Hạ Tề

Hạ Tề
賀齊
Tướng
Tên chữCông Miêu (公苗)
Binh nghiệp
Phục vụĐông Ngô
Cấp bậcTướng
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
thế kỷ 2
Nơi sinh
huyện Sơn Âm, quận Cối Kê
Mất227
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Khánh Phụ
Hậu duệ
He Da
Nghề nghiệpchính khách
Quốc giaĐông Ngô
Quốc tịchTrung Quốc
Thời kỳThời Tam Quốc

Hạ Tề (chữ Hán: 賀齊; ?-227) là tướng nhà Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Hạ Tề tên tự là Công Miêu (公苗), người huyện Sơn Âm quận Cối Kê. Họ Hạ vốn là họ Khánh. Bác ruột của Hạ Tề là Khánh Thuần là nhà Nho có tiếng tăm, vào thời Hán An Đế làm Thị trung, Thái thú Giang Hạ, vì tránh tên húy cha của An Đế là Thanh Hà vương Lưu Khánh nên đổi sang họ Hạ. Cha Hạ Tề là Khánh Phụ, làm trưởng huyện Vĩnh Ninh.

Quan huyện ở Cối Kê

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời trẻ, Hạ Tề làm quan trong quận, giữ chức Diệm Trưởng. Có viên quan trong huyện là Tư Tòng càn rỡ làm việc ác, Hạ Tề muốn bắt trị tội hắn, quan Chủ bạ can ngăn không nên, vì người này có nhiều vây cánh với người Sơn Việt.

Hạ Tề không nghe, cứ đi chém Tòng. Phe đảng của Tòng bèn tụ họp với nhau, có đến hơn nghìn người, đem quân đánh huyện. Hạ Tề đem quan dân mở cửa thành ra đánh, đại phá bọn chúng, làm kinh động cả vùng người Sơn Việt. Sau đó dân các huyện Thái Mạt, Phong Phố nổi lên chống lại, ông chuyển làm huyện trưởng Thái Mạt, giết kẻ ác, giúp người tốt, một tháng thì dẹp xong.

Giúp họ Tôn dẹp yên Giang Đông

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 196, Tôn Sách đến Giang Đông dựng nghiệp, xét cho Hạ Tề trúng Hiếu liêm. Tôn Sách đuổi đánh thái thú Cối Kê là Vương Lãng (cùng phe Lưu Do) đang trốn đến ở Đông Dã, trưởng huyện Hầu Quan là Thương Thăng giúp Lãng dấy binh. Tôn Sách sai trưởng huyện Vĩnh Ninh là Hàn Yến lĩnh chức Nam bộ Đô úy, đem quân đánh Thăng, lấy Hạ Tề làm trưởng huyện Vĩnh Ninh.

Hàn Yến đánh Thăng bị thua trận, Hạ Tề lại thay Yến làm việc quan Đô úy. Thương Thăng sợ uy danh của Hạ Tề, sai sứ đến thề ước xin hòa. Hạ Tề nhân đó khuyên dụ, Thương Thăng bèn ra trại xin hàng. Nhưng đồng đảng của Thăng là Trương Nhã, Chiêm Cương không muốn hàng theo Thăng hàng, cùng nhau giết Thăng. Trương Nhã xưng là Vô thượng Tướng quân, Chiêm Cường xưng là Thái thú Cối Kê. Do quân ít hơn bên địch, Hạ Tề dừng quân nghỉ ngơi. Nhân lúc Trương Nhã cùng con rể là Hà Hùng tranh chấp với nhau, Hạ Tề lập kế ly gián. Sau đó ông lại đến đánh, một trận phá được Trương Nhã. Quân của Chiêm Cường sợ hãi, dắt nhau ra hàng[1].

Tôn Sách mất (200), Hạ Tề phục vụ Tôn Quyền. Các huyện Kiến An, Hán Hưng, Nam Bình lại nổi dậy. Năm 203, Hạ Tề đem quân đến Kiến An, lập phủ Đô úy. Quận phát 5000 quân của các huyện, đều sai các quan huyện trưởng lĩnh quân, dưới quyền của Hạ Tề.

