giáo ở Đông Bắc Ấn Độ với các thành viên của Chính phủ lưu vong Tây Tạng.[77]
Ngay từ thuở mới vào nghề, Lương Triều Vỹ đã cho thấy thái độ nghiêm túc với công việc cùng sự tận tụy với đam mê diễn xuất.[21] Trang Sina bình luận rằng mỗi khi nhận lời đóng phim, toàn bộ tâm trí và sức lực của Lương Triều Vỹ đều dồn hết cho vai diễn. Mọi việc khác đều đặt ở bên ngoài phim trường.[78] Đạo diễn Vương Gia Vệ, người cùng với Lương Triều Vỹ được xem là "cặp bài trùng" của điện ảnh Hồng Kông, từng nhấn mạnh: "Sự tận tâm trong công việc và thái độ luôn sẵn sàng mạo hiểm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật đã đưa Lương Triều Vỹ trở thành một trong những tài tử được yêu thích nhất nền điện ảnh thế giới."[79] Đạo diễn Lý An thì nhận xét: "Anh ấy [Lương Triều Vỹ] quả thực là diễn viên trong mơ, một trong những diễn viên hay nhất thế giới, người sinh ra để dành cho điện ảnh."[20] Hàng loạt ngôi sao màn ảnh Trung Quốc như Lưu Đức Hoa, Củng Lợi, Trương Mạn Ngọc, Châu Tấn, Chương Tử Di, đều dành lời khen ngợi và sự kính trọng cho Lương Triều Vỹ.[20]Robert De Niro ví von Lương Triều Vỹ là "Clark Gable của châu Á".[80]
Năm 2005, Lương Triều Vỹ từng được Giải thưởng Truyền thông Điện ảnh Trung Quốc bình chọn là một trong 100 nhân vật điện ảnh kiệt xuất nhất lịch sử.[81] Năm 2010, ông được CNN của Mỹ xếp hạng là một trong 25 diễn viên châu Á vĩ đại nhất, lọt vào Top 50 người đàn ông đẹp nhất thế giới do tạp chí People bình chọn.[82][83] Năm 2013, trong một cuộc khảo sát với hơn 100 nghệ sĩ tham gia, Lương Triều Vỹ cùng với Lưu Đức Hoa được bầu chọn là hai nam diễn viên lôi cuốn nhất ngành công nghiệp giải trí Hồng Kông.[84] Năm 2015, ông được Tổng lãnh sự Pháp ở Hồng Kông và Ma Cao trao tặng Huân chương Văn học và Nghệ thuật.[85] Năm 2018, Lương Triều Vỹ trở thành diễn viên châu Á đầu tiên nhận Giải thưởng Chaplin.[86]
Lương Triều Vỹ là một diễn viên được công nhận ở khả năng biểu đạt bằng mắt.[21] Nhiều bạn diễn của Lương Triều Vỹ cho biết, khi đóng chung, họ không dám nhìn vào mắt ông.[87] Steve Rose của The Guardian viết: "Lương Triều Vỹ có cách riêng để biểu đạt cảm xúc dồn nén, qua cái nhíu mày hay đôi mắt ướt. Điều đó khiến phụ nữ muốn mang ông về và chiều chuộng, còn đàn ông thì ganh đua với ông."[88]Nhà phê bình phim Manohla Dargis của The New York Times thì gọi Lương Triều Vỹ là “nhà thơ của nỗi đau” và là người “cho thấy nỗi đau tột cùng qua đôi mắt u sầu của mình”.[89]
^Westhoff, Jeffrey (30 tháng 8 năm 2013). “Tony Leung discusses 'The Grandmaster'” [Lương Triều Vỹ bàn về 'Nhất đại tông sư']. Roger Ebert (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2021.
^ ab“Tony Leung Born to Be An Actor” [Lương Triều Vỹ sinh ra để làm diễn viên]. China Internet Information Center (bằng tiếng Anh). 9 tháng 2 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2021.
^Teng, Cathy (tháng 12 năm 2015). “2013 50th Year of the Golden Horse Awards” [2013 Giải Kim Mã lần thứ 50]. Taiwan Panorama (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2021.
^Yip, Annaliese (14 tháng 6 năm 2020). “LGBTQ Films That Were Ahead of Their Time” [Những bộ phim LGBTQ đi trước thời đại]. Comic Book Resources (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2021.
^“Nominees & Winners” [Đề cử & Giải thưởng]. Golden Horse (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2021.
^“第24屆香港電影金像獎提名及得獎名單” [Danh sách đề cử và giải thưởng tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 24]. Hong Kong Film Award (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2021.
^“第26屆香港電影金像獎提名及得獎名單” [Danh sách đề cử và giải thưởng tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 26]. Hong Kong Film Awards (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2021.
^“第32屆香港電影金像獎提名及得獎名單” [Danh sách đề cử và giải thưởng tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 32]. Hong Kong Film Awards (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2021.
^Chung, Winnie (28 tháng 6 năm 2018). “8 Great Tony Leung Films From the 1990s” [8 bộ phim vĩ đại nhất của Lương Triều Vỹ kể từ những năm 1990]. China Film Insider. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2021.
^Rose, Steve (23 tháng 2 năm 2004). “'It never gets any easier'” ['Không bao giờ dễ dàng hơn']. The Guardian (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2021.
^“Hong Kong Film Awards for 1987” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 1987]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Hong Kong Film Awards for 1988” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 1988]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2016.
^“Hong Kong Film Awards for 1990” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 1990]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2016.
^“Hong Kong Film Awards for 1995” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 1995]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2016.
^“Hong Kong Film Awards for 1998” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 1998]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2016.
^“Hong Kong Film Awards for 1999” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 1999]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Awards 2000: All Awards” [Giải thưởng năm 2000: Danh sách]. Festival de Cannes (bằng tiếng Pháp). Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 10 năm 2014.
^“Cannes Film Festival 2000” [Liên hoan phim Cannes 2000]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Hong Kong Film Awards for 2001” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 2001]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Chinese Film Media Awards for 2001” [Giải thưởng Truyền thông Điện ảnh Trung Quốc năm 2001]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Hong Kong Film Awards for 2003” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 2003]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Hong Kong Film Awards for 2005” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 2005]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Asian Film Awards for 2008” [Giải thưởng Điện ảnh châu Á 2008]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Hong Kong Film Awards for 2009” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 2009]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Hong Kong Film Awards for 2013” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 2013]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Asia-Pacific Film Festival 2013” [Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương năm 2013]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Hong Kong Film Awards for 2014” [Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 2014]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Asian Film Awards for 2014” [Giải thưởng Điện ảnh châu Á 2014]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.
^“Huading Award for 2020” [Giải thưởng Hoa Đỉnh 2020]. IMDb (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2021.