Hà Tiến 何進 | |
---|---|
Thận hầu | |
Tên chữ | Toại Cao |
Binh nghiệp | |
Nguyện trung thành | nhà Hán |
Cấp bậc | Đại tướng quân |
Tham chiến | |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 135 |
Nơi sinh | Nam Dương |
Mất | |
Ngày mất | String Module Error: String subset indices out of order tháng String Module Error: String subset indices out of order, 189 |
Nơi mất | Lạc Dương |
Nguyên nhân mất | xử trảm |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Thân phụ | Hà Chân |
Anh chị em | Linh Tư Hà hoàng hậu, Hà Miêu |
Hậu duệ | Hà Hàm |
Tước hiệu | Thận hầu |
Nghề nghiệp | chính khách |
Quốc tịch | Đông Hán |
Hà Tiến (chữ Hán: 何進; ?-189) bính âm: (He Jin) là tướng ngoại thích nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Hà Tiến có tên tự là Toại Cao (遂高), xuất thân là dân thường. Nhà ông làm nghề bán thịt ở Nam Dương – nơi khởi phát của vua Quang Vũ Đế nhà Đông Hán.
Thời Hán Linh Đế, em gái cùng cha khác mẹ của ông là Hà thị được tuyển vào cung và được vua sủng ái lập. Năm 180, Hà thị được lập làm hoàng hậu, Hà Tiến là ngoại thích được vào cung làm quan, mẹ Hà thái hậu được phong làm Vũ Dương quân.
Năm 184, Trương Giác phát động khởi nghĩa Khăn Vàng. Hà Tiến được Hán Linh Đế phong lên chức Đại tướng quân (大將軍), lãnh trách nhiệm dẹp loạn. Nhờ sự tố giác của một đệ tử Khăn Vàng là Đường Chu, ý định khởi sự vào tháng 3 của Trương Giác bị lộ. Hà Tiến sai quân bắt người phụ trách các thủ hạ của Trương Giác tại Lạc Dương là Mã Nguyên Nghĩa mang xé xác. Hoạn quan Phong Tư và Từ Phụng từng có liên hệ với Trương Giác bị lộ, cũng lập tức bị bắt bỏ ngục. Đồng thời, hơn 1000 đệ tử của Trương Giác ở kinh thành bị bắt giam và giết chết.[1]
Theo đề nghị của Hà Tiến, Hán Linh Đế phái 3 tướng là Bắc trung lang tướng Lư Thực, Tả trung lang tướng Hoàng Phủ Tung và Hữu trung lang tướng Chu Tuấn đi dẹp Trương Giác. Cuối năm đó anh em Trương Giác bị dẹp, Hà Tiến được phong làm Thận hầu (慎侯). Người em trai cùng cha khác mẹ là Hà Miêu cũng được vào triều làm quan.
Năm 188, Hán Linh Đế vốn rất tin yêu các hoạn quan, đã lập ra đội quân Tây Viên giao cho hoạn quan Kiển Thạc lên cầm quyền chỉ huy quân đội. Các sử gia đánh giá quyết định này là sai lầm lớn của Hán Linh Đế vì đã buộc Hà Tiến phải dưới quyền Kiển Thạc khiến cho hai người mâu thuẫn gay gắt thêm, dẫn tới khởi đầu cho loạn lạc trong triều sau này.[2]
Đầu năm 189, Hán Linh Đế qua đời. Con Hà hoàng hậu là thái tử Lưu Biện lên nối ngôi, tức là Hán Thiếu Đế. Hà hậu trở thành Hà thái hậu lâm triều xưng chế, cùng Hà Tiến điều hành triều chính. Hà thái hậu lệnh cho Hà Tiến cùng Thái úy Viên Ngỗi đảm đương công việc Thượng thư 6 bộ. Viên Ngỗi được phong làm Hậu tướng quân, hợp tác cùng Hà Tiến phụ chính.
