Hoàng Phủ Tung

Hoàng Phủ Tung
皇甫嵩
Tên chữNghĩa Chân
Binh nghiệp
Nguyện trung thànhnhà Hán
ThuộcQuân đội nhà Hán
Cấp bậcXa Kỵ tướng quân
Tham chiến
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
thế kỷ 2
Nơi sinh
Bành Dương
Mất195
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Hoàng Phủ Tiết
Hậu duệ
Hoàng Phủ Kiên Thọ, Hoàng Phủ Thúc Hiến
Gia tộchọ Hoàng Phủ tại An Định
Nghề nghiệptướng lĩnh quân đội
Quốc tịchnhà Hán

Hoàng Phủ Tung (chữ Hán: 皇甫嵩; ? - 195) là danh tướng cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông tham gia dẹp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng cuối thế kỷ 2.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoàng Phủ Tung tự là Nghĩa Chân, người Triều Na, An Định[1]. Ông sinh ra trong gia đình võ tướng.

Tổ 4 đời của ông là Hoàng Phủ Lăng và người em là Hoàng Phủ Khuy đều làm Liêu độ tướng quân nhà Hán. Ông nội Hoàng Phủ Tung là Hoàng Phủ Kỳ làm tới chức Đô úy Phù Phong, cha ông là Hoàng Phủ Tiết làm tới chức Thái thú Nhạn Môn[2].

Thời Hán Linh Đế

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời trẻ, ông có tài văn kiêm võ, giỏi Kinh Thi, Kinh Thư, thạo cả cưỡi ngựa bắn cung. Hoàng Phủ Tung được cử làm hiếu liêm, mậu tài. Thái úy Trần Phồn, Đại tướng quân Đậu Vũ nghe tiếng ông đều mời ông làm quan, nhưng ông không nhận lời.

Sau đó Hán Linh Đế mời ông làm chức Lang trung[3], sau chuyển làm Huyện lệnh Bá Lăng và huyện Lâm Phần; rồi được điều làm Nghị lang, Thái thú Bắc Địa[4].

Dẹp Khăn Vàng

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 3 năm 184, ba anh em Trương Giác, Trương Bảo, Trương Lương cầm đầu cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng, thủ hạ có hàng chục vạn người[5]. Nhiều châu quận nhà Hán bị đánh chiếm. Trước tình hình nguy cấp, Hoàng Phủ Tung kiến nghị Hán Linh Đế bỏ lệnh cấm và xá tội cho các lực lượng quần chúng bị xem là "bè đảng" trong xã hội để giảm sự bất bình của họ; đồng thời thưởng tiền cho tướng sĩ để khuyến khích họ ra trận lập công. Kiến nghị của ông được Linh Đế chấp thuận. Linh Đế thăng ông làm Trung lang tướng, cùng Chu TuấnLư Thực đi đánh dẹp.

Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn điều động tập hợp kị binh 5 hiệu gồm có: Hiệu úy Đồn kị, Việt kị, Bộ binh, Trường thủy, Tạ thanh là quân túc vệ trong Bắc quân là quân thường trực chủ lực của trung ương. Mặt khác, ông chiêu mộ thêm binh sĩ, tổng cộng được 40 vạn người[6].

Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn mỗi người chia nhau suất lĩnh một cánh quân ra đánh quân Khăn Vàng ở Dĩnh Xuyên, bị tướng Khăn Vàng là Ba Tài đánh bại. Ông lui về giữ Trường Xã[7]. Quân Khăn Vàng kéo tới bao vây. Nhiều tướng sĩ dưới quyền lo lắng, ông lựa cách trấn an họ rằng quân Khăn Vàng có sai lầm, có thể đánh được[6].