Năm tướng bên địch là Hồng Minh, Hồng Tiến, Uyển Ngự, Ngô Miễn, Hoa Đương đều lĩnh vạn hộ, đóng đồn liền tiếp ở huyện Hán Hưng, đem 5000-6000 hộ ở huyện Ngô đóng đồn riêng ở huyện Đại Trạch, đem 6000 hộ ở huyện Trâu Lâm đóng đồn riêng ở huyện Cái Trúc, lại cùng đến huyện Dư Can, đem quân đánh huyện Hán Hưng.

Hạ Tề cho rằng quân địch ít, vào sâu mà không nối tiếp, sợ bị đánh chặn, do đó sai huyện trưởng Tùng Dương là Đinh Phiên ở lại giữ huyện Dư Can. Đinh Phiên từ chối không chịu ở lại, Hạ Tề bèn chém Phiên, do đó trong quân run sợ, tất cả đều vâng lệnh. Ông chia quân ở lại giữ, đến đánh thắng địch liên tiếp, chém được Hồng Minh trong trận khiến Miễn, Đương, Tiến, Ngự đều ra hàng.

Sau đó Hạ Tề đi đánh huyện Cái Trúc, đem quân hướng đến huyện Đại Trạch, quân nổi dậy ra hàng. Cả thảy đánh dẹp chém 6000 người, bắt sống các tướng địch, lại lập ra huyện ấp, thu nạp được vạn quân. Tôn Quyền phong ông làm Bình đông Hiệu úy.

Năm 205, ông sang đánh huyện Thượng Nghiêu, chia huyện ấy lập ra huyện Kiến Bình.

Năm 208, Hạ Tề chuyển làm Uy vũ Trung lang tướng, đánh các huyện Y, Thiệp của quận Đan Dương. Bấy giờ, người bốn ấp Vũ Cường, Diệp Hương, Đông Dương, Phong Phố hàng trước, Hạ Tề dâng biểu xin lấy ấp Diệp Hương lập thành huyện Thủy Tân. Nhưng tướng địch ở huyện Thiệp là Kim Kì đem vạn hộ đóng đồn ở núi Vạn Lặc, Mao Cam đem vạn hộ đóng đồn ở núi Ô Liêu, tướng ở huyện Y là Trần Bộc, Tổ Sơn đem hai vạn hộ đóng đồn ở núi Lâm Lịch.

Núi Lâm Lịch bốn bề vách đá dựng đứng, cao đến mấy chục trượng, đường hẹp ngăn trở, không vừa đao khiên, quân địch lên chỗ cao ném đá xuống, do đó không đánh lên được. Quân Ngô đóng nhiều ngày, mọi người lo lắng. Hạ Tề tự đi xung quanh, xem xét địa hình, ngầm kén chọn quân khỏe mạnh, tạo ra lưỡi câu sắt, ém nấp ở chỗ hiểm mà quân địch không phòng bị, lấy lưỡi câu móc mà men theo đường, buổi đêm ngầm sai trèo lên, lại bày treo nhiều dây xuống dưới, do đó đem mấy trăm người trèo lên được, bốn bề bủa vây, lại cùng đánh trống thổi tù và. Hạ Tề lĩnh quân đợi, buổi đêm quân địch nghe tiếng trống bốn bề, bảo nhau là đại quân đã lên được hết, sợ hãi rối loạn, không biết làm gì, những kẻ giữ chỗ hiểm đều chạy về. Đại quân nhân đó trèo lên trên, đại phá Trần Bộc, những người còn lại đều hàng phục, cả thảy chém 7000 người[1].

Hạ Tề lại dâng biểu lên Tôn Quyền xin chia huyện Thiệp lập ra các huyện Tân Định, Lê Dương, Hưu Dương, gồm cả huyện Y, huyện Thiệp, cả thảy là sáu huyện. Tôn Quyền bèn chia đặt thành quận Tân Đô, lấy Hạ Tề làm Thái thú, lập phủ ở huyện Thủy Tân, phong thêm chức Thiên tướng quân.