Mâu thuẫn giữa ngoại thích và hoạn quan đã xảy ra từ nhiều đời trước trong cung đình nhà Hán. Tới khi Hà Tiến lên nắm quyền, mâu thuẫn vẫn tiếp tục. Hoạn quan Kiển Thạc được Hán Linh Đế trọng dụng trước khi chết, lúc Thiếu Đế mới lên ngôi định mưu giết Hà Tiến. Tuy nhiên một thái giám dưới quyền Kiển Thạc, đồng hương với Hà Tiến là Quách Thắng lại tố cáo ý định của Kiển Thạc. Vì vậy Hà Tiến bèn chủ động ra tay trước, điều quân bắt giết Kiển Thạc. Cả tám viên Hiệu úy Tây Viên dưới quyền Kiển Thạc đều trở thành lực lượng dưới quyền Hà Tiến.[2]
Trong triều còn lực lượng muốn đối phó với Hà Tiến là Phiêu kỵ tướng quân Đổng Trọng. Đổng Trọng cũng vốn là ngoại thích đời trước. Cô Đổng Trọng là Đổng thái hậu mẹ Hán Linh Đế. Do Đổng thái hậu là mẹ chồng Hà thái hậu, hai người mâu thuẫn nhau nên Đổng Trọng cũng bất hòa với Hà Tiến.
Trước thái độ xung khắc gay gắt của Đổng thái hậu, Hà thái hậu bèn bàn với Hà Tiến, mang việc thảo luận với Tam công, kể tội Đổng thái hậu câu kết với hoạn quan và nhận tiền hối lộ của quan lại địa phương; và lấy lý do Đổng thái hậu vốn chỉ là vợ của Giải độc đình hầu Lưu Trường, nhờ Linh Đế được lập mới được làm thái hậu và bản thân chưa từng làm hoàng hậu, vì vậy ép Đổng thái hậu trở về đất phong cũ của chồng. Sau khi Đổng thái hậu lên đường, Hà Tiến lập tức phát binh vây nhà Đổng Trọng, bắt sống và cách chức. Đổng Trọng tự sát.
Không lâu sau Đổng thái hậu cũng qua đời. Hà Tiến đổi hoàng tử Lưu Hiệp – em Hán Thiếu Đế, vì mẹ là Vương mỹ nhân bị Hà hậu làm hại nên được Linh Đế giao cho Đổng thái hậu nuôi – từ tước Bột Hải vương thành Trần Lưu vương.
Trong triều chỉ còn lực lượng hoạn quan đang chống lại Hà Tiến. Hà Tiến bàn bạc với các thủ hạ. Viên Thiệu đề nghị bãi chức các hoạn quan. Hà Tiến phong Viên Thiệu làm Tư Lệ hiệu úy.
Ông vào cung bàn với Hà thái hậu bãi chức tất cả các hoạn quan, đổi dùng quan lang phục vụ trong triều. Nhưng trước đây Hà thái hậu từng nhờ thập thường thị can Hán Linh Đế nên không bị truất ngôi hoàng hậu. Do có ơn các hoạn quan nên Hà thái hậu không đồng ý, nói với Hà Tiến:
Hà Miêu cũng không tán thành việc bỏ hoạn quan. Hà Tiến bí cách thuyết phục Hà thái hậu trừ hoạn quan, bèn nghĩ ra một biện pháp khác. Ông sai người ra nói với tướng Đổng Trác đang đóng quân ở Hà Đông và thứ sử Tinh châu là Đinh Nguyên hãy mang quân vào Lạc Dương "giả làm phản đòi dẹp hoạn quan", với mục đích là dọa thái hậu phải bằng lòng bãi chức các hoạn quan.[3]
Quả nhiên Hà thái hậu nghe tin Đổng Trác sắp kéo quân vào Lạc Dương, trúng kế sợ hãi, vội ra chiếu cách chức các hoạn quan, bắt về quê dưỡng lão. Người đứng đầu hoạn quan là Trương Nhượng là có con nuôi lấy em gái Hà thái hậu và được mẹ Hà thái hậu là Vũ Dương quân ưa thích. Do sự cầu cứu của Trương Nhượng, bà Vũ Dương quân đứng ra nói giúp với Hà thái hậu. Mặt khác, các hoạn quan còn mang của cải đến biếu em Hà Tiến là Hà Miêu xin tha mạng. Hà thái hậu bị mẹ thuyết phục, bèn thu hồi lại lệnh bãi chức các thái giám, lại cho vào cung làm việc.[4]
Đinh Nguyên mang quân đến Lạc Dương trước, mang theo Lã Bố và Trương Dương. Hà Tiến điều động bộ tướng của Đinh Nguyên là Trương Dương lên Thượng Đảng[5] đi dẹp quân khởi nghĩa tại đây.