Hoàng Phủ Tung biết nhược điểm quân Khăn Vàng phần đông là nông dân mới vào quân, chưa quen chiến đấu chuyên nghiệp, chỉ tác chiến ban ngày tới đêm thì ngủ. Một nhược điểm nữa của quân Khăn Vàng được Hoàng Phủ Tung chú trọng khai thác là chủ tướng Ba Tài không biết tìm chỗ đóng quân hợp lý, lại chọn nơi đồng cỏ khô đóng đồn trại. Vì vậy ông quyết định đánh tập kích vào ban đêm khi quân Khăn Vàng đang nghỉ ngơi không kịp trở tay. Nhân đêm đó có gió, Hoàng Phủ Tung dùng hỏa công đánh vào doanh trại địch, đồng cỏ khô cháy dữ dội, quân Khăn Vàng bị phá tan, thiệt hại hàng vạn người[8]. Nhờ lập công trận này, ông được phong làm Đô hương hầu.

Ba Tài mang tàn quân bỏ chạy tới Dương Hoắc. Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn thừa thắng mang quân đuổi theo. Hoàng Phủ Tung tiếp tục đánh thắng quân Khăn Vàng tại Nhữ Nam, nước Trần, truy kích Ba Tài. Sau đó ông đánh tướng Khăn Vàng khác là Bành Thoát, liên tục thắng lợi, đoạt lại được 3 quận.

Tháng 8 năm đó, Hoàng Phủ Tung đụng độ tướng Khăn Vàng là Bốc Dĩ ở Thương Đình. Ông phá tan quân Bốc Dĩ, giết hơn 7000 người[9].

Ở mặt trận phía bắc, Trương Giác chiếm giữ Quảng Tông[10], đánh bại tướng nhà Hán là Đổng Trác. Hán Linh Đế phái Hoàng Phủ Tung tới thay Đổng Trác. Lúc ông tới nơi thì Trương Giác đã lâm bệnh mất, em là Trương Lương lên cầm quân.

Hoàng Phủ Tung giữ vững trận thế, chờ khi quân Trương Lương lơi lỏng mới bất ngờ tập kích quân Khăn Vàng lúc rạng sáng khiến quân địch không kịp trở tay, giết 7 vạn quân địch; có hơn 5 vạn quân Khăn Vàng nhảy xuống sông chết đuối[8]. Ông thiêu hủy hơn 3 vạn xe quân nhu của quân Khăn Vàng. Quân chủ lực Khăn Vàng tan vỡ. Hoàng Phủ Tung tìm đến mộ Trương Giác, sai quân băm xác, chặt đầu mang về Lạc Dương dâng lên Hán Linh Đế.

Tháng 11 năm 184, một người em khác của Trương Giác là Trương Bảo chạy về Hạ Khúc Dương[11]. Hoàng Phủ Tung mang quân đuổi theo, lệnh cho Thái thú Cự Lộc là Phùng Dực cùng hợp lực truy kích. Ông đại phá quân Khăn Vàng ở Khúc Dương, bắt được Trương Bảo mang chém. Số quân Khăn Vàng bị giết hàng chục vạn người, được chôn chung ở phía nam thành Hạ Khúc Dương thành ngôi mộ rất lớn (kinh quan)[8].

Cả ba anh em Trương Giác đều chết, lực lượng Khăn Vàng bị dẹp. Nhờ có công, Hoàng Phủ Tung được thăng làm Tả quân Kỵ tướng quân, Châu mục Ký châu, tước Hòe Lý hầu, thực ấp 8000 hộ.

Thăng trầm trong hoạn lộ

[sửa | sửa mã nguồn]

Lĩnh chức ở Ký châu, Hoàng Phủ Tung tâu lên Hán Linh Đế xin miễn 1 năm thuế cho dân Ký châu để nuôi dưỡng người nghèo đói. Linh Đế đồng ý. Vì việc này, ông được nhân dân trong vùng ca ngợi[12]:

Thiên hạ loạn to chừ, chợ trống không
Mẹ không giữ được con chừ, vợ mất chồng
May có Hoàng Phủ Tung chừ, được an cư

Do có công trấn áp Khăn Vàng, uy danh của Hoàng Phủ Tung rất cao. Lúc đó triều đình nhà Hán ngày càng đổ nát. Diêm Trung người Hán Dương khuyên ông nên nắm cơ hội đó tự lập làm hoàng đế nhưng ông không nghe theo[12].