Năm 211, dân ở huyện Dư Hàng quận Ngô là Lang Trĩ hợp lực lượng nổi dậy, có đến mấy nghìn người. Hạ Tề lại ra đánh, liền chém được Trĩ, dâng biểu xin chia huyện Dư Hàng lập ra huyện Lâm Thủy. Khi ông ra lệnh về sở quan, lúc đang về quận, Tôn Quyền ra đón ở đường, bày voi tấu nhạc, ban cỗ xe dùng đôi ngựa khỏe cho Hạ Tề.

Năm 213, dân phía đông quận Dự Chương là Bành Tài, Lý Ngọc, Vương Mai nổi dậy, có đến mấy vạn người. Hạ Tề đến đánh dẹp, giết kẻ đứng đầu, những người còn lại đều hàng phục. Ông chọn người khỏe mạnh vào làm lính, còn lại cho vào sổ hộ. Tôn Quyền chuyển ông làm Phấn vũ Tướng quân.

Năm 215, ông theo Quyền đi đánh quận Hợp Phì của Tào Tháo. Thế trận bất lợi, Tôn Quyền rời quận Hợp Phì rút về, bị Trương Liêu đánh úp ở phía bắc bờ sông, rất nguy cấp. Bấy giờ Hạ Tề đem 3000 quân ở tại bờ nam đón Tôn Quyền. Từ Thịnh bị thương làm rơi cây mâu. Hạ Tề xua quân đánh chặn, lấy được cây mâu mà Thịnh làm rơi. Tôn Quyền rất biết ơn ông[1].

Năm 216, dân ở quận Bà Dương là Vưu Đột nhận ấn thao của Tào Tháo, dụ dân chống Tôn Quyền. Dân các huyện Lăng Dương, huyện Thủy An, huyện Kinh đều ứng theo với Đột. Hạ Tề cùng Lục Tốn đánh phá Đột, chém mấy ngàn người, số còn lại sợ phục, ba huyện của quận Đan Dương đều bình định, thu được 8000 quân tinh nhuệ. Nhờ công đó, ông được phong làm An đông Tướng quân, tước Sơn Âm Hầu, ra giữ ở miền trên sông Giang, trông coi miền Phù Châu lên đến huyện Hoản.

Chống Tào Ngụy

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 220, Tào Phi cướp ngôi nhà Hán lập ra nhà Ngụy, sai Tào Hưu đi đánh Đông Ngô. Hạ Tề vì đường xa mà đến sau, nhân đó đóng quân ở Tân Thị mà ngăn chống. Gặp lúc các quân ở Động Khẩu gặp gió giật mà rơi xuống nước chìm đắm, chết đuối rất nhiều, tướng sĩ Đông Ngô đều lo sợ. Nhờ vào việc Hạ Tề chưa qua sông, quân khỏe vẫn còn, do đó các tướng được dựa vào thế của cánh quân Hạ Tề.

Do tính Hạ Tề thích làm việc quân, các đồ binh khí rất là đẹp đẽ, thuyền che lọng và các đồ binh khí đều vẽ hình đẹp, cung nỏ tên đạn đều làm bằng gỗ tốt, trùm bít các đồ lên trên đầu thuyền, nhìn từ xa như quả núi; vì vậy Tào Hưu thấy cánh quân của ông rất e ngại, dẫn quân về. Tôn Quyền chuyển ông làm Hậu tướng quân, ban Giả tiết, lĩnh chức Từ châu mục[1].

Tướng Ngô là Tấn Tông làm đốc ở Hí Khẩu, đem quân phản Ngô theo Ngụy, được làm Thái thú quận Kì Xuân (thuộc Dương châu), đánh úp huyện An Lạc, bắt lấy quân dân Đông Ngô. Tháng 5 năm 223, Tôn Quyền sai Hạ Tề dẫn các tướng My Phương, Tiên Vu Đan đánh úp quận Kì Xuân, bèn bắt sống được Tấn Tông[2].

Năm 227, Hạ Tề qua đời, không rõ ông bao nhiêu tuổi. Hạ Tề có nhiều công trạng với Đông Ngô, nhưng phần lớn là việc đánh dẹp trong lãnh thổ họ Tôn quản lý, ít tham gia những trận giao tranh với các phe phái quân phiệt bên ngoài. Ông không được La Quán Trung nhắc đến trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]