Wikipedia:Công bố thông tin đóng góp được trả thù lao

Đóng góp được trả thù lao trên Wikipedia ngụ ý những sửa đổi trong bất kỳ trang nào để nhận thù lao, bao gồm tiền hoặc các đãi ngộ khác. Nếu một biên tập viên đang nhận thù lao để soạn thảo Wikipedia, biên tập viên đó phải công bố ai là người thuê mình, ai là khách hàng, và bất kỳ vai trò hoặc mối quan hệ hữu quan khác trong trang thành viên, trang thảo luận, hoặc trong tóm lược sửa đổi. Kể cả khi khách hàng là bên trực tiếp trả thù lao cho biên tập viên đó, hoặc biên tập viên đó gián tiếp nhận thù lao từ người thuê thay mặt cho khách hàng, thì họ cũng phải công bố những thông tin này. Việc công bố như vậy là cần thiết nhằm tuân thủ Điều khoản Sử dụng của Wikimedia Foundation. Các biên tập viên nhận thù lao cũng phải dẫn liên kết từ trang thành viên của họ đến bất kỳ tài khoản ở trang web bên ngoài nào mà thông qua nó họ nhận hoặc cung cấp dịch vụ sửa đổi có thù lao. Các bảo quản viên hay điều phối viên không được phép sử dụng đặc quyền quản trị của mình để nhận thù lao.

Những chỉ dẫn dưới đây nhấn mạnh vào sự minh bạch để tránh xung đột lợi ích, và biên tập viên nào không công bố thông tin về các đóng góp được trả thù lao sẽ bị cấm sửa đổi. Họ cũng có thể bị cấm sửa đổi nếu các đóng góp được trả thù lao đó vi phạm các quy định và hướng dẫn của Wikipedia. Những biên tập viên khác có thể báo cáo về những sửa đổi có thù lao nhưng chưa công bố qua các kênh liên lạc cộng đồng của Wikipedia tiếng Việt.

Quy định của Wikimedia Foundation

[sửa | sửa mã nguồn]

Bản Điều khoản Sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu tất cả biên tập viên công bố "người thuê mình, khách hàng, và bất kỳ mối liên quan đến những khoản đóng góp mà qua đó bạn được nhận, hoặc hứa hẹn được nhận, thù lao":[1]

Khoản đóng góp được trả thù lao nhưng không công khai

Điều khoản Sử dụng cấm tham gia vào các hoạt động lừa đảo, bao gồm những giải trình sai lệch về các bên có liên quan, mạo danh và gian lận. Như một phần của nghĩa vụ, bạn phải công khai từng người thuê mình, khách hàng, người chỉ định thừa hưởng và bất kỳ mối liên quan đến những khoản đóng góp mà qua đó bạn được nhận, hoặc hứa hẹn được nhận, thù lao. Bạn phải công khai điều đó bằng ít nhất một trong các cách sau đây:

  • một tuyên bố trên trang thành viên của bạn,
  • một tuyên bố trên trang thảo luận của các đóng góp được trả thù lao, hoặc
  • một tuyên bố trong tóm lược sửa đổi của các đóng góp được trả thù lao.

Luật pháp hiện hành, hoặc các quy định và hướng dẫn của từng Dự án cụ thể và của Wikimedia Foundation, chẳng hạn như giải quyết những xung đột lợi ích, có thể đặt ra thêm hạn chế với các đóng góp được trả thù lao hoặc yêu cầu phải công khai thêm chi tiết.

Một cộng đồng Dự án Wikimedia có thể áp dụng một chính sách công bố thông tin đóng góp được trả thù lao thay thế chính sách này. Nếu một Dự án thông qua một chính sách công bố thông tin thay thế, bạn có thể thực hiện theo chính sách đó thay vì các yêu cầu trong khoản mục này khi đóng góp vào dự án đó. Một chính sách về các khoản đóng góp được trả thù lao thay thế sẽ chỉ có thể thay cho các yêu cầu này nếu chính sách đó đã được chấp nhận bởi cộng đồng Dự án có liên quan và được liệt kê trong trang chính sách công bố thông tin thay thế.

Tính đến thời điểm hiện tại, chính sách trên đang được áp dụng lên Wikimedia Foundation (WMF) và Wikipedia phiên bản ngôn ngữ tiếng Việt, do cộng đồng của dự án này chưa từng có một chính sách công bố thông tin thay thế (xem bên dưới).

Định nghĩa "người thuê [...], khách hàng và [...] mối liên quan"

[sửa | sửa mã nguồn]

Người dùng phải công bố người thuê mình, khách hàng và các mối liên quan đối với bất kỳ khoản đóng góp được trả thù lao nào trên Wikipedia.

  • Người thuê: cá nhân hoặc tổ chức đã trả thù lao trực tiếp hoặc qua trung gian cho một người dùng để người đó đóng góp vào Wikipedia, bất kể người dùng đó đã ký một hợp đồng lao động tự do với người thuê, hoặc không có hợp đồng, hoặc là một nhân viên làm việc hưởng lương của người thuê, hoặc là một nhân viên làm việc hưởng lương của một tổ chức bất kỳ nào khác đóng vai trò trung gian cho người thuê đó.
  • Khách hàng: cá nhân hoặc tổ chức là đối tượng của những sửa đổi đó và đã ủy thác thực hiện những sửa đổi đó; khách hàng thường là chủ thể của bài viết.
  • Mối liên quan: những mối liên hệ hữu quan khác, bao gồm (nhưng không giới hạn) những cá nhân hoặc doanh nghiệp cung cấp văn bản, hình ảnh hay phương tiện khác phục vụ cho việc sửa đổi có thù lao. Nếu một biên tập viên nhận thù lao đang làm việc theo hợp đồng dịch vụ trung gian, "mối liên quan" sẽ bao gồm bất kỳ bên trung gian nào dính líu tới thương vụ (ví dụ như các sàn môi giới lao động trực tuyến).
  • Khoản đóng góp: bất kỳ văn bản nào được thêm vào hay xóa khỏi Wikipedia, bao gồm cả đóng góp trong các trang thảo luận và trang nháp, cũng như các tài liệu mà biên tập viên được trả thù lao nhằm mục đích bổ sung vào hoặc xóa khỏi bài viết của những người khác theo chỉ thị.
  • Thù lao hay trả công hay lợi ích: bao gồm (nhưng không giới hạn) tiền bạc, hiện vật hoặc các ưu đãi dịch vụ.

Ví dụ: nếu ông Khoa PR trả thù lao (bằng tiền hay được hưởng đãi ngộ công việc) cho một biên tập viên để họ viết bài về Công ty dược Toàn Thư, thì ông Khoa PR là người thuê biên tập viên thực hiện khoản đóng góp đó, Công ty dược Toàn Thư là khách hàng, còn thù lao chính là tiền hay đãi ngộ được hưởng. Nếu bạn đã được một công ty quảng cáo thuê để sửa đổi Wikipedia, bạn phải công bố cả thông tin về công ty lẫn khách hàng của công ty đó. Nếu bạn được một tổ chức, dù là thuộc chính phủ hay phi chính phủ, thuê để sửa đổi Wikipedia, bạn phải công bố cả thông tin về tổ chức đó lẫn đối tượng mà tổ chức đó nhắm đến khi thuê bạn sửa đổi.[2]

Thông thường thì người thuê và khách hàng là một, ví dụ: Công ty dược Toàn Thư trực tiếp trả thù lao cho người dùng để viết về công ty của họ, thì Công ty dược Toàn Thư vừa là người thuê vừa là khách hàng. Cũng có những trường hợp "khách hàng" không được xác định, bởi biên tập viên nhận thù lao để sửa đổi theo chỉ thị vào những chủ đề không cụ thể, có thể vì lợi ích tư tưởng hoặc vì lý do khác, nhưng dù cho hoàn cảnh như thế nào thì miễn là một biên tập viên nhận thù lao để sửa đổi, họ bắt buộc phải công bố những thông tin cần thiết có liên quan như quy định ở trên.

Những người dùng tham gia mô hình Wikipedian in Residence đang nhận thù lao phải công bố tổ chức GLAM nào đang trả thù lao cho họ.[2]

Nhấn mạnh bổ sung về đối tượng phải công bố thông tin

[sửa | sửa mã nguồn]

Người dùng được hưởng lợi ích từ các cá nhân hay tổ chức nhất định vì bất kỳ nỗ lực tuyên truyền, xây dựng hình ảnh hay có động cơ nào khác liên quan đến chủ đề mà họ đóng góp trên Wikipedia đều được coi là biên tập viên nhận thù lao, bất luận họ có được trả thù lao cho việc trực tiếp chỉnh sửa Wikipedia hay không. Điều này có nghĩa là, cho dù mục đích trả thù lao không phải nhằm chỉnh sửa Wikipedia, nhưng miễn là các hoạt động tuyên truyền, xây dựng hình ảnh hay có động cơ khác đó dẫn đến việc sửa đổi Wikipedia, thì họ vẫn được xem là biên tập viên nhận thù lao.