Ngày Mậu Thìn (25) tháng 8 năm Kỉ Tị[6] (22 tháng 9 năm 189), Hà Tiến theo ý kiến của Viên Thiệu, vào cung Trường Lạc gặp Hà thái hậu xin ý chỉ đề nghị giết hết các hoạn quan. Trong các hoạn quan có người nghe được chuyện bèn báo với Trương Nhượng. Trương Nhượng cùng Đoàn Khuê vội huy động vài mươi quân lính cầm binh khí phục sẵn, đợi lúc Hà Tiến ra cửa cung bèn đổ ra bắt sống, mang tới dưới lầu Thượng thư rồi kể tội ông là người vong ân bội nghĩa[7] và giết chết ông trước điện Gia Đức. Không rõ năm đó Hà Tiến bao nhiêu tuổi.
Tin tức truyền ra, thủ hạ của Hà Tiến là Viên Thiệu mang quân đánh vào hoàng cung giết các hoạn quan báo thù cho Hà Tiến. Em ông là Hà Miêu cũng mang quân vào cung phối hợp với Viên Thiệu giết hoạn quan, bắt chém được Triệu Trung. Nhưng tướng quân Ngô Khuông kể tội Hà Miêu từng thông đồng với hoạn quan, có lỗi trong cái chết của Hà Tiến, nên cùng em Đổng Trác là Đổng Mân đang có mặt ở đó hợp binh tấn công giết chết Hà Miêu.
Liền sau đó Đổng Trác kéo quân vào kinh thành Lạc Dương, áp đảo Viên Thiệu và trở thành người thao túng triều chính.
Cuộc xung đột giữa Hà Tiến và các lực lượng đối lập được tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung kể khá gần với sử sách. Về cái chết của Đổng thái hậu, Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng do Hà Tiến sai người mang rượu độc tới buộc bà ta phải uống.
Hà Tiến được mô tả là một kẻ đù đờ không quyết đoán, không nghe theo lời phải, nên cuối cùng phải trả giá bằng tính mạng. Ngoài ra, ông cũng có phần khinh thường Tào Tháo (lúc đó đang nắm chức Điển quân hiệu úy), từng mắng Tháo là "hạng trẻ con, biết đâu việc lớn của triều đình". Trong kế hoạch thanh trừng Thập thường thị, Hà Tiến đã nghe theo kế của Viên Thiệu, kêu gọi các trấn trong nước đem quân đến Lạc Dương để chi viện, mặc cho Tào Tháo hết mực khuyên can. Việc Hà Tiến gọi cả thứ sử Tây Lương là Đổng Trác vào kinh giết hoạn quan được Tào Tháo kết luận ông chính là người "làm loạn thiên hạ".
Về cái chết của Hà Tiến, La Quán Trung tường thuật việc Trương Nhượng dùng lệnh của Hà thái hậu gọi ông vào cung Trường Lạc để sát hại. Trước đó, ông đã bỏ ngoài tai lời khuyên can của Viên Thiệu và Tào Tháo, vâng mệnh thái hậu để vào cung và cuối cùng bị bọn Trương Nhượng bố trí đao phủ bao vây giết chết. Khi các thủ hạ của Hà Tiến đánh vào cung để báo thù, em trai ông là Hà Miêu không tham gia giết hoạn quan như sử sách mô tả mà từ trong cung đi ra, dù sau đó cũng bị giết một cách thảm khốc: "xả Tiến ra làm hai đoạn".
Trong bài ca tóm tắt truyện Tam Quốc diễn nghĩa ở sau hồi cuối cùng, La Quán Trung cũng nhắc đến Hà Tiến ở câu thứ 7: "Tiếc thay Hà Tiến vô tài".