Trang này giải thích một quy định chính thức của Wikipedia tiếng Việt. Nó được đa số các thành viên chấp nhận và được xem là chuẩn mực mà tất cả các thành viên nên tuân thủ. Xin đừng sửa đổi trang này trừ khi sửa đổi của bạn đã được sự đồng thuận. Nếu bạn muốn đề nghị những sửa đổi hoặc hoài nghi về quy định nào đó, xin hãy sử dụng trang thảo luận. |
Quy định chung |
---|
Nguyên tắc |
Quy định về nội dung |
Quy định về cách ứng xử |
Các thể loại quy định khác |
Quy ước |
Xin đừng tấn công cá nhân tại bất cứ chỗ nào ở Wikipedia. Hãy bình luận về nội dung, đừng bình luận về người viết. Việc tấn công người khác không giúp bạn thể hiện được ý kiến của mình; nó chỉ làm tổn thương cộng đồng Wikipedia và làm các thành viên mất hứng thú với việc xây dựng bách khoa thư có chất lượng. Bất cứ ai cũng có thể xoá bỏ các bình luận có tính chất xúc phạm đối với một thành viên nào đó. Hành động tấn công quá mức hoặc lặp đi lặp lại có thể dẫn đến việc người thực hiện hành động bị cấm.
Những người tham gia viết bài thường là thành viên của các cộng đồng đối lập với nhau, và cùng muốn quan điểm của mình được có mặt trong bài viết. Thông qua các tranh luận bằng lý lẽ, những người tham gia viết có thể tổng hợp các quan điểm đó vào một bài viết, và điều này giúp kiến tạo một bài viết tốt hơn, trung lập hơn cho tất cả mọi người. Mỗi người tham gia soạn bài đều là một phần của cùng một cộng đồng lớn hơn – cộng đồng thành viên Wikipedia.
Việc cấm các hành vi tấn công cá nhân áp dụng như nhau cho tất cả các thành viên Wikipedia. Tấn công bất cứ ai đều là hành động không được chấp nhận, kể cả nếu người bị tấn công vốn hành xử ngu ngốc hay thô lỗ, kể cả nếu người đó đang chịu hình thức kỉ luật của cộng đồng. Wikipedia khuyến khích một cộng đồng với thái độ tích cực: người ta phạm lỗi, nhưng họ được khuyến khích rút kinh nghiệm từ các sai lầm và thay đổi hướng thiện. Các tấn công cá nhân đi ngược lại với tinh thần này, gây thiệt hại cho việc xây dựng bách khoa toàn thư Wikipedia có chất lượng hơn.
Để có một thảo luận lịch sự và hiệu quả, các bình luận không nên hướng đến cá nhân, nên hướng đến nội dung và hành động thay vì con người. Tuy nhiên, khi có bất đồng về nội dung, việc nói đến những người viết khác không phải lúc nào cũng là hành động tấn công cá nhân. Một đoạn thảo luận rằng "khẳng định của bạn về X không đúng vì thông tin tại Y", hoặc "đoạn bạn đưa vào bài có vẻ là nghiên cứu chưa công bố", không phải là hành động tấn công cá nhân. Hoặc đôi khi thay vào đó bạn có thể nói rằng "Đoạn được đưa vào bài [DIFF] có vẻ là nghiên cứu chưa công bố". Câu đó cũng không phải tấn công cá nhân, vì nó tránh dùng đến ngôi thứ 2, và DIFF làm rõ thông tin. Tương tự, việc bàn luận về hành vi của một người dùng tự nó không phải là một hành động tấn công cá nhân, nếu nó được hiện diện tại một nơi thích hợp với một thảo luận như vậy (chẳng hạn trang thảo luận người dùng, trang Wikipedia:Tin nhắn cho bảo quản viên).
Các thành viên nên giữ thái độ văn minh lịch sự và tuân theo quy tắc ứng xử khi nói về những bất đồng. Đối với những phát biểu có tính chất khích động, cách phản ứng thích hợp là nói về các vấn đề nội dung thay vì buộc tội người kia vi phạm quy định này. Việc buộc tội ai đó tấn công cá nhân mà không có biện giải cho lời buộc tội đó cũng được xem là một hình thức tấn công cá nhân. (Xem thêm: Wikipedia:Thái độ văn minh.)
Không có một quy tắc khách quan và đóng đối với việc giải nghĩa về cái gì cấu thành một hành động tấn công cá nhân. Nhưng có một số dạng bình luận là tuyệt đối không bao giờ được chấp nhận:
Các ví dụ trên không đầy đủ. Việc lăng mạ hoặc miệt thị người khác là một hành động tấn công cá nhân, bất kể được thực hiện theo kiểu gì. Khi không chắc chắn về khả năng này, hãy bình luận về nội dung bài viết mà không động chạm chút nào đến người viết bài.
Đôi khi, cách ứng xử tốt nhất đới với một hành động tấn công đơn lẻ là không phản ứng gì hết. Wikipedia và các cuộc thảo luận tại đây có thể trở nên căng thẳng đối với một số thành viên mà đôi khi có phản ứng thái quá. Ngoài ra, các thảo luận tại Wikipedia chỉ được thể hiện trên văn bản, phương tiện này truyền đạt các sắc thái và cảm xúc rất kém; điều này có thể dễ dàng dẫn đến việc hiểu nhầm. Tuy rằng các nhân tố này không phải lí do bào chữa cho các hành vi tấn công cá nhân, các thành viên nên lờ đi những lời lẽ cáu giận và vô lối của những người khác khi làm như vậy là có lý, và nên tiếp tục tập trung nỗ lực của mình vào việc phát triển và nâng cao chất lượng của từ điển bách khoa.
Nếu bạn cảm thấy một phản ứng là cần thiết, bạn nên để lại một lời nhắn lịch sự tại trang thảo luận của thành viên kia. Không phản ứng tại trang thảo luận của bài viết; việc này có xu hướng làm cho rắc rối leo thang. Tương tự, điều quan trọng là tránh để chính mình trở nên thù địch và có thái độ đối đầu, hay cả khi có hiện tượng lạm dụng. Tuy rằng, đôi khi các bản mẫu được sử dụng cho mục đích này, một thông điệp tự soạn nói về tình huống cụ thể thường được tiếp nhận tốt hơn. Nếu có thể, hãy cố tìm thoả hiệp hoặc điểm chung về vấn đề nội dung cốt yếu, thay vì tranh cãi về hành vi.
Tấn công cá nhân không bao hàm ngôn ngữ lịch sự dùng để miêu tả về hành động của một thành viên. Và khi được thực hiện mà không nói đến nhân vật, các miêu tả này không nên được coi là tấn công cá nhân. Ví dụ: câu "khẳng định của bạn là một hành động tấn công cá nhân" tự nó không phải là một hành động tấn công cá nhân.
Các tấn công đặc biệt xúc phạm hoặc gây rối (chẳng hạn các đe doạ về vật lý hoặc pháp lý) không nên bị bỏ qua. Những tình huống đặc biệt đòi hỏi các can thiệp lập tức hiếm khi xảy ra, nhưng có thể cần thông báo tại Wikipedia:Tin nhắn cho bảo quản viên.
Đối với các hành động tấn công cá nhân lặp đi lặp lại không có tính chất phá rối nhưng không dừng lại sau khi đã được đề nghị một cách mạch lạc và có lý lẽ, cần giải quyết chúng bằng quy trình giải quyết mâu thuẫn. Đặc biệt khi các tấn công cá nhân xuất phát từ kết quả của các cuộc tranh luận nảy lửa về nội dung bài viết, trung gian hòa giải và quan điểm của bên thứ ba thường là cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn. Trong hầu hết các trường hợp, các vấn đề với tấn công cá nhân có thể được giải quyết nếu các thành viên làm việc cùng nhau và tập trung vào nội dung, và không cần đến can thiệp của bảo quản viên.
Đây cũng là khó khăn với các hành động tấn công lặp đi lặp lại. Chúng ta phải giả thiết rằng kẻ tấn công cũng muốn thỏa hiệp. Với vai trò người soạn bài, tấn công nhau vì muốn có một cuộc thảo luận mạnh mẽ là điều không hợp lý.
Không có quy định chính thức nào về việc khi nào và có nên xóa bỏ đa số các tấn công cá nhân hay không, mặc dù đây đã là chủ đề của nhiều tranh luận. Việc xóa bỏ các tấn công cá nhân rõ ràng khỏi trang thảo luận của chính bạn hiếm khi là điều cần tranh cãi. Tại các trang thảo luận khác, đặc biệt khi đoạn văn bản đó nhằm chống lại bạn, việc xóa bỏ thường chỉ nên giới hạn ở các trường hợp rõ ràng, khi người ta dễ dàng thấy rằng đoạn văn bản đó là hành vi tấn công cá nhân thực sự.
Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt. Những dạng tấn công cá nhân nghiêm trọng nhất, chẳng hạn như cố ý để lộ thông tin cá nhân không được công bố về các thành viên Wikipedia, vượt ra ngoài mức độ của sự công kích thông thường. Do đó, vì lợi ích của cộng đồng và dự án, nó nên bị cắt bỏ, bất kể nó được dùng để chống lại ai. Trong những trường hợp liên quan đến các thông tin nhạy cảm, có thể yêu cầu thực hiện oversight.
Wikipedia không thể quản lý cách cư xử tại một nơi không thuộc quyền kiểm soát của tổ chức Wikimedia, nhưng các hành vi tấn công cá nhân của một thành viên ở nơi khác tạo nên sự nghi ngờ về thiện ý của người này trong các hoạt động trong wiki. Việc một thành viên đăng các tấn công cá nhân hoặc nói xấu ở bên ngoài Wikipedia là hành động có hại cho cộng đồng và quan hệ của thành viên đó với cộng đồng, đặc biệt khi những hành động tấn công đó có hình thức xâm phạm riêng tư cá nhân của một thành viên. Những tấn công như vậy có thể được các bảo quản viên coi là những nhân tố làm trầm trọng thêm vấn đề, và là căn cứ được chấp nhận tại quy trình giải quyết mâu thuẫn, bao gồm cả các vụ cần đến xử lý của Trọng tài.
Đăng liên kết đến các trang ngoài wiki chứa các hành động tấn công, quấy rối, hoặc xâm phạm đời tư những người tham gia soạn thảo Wikipedia nhằm mục đích tấn công một thành viên Wikipedia khác là hành vi không bao giờ được chấp nhận. Không được tấn công, quấy rối, hoặc xâm phạm đời tư của bất cứ ai tham gia soạn thảo Wikipedia thông qua việc đăng liên kết tới trang ngoài. Trong ngữ cảnh này, quấy rối có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở việc đăng liên kết tới các tấn công cá nhân, xâm phạm đời tư, và/hoặc đe dọa bạo lực tại các trang ngoài.
Việc giải nghĩa quy định này rất phức tạp, Xem thêm Wikipedia:Liên kết tới quấy rối bên ngoài để có hướng dẫn về giải nghĩa.