Một phần của loạt bài |
Manga và anime |
---|
Cá nhân |
Liên quan |
Lịch sử anime khởi nguồn vào đầu thế kỷ 20, khi Nhật Bản tiếp thu những kỹ thuật hoạt hình của phương Tây, với những tác phẩm được phát hiện sớm nhất có thể tính từ năm 1906. Thế hệ nhà làm phim hoạt hình đầu tiên ở cuối thập niên 1910 gồm có Shimokawa Ōten, Kōuchi Jun'ichi và Kitayama Seitaro, họ thường được coi là "cha đẻ" của anime.[1] Những bộ phim tuyên truyền, như Momotarō no Umiwashi (1943) và Momotarō: Umi no Shinpei (1945), đặc biệt là phim thứ hai trở thành tác phẩm phim lẻ anime; cả hai phim trên đều được sản xuất trong Thế chiến thứ 2. Trong thập niên 1970, anime dần phát triển xa hơn, tách khỏi nguồn gốc phương Tây và tự phân thành các thể loại khác nhau, điển hình nhất là mecha, thể loại về hoạt hình rô bốt và máy móc công nghệ. Các tác phẩm điển hình của thời kỳ này bao gồm Astro Boy, Lupin đệ Tam và Mazinger Z. Trong khoảng thời gian này một số nhà làm phim trở nên nổi tiếng, tiêu biểu là Miyazaki Hayao và Oshii Mamoru.
Trong thập niên 1980, anime trở nên phổ biến ở Nhật Bản và trải qua giai đoạn bùng nổ trong sản xuất, với sự nổi tiếng dần gia tăng của Gundam, Macross và Dragon Ball cùng những dòng phim như real robot, space opera và cyberpunk. Space Battleship Yamato và The Super Dimension Fortress Macross đã gặt hái thành công toàn thế giới sau khi lần lượt được chuyển thể thành Star Blazers và Robotech.
Bộ phim Akira (1988) thiết lập kỷ lục về kinh phí sản xuất đối với một bộ phim anime và tiếp tục gặt hái thành công trên thị trường quốc tế. Thời gian sau đó, vào năm 2004, các nhà sản xuất đã cho ra đời Steamboy - tác phẩm đã vượt qua Akira để giành ngôi phim anime đắt đỏ nhất. Sen và Chihiro ở thế giới thần bí đã đồng giải nhất tại Liên hoan phim Berlin 2002 và đoạt giải Oscar năm 2003 cho Giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất. Trong khi đó, Ghost in the Shell 2: Innocence góp mặt trong phần tranh cử Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2004.
Thước phim ngắn 3 giây Katsudō Shashin (活動写真?, "Tấm hình chuyển động") xuất hiện vào năm 1907 ở Nhật Bản được tin là phim hoạt hình lâu đời nhất trong nước, sau đó được tìm lại vào năm 2005, mô tả cảnh một cậu bé thủy thủ đang viết tiêu đề của phim. Bao gồm 50 khung hình của một thước cel phim.[2][3] Dù vậy vẫn chưa thể kết luận đây là anime đầu tiên. Còn có những bộ phim hoạt hình nước ngoài được tìm thấy ở Nhật Bản vào năm 1910, nhưng chưa rõ liệu bộ phim đó đã từng được chiếu trong rạp phim hay được công khai. Bộ phim Nippāru no Henkei (ニッパールの変形, "Nippāru's Transformation") được ra mắt tại Nhật Bản ở Asakusa Teikokukan (浅草帝国館) tại Tokyo năm 1911, nhưng bộ phim này chưa được xem là hoạt hình thật. Bộ phim đầu tiên được công chiếu ở Nhật là Les Exploits de Feu Follet của nghệ sĩ người Pháp Émile Cohl năm 1912, dài gần ba phút rưỡi. Trong thời gian này, phim ảnh Đức được bán trên thị trường và phân phối tại Nhật.[2]
Sự chuyển dịch của thể loại space opera trở nên rõ ràng hơn với sự thành công về mặt thương mại của bộ phim điện ảnh Mỹ Star War - Chiến tranh giữa các vì sao (1977). Điều này góp phần làm cho tác phẩm space opera Space Battleship Yamato (1974) được tái xuất với một bộ phim chiếu rạp vào năm 1982. Thành công đến từ những bản chiếu rạp của Yamato và Gundam được xem là khởi đầu cho giai đoạn bùng nổ anime của thập niên 1980, được ví như "Kỷ nguyên vàng thứ hai của điện ảnh Nhật Bản".[4] Một tiểu văn hóa mà nhiều người sau này gọi là otaku bắt đầu nhen nhóm quanh các tạp chí hoạt hình như Animage và Newtype. Những tạp chí này được thành lập nhằm đáp ứng lượng người hâm mộ (fandom) đông đảo hình thành quanh những chương trình như Yamato và Gundam vào cuối thập 1970 và đầu thập niên 1980.