Cuối năm 184, ở Hoàng Trung[13], Bắc Cung Bá Ngọc và Tiền Linh Khương khởi binh chống nhà Hán, tôn Biện Chương và Hàn Toại làm tướng. Quân Hàn Toại, Biện Chương đánh giết Hiệu úy hộ Khương là Linh Chủy và Thái thú Kim Thành là Trần Ý.

Năm 185, Biện Chương và Hàn Toại mang quân Tây châu uy hiếp khu vực Tam Phụ gần Trường An. Hoàng Phủ Tung được lệnh từ Ký châu về, cùng Đổng Trác đi dẹp loạn. Hoàng Phủ Tung đang đánh nhau với quân Hàn Toại chưa phân thắng bại, hoạn quan Trương Nhượng (một trong Thập thường thị) đi thị sát, đòi Hoàng Phủ Tung hối lộ 50 triệu quan tiền[14]. Hoàng Phủ Tung không cho. Trương Nhượng bèn về vu cáo với Linh Đế rằng Phủ Tung đánh Khăn Vàng không hề có công lao, lại lãng phí tiền công quỹ. Hán Linh Đế tin lời hoạn quan, bèn hạ lệnh thu hồi ấn Tả xa kỵ tướng quân của ông, tước hết thực ấp 8000 hộ, đổi phong làm Đô hương hầu. Lực lượng của Biện Chương, Hàn Toại vì vậy cát cứ ở Tây châu không bị dẹp. Còn Đổng Trác lại được phong làm Phá lỗ tướng quân[15].

Giải vây Trần Thương

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 188, Hàn ToạiMã Đằng sai Vương Quốc kéo quân đến bao vây Trần Thương. Tình hình nguy cấp, Hán Linh Đế lại vội vã trọng dụng Hoàng Phủ Tung, phong ông làm Tả tướng quân, cùng Tiền tướng quân Đổng Trác mang rất nhiều binh mã tới giải vây[16]. Đổng Trác chủ trương ra quân đánh địch mau nhưng Hoàng Phủ Tung không theo, cho rằng thành Trần Thương bền chắc, chỉ cần cố thủ chờ thời cơ. Vương Quốc đánh hơn 80 ngày không hạ được, cuối cùng phải giải vây rút lui vào đầu năm 189.

Hoàng Phủ Tung mang quân truy kích, Đổng Trác can ngăn cho rằng quân địch đông không nên đuổi. Hoàng Phủ Tung quả quyết quân Tây châu chỉ mải rút lui không phòng bị nên không đáng sợ, bèn tự mình đi đầu, sai Đổng Trác đi đoạn hậu. Kết quả Hoàng Phủ Tung liên tiếp thắng lợi, đại phá quân Vương Quốc, giết hơn 1 vạn người. Đổng Trác xấu hổ và tiếc nuối cơ hội lập công nên trong lòng thù hận ông[17].

Thời Hán Hiến Đế

[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu năm 189, Hán Linh Đế bệnh nặng. Ngoại thích Hà Tiến giữ chức Đại tướng quân điều hành triều chính. Hà Tiến muốn lấy lòng Đổng Trác bèn phong Trác làm Châu mục Trịnh châu và lệnh giao quân đội cho Hoàng Phủ Tung. Tuy nhiên Đổng Trác không nghe lệnh, mang theo quân đội đến Tinh châu[16].

Cháu Hoàng Phủ Tung là Hoàng Phủ Lệ đề nghị ông ra quân đánh Đổng Trác vì dám chống lệnh triều đình. Ông cho rằng nên tâu trước xin lệnh. Hà Tiến bèn sai sứ trách mắng Đổng Trác, vì vậy Trác càng thù hận ông[17].

Tháng 4 năm 189, Hán Linh Đế qua đời, Hán Thiếu Đế lên thay. Đổng Trác được Hà Tiến mời vào kinh đô Lạc Dương trừ hoạn quan, nhân Tiến đã bị giết bèn khống chế triều đình, phế Thiếu Đế, lập Hán Hiến Đế.

