Đào Khiêm 陶謙 | |
---|---|
Tên chữ | Cung Tổ |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 132 |
Nơi sinh | Đang Đồ |
Mất | |
Ngày mất | 194 |
Nơi mất | Đàm Thành |
Giới tính | nam |
Nghề nghiệp | chính khách |
Quốc tịch | Đông Hán |
Đào Khiêm (chữ Hán: 陶謙; 132–194), tên tự là Cung Tổ (恭祖), là tướng cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Đào Khiêm là người huyện Đan Dương thuộc quận Đan Dương (nay là đông bắc huyện Đang Đồ, địa cấp thị Mã An Sơn, tỉnh An Huy). Thời trẻ, Đào Khiêm ham đọc sách, được cử làm Hiếu liêm. Sau đó ông được giữ chức Huyện lệnh ở huyện Thư[1].
Đào Khiêm có tài kiêm văn võ, trở thành Tư mã của Xa kỵ tướng quân Trương Ôn. Khi Biên Nhượng và Hàn Toại ở Lương châu nổi dậy chống nhà Hán, ông theo Trương Ôn đánh dẹp khiến hai cánh quân này phải quy phục triều đình.
Năm 184, Trương Giác cầm đầu khởi nghĩa Khăn Vàng nổi dậy chống triều đình. Hán Linh Đế bổ nhiệm ông làm Thứ sử Từ châu. Đào Khiêm đến nhiệm sở, nhanh chóng đánh tan quân Khăn Vàng. Quân Khăn Vàng phải rút khỏi Từ châu, các quận huyện được yên ổn trở lại.
Năm 189, Hán Linh Đế mất, Thiếu Đế lên thay. Đổng Trác từ Hà Đông vào Lạc Dương phế Thiếu đế, lập Hiến Đế và thao túng triều đình khiến nhiều người bất bình. Năm 190, Viên Thiệu cầm đầu 10 trấn chư hầu nổi dậy chống Đổng Trác. Đào Khiêm tuổi đã cao, không tham gia liên minh này mà cố thủ ở Từ châu.
Sau đó, tướng Chu Tuấn được Đổng Trác sai ở lại trấn thủ Lạc Dương bèn chống lại Trác, mang quân về đóng ở huyện Trung Mâu. Đào Khiêm bèn giúp cho Chu Tuấn lương thực và tăng viện cho 3000 quân, đồng thời ông tiến cử Chu Tuấn làm Hành Xa kỵ tướng quân sự.
Đổng Trác sai Lý Thôi, Quách Dĩ đi đánh Chu Tuấn. Chu Tuấn bị đánh bại phải bỏ chạy, nhưng Đào Khiêm vẫn giúp đỡ cho Tuấn. Năm 192, Đổng Trác bị giết ở Trường An, Lý Thôi và Quách Dĩ lên nắm quyền. Đào Khiêm liên kết với các chư hầu như Thứ sử Dương châu là Chu Càn, Tướng quốc Bắc Hải là Khổng Dung, Thái thú quận Thái Sơn là Ứng Thiệu cùng và Bác sĩ Trịnh Huyền gửi thư cho Chu Tuấn, tôn Tuấn làm Thái sư, hứa cấp phát binh mã và quân lương trong nửa năm để Chu Tuấn đi đánh Lý Thôi và Quách Dĩ ở Trường An.
Trước nguy cơ đó, Lý Thôi và Quách Dĩ tiếp nhận ý kiến của Giả Hủ, tìm cách lung lạc Chu Tuấn. Nhân danh Hán Hiến đế, Lý Thôi đưa thư mời Chu Tuấn vào triều làm Thái uý. Tuấn bèn từ tạ Đào Khiêm để vào Trường An nhận chức.
Từ khi Chu Tuấn hoà giải với Lý Thôi, Đào Khiêm vì tuổi cao sức yếu, cũng không muốn đối địch với triều đình Trường An, bèn khôi phục lại quan hệ với Lý Thôi. Lý Thôi cũng muốn yên ổn phía đông bèn nhân danh Hán Hiến đế thăng ông làm Châu mục Từ Châu.
Tháng 4 năm 193, trong huyện Hạ Bì thuộc Từ châu có viên tướng Khuyết Tuyên khởi binh chống triều đình, tự xưng làm hoàng đế. Để lung lạc Khuyết Tuyên, Đào Khiêm ban đầu cho người đi lại giao hảo để Tuyên mất cảnh giác. Tháng 6 năm đó, ông ra quân đánh dẹp. Khuyết Tuyên lơ là phòng bị nên bị Đào Khiêm giết chết.
Trong khi đó các chư hầu trong liên minh đánh Đổng Trác đã tan rã và đánh lẫn nhau, cát cứ ở các châu quận. Tào Tháo đã đánh được quân Khăn Vàng và làm chủ Duyện châu, giáp ranh Từ châu của Đào Khiêm.