Tại Mỹ, sự nổi tiếng của Chiến tranh giữa các vì sao có nét tương đồng mặc dù nhỏ hơn nhiều so với hiệu ứng phát triển của anime. Gatchaman được tái dựng thành Battle of the Planets (1978) và G-Force (1988). Loạt phim Macross khởi động với Super Dimension Fortress Macross (1982) - phim được chuyển thể thành hồi đầu tiên của bộ phim tiếng Anh Robotech (1985); Super Dimension Fortress Macross còn cho ra đời thêm ba tựa anime riêng: The Super Dimension Fortress Macross, Super Dimension Cavalry Southern Cross và Genesis Climber Mospeada. Phần tiếp theo của Mobile Suit Gundam, Mobile Suit Zeta Gundam (1985) trở thành tác phẩm space opera real robot thành công nhất tại Nhật Bản, nơi phim nắm giữ tới 6,6% tỉ lệ lượt xem truyền hình và đạt cao nhất là 11,7%.[5]
Tiểu văn hóa otaku ngày càng rõ ràng hơn với việc Oshii Mamoru chuyển thể bộ manga nổi tiếng Urusei Yatsura (1981) của Takahashi Rumiko. Yatsura đã biến Takahashi thành nhân vật của công chúng, còn Oshii tự tách ra khỏi văn hóa hâm mộ và mang đến góc tiếp cận mang tính auteur hơn với bộ phim Urusei Yatsura 2: Beautiful Dreamer của ông. Việc tách ra khỏi tiểu văn hóa otaku cho phép Oshii thử nghiệm nhiều hơn. Otaku còn có vài tác động đến những người gia nhập ngành công nghiệp trong thời gian này. Nổi tiếng nhất trong số những người này là nhóm làm phim nghiệp dư Daicon Films, tiền thân của hãng phim Gainax sau này. Gainax bắt đầu với việc làm phim cho các hội nghị khoa học viễn tưởng của Daicon và trở nên quá nổi tiếng trong cộng đồng otaku đến nỗi họ được trao cơ hội thực hiện bộ anime có kinh phí "khủng" nhất [thời điểm đó] là Royal Space Force: The Wings of Honnêamise (1987).
Một trong những tác phẩm anime giàu ảnh hưởng nhất mọi thời đại, Nausicaä của Thung lũng Gió (1984) ra đời trong giai đoạn này. Bộ phim đem lại nhiều uy tín hơn cho anime, cho phép các dự án mang tính thử nghiệm và giàu tham vọng được đầu tư ngay sau khi phim phát hành. Nausicaä của Thung lũng Gió còn cho phép đạo diễn Miyazaki Hayao và người cộng sự lâu năm Takahata Isao lập ra xưởng phim của riêng họ, dưới sự giám sát của cựu biên tập viên tạp chí Animage Suzuki Toshio. Xưởng phim này còn được biết đến với cái tên Studio Ghibli và bộ phim đầu tiên của hãng là Laputa: Lâu đài trên mây (1986), một trong tác phẩm điện ảnh giàu tham vọng nhất của Miyazaki.
