Nguyễn Khắc Phê | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 26 tháng 4, 1939 |
Nơi sinh | Hương Sơn, Hà Tĩnh |
Nơi cư trú | Thành phố Huế |
Giới tính | nam |
Quốc tịch | Việt Nam |
Đảng chính trị | Đảng Cộng sản Việt Nam |
Nghề nghiệp | nhà văn |
Gia đình | |
Cha | Nguyễn Khắc Niêm |
Anh chị em | Nguyễn Khắc Viện (anh trai) |
Lĩnh vực | văn học |
Sự nghiệp văn học | |
Bút danh | Trung Sơn, Nguyễn Hoàng |
Thể loại | tiểu thuyết, ký, phê bình |
Tác phẩm |
|
Giải thưởng | Danh sách |
Giải thưởng | |
Giải thưởng Nhà nước 2012 Văn học Nghệ thuật | |
Nguyễn Khắc Phê (sinh năm 1939) là nhà văn Việt Nam, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vào năm 2012.
Nguyễn Khắc Phê (bút danh: Trung Sơn, Nguyễn Hoàng), sinh ngày 26 tháng 4 năm 1939. Quê quán: xã Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Học hết cấp 2, Nguyễn Khắc Phê theo người anh ra Hà Nội kiếm sống, làm việc cho một tiệm ảnh bên hồ Hoàn Kiếm, đi bán sách dạo. Năm 1956, ông đăng ký vào học trường trung cấp giao thông - ngành cầu đường rồi làm cán bộ ngành giao thông vận tải trên các công trường cầu đường trong 15 năm.[1] Thời gian này ông tham dự khoá 3 trường Bồi dưỡng viết văn trẻ (1969-1970).
Từ năm 1974, Nguyễn Khắc Phê chuyển về Hội Văn nghệ Quảng Bình rồi Bình Trị Thiên. Ông có nhiều năm làm Phó tổng biên tập, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên – Huế. Chủ tịch Chi hội nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên – Huế.[2]
Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1977.
Hiện ông sống tại thành phố Huế.
Năm 1955, Nguyễn Khắc Phê viết truyện ngắn đầu tiên; năm 1959, ông có bài ký đầu tiên "Những người đi tiên phong" đăng trên báo Văn học (nay là Báo Văn nghệ); Trong sự nghiệp sáng tác của mình, giao thông vận tải vẫn là mảng đề tài lớn của Nguyễn Khắc Phê. Đó là các tác phẩm: "Vì sự sống con đường" (Ký sự, 1968), "Đường qua làng Hạ" (tiểu thuyết, 1976), "Đường giáp mặt trận" (tiểu thuyết, 1976; tái bản 1985, 2011), "Chỗ đứng người kỹ sư" (tiểu thuyết, 1980, tái bản 2011), "Miền xa kêu gọi" (tiểu thuyết, 1985).[3] Kế đó là các tập tiểu thuyết “Những cánh cửa đã mở” (1986, tái bản 2006, 2014); “Nếu được chết thay em” (1989); “Mười ngày và cả mười năm (1997, tái bản 2008); “Thập giá giữa rừng sâu” (2003); “Biết đâu địa ngục thiên đường” (2010, tái bản 2011)... đã làm nên một gia tài lớn của Nguyễn Khắc Phê.[1]
Đến nay, Nguyễn Khắc Phê đã có 25 cuốn sách được xuất bản, 1.000 bài báo được in trên các báo, giành nhiều giải thưởng báo chí, văn học. Mới đây nhất, ông còn có thêm các quyển: Chuyện cũ nghĩ thêm - trò cười nên bớt (tạp văn - 2021); Những trang sách thức tỉnh con người (tuyển, 2022); Đường đời muôn nẻo (tạp bút, phê bình, 2023).[4]
Năm 2012, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với cụm tác phẩm: Đường giáp mặt trận (tiểu thuyết); Những cánh cửa đã mở (tiểu thuyết).[5]
Nguồn: [2]
Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889 - 1954), một quan Đại thần Triều Nguyễn, từng là Tham tri Bộ Hình, Phủ Doãn Thừa Thiên, Quyền Tổng đốc Thanh Hóa. Người anh đầu của ông là bác sĩ, nhà văn, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện (1913 - 1997), người được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhất và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ vào năm 2000.[3]