Cùng thời điểm Đào Khiêm ra tay đánh Khuyết Tuyên thì xảy ra vụ án mạng Tào Tung – cha Tào Tháo. Giữa năm 193, Tào Tung từ Lạc Dương tới Lang Nha định dưỡng lão, mang theo hơn 100 xe hành lý chứa nhiều vàng bạc châu báu[2]; khi đi qua Từ châu thì bị giết chết.
Tam Quốc Chí chép rằng Đào Khiêm sai thủ hạ là Trương Cương đi hộ tống cho Tào Tung; Trương Cương vì thấy nhà Tào Tung nhiều của cải không kìm được lòng tham đã giết chết Tào Tung để cướp đồ. Sách Hậu Hán thư thì không nói rõ viên tướng nào giết Tào Tung, chỉ nói rằng do quân sĩ của Đào Khiêm đóng ở huyện Âm Bình[3][4].
Tào Tháo nghe tin cha bị hại ở Từ châu, cho rằng Đào Khiêm đồng mưu sai khiến thủ hạ, bèn cất vài chục vạn quân đi đánh Từ châu để trả thù. Tào Tháo cũng muốn nhân đó chiếm luôn địa bàn Từ châu liền kề với Duyện châu để mở rộng thế lực nên thúc quân tấn công mạnh mẽ. Tào Tháo chiếm lĩnh hơn 10 thành.
Đào Khiêm ra quân chống lại, hai bên đụng độ ở Bành Thành[5]. Quân Từ châu bị quân Tào đánh bại, bị giết hơn 1 vạn người, nước sông Tứ Thủy vì vậy không chảy được[6].
Đào Khiêm rút vào thành Đan Dương cố thủ, sai người đi cầu cứu thứ sử Thanh châu là Điền Khải – thủ hạ của Công Tôn Toản ở U châu. Điền Khải lúc đó đang bị Viên Thiệu đánh, bèn báo cáo cho Công Tôn Toản – người đang tranh giành Hà Bắc với Thiệu. Toản sai Lưu Bị cùng Quan Vũ và Trương Phi đi cứu Thanh châu. Nghe Đào Khiêm cầu cứu, Khải lại sai Lưu Bị cầm quân đi cứu Từ châu trước.
Lưu Bị có 4000 quân, chiêu hàng được vài ngàn nạn dân Ô Hoàn, rồi lại được Đào Khiêm cấp 4000 quân nữa, có hơn 1 vạn người, cùng Đào Khiêm thế thủ ở Đan Dương. Tào Tháo vây đánh nhiều ngày không sao phá được, bèn trút tức giận lên dân thường để trả thù cho cha, ra lệnh tàn sát hơn 10 vạn người ở 5 thành Thủ Lự, Tuy Lăng, Hạ Khâu, Bành Thành, Phó Dương cùng các hương trấn sở thuộc. Không chỉ bản dân 5 thành mà nhiều người dân ở Thiểm Tây vì tránh nạn Lý Thôi, Quách Dĩ kéo về đó cũng bị hại[4].
Không lâu sau, chính thủ hạ của Tào Tháo là Trần Cung hợp tác với Trương Mạo tôn Lã Bố làm chủ, đánh chiếm Duyện châu của Tào Tháo. Tào Tháo buộc phải ngừng vây Từ châu, mang quân trở về cứu.
Qua trận binh hoả, Đào Khiêm rất cảm phục Lưu Bị đã cứu giúp. Không lâu sau khi Từ châu được giải vây, Đào Khiêm ốm nặng.
Ông quyết định tiến cử Lưu Bị làm Từ châu mục thay mình, bèn dâng biểu lên Hán Hiến đế. Lưu Bị khiêm nhường, sợ mình sức yếu không giữ được nên từ tạ, đề nghị Đào Khiêm trao Từ châu cho Viên Thuật là người có danh vọng cao hơn. Đào Khiêm bèn hỏi ý kiến Khổng Dung. Khổng Dung cho rằng Viên Thuật không hề có thực lực, không lâu sẽ diệt vong. Đào Khiêm và Khổng Dung cùng thuyết phục Lưu Bị mấy lần, cuối cùng Lưu Bị nhận lời tiếp quản Từ châu, nhận chức Từ châu mục[7].
Được ít lâu, Đào Khiêm qua đời tại Từ châu. Năm ấy ông 63 tuổi. Chiến tranh quân phiệt ở Từ châu nói riêng và trung nguyên nói chung sau đó tiếp tục trong nhiều năm nữa.
Trong tiểu thuyết nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Đào Khiêm xuất hiện từ hồi 4 đến hồi 12, trong giai đoạn cuộc chiến quần hùng ở trung nguyên bắt đầu. Khi Tào Tháo hiệu triệu chư hầu đánh Đổng Trác[8], Đào Khiêm đã đến dự cùng 16 chư hầu khác; trên thực tế Đào Khiêm không đến hội quân với chư hầu dưới cờ Viên Thiệu[9].
Tam Quốc diễn nghĩa mô tả ông là người nhân từ, đức độ; khi Tào Tháo tàn sát dân Từ châu, ông từng có ý định đến nộp mạng để cứu dân.