Thành công của Dragon Ball (1986) đã giới thiệu thể loại võ thuật và có tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc trong nền công nghiệp hoạt hình Nhật Bản. Nhiều loạt manga và anime võ thuật sau này, như YuYu Hakusho (1990), One Piece (1999), Naruto (2002) và One Punch Man (2015) đều chịu ảnh hưởng từ Dragon Ball. Thập niên 1980 còn mang đến cho anime thị trường băng đĩa tại gia dưới dạng Original video animation (OVA). Đĩa OVA đầu tiên là Dallos của Oshii Mamoru (1983-84). Những chương trình như Patlabor cũng khởi đầu ở thị trường này và đây là một cách thử nghiệm những bộ hoạt hình kén người xem tới tay người tiêu dùng. Định dạng OVA còn cho phép phát hành bộ anime khiêu dâm như Cream Lemon (1984); đĩa OVA hentai đầu tiên thực chất là bộ Lolita Anime (1984) ít tiếng tăm của xưởng phim Wonder Kids. Những bộ anime đề tài thể thao phổ biến ngày nay có màn ra mắt vào năm 1983 với bản chuyển thể manga bóng đá Tsubasa Giấc mơ sân cỏ của Takahashi Yōichi, phim trở thành bộ anime đề tài thể thao thành công toàn cầu đầu tiên. Chủ đề và cốt truyện của phim trở thành một công thức mà nhiều loạt phim thể thao sau này sử dụng, như Slam Dunk, The Prince of Tennis và Eyeshield 21.
Thập niên 1980 chứng kiến một lượng lớn các bộ phim lẻ có kinh phí cao và mang tính thử nghiệm. Năm 1985, Suzuki Toshio hỗ trợ tài chính cho tác phẩm thử nghiệm Angel's Egg (1985) của Oshii. Những bản chiếu rạp trở nên giàu tham vọng hơn, mỗi phim đều cố gắng cân bằng hoặc vượt qua các tác phẩm tiền nhiệm, nhờ hiệu ứng thành công cả về mặt chuyên môn và đại chúng của Nausicaä. Night on the Galactic Railroad (1985), Truyện kể Genji (1986) và Mộ đom đóm (1988) đều là những bộ phim điện ảnh giàu tham vọng dựa trên các sáng tác văn học quan trọng ở Nhật Bản. Những phim như Char's Counterattack (1988) và Arion (1986) đều được sản xuất với chi phí "khủng". Giai đoạn của những tác phẩm thử nghiệm và đắt đỏ về kinh phí đạt đến đỉnh điểm với hai bộ anime có chi phí sản xuất đắt nhất từng thực hiện từ trước đến nay, Royal Space Force: The Wings of Honneamise (1987) và Akira (1988). Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki (1989) của Studio Ghibli là phim điện ảnh có doanh thu cao nhất năm 1989 khi đem về 40 triệu USD.
Mặc dù thất bại về mặt doanh thu nội địa, Akira lại thu hút một lượng lớn người hâm mộ (fanbase) quốc tế cho anime. Khi được chiếu ở nước ngoài, tác phẩm trở nên kinh điển và thành biểu tượng của giới truyền thông ở phương Tây. Thất bại ở nội địa và thành công ở nước ngoài của Akira, cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế bong bóng và cái chết của Tezuka Osamu là những nét chính cuối cùng trong kỷ nguyên anime ở thập niên 1980.
Năm 1995, Anno Hideaki là người viết kịch bản và đạo diễn bộ anime gây tranh cãi Neon Genesis Evangelion. Chương trình trở nên nổi tiếng tại Nhật Bản trong cộng đồng hâm mộ anime và được đông đảo công chúng biết tới thông qua sự chú ý từ giới truyền thông đại chúng. Có người tin rằng Anno lúc đầu muốn chương trình sau này trở thành bộ anime otaku, được thiết kế để vực dậy ngành công nghiệp anime đang xuống dốc, nhưng trong lúc sản xuất ông đã làm cho bộ anime phải nhận sự chỉ trích nặng nề từ bộ phận tiểu văn hóa. Sự chỉ trích lên đến đỉnh điểm với tác phẩm thành công nhưng gây tranh cãi The End of Evangelion phát hành năm 1997 và thu về 10 triệu USD. Rất nhiều cảnh nóng và bạo lực trong Evangelion khiến đài TV Tokyo phải tăng cường kiểm duyệt nội dung anime. Kết quả là khi Cowboy Bebop lần đầu phát sóng vào năm 1989, phim đã bị chỉnh sửa tương đối nhiều và chỉ có một nửa số tập được lên sóng; tuy nhiên phim vẫn trở nên nổi tiếng ở cả trong và ngoài Nhật Bản.
