Sơ đồ phân bố các sắc tộc Thái | |
Khu vực có số dân đáng kể | |
---|---|
Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Lào, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Singapore | |
Ngôn ngữ | |
Ngữ hệ Thái-Kadai | |
Tôn giáo | |
Phật giáo nguyên thủy, vật linh |
Các sắc tộc Thái hay các sắc tộc Thái-Kadai là cụm từ được sử dụng để nói một cách tổng thể về một số các nhóm sắc tộc ở miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á, trải dài từ đảo Hải Nam tới miền đông Ấn Độ và từ miền nam Tứ Xuyên tới Lào, Thái Lan, một phần Việt Nam, với ngôn ngữ sử dụng thuộc ngữ hệ Thái-Kadai và chia sẻ một số các truyền thống cùng lễ hội tương tự, bao gồm cả Songkran (Lễ đón năm mới của các sắc tộc Thái).[1] Mặc dù chưa bao giờ có một nhà nước dân tộc thống nhất của chính họ, nhưng các dân tộc này cũng có sự chia sẻ lịch sử về ý tưởng mơ hồ về "nhà nước Siam", hay biến thể thành "nhà nước Shan" hay "nhà nước Assam" ở một số nơi, và phần lớn các dân tộc này đều tự nhận mình là "người Thái" (Tai hoặc Thai trong văn liệu chữ Latin).
Nghiên cứu ngôn ngữ học so sánh dường như chỉ ra rằng các sắc tộc Thái là những hậu duệ của một nền văn hóa nói tiếng Tiền Thái-Kadai ở miền nam Trung Quốc và họ nguyên thủy có thể là hậu duệ của người Nam Đảo (Austronesia) gốc ở Đài Loan.[2]
Trước khi đến sinh sống tại Trung Hoa lục địa, người ta cho rằng người Thái đã di cư từ quê hương trên đảo Đài Loan nơi mà họ sử dụng phương ngữ của tiếng Tiền-Nam Đảo (proto-Austronesia) hay một trong các ngôn ngữ hậu duệ của nó[2]. Sau khi có sự xuất hiện của các nhóm sắc tộc nói các ngôn ngữ Hán-Tạng từ Trung Hoa đại lục trên đảo Đài Loan thì các sắc tộc Thái có lẽ đã di cư vào trong Trung Hoa đại lục, có thể là bằng con đường dọc theo sông Châu Giang, nơi mà ngôn ngữ của họ đã thay đổi lớn về mặt ký tự so với các ngôn ngữ Nam Đảo khác dưới ảnh hưởng của sự pha trộn từ các ngôn ngữ Hán-Tạng và H'Mông-Miền (Miêu-Dao). Sự xuất hiện của người Hán tại khu vực ở miền nam Trung Quốc này có thể đã thúc đẩy các sắc tộc Thái di cư hàng loạt một lần nữa, lần này là về phía tây và tây nam, vượt qua các dãy núi để tiến vào Đông Nam Á[3].
Trong khi giả thuyết này về nguồn gốc của các sắc tộc Thái hiện vẫn là học thuyết chính nhưng vẫn không có đủ các chứng cứ khảo cổ học để chứng minh hay bác bỏ nhận định này và chỉ riêng chứng cứ ngôn ngữ học thì không đủ để đưa ra kết luận. Tuy nhiên, trong sự hỗ trợ tiếp sau này cho giả thuyết này thì người ta tin rằng nhóm đơn bội O1 Y-DNA là gắn liền với cả người Nam Đảo và các sắc tộc Thái. Sự phổ biến của nhóm đơn bội O1 Y-DNA trong số các sắc tộc Nam Đảo và Thái cũng gợi ý về nguồn gốc tổ tiên chung với các dân tộc Hán-Tạng, Nam Á và H'Mông-Miền vào khoảng 35.000 năm trước tại Trung Quốc[4]. Nhóm đơn bội O2a cũng được phát hiện với tần suất cao trong số các dân tộc Thái, và đây là dấu vết mà họ chia sẻ với các dân tộc Nam Á. Các nhóm đơn bội Y-DNA O1 và O2a là các phân nhánh huyết thống của Nhóm đơn bội O Y-DNA, và tự nó lại là phân nhánh huyết thống của nhóm đơn bội K Y-DNA, một đột biến di truyền mà người ta tin rằng đã bắt nguồn từ khoảng 40.000 năm trước tại một khu vực nào đó nằm giữa Iran và miền trung Trung Quốc[5]. Bổ sung cho đặc tính sắc tộc đề cập trên đây thì ông tổ của nhóm đơn bội K có lẽ là tổ tiên của gần như mọi người Melanesia hiện đại và tộc Mông Cổ cùng thổ dân châu Mỹ. Nhóm đơn bội K tự nó là phân nhánh huyết thống của nhóm đơn bội F Y-DNA, mà người ta tin rằng đã bắt nguồn từ Bắc Phi hay Tây Nam Á vào khoảng 45.000 năm trước. Nhóm đơn bội F được coi là gắn liền với làn sóng di cư lớn thứ hai ra khỏi châu Phi đại lục. Bổ sung cho đặc tính sắc tộc đề cập trên đây thì ông tổ của nhóm đơn bội F có lẽ là tổ tiên của mọi sắc tộc Ấn-Âu.
Cấu trúc chính xác của các nhánh huyết thống của các sắc tộc Thái là chủ đề tranh cãi hiện nay của các nhà ngôn ngữ học và các nhà khoa học xã hội khác. Hiện tại vẫn không có sự đồng thuận về vấn đề phân tầng. Tuy nhiên, có sự đồng thuận chung về sự tồn tại của các nhóm khác biệt sau đây:
Các sắc tộc Thái theo dòng lịch sử đã từng cư trú tại Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á lục địa kể từ thời kỳ mở rộng ban đầu của họ. Sự phân bố địa lý chính của họ tại các quốc gia trong khu vực này trông tương tự như một vòng cung mở rộng từ đông bắc Ấn Độ qua miền nam Trung Quốc và kéo dài xuống khu vực Đông Nam Á. Những cuộc di cư tương đối gần đây của các sắc tộc Thái đã đưa một lượng dân số người Thái đáng kể tới Sri Lanka, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, New Zealand, châu Âu, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Argentina và Bắc Mỹ. Sự đa dạng sắc tộc lớn nhất của các sắc tộc Thái có tại Trung Quốc, nơi được coi là quê hương thời kỳ tiền sử của họ.
Do sự đa dạng sắc tộc lớn trong số các sắc tộc Thái "hạt nhân" tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, nên sự phân bố địa lý của mỗi nhóm sắc tộc Thái trong các khu vực này được đề cập trong ba bài tương ứng cho mỗi chủ đề. Các bài về mỗi nhóm sắc tộc riêng rẽ sẽ cung cấp thêm các chi tiết cụ thể.
Người Lê cư trú chủ yếu, nếu như không phải là toàn bộ, trong phạm vi tỉnh Hải Nam của Trung Quốc.
Các sắc tộc Kadai (Khải Đại) tập trung tại khu vực thuộc các tỉnh Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam, Hồ Nam và Hải Nam của Trung Quốc cũng như thuộc các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai và Sơn La của Việt Nam.
Các sắc tộc Kam-Sui tập trung tại Trung Quốc cũng như tại các khu vực cận kề ở miền bắc Lào và Việt Nam.
Trung tâm quần thể người Saek là dọc theo sông Mê Kông ở miền trung Lào. Một cộng đồng nhỏ người Saek sinh sống tại khu vực Isan ở đông bắc Thái Lan, gần biên giới với Lào.
Người Tiêu tập trung tại tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.[8]
Người Lạp Già là một nhóm sắc tộc tập trung tại tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc và các khu vực cận kề thuộc Việt Nam, là hậu duệ của người Dao, nhưng nói tiếng thuộc ngữ hệ Thái-Kadai gọi là tiếng Lạp Già.[6] Những người gốc Dao này có lẽ đã sinh sống trong khu vực chủ yếu là các tộc người nói tiếng Thái và bị đồng hóa tiếng Thái-Kadai thời kỳ đầu (có thể là ngôn ngữ của các tổ tiên của người Tiêu).
Người Lâm Cao là nhóm sắc tộc tập trung tại tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, sử dụng thứ tiếng thuộc ngữ hệ Thái-Kadai gọi là tiếng Lâm Cao.[7] Họ được phân loại như là người Hán trong hệ thống phân loại sắc tộc của Trung Quốc.
Có một cộng đồng người Shan khá lớn tại Sri Lanka. Những người này tới định cư tại Sri Lanka từ Ấn Độ lục địa. Tại các khu vực khác của châu Á, các cộng đồng đáng kể người Thái có thể thấy tại Nhật Bản, Đài Loan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Hoa Kỳ cũng là nơi cư trú của một lượng đáng kể các cộng đồng người Thái, người Lào, Tay Khao, Isan, Lự, Phutai, Tay Đăm, người Thái miền bắc, người Thái miền nam, Tày và Shan. Cũng có một lượng đáng kể người Thái và người Lào sinh sống tại Canada.
Các cộng đồng các sắc tộc Thái đáng kể nhất tại châu Âu là các cộng đồng người Lào tại Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Thụy Sĩ, các cộng đồng người Isan tại Vương quốc Anh và Iceland, các cộng đồng người Thái tại Phần Lan, Iceland và Na Uy, các cộng đồng Tay Đam và Tày tại Pháp, cộng đồng người Thái miền nam tại Vương quốc Anh.
Cũng có một lượng đáng kể người Thái tại Australia, cũng như cộng đồng người Isan tại New Zealand.
Trong thời gian gần đây, một lượng lớn người Lào đã di cư tới Argentina.
Các thứ tiếng mà các sắc tộc Thái sử dụng được gọi chung là ngữ hệ Thái-Kadai. Các thứ tiếng được sử dụng nhiều nhất trong ngữ hệ Thái-Kadai là ngữ hệ Thái, bao gồm tiếng Thái, ngôn ngữ chính thức của Thái Lan, tiếng Lào của người Lào, cũng là ngôn ngữ chính thức của Lào, tiếng Shan ở Myanma và tiếng Choang, tiếng Tày, tiếng Nùng một nhóm các ngôn ngữ ở miền nam Trung Quốc và miền bắc Việt Nam. Các ngôn ngữ này là ngôn ngữ thanh điệu, nghĩa là các thay đổi ở thanh điệu của từ có thể làm thay đổi nghĩa của nó.
Các sắc tộc Thái trong khu vực châu Á kỷ niệm chung một loạt các lễ hội, bao gồm cả năm mới theo lịch của họ, gọi là Songkran, lễ hội mà ban đầu là đánh dấu điểm xuân phân, nhưng hiện nay được kỉ niệm vào ngày 14 tháng 4 hàng năm.
Tư liệu liên quan tới Tai peoples tại Wikimedia Commons