Người đang thực tập hay thử việc cũng đồng nghĩa là người được thuê cho mục đích này. Nếu họ đang trực tiếp hoặc có ý định sửa đổi Wikipedia như là một phần của quá trình thực tập hay thử việc, họ cũng phải công bố thông tin giống như những biên tập viên nhận thù lao khác.

Cách công bố

[sửa | sửa mã nguồn]

Biên tập viên nào nhận hoặc hứa hẹn được nhận lợi ích vì những khoản đóng góp của họ phải công bố người thuê mình, khách hàng, và các mối liên quan đối với bất cứ khoản đóng góp nào được trả thù lao. Họ phải làm việc này trong trang thành viên của chính họ, hoặc trong các trang thảo luận của bất kỳ khoản đóng góp nào được trả thù lao, hoặc trong khung tóm lược sửa đổi. Để công bố thông tin trong trang thành viên, có thể dùng bản mẫu {{trả thù lao}} theo hướng dẫn sau: {{trả thù lao|người thuê=tên người thuê bạn|khách hàng=tên khách hàng của bạn}}. Hướng dẫn về xung đột lợi ích thêm vào đó còn khuyên các biên tập viên nên minh bạch rõ ràng mọi đóng góp được trả thù lao trong trang thành viên của họ (xem hướng dẫn trong tài liệu bản mẫu {{trả thù lao}}). Để công bố thông tin trong trang thảo luận của bài viết bị ảnh hưởng, có thể dùng bản mẫu {{đóng góp (trả thù lao) được liên kết}} (xem hướng dẫn trong tài liệu bản mẫu).

Biên tập viên nhận thù lao nào không sẵn lòng công bố ai là người thuê mình, ai là khách hàng và các mối liên quan sẽ không được phép sửa đổi Wikipedia, bất luận họ có từng ký văn bản thỏa thuận bảo mật (NDA) nào với các bên trong thương vụ hay không. Wikipedia không cho phép biên tập viên nhận thù lao giữ bí mật thông tin về người thuê mình, khách hàng và các mối liên quan.

Yêu cầu này cũng áp dụng cho cả tình huống một biên tập viên nhận thù lao để soạn thảo nội dung bên ngoài Wikipedia hoặc trong không gian trang thành viên, để rồi sau đó ủy thác một biên tập viên khác mang nội dung đã soạn thảo vào các không gian bách khoa thay cho mình. Tất cả biên tập viên có liên quan đến tình huống này đều phải công bố mọi thông tin theo yêu cầu ở trên.

Công bố các tài khoản người dùng tại các dịch vụ ngoài Wikipedia và trong Wikipedia

[sửa | sửa mã nguồn]

Điều khoản Sử dụng của Wikimedia Foundation cũng chỉ rõ: [N]ếu bạn đăng tải công khai bên ngoài [Wikipedia] để quảng cáo cho dịch vụ sửa đổi tại Wikipedia nhằm lấy thù lao dưới bất kỳ hình thức nào, bạn phải công khai tất cả các tài khoản Wikipedia mà bạn đã dùng hoặc sẽ dùng cho thương vụ này trong một bài đăng công cộng tại dịch vụ của bên thứ ba. Điều này được giải thích và thực thi như sau: biên tập viên phải cung cấp đường dẫn (liên kết web) đến mọi tài khoản Wikipedia (mà họ sở hữu) tại các trang web hay phương thức liên lạc (như qua thư điện tử) mà biên tập viên đó đang quảng cáo, tiếp thị khách hàng cho dịch vụ sửa đổi Wikipedia có thù lao mà mình đang sử dụng.

