Đi bão | |
---|---|
Bão đêm năm 2018 | |
Thể loại | Diễu hành chiến thắng, tiệc đường phố |
Tần suất | Thỉnh thoảng, tự phát |
Quốc gia | Việt Nam |
Lần đầu tiên | 4 tháng 12 năm 1995 |
Lần gần nhất | 22 tháng 5 năm 2022 |
Số lượng tham dự (khán giả) | Hàng triệu |
Bão đêm hay đi bão (thường được gọi đơn thuần là bão) là từ chỉ một hiện tượng, một phong trào trình diễn xe và đua xe hàng ngang về đêm trên các tuyến phố hay các địa điểm du lịch của thế hệ trẻ Việt Nam. Bão đêm thường tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Thuật ngữ này thường được sử dụng để chỉ các cuộc tụ tập và ăn mừng lớn của những người hâm mộ bóng đá Việt Nam và thường dân trên các đường phố khắp đất nước để hưởng ứng những chiến thắng lớn của đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Bão đêm thường xảy ra khi hàng triệu người[1][2] diễu hành trên đường phố[3] trong khi vẫy cờ tổ quốc,[4] bấm còi,[5] hát hò, đập xoong nồi và phóng xe máy lạng lách trên đường phố.[6] Trong khi đi bão, những người tham gia cổ vũ, bắt tay và ôm nhau, ngay cả với người lạ.[7]
Bão đêm bắt nguồn từ những sự kiện lớn xảy ra trong nước, hay những ngày lễ lớn của thế giới như Việt Nam gia nhập WTO, Giáng sinh, Quốc khánh... Tuy nhiên, bão đêm lại gắn liền nhiều hơn với việc ăn mừng những thắng lợi lớn của Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam và Đội tuyển bóng đá U-23 Quốc gia Việt Nam khi đánh bại những đối thủ mạnh, đặc biệt là ở các vòng chung kết. Cũng có một số người không biết đi bão nhưng do thấy các băng đảng bão diễu hành trong các trận chung kết bóng đá nên cũng phóng theo. Những chiếc xe máy được gọi là "xế", còn người điều khiển phương tiện để đi bão thường được gọi là "dân bão". Một số dân bão chưa có giấy phép điều khiển phương tiện, tuy nhiên họ đã tụ tập để lập nên những băng đảng bão khác nhau.
Bão đêm đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam là vào năm 1995, khi Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á. Sau trận thắng đầu tiên của Việt Nam trước Malaysia vào ngày 4 tháng 12, người hâm mộ Việt Nam trên cả nước đã đổ ra đường để cổ vũ và ăn mừng. Khi đội tuyển quốc gia tiến xa hơn tại giải đấu, các cuộc tập trung dần đông hơn và kéo dài hơn, đỉnh điểm là Việt Nam kết thúc với vị trí á quân, khi "một biển người" tập trung để chào đón đội tuyển khi họ trở về vào ngày 18 tháng 12.[8] Theo cựu cầu thủ bóng đá Trần Công Minh, toàn đội rất ngạc nhiên và phấn khích trước khung cảnh sôi động và tình yêu của người hâm mộ.[9] Kể từ đó, đi bão đã trở thành một nét đặc trưng và một hoạt động giải trí của người hâm mộ bóng đá Việt Nam.[10]
Sự xuất hiện tiếp theo và cuộc đi bão đầu tiên trên toàn quốc xảy ra vào năm 1998, sau khi đội tuyển quốc gia đánh bại Thái Lan 3-0 trong trận bán kết của AFF Cup 1998.[11][12] Năm năm sau, bão đêm lại xảy ra khi những người hâm mộ tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành khác xuống đường ăn mừng sau khi U-23 Việt Nam giành chiến thắng trong trận bán kết gặp Malaysia ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003 vào ngày 9 tháng 12 năm 2003.[13] Ở AFF Suzuki Cup 2008, đường phố Việt Nam lại một lần nữa trở nên sôi động sau trận thắng Singapore và Thái Lan vào ngày 21,[14] 24,[15] và 28 tháng 12,[16] để ăn mừng chức vô địch đầu tiên của đội tuyển. Một năm sau, vào ngày 14 tháng 12, người hâm mộ cả nước lại ăn mừng chiến thắng 4-1 trước Singapore tại Đại hội thể thao Đông Nam Á 2009,[17] mặc dù sau đó Việt Nam để thua Malaysia trong trận chung kết.
Sau giải đấu này, đội tuyển Việt Nam không gặt hái được thành công nào trong gần 10 năm và các cuộc đi bão cũng không xảy ra cho đến khi U-23 Việt Nam do HLV Park Hang-seo dẫn dắt bất ngờ vượt qua vòng bảng Giải vô địch U-23 châu Á 2018 trước khi đánh bại Iraq vào ngày 20 tháng 1[18] và Qatar vào ngày 23 tháng 1.[19] Những thành công tiếp theo của Park Hang-seo với chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018,[20] tứ kết AFC Asian Cup 2019,[21] chiến thắng ở vòng loại thứ hai World Cup,[22] và Huy chương vàng bóng đá của Đại hội Thể thao Đông Nam Á[23] cũng dẫn đến những màn ăn mừng lớn trên khắp đất nước.
Sau khi đội tuyển bóng đá quốc gia lần đầu tiên giành chức vô địch Đông Nam Á vào tháng 12 năm 2008, đã có ít nhất 4 người thiệt mạng trong đêm ăn mừng, với 183 trường hợp cấp cứu ở TP.HCM và 63 trường hợp bị thương do tai nạn giao thông ở Hà Nội.[24]
Sau trận bão vào ngày 10 tháng 12 năm 2019, 50 vụ tai nạn giao thông đã được ghi nhận với 31 người chết và 35 người bị thương.[25]
Nhà báo Nguyễn Lưu từng chỉ trích hành vi đi bão trên đường phố, gọi đó là "văn hóa hâm mộ lệch lạc" và là dấu hiệu của "dân trí thấp".[26]
Ngay sau Giải vô địch U-15 WAFF 2021, giải đấu Yemen vô địch khi đánh bại Ả Rập Xê Út sau các cú phạt đền, bão đường phố bắt đầu diễn ra trên khắp Yemen với hàng nghìn người Yemen tràn xuống đường phố trên khắp cả nước để ăn mừng, thể hiện sự đoàn kết hiếm hoi của người dân Yemen, được chúc mừng bởi Tổng thống Yemen lúc bấy giờ, Abdrabbuh Mansur Hadi, trong bối cảnh nội chiến Yemen đang diễn ra.[27][28]