Hoàng Phủ Tung bất bình với Đổng Trác, phản đối hành động chuyên quyền. Đổng Trác triệu tập Hoàng Phủ Tung, sai ông làm hiệu úy cổng thành và tìm cơ hội giết ông. Ông sắp đi nhận chức, Trưởng sử Lương Diễn khuyên ông nên phối hợp với Viên Thiệu khởi binh đánh Đổng Trác, nhưng ông không nghe theo[17].

Khi ông đến nhận chức, viên quan chủ quản theo lệnh Trác, tâu lên triều đình vu tội cho ông, đề nghị mang xét xử, khép ông vào tội chết. Con trai ông là Hoàng Phủ Kiên Thọ có quan hệ với Đổng Trác, từ Trường An chạy về Lạc Dương nhờ cậy Trác, xin tha cho ông. Giữa lúc tiệc lớn, nhiều người cũng nói hộ cho Hoàng Phủ Tung. Đổng Trác bằng lòng sai thả Hoàng Phủ Tung, bổ nhiệm làm Thị lang. Sau đó ông được thăng làm Ngự sử trung thừa.

Năm 191, Đổng Trác bị các chư hầu do Viên Thiệu cầm đầu đánh bại, mang vua Hiến Đế bỏ Lạc Dương về Trường An.

Năm 192, Đổng Trác bị Vương DoãnLã Bố giết chết. Vương Doãn tâu với Hán Hiến Đế phong ông làm Chinh tây tướng quân, phái ông mang quân đến nơi ở của Đổng Trác tại My Ổ, tịch biên toàn bộ tài sản và giết cả họ Đổng Trác, trong đó có mẹ và em Đổng Trác là Đổng Mân[18].

Bộ tướng của Đổng Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ mang quân báo thù, đánh vào Trường An giết Vương Doãn, đuổi Lã Bố, trở thành quyền thần mới nắm vua Hiến Đế. Hoàng Phủ Tung không bị Lý và Quách trả thù, được đổi phong làm Xa kỵ tướng quân, rồi sau đó thay Mã Nhật Đê làm Thái úy[19]. Hiến Đế trong tình thế bị Lý Thôi chèn ép đã dựa vào ông cùng các lão thần như Triệu Khiêm, Dương Bưu, Mã Nhật Đê, Triệu Trung, Chu Tuấn kiềm chế một phần uy thế của Lý và Quách. Trong thời gian tại chức, ông làm việc cẩn trọng, tôn trọng kẻ sĩ nên được mọi người khen ngợi[20].

Được mấy tháng sau, vì có hiện tượng thiên văn có sao băng, triều đình cho là điềm không hay nên cách chức Hoàng Phủ Tung[20]. Sau đó, ông lại được gọi ra làm Quang lộc đại phu và Thái thường.

Năm 195, giữa lúc xung đột Lý Thôi, Quách Dĩ bùng nổ khiến triều chính nhà Hán nghiêng ngả, Hoàng Phủ Tung lâm bệnh qua đời. Ông được truy tặng làm Phiêu kỵ tướng quân.

Nhận định

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong cuộc chiến dẹp Khăn Vàng, hầu hết các chiến thắng của quân triều đình ngoài mặt trận là do công lao của Hoàng Phủ Tung. Do có công dẹp Khăn Vàng, Hoàng Phủ Tung được xem là vị danh tướng cuối cùng của nhà Đông Hán[8]. Những viên tướng cuối thời Đông Hán sau Hoàng Phủ Tung cũng có những người nổi danh như Viên Thiệu, Tôn Kiên, Công Tôn Toản, Lã Bố, Tào Tháo… nhưng đều trở thành quân phiệt cát cứ hoặc kiến lập triều đại mới. Còn Hoàng Phủ Tung trong những năm cuối sự nghiệp sống trong loạn lạc nhưng vẫn tận tâm vì nước, không có mưu đồ riêng[21].

