Thống chế Pháp Maréchal de France | |
---|---|
Quốc gia | Pháp |
Thuộc | Quân đội Pháp |
Mã hàm NATO | OF-10 |
Hình thành | 1190 |
Hàm trên | không có |
Hàm dưới | Đại tướng |
Tương đương | Đô đốc Pháp quốc |
Thống chế Pháp, đôi khi còn được gọi là Nguyên soái Pháp (tiếng Pháp: Maréchal de France) là quân hàm cao nhất của quân đội Pháp, nó tương đương với quân hàm Đô đốc Pháp (Amiral de France) trong hải quân. Tính cho đến nay nước Pháp đã có 329 người được phong quân hàm này, người đầu tiên là Albéric Clément (phong năm 1190) còn người gần đây nhất là Marie Pierre Kœnig (truy phong năm 1984).
Quân hàm Thống chế Pháp được đặt ra lần đầu tiên vào năm 1190 dưới thời vua Philippe Auguste để phong cho Albéric Clément. Trong các thế kỉ sau đó, đây là một trong những quân hàm cao nhất của quân đội nhà vua, chỉ dưới hàm connétable (Nguyên soái). Sau khi Hồng y Richelieu bãi bỏ hàm connétable năm 1624, quân hàm Thống chế trở thành cấp bậc cao nhất của quân đội mặc dù đôi khi các vị vua nước Pháp còn đặt ra thêm quân hàm Đại Thống chế các chiến dịch và quân đội của nhà vua (Maréchal général des camps et armées du roi) được coi là cao hơn hàm Thống chế. Tính cho đến năm 1791 đã có tổng cộng 257 người được phong hàm Thống chế Pháp.
Sau khi Cách mạng Pháp nổ ra năm 1789, quân hàm Thống chế bị bãi bỏ theo Quốc ước ngày 21 tháng 2 năm 1793. Vào ngày 18 tháng 5 năm 1804, sau khi lập nên Đệ nhất Đế chế Pháp, Hoàng đế Napoléon Bonaparte cho thành lập một quân hàm tương đương được đặt ra là Thống chế Đế chế hay Nguyên soái Đế chế (Maréchal d'Empire). Tổng cộng, trong suốt triều đại của ông, Napoléon đã phong 26 Thống chế, trong số đó có 18 vị vào năm 1805 và các vị còn lại trong khoảng 1807 - 1812.[1] Quân hàm này được đổi tên lại thành Thống chế Pháp sau khi Hoàng gia Bourbon lấy lại quyền lực năm 1814. Sau thời kì gần như không được sử dụng dưới thời Đệ Tam Cộng hòa, quân hàm thống chế Pháp lại được phong trong cuộc Thế chiến thứ nhất. Đó là các Thống chế Joseph Joffre, Philippe Pétain và Ferdinand Foch - được nước Pháp tôn vinh làm anh hùng dân tộc nhờ đóng góp to lớn cho chiến thắng của quân Đồng Minh trước Đế chế Đức trong cuộc Chiến tranh thế giới này.[2] Hai người cuối cùng cho đến nay được phong quân hàm này là Alphonse Juin và Marie Pierre Kœnig (đều phong năm 1984).
Hiện nay Thống chế Pháp (và Đô đốc Pháp) được coi là một chức vụ của Nhà nước và một danh hiệu chứ không phải một cấp bậc trong quân đội. Nó được tượng trưng bằng 7 sao so với 5 sao của chức vụ cao nhất trong quân đội là Đại tướng (Général d'armée). Một biểu tượng khác của Thống chế Pháp là chiếc gậy thống chế phủ lụa xanh có điểm các ngôi sao, trên cây gậy có dòng chữ:
“ | Terror belli, decus pacis - Nỗi khiếp sợ trong chiến tranh, nét trang hoàng trong thời bình | ” |
Điểm đặc biệt của quân hàm Thống chế Pháp là nó được quyết định thông qua một đạo luật (loi) được biểu quyết tại quốc hội như mọi đạo luật thông thường khác, đây là một trong số rất ít luật dùng cho cá nhân (loi personnelle). Chính vì lý do này mà Philippe Pétain, được phong hàm năm 1918, vẫn là Thống chế Pháp đến khi qua đời năm 1951 mặc dù mọi chức vụ và quyền miễn truy tố của ông này đã bị tòa án tước bỏ sau năm 1945, chỉ riêng quân hàm Thống chế của Pétain là được giữ nguyên vì tòa án cũng không thể đi ngược lại luật, trừ trường hợp (rất khó xảy ra) là quốc hội ra một luật mới phủ quyết luật cũ.
Tổng thống | Số lượng | Chi tiết |
Louis-Napoléon Bonaparte[5] (1848 - 1852) |
7 | |
Raymond Poincaré (1913 - 1920) |
3 | |
Alexandre Millerand (1920 - 1924) |
5 |
|
Vincent Auriol (1947 - 1954) |
3 |
|
François Mitterrand (1981 - 1995) |
1 |
|