Evangelion đã khởi đầu cho một loạt các show mecha, còn được gọi là "post-Evangelion" hay "organic". Hầu hết chúng đều là phim về robot khổng lồ với một số nội dung phức tạp hoặc về tôn giáo, có thể kể đến RahXephon, Brain Powerd và Gasaraki. Evangelion còn dẫn đến những chương trình anime thử nghiệm chiếu vào đêm muộn, khởi đầu với Serial Experiments Lain (1998) và trở thành nơi tập trung cho các bộ anime thử nghiệm Boogiepop Phantom (2000), Texhnolyze (2003) và Paranoia Agent (2004). Những bộ phim điện ảnh anime thử nghiệm cũng phát hành vào thập niên 1990, đáng chú ý nhất là siêu phẩm cyberpunk giật gân Ghost in the Shell (1995)[6] – nguồn ảnh hưởng cực lớn của bộ phim điện ảnh Mỹ Ma trận (1999).[7][8][9] Ghost in the Shell, bên cạnh Evangelion và sê-ri neo-noir viễn Tây vũ trụ Cowboy Bebop đã giúp tăng cường nhận thức về anime trên thị trường quốc tế.[10]
Năm 1997, Công chúa Mononoke của Miyazaki Hayao trở thành bộ phim điện ảnh anime đắt đỏ nhất tính đến thời điểm đó, với chi phí sản xuất là 20 triệu USD. Miyazaki còn đích thân kiểm tra từng tấm hình trong 144.000 cel[11] và ước tính phải vẽ lại tới 80.000 bức.[12] Đến năm 1998, hơn 100 chương trình anime đã lên sóng trên truyền hình ở Nhật Bản, bao gồm loạt phim nổi tiếng dựa trên nhượng quyền trò chơi điện tử Pokémon. Những bộ anime khác gặt hái thành công quốc tế trong thập niên 1990 là Dragon Ball Z, Thủy thủ Mặt Trăng và Digimon; thành công của những show này khiến quốc tế thừa nhận các dòng phim võ thuật siêu anh hùng, mahō shōjo và hành động-phiêu lưu. Đặc biệt, Dragon Ball Z và Thủy thủ Mặt Trăng đều được lồng tiếng sang hàng tá ngôn ngữ trên thế giới. Một bộ anime thành công vang dội khác là One Piece, dựa trên bộ manga bán chạy nhất mọi thời đại và vẫn còn được sản xuất đến nay.
Bên cạnh những xu hướng mang tính thử nghiệm, thập niên 2000 còn nổi bật bởi việc xuất hiện nhiều thiết kế nhân vật bishōjo, bishōnen và lối nghệ thuật phong cách moe. Do đó ngày càng gia tăng sự xuất hiện và phổ biến của các dòng phim như lãng mạn, harem và đời thường. Những bộ anime dựa trên nguyên tác eroge và visual novel ngày càng phổ biến, dựng nên một xu hướng đã khởi nguồn từ cuối thập niên 1990 bởi những tác phẩm như Sentimental Journey (1998) và To Heart (1999). Ví dụ về các tác phẩm như vậy có thể kể đến Green Green (2003), SHUFFLE! (2006), Kanon (2002 và 2006), Fate/Stay Night (2006), Higurashi no Naku Koro ni (2006), Ef: A Tale of Memories (2007), True Tears (2008) và Clannad (2008-09). Nhiều chương trình được chuyển thể từ manga và light novel, bao gồm cả những tựa anime đình đám như Yu-Gi-Oh! (2000), Inuyasha (2000), Naruto (2002), Fullmetal Alchemist (2003), Monster (2004), Bleach (2004), Rozen Maiden (2005), Aria the Animation (2005), Shakugan no Shana (2005), Pani Poni Dash! (2005), Death Note (2006), Mushishi (2006), Sola (2007), The Melancholy of Haruhi Suzumiya (2006), Lucky Star (2007), Toradora! (2008–09), K-On! (2009), Bakemonogatari (2009) và Fairy Tail (2009); thông thường những tựa anime trên kéo dài vài năm và đạt được một lượng người hâm mộ hùng hậu. Tuy nhiên, các tựa anime gốc vẫn tiếp tục được thai nghén với thành công tương tự.