Hoàng Phủ Tung tính tình nhân ái cẩn thận, làm việc tận tụy. Trong thời gian đương chức, ông đã tấu trình, khuyên can hoặc có công giúp vào việc có ích tổng cộng hơn 500 lần[21].

Trong lúc cầm quân, ông yêu thương sĩ tốt nên được lòng mọi người. Ông thường ăn cơm sau quân sĩ. Nếu thủ hạ nhận hối lộ, ông không trách mắng mà còn ban thêm của cải khiến họ xấu hổ hối hận, có người tự sát. Nhiều người ca ngợi tài đức của ông và quy phục ông[21].

Hoàng Phủ Tung được tiểu thuyết này của La Quán Trung đề cập chủ yếu tại hồi 1 và hồi 2 trong quá trình đánh dẹp quân Khăn Vàng. Ông đóng vai trò chủ đạo trong việc cầm quân và đã tiếp xúc với các nhân vật chính của tác phẩm như Lưu Bị, Tào Tháo.

Lần cuối Hoàng Phủ Tung xuất hiện tại hồi 9 khi thanh trừng gia quyến Đổng Trác.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Chu Thiệu Hầu (2003), Tổng tập lược truyện các Tể tướng trong lịch sử Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
  • Lê Đông Phương, (2007), Kể chuyện Tam Quốc, Nhà xuất bản Đà Nẵng
  • Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân (2006), Tướng soái cổ đại Trung Hoa, tập 1, Nhà xuất bản Lao động.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Nay là Nam Cố Nguyên, Ninh Hạ hiện nay
  2. ^ Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 32
  3. ^ Tương đương chức Giám đốc Sở - theo Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 32
  4. ^ Bắc Địa bao gồm hai bên sông Hoàng Hà thuộc Ninh Hạ và dải Khánh Dương thuộc Cam Túc, quận trị thời Đông Hán nằm ở đông nam huyện Linh Vũ
  5. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 446
  6. ^ a b Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 448
  7. ^ Đông bắc huyện Trường Cát, Hà Nam, Trung Quốc
  8. ^ a b c d Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 33
  9. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 449
  10. ^ Phía đông huyện Uy, Hà Nam, Trung Quốc
  11. ^ Phía tây huyện Tấn, Hà Bắc, Trung Quốc hiện nay
  12. ^ a b Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 450
  13. ^ Nay là Hoàng Nguyên, Cam Túc
  14. ^ Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 34
  15. ^ Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 36
  16. ^ a b Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 37
  17. ^ a b c Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 452
  18. ^ Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 53
  19. ^ Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 54
  20. ^ a b Chu Thiệu Hầu, sách đã dẫn, tr 327
  21. ^ a b c Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 454
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Giới thiệu nhân vật Mei - Jigokuraku
Giới thiệu nhân vật Mei - Jigokuraku
Mei là một Tensen trước đây liên kết với Lord Tensen nhưng đã trốn thoát sau khi không đồng ý với phương pháp mở khóa sự bất tử của Rien
Giới thiệu AG Adara - Magenta Meteor Artery Gear: Fusion
Giới thiệu AG Adara - Magenta Meteor Artery Gear: Fusion
Sở hữu năng lực xoá buff diện rộng kèm hiệu ứng Speed Reduction, đặc biệt là rush action cực khủng
Hướng dẫn build đồ cho Neuvillette - Genshin Impact
Hướng dẫn build đồ cho Neuvillette - Genshin Impact
Chỉ kích hoạt các passive khả thi chứ ko phải full sức mạnh của vũ khí, ví dụ như Điển tích tây phong chỉ lấy 2 stack
Nhân vật Tira - Thủ Lĩnh hội sát thủ Ijaniya trong Overlord
Nhân vật Tira - Thủ Lĩnh hội sát thủ Ijaniya trong Overlord
Tira chị em sinh 3 của Tina Tia , khác vs 2 chị em bị rung động bởi người khác thì Tira luôn giữ vững lập trường và trung thành tuyệt đối đối vs tổ chức sát thủ của mình