Bộ Cá chép | |
---|---|
Thời điểm hóa thạch: Thế Paleocen – gần đây[1] | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Lớp (class) | Actinopterygii |
Phân lớp (subclass) | Neopterygii |
Phân thứ lớp (infraclass) | Teleostei |
Nhánh | Osteoglossocephalai |
Nhánh | Clupeocephala |
Liên bộ (superordo) | Otomorpha |
Nhánh | Ostariophysi |
Nhánh | Otophysa |
Nhánh | Cyprinae |
Bộ (ordo) | Cypriniformes |
Các họ | |
Xem bài. |
Bộ Cá chép (danh pháp khoa học: Cypriniformes) là một bộ cá vây tia, bao gồm các loài cá chép, cá trắm, cá mè, cá tuế và một vài họ cá khác có liên quan[2]. Về mặt lịch sử chúng bao gồm tất cả các dạng mà hiện nay đặt trong siêu bộ Ostariophysi (ngoại trừ cá da trơn, bao gồm các loài được đặt trong bộ Siluriformes).
Được định nghĩa như vậy thì Cypriniformes là một nhóm đa ngành, và gần đây thì các bộ như Gonorhynchiformes, Characiformes, Gymnotiformes đã được tách ra để tạo thành các bộ đơn ngành của chính chúng[3].
Bên cạnh các đặc điểm mà chúng chia sẻ với phần còn lại của nhóm Ostariophysi, trong đó bộ máy Weber là đáng chú ý nhất, thì Cypriniformes được phân biệt ở chỗ chúng có một vây lưng duy nhất (phần lớn nhóm còn lại có vây nhiều thịt thứ hai, gọi là vây béo), xương giữa nằm giữa các bướu của mảnh trước hàm, và có răng trong họng thay vì ở miệng, gọi là các răng phần hầu. Các nhóm cá khác như họ Cá hoàng đế (Cichlidae), cũng có các răng phần hầu, tuy nhiên, các răng phần hầu ở nhóm Cypriniformes đối diện với tấm nhai nằm tại gốc của hộp sọ thay vì ở hàm trên hầu[2].
Bộ này chứa khoảng 3.268 loài, phân bố trong 321 chi của 13 họ. Bộ này đa dạng nhất tại khu vực đông nam châu Á, nhưng không có tại Australia và Nam Mỹ[2].
Các họ trong bộ Cypriniformes theo truyền thống chia ra thành hai siêu họ.
Siêu họ Cyprinioidea chứa hai họ Cyprinidae và Psilorhynchidae, còn siêu họ Cobitioidea chứa các họ Balitoridae, Catostomidae, Cobitidae, Gyrinocheilidae.
Siêu họ Cyprinioidea là nguyên thủy hơn so với siêu họ Cobitioidea[2].
Họ đáng chú ý nhất thuộc bộ này là Cyprinidae, bao gồm các dạng cá chép và cá tuế. Đây là một trong những họ cá lớn nhất, và phân bố rộng khắp tại châu Phi, đại lục Á-Âu, Bắc Mỹ. Phần lớn các loài chỉ sống trong môi trường nước ngọt, nhưng có một lượng đáng kể các loài được tìm thấy trong vùng nước lợ, chẳng hạn như cá dầy (Rutilus rutilus) và cá vền (Abramis brama). Có ít nhất 1 loài đã biết là sinh sống ngoài biển, đó là cá vây đỏ Thái Bình Dương (Tribolodon brandtii)[4]. Các loài cá nước lợ và nước mặn trong bộ Cá chép là những loài cá ngược dòng sông để đẻ trứng.
Các họ khác trong bộ Cypriniformes là Balitoridae, Catostomidae, Cobitidae, Gyrinocheilidae, Psilorhynchidae[4].