Thập niên 2000 còn đánh dấu sự hiện diện rõ ràng của tiểu văn hóa otaku. Một bài phê bình tiểu văn hóa otaku này được phát hiện trong bộ anime Welcome to the N.H.K. (2006) - có sự góp mặt của nhân vật chính kiểu hikikomori (dạng tách biệt khỏi xã hội), khám phá những ảnh hưởng và hệ quả của nhiều tiểu văn hóa Nhật Bản như otaku, lolicon, tự sát internet, trò chơi trực tuyến nhiều người chơi và kinh doanh đa cấp. Thập niên còn cho thấy sự hồi sinh của các bộ anime điện ảnh thời lượng dài có kinh phí cao như Millennium Actress (2001), Metropolis (2001), Appleseed (2001), Paprika (2006) và tác phẩm đắt giá nhất trong số trên là Steamboy (2004) với kinh phí sản xuất 26 triệu USD. Kon Satoshi đã tạo dựng được danh tiếng cùng với Otomo và Oshii như là các đạo diễn anime điện ảnh hàng đầu, trước khi ông qua đời khi còn rất trẻ, thọ 46 tuổi. Các đạo diễn trẻ khác, như Hosoda Mamoru, người cầm trịch Cô gái vượt thời gian (2006) và Cuộc chiến mùa hè (2009) cũng bắt đầu nổi tiếng.
Trong thập niên này, những phim lẻ anime đã nhận được đề cử và lần đầu tiên gặt hái những giải thưởng tại các liên hoan phim lớn trong lịch sử ngành công nghiệp. Năm 2002, Sen và Chihiro ở thế giới thần bí, một tác phẩm của Studio Ghibli do Miyazaki Hayao đạo diễn được xướng tên ở giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin và còn đoạt giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải 2003. Đây là bộ phim ngoài nước Mỹ đầu tiên đoạt giải này. Đây còn là tác phẩm điện ảnh có doanh thu cao thứ hai mọi thời đại trong lịch sử anime nói riêng (chỉ sau Your Name) và doanh thu nội địa cao nhất mọi thời đại trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản nói chung,[13][14] với doanh thu phòng vé nội địa là 30,8 tỷ Yên[14] và doanh thu toàn cầu là 347,7 triệu USD.[15]
Sau sự ra đời của Toonami trên Cartoon Network và kế đến là Adult Swim, anime đã có bước tăng trưởng lớn tại thị trường Bắc Mỹ. Những bộ anime thân thiện với thiếu nhi như Pokémon, Yu-Gi-Oh!, Digimon, Doraemon, Bakugan, Beyblade và bản chuyển thể One Piece của 4Kids Entertainment đều gặt thành công theo từng mức độ khác nhau. Kỉ nguyên này còn chứng kiến sự nổi lên của phim hoạt hình chịu ảnh hưởng từ anime, đáng chú ý là Avatar: the Last Airbender và các phần tiếp theo của những tác phẩm như The Legend of Korra, Ben 10, Chaotic, Samurai Jack, The Boondocks, RWBY và Teen Titans.
Tại Liên hoan phim Cannes 2004, Ghost in the Shell 2: Innocence của đạo diễn Oshii Mamoru đã lọt vào vòng tranh cử chính cho danh hiệu Cành cọ vàng vào năm 2006, Lâu đài bay của pháp sư Howl, một sản phẩm khác của Studio Ghibli và vẫn do Miyazaki Hayao làm đạo diễn giành được đề cử cho Phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 78. 5 Centimet trên giây của đạo diễn Shinkai Makoto giành giải điện ảnh Châu Á - Thái Bình Dương cho phim hoạt hình xuất sắc nhất đầu tiên cho Nhật Bản vào năm 2007 và từ đó cho đến nay, nhiều tác phẩm anime vẫn đi tranh giải hàng năm. Tính đến năm 2004, đã có hơn 200 chương trình phát sóng trên truyền hình.[16]
Năm 2012, chương trình phát sóng cố định của Toonami tại Mỹ được tái khởi động thành chương trình cố định thể loại hành động dành cho người trưởng thành trên Adult Swim, đem đến những bộ anime không bị chỉnh sửa/kiểm duyệt đến với đông đảo khán giả hơn. Bên cạnh việc tái phát sóng các chương trình cũ (như chính Adult Swim đã thực hiện), ê-kíp làm chương trình cố định còn giám sát buổi ra mắt những bản phát hành lồng tiếng Anh cho nhiều chương trình mới, như Durarara!! (2010), Deadman Wonderland (2011), Hunter x Hunter (2011), Sword Art Online (2012), Attack on Titan (2013), Kill la Kill (2013), Space Dandy (2014), Akame ga Kill! (2014), Parasyte -the maxim- (2014), One Punch Man (2015), My Hero Academia (2016), Boruto: Naruto Next Generations (2017), Black Clover (2017) và Cells at Work! (2018).[17] Một bộ anime nổi tiếng khác trong giai đoạn này là Steins;Gate của White Fox được hãng Crunchyroll phát sóng tại Bắc-Nam Mỹ và một số khu vực trên thế giới như Scandinavia, Hà Lan, Trung Đông, Châu Phi...[18]
Ngày 6 tháng 9 năm 2013, Miyazaki Hayao tuyên bố The Wind Rises (2013) sẽ là phim lẻ cuối cùng của ông, vào ngày 3 tháng 8 năm 2014, có nguồn tin cho biết Studio Ghibli đã "tạm thời ngừng hoạt động" sau khi cho phát hành When Marnie Was There (2014) - bằng chứng rõ ràng cho việc Miyazaki nghỉ hưu. Việc Chuyện công chúa Kaguya - tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Takahata Isao có doanh số bết bát ở phòng vé cũng được chỉ ra là một tác nhân.[19] Một số nhân viên xuất sắc của Ghibli, bao gồm nhà sản xuất Nishimura Yoshiaki và đạo diễn Yonebayashi Hiromasa đã rời hãng phim để lập ra xưởng phim của riêng họ, Studio Ponoc và cho ra mắt tác phẩm đầu tay của Ponoc là Mary và Đóa hoa phù thủy (2017).[20][21][22] Sau này cả Ghibli và Miyazaki đều quay trở lại làm việc để thai nghén dự án sắp tới của họ, How Do You Live?,[23] trong khi đó Takahata qua đời vào ngày 5 tháng 4 năm 2018 vì bị ung thư phổi.[24] Bên cạnh đó, nhiều công ty phân phối anime quốc tế ADV Films, Bandai Entertainment và Geneon Entertainment đã phải ngừng hoạt động vì doanh thu kém, còn khối tài sản của những công ty này được chuyển vào các công ty mới như Sentai Filmworks hoặc giao lại cho công ty khác.[25]
Cả Attack on Titan và The Wind Rises đều phản ánh cuộc xung đột quốc gia xoay quanh việc tái diễn giải Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản; nếu chủ nghĩa hòa bình của Miyazaki trong The Wind Rises đến từ ngọn lửa chính trị cánh hữu,[26] thì Attack on Titan bị cáo buộc vì khuyến khích chủ nghĩa quân phiệt ở các nước châu Á láng giềng, dù các nhà làm phim dự định thể hiện các khía cạnh ám ảnh và tuyệt vọng của cuộc xung đột.[27] Thể loại mecha anime (còn được biết đến là dòng phim kaiju của Nhật Bản) nhận được sự tôn trọng từ khán giả phương Tây khi tác phẩm Siêu đại chiến của đạo diễn Guillermo del Toro ra rạp vào năm 2013.[28] Các hãng dịch vụ trực tuyến phương Tây như Netflix và Amazon Prime đang ngày càng bành trướng trong việc tham gia sản xuất và được cấp phép chiếu anime.[29]
Năm 2016, Your Name – Tên cậu là gì? của Shinkai Makoto được công chiếu và phá vỡ hàng loạt kỷ lục phòng vé ở cả trong và ngoài Nhật Bản, đồng thời trở thành bộ phim anime điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại với 360 triệu USD doanh thu toàn thế giới, soán ngôi Sen và Chihiro ở thế giới thần bí của Ghibli (347 triệu USD). Năm 2018, tác phẩm Mirai: Em gái đến từ tương lai của Hosoda Mamoru đã giành được một đề cử Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 91.