Trang thành viên Wikipedia của các biên tập viên nhận thù lao cũng phải cung cấp đường dẫn (liên kết web) đến mọi tài khoản người dùng còn hoạt động trên các trang web mà biên tập viên đó đang sử dụng dịch vụ sửa đổi Wikipedia có thù lao cũng như quảng cáo, tiếp thị khách hàng cho nó. Nếu một tài khoản như vậy bị xóa hoặc gỡ bỏ, bất kỳ đường dẫn (liên kết web) tương ứng nào trên trang thành viên Wikipedia sẽ phải tiếp tục duy trì hiển thị trong ít nhất một tuần.[3]

Sự minh bạch này giúp cộng đồng Wikipedia nắm bắt và phân tích nguồn gốc cũng như phạm vi của những sửa đổi có thù lao, và để đảm bảo rằng phần nội dung đóng góp bởi các biên tập viên nhận thù lao đã tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Wikipedia, trong đó bao gồm sự cảnh giác trước nguy cơ rối thịt (nhất là trong tình huống không phải chỉ có duy nhất một biên tập viên nhận thù lao để tham gia sửa đổi vào một chủ đề cụ thể).

Quảng cáo dịch vụ

[sửa | sửa mã nguồn]

Biên tập viên nhận thù lao không được phép quảng cáo hay quảng bá cho dịch vụ trả thù lao mà họ đang sử dụng trên Wikipedia. Việc công bố thông tin theo yêu cầu của những điều khoản sử dụng này không được coi là quảng cáo hay quảng bá.

Đối với bảo quản viên và điều phối viên

[sửa | sửa mã nguồn]

Các bảo quản viên hay điều phối viên thực hiện sửa đổi có thù lao phải tuân thủ các yêu cầu công bố thông tin giống như mọi người dùng khác và không được phép sử dụng những công cụ đặc quyền của họ để phục vụ cho các sửa đổi có thù lao. Quy định dành cho bảo quản viên đã nêu rõ: Hành động của bảo quản viên kết hợp với sửa đổi được trả thù lao – Không được sử dụng công cụ của bảo quản viên để thực hiện bất kỳ hoạt động sửa đổi nhận thù lao nào, ngoại trừ với tư cách là Wikipedian-in-Residence hoặc trong trường hợp Wikimedia Foundation hay các chi hội của Quỹ là bên trả thù lao. Điều phối viên, vốn sở hữu một số công cụ đặc quyền tương tự, cũng bị cấm thực hiện hành vi này.

Hướng dẫn khi có xung đột lợi ích

[sửa | sửa mã nguồn]

Các sửa đổi có thù lao còn được quy định thêm trong một hướng dẫn cộng đồng: Wikipedia:Xung đột lợi ích. Hướng dẫn này đặc biệt khuyến nghị những người đang có xung đột về mặt lợi ích trong đời thực, bao gồm những biên tập viên nhận thù lao, không trực tiếp sửa đổi những bài viết trong phạm vi ảnh hưởng, nhưng có thể đăng đề xuất nội dung muốn sửa vào trang thảo luận của những bài viết hiện có, hoặc đề xuất nội dung cho một bài viết mới tại Thảo luận Wikipedia:Bài thỉnh cầu.

Trang các câu hỏi thường gặp về bản Điều khoản Sử dụng của Quỹ có khuyên rằng: "[M]ột số dự án có những quy định về xung đột lợi ích khác biệt (hoặc còn nặng nề hơn) so với khoản mục này trong Điều khoản Sử dụng. Những quy định này có thể ngăn cản bạn tham gia các hình thức sửa đổi tình nguyện nhất định, ví dụ: đóng góp vào các bài viết về bản thân."[2]

Báo cáo biên tập viên nhận thù lao nhưng chưa công bố thông tin

[sửa | sửa mã nguồn]

Nếu bạn tin rằng một biên tập viên bất kỳ đang tiến hành sửa đổi để nhận thù lao mà không công bố thông tin theo định nghĩa của chính sách này, hãy báo cáo điều đó tại Wikipedia:Tin nhắn cho bảo quản viên nếu nội dung bạn muốn báo cáo không tiết lộ thông tin cá nhân của biên tập viên đó. Ngược lại, vui lòng gửi thư điện tử đến info-vi@wikimedia.org kèm lý do bạn tin rằng biên tập viên đó đang thực hiện sửa đổi có thù lao và cần phải cung cấp dữ liệu riêng tư.

Thay đổi chính sách này

[sửa | sửa mã nguồn]

Như đã trình bày ở trên, Wikimedia Foundation không bắt buộc mọi dự án Wikimedia áp dụng đúng theo chính sách này, nhưng trong thời gian cộng đồng của một dự án Wikimedia chưa thống nhất được chính sách thay thế, thì chính sách này sẽ áp dụng mặc định lên dự án đó. Dựa trên sự khác biệt về cách hoạt động của từng dự án và những vấn đề thực tế khác có liên quan, đã có một số dự án Wikimedia sửa đổi lại các phần trong chính sách này (theo hướng mạnh hơn hoặc nhẹ hơn), trong khi số khác thậm chí đi ngược lại chính sách bằng việc tuyên bố sẽ không yêu cầu biên tập viên nhận thù lao công bố bất kỳ thông tin nào đối với những khoản đóng góp của họ.

Hiện có hai hướng thay đổi chính sách này.

  • Một chính sách khác có thể khước từ điều khoản công bố thông tin khi được áp dụng tại Wikipedia tiếng Việt và thay thế nó bằng một chính sách mới với các yêu cầu có thể nhẹ hơn hoặc mạnh tay hơn. Đề xuất một chính sách thay thế phải được xác định rõ ràng trong một cuộc thảo luận xin ý kiến công khai (tại phòng thảo luận chung, trang xin ý kiến cộng đồng hoặc tổ chức biểu quyết rộng rãi) rằng sẽ khước từ chính sách của WMF. Sau khi đề xuất được chấp nhận, chính sách mới phải được liệt kê trong trang chính sách công bố thông tin thay thếMeta-Wiki. Cuộc thảo luận xin ý kiến công khai đó phải được tiến hành một cách phù hợp bằng một quy trình dựa trên tiêu chuẩn của sự đồng thuận, được đối xử như khi thiết lập một trong những quy tắc cốt lõi.[1][4]
  • Những thay đổi khác với chính sách này mà không tìm cách khước từ hoặc làm suy yếu Điều khoản Sử dụng là được phép, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của cộng đồng trong việc thêm những nội dung được trả thù lao như vậy.

Khi thảo luận về những thay đổi đối với chính sách, cần thiết tuyên bố rõ bạn có phải là người nhận thù lao để sửa đổi Wikipedia hay không.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b wmf:Terms of Use/vi#4. Tránh làm một số hành động, Wikimedia Foundation. Bản điều khoản đang sử dụng được sửa đổi vào ngày 16 tháng 6 năm 2014 bao gồm phần nội dung này, sau khi đã qua thảo luận rộng rãi. Bản dịch tiếng Việt của Điều khoản Sử dụng có thể chưa được cập nhật, nhưng bản gốc tiếng Anh mới có giá trị khi xảy ra mâu thuẫn hoặc thiếu sót.
  2. ^ a b c Điều khoản Sử dụng/Các câu hỏi thường gặp về khoản đóng góp được trả thù lao nhưng không công khai, Wikimedia Foundation.
  3. ^ meta:Liên kết đến các tài khoản quảng cáo bên ngoài
  4. ^ wmf:Policy:Terms of Use/Frequently asked questions on paid contributions without disclosure § Can a local project adopt an alternative disclosure policy for paid editing?
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Naginata - Vũ khí của Lôi thần Baal
Naginata - Vũ khí của Lôi thần Baal
Trấn của Baal không phải là một thanh Katana, biểu tượng của Samurai Nhật Bản. Mà là một vũ khí cán dài
Yoimiya tệ hơn các bạn nghĩ - Genshin Impact
Yoimiya tệ hơn các bạn nghĩ - Genshin Impact
Để cân đo đong đếm ra 1 char 5* dps mà hệ hỏa thì yoi có thua thiệt
Review Red Dead Redemption 2 : Gã Cao Bồi Hết Thời Và Hành Trình Đi Tìm Bản Ngã
Review Red Dead Redemption 2 : Gã Cao Bồi Hết Thời Và Hành Trình Đi Tìm Bản Ngã
Red Dead Redemption 2 là một tựa game phiêu lưu hành động năm 2018 do Rockstar Games phát triển và phát hành
Một số Extensions dành cho các dân chơi Visual Code
Một số Extensions dành cho các dân chơi Visual Code
Trước khi bắt tay vào cốt thì bạn cũng nên tự trang trí vì dù sao bạn cũng sẽ cần dùng lâu dài hoặc đơn giản muốn thử cảm giác mới lạ