![]() | Trang hay phần này đang được viết mới, mở rộng hoặc đại tu. Bạn cũng có thể giúp xây dựng trang này. Nếu trang này không được sửa đổi gì trong vài ngày, bạn có thể gỡ bản mẫu này xuống. Nếu bạn là người đã đặt bản mẫu này, đang viết bài và không muốn bị mâu thuẫn sửa đổi với người khác, hãy treo bản mẫu {{đang sửa đổi}} .Sửa đổi cuối: CVQT (thảo luận · đóng góp) vào 0 giây trước. (làm mới) |
Đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam là các tổ chức, đơn vị do các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam thành lập ra nhằm cung cấp các dịch vụ công và thực hiện một hay một số chức năng quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật nước này. Tại Việt Nam, hầu hết các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đều có các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ cho các mục đích quản lý.
Theo quy định tại Luật Viên chức Việt Nam, đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được gọi là viên chức.[1]
Đơn vị sự nghiệp công lập có con dấu và tài khoản riêng.[2] Theo phân loại, có hai loại đơn vị sự nghiệp công lập gồm: đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ và đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ. Các quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các nhóm lĩnh vực như tài chính, nhân sự, tổ chức bộ máy và thực hiện nhiệm vụ.[1] Ngoài ra, căn cứ vào khả năng tự chủ tài chính, các đơn vị sự nghiệp công lập còn có thể chia thành 4 nhóm như: tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tự bảo đảm chi thường xuyên; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.[2]
Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong tất cả các lĩnh vực kinh tế–xã hội, an ninh, quốc phòng.[3] Tại các cấp hành chính của Việt Nam từ trung ương đến cấp xã đều có các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ cho việc hoạt động các lĩnh vực kinh tế–xã hội như trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, bảo tàng, trung tâm thể dục thể thao,... Theo Quyết định 181/2005/QĐ–TTg năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, có 11 hạng xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập, gồm hạng đặc biệt và từ hạng một đến hạng 10.[4]
Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ Việt Nam, ở thời điểm năm 2015, nước này có 55.404 đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2021 giảm còn 47.984 đơn vị,[5] và đến năm 2023 còn 46.385 đơn vị.[6] Thống kê cũng chỉ ra ở thời điểm năm 2021 có 1,76 triệu viên chức, trong đó khoảng 68% là nữ và 76% có trình độ từ đại học trở lên.[7] Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và y tế chiếm tỷ lệ lớn nhất, vào năm 2016 thì con số lần lượt là 72,08% và 10,62%.[8] Đối với nhân lực làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, theo Tổng cục Thống kê tỷ lệ lao động hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục chiếm phần lớn với khoảng 70% năm 2020.[9][8]
Về vấn đề tài chính, theo một thống kê của Bộ Tài chính Việt Nam vào năm 2021, 74,7% số đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam vẫn do nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; trong khi số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc cả chi thường xuyên và chi đầu tư chỉ chiếm khoảng 6,6%.[10] Một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần được ban hành năm 2015 nhưng trong giai đoạn 2017–2020, thì tỷ lệ đơn vị đã chuyển đổi thành công ty cổ phần chỉ đạt 14,5%, cũng theo một báo cáo của Bộ Tài chính nước này.[11]