Lã Đại | |
---|---|
Tên chữ | Định Công |
Binh nghiệp | |
Cấp bậc | sĩ quan cấp tướng |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 161 |
Nơi sinh | Thái Châu |
Mất | 21 tháng 10, 256 |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Hậu duệ | Lã Khải |
Quốc tịch | Đông Ngô |
Lã Đại (chữ Hán: 呂岱; 161-256) là tướng nhà Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã từng nhiều năm tham chiến ở Giao châu (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay).
Lã Đại có tên tự là Định Công (定公), người quận Quảng Lăng huyện Hải Lăng (thuộc Từ châu). Thời trẻ Lã Đại làm huyện lại trong quận Quảng Lăng, vì tránh loạn đến huyện Nam Độ ở Giang Nam.
Tôn Quyền lên nắm quyền thay Tôn Sách, Lã Đại đến thẳng mạc phủ gặp mặt, được cho ra giữ chức Thừa ở huyện Ngô. Khi Tôn Quyền đích thân phá kho tàng và nhà ngục, các trưởng lại huyện thừa đều đến gặp, Lã Đại theo phép tắc đến hỏi, rất đúng ý Tôn Quyền, nên được triệu đến tạm nhận chức Lục sự, sau cho ra ngoài bổ nhiệm làm trưởng huyện Dư Diêu.
Lã Đại chiêu mộ được hơn 1000 quân tinh nhuệ. Lúc đó Lã Cáp, Tần Lang ở năm huyện Đông Dã, quận Cối Kê nổi dậy, Tôn Quyền dùng Lã Đại làm Đốc quân Hiệu úy, cùng tướng quân Tưởng Khâm đem binh đánh dẹp, sau bắt được Lã Cáp, Tần Lang, 5 huyện bình định. Lã Đại được phong làm Chiêu tín trung lang tướng.
Năm 211, Lã Đại đốc xuất lang tướng là Doãn Dị, đem 2000 binh sĩ sang phía tây dụ Trương Lỗ ở đến thành Hán Hưng, nhưng Trương Lỗ nghi ngờ đường đi bị cắt đứt, việc toan tính không thành. Tôn Quyền bèn triệu Đại trở về.
Năm 215, Lã Đại thống lĩnh Tôn Mậu gồm mười tướng quân theo đi đánh quận Trường Sa đang ở trong tay Quan Vũ. Các huyện lại ở bốn huyện An Thành, Du, Vĩnh Tân, Trà Lăng cùng vào thành Âm Sơn, tập hợp binh chúng chống cự. Lã Đại vây đánh, quân địch mau chóng ra hàng. Tôn Quyền lưu Lã Đại lại trấn thủ Trường Sa. Trưởng huyện An Thành là Ngô Nãng cùng Trung lang tướng Viên Long lần lượt theo Quan Vũ, quay lại chống Ngô. Nãng chiếm cứ huyện Du, Long ở huyện Lễ Lăng. Tôn Quyền phái Hoành Giang tướng quân là Lỗ Túc đánh huyện Du, Nãng phá vây trốn chạy. Lã Đại đánh huyện Lễ Lăng, sau bắt và chém đầu Long. Ông được thăng làm Thái thú Lư Lăng.
Năm 220, Lã Đại lên thay Bộ Chất làm Thứ sử Giao Châu. Lúc đến châu, thủ lĩnh quân nổi dậy ở Cao Lương là Tiền Bác xin hàng, Lã Đại lấy Bác làm Cao Lương tây bộ Đô úy. Người bản địa ở Uất Lâm tấn công vây quận huyện, Lã Đại đánh dẹp thắng trận.
Vương Kim ở huyện Trinh Dương quận Quế Dương tụ hợp người trong quận trên địa giới quận Nam Hải chống lại Đông Ngô. Tôn Quyền lại lệnh cho Lã Đại đánh dẹp, bắt sống được Kim, giải đến Kiến Nghiệp chém đầu, còn bắt sống cả thảy hơn vạn một người. Lã Đại được thăng làm An Nam tướng quân, ban cho Giả tiết, phong tước Đô Hương hầu.
Năm 226, Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp chết, Tôn Quyền dùng con của Nhiếp là Sĩ Huy làm An Viễn tướng quân, lĩnh chức Thái thú Cửu Chân, lấy Hiệu úy Trần Thì lên thay Sĩ Nhiếp làm thái thú Giao Chỉ. Lã Đại dâng biểu xin chia ba quận ở Hải Nam lập ra Giao Châu, lấy Tướng quân Đái Lương làm Thứ sử, chia bốn quận ở Hải Đông làm Quảng Châu, ông tự mình làm Thứ sử.
Tôn Quyền nghe theo, sau đó phái Lương và Thì vào Giao châu, nhưng Sĩ Huy không vâng lệnh, tự nối chức cha làm thái thú Giao Chỉ, dấy binh đóng ở cửa biển để chống cự quân Ngô. Lã Đại mang quân đến Hợp Phố, cùng với Đái Lương đều tiến lên. Ông sai em họ Sĩ Huy là Sĩ Khuông là người quen biết đi trước, khuyên Sĩ Huy đầu hàng thì sẽ bảo toàn tính mạng. Sĩ Huy nghe tin đại quân Ngô đến, bèn xin hàng, mang 6 người anh em cởi trần ra nghênh đón ông. Lã Đại tiếp nhận, sai anh em họ Sĩ mặc áo rồi vào thành. Tuy nhiên đến hôm sau, Lã Đại triệu tập anh em họ Sĩ đến dưới trướng rồi sai bắt trói mang ra ngoài chém hết, đưa đầu về Vũ Xương cho Tôn Quyền[1].