Các họ Balitoridae[5] và Psilorhynchidae[6] là các họ nhỏ chứa các loài cá sinh sống trong các sông suối nhỏ miền núi, với thức ăn là tảo và các động vật không xương sống nhỏ. Chúng chỉ có mặt trong khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á. Họ Catostomidae hay họ cá mút được tìm thấy ở khu vực ôn đới Bắc Mỹ và miền đông châu Á[7]. Các loài cá lớn này có hình dáng và sinh thái tương tự như ở cá chép. Họ Cobitidae là các loài chạch phổ biến ở đại lục Á-Âu và một phần Bắc Phi. Chúng khá giống như cá da trơn về hình thái và hành vi, chủ yếu tìm kiếm thức ăn ở tầng đất bùn và có râu để giúp chúng định vị thức ăn vào ban đêm hay trong điều kiện tối tăm. Họ Gyrinocheilidae là một họ nhỏ khác chứa các loài cá sống trong sông suối miền núi và chỉ có ở Đông Nam Á.[8]
Năm 2012 M. Kottelat đã xem xét lại siêu họ Cobitioidea và theo sửa đổi của ông thì siêu họ này hiện tại bao gồm các họ sau: Balitoridae, Barbuccidae, Botiidae, Catostomidae, Cobitidae, Ellopostomatidae, Gastromyzontidae, Gyrinocheilidae, Nemacheilidae, Serpenticobitidae và Vaillantellidae[9].
Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu mới hơn thì họ Cyprinidae là không đơn ngành và các tác giả đã đề xuất chia nhỏ họ này thành các họ nhỏ hơn, xếp theo từng phân bộ như đề cập dưới đây.[11][12]
Cây phát sinh chủng loài vẽ theo Betancur và ctv (2013)[13].
Otomorpha |
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Biểu đồ phát sinh chủng loài trong phạm vi bộ Cypriniformes:[11][12]
Cypriniformes |
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Bộ Cypriniformes nằm trong nhóm cá nguyên thủy nhất của nhóm Ostariophysi. Điều này có chứng cứ không chỉ bởi từ các dữ liệu sinh lý học, mà còn từ sự phân bố rộng của chúng, điều đó chứng tỏ chúng có khoảng thời gian dài để phổ biến[1][2]. Thời gian sớm nhất mà bộ Cypriniformes có thể đã rẽ ra khỏi Characiformes được cho là khoảng 250 triệu năm trước[14]. Tuy nhiên, sự rẽ ra của chúng có lẽ là muộn hơn, khoảng từ 115 tới 160 triệu năm trước[1].
Bộ Cypriniformes được coi là có nguồn gốc ở miền đông nam châu Á, là khu vực có sự đa dạng cao nhất. Một giả thuyết khác cho rằng chúng đã bắt đầu từ Nam Mỹ, tương tự như các nhóm khác của Ostariophysi. Nếu điều này là đúng, chúng có lẽ đã phổ biến sang châu Á thông qua châu Phi; khi các dạng cá chép mỡ (bộ Characiformes) bắt đầu tiến hóa, chúng có thể đã đánh bại các dạng cá chép cơ sở ở Nam Mỹ, trong khi các dạng cá chép châu Phi tiến bộ hơn đã có thể sống sót và cùng tồn tại với các dạng cá chép mỡ[1].
Các hóa thạch sớm nhất, từ họ Catostomidae, được biết đến từ các tầng thuộc thế Paleocen ở Alberta (Canada). Trong thế Eocen, các dạng cá mút này và các dạng cá chép đã phổ biến sang châu Á. Sau thế Eocen thì các dạng cá chép bắt đầu vượt qua các dạng cá mút trong khả năng cạnh tranh trong cùng một môi trường sống, làm cho chúng bị suy giảm[1]. Các dạng cá chép có lẽ đã bắt đầu sự phân nhánh của chúng tại châu Á trước thế Eocen, và lan tới châu Phi vào đầu thế Miocen, và Bắc Mỹ cùng châu Âu vào giữa thế Oligocen. Chúng có thể đã lan sang Bắc Mỹ thông qua cầu đất liền Bering[1].
Họ Cyprinidae (sensu lato) có tầm quan trọng lớn nhất trong bộ này. Nhiều loài là các loài cá thực phẩm quan trọng tại châu Á và châu Âu. Một số loài còn là các dạng cá cảnh quan trọng, như cá vàng và cá chép koi. Một cách ngẫu nhiên hay có cân nhắc thì một số quần thể cá chép[15] và cá trắm cỏ đã được đưa vào [16] mọi châu lục, ngoại trừ châu Nam Cực. Trong một số trường hợp thì người ta coi chúng là các loài xâm hại do chúng có tác động tiêu cực đối với môi trường bản địa[17]
Các họ khác có tầm quan trọng nhỏ hơn. Họ Catostomidae chủ yếu phục vụ cho nhu cầu câu cá giải trí, còn một vài loài trong các họ Cobitidae và Gyrinocheilidae được sử dụng làm cá cảnh trong một số bể nuôi.