Thuộc hạ của Sĩ Huy là Cam Lễ, Hoàn Trị mang quân đánh Lã Đại. Ông gắng sức đánh bại họ. Vì vậy Lã Đại được tấn phong tước Phiên Ngung hầu. Do Giao châu đã yên ổn, Tôn Quyền lại bỏ Quảng châu, để Giao châu 7 quận như cũ, sau lại cho Lã Đại làm Thứ sử Giao Châu.
Lã Đại đã đánh được quận Giao Chỉ, lại tiến lên đánh dẹp quận Cửu Chân[2], chém và bắt sống mấy vạn người. Ông phái quan Tòng sự xuôi nam tuyên truyền cho các bậc Vương của các nước Phù Nam, Lâm Ấp, Đường Minh ở ngoài biên. Các nước này đều phái sứ giả dâng cống vật[3]. Tôn Quyền khen ngợi công lao ấy, phong ông làm Trấn Nam tướng quân.
Năm 231, vì đất phương nam yên ổn, Tôn Quyền triệu Đại về đóng ở Âu Khẩu quận Trường Sa. Người bản địa ở Vũ Lăng nổi dậy, Lã Đại và Thái thường là Phan Tuấn cùng đến đánh dẹp yên.
Năm 234, ông nhận lệnh của Tôn Quyền đốc xuất binh sĩ của Phan Chương, đóng ở Lục Khẩu, sau dời đến Bồ Kỳ.
Năm 235, người ở Lư Lăng là Lý Hoàn hợp mưu với người ở Lộ Cáp và huyện Đông Dã quận Cối Kê là Tùy Xuân, người ở Nam Hải là La Lệ cùng nổi dậy. Tôn Quyền sai Lã Đại đốc suất Lưu Toản, Đường Tư đi đánh dẹp. Tùy Xuân ra hàng, còn Hoàn, Lệ đều bị chém đầu.
Phan Tuấn chết, Lã Đại thay Phan Tuấn kiêm quản việc văn thư ở Kinh Châu, cùng với Lục Tốn đều ở Vũ Xương, vẫn đốc trách ở Bồ Kỳ. Năm 239, Liêu Thức nổi dậy, vây đánh thành ấp, các quận Linh Lăng (Kinh châu), Thương Ngô, Uất Lâm (Giao châu) dao động. Lã Đại tự dâng biểu xin đánh rồi đi ngay. Tôn Quyền phái sứ giả đuổi theo phong ông làm Giao Châu mục, phái Đường Tư cưỡi ngựa trạm đi theo. Lã Đại giao chiến suốt 1 năm thì phá được (240), chém Liêu Thức, quay về Vũ Xương. Năm ấy ông đã 80 tuổi, nhưng thể chất vẫn tỉnh táo cần mẫn. Phấn uy tướng quân Trương Thừa gửi thư cho Lã Đại, ca ngợi ông hơn cả danh tướng Liêm Pha nước Triệu thời Chiến Quốc[3].
Năm 243, Lục Tốn chết, Gia Cát Khác lên thay, Tôn Quyền bèn chia Vũ Xương làm hai bộ, để Lã Đại làm Đốc hữu bộ, từ Vũ Xương Thượng đến Bồ Kỳ, lại thăng ông lên chức Thượng Đại tướng quân, phong con ông là Lã Khải làm Phó quân Hiệu uý, làm Giám binh ở Bồ Kỳ.
Năm 252, Tôn Quyền mất, Tôn Lượng lên kế vị, phong Lã Đại làm Đại tư mã.
Năm 256 thời Tôn Lượng, Lã Đại qua đời, thọ 96 tuổi. Con ông là Lã Khải nối tự. Ông có di lệnh khi chôn cất mình dùng áo quan mộc, đội khăn thưa mặc áo cộc, theo đúng phép tống táng, mọi việc đơn giản tiết kiệm, Lã Khải đều vâng theo lời ông[3].
Lã Đại hoạt động trong khoảng hơn 50 năm dưới chính quyền Đông Ngô, chỉ tham gia những trận chiến dẹp yên nội bộ lãnh thổ nước Ngô.
Trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, Lã Đại chỉ xuất hiện trong một đoạn ngắn ở chương 108. Khi Tôn Quyền bệnh nặng, sai người triệu Đại tư mã Lã Đại cùng Thái phó Gia Cát Khác, phong hai người làm cố mệnh đại thần.
Nhận xét về Lã Đại, tác giả Tam Quốc chí là sử gia Trần Thọ cho rằng ông là người liêm khiết, thanh bạch phụng sự việc công[3].
Đối với việc Lã Đại lừa dụ giết anh em Sĩ Huy, tác giả Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